Pema Khandro Rinpoche/ Lê Diễm Chi Huệ Việt dịch
Chúng ta luôn trải nghiệm biến chuyển sinh tử. Chúng ta đau khổ vì sự ra đi của người thân, điều làm thay đổi thực tại của chúng ta. Chúng ta không có sự chọn lựa nào khác, không thể thương lượng, lý giải hoặc phủ nhận. Chúng ta bỗng vụn vỡ và trải qua một cuộc biến chuyển nội tâm lớn đầy khó khăn.
Trước nỗi mất mát đó, chúng ta bắt đầu thật sự suy gẫm ý nghĩa của cái chết. Trong thuật ngữ Tây Tạng có chữ “Bardo”, hay còn gọi là “giai đoạn trung gian”. “Bardo” không chỉ ám chỉ về kiếp sống bên kia thế giới. Nó còn được hiểu một cách đại khái là giai đoạn mà sự sống của chúng ta bị gián đoạn. Trong văn hoá Tây Phương, nó được ví như là sự gián đoạn không lường trước. Sự gián đoạn này còn được gọi là “giai đoạn trung ấm”. Nói một cách chính xác, giai đoạn trung ấm ám chỉ một trạng thái mà chúng ta mất đi thực tại, một thực tại mà chúng ta không có thể chạm đến.
Ai từng trải qua nổi khổ đau như thế này mới hiểu cái chết ảnh hưởng chúng ta thế nào. Chúng ta có cảm giác như bị vùi chôn giữa chết và tái sanh. Chúng ta coi nó như một cú sốc. Trong tâm thái đó, thực tại mà chúng ta đang cố bám vào mất dần và không thể định hướng nó sẽ như thế nào. Không thể tin vào điều gì, không có điều gì chắc chắn hoặc không một điều gì có thể hướng đến mà nếu có thì cũng chênh vênh. Đây là lý do chúng ta bắt đầu hướng vào tôn giáo bởi vì trong tâm trạng mơ hồ, chúng ta cần sự lý giải không chỉ có lý mà còn thâm sâu vượt ngoài vòng lý luận một cách vô tận, và vô niệm. Milarepa cho giai đoạn trung ấm này là một điều kỳ diệu và hát từ hang động của mình rằng: “Cái chậu quý giá chứa đựng mọi báu vật trở thành thầy tôi ngay khi lúc nó bị bể”
Đây là quan niệm Kim Cang Thừa về sinh tử, cũng là điểm chính yếu thứ nhất để hiểu về sự gián đoạn này. Càng hiểu về sự gián đoạn này, chúng ta càng muốn giải thoát khỏi khái niệm thực tại và chấp nhận tất cả mất mát quý giá vụt khỏi tầm tay. Sự gián đoạn diễn ra mọi lúc, từ ngày này qua ngày kia và từ lúc này đến lúc khác. Thật vậy, khi chúng ta nhận ra sự gián đoạn kia là những biến chuyển từ sinh đến tử, chúng ta mới thật sự hiểu khái niệm căn bản của chấp ngã vào bản chất cố hữu của cuộc đời. Chúng ta bắt đầu thấy rằng cái tôi thật sự bị lệ thuộc như thế nào và chúng ta bám víu vào cái mà không có nền tảng gì để bám víu. Những lúc như vậy, nếu chúng ta không còn bám víu vào cái tôi dựa trên bãn ngã và tự tánh, là tâm thái mặc nhiên của chúng ta thì khi đó chúng ta mới có thể bàn đến chuyện tồn tại. Hiện tại, chúng ta vẫn bám víu vào ý nghĩ trường tồn, và điều đó mang đến cho chúng ta cảm thấy thoải mái dù chỉ giả tạo. Như vậy chúng ta mất đi cơ hội hiểu mình là ai.
Cái Tôi Giả Tạo
Nguyên nhân dẫn đến mọi khổ đau bắt nguồn từ chấp ngã vào một hiện hữu không thật, hão huyền. Nhưng điều đó nói lên cái gì? Nếu thật sự chúng ta muốn hiểu thì không có một thùng chứa nào có thể chứa hết thảy những khái niệm bình thường hoặc làm nó dễ hiểu hơn. Những hũ chứa quý giá bị bể nát và tất cả mọi châu báu lăn trên bàn. Trên thực tế chúng ta thực sự biết rằng nó đã bị bể, nên chi việc cố tạo một cái tôi lý tưởng không còn ý nghĩa gì.
Đây là khái niệm “Tánh Không”, được dịch ra nhiều cách khác nhau, phần lớn được biết đến là khái niệm “Hư Vô”, nhưng không có một sự tương quan thật sự nào trong ngôn ngữ của chúng ta, không một ngôn từ hay ý niệm nào có thể biểu đạt khái niệm gián đoạn thực tại này bởi vì “Hư Vô” trong tiếng Anh có nghĩa tiêu cực. Đôi khi “Tánh Không” được gọi là “Hư Không”, “Trống Rỗng”, hay “Vô Biên”. Những người theo hệ phái Cổ Mật như tổ Longchenpa giải nghĩa rằng “Tánh Không” cũng được hiểu một cách tích cực liên quan đến sự hiệu hữu, trong suốt và từ ái. Nhưng trong ý niệm về sinh tử, “Tánh Không” ám chỉ một trải nghiệm trực tiếp về gián đoạn sự sống khi không còn một sự bám víu giả tạo nào.
Dĩ nhiên, ở đây chúng ta không nói đến việc đầu hàng số phận, mà chúng ta nói đến việc rời bỏ cuộc chơi. Chúng ta giữ cái tôi lý tưởng của mình trong một thế giới lý tưởng. Chúng ta tưởng tượng rằng nếu chúng ta có thể điều khiển hoàn cảnh mình hay người khác thì chúng ta sẽ đạt được cái tôi mong muốn và cùng một lúc chúng ta cố giả vờ như chúng ta có tất cả. Đó là một trò chơi mà chúng ta luôn dính mắc vào. Chúng ta cứ trì hoãn chấp chận giây phút hiện tại để theo đuổi một thực tại mà chúng ta nghĩ theo ý tưởng của mình.
Khi chúng ta trải nghiệm sự gián đoạn này, chúng ta chợt nhận ra rằng mình không thể theo đuổi trò chơi đó nữa. Giáo pháp về giai đoạn trung ấm thực chất là nhìn nhận ra giá trị của việc từ bỏ những trò chơi chúng ta đang dính mắc mà không cần do dự giây phút nào. Khi chúng ta ngã bệnh trầm trọng hoặc trong tình trạng hấp hối, chúng ta giao phó mọi sự điều khiển thân thể của mình cho người xa lạ thì bám giữ nó không còn là sự chọn lựa .
Có những lúc phải đối diện với cái chết hoặc việc sinh nở, chúng ta không còn khả năng để chăm chút thể dạng bên ngoài của mình, không có thể đeo đuổi cái tôi lý tưởng của mình. Thực tế là như vậy. Chúng ta chỉ là con người và trong những cuộc khủng hoảng như thế, chúng ta không có đủ năng lực để bám giữ mọi thứ. Khi mọi thứ vụt ra khỏi tầm tay, chúng ta chỉ có thể là chính mình. Mọi giả tạo và theo đuổi vụt tan và cuộc đời trở nên đơn giản
Gía trị từ những giây phút đó khiến chúng ta chiêm nghiệm rằng khi thời điểm đến chúng ta có thể buông bỏ mọi cuộc chơi. Điều còn lại không phải là sự trống trải mà chúng ta sợ hãi – sự trống trải của hư vô, mà đó thực sự là sự hiện hữu. Sự hiện hữu đơn giản còn lại, là hơi thở ra vào, là thức dậy và đi ngủ. Mọi rối rắm tan biến và mọi hoàn cảnh diễn ra chỉ trong giây phút đó. Mọi đeo đuổi vào một thực tại bỗng ngưng lại. Có thể là khi ở trong hoàn cảnh bất ngờ như vậy, chúng ta không thể tự an ủi mình, không thể tự nói với mình là mọi việc sẽ ổn bởi chúng ta quá mệt mỏi để làm vậy. Đó chỉ là sự khởi đầu bởi chúng ta không còn bị dính mắc vào thực tại. Cái bãn ngã mà chúng ta thường đeo đuổi giờ biến mất cùng với sự hiệu hữu và sự mệt mỏi để đeo đuổi nó. Giờ đây là thời khắc mới để tái sinh vào những kiếp sống mới. Một thực tại khác đến với chúng ta trong sự gián đoạn đó nếu chúng ta không chấp nhận cái chết. Thật vậy, nếu chúng ta có chút khái niệm điều gì xảy ra trong giai đoạn trung ấm thì chết là sự giải thoát.
