Triêu Lộ: Đêm xuân một khắc đáng ngàn vàng

Tô Thức là người bác học đa tài, giỏi văn chương, tinh thông thơ từ, thư pháp hội họa đều rất đẹp. Văn chương ông dạt dào phóng khoáng, cùng với Hàn Dũ được gọi là “Hàn triều Tô hải” (Hàn Dũ như nước thủy triều, Tô Thức như biển cả), đồng thời là một trong “Đường Tống bát đại gia”. Thơ Tô Thức đề tài rất rộng, mới mẻ hùng tráng mạnh mẽ, rất giỏi sử dụng lối khoa trương và tỷ dụ, tạo phong cách riêng độc đáo.

Tô Thức (1037–1101) là nhà văn, nhà thơ đời Tống, tự Tử Chiêm, còn có tên tự là Hòa Trọng, hiệu Đông Pha Cư Sỹ, người My Sơn, châu My (Tứ Xuyên ngày nay).

Năm Gia Hựu thứ 2 (năm 1057) Tô Thức đỗ tiến sỹ. Ông đã đảm nhiệm các chức Trung thư xá nhân, Hàn lâm học sỹ, Đoan Minh điện học sỹ, Lễ bộ thượng thư. Ông cũng đã từng làm Thông phán Hàng Châu, Tri Mật châu, Từ Châu, Hồ Châu, Hồ Châu, Dĩnh Châu, v.v. Năm Nguyên Phong thứ 3 (năm 1080) ông bị giáng đày đến Quảng Châu với tội danh phỉ báng tân pháp, sau đó lại bị giáng đày đến Huệ Châu.

Tô Thức. (Ảnh: Wikimedia.org)

Tô Thức là người bác học đa tài, giỏi văn chương, tinh thông thơ từ, thư pháp hội họa đều rất đẹp. Văn chương ông dạt dào phóng khoáng, cùng với Hàn Dũ được gọi là “Hàn triều Tô hải” (Hàn Dũ như nước thủy triều, Tô Thức như biển cả), đồng thời là một trong “Đường Tống bát đại gia”. Thơ Tô Thức đề tài rất rộng, mới mẻ hùng tráng mạnh mẽ, rất giỏi sử dụng lối khoa trương và tỷ dụ, tạo phong cách riêng độc đáo.

Từ của Tô Thức “hào phóng, không cắt gọt để hợp với âm luật”, đề tài phong phú, ý cảnh bao la, vượt ra khỏi cái khung truyền thống của thời Vãn Đường, Ngũ Đại và đầu thời Tống. Ông lấy thơ làm từ, khai sáng ra trường phái hào phóng, thanh khiết, khoáng đạt, có ảnh hưởng rất lớn đến các đời sau.

Xuân tiêu: Đêm xuân một khắc đáng nghìn vàng

“Xuân tiêu” là thi phẩm nổi tiếng của Tô Thức. Hai câu đầu tả cảnh đẹp đêm xuân thanh tĩnh u nhã khiến người ta yêu thích, dễ chịu, cho chúng ta cảm giác trân quý quãng thời gian tươi đẹp; hai câu sau tả cảnh gia đình phú quý đang tận hưởng tiếng sáo réo rắt, lời ca nhẹ nhàng trong đêm xuân tươi đẹp. Toàn bộ bài thơ ngôn ngữ rõ ràng như lời nói, nhưng lại có ý sâu xa hàm súc, khiến người ta suy tư, chậm rãi thưởng thức, trong đó câu “Xuân tiêu nhất khắc trị thiên kim” (Đêm xuân một khắc đáng ngàn vàng) đã trở thành danh ngôn thiên cổ truyền tụng.

Xuân tiêu

Xuân tiêu nhất khắc trị thiên kim
Hoa hữu thanh hương nguyệt hữu âm.
Ca quản lâu đài thanh tế tế
Thu thiên viện lạc dạ trầm trầm

Bản dịch của Nam Trân

Đêm xuân

Đêm xuân một khắc đáng nghìn vàng
Bóng nguyệt êm đềm, hoa thoảng hương
Trên gác đàn ca nghe văng vẳng
Xuân đu lặng lẽ suốt canh trường.

Đêm xuân một khắc đáng nghìn vàng. Bóng nguyệt êm đềm, hoa thoảng hương. (Ảnh: Pinterest.com)

Hai câu đầu tả cảnh đêm mùa xuân tươi đẹp và trân quý. Đêm mùa xuân quý giá như ngàn vàng bởi vì có hương hoa nhè nhẹ, có bóng trăng mông lung mờ ảo. Hai câu thơ này là có quan hệ nhân quả, câu một là quả, câu hai là nhân, đêm xuân đẹp và ngắn ngủi nên mới trân quý. Nhưng nó cũng gợi cho chúng ta liên tưởng đêm xuân với tuổi xuân trong cuộc đời con người, cũng đẹp và ngắn ngủi, rất đáng trân quý, khiến chúng ta bỗng giật mình là đôi khi không thấy được giá trị của tuổi xuân, không biết trân quý mà để nó trôi đi vô ích.

Hai câu cuối tác giả đảo ngược trật tự từ ngữ, đưa từ “ca quản” (lời ca tiếng sáo) và “thu thiên” (cái đu) để làm nổi bật lên ấn tượng quang cảnh gia đình quý tộc đang ca hát đàn sáo thưởng thức cảnh đêm xuân tươi đẹp, để cho chiếc đu lặng lẽ bên ngoài sân suốt đêm dài. Cảnh đối lập giữa bên trong lầu các và ngoài sân càng tôn lên không khí đón xuân, mọi người say sưa ca hát, vui chơi, thưởng thức, lưu luyến quãng thời gian ngắn ngủi của đêm xuân, đắm say trong cảnh sắc tuyệt mỹ. Đối với họ mà nói, đêm xuân đẹp như thế này thật hiếm có, thật trân quý.

Cả bài thơ 4 câu 28 chữ, ngôn ngữ bình dị dễ hiểu như lời nói thông thường, nhưng lại gợi mở cho chúng ta những suy nghĩa sâu xa, hàm chứa. Nó như lời nhắn nhủ, cảnh tỉnh của tác giả đối với con người đang sống trong mê chết trong mộng, tham thú cái vinh hoa phú quý, mưu cầu danh lợi, hưởng lạc thú chốn nhân gian mà quên mất sinh mệnh là trân quý, đời người là ngắn ngủi, như một đêm xuân kia mà thôi.

“Đêm xuân một khắc đáng nghìn vàng” chính là nói cuộc đời con người “Nhân thân nan đắc”. Có được thân người này đâu có dễ, trăm năm ngoảnh lại đã qua đi, nếu không biết trân quý thời gian thì trăm năm vô ích, vô nghĩa, lại theo sáu nẻo luân hồi, chìm chìm nổi nổi, biết khi nào lại có được cái thân con người đây?

(Ảnh: Pinterest.com)

Nhân sinh như mộng ảo, nếu không biết trân quý cuộc đời, quý trọng sinh mệnh, cả cuộc đời truy cầu công danh phú quý, theo đuổi danh lợi tình tiền, đến lúc lâm chung vẫn còn trong mộng ảo, sống trong những cơn say bất tận của dục vọng.

Chết trong mộng ảo mê mờ, đến cuối đời vẫn chẳng biết sinh mệnh mình từ đâu mà tới, rồi lại đi về nơi đâu? Cuộc đời như thế đáng buồn thay, nếu biết tỉnh giấc mơ này, tìm về bản nguyên sinh mệnh, biết được ý nghĩa đích thực của nhân sinh, như thế mới thực sự biết hưởng thụ cuộc đời, cũng như thực sự biết hưởng thụ đêm xuân tươi đẹp, không để nó trôi qua vô ích vậy.

Triêu Lộ


Nguồn: ĐKN

You may also like...