Lý Hạ: Đảo Điên Giữa Chốn Phù Hư

Văn học Trung Hoa thời nhà Đường có nhiều đại thi hào trứ danh trong đó có hai nhà thơ mang cùng một họ: Lý Bạch và Lý Hạ. Hầu hết nhiều người biết đến Lý Bạch nhiều hơn bởi ít người dịch thơ Lý Ha. Hơn nữa, thơ Lý Bạch mang vẻ tiêu dao, tươi sáng, một cảnh giới mà ai cũng muốn hướng đến, trong khi thơ Lý Hạ lại mang vẻ âm u, ảm đạm nhưng lại đầy sáng tạo.

Lý Hạ thuộc dòng dõi tôn thất dưới thời nhà Đường. Thuở nhỏ, ông cực kỳ thông minh đĩnh ngộ, lên bảy tuổi đã biết làm thơ, từng đem thi ca chấn động cả kinh sư. Khoảng năm mười năm tuổi, ông bắt đầu được so sánh với thiên tài  nhạc phủ Lý Ích.  Lý Hạ đăng ký khoa cử lúc hai mươi tuổi, với mong muốn dấn thân vào con đường hoạn lộ nhưng bị cấm thi vì huý kỵ tên cha. [1]

Trở ngại đường công danh ảnh hưởng lớn tâm lý khiến thơ ông mang nhiều u uẩn. “Thu Lai”, bài thơ nổi bật nhất, hé lộ nổi uất nghẹn chất ngất ở một chàng trai đang trong độ tuổi tràn nhựa sống:

Gió thổi ngô đồng tráng sĩ khổ 
Bên đèn tàn rên rỉ tiếng trùng 
Thấy chăng cuốn sách tre xanh 
Không người xem tới, mọt ăn dãi dầu 
Tâm vương vấn lòng đau quặn thắt 
Mưa viếng hồn người viết sách ra 
Quỷ ngâm họ Bảo thi ca 
Ngàn năm ôm hận máu pha ngọc ròng.
(Bản dịch Nguyễn Minh)

Đêm thu gió thổi qua đồng ngô làm người khiếp sợ. Tiếng vạc kêu giữa cơn mưa rỉ rả.  Tập thơ bị mối gặm thành bột vì lâu ngày không ai đọc làm tác giả chạnh lòng. Trên nấm mộ có tiếng quỷ ngâm thơ. Quỷ nuối cuộc hồng trần hay thương cảm chúng sinh đang đảo điên với trùng trùng huyễn mộng? “Cuốn sách không người đọc” ý nói “người tài không đất dụng võ”. Đó là tâm trạng Lý Hạ với “máu hận” không chỉ một ngày, một năm và cả ngàn năm, một nỗi bi thương miên man gậm nhấm tâm hồn thi nhân.

Nói đến ma quỷ,  đối với nhiều người là điều không hay. Phần đông không ai muốn nhắc đến vì tâm lý ai cũng muốn kéo dài cuộc sống cõi trần. Hoặc một số người nặng chủ nghĩa duy vật và không tin vào chuyện tâm linh. Giới khoa học đã chứng minh rằng thần thức con người vẫn tồn tại sau khi chết. Ma quỷ không là truyền thuyết hay thần thoại mà là những người thân yêu hoặc có thể là chính chúng ta sau khi rời bỏ xác thân. Con người là dạng chúng sinh ở cõi hồng trần và ma quỷ cũng là một dạng chúng sinh, nhưng ở cõi vô hình còn gọi là cõi trung giới. Họ là những vong hồn chưa siêu thoát để bắt đầu một kiếp sống mới. Vì vậy ta nên thương cảm thay vì nguyền rủa. Quỷ trong bài thơ Thu Lai giàu cảm xúc như chúng sanh hữu hình không khỏi làm ta thắc mắc, phải chăng thi nhân bắt đầu cuộc thám hiểu tâm linh? Lý Hạ được ví là “quỷ thi” bởi cách thêu dệt hình ảnh cõi âm độc đáo và biến động tâm lý đã khiến Lý Hạ thốt lên lời thơ vạn cổ sầu.

Thiên tài thường có lối suy nghĩ khác người . Những điều họ nghĩ hay làm ta cho không bình thường, nhưng đối với họ là bình thường bởi ta không sống trong thế giới tư tưởng của họ. Cõi siêu thực là nguồn cảm hứng của biết bao nhà thơ vì họ có thể vượt ra khỏi biên giới thực tại, phiêu bồng trong ẩn thức.Tuệ Sỹ, vị tu sĩ uyên bác của Phật giáo được biết đến với áng thơ bay bỗng, siêu việt cũng có một số bài về cõi âm. Chúng sinh cõi âm thường ít xuất hiện giữa ban ngày mà thường vào khuya bởi năng lượng mặt trời tác động lên dòng điện từ trường. Hiện tượng các hợp chất hình thành từ hoạt động của vi khuẩn sống dưới lòng đất phần mộ trong xương người và sinh vật dưới mộ bốc lên thoát ra ngoài, gặp không khí bốc cháy thành lửa các đốm lửa nhỏ gọi là ma trơi. Bóng quỷ hiện ra giữa khuya, luyến lưu xác thân đang rã mục.

Khuya rờn rợn gió vèo run bóng quỷ 
Quỳ run run hôn mãi lóng xương gầy
Khóc năn nỉ sao hình hài chưa rã
Để hồn tan theo đớm lửa ma trơi”[2]

(Ngồi Giữa Bãi Tha Ma)

Hay “quỷ khóc chơi vơi” trong ngày rằm tháng bảy, ngày lễ cúng cô hồn:

Ta nhớ mãi ngày Đông tràn ruợu ngọt 
Ngày hội mùa ma quỷ khóc chơi vơi
Trưa phố thị nhạc buồn loang nắng nhạt
Chìm hư vô đáy mắt đọng ngàn khơi [3]

(Tiếng Nhạc Vọng)

Quỷ ngâm thơ, quỷ hôn, quỷ khóc, quỷ cười và biến hóa với những quyền năng mà khoa học không thể lý giải. Thần Huyền Khúc đưa ta đến một cảnh giới huyền hoặc, dị kỳ, và khó mà hiểu được Lý Hạ muốn gửi gắm điều gì. Dù vậy, ta thấy sự hoang quái, giằng co, sâu xé với “gió lốc cuốn vào ngựa” rồi “ngựa đạp mây”, rồi “chư thần trừ tà khiến tinh tinh khóc” và “cú vọ biến thành quỷ cười vang”:

Trời lặn non tây, đông cuối ngày 
Gió vù thổi ngựa, ngựa đạp mây. 
Sáo xinh, đàn đẹp tiếng dập dồn 
Quần hoa rộn bước, bụi thu bay! 
Lá quế gió đưa, trái rụng hết 
Tinh xanh khóc máu, hồ lạnh chết. 
Đuôi vàng cù long bám vách cổ 
Thần mưa cưỡi nhập đầm thu đổ! 
Mộc quỷ thành hình bởi vú vọ 
Tiếng cười xanh lửa vang trong tổ!

(Bản dịch Lâm Trung Phú)

Khủng hoảng tâm lý có thể khiến Lý Hạ bộc phát những ảo giác kỳ dị. Edgar Allan Poe, thi hào Mỹ với bài thơ “The Raven” mà giới yêu thích văn chương nghe qua, cũng có một cuộc đời đầy đau khổ.  Tác phẩm của ông cũng đẫm bi thương, rờn rợn. Hình ảnh trong thơ Lý Hạ cho ta thấy sự sâu xé nội tâm, không những mẫn cảm với chúng sinh cõi âm, và còn hướng đến cảnh giới thanh cao.

Khi con người vì nhiều lý do khác nhau không tha thiết với những bon chen danh lợi thường bắt đầu khát khao tâm linh. Nghịch duyên khiến một tâm hồn vốn mẫn cảm càng trở nên nhạy cảm hơn.  Sự mẫn cảm và nổi u uất bùng cháy trong vô thức khiến thơ Lý Hạ mang phong thái riêng với tư duy sáng tạo cao.

Không ai ngồi khóc trăm năm. Khi sự đau khổ lên đỉnh điểm rồi nó sẽ lắng dịu theo thời gian, và người ta nghiệm ra chân lý riêng cho mình. Khổ đau, hạnh phúc, thành hay bại đều mang giá trị riêng nằm ẩn sâu trong tàng thức. Khổ đau  không làm tâm con người mờ đục . Uất hận không làm Lý Hạ hằn học với cuộc đời, nhưng ngược lại thi nhân trải lòng mình với chúng sinh trong thế giới vô hình, và hữu hình. Sự giao cảm với vạn vật dung dưỡng tâm hồn, xoa dịu cơn cuồng nộ nội tâm, trong đó thiên nhiên luôn là nguồn cảm hứng vô tận.  Ta ngửi “mùi hoa phong lan”, thấy “tảng đá hình thù quái dị”, nghe “tiếng vượn hú bi ai”, ngắm” ánh trăng phản chiếu nét lung linh bên bến nước mùa thu” và liên tưởng ” hạt cát lấp lánh như hạt ngọc” trong bài Thục Quốc Huyền, một bức tranh thiên nhiên tuyệt mỹ:

Hương phong hoa chiều lặng 
Cẩm Thuỷ lồng Nam Sơn 
Vượn sầu kêu lay đá 
Mây trúc buồn sườn non 
Bến thu trăng buông lạnh 
Ánh ngọc cát long lanh 
Ai người rơi hồng lệ 
Chẳng nỡ qua Cù Đường

(Bản dịch Huỳnh Ngọc Dũng)

Người bình thường có thể cho rằng nổi đau khổ của Lý Hạ là điều bất hạnh đối với một chàng trai trẻ có tài nhưng đường công danh không toại. Tuy nhiên, nhìn ở góc độ khác, cũng vì điều đó mà Lý Hạ sống nặng về tinh thần.  Một người khó thong dong khi chưa buông bỏ mọi truy cầu danh lợi . Đôi khi nghịch duyên là nhịp cầu đưa đến khát khao tâm linh. Dưới nhãn quan Phật giáo, mọi việc không tự nó mà thành, tất cả đều do nhân duyên, và không phải duyên của đời này mà từ nhiều đời trước nữa.

Từ ngàn xưa cho đến đời nay, khi lục căn tiếp xúc lục trần thường làm tâm chúng ta dao động.  Lý Hạ với tâm trạng u uẩn nên nhìn cảnh vật cũng u uẩn, đìu hiu, đúng như câu nói ” người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Lý Hạ buồn nên thấy cả núi Nam buồn. Đó không phải là nổi buồn rười rượi, buồn lây lất mà buồn dào dạt, buồn thăm thẳm như “trận mưa quỷ tưới cỏ cây” trong Cảm Phúng Kỳ 3:

Núi Nam sầu thảm ủ ê buồn 
Mưa quỷ mù trời ướt đẫm cỏ 
Thu lạnh Trường An lúc nửa khuya 
Người già cúm rúm đi trong gió !! 
Ngõ thôn chập choạng bóng hoàng hôn 
Lốc cuốn đường sồi tung lá đổ 
Cây đứng bóng, trăng treo đỉnh trời 
Non cao vằng vặc đêm thanh tỏ !! 
Chập chờn ánh đuốc đón chào ai 
Hố thẩm lập loè đom đóm rộ !!

(Bản dịch Lâm Trung Phú)

Chúng ta không phải hiệu hữu trên cõi đời trong kiếp hiện lai mà đã từ muôn triệu kiếp trước. Tác nhân khiến chúng ta tự nhốt mình vào nhà tù chính là khổ não. Giữ tâm bình thản trước giông bão cuộc đời không phải là đầu hàng số phận là đối trị cội nguồn khổ đau, điều mà đôi khi phải trải nghiệm bằng máu và nước mắt.

Thi nhân là những người mẫn cảm. Sự mẫn cảm vận vào người khiến cuộc đời họ dễ chông chênh, buồn vui khác người. Họ có thể cảm những điều người ta không cảm, thấy điều người ta không thấy trong hố tư tưởng vô biên.  Một tâm hồn mong manh thường dễ bị chấn động và cũng dễ động lòng trắc ẩn. “Giọt sương như giọt lệ trong mắt” trong Tô Tiểu Tiểu Mộ là sự liên tưởng phong phú, là nỗi ngậm ngùi cho số phận hẩm hiu của nàng Tô Tiểu Tiểu khi tác giả “nhìn người chợt ngẫm đến ta”:

Lan đọng sương, như giọt lệ 
Lấy gì kết đồng tâm 
Yên hoa đâu nỡ dứt ? 
Cỏ như tơ, thông che mát 
Nước điểm trang, áo là gió 
Xe du bích, hẹn đêm tối 
Lửa ma trơi, mưa ngậm ngùi 
Chốn Tây lăng, trong gió thổi

(Bản dịch Huỳnh Ngọc Chiến)