Thực Tại Biến Chuyển
Tục truyền rằng, Karma Lingpa- vị Khai Mật Vương đời thứ mười bốn nghiệm ra một kho tàng giáo pháp quý báu bên triền núi sau khi mất đi người vợ và con cách nhau chỉ vài ngày. Vì ngài đã từng tu tập nên trải nghiệm mất mát đó bùng dậy dòng trí huệ, được miêu tả trong cuốn “Ý Thức Giải Thoát Từ Chuyển Biến Bản Ngã Trong An Tịnh và Thịnh Nộ Của Các Vị Thần”, mà ngày nay Phương Tây gọi là Tử Thi Tây Tạng.
Hành động khai ngộ đó là một giáo pháp chính yếu. Ý niệm về cái chết và sự mất mát là hai người thầy nếu chúng ta chịu đón nhận trải nghiệm về sự gián đoạn thâm sâu này. Như Karma Lingpa, đối diện với cái chết có thể đem đến cho chúng ta hiểu biết cơ bản về sinh tồn một cách phũ phàng không che đậy.
Điều gì sâu xa sau trải nghiệm mất mát? Nếu không có một thực tại cố hữu nào để bám víu, vậy thì thực tại đó thật sự là gì ? Một người nông cạn nhất cũng muốn biết là chúng ta thật sự tìm điều gì ? Đó là tại sao chúng ta cãi nhau với người chúng ta thương yêu về những chuyện vụn vặt vì chúng ta bị điều khiển bởi câu hỏi không có câu trả lời này. Nếu chúng ta thua thì điều gì sẽ xảy ra ? Chúng ta sẽ ra sao ? Nếu chúng ta mất đi mối quan hệ thì sẽ ra sao ? Chúng ta là ai ? Nếu chúng ta không có câu trả lời thì tất cả câu hỏi đó đều trở nên nỗi khắc khoải tạo nên nền tảng cho tất cả mọi hành động và suy nghĩ của chúng ta.
Nếu không có cách đối phó trải nghiệm mất mát, sự gián đoạn trong ý niệm tồn tại thì chúng ta không bao giờ biết kiếp sau mình sẽ là Phật hay là quỷ. Chúng ta là thần thánh tận hưởng các hương hoa trong cung điện kiếp này, và ma quỷ đói khát ở kiếp khác và không thể ăn uống được gì. Thật khó hiểu và cũng thật tuyệt diệu! Điều khó hiểu ở đây thật ra là trí huệ. Con đường chúng ta là để tìm thấy sự hiện hữu trong mỗi trải nghiệm. Trong khái niệm về giai đoạn trung ấm, khi hiện hữu là điều duy nhất còn lại thì chúng ta có tìm kiếm để bám víu vào cái gì là vô nghĩa, trí huệ có thể bị lu mờ; và bỗng nhiên chúng ta chính là sự hiện hữu. Mọi thứ khác lùi lại ngoại trừ điều trước mắt chúng ta. Nhận thức được điều này sẽ giúp chúng ta ý thức được bản chất vô thường và sự hiện hữu mà nó đang sở hữu.
Tóm lại, điểm chính yếu đầu tiên là chấp nhận cái chết. Điều thứ hai là rũ bỏ cái tôi. Và điều thứ ba là nhận thức được rằng trải nghiệm của chúng ta chỉ dựa vào sự hiện hữu đa dạng. Mục đích của chúng ta, những hành giả Kim Cang Thừa là để hiểu nền tảng đó, làm quen với nó và học cách làm thanh thản bản thân để đạt trạng thái an tịnh không cần biết đến điều gì sẽ đến. Khi chúng ta thực tập như vậy và đạt được sự khai ngộ thì mọi thứ sẽ thay đổi. Chúng ta sẽ không bị ràng buộc vào nổi khắc khoải ban sơ đó nữa.
Trải nghiệm mất mát cũng có thể đồng nghĩa với sự giải thoát. Khi chúng ta vượt thoát khỏi gánh nặng tâm lý thường trực, chúng ta mới có cơ hội hiểu thực tại đang hiện hữu. Là một Phật tử, chúng ta hiểu rằng chúng ta chấp nhận luật vô thường, tánh không và sự hiện hữu. Chúng ta bắt đầu chấp nhận mất mát dễ dàng hơn vì chúng ta biết trước sau gì chúng ta cũng sẽ đối diện với nó, và bởi vì chúng ta tỉnh thức. Dĩ nhiên khi cái chết cận kề, chúng ta buông xả thân xác và cuối cùng trải nghiệm sự giải thoát thành một chúng sinh trong cõi trung ấm.
Trò Chơi Trải Nghiệm
Longchepa mô tả điểm chính yếu thứ tư như là một sự đồng nhất vi diệu, sự thật của sự tồn tại nơi mà tâm thức và tất cả những thứ khác đều thuần khiết”. Điểm thứ tư nói một cách đơn giản là tất cả những gì xảy ra với nỗi mất mát kia chỉ là một trò chơi. Thinley Norbu Rinpoche viết rằng: “ Cá chơi trong nước. Chim chơi trên bầu trời. Chúng sinh bình thường chơi trên mặt đất. Chúng sinh siêu phàm chơi với nhiều hóa thân.” Nói nôm na rằng, nơi mà chúng ta có thể rũ bỏ mọi cuộc chơi thì chúng ta sẽ cảm thấy được giải thoát bởi chúng ta hiểu rằng mình không cần chơi nữa. Khi người thân ra đi, chúng ta có thật sự thấy rằng tất cả đều giả tạo và không gian hiện hữu trở nên thật biết bao! Có thể chúng ta muốn truy tìm mọi thứ, muốn biết điều gì thật và điều gì giả. Đó là cái hay của việc không bám víu vào thực tại. Nếu chúng ta biết cách làm gián đoạn thói quen bám vào ý nghĩ trường tồn thì hãy buông bỏ chúng, không cần đợi đến lúc người thân chúng ta ra đi, hoặc nhận giấy chẩn đoán bệnh giai đoạn cuối, hoặc trên giường bệnh. Lúc đó chúng ta trở nên sáng tao. Đó là dòng năng lượng mà Longchenpa trải nghiệm: “Trong tôi chỉ còn lại sự sáng tạo, thuần khiết và hiện hữu hoàn toàn, y như tự tánh của chính nó. Tất cả chỉ còn là sự hiệu hữu của tôi. Mọi thứ xảy ra chỉ là suy diễn từ tâm thức.”
Sau giai đoạn trung ấm, chúng ta lại bắt đầu một kiếp sống mới với ý thức về trung ấm. Rõ ràng là chúng ta không biết về kiếp sống mới và chúng ta cũng không còn liên hệ với kiếp sống đã qua. Chỉ có sự hiện hữu. Kiến thức chúng ta thu thập ở gian đoạn trung ấm vượt ngoài những quan tâm vụn vặt và những ảo giác bởi tất cả những gì chúng ta va chạm. Chúng ta ý thức sự hiện hữu và chấp nhận vô thường. Khi chúng ta quán chiếu trạng thái này và ý thức rằng bám víu là vô ích, thì chúng ta có thể tiếp nhận nhiều kiến thức bổ ích. Chúng ta đánh mất ảo giác, chỉ biết yêu thương và sống trong hiện tại mà không sợ mất mát gì bởi trong giây phút hiện tại đó, điều quan trọng nhất cũng đã mất đi.
Quan niệm Kim Cang Thừa về sinh tử và tái sanh không chỉ về vấn đề chuẩn bị cho cái chết, hay đối diện với mất mát người thân với các nghi thức tụng niệm, hay suy nghĩ đúng đắn về sự thương tiếc. Nó là thông điệp cho chính bãn ngã của chúng ta, được gửi đến một cách thuần khiết nhất. Nó chỉ cho chúng ta thấy điều gì sẽ xảy ra sau khi chúng ta từ giã cõi trần. Điều thấm thía nhất về nỗi mất mát người thân là sau khi họ ra đi, cuộc đời trôi, vẫn trôi.
Chết liên quan đến việc tái sanh . Thân trung ấm sẽ đưa đến gian đoạn kế tiếp. Nếu chúng ta chiêm nghiệm được sự chuyển thức giữa cái chết và sự tái sinh trong đời sống thì chúng ta có thể hiểu giá trị của giai đoạn trung ấm, một sự gián đoạn khiến mọi chuyển động rõ ràng, sự im lặng làm cho mọi âm thanh sống động, sự kết thúc làm chúng ra hiểu rõ rằng chỉ là sự khởi đầu. Vô thường không chỉ biểu hiện sự mất mát. Nó là sự bắt đầu của giây phút hiện tại và đầy sáng tạo.
Thông thường có ba dạng tái sanh. Dạng tái sanh thông thường nhất là chúng ta sẽ mang theo tất cả nghiệp quả gặt hái trong đời sống trước đây vào kiếp sống sau khi tái sanh. Dạng tiếp theo là tái sanh của các bậc cao tăng để giúp cho chúng sinh trong đời này như đức Đạt Lai Lạt Ma và Đại Bảo Pháp Vương. Nhưng cũng có một dạng tái sanh khác là các vị Phật hóa thân thành nhiều chúng sinh khác nhau như các hình ảnh trong kinh Hoa Nghiêm. Một vị Phật biến hóa thành nhiều vị Phật và từ nhiều vị Phật biến hóa thêm nhiều vị Phật khác để giúp chúng sanh ở nhiều cõi giới trong vũ trụ. Đây thật sự là lòng từ bi, đáp ứng mọi sự thống khổ của chúng sinh.
Đó là kiếp sống sau khi chết mà hành giả Kim Cang Thừa nên tập quán chiếu trong lúc tập yoga. Tập rũ bỏ cái tôi của mình để tỉnh thức ngay trong giây phút đang hiện hữu, là sự khát khao, là biến chuyển đầy sáng tạo sẵn có trong bản chất của tánh không. Nó là sự phục hồi, một sự tái tạo hoàn toàn, một sự biến chuyển không ngừng
Nó cũng là nền tảng mới bởi vì lòng từ bi luôn khai mở và chúng ta không bao giờ tắm hai lần trong một dòng sông. Nó không có nghĩa là không có gì trong đó. Nó cũng không phải là có gì trong đó không nhưng chắc chắn là không phải không có. Longchenpa gọi đó là “trí huệ tự quán chiếu” và cho rằng trong trí huệ này, “ Không có cái gì cụ thể để bám víu vào bởi vì điều mà chúng ta thấy chỉ là điều mà chúng ta suy diễn và thực chất là giải thoát”. Nó không phải là một lý thuyết khác mà là nền tảng mà chúng ta không cần phải đeo đuổi hay cố nắm giữ. Tự nó là một sự trải nghiệm.
03.13.2019
Lê Diễm Chi Huệ
Nguồn: https://www.lionsroar.com/four-points-for-letting-go-bardo/