Tô Đông Pha: Tiền Xích Bích và Hậu Xích Bích, Vượt xuất khỏi cảnh giới phàm trần

Tô Đông Pha là một nhà thơ, một nhà thi pháp, một họa sĩ nổi tiếng với những tác phẩm có giá trị để đời. Tài năng của ông thể hiện qua những tác phẩm đồ sộ còn lưu tới ngày nay. Ông là một nhà thơ nổi tiếng Trung Quốc thời Tống, trong kho tàng thi phú của ông, có 2 tác phẩm được coi là hai viên ngọc của cổ văn Trung Hoa đó là:  Tiền Xích Bích phú (前赤壁賦), Hậu Xích Bích phú.

Tô Thức tự Tử Chiêm, một tự khác là Hòa Trọng, hiệu Đông Pha cư sĩ nên còn gọi là Tô Đông Pha, là nhà văn, nhà thơ nổi tiếng Trung Quốc thời Tống. Ông được mệnh danh là một trong Bát đại gia Đường Tống.

Trong 2 tác phẩm Tiền Xích Bích và Hậu Xích Bích, người đời có thể thấy được cái thú tiêu diêu tự tại an nhiên, cuộc sống mộc mạc mà thi ca trù phú. Trong dòng chảy cuộc đời ồn ã, con người chỉ có cách buông đi để tâm thân nhẹ bổng. Hồn hòa cùng thiên nhiên tri kỉ, thoát cảnh giới phàm tục mà bước vào cõi tiên. Tìm thấy chính sự bình an phẳng lặng, trong cõi lòng hay sâu thẳm trong tâm.

Nơi đất trời mênh mông biển sở, cùng tri âm tri kỉ chén rượu nồng, thú tiêu diêu tự tại với đời

Mở đầu bài phú Tiền Xích Bích, Ngoài rằm tháng bảy mùa thu năm Nhâm Tuất, Tô tử cùng với khách bơi thuyền chơi ở dưới núi Xích Bích. Hây hây gió mát, sóng lặng như tờ, nhâm nhi ly rượu thơm mời tri kỉ, đọc bài thơ Minh Nguyệt và ngân nga cất tiếng hát một chương của bài Yểu Điệu.

Bản dịch của Hà Thượng Nhân:

Thu Nhâm Tuất sau rằm tháng Bảy
Tô Ðông Pha cùng mấy bạn chơi
theo dòng Xích Bích thuyền xuôi
Gió hiu hiu thổi, nước trời mênh mông
Hát ngao ít khúc vừa xong …
Thoắt thôi trăng mọc xứ Ðông bồi hồi
Móc trăng tỏa, nước trời bát ngát

Theo dòng Xích Bích thuyền xuôi. Gió hiu hiu thổi, nước trời mênh mông.

Giữa chốn này thiên nhiên đất trời, gió mát trăng thanh, rượu thơm nồng, tình người tri kỉ đầy ắp thuyền. Có lẽ đây là niềm hạnh phúc nhất đời của một con người. Lãng quên thảy mọi sự muộn sầu, bỏ lại sau lưng toan tính mệt nhọc ở đời, gió mát bềnh bồng ngắm trăng lên.

Mặc con thuyền trôi dạt tự do
lướt trôi trong cõi hư vô
Bao la nào biết bến bờ là đâu ?
Tưởng mọc cánh bay vào tiên giới
Rượu mời nhau vui lại vui thêm
Khi vui say gõ mạn thuyền
Hát rằng: “chèo quế, dầm lan bềnh bồng
Khua sóng nước ngược dòng trăng sáng

Còn vui thú nào hơn khi trăng đã lên trên núi Đông Sơn, lững thững trong khoảng hai vì sao ngưu, đẩu, hơi sương tỏa nhẹ mặt sông nước, mênh mông sương khói tận chân trời, thả tự do cho con thuyền nhỏ, mặc sự đời nổi trôi muôn lối. Thân bềnh bồng nhẹ nhàng như cưỡi gió đi trên không, cuộc đời như đi lạc chốn tiên.

Tâm vui tươi hớn hở như thể mình được mọc cánh tiên, bay vào cõi hư không thoát tục. Tay gõ mạn thuyền làm nhịp phách, tư tưởng thỏa sức mà xướng ca.

Trong những người tri kỉ tâm giao có người thổi sáo, họa theo bài ca mà cất thổi điệu sầu. Tiếng sáo não nùng rên rỉ như sầu như thảm, như khóc như than. Dư âm vẫn còn lanh lảnh, nhỏ tít như sợi tơ chưa dứt, làm cho con giao long ở dưới hang tối cũng phải múa mênh, người đàn bà thủ tiết ở một chiếc thuyền khác cũng phải sụt sùi.

Man mác thay là tấm tình thương
Hỡi ơi ! Người đẹp canh trường
Ngóng trông chỉ có một phương trời này.”
Khách thổi sáo theo bài họa lại
Tiếng não nùng sầu tủi triền miên
Dư âm vọng mãi bên thuyền
Khiến thuồng luồng chốn đầm đen vẫy vùng
Lệ gái góa rơi trong lặng lẽ.

Tiếng sáo làm Tô tử buồn lây mà hỏi: tại chốn đây không lẽ còn ưu sầu, sao não nùng ủ dột trong tiếng sáo. Phải chăng tâm kia còn vương vấn nỗi buồn?

Đến đây người ta như dừng lại đôi phút, ngẫm nghĩ suy tư để rồi có thể dốc bầu tâm sự.

Có những người tìm thấy hạnh phúc và bình an ngay chính trong cuộc đời ồn ã thị phi đầy đau khổ, nhưng có người lại cảm thấy cuộc sống mà như chết. Phải chăng đó là sự khác nhau trong chính cảnh giới tư tưởng của con người.

Chấp trước ở đời danh – lợi – tình hư vô huyễn hoặc, buông đi hay nắm chặt chính là lựa chọn cho mình hạnh phúc hay khổ đau

Lắng nghe tiếng sao buồn rầu não nề trong khung cảnh mà với Tô Đông Pha đó là cõi thần tiên mộng đẹp.

Chút ngạc nhiên ông hỏi vị khách:

Tô tử nghe kêu khẽ : “Lạ chưa!”

Lắng nghe tiếng sao buồn rầu não nề trong khung cảnh mà với Tô Đông Pha đó là cõi thần tiên mộng đẹp. (Ảnh: Pinterest.com)

Vị khách thưa:

Khách rằng trăng sáng, sao thưa
Quạ bay há chẳng là thơ họ Tào?
Tây , Hạ khẩu nhìn vào thăm thẳm
Ðông Vũ xương mấy dặm đường đi
Vời trông cây cốii xanh rì
Chốn này Tháo bị khốn vì Chu Lang
Phá Kinh Châu, hạ Giang lăng
Xuôi dòng trống mở, cờ giăng rợp trời
Trước núi sông rót mời chén rượu
Tay cầm ngang ngọn giáo làm thơ
Anh hùng đã mấy ai chưa?
Mà con người ấy bây giờ ở đâu?
Tôi cùng bác giăng câu kiếm lá
Kết thân cùng tôm cá hưu nai
Cưỡi con thuyền nhỏ dông dài
Lại nâng chén rượu cùng mời mọc nhau
Chút thân hờ gửi vào trời đất
Nhỏ như là hạt thóc giữa khơi
Khá thương ngắn ngủi cuộc đời
Khen cho sông nước dặm dài vô biên.
Ðã chẳng thể đất tiên bay lượn
Lại khó ôm trăng mượn trường sinh
Biết thôi mình lại với mình
Vang thừa đành gửi chút tình bi thương!

Đây không chỉ là lời của vị khách, đó chính là những trăn trở của con người, kiếp anh hùng phiêu du lẫm liệt, chốn đất trời lừng lẫy những chiến công, nhưng lại rồi bị thân bại danh liệt, mất mạng rồi mà chẳng giữ được chút uy danh. Những anh hùng ở đời ấy nay ở đâu, chút danh thôi cũng chẳng còn, đó chỉ là một làn khói mỏng.

Những anh hùng trượng phu trí lớn, rồi cũng chẳng lưu được mấy đời, bởi thân kia chẳng mãi trường sinh, rồi lại cũng gửi vào mây với gió, chẳng còn gì khi là nắm tàn tro.

Huống chi là nay ta buông đi tham chấp, sống tự tại ung dung ở đời, kiếm củi bắt tôm cá cho qua ngày đoạn tháng, chén rượu ngon mà ngẫm thế đủ rồi, lại ôm mộng cùng về cõi tiên giới, đó chẳng phải là ảo mộng ngàn thu.

