Một thủa buồn như sông

“Theo sông vào trăm sóng
Sóng như ta bạc đầu
Người năm xưa cũng vội
Theo mộng bước qua mau”

Người xưa hay người nay đều cũng vội và lần lượt “theo mộng ước qua mau”. Hoàng Chính Nghĩa thì “một thủa buồn như sông”. Còn cô, có cảm tưởng như muôn thủa buồn như sông. Dòng sông là nơi có dòng nước trôi lặng lờ, ví như nỗi buồn dật dờ trong tâm khảm. Buồn ở đây không phải là buồn một điều gì, mà là một nỗi buồn vô ngôn, mênh mông không lý do, không thời gian hay không gian. Đó là một nỗi buồn man mác không thể biểu đạt bằng lời.

Nỗi buồn đó không hẳn là của mình, nhưng của người khác vẫn mang đến cho mình chút u buồn. Buồn cảnh, buồn người lồng trong tứ khổ của thế gian. Trong hạnh phúc đã có mầm khổ đau. Trong “sinh” đã có “diệt”. Và ái biệt ly khổ muôn đời kìm hãm kiếp nhân sinh.

Đôi khi cô lại nghĩ giá như anh không trở về thì chắc cô sẽ không “lây lất”, không dễ “túy lúy” trước nhân tình thế thái, trước nhân sinh như mộng. Không chất ngất, không trầm tư, không nghiêng ngả triền miên giữa đôi bờ mộng thực. Tâm hồn cô là tâm hồn nghệ sĩ vốn dễ buồn, dễ rung động, dễ tổn thương. Dễ tổn thương nhưng hay vô tình làm người khác thương tổn, mới chết!

Buồn hay vui cô cũng thích sống thật trong từng dòng cảm xúc. Vui thì líu lo nhưng oanh ca. Buồn thì thu mình trong ốc đảo. Da diết. Chơi vơi. Nghe tiếng heo mây rên siết cũng có thể buồn. Nhìn chậu hoa tươi rực rở cũng có thể ngậm ngùi bởi những cánh hoa rực rở kia sẽ héo úa, gầy guộc và tiêu tan trở về với đất. Cái buồn trước thời gian không gian đó xuất phát từ sự mẫn cảm của tâm hồn. Đang hội ngộ đã chớm buồn chia ly. Cảm giác đang ôm người tình trong tay mà nhớ nhung đã trỗi dậy cho những ngày sắp tới như bài thơ “Dạ Khúc” của Thanh Tâm Tuyền:

” Ði đi chúng ta đến công viên
Nơi anh sẽ hôn em đắm đuối
….Ôm em trong tay mà đã nhớ em ngày sắp tới” .

Thật ra, cái buồn có giá trị của nó bởi vì khi vui người ta thả mình trong dăm phút phiêu lưu của cảm xúc rồi cảm xúc đó sẽ tan biến nhanh. Khi buồn thì người ta mới gậm nhấm, mới dành thời gian trở về ốc đảo của mình và sống với tâm hồn mình, trọn vẹn cho mình. Thường thường, tuyệt tác âm nhạc được thai nghén từ những nỗi buồn mênh mang, chất ngất bởi nó chạm vào ngõ ngách tâm hồn người nghe. Buồn thì mới thấm thía. Chúng ta hay nói thấm thía buồn, chớ ai nói thấm thía vui bao giờ…

Cô thích sa đà trong những bản nhạc giao hưởng bởi nhạc giao hưởng được kết hợp từ nhiều nhạc cụ hòa quyện nhau để toát lên những âm thanh tuyệt vời. Những giai điệu không lời chạm vào cung bậc thấp nhất của tâm hồn như những liều thuốc an thần vô giá. Âm nhạc là ngôn ngữ của tâm hồn. Chỉ một một tiếng cello trầm thấp cũng có thể làm tim cô run rẩy, một tiếng violin réo rắt cũng có thể làm tim cô thoi thóp. Những âm thanh diệu vợi đó ru mảnh hồn sâu lắng. Nó là tiếng lòng, là ánh bình minh sưởi ấm cõi lòng cô.

Cho dù cô – muôn thủa buồn như sông. Buồn khi thế gian vui và đôi khi cũng không biết mình buồn gì, âm nhạc như một tình nhân, một tri kỷ. Trong âm nhạc, cô tìm thấy sự đồng điệu vô biên.

08.02.2020

Lê Diễm Chi Huệ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *