Nhất Thanh: Giấc Mơ Trường Sơn Hay Những Phương Trời Viễn Mộng

“Anh cúi xuống nghe núi rừng hợp tấu
Bản tình ca vô tận của Đông Phương”
(Những năm anh đi – TS)

Trong tất cả những tập thơ tôi đã được đọc từ những tháng ngày đây đó, có hai tác phẩm gây xúc động và mê hoặc lòng tôi mãnh liệt nhất. Đó là “Mưa nguồn” của Bùi Giáng và “Giấc Mơ Trường Sơn” mà tác giả của nó – Tuệ Sỹ – một thi nhân, một triết gia, một tu sĩ hay đơn giản chỉ là một con người, tùy theo cảm nhận của mỗi người. Riêng trong bài viết này, tôi muốn ngắm người thơ qua chân dung nghệ sĩ – một nghệ sĩ chân chánh.

Tôi vẫn thích gọi Sư là anh, bất luận vị trí và tuổi tác. Gọi anh để anh tin rằng anh vẫn còn những đứa em, như tôi đã từng gọi cụ Bùi Giáng như thế. Thế hệ các anh đi qua bao thăng trầm sử lịch, chúng em nào dám lạm bàn. Chúng em chỉ biết khung trời văn nghệ hôm nay, giữa bao luồng gió loạn, thi thoảng vẫn được nghe các anh “Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn”.

Còn nhớ lần đầu đọc tác phẩm “Tô Đông Pha – Những Phương Trời Viễn Mộng” do anh viết, sự phiêu bồng chất ngất, vẻ lẫm liệt phi thường đã quyến rũ dị thường tuổi đôi mươi hừng hực lửa sống. Dẫu chưa bao giờ thấy được “Lô sơn chân diện mục” bấy lâu hằng ngưỡng mộ, dẫu biết rằng “Đáo đắc hoàn lai vô biệt sự”, nhưng trong đời ai cấm được những giấc mơ. Anh gọi những giấc mơ của anh là “Giấc mơ Trường Sơn”, cõi thi ca ai ngồi đoán mộng bao giờ? Chỉ xin được một lần dự vào “khung trời hội cũ” để “mộng kiêu hùng” không là “muối mặn trùng khơi”.

Đọc nhiều tác phẩm của anh, dù là những dịch phẩm như “Thiền Luận”, những bình phẩm như “Thập Mục Ngưu Đồ”, những triết luận như “Triết Học Về Tánh Không”, “Thắng Man Giảng Luận” hay đơn giản chỉ là những bài viết như lời tựa cuốn “Vô Môn Quan”, “Giới thiệu Duy-ma-cật”…, tất cả đều toát lên chất tài hoa ngất trời thơ mộng và sâu thẳm, cuồn cuộn như thác ngầm dưới đáy đại dương. Ở đó, chỉ có những con người biết sống và dám sống mới đủ sức tấu lên cho đời khúc điệu vô thanh bằng hơi thở của đất trời và hơi thở của chính con người hòa quyện. Nhưng văn chương chỉ là những âm ba gờn gợn trên mặt nước trầm bình của dòng sông tâm thức. Chỉ có thơ mới là tiếng nói đích thực của cung bậc vô thanh. Và “Giấc mơ Trường Sơn” trở thành khoảng lặng tuyệt trù đủ sức làm nền cho cả một thế hệ thi ca.

***

“Đá mòn phơi nẻo tà dương
Nằm nghe nước lũ khóc chừng cuộc chơi
Ngàn năm vang một nỗi đời
Gió đưa cuộc lữ lên lời viễn phương
Đan sa rã mộng phi thường
Đào tiên trụi lá bên đường tử sinh”.

(Mộng trường sinh)

Từ khi “cuộc lữ lên lời viễn phương”, là lúc mà thi nhân phải chấp nhận nghiệp dĩ. Giữa bình sinh hãn hữu, nắng đã tắt trên màu ngói nâu non, ánh chiều vàng vọt của Đông Phương đang nhường chỗ cho đêm trường cô tịch. Nghiệp dĩ đọa đày con người phải đối diện với hư vô ngát lạnh. Nắm hư vô trong lòng bàn tay, hư vô và hủy diệt. Chấp nhận ư? Không! Hiện sinh không còn ý nghĩa ban sơ của nó. Túy sinh mộng tử đang và đã trở thành chân dung thế kỷ. Người nghệ sĩ lên đường, giữa bao hãi hùng tang tóc, cát bụi vẫn là cát bụi. Nhưng cát bụi cũng thiên di cho hết một vòng định mệnh, trọn một nỗi giữa đá sỏi phù du. Hỡi Nữ vương của thiên trù tịch mịch!

