Gs. Vũ Quốc Thúc: Thượng Thọ Bách Tuế

Chúng tôi đến vấn an GS Vũ Quốc Thúc vào cuối tháng giêng âm lịch ở Nanterre. GS Thúc cho biết vào mùa thu năm nay sẽ mừng thọ bách tuế. Theo thống kê, các bậc bách niên (centenaire) chiếm tỷ lệ 0,03% trên tổng số dân Pháp, trong đó 84% là phụ nữ. Như vậy, trăm tuổi của GS Thúc thật là phước đức trời cho, không phải ai cũng có được.

 

Năm tháng chỉ làm cho tấm thân mỏi mòn, ngược lại sự minh mẫn, tinh anh vẫn tràn đầy. Giọng nói của thầy sang sảng, như ngày xưa trên bục giảng đại học. Thầy nói :‘‘Tôi có may mắn được chứng kiến các các thời kỳ hưng vong của quốc sử hiện đại.’’ Thầy bùi ngùi nhớ lại cuốn hồi ký ‘‘Thời Đại Của Tôi’’ :

– tập 1 : Nhìn lại 100 năm lịch sử.

– tập 2 : Đời tôi trải qua các thời biến.

Sau đó, thầy ngâm nga bài cổ thi của Phạm Mạnh Doanh :

Diễm diễm hồ quang biểu lý khai

Mông lung xuân sắc thượng cao đài

Yên ba tình nhập Kim Liên tự

Bồ tảo hàn sâm phượng chủy đôi

Kích mộc hà nhân ca bạch thạch

Bằng lan hữu tửu trữ thanh mai

Bách niên vãng sự thành trù chướng

Thân thế mang mang thủ trọng hồi.

Bài thơ này tác giả sáng tác đã lâu, không mấy ai biết, vậy mà thầy đọc rành rọt từng câu từng chữ, không một chút ngập ngừng. Tôi xin chép lại như sau, kèm theo là bản lược dịch :

昳昳湖光俵

曚曨春色上高臺

煙波情入金蓮寺

蒲藻寒參鳳嘴追

擊木何人歌

憑欄有酒佇青梅

百年往事宬惆悵

身世汒汒守重回

Bản dịch quốc ngữ :

Ánh sáng ven hồ tỏa khắp nơi

Mùa xuân thấp thoáng cuối chân trời

Sương mù sóng phủ Kim Sơn tự

Mải miết rong rêu phượng rã rời

Mấy ai còn gõ bài thanh bạch

Hiên nhà nhấp rượu ngóng cành mai

Đau buồn sách vở không người chép

Ngoảnh lại mai sau tiếc nuối hoài. 

Câu thơ ‘‘bằng lan hữu tử trữ thanh mai’’ của Phạm Mạnh Doanh khiến ta nhớ đến ‘‘Xuân Cảnh’’ (春景) của vua Trần Nhân Tông :

客來不問人間事,

共倚欄杆看翠微.

Khách lai bất vấn nhân gian sự,

Cộng ỷ lan can khán thúy vi.

Xin tạm dịch :

 Bạn đến thăm nhà không nói chuyện

Lan can ngắm nghía núi non xanh.

Thầy Thúc cho biết hai câu kết trong bài Vô Đề của Phạm Mạnh Doanh:

Bách niên vãng sự thành trù chướng

Thân thế mang mang thủ trọng hồi

đã thúc giục thầy viết hồi ký, ghi chép ‘‘bách niên vãng sự’’ (chuyện trăm năm đã qua), để mai này các nhà viết sử tham khảo.

Trong số các ‘‘bách niên vãng sự’’ có Phúc trình Vũ Quốc Thúc – Staley (1961) và Kế họach kinh tế hậu chiến, GS Thúc cùng với kinh tế gia Lilienthal hình thành năm 1968. Trọng tâm của kế hoạch gồm công tác khai hoang và điện khí hóa đồng bằng sông Cửu Long.

GS Thúc thuật lại trong hội nghị thượng đỉnh ngày 20/03/1967 tại đảo Guam, GS Thúc có trong phái đoàn VNCH do trung tướng Nguyễn Văn Thiệu, chủ tịch Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia và thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ, chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương cầm đầu. Trong cuộc họp, tổng thống Hoa Kỳ Lyndon Johnson ngồi trong chiếc ghế bành đầu bàn hình bầu dục ; phái đoàn Việt Nam ngồi chung quanh. Tổng thống Johnson yêu cầu GS Thúc trình bầy về kế hoạch hậu chiến (The Post War Plan). Điều này cho thấy ngay từ năm 1967, Hoa Kỳ đã chuẩn bị kết thúc chiến tranh. Mặt khác, tổng thống Johnson đặt nhẹ khả năng của các tướng lãnh, coi trọng ý kiến của bậc thức giả.

GS Thúc còn đọc thêm một bài thơ chữ Hán khác, do cụ Chu Thấp Hy là ông ngoại giáo sư sáng tác. Cũng vẫn bằng một giọng diễn ngâm trầm hùng, gợi nhớ lại thuở xa xưa của ‘‘bách niên vãng sự’’ :

Tân hưng tuế tự trùng phùng Mão

Minh thịnh hoàn tư chấp tải tiền

Khoa lục dĩ thành diêu miễu chủ

Quốc ân tằng bái lộc minh duyên

Trùng tâm hảo mộng không trần tích

Độc đối xuân phong ức thiếu niên

Đồng bảng tính danh kim tỷ tại

Xương mang hồi thủ tư du nhiên.

Cụ Lan Đình là thân phụ GS Thúc đã dịch sang thơ quốc ngữ như sau :

Gặp khoa Kỷ Mão nữa là hai

Nhớ lại năm xưa sớm trổ tài

Bảng hổ đã thành pho chủ bỏ

Tiệc hươu từng đội chút ơn rơi

Trông xuân nhớ lại khi còn trẻ

Ngắm cảnh tìm đâu việc đã rồi

Những bạn đồng khoa còn có mấy

Đoái trông non nước ngán cho đời.

Ngày tết Kỷ Hợi đã qua rồi. Mùa xuân bên Pháp bắt đầu ngày 20/03/2019. Trông xuân nhớ lại khi còn trẻ. Tuy là một nhà tây học, GS Thúc thông thạo chữ Hán là nhờ thừa hưởng khoa cử cựu trào của hai họ nội ngoại.

Sau khi cáo biệt ra về, ngoài đường mưa lâm râm, chưa phải là mưa xuân nhưng cũng không còn sương tuyết của mùa đông xứ người.

Gs. Lê Đình Thông

  

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *