Triêu Lộ: Vương Bột với Tống Biệt

Vương Bột (649 – 676) là thi nhân đời Đường, tự Tử An, người Long Môn, Giáng Châu (Hà Tân, Sơn Tây ngày nay), thiếu thời đã hiển lộ tài hoa, sánh cùng với Dương Quýnh, Lư Chiếu Lân, Lạc Tân Vương. Và ông được gọi là một trong Sơ Đường tứ kiệt (4 bậc thi nhân kiệt xuất đời Sơ Đường).

Ông và Lư Chiếu Lân muốn thay đổi phong cách thơ đương đại thiên về kết cấu tinh vi, gò giũa câu chữ. Thơ ông miêu tả cuộc sống con người, cũng có một số bài về cảm khái chính trị, ẩn dụ bất bình đối với giới quý tộc. Phong cách thơ ông trong trẻo mới mẻ, nhưng cũng có những bài thơ hoa lệ. Tản văn của ông có “Đằng Vương Các” rất nổi tiếng, vốn là tập tản văn, đã bị thất truyền.

Vương Bột (649 – 676) thi nhân đời Đường, tự Tử An, người Long Môn, Giáng Châu. (Ảnh: duytancircle.com)

送杜少府之任蜀州

城闕輔三秦,

風煙望五津。

與君離別意,

同是宦遊人。

海內存知己,

天涯若比鄰。

無為在歧路,

兒女共沾巾。

Tống Đỗ thiếu phủ chi nhậm Thục Châu

Thành khuyết phụ Tam Tần,
Phong yên vọng Ngũ Tân.
Dữ quân ly biệt ý,
Ðồng thị hoạn du nhân.
Hải nội tồn tri kỷ,
Thiên nhai nhược tỉ lân.
Vô vi tại kỳ lộ,
Nhi nữ cộng triêm cân.

Dịch nghĩa:

Tiễn Đỗ thiếu phủ đi nhậm chức ở Thục Châu

Kinh thành được Tam Tần bảo vệ
Qua gió bay khói tỏa ngóng trông Ngũ Tân (5 bến nước đất Thục).
Biệt ly bạn tình vô hạn,
Cùng phiêu du chìm nổi chốn quan trường.
Chỉ cần có người tri kỷ như bạn trên thế giới này,
Thì nơi chân trời góc biển vẫn thấy gần gũi như láng giềng.
Đừng như nữ nhi chia tay ngã ba đường,
Buồn đau rơi lệ ướt hết khăn

Dịch thơ

Kinh thành chắn bởi Tam Tần
Ngũ Tân đất Thục phong trần khói sương.
Biệt ly muôn vạn dặm đường,
Tha hương cám cảnh quan trường tả tơi.
May còn tri kỷ trên đời,
Cách xa góc biến chân trời xá chi.
Ngã ba ly biệt bạn đi,
Nam nhi chớ giống nữ nhi lệ trào.

Ngã ba ly biệt bạn đi. Nam nhi chớ giống nữ nhi lệ trào. (Ảnh: Pinterest.com)

“Tống Đỗ thiếu phủ chi nhậm Thục Châu” là bài thơ Vương Bột sáng tác ở Trường An. Thiếu phủ là cách gọi chức quan Huyện úy đời Đường. Bạn ông, Đỗ thiếu phủ đến đất Thục (Tứ Xuyên) nhậm chức, Vương Bột tiễn biệt ở Trường An, lúc biệt ly xúc động làm bài thơ này tặng bạn.

Bài thơ này là một danh tác tiễn biệt, ý thơ an ủi động viên người tri kỷ chớ có buồn dầu khi ly biệt

Thành khuyết phụ Tam Tần
Phong yên vọng Ngũ Tân

“Khuyết” tức là “Vọng lâu” trên cổng thành của kinh thành. “Thành khuyết” là chỉ kinh thành Trường An – đế đô nhà Đường. “Tam Tần” là chỉ vùng Quan Trung phụ cận kinh thành. Vùng đất Tam Tần mênh mông bảo vệ cho kinh thành Trường An – nơi có cuộc chia ly. Ngũ Tân là năm bến nước trên sông Mân Giang thuộc đất Thục Châu (Tứ Xuyên ngày nay). Từ kinh thành Trường An, phóng tầm mắt xa xa về đất Thục, nơi cố nhân Đỗ thiếu phủ chuẩn bị đến nhậm chức, chỉ thấy vùng Thục Châu, năm bến nước thấp thoáng ẩn hiện, mờ mờ ảo ảo, trong gió bụi, trong khói sương mênh mang vô biên vô tế. Nơi xa lạ mênh mông mù mịt kia, bỗng nhiên lại là nơi chứa chan tình cảm trong lòng nhà thơ, vì nơi ấy sẽ là nơi bạn tri kỷ của ông tới.