“Tôi sứ giả hư vô
Xin gởi trong đôi mắt bà
Một hạt cát”.

(Hạt cát)

Và cứ thế anh đi
“Đi để nhớ những chiều pha tóc trắng
Mắt lưng chừng trong giọt máu phiêu lưu”.

(Cánh chim trời)

Cũng như Tô Đông Pha với những phương trời viễn mộng. Lô sơn không dành cho những kẻ an phận thủ thường. Tráng sĩ Kinh Kha thưở nào vẫn lên đường thơ mộng, nghềnh thác chập chùng quyến rũ tráng sĩ rồi sao? Cô đơn có phải là cố quận của những tâm hồn khát khao tuyệt đối, mà hung hiểm vẫn không sờn lòng kẻ lữ thứ mù tăm? Bóng tri âm mất dấu giữa đêm rằm, tình đồng điệu âm thầm không tiếng gọi:

“Một bước đường thôi nhưng núi cao
Trời ơi mây trắng đọng phương nào
Đò ngang neo bến đầy sương sớm
Cạn hết ân tình, nước lạnh sao?”

(Tống biệt hành)

Không phải chỉ mình anh lạc loài dặm lữ, nhưng cuộc lên đường đâu dễ mộng song đôi. Non nước bồi hồi vẫn mong manh tơ nắng, chỉ mình anh hát khúc độc hành:

“Bóc quá khứ, thiên thần kinh ngạc;
Cắn vô biên trái mộng vỡ đôi
…………………………………
Ta đi tìm trái tim đã vỡ;
Đói thời gian ta gặm hư vô.”

(Mộng ngày)

Nếu không có những giấc mơ Trường Sơn, liệu kẻ độc hành có chịu đựng nỗi những thăng trầm bí tích? Câu hỏi đặt ra thừa thãi phải không anh? Cuộc trăm năm ai biết được đâu nào? Một mảnh trăng cuối rừng, thoáng mây trời bữa nọ, đủ để no say rồi ca hát tưng bừng. Anh hiện hữu nơi đâu? Tháng ngày nào nhập cuộc? Thời gian chỉ là khái niệm mơ hồ giữa dòng sinh mệnh, chỉ có niềm tin là mãnh liệt thắp sáng đôi bờ sanh diệt phương phiêu:

“Trưa dài lắm ta luân hồi vô thủy
Đổi hình hài con mắt vẫn đầy sao”.

(Tiếng nhọc vọng)

Hay:

“Khi tâm tư chưa là gỗ mục
Lòng đất đen còn giọt máu xanh ngời”.

(Ngồi giữa tha ma)

Có lúc tưởng chừng hạt cát mất hút giữa trùng khơi. Nhưng dẫu có biền biệt phương trời nắng lạ, thì đất tổ quê cha cũng mấy ngàn năm sử lịch, quá khứ sẽ lên màu cho tình tự mở phơi. Hồn thiên cổ quyện vào trang sách mới, dấu cũ đi về vẫn một cõi quê chung. Có lúc thi nhân đưa tay sờ soạng tìm mình giữa đỉnh tuyết mông lung:

“Viên đá cuội mấy nghìn năm cô quạnh
Hồn tôi đâu trong dấu tích hoang đường?”

(Dạ khúc)

Sóng cứ vỗ bạc đầu, “người đầu bạc đi giữa lớp sóng bạc” (Bạch đầu lãng lý bạch đầu nhân – Đỗ Phủ). Cũng như người cha tóc trắng của thi ca Việt Nam – Nguyễn Du, anh thường nói đến mái đầu tóc bạc, bạc đầu từ thưở đôi mươi, tóc trắng hoa râm cả trang đời trang mộng. Trang thơ bỗng trầm xuống cõi vô thường một cảm thức khôn khuây:

“Một đêm thôi mắt trầm sâu đáy biển
Hai bàn tay khói phủ tóc tơ xa
Miền đất đó trăng đã gầy vĩnh viễn
Từ vu vơ bên giấc ngủ mơ hồ.
Một lần định như sao ngàn đã định
Lại một lần nông nổi vết sa cơ”.

(Hoài niệm)

Ai biết được giữa bao kỳ hoa dị thảo của lối mộng điệp trùng, bước chân người đã bao lần rướm máu. Hình hài và tâm não bao phen se thắt lại trước “chiếc cầu độc mộc bắt ngang qua nghềnh sanh tử”. Sa mạc lớn dần thâu ngắn tấc bóng bình sinh. “Anh chiến đấu nhọc nhằn như cỏ dại” (Ác mộng). Ngữ ngôn không còn là vũ khí, điển cú chẳng đập vỡ được thành sầu:

“Từ núi lạnh đến biển im muôn thuở
Đỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan”

(Khung trời cũ)

Từ dạo biết buồn câu sanh tử, câu hỏi ngàn đời vẫn bức bách người trong mộng. Thận phận, hình hài và nỗi khát khao vô biên:

“Ba mươi tuổi đời chui qua lỗ cống
Chân trời xanh phía trước hay phía sau
Ngày tiếp ngày khóc cười như ngủ mộng
Thị da gầy từng sợi trả về đâu”

(Ba mươi tuổi)

Mười năm, hai mươi năm, từ thưở mẹ cha cho hình hài ấm lạnh, đến bây giờ thi nhân giật mình nhìn lại:

“Tóc huyền loạn cả nguyên tiêu
Lãng du ai ngỡ cô liêu bạc đầu”.

(Tóc huyền)

Ra đi là một cuộc trở về. “Ném vào chỗ mất lại còn, đi vào chỗ chết lại sống” (Lão tử), tuyệt hậu tái tô. Từ cõi mộng trở về, đôi mắt anh như đóm lửa giữa đêm trường cô tịch, lấp lánh, ấm nồng cả một trời thơ. Bóng anh lồng lộng bước xuống mép rìa thực tại, dẫu ngang tàng khí phách mà vẫn thân thương gần gũi lạ thường. Đã qua chưa nỗi đoạn trường dâu bể? Anh cười:

“Năm tháng vẫn như nụ cười trong mộng”

(Mưa cao nguyên)

Như trên đã nói, thơ Tuệ Sỹ có thể tiêu biểu cho cả một thế hệ thi ca! Lời này có quá đáng chăng? Lịch sử văn học Việt Nam đã chứng kiến một chòm sao băng xuống giữa sương ngàn cỏ nội quê hương thời Tiền chiến: Thế Lữ, Huy Cận, Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử…, tất cả họ đều nhờ thơ mà nổi tiếng. Đến giai đoạn thăng trầm nhất của lịch sử dân tộc, thơ ca nhường chỗ cho khói lửa điêu tàn cùng bao ý thức hệ tung hoành. Trước 1975, Sài Gòn xôn xao về “An Nam tứ kiệt”: Bùi Giáng, Phạm Công Thiện, Tuệ Sỹ, Lê Mạnh Thát. Tên tuổi của họ đi trước thơ. Nói một cách dễ hiểu, người ta biết đến họ không phải qua thơ. Nhưng ai dám nói thơ họ không bằng Tiền chiến? Tôi không muốn so sánh họ với những thi nhân Tiền chiến, bởi ở thời đại của họ, người thơ “nức nở lệ lên đường” (Bùi Giáng). Ý thức mới cùng tiếng gọi Hiện sinh réo ầm vang tuổi trẻ, đâu còn cảnh ôm bầu rượu nâng đàn mơ tưởng chốn Thiên thai giữa quê mẹ thanh bình ươm điệu sống. Nhưng con cháu của Nguyễn Du vẫn đầy ắp tự tình dân tộc. Thơ của họ chuyển vào một cung bậc mới, một tiết điệu mới. Bằng thứ nhiệt huyết ngang tàng của những Van Gohd, Rimbaud, Nerval. Nietzche; bằng cách điệu bi tráng, của một Tô Thức, một Hồng sơn liệp hộ hay thừa bẩm di sản của Lý Trần, thơ của họ vẫn đọng lại những chương từ hay nhất thi ca Việt Nam. Vừa đắm say nồng nàn, vừa trầm thống bi thương, vừa ngang tàng lẫm liệt mà cũng thăm thẳm mù khơi. Ngôn ngữ thi ca mang sứ mệnh của những công an vườn Thiền, nỗi niềm tơ tưởng đóng vai trò bổng hát của những pháp đường khai thị. Nhưng giữa thời đại con người chỉ toàn lợi quyền cơm áo, biết tìm đâu những kẻ tri âm. Can chi, thi ca vẫn còn thắp sáng niềm tin cho văn nghệ tìm về với cội nguồn sơ thủy, đọc một đôi dòng của họ:

“Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước miên trường phía sau”.

(Bùi Giáng)

“Mưa chiều thứ Bảy tôi về muộn
Cây khế đồi cao trổ hết bông”.

(Phạm Công Thiện)

“Giọt sương đậu mái lương đình
Nửa đêm thức giấc hỏi mình tan chưa”.

(Phạm Phú Hải)

“Một mai ta ngủ yên lòng đất
Mưa có vì ta rót lệ đầy”.

(Trần Xuân Kiêm)

Còn có thể kể thêm một vài tên tuổi, như Nguyễn Đức Sơn, Trần Đới, Hoài Khanh, Phạm Thiên Thư…Một thế hệ đã hình thành, hương hoa đang dần lan tỏa, chỉ chờ người đón nhận.
Riêng Tuệ sỹ, thơ cũng chính là người!

Tuệ Sỹ chưa từng có một tập thơ nào xuất bản, nhưng thơ anh đã được người ta thuộc rất nhiều. Nó chỉ được những tâm hồn đồng điệu ngâm tràn trên những nẻo đường gió bụi. Có những đêm trăng nơi núi rừng nhóm lửa, nơi bến bãi đun trà, tôi được nghe những chàng nghệ sĩ chân đất ôm đàn ngâm thơ anh trong niềm yêu thiết tha, vừa cảm động, vừa thân thương:

“Người đứng mãi giữa lòng sông nhuộm nắng
Kể chuyện gì nơi ngày cũ xa xưa
Con bướm nhỏ đi về trong cánh mỏng
Nhưng về đâu một chiếc lá xa mùa”.

(Mưa cao nguyên)

Người yêu thơ chắc khó thể nào cưỡng nổi niềm phấn khích dâng trào khi nghe những dòng thơ đầy cảm động:

“Đôi mắt ướt tuổi vàng cung trời hội cũ
Áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang
Phút vội vã bỗng thấy mình du thủ
Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn”.

(Khung trời cũ)

Vậy đó, dường như có một dòng suối từ nào chảy trong tim anh, chảy xuống cuộc đời máu lệ. Giấc mơ của anh không chỉ gởi cho những nham thạch kiêu hùng. Anh lặng lẽ đi vào đời bằng chất trữ tình ấm áp, bằng thể điệu tài hoa. Tôi vẫn còn giữ mãi bài thơ do chính tay anh chép để anh em cùng ngồi ngâm trong một tối chan hòa:

“Tự hôm nào suối tóc ngọt lời ca
Tay em rung trên những phím lụa ngà
Thôi huyễn tượng xô người theo cát bụi”

(Nhớ dương cầm)

Mỗi người có cách đọc thơ riêng của mình. Thật khó lòng bình phẩm được loại thơ đầy huyền hoặc như thơ anh. Tôi không muốn, nói đúng hơn là không dám phân tích thơ anh. Nhưng có rất nhiều tứ thơ tôi vẫn đọc đi đọc lại, ước ao có dịp được nghe chính anh giải thích. Có lẽ có một ánh nhìn thấu cả tử sanh trong từng tấc nắng, phải vậy chăng mà ánh mắt yêu người lại khốc liệt dường kia:

“Nắng lụa đỏ phủ tường rêu xám bạc
Lá cây xanh nghiêng xuống mắt mơ màng
Người có biết mặt trời kia sẽ tắt?
Tôi yêu người từ vết rạn thời gian”.

(Vết rạn)

“Ngày mai sư xuống núi
Phố thị bước đường cùng
Sư ho trong bóng tối
Điện Phật trầm mông lung”

(Hạ sơn)

Tôi chỉ biết trích dẫn ra đây thật nhiều những trang lời lóng lánh. Chuyện phẩm bình do chỗ cảm mà thôi. Cuộc đời nghĩ đáng thương hơn là đáng chán. Người ta ra đường bịt mặt nhau. Cảm động thay nghĩa tình khôn nói cạn, mỗi kẻ mỗi đường nhưng mãi vẫn yêu nhau. Xin trích một đoạn trong bài thơ tôi thích nhất, chắc của anh gửi một bậc thầy, thay cho lời kết của bài cảm từ qua “Giấc mộng Trường Sơn”:

“Thầy tóc trắng bơ vơ
Con mắt xanh đợi chờ
Đèn khuya cùng lẻ bóng
Khúc ruột rối đường tơ”.

(Luống cải chân đồi).

Đầu hạ năm Nhâm Ngọ
Nguồn : vinhminh. Net

You may also like...