Thân Mẫu của Các Ứng Thân: Câu chuyện một người mẹ Tây Tạng từ chối cho con xuất gia

Alexander Gardner/ Lê Diễm Chi Huệ Việt dịch

Theo Phật giáo Tây Tạng, ứng thân (Tulkus) là một đứa trẻ được xác định là hóa thân của một vị Lạt Ma đã viên tịch, tái sinh trong cuộc đời để hoàn thành sứ mệnh cứu độ chúng sanh.  Ngay từ nhỏ, các ứng thân được tập sự để hành hoạt như các vị Lạt Ma tiền bối nên họ phải rời xa gia đình, đến tu tập tại các tu viện. Những câu chuyện kể về các ứng thân thường tránh né cái nhìn tiêu cực về một đứa bé bị tách rời khỏi vòng tay của mẹ, mà ngược lại chú trọng đến vinh danh và tôn sùng người mẹ như vị Bồ Tát đã cống hiến cho đời những người con phụng sự nhân loai. Tình yêu thương của các bà mẹ không chỉ dành cho con mình mà còn cho tất cả các chúng sanh khác.

Từng làm mẹ, tôi không thể chấp nhận điều này dù tôi tin vào Giáo pháp và nương tựa Tăng đoàn. Không chỉ mình tôi, nhiều bà mẹ Tây Tạng cũng không đồng ý cho con mình đi tu. Điều này khơi gợi một góc nhìn bao quát hơn về một truyền thống đặc biệt trong văn hóa Phật giáo Tây Tạng.

Hãy theo dõi câu chuyện đáng kinh ngạc về Konchok Peldron, bà ngoại của Tulku Urgyen, người được coi là một trong những đạo sư Dzogchen vĩ đại nhất trong thời đại của ông. Trong cuốn hồi ký Blazing Splendor, Tulku Urgyen đã kể lại việc bà của ông từ chối giao nộp hai người con của mình, cha của Tulku Urgyen và một người chú, sau khi cả hai được xác định là ứng thân (Tulkus). Bà là một phụ nữ có niềm tin và đóng góp to lớn cho các tu viện cùng các sinh hoạt Phật Pháp, nhưng khi các vị Lạt Ma đến gõ cửa, bà đã chống đối đến cùng để giữ lại các con của mình.

Konchok Peldron sinh vào những năm 1850, là con gái Ngài Chokgyur Lingpa, vị Đại Khai Mật Tạng.  Mẹ của bà, Dechen Chodron, được mọi người gọi là Degah, là em gái của Barwai Dorje, đệ tử của Ngài Chokgyur Lingpa, người đã tái sinh và được gọi là Bardor Tulkus. Bà được ghi nhận là người đã bảo tồn những giai điệu phụng vụ của Ngài Chokgyur Lingpa và truyền lại cho các con và nhiều người khác. Tulku Urgyen mô tả bà cố của mình, Degah, là người có cá tính mạnh mẽ, một người phụ nữ quyền lực có khả năng chống lại những yêu cầu của người chồng nổi tiếng. Thật vậy, bà đã trang bị cho con gái mình khả năng không khuất phục trước cánh đàn ông.

Konchok Peldron lấy ông Orgyen Chopel, con trai dòng họ quyền lực Nangchen, tên gọi là Tsangsar. Gia tộc Tsangsar điều hành các tu viện Barom Kagyu Lhalam, Lachab và Namgon. Theo truyền thống, các tu viện Phật giáo Tây Tạng  được điều hành bởi dòng họ, dòng tái sanh, hoặc, như trong trường hợp của các tu viện Tsangsar, là sự kết hợp của cả hai. Cả bốn con trai của Konchok Peldron và Orgyen Chopel đều được xác định là tái sinh, và tất cả đều trở thành những người nắm giữ di sản Chokgyur Lingpa nổi tiếng.  Người anh cả, Samten Gyatso, được xác định là người đứng đầu tu viện Lhalam và được đưa đến đó khi mới 5 tuổi để tu tập. Trong cuốn sách của mình, Tulku Urgyen không kể lại việc mẹ cảm thấy đau khổ thế nào khi lìa xa đứa con đầu lòng cho Lhalam.

Đưa con lìa xa gia đình để nắm giữ ngai vàng của một tu viện là điều đã dự định, và sự thân cận của chồng bà với tu viện giúp bà có cơ hội gần gũi với con. Nhưng vài năm sau, các nhà sư từ một tu viện khác, tu viện Namgon, đến để đòi con trai thứ hai của bà là Chime Dorje, bà Konchok Peldren một mực khước từ.

Theo lời kể của Tulku Urgyen trong Blazing Splendor, các nhà sư đã đến trong thời gian tổ chức tang lễ cho mẹ của Konchok Peldron, bà Degah. Bà Konchok Peldron cung kính chào đón các nhà sư, nhưng yêu cầu họ quay trở lại vào lúc khác vì gia đình gia đình đang có tang sự. Bà nói với họ rằng bà sẽ tôn trọng việc chỉ định con trai mình làm Tulku, do Ngài Karmapa thứ mười bốn quyết định, và bà hứa sẽ thực hiện khi tang lễ kết thúc.

Một vị Lạt Ma đáp lại với vẻ trịch thượng: “Bà chỉ có một điều để nói, và đó là ” đồng ý”. Tôi sẽ không chấp nhận bất kỳ câu trả lời nào khác”. Tu viện cách xa hai ngày đi bằng ngựa, và vị Lạt Ma từ chối rời đi. Konchok Peldron vẫn giữ một thái độ quyết đoán và lặp lại lời hứa cho con ra đi sau tang lễ, nhưng bà đã chê trách thái độ thiếu tế nhị của vị Lạt Ma và khẳng định bà có quyền giữ lại đứa con của mình với tư cách là một người mẹ.

Vị Lạt Ma tiếp tục nài nỉ. Cuộc đối thoại trở nên căng thẳng đến độ cả hai có vẻ giận dữ chuyền qua chuyền lại chiếc khăn đáp lễ mà bà Konchok Peldron nhất quyết không nhận từ vị Lạt Ma. Cuối cùng bà tuyên bố: “Tôi quả quyết rằng tôi không nhận chiếc khăn của các vị! Tôi sẽ không bao giờ giao con mình cho một người như ông! Nó là con trai tôi và tôi đang nuôi dưỡng nó! Tôi không bao giờ để các ông đem nó đi đâu. Các ông hãy về đi!”

Vị Lạt Ma và đoàn tùy tùng rời đi trong giận dữ, nhưng họ cắm trại gần đó.  Mặc dù bà Konchok Peldron rất cảnh giác bảo vệ con trai mình, ngay sau đám tang, trên đường đi đến một tu viện khác bà phát hiện mình bị vây quanh bởi hai mươi lăm nhà sư trên lưng ngựa. Họ yêu cầu bà giao đứa con ba tuổi của mình. Những người hầu cận của bà, tay lăm lăm dao – đây là tỉnh Kham của Tây Tạng, nơi mọi người đều mang dao — hỏi bà có muốn tấn công nhóm các nhà sư không. Không muốn bạo lực, bà phục tùng, và nhìn một nhà sư bế đứa bé, quấn nó trong chiếc áo choàng và cưỡi ngựa đi.

Chồng bà Konchok Peldron, một mạnh thường quân cho tu viện đã bắt đứa con trai, không có ý định đòi lại đứa bé. Chán nản, bà rời bỏ điền trang Tsangsar, chuyển đến tu viện Tsike của cha bà, sau đó được đứng đầu bởi đạo sư Tsike Chokling, một trong hai hóa thân của Ngài Chokgyur Lingpa. Trưởng Lão Lạt Ma Sakya là Jamyang Khyentse Wangpo, người cộng sự thân cận của Ngài Chokgyur Lingpa, sau này đã nhận diện người con trai út của bà Konchok Peldron,  là hóa thân của anh trai bà, Wangchuk Dorje, và kết quả sau đó cậu út cũng được tu tập tại tu viện Tsike.

Không lâu sau khi Chime Dorje bị bắt cóc và đưa đến tu viện Namgon, các vị Lạt Ma từ một tu viện khác lại đến tìm đứa con còn lại duy nhất của bà, Sang-ngak, người đã được Đức Karmapa thứ mười bốn chỉ định là hóa thân. Lần này Konchok Peldron đã ngăn cản họ thành công. Viện dẫn rằng đứa con út đã ra đi cho tu viện Tsike, bà tuyên bố, “Tất cả những gì tôi còn lại là Sang-ngak và tôi cần một đứa con trai trong nhà để phụ việc. Bây giờ các ông đến bắt con tôi đi nữa hay sao? ” Các vị tu sĩ thoái lui vì không được hưởng ứng mạnh mẽ từ tu viện.

Năm năm sau, Chime Dorje bây giờ đã tám tuổi muốn gặp mẹ và cậu bé được cho phép thăm mẹ tại tu viện Tsike.  Khi các vị tu sĩ ra về, bà Konchok Peldron đã từ chối không cho họ đem cậu Chime Dorje đi.

Một Lạt Ma của Namgon đến tu viện Pelpung, một tu viện lớn của dòng Kayu, đệ trình trường hợp cậu bé Chime Dorje với Tai Situ Mười Một, Lạt Ma Pema Wangchuk Gyelpo. Họ cho rằng vì cậu bé được Ngài Karmapa thừa nhận nên gia đình bắt buộc giao nộp.  Tuy nhiên, Đức Tsike Chokling lập luân thuyết phục rằng theo lời ứng thân Tulku Uryen “Đứa bé do mẹ nó sinh ra, không có một truyền thống nào cho phép bắt đi đứa bé khi mẹ nó không đồng ý.”

Bà Konchok bắt Peldron Chime Dorje ở lại nhà nên cậu ta không bao giờ trở thành Lạt Ma.  Tuy nhiên cậu tu tập tại gia và là người truyền thừa của Đức Chokgypur Lingpa, nhưng Chime Dorge rất ngông nghênh thời trai trẻ và thật sự điềm đạm vào độ tuổi trưởng thành.

Trong cuốn tự truyện của mình, Tulku Urgyen không chỉ trích việc bà nội ông giữ cha ông ở nhà. Thật vậy, nếu Chime Dorge vào tu viện thì đã thành một tu sĩ, Tulku Urgyen đã không có mặt trên cõi đời này và thế giới đã mất đi một vị cao tăng lỗi lạc trong thế kỷ qua. Vì vậy, ông hết lời ca ngợi  bà nội mình và cho đó là một hành động phi thường, và thâm hậu. Nhiều vị Lạt Ma cũng đã đến gặp bà để được chúc phúc. Một số xá lợi được tìm thấy trong tro cốt của bà.

Một đoạn trong Kinh Tâm Từ mô tả tình yêu thương của người mẹ như tình yêu thương Bồ Tát dành cho mọi chúng sanh trong khi các bản kinh khác có cái nhìn tiêu cực,  ví tình mẹ con là mối nhân duyên từ bao kiếp. Chúng ta bị trói chặt bởi đam mê cũng giống như tình yêu thương người mẹ dành cho người con. Dễ gì chúng ta rũ bỏ những đam mê của mình, cũng như người mẹ làm sao bỏ được con mình. Xét theo quan điểm này thì người ta có thể chỉ trích bà Konchok Peldron là thách thức tập tục văn hóa, là ích kỷ đã không để cho con mình xuất gia nhưng đó là một điều sai lầm. Ẩn dụ văn chương không phải là cẩm nang trong đời sống. Cho dù bất kỳ văn bản nào có miêu tả tình yêu thương của người mẹ phải nên vĩ đại như thế nào thì trên thực tế người mẹ vẫn có quyền quyết định đồng ý cho con mình đi xuất gia hay không. Ứng thân Urgyen ví bà nội mình như một Bồ Tát: Một người mẹ thiêng liêng yêu thương nuôi dưỡng bốn người con trở thành người truyền thừa và truyền đạt giáo pháp Đức Chokgyur Lingpa nổi tiếng. Bà cũng là một người mẹ kiên cường, dám thách thức mọi uy quyền để bảo vệ, yêu thương con mình.

Lê Diễm Chi Huệ Việt dịch

_________________

Nguồn : https://tricycle.org/trikedaily/konchok-peldron/

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *