Nghệ sĩ cắt giấy người Đan Mạch Karen Bit Vejle với những tác phẩm kỳ diệu và ý nghĩa

Một nghệ sĩ người Đan Mạch đã giữ bí mật về tài năng của mình trong 40 năm, tạo ra những kiệt tác của niềm vui thuần khiết. Hiện giờ, chỉ một tác phẩm giấy cắt đơn lẻ của cô cũng có thể bán được tới hơn 200.000 đô la.

Karen Bit Vejle đã để lộ tài năng từ khoảng một thập kỷ trước. Trong khoảng 40 năm qua, cô đã tạo ra những tác phẩm mỹ thuật khổng lồ từ giấy, chỉ với một chiếc kéo nhỏ để cắt thành những cảnh tượng và hoa văn phức tạp – và cô đã gấp những kiệt tác này gọn gàng và để chúng bên dưới tấm thảm của mình.

Khi còn là một thiếu niên, cô từng cảm thấy xấu hổ khi dành quá nhiều thời gian cho thú chơi cắt giấy trong khi những người khác thì ra ngoài làm những điều “hay ho”. Nhưng đối với cô thì trò cắt giấy cũng thú vị như sưu tập tem. Khi đã trưởng thành, cô vẫn tiếp tục giấu bộ môn nghệ thuật của mình bên dưới tấm thảm, vì cô không muốn quảng cáo kỹ năng của bản thân hoặc trưng bày tác phẩm của mình – cô chỉ đơn giản là thích cảm giác thiền định khi được tập trung vào môn nghệ thuật của mình.

Karen Bit Vejle tiếp nối truyền thống của đất nước Đan Mạch khi tạo ra các tác phẩm nghệ thuật huyền ảo chỉ với giấy và chiếc kéo. Các kiệt tác của cô phải mất nhiều năm để chế tác và được các nhà sưu tập nghệ thuật cao cấp săn lùng. (Ảnh: Adam Gronne)

Trái tim và tâm hồn tôi rất bình yên khi tôi có cây kéo trong tay và những tờ giấy nhảy múa giữa những lưỡi kéo”, cô nói. Cô đã sử dụng nghệ thuật để đối phó với căn bệnh mãn tính của mình, một bệnh thuộc loại rối loạn thần kinh cơ, đặc trưng bởi những cơn đau mãn tính và kiệt sức.

Cắt giấy, còn được gọi là “Psaligraphy”, là một liệu pháp làm cho cô dịu lại. Cô vốn đã có sự nghiệp là một nhà sản xuất truyền hình nhưng buộc phải nghỉ việc vì sức khỏe không cho phép. Trong một lần cô vắng mặt do ốm, một đồng nghiệp đã đến thăm cô tại nhà. Anh gõ cửa nhà cô và mở cửa ra chỉ để thấy những mẩu giấy vương vãi trên khắp sàn nhà. “Bạn đang làm gì trên thế giới này vậy”!” Anh đã hỏi.

Vejle đặt tác phẩm của mình trong lớp kính để ánh sáng có thể xuyên thấu qua các đường cắt giấy, tạo bóng và tạo ra các chiều không gian khác nhau cho các tác phẩm của cô. (Ảnh: Helle S. Andersen)

Khi được nhìn thấy những gì cô đã giấu trong suốt những năm đó, anh đã gọi cho Bảo tàng Nghệ thuật Trang trí Quốc gia ở Na Uy. “Các bạn phải đến mà xem Bit để gì dưới thảm của cô ấy!”

Tác phẩm “Tiếng ríu rít trong vòm cây Hoàng gia Copenhagen” có 100 nhân vật bao phủ khắp tác phẩm có cả sự quyến rũ nhẹ nhàng và câu chuyện ngụ ngôn sâu sắc. (Ảnh: Mette Krag)

Điều đó đã dẫn đến cuộc triển lãm lần đầu tiên của Vejle, trong số nhiều cuộc triển lãm của cô trong 12 năm qua và trở thành một bước ngoặt lớn trong cuộc đời cô. Cô đã rời bỏ công việc truyền hình của mình để tập trung vào nghệ thuật cắt giấy. Cô đã trưng bày các tác phẩm của mình tại các viện bảo tàng trên toàn thế giới, và sản phẩm nghệ thuật của cô đã giúp trang trí các cửa sổ của các cửa hàng bán lẻ xa xỉ như Hermès và Georg Jensen. Vào tháng 3 năm 2018, cô đã mở một bảo tàng cắt giấy của riêng mình ở Đan Mạch, có tên là Trung tâm Papirkunst.

 

Tác phẩm của Vejle có nhiều hình thức khác nhau. Cô tạo ra các đồ trang trí 3 chiều để treo và đồ trang trí đặt đứng trên bàn, và các mẫu hoa văn mà cô cắt có thể được chuyển bằng nhiều phương tiện khác nhau sang các vật dụng gia đình, như các chiếc đĩa trang trí. (Ảnh: Anniken zahl Furunes)

Trò chơi thủ công của con trẻ đã trở thành môn mỹ thuật giá trị

Phiên bản đơn giản nhất của cắt giấy là những bông tuyết mà nhiều người trong chúng ta đã làm khi còn nhỏ: bạn gấp một mảnh giấy vài lần và cắt những lỗ nhỏ trên đó, sau đó mở nó ra để thành một hoa văn tuyệt đẹp. Ở quê hương của Vejle, vào thời điểm lễ Phục sinh các cô gái Đan Mạch nhỏ thường làm hoa giấy, được gọi là gaekkebrev”.

Vejle nói rằng đó luôn là một khoảnh khắc kỳ diệu mỗi khi cô mở tờ giấy đã cắt ra để xem hiện thực của thiết kế mà cô đã dành hàng giờ để tưởng tượng. (Ảnh: Marjaana Malkamakli)

Các cô gái sẽ viết những bài thơ lên những bông hoa và đánh dấu mật mã là một dấu chấm cho mỗi chữ cái trong tên của họ để cung cấp cho người nhận (là một cậu bé) một gợi ý về chủ nhân của bài thơ. Nếu cậu bé đó không thể đoán ra người gửi, cậu ta sẽ phải hôn cô ấy hoặc tặng cho cô ấy một quả trứng Phục sinh.

Những đồ thủ công thời thơ ấu này rất đơn giản, nhưng hãy tưởng tượng độ chính xác về mặt toán học và sự hiểu biết về các góc và đường nét cần thiết để tạo ra các cảnh ngụ ngôn chi tiết theo cách này. “Bạn phải thực sự sử dụng trí óc của mình khi gấp các nếp của tờ giấy”, cô ấy nói. “Nếu bạn cắt sai chỗ, nó sẽ rời rạc ra hết”.

Ở bên trái trong bức ảnh này, một nhân vật xuất hiện từ “Cây Hoàng gia Copenhagen” với một chú chim nhỏ trong tay, để minh họa cho câu tục ngữ, “Một con chim trong tay có giá trị bằng hai con chim trong bụi rậm”. (Ảnh: Helle S. Andersen)

Nếu một họa sĩ mắc lỗi, anh ta có thể vẽ đè lên nó. Nhưng nếu Vejle phạm sai lầm, thì toàn bộ tác phẩm sẽ bị hỏng. “Trong nhiều năm trước, tôi đã phạm rất nhiều lỗi và thường phải bắt đầu lại từ đầu, nhưng bây giờ kỹ năng của tôi rất tốt nên tôi không còn mắc lỗi nữa, thật là may mắn”, cô nói.

Một trong những công trình cắt giấy đặc biệt lớn và phức tạp của cô có thể tiêu tốn của cô ấy thời gian một năm, nhưng cô nói rằng mỗi tác phẩm như thế thực sự đã là công trình của “cả cuộc đời”. Chỉ sau hàng thập kỷ luyện tập, bắt đầu từ tình yêu với việc làm những bông hoa “gaekkebrev” của cô khi mới 5 tuổi, thì mới có thể mang lại cho cô sự thấu hiểu về cách mà chiếc kéo và tờ giấy phối hợp cùng nhau với độ chính xác như vậy.

Tác phẩm của Vejle có nhiều hình thức khác nhau. Cô ấy tạo ra các đồ trang trí 3 chiều để treo và đồ trang trí đặt đứng trên bàn, và các mẫu hoa văn mà cô cắt có thể được chuyển bằng nhiều phương tiện khác nhau sang các vật dụng gia đình, như các chiếc đĩa trang trí. (Ảnh: Georg Jensen)

Từ khi còn là một đứa trẻ cho đến ngày hôm nay, đêm đêm cô vẫn thường nằm trên giường mà vạch ra những nét cắt giấy trong tâm trí. Cô đi qua đi lại từng chi tiết nhiều lần, ghi nhớ để có thể cắt nó vào ngày hôm sau. Ngay cả với trí tưởng tượng rất xa của cô ấy, khoảnh khắc tờ giấy mở ra và tiết lộ các hoa văn vẫn tạo một sự ngạc nhiên và kỳ diệu.

Lần nào đó cũng là một khoảnh khắc kỳ diệu, vì dù bạn đã hoạch định trong đầu nó sẽ trông như thế nào, nhưng bạn không bao giờ có thể tưởng tượng đầy đủ”. Sau khi mở nó ra, cô sẽ cắt thêm các chi tiết. Cô làm hầu hết điều một cách tùy hứng, không cần phải vẽ thiết kế trước và không bao giờ dùng dao để cắt.

Những suy ngẫm trước khi ngủ của cô cũng bao gồm sự gợi mở những câu chuyện tuyệt vời mà cô sẽ kể trong những tác phẩm giấy cắt.

Những câu chuyện, đầy đủ và sâu sắc lại nhẹ nhàng và thoáng đãng

Vejle tin rằng nghệ thuật cắt giấy là hoàn hảo khi mô tả các cảnh ngụ ngôn. “Giấy là một vật thể rất mong manh, dù nó cũng rất mạnh mẽ”, cô nói. “Nó cũng gần giống như một con người – chúng tôi rất mong manh, nhưng cũng rất mạnh mẽ”.

Các sản phẩm giấy cắt có thể tạo bóng, tiết lộ các không gian khác. “Điều đó, về mặt biểu tượng, rất gần gũi với con người chúng ta, bởi vì mỗi chúng ta cũng có một cái bóng trong cuộc sống của mình”, cô nói. “Luôn luôn có một thứ gì đó đằng sau chúng ta”. Cô thích gắn tác phẩm nghệ thuật của ở cô giữa hai tấm kính để ánh sáng có thể xuyên thấu qua và tạo bóng.

Vũ công ba lê là một biểu tượng thường gặp trong nghệ thuật của Vejle, thể hiện sự quyết tâm và sức mạnh. (Ảnh: Mette Krag)

Nhà văn nổi tiếng người Đan Mạch Hans Christian Andersen (1805 – 1875) là một trong những hình mẫu của cô. Nổi tiếng với những câu chuyện cổ tích, nhưng Andersen cũng là một nghệ sĩ cắt giấy. “Tác phẩm cắt giấy của ông ấy cũng giống như những câu chuyện cổ tích mà ông ấy viết”, cô nói. “Có những lớp khác nhau với ý nghĩa sâu sắc khác nhau. Trẻ em sẽ hiểu câu chuyện theo một cách, còn người lớn sẽ hiểu câu chuyện đó theo một cách khác”.

Điều đó giống hệt với những câu chuyện mà tôi kể thông qua các tác phẩm cắt giấy của mình”, cô nói. “Sẽ luôn có một cấp độ rất sâu, và có một cấp độ nhẹ giống như một câu chuyện cổ tích”.

“Tiếng ríu rít trong vòm cây Hoàng gia Copenhagen” là một trong những tác phẩm như vậy. Chiếc cây này cao ba mét, là một biểu tượng của sự sống và trí tuệ, với các nhánh của nó chứa đầy những câu chuyện.

Vũ công ba lê là một biểu tượng thường gặp trong nghệ thuật của Vejle, thể hiện sự quyết tâm và sức mạnh. (Ảnh: Helle S. Andersen)

Mỗi trong số 100 nhân vật của nó – người, chim và các loài động vật khác – đều đi kèm theo một câu chuyện. Có một con chim bị đói tên là Cô nàng Robinson, đã buộc phải nhường bữa sáng của mình cho vị vua của các loài chim. Có một nữ diễn viên múa ba lê đang giữ thăng bằng trên một trong những nhánh cây.

Vejle luôn bị ấn tượng bởi sự luyện tập chăm chỉ và sức mạnh cần có để khiến cho nghệ thuật múa ba lê nhìn như rất dễ dàng và nhẹ nhàng. Cô nói, “Người vũ công ba lê là một biểu tượng cho những gì chúng ta thực sự có thể đạt được khi chúng ta có đủ mong muốn”.

Cây kéo của … một người nhạc trưởng

Trong khi thực hiện tác phẩm “Tiếng ríu rít trong vòm cây Hoàng gia Copenhagen”, Vejle đã nghe bản hòa tấu “Champagne Galop” của nhà soạn nhạc người Đan Mạch Hans Christian Lumbye (1810 – 1874). Cô đã nghe bản nhạc này gần như mỗi lần cô làm việc trên tác phẩm, trong suốt một năm.

Các nhà bán lẻ sang trọng đẳng cấp thế giới, như Georg Jensen, đã ủy thác việc trang trí cho Vejle nhờ tài năng hiếm có của cô. (Ảnh: Ingeborg Hommelstad)

Cô thường được truyền cảm hứng từ âm nhạc, bắt chước theo thanh điệu và cảm giác chung của một nhạc phẩm trong nghệ thuật của mình, nhưng cô cũng đi theo giai điệu riêng trong dòng chảy nghệ thuật cắt giấy của cô. Một kiểu hoa văn nhẹ nhàng và bay bổng trong tác phẩm của cô có thể đại diện cho một phần thanh nhã và lạc quan của tác phẩm âm nhạc; trong khi đó một khung cảnh rộng lớn và đầy kịch tính có thể đại diện cho sự tiến tới cao trào của tác phẩm.

Bản hòa tấu “Champagne Galop” rất lạc quan; với một số âm thanh mang đến cho tâm trí tiếng bật nắp của những chai rượu sâm banh. “Đó là một câu chuyện nhẹ nhàng”, Vejle nói về cả tác phẩm âm nhạc của Lumbye và cắt giấy của cô.

Các nhà bán lẻ sang trọng đẳng cấp thế giới, như Georg Jensen, đã ủy thác việc trang trí cho Vejle nhờ tài năng hiếm có của cô. (Ảnh: Adam Gronne)

Trong khi đường kéo của cô chậm rãi và đều đặn – “Toàn bộ cơ thể, trái tim và tâm hồn của tôi cũng chậm lại để có thể hòa điệu với công việc”, cô nói – thì các tác phẩm của cô lại phản ánh nhiều nhịp độ khác nhau. Cô thường nghe nhạc cổ điển, nhạc jazz, và cả rock and roll, tùy thuộc vào tâm trạng của cô lúc đó. Tất cả các thể loại âm nhạc đều tìm được đường đi vào các sáng tạo của cô.

Theo J.H. White (Taste of Life Magazine)

Hòa Bình biên dịch

You may also like...