Hay tiếng khóc của người góa phụ trẻ, khóc tiếc thương cho một cuộc tình, thủ tiết ôm mối tơ lòng vò võ, suốt canh thâu mong trời sáng tỏ tưởng.

Kiếp con người trong đời là mấy chốc, mà cứ phải đau khổ đọa đày. Đó chính là nỗi niềm trong tiếng sáo, não nề thay những tự sự truân chuyên.

Đó chính là cái mê, cái khổ của một đời con người bị nó xoay vần mà ảo não. Con người vì đam mê danh lợi, vì thỏa mãn cung phụng bản thân, mà cho rằng cuộc đời chẳng bao giờ là đủ, và luôn luôn mang những truy cầu, cầu tiền, cầu danh, cầu tình đẹp. Dẫu biết rằng đó là điều huyễn hoặc, vậy mà cứ chạy theo như bắt ánh trăng dưới nước.

Con người vì đam mê danh lợi, vì thỏa mãn cung phụng bản thân, mà cho rằng cuộc đời chẳng bao giờ là đủ, và luôn luôn mang những truy cầu, cầu tiền, cầu danh, cầu tình đẹp. (Ảnh: Pinterest.com)

Cảnh giới thơ Tô Thức là sự thoát tục siêu phàm, triết lí nhân sinh thấm đẫm hồn thơ ý phú

Trong thơ Tô Thức, Ông coi truy cầu danh-lợi-tình như trò chơi bắt bóng. Ông cho rằng cuộc đời con người ta vốn chẳng vẹn toàn, mặt trăng kia cũng khi tròn khi khuyết, mọi biến đổi chỉ trong chớp mắt, thời gian vốn chẳng đợi chờ người. Nước tuy chảy đi mà chẳng biến mất, như lời ngụ ý cái ta mất tưởng chừng là mất nhưng lại chính là cái ta được ở kiếp nhân sinh. Cái cảm ngộ hư không được diễn đạt:

Tô hỏi khách biết chăng trăng nước?
Nước có trôi nhưng thật không đi!
Trăng dù tròn khuyết từng khi,
Thủy chung cũng vẫn suy vi chút nào
Lấy biến đổi thấp cao mà xét
Thì cuộc đời chớp mắt cũng y
Lấy không biên đổi mà suy
Ta cùng vạn vật có gì mất đâu?
Vả trong khoảng trời sâu đất rộng
Mọi vật đều có đấng chủ trương.
Nếu không phải của ta chăng?
Tơ hào ta cũng thưa rằng ta không.

Cái ta có chưa hẳn là đã thực sự có, cái ta mất đi chưa hẳn đã thực sự mất đi. Đó là triết lý của từ Vô. Vô không có nghĩa là không tất cả, mà vô ở đây chính là sự huyền diệu của sự buông đi.

Con người ta phúc mệnh chẳng dày, nhưng truy cầu những điều huyễn tưởng, rồi lại cuốn mình vào trò tranh đấu, thua kém được hơn cũng chẳng để có gì, bởi nay mai nó lại tuột đi mất, rồi lại đau thương mà khóc lóc não nề.

Đó phải chăng là cái khổ, khổ trong mê khi chẳng nhận ra, mọi sự ở đời đều có an bài của định mệnh, chút nỗ lực nhỏ nhoi nhằm biến đổi được số trời? Phải chăng đó là điều không tưởng, bởi con người cũng là một sinh mệnh bé nhỏ mà thôi.

Vậy thì chỉ có ngọn gió mát ở trên sông cùng vầng trăng sáng ở trong núi, tai ta nghe nên tiếng, mắt ta trông nên vẻ, lấy không ai cấm, dùng không bao giờ hết, đó là kho vô tận của tạo hóa ban tặng, cớ chi chẳng hưởng thú mà tiêu diêu.

Chỉ gió mát trên sông hây hẩy
Chỉ trăng trong giữa dãy non cao.
Tai nghe thành tiếng tiêu tao
Mắt trông thành sắc thành màu vui tươi
Lấy ai cấm? Dùng thời chẳng hết
Kho trời cho không xiết bao la
Cũng là sở thích chúng ta
Vẫy vùng trăng gió mới là thần tiên

Một chút thâm tình đạo lý mà Tô Thức sẻ chia, chính là lời của một cao nhân ngộ đạo. Ông biết nắm rồi biết buông đúng lúc, để rồi cuộc đời là những ý vị nên thơ, sống trong khổ mà biến nó là niềm vui hưởng lạc, sống trong mê mà chẳng chút ngu muội, minh tỏ rạch ròi đạo lí ở đời, chính là con mắt nhìn của một người siêu thường.

Sống trong mê mà chẳng chút ngu muội, minh tỏ rạch ròi đạo lí ở đời, chính là con mắt nhìn của một người siêu thường. (Ảnh: Youtube.com)

Khách hớn hở tay liền rửa chén
Rót rượu thêm, đồ nhắm không còn
Nhìn vào mâm bát ngổn ngang
Gối nhau quên cả phương Ðông sáng rồi

Trong bài thi phú Tiền Xích Bích, Tô Đông Pha vẽ ra ba bức họa, một bức đầu là định nghĩa của niềm hạnh phúc ở đời, để từ đó mà hiểu bức họa thứ hai là khổ đau bất hạnh, để rồi tiếp tục vẽ ra lối thoát của bế tắc đời người.

Đó là đạo lí nhân sinh mà con người mãi tìm kiếm, không phải là danh là lợi, càng chẳng phải phú quý vinh hoa. Điều hạnh phúc được coi là vi diệu chính là đắc chính đạo mà nhập cõi tiên, thoát cõi phàm trần mà ung dung lạc thú, chốn bồng lai mới là đích cuối của đường đời.

Phải nói rằng, Tiền Xích Bích xứng tầm là áng thơ bất hủ, hoàn toàn xứng với đánh giá của người đời, một viên ngọc quý của cổ văn Trung Hoa. Nó mang theo những triết lí thâm sâu của một cảnh giới tư tưởng mà hậu nhân sẽ mãi tìm cầu. Những áng thơ hoàn toàn thoát tục, chạm đến vẻ đẹp siêu phàm.

Ngắm xem phong cảnh thanh tao. Vừa đi vừa hát vui sao cho cùng ! (Ảnh: Pinterest.com)

Ánh trăng trong thơ của ông luôn tròn trịa, giống như thiếu nữ tinh khôi tuổi 16 tràn đầy sức sống, tuổi đẹp nhất của đời người được ví von như ánh trăng tròn giữa tháng. Nếu trong thơ ông có vài hình ảnh xác xơ hay hiu quạnh, thì lập tức có vẻ đẹp được tô lên. Trong Hậu Xích Bích tiếng hát của người bạn đồng hành khiến không gian như chốn tịch liêu nay trở nên ấm cúng.

Đọc thơ Tô Thức, người ta cảm nhận được cái tĩnh của cảnh vật trong thơ, cái đẹp của sự bình an tự tại, cái duyên của nét trăng thanh, hay tiếng hát trong veo của từng ngọn gió. Thơ ông vẽ một bức tranh yên bình, nhưng không phải tập trung vào vẻ yên tĩnh, mà dùng cái tĩnh để miêu tả tâm thái người làm thơ, dùng cái tĩnh để vẽ lên nét động. Một tâm tĩnh ước chế vạn niệm động. Khi cảnh tĩnh, nó mới thực sự đẹp và tâm tĩnh mới thực sự tịnh.

Cảnh đẹp lên thơ nhớ tri kỉ, tìm tâm giao bên chén rượu nồng nàn

(Ảnh: pinterest.com)

Tô Thức sử dụng việc xuất hiện của hình ảnh con người trong thơ luôn luôn là người đồng hành trên một chuyến đi mà có cùng tâm nguyện, một là cũng có tâm hồn thi sĩ như ông hoặc cùng tâm cầu đạo như ông. Với ông đời con người đâu chỉ ăn với mặc, mà điều quan trọng hơn hết thảy là tìm được một người bạn tâm giao, khi có được liền cùng trà cùng tửu, ngâm thơ, thưởng họa, đàm chuyện đạo chuyện đời thì chén rượu nhạt cũng cảm thấy ấm lòng tri kỉ.

Tiếc có khách lại không có rượu
Rượu lại không đồ nhậu, buồn chưa!
Trăng trong gió mát đang chờ
Khách rằng : “ xẩm tối bất ngờ giăng câu
Tóm ngay được ở đâu chú cá
Giống cá lư dưới chỗ Tùng Giang
Tìm đâu được hũ rượu ngang?
Ta bàn với vợ, vợ rằng :”chớ lo”
Tôi vốn có một vò rượu quý
Ðã lâu nay cất kỹ để dành”
Thế rồi rượu cá sắm sanh
Xuôi dòng Xích Bích lại thành cuộc chơi!

Chuyến xuôi thuyền trên Xích Bích, có bạn đồng hành có rượu ngon. Một chuyến đi vô cùng lí tưởng, ngoạn non sơn rừng núi mà thảnh thơi an nhàn,

Sự tự tại khoan thai trong ý thơ của Tô Thức, chính là góc yên bình của một con người coi nhẹ ham vui hưởng lạc sa hoa, lấy sự giản dị bình yên mà tao nhã. Đâu cứ phải là cung son thiếp bạc, hay mĩ nữ ca múa mới là say mê, đâu cứ phải sơn hào hải vị, rượu cao hương mới gọi là thưởng thức. Đôi khi chỉ là chén rượu nhạt, nhưng được tìm được một tâm giao, hay được thả mình nơi thiên nhiên đất trời rộng lớn, hít mùi hương của hoa lá cỏ cây, tay chạm vào từng làn sương khói vương trên mặt nước, đó đã đủ là cõi tiên rồi.

Ông vô tình nhắn gửi thông điệp, hạnh phúc và bình yên thực sự chính là nơi tâm mình. Đời dẫu có sóng to bão lớn, thì trong tâm luôn có góc bình yên.

Nếu ví danh- lợi- tình là những ngọn sóng lớn, vùi dập con người trong kiếp bể dâu, thì buông bỏ lòng tham chấp truy cầu, biết thỏa lòng thế nào là đủ, đó chính là xây cho mình một góc tâm giản dị, bình yên mà chẳng lệ thuộc ở đời. Con sóng kia dẫu to dẫu lớn, chẳng làm sờn tâm một con người coi nhẹ những hư không, cái mà một con người bình thường khó mà hiểu, chỉ những người trong tâm luôn chứa tâm tìm cầu Đạo, đó mới thực sự ngộ được những cái được mất ở đời.

Nếu ví danh- lợi- tình là những ngọn sóng lớn, vùi dập con người trong kiếp bể dâu, thì buông bỏ lòng tham chấp truy cầu, biết thỏa lòng thế nào là đủ, đó chính là xây cho mình một góc tâm giản dị, bình yên mà chẳng lệ thuộc ở đời. (Ảnh: mytour.vn)

Vượt xuất khỏi cảnh giới phàm trần, là đi trên con đường siêu nhiên thoát tục

Trong thơ Tô Đông Pha, có một cách khoe rất khéo léo và tinh tế, ông khoe với đời về cảnh giới tư tưởng của ông, cái mà phàm nhân chẳng bao giờ có được.

Khúc sông chảy muôn vời sóng nước
Sườn núi cao ngàn thước chênh vênh
Núi cao trăng sáng mông mênh
Nước ròng, đá núi gập ghềnh phô ra
Ta vén áo dần dà bới cỏ
Ngồi lên trên những chỗ cheo leo
Ngửng trông tổ cắt ngặt nghèo
Cúi nhìn u hiểm thủy triều Bằng ố di
Hai người khách chẳng đi tới được

Ông vẽ lên bức tranh huyền ảo đẹp như chốn thiên đường, trong khi ông còn đang ngẩn ngơ với tiên cảnh, chiêm ngưỡng phóng tầm mắt tới tận cuối chân trời, ông như cưỡi mây, đạp gió. Vẻ đẹp núi non hùng vĩ thu gọn trong tầm mắt, thì nhìn xuống hai vị khách đồng hành như chẳng thể đi tới được.

Đây chính là sự ranh giới để phân biệt đâu là người, đâu là tiên, người phàm có muốn lên cao cũng chẳng lên được, tầm mắt nhìn chỉ là hạn hẹp, bậc siêu phàm ngắm gọn núi sông, thu tầm mắt là giang sơn một mối. Người phàm cố leo lên chẳng đặng, người siêu phàm một niệm đã trên mây.

Phải chăng đây chính là sự khác biệt của cảnh giới tư tưởng của Tô Đông Pha với một con người phàm trần. Cái mà ông rất khéo léo để khoe với đời. Cũng là bộc lộ một ý nghĩ thâm sâu, con người muốn bước vào tiên cảnh, buộc phải bỏ đi những tâm tưởng xấu xa, phải thuần tịnh tâm thân với bước vào được cảnh giới ấy.

