Ngày lễ hiền phụ năm nay (19/06) là dịp để diễn giải câu nói ‘‘Phụ Tử Tình Thâm’’(父子情深). Tại Hoa Kỳ, vào tháng 12/1907, tai nạn hầm mỏ tại Monongah (Virginia) làm 361 người thiệt mạng, trong số có 250 người cha, để lại cả ngàn trẻ mồ côi. Bà Clayton vừa mất cha, có sáng kiến lấy ngày 05/07/1908 làm ngày lễ hiền phụ (Father’ Day), cử hành tại Fairmont. Nhưng năm sau không còn tiếp tục.
Vào đầu thế kỷ XX, cô giáo Sonora Smart Dodd bên Hoa Kỳ tự hỏi tại sao chỉ có lễ hiền mẫu mà không có lễ hiền phụ ? Lúc đầu, cô đề nghị mừng lễ ngày 05/06 là sinh nhật cha cô, nhưng vị mục sư nói không kịp soạn bài giảng nên dời lại chủ nhật thứ ba trong tháng sáu. Năm 1972, tổng thống Richard Nixon ấn định ngày 19/06 là ngày nghỉ lễ trên khắp nước Mỹ. Nước Pháp cũng lấy 19/06 là ngày lễ hiền phụ. Ngày lễ này đến sau ngày lễ hiền mẫu tới hai năm.
Tại Úc, theo báo Newcastle Sun, lễ hiền phụ được cử hành lần đầu vào ngày 04/09/1936. Sau thế chiến thứ II, ngày lễ này được tiếp tục để nhớ đến các chiến sĩ Úc tham chiến ở Pháp. Ngày nay, có khoảng 4,6 triệu người cha tại Úc. Hàng năm, Shepherd Centre cấp huy chương ‘‘Australie Father of the Year Award’’ cho người cha có công phát triển đất nước.
Sau này, Việt Nam có thể lấy ngày 30/04 làm ngày hiền phụ để kỷ niệm các người cha bị bức tử trong ngục tù cộng sản.
Theo chữ hán, chữ ‘‘Phụ’’ (父) tượng hình bằng bàn tay ‘‘tay làm hàm nhai’’ để nuôi con, nhưng còn có nghĩa là :
Yêu cho roi cho vọt
Ghét cho ngọt cho bùi
Dĩ nhiên câu nói này chỉ áp dụng cho thuở xa xưa. Chữ Dục (育) có chữ ‘‘Phác’’ (攵) là giơ cao đánh khẽ. Ngày nay nếu yêu con kiểu này dễ vào tù như chơi vì tội đánh con (enfant battu), xử tệ với con cái (enfant maltraité), chiếu theo điều 222-14 của luật hình sự nước Pháp.
Ca dao ta có câu :
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Công (功) hẳn là công lao. Đỗ Phủ có câu thơ :
Ngã thủy vi nô bộc
Kỷ thời thụ công huân
Xin tạm dịch :
Tôi đây lính tráng loèn quèn
Bao giờ mới được cấp trên đoái nhìn. (LĐT)
Đã là cha, dầu chỉ là binh nhì binh nhất, công lao cao vời vợi như ngọn núi ở tỉnh Sơn Đông bên nước Tầu.
Nghĩa (義) mẹ là muốn nói đến tình nghĩa người mẹ. Chữ ‘‘mẫu’’(母) tượng hình nhũ hoa, nói huỵch toẹt là dòng sữa nuôi con, cần chi nói xa xôi là suối nước.
Nói như rứa là chỉ đúng một nửa. Cha vừa có công, lại vừa có nghĩa. Mẹ cũng vừa có nghĩa nhưng cũng có công. Chẳng thế mà Chu Mạnh Trinh có câu thơ :
Lang quân tình trọng, phụ ân thâm,
Bất bạch kỳ oan trực đáo câm.
Công cha mới thật thâm sâu
Tình chồng nặng chĩu nói câu ân tình (LĐT)
Ca dao nói tới Công cha như núi Thái Sơn. Thái Sơn là không gian núi đồi. Còn dòng thời gian ‘‘ngàn năm’’ có câu thơ :
Cha là tất cả cha ơi
Ngàn năm con vẫn trọn đời yêu thương
Phụ tử tình thâm có không gian ba chiều sâu thẳm :
Khi con tát cạn biển Đông
Thì con mới hiểu tấm lòng của cha
Cha gần gũi với ta, như cỏ cây hoa lá :
Cha ơi bóng cả cây cao
Che chở con những lao đao cuộc đời
Cuộc đời lắm nỗi gian truân, người cha che chở bằng cây cao che rợp bóng mát, bằng tấm thân cho con nghỉ mệt :
Cha là bóng mát giữa trời
Cha là điểm tựa bên đời của con.
Cha không những được nói tới qua hình tượng ngoại cảnh, mà còn là chính tấm thân mỏi mòn :
Cha đưa cả tấm lưng gầy
Chở che con được tới ngày hôm nay
Ngày lễ hiền phụ, ai mà không nghĩ đến công ơn và tình nghĩa người cha. Câu ca dao sau đây diễn tả tâm tình người con trước viễn tượng mất cha :
Bên mi ướt đẫm giọt sầu
Thương cha trăm tuổi sợ câu giã từ
Thương cha, không chỉ là vành tang thương tiếc. Món quà con cái trao cho cha mình là thực hiện những điều sau đây, xin chép lại thay cho đoạn kết bài tạp ghi này.
Là người con phải biết yêu nòi giống
Xa quê hương nhưng vẫn nhớ nước non nhà
Dẫu đi vạn nẻo đường xa
Ở đâu cũng phải rạng danh giống dòng
Phải sống trong vòng lễ giáo
Kính tổ tiên và hiếu thảo mẹ cha
Yêu họ hàng nội ngoại cả hai nhà
Dùng nhân ái giữ khí hòa gia đạo
Mai con lớn, con phải sống một cuộc đời đáng sống
Ngẩng cao đầu đối phó mọi gian nan
Sống kiên cường không một tiếng thở than
Sống đúng nghĩa để tỏ ra con là người đáng sống.