Sau khi bị dời lại một năm, thế vận hội Olympic Tokyo 2020 đang diễn ra tại Nhật Bản trong bối cảnh hết sức đặc biệt, khi dịch bịnh Covid-19 đang hoành hành trên khắp thế giới, và thành phố đăng cai vẫn đang trong tình trạng khẩn cấp về y tế. Sự hấp dẫn của Olympic khiến nhiều người trên thế giới thích thú theo dõi những hình ảnh thi đấu của những vận động viên các nước, cũng như tìm hiểu về đất nước hoa anh đào, thì tại Houston có một viên ngọc quý độc nhất vô nhị, giúp người dân Houston và du khách trải nghiệm vẻ đẹp của văn hóa Phù Tang một cách rõ nét, đó là khu “Vườn Nhật Bản”.
Trong công viên Hermann, trên đường Fannin thành phố Houston, khu vực downtown,đối diện viện bảo tàng Khoa Học Tự Nhiên, cách tượng đài Sam Houston không xa một đoạn đi bộ, là Vườn Nhật Bản, một ốc đảo yên bình được xây dựng và duy trì cẩn thận thông qua mối quan hệ hợp tác độc đáo giữa Thành phố Houston và thành phố kết nghĩa Chiba của Nhật. Hai thành phố được chọn để kết nghĩa đều có chủ đích của nó, bởi hai thành phố kết nghĩa này đều có điểm chung, vì Houston là một thành phố cảng, và Chiba cũng là một thành phố cảng. Khu vườn Nhật Bản rộng khoảng năm acres Anh rưỡi, tức khoảng 2,2 mẫu ta đất, được thiết kế bởi nhà thiết kế cảnh quan Tokyo là Ken Nakajima, và mở cửa đón khách vào năm 1992. Thành phố kết nghĩa Chiba cũng thường cử một nhóm chuyên gia đến Houston giúp hướng dẫn, và giám sát việc duy trì khu Vườn Nhật Bản này từ đó cho đến nay. Các đội làm vườn của Nhật Bản cũng gửi các hướng dẫn trồng cây, và thường là của các loại cây để trồng trong vườn.
Được biết, năm 1988, Tổng lãnh sự Nhật Bản tại Houston là Yasuo Hori gặp gỡ Thị trưởng thành phố Houston là Kathy Whitmire để thảo luận về việc nên xây dựng một khu vườn Nhật Bản ở Houston. Sau cuộc nói chuyện với Hiệp Hội Doanh Nghiệp Nhật Bản tại Houston, một công ty mang tên Japanese Garden, được thành lập để gây quỹ cho việc thiết kế và xây dựng khu vườn Nhật Bản, các doanh nhân Nhật Bản đã nỗ lực đóng góp vào quỹ xây dựng này. Kiến trúc sư cảnh quan ở Tokyo là Ken Nakajima đã được ủy quyền để quy hoạch khu vườn, ông đã làm việc với thiên nhiên để tạo ra một không gian mới và cảm giác tươi đẹp, ông dựa trên thiết kế của mình mang hơi hướm triết lý Zen, khu vườn được thiết kế với chung quanh là một chuỗi các yếu tố cảnh quan, chúng kết hợp với nhau để tạo ra một tác phẩm nghệ thuật sống, thể hiện thái độ nghệ thuật của nhà thiết kế, kết hợp sự đơn giản trang nhã với thiết kế truyền thống, để phù hợp hài hòa với địa hình của công viên, và ông cho rằng đây là đặc điểm của một khu vườn Nhật Bản.
Sau khi động thổ vào ngày 26 tháng 3 năm 1991, hầu hết các yếu tố cấu trúc của khu vườn đã hoàn thiện, Nakajima chọn những loại cây trồng trong khu vườn sao cho vừa phù hợp với khí hậu địa phương, vừa có tính thẩm mỹ truyền thống của Nhật Bản. Vườn Nhật Bản của Công viên Hermann đã được hoàn thành vào ngày 4 tháng 5 năm 1992, trong đó, Nakajima cũng đã cho trồng đến 30 giống cỏ và 121 giống cây bụi để trang trí cho khu vườn; ngoài ra còn có một hồ nước trải dài, quanh co, nuôi đầy cá koi, một loại cá chép của Nhật.Tuy nhiên, đến năm 2006, nét thẩm mỹ truyền thống Nhật Bản trong khu vườn dần dần bị Mỹ hóa; những cây trồng của Mỹ như petunias và pansies đã được đem vào trồng xen bên trong khu vườn Nhật Bản, mà không được ai để ý đến thiết kế ban đầu của khu vườn. Người kế nhiệm Nakajima, là Terunobu Nakai, được thuê để nỗ lực khôi phục lại khu Vườn Nhật Bản. Nakai và các cộng sự của ông đã tái tạo lại cảnh quan ban đầu của Nakajima. Nakai đã dạy những người làm vườn địa phương cách cắt tỉa, và lưu ý rằng hoa không nên chiếm một phần lớn trong các khu vườn truyền thống của Nhật Bản, vốn sử dụng các loại hoa nở đơn độc như hoa diên vĩ và hoa loa kèn, nhằm để nhấn mạnh hình thức trên một khối màu sắc. Năm 2011, Nakai tiếp tục cho cải tiến khu vườn phía mặt đường Fannin của Công viên Hermann, để làm lối vào thứ hai dẫn đến Khu vườn Nhật Bản, phục vụ khách đến Công viên Hermann. Năm 2017, khu vườn đã tổ chức cuộc gây quỹ “Bảo Tồn Công Viên Hermann”, cuộc gây quỹ kỷ niệm 25 năm thành lập khu vườn và đã quyên góp được hơn sáu trăm ngàn dollars cho việc trùng tu khu vườn Nhật Bản.
Vườn Nhật Bản ở Houston được thiết kế theo phong cách gợi nhớ đến những khu vườn được thiết kế bởi các lãnh chúa Nhật Bản thời phong kiến. Nhấn mạnh vào những lối đi bộ quanh co, và những cây cầu dẫn đến ao nước sủi bọt, là một trong những đặc điểm của khu vườn, để khuyến khích người đi dạo nhàn nhã trong cảnh quan giữa cây xanh, nước chảy róc rách, và có những viên đá phong hóa được sắp đặt một cách tự nhiên, con người sẽ cảm thấy hoàn toàn thanh thản; đó là nét truyền thống của Nhật Bản. Lối vào Vườn Nhật Bản được đánh dấu bằng hai tảng đá đen, có khắc chữ thư pháp của các nhà lãnh đạo lớn bao gồm cả Thủ tướng thứ 77 của Nhật Bản. Đi bộ một đoạn ngắn vào Vườn Nhật Bản và du khách sẽ được chào đón bởi những cây thông đen và cây phong Nhật Bản được trồng ở hai bên lối vào, bên trong Vườn Nhật Bản, còn có những cây Crepe myrtles, cây hoa đỗ quyên, redbuds, cây chó đẻ, đào, brazilwoods, cùng với một lùm cây thông già cỗi đã có từ rất lâu. Vẻ đẹp, sự thanh bình, sự hài hòa của một khu vườn Nhật Bản trong lòng thành phố Houston, đã thể hiện tất cả các yếu tố của văn hóa Nhật Bản, mà người dân Houston có thể nhìn thấy, cảm nhận và đánh giá cao.
Vào khu Vườn Nhật Bản, du khách phải đi qua một cái cổng xây dựng theo phong cách truyền thống của xứ sở mặt trời mọc, nó nhìn y như những cánh cổng của các dinh thự dành cho các samurai cấp cao thời xưa của đất nước Phù Tang; với các phòng ở hai bên được sử dụng để đặt quầy bán vé, phòng tiện ích và phòng vệ sinh một cách kín đáo. Cánh cổng là một ví dụ điển hình về việc tạo ra giá trị mới bằng những vật liệu hiện có; một chiếc đèn đá ở cửa ra vào như là một biểu tượng cho sự soi rọi ánh sáng trên con đường đi của một người khi họ bước vào khu vườn.Điển hình là những tượng đài hoặc tác phẩm điêu khắc duy nhất được sử dụng trong thiết kế các khu vườn truyền thống của Nhật Bản, đó là ba chiếc đèn lồng bằng đá khác được đặt ở các vị trí rải rác trong khu vườn, và không phải là những vị trí ngẫu nhiên; trong đó có hai chiếc đèn yukumi, làkiểu đèn lồng ngắm tuyết, được đặt ở gần mép hồ nước. Một chiếc đèn lồng, được thành phố Chiba, Nhật Bản tặng cho Houston, đặt ở bên kia ao, từ quán trà nhìn qua; và một cái khác treo gần vọng lâu của khu vườn, nơi có điểm dừng chân để nghỉ ngơi, bên cạnh bờ suối.
Một người dân Houston tên Gary Nakamura sinh ra ở Nhật Bản, lớn lên ở Tokyo và hiện đang sống ở Houston, Nakamura là người rất tích cực trong cộng đồng người Mỹ gốc Nhật ở Houston, trước đây là Chủ tịch Liên Đoàn Cộng Đồng Mỹ gốc Nhật, và cũng từng là thành viên Ủy ban kết nghĩa Houston-Chiba từ năm 2009 đến 2013, và là liên lạc viên chính thức với thành phố Chiba cho cựu Thị trưởng Houston Bill White và Annise Parker, ông cho biết người cha quá cố của ông là người Mỹ gốc Nhật thế hệ thứ hai, và ông là người Mỹ gốc Nhật thế hệ thứ ba, ông cho rằng Vườn Nhật Bản là một trong những địa điểm yêu thích của mọi người Mỹ gốc Nhật, vì nó quá đẹp và rất yên tĩnh, và sự hài hòa của khu vườn là một phần chính của văn hóa Nhật Bản. Yuzuru Nagawa, sống ở Houston, là Chủ tịch Ủy ban Tư vấn Vườn Nhật Bản, ông làm việc với các đội làm vườn trong khu vườn Nhật Bản như một phần trong vai trò cố vấn của mình, ông nói: “Chúng tôi thực sự tôn trọng sự hòa hợp, sự hài hòa giữa các mùa hoặc thiên nhiên với con người”.
Iris Clawson Davis, Giám đốc phụ trách về văn hóa cây trồng của các công viên ở Houston cho biết: “Hàng năm, các chuyên gia về vườn tược của Nhật Bản đến Vườn Nhật Bản, để chắc chắn rằng chúng tôi vẫn đang duy trì khu vườn theo đúng hướng của thiết kế ban đầu. Một đặc điểm của Vườn Nhật Bản là được tạo nên các điểm nhấn và điểm nhìn, nên trong cảnh quan tổng thể của khu vườn sẽ thấy được tiền cảnh, trung cảnh và hậu cảnh. Các bối cảnh tại Khu vườn Nhật Bản được làm cẩn thận với thác nước, cây cầu và con đường bằng đá ngoạn mục, từng viên đá được lựa chọn bằng tay bởi kiến trúc sư cảnh quan gốc Nhật Bản, Ken Nakijima, người đã chọn địa điểm và thiết kế chúng. Giữa những cây thông Nhật Bản và những cây crepe myrtles nở hoa là một quán trà bằng gỗ tuyết tùng tuyệt đẹp. Được biết, vào năm 1990, Thủ tướng Nhật Bản Toshiki Kaifu đã đến Houston dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng lần thứ 16. Như một cử chỉ thiện chí đối với thành phố, ông đã tổ chức việc quyên góp quỹ tạo dựng một quán trà theo phong cách truyền thống Phù Tang để “Kỷ Niệm Triển Lãm Thế Giới năm 1970” của Nhật Bản. Quán trà tuyết tùng này được làm tại Nhật Bản bằng các vật liệu truyền thống, sau đó được tháo ra từng phần và chuyển đến khu Vườn Nhật Bản ở Houston, được các thợ thủ công Nhật Bản lắp ráp lại mà không cần dùng đến một chiếc đinh nào. Mặc dù có kích thước nhỏ, nhưng sơ đồ bên trong của quán trà vẫn theo một thiết kế truyền thống, được sử dụng cho các nghi thức uống trà của Nhật Bản. Các cột của quán trà được làm bằng “Hinoki”, một loại cây bách bản địa của Nhật Bản và nổi tiếng có hạt gỗ mịn. Những xà ngang tròn bên dưới trần nhà được gọi là “Kitayama-sugi”, là một loại cây tuyết tùng đặc biệt từ Kyoto. Loại gỗ này được đánh giá là loại gỗ rất tốt và đắt tiền ở Nhật Bản. Phương pháp lắp ráp theo phong cách Nhật Bản để hỗ trợ mái nhà vững chắc cũng độc đáo như những tấm gỗ mà nó được xây dựng. Mở cánh cửa trượt của quán trà sẽ thấy một thác nước được xây bằng đá granit hồng Texas lấy từ một mỏ đá ở thác Marble. Quán trà là một món quà từ chính phủ Nhật Bản, nhưng chi phí thực hiện thực sự được quyên góp bởi cộng đồng người Mỹ gốc Nhật ở Houston.
Doreen Stoller, Chủ tịch khu bảo tồn công viên Hermann cho biết, ngoài cổng chính của Vườn Nhật Bản, một điểm thu hút chính khác nữa là khu vườn suối khô, được thiết kế một phần bởi kiến trúc sư cảnh quan Nhật Bản Terunobu Nakai, người đã làm việc với một nhà thiết kế cảnh quan ở Houston để hoàn thành công trình, trong đó tất cả các tảng đá tượng trưng cho nước được đặt trong lòng suối, và có những tảng đá được đặt đặc biệt để tượng trưng cho hai dòng thác nước đang chảy. Đối với sân vườn, các nhà thiết kế Nhật Bản rất chú ý đến các chi tiết vừa nhỏ vừa lớn trong thiết kế tổng thể của khu vườn. Các bối cảnh tại khu vườn Nhật Bản được làm cẩn thận với từng thác nước, cây cầu và con đường bằng đá rất ngoạn mục; mỗi viên đá được lựa chọn bởi chính tay kiếntrúc sư cảnh quan gốc Nhật Bản, Ken Nakijima, và cũng chính ông là người chọn vị trí để sắp đặt, thiết kế từng cảnh quan cho khu vườn. Vườn Nhật Bản đẹp đến ngỡ ngàng và thanh bình, đặc biệt rất yên tĩnh vào buổi sáng; thật dễ chịu để dành hàng giờ nhìn ngắm những thác nước yên tĩnh, nhẹ nhàng chảy tràn trên đá, và những con cá vàng, con rùa thong dong bơi lội trong ao. Tìm sự bình yên ở giữa Houston bằng cách ghé thăm Vườn Nhật Bản, một khu vườn thực vật nhỏ sẽ mang đến một sự rung cảm, yên tĩnh cho du khách.
(Hoàng Nam Sơn)