Thưởng thức bản ‘Triple Concerto’ của Beethoven để cảm nhận sự cao thượng của tình yêu

Âm nhạc được viết bởi Beethoven thì thính giả sẽ không cần phải bàn cãi về sự hoàn hảo sâu thẳm của nó. Những giá trị mà nó mang lại là thổi bùng một tình yêu thật bao la.

Bản hòa tấu của Beethoven dành cho violin, Cello, Piano và dàn nhạc trên giọng Đô trưởng, Op. 56, thường được gọi là Bản hòa tấu ba, được biên soạn vào năm 1803 và sau đó được xuất bản vào năm 1804 bởi Breitkopf & Härtel. Đây là bản concerto duy nhất mà Beethoven từng hoàn thành cho nhiều hơn một nhạc cụ độc tấu.

Nhà viết tiểu sử đầu tiên cho Beethoven: Anton Schindler tuyên bố rằng Bản hòa tấu ba được viết cho học trò hoàng gia của Beethoven, Archduke Rudolf của Áo.

Archduke đã trở thành một nghệ sĩ dương cầm và nhà soạn nhạc tài ba dưới sự dạy dỗ của Beethoven. Dưới sự chỉ dạy của Beethoven, Archduke đã bộc lộ được tài năng dù mới ở tuổi thiếu niên vào thời điểm đó. Tuy nhiên, không có lịch sử ghi chép nào nhắc đến việc Rudolf từng trình diễn tác phẩm, bản concerto chưa từng được công diễn trước đó mãi cho tới năm 1808 khi được xướng lên tại buổi hòa nhạc “Augarten” mùa hè ở Vienna, và được biết tới là dành tặng cho một người bảo trợ khác: Hoàng tử Lobkowitz (Franz Joseph Maximilian Fürst von lobkowitz), chứ không phải Rudolf.

Bản “Triple Concerto” gồm 3 chương:

Chương 1: Allegro

Chương 2: Largo (attacca)

Chương 3: Rondo alla polacca

Clip là toàn bộ tác phẩm được biểu diễn trực tiếp bởi dàn nhạc giao hưởng Israel Philharmonic Orchestra, với nhạc trưởng chỉ huy Itzhak Perlman và 3 nghệ sỹ solo:

Violinist: Giora Schmidt
Cellist: Zuill Bailey
Pianist: Navah Perlman

Chương 1 mang theo một ấn tượng vô cùng mạnh mẽ, lãng mạn và sinh động, với sự tinh tế gần như có một không hai trong số các tác phẩm của Beethoven. Bởi những gì thính giả được thưởng thức chính là Concerto piano + Concerto Cello + Concerto Violon. Trong đó, những phần solo độc tấu của 3 nhạc cụ lôi cuốn tuyệt đỉnh.

Chương 2 là chương nhạc chậm lãng mạn nhất cho toàn bộ tác phẩm, được giảm xuống 4 tone so với chương 1 để trở thành giọng La giáng trưởng trầm ấm và lôi cuốn. Mọi nét nhạc giống như đang thôi miên thính giả chìm trong sự cao thượng của tình yêu và tâm hồn đong đầy nghệ thuật.

Chương 2 là chương nhạc chậm lãng mạn nhất cho toàn bộ tác phẩm… (Ảnh: huaban.com)

Chương 3 viết theo hình thức Rondo, lộng lẫy, rực rỡ và hoành tráng, với những đặc trưng nhất của thể loại Concerto, đó là sau những cao trào kịch tính của dàn nhạc, thì luôn có những mẩu nhạc solo độc tấu của nhạc cụ rất gợi mở không gian, sự hứng thú tạo nên tương phản tuyệt vời cho tác phẩm. Đặc biệt trong chương nhạc này còn có phong cách hài hước của Beethoven, biểu hiện qua nhiều câu luyến rất vui, nhưng đó chỉ mang tính điểm xuyết thêm màu sắc, sự tô điểm cho cả 1 tác phẩm hoành tráng, mà trong đó, nhạc cụ nào cũng bộc lộ hết khả năng mạnh mẽ lãng mạn kịch tính của nó.

Vài nét về tác giả

Ludwig van Beethoven (17 tháng 12 năm 1770 – 26 tháng 3 năm 1827) là một nhà soạn nhạc cổ điển người Đức. Phần lớn thời gian ông sống ở Viên, Áo. Ông là một hình tượng âm nhạc quan trọng trong giai đoạn giao thời từ thời kỳ âm nhạc cổ điển sang thời kỳ âm nhạc lãng mạn. Ông có thể được coi là người dọn đường (Wegbereiter) cho thời kỳ âm nhạc lãng mạn.

Beethoven được khắp nơi công nhận là nhà soạn nhạc vĩ đại nhất, nổi tiếng nhất và có ảnh hưởng tới rất nhiều những nhà soạn nhạc, nhạc sĩ, và khán giả về sau.

Trong số những kiệt tác của ông phải kể đến các bản giao hưởng như Giao hưởng số 2 Rê trưởng, Giao hưởng số 3 Mi giáng trưởng (Anh hùng ca), Giao hưởng số 5 Đô thứ (Định mệnh), Giao hưởng số 6 Fa trưởng (Đồng quê), Giao hưởng số 7 La trưởng, Giao hưởng số 9 Rê thứ (Niềm vui), các tác phẩm cho dương cầm như Für Elise và các sonata Bi tráng (Pathétique), Ánh trăng (Moonlight), Bình minh (Waldstein), Khúc đam mê (Appasionata)… các sonata cho vĩ cầm như Mùa xuân (Spring), Kreutzer… các Piano Concerto số 2, số 3, số 5 Emperor (Hoàng đế), Violin Concerto D major… các khúc mở màn Overture Coriolan, Leonore, Egmont… và vở Opera duy nhất Fidelio, v.v.

Kim Cương

You may also like...