Hai câu đầu không có lời nào về ly biệt, chỉ miêu tả cảnh tượng hai vùng đất mà vấn vương tràn đầy tình cảm biệt ly, chính là ý tại ngôn ngoại, là cái thần của bài thơ. Tác giả từ kinh thành Trường An, sao có thể thấy được 5 bến nước đất Thục cách xa ngàn dặm, có lẽ lúc biệt ly bất giác trông về phương xa ấy, hình ảnh “Phong yên vọng Ngũ Tân” hiện ra trước mắt. Đây có lẽ là “Tướng tùy tâm sinh” mà  Phật gia giảng. Vùng đất xa xôi Ngũ Tân kia đã ở trong tâm của tác giả, đã thân thuộc rồi.

Dữ quân ly biệt ý,
Đồng thị hoạn du nhân.

Ý vị tình cảm biệt ly này của hai người, kẻ đi người ở nhưng có sự đồng cảm, bi thiết bởi chia li, xa cách, hàng ngàn dặm đường biết khi nào tái ngộ. Nó còn chung nỗi cám cảnh giống nhau là đều vì mưu sinh, vì quan lộ mà tha hương ly sở. Hai câu đầu giọng điệu cao của người lên cao nhìn xa, thấy cái mênh mang của trời đất, cái hùng vĩ của sơn hà. Hai câu tiếp giọng điệu trầm ngâm da diết, khiến độc giả cảm thấy lắng đọng, trầm lắng. Từ cái không gian cảnh tượng hùng tráng của trời đất, non sông ở hai câu đầu bỗng đột ngột co lại cái không gian, tình cảm riêng của hai người bạn.

Hải nội tồn tri kỷ,
Thiên nhai nhược tỷ lân

Hải nội tồn tri kỷ. Thiên nhai nhược tỷ lân. (Ảnh: Pinterest.com)

Câu 5, 6 lại là sự thay đổi đột ngột, một không gian bao la, to lớn hùng vỹ hơn, tình cảm cũng chuyển từ trầm lắng da diết sang hào hùng tráng chí, chân trời góc biển cách xa cũng không chia lìa được tri kỷ, vẫn thấy gần gũi thân thương như hàng xóm láng giềng, vậy thì người đất Tần, người đất Thục có gì đáng kể đâu.

Tình bạn của những người tri kỷ không bị thời gian, không gian ngăn cản, là vĩnh hằng, bất diệt. Tình cảm này thật lạc quan, thoáng đạt, hai câu thơ này cũng đã trở thành bất hủ diễn tả tình sau nghĩa nặng của bạn tri kỷ khi muôn núi vạn sông cách trở.

Vô vi tại kỳ lộ,
Nhi nữ cộng triêm cân.

Hai câu kết lại là sự thay đổi đột ngột trở về không gian riêng giữa hai người. Con người rốt cuộc vẫn là con người, khó thoát thỏi cái tình. Dẫu biết rằng núi sông chẳng thể ngăn cách tình cảm được, nhưng thời khắc biệt ly này, vẫn không khỏi mềm lòng ngậm ngùi mà nhỏ lệ. Tác giả căn dặn khuyên bạn: Tới ngã ba đường, nơi chia tay đây rồi, đừng như bậc nữ nhi thường tình rớt lệ cáo biệt! Tác giả khuyên bạn nhưng cũng chính là tự khích lệ mình, áp chế tình cảm, nén những nỗi lòng đang trào dâng, để ngăn không cho nước mắt tuôn rơi.

Đây là tuyệt tác của Vương Bột về thể loại thơ tống biệt, có thể sánh ngang với các bài Tặng Uông Luân của Lý Bạch, Tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng của Lý Bạch, Dịch Thủy tống biệt của Lạc Tân Vương, Phú đắc cổ nguyên thảo tống biệt của Bạch Cư Dị v.v… Bài thơ chỉ 40 chữ nhưng như một bức tranh bao la, trải rộng, lại cụ thể chi tiết, biến hóa vô cùng. Bài thơ chứa chan tình cảm của người tri kỷ, lúc biệt ly bi sầu, than thở, nhưng lại không chứa một chữ nào có ý “bi sầu” cả, xứng đáng là một kinh điển lưu truyền thiên cổ.

Triêu Lộ


Nguồn: ĐKN

You may also like...