Tiếng gọi nhau dội ngược cỏ cây
Ta nghe tê tái lòng này
Phập phồng lo sợ ở đây rợn người
Bèn trở lại, thuyền xuôi mặc sóng
Sắp nửa đêm in vắng bốn bề
Chợt nghe chim hạt bay khuya
Lẻ loi, cánh giống bánh xe rộn ràng
Giữa trời rộng kêu vang lảnh lót
Vừa phương Ðông , đã thoát phương Ðoài
Thế rồi khách bỏ mặc ai

Cái khác biệt tạo lên sự cao thấp trong cảnh giới, rồi bất chợt ông nhìn xuống nơi những người bạn đồng hành, tiếng gọi ấy khiến ông sợ hãi. Giống như cái sợ của một bậc tiên nhân khi nhìn vào cuộc sống của con người cõi trần tục.

Nhưng cũng có ý cho rằng, khổ thơ này nói lên rằng, tầng thứ của Tô Thức vẫn chưa đủ cao để đi lên tiếp con đường du ngoạn cõi tiên của mình, ông bị giới hạn nó mà buộc phải đi xuống. Bởi chính cái sợ mà ông không thể lên cao.

Một số nhà thiền sư cho rằng, đoạn thơ chính là sự phân tầng về cảnh giới tư tưởng, Tô Thức đã siêu xuất khỏi người thường, nên cái ông nhìn thấy là sự phi phàm đối với người trần thế. Nhưng cái ông thấy chưa phải là tất cả, chỉ là thấy trong tầng thứ cho phép của tư tưởng cảm ngộ bản thân ông ở vị trí đó mà thôi.

Ta lim dim một giấc dài như mơ
Mơ thấy một phơ phơ đạo sĩ
Mặc áo lông từ chỗ lâm cao
Gặp ta người vội vái chào:
“Cuộc chơi Xích Bích thế nao, vui không?”
Hỏi họ tên nhưng ông chẳng nói
Ta biết rồi: vừa mới hôm qua
Tiếng kêu trong vắt gần xa
Cái con chim hạc chính là ông thôi!
Lão đạo sĩ chỉ cười lặng lẽ
Ta giật mình mở cửa nhìn ra
Vắng tanh nào thấy đâu là!

Cũng có lẽ do tâm thức thôi thúc cầu Đạo, nên luôn bắt gặp trong thơ ông là cảnh giới của Đạo phi phàm. Còn gì lí thú hơn khi cùng một vị tiên nhân đàm đạo, được dạo chơi trong cõi tiên ngay giữa đời thường. (Ảnh: xinhuanet.com)

Tới đây người đời như cảm thấy những gì ông mô tả giống như trải nghiệm của ông về một giấc mơ lạc chốn bồng lai tiên cảnh. Trong cái mơ mà có thực, trong thực lại ngỡ tưởng như mơ.

Cũng có lẽ do tâm thức thôi thúc cầu Đạo, nên luôn bắt gặp trong thơ ông là cảnh giới của Đạo phi phàm. Còn gì lí thú hơn khi cùng một vị tiên nhân đàm đạo, được dạo chơi trong cõi tiên ngay giữa đời thường. Một lần nữa người ta thêm hiểu cuộc vui chơi nào ở đời rồi cũng sẽ phải dừng chân. Để cuối cùng con người ta tìm về với Đạo, tìm tới cái chân thực của sinh mệnh mình. Cái đó được Tô Thức ví von như một người chợt tỉnh giấc mê.

Phải nói rằng, hai tác phẩm thi phú của Tô Đông Pha, xứng đáng là một áng thiên thư phú họa. Nó được bình chọn là 2 viên ngọc sáng của cổ văn được lưu giữ tới tận ngày nay. Trong thơ ông không chỉ là cái đẹp tầm thường, hay cái thú tiêu diêu tự tại giản đơn, mà thơ ông chính là phá vỡ những rào cản phong bế bấy lâu trong tâm trí, đưa tư tưởng thoát tục nhập siêu. Gửi cho hậu nhân những lời tự tình chiêm nghiệm, để làm sao hạnh phúc an hòa trong chính dòng đời vồn vã, hay triết lý về tìm cầu chân Đạo, để ta có thể tiếp cận được cảnh giới cao hơn.

Càng về sau người đời càng thấu, giá trị bên trong mỗi ánh thơ ca của ông, nên gọi đó là một kho tàng quý báu khiến hậu nhân mãi mãi ghi tạc trong lòng.

Tịnh Tâm


Nguồn: ĐKN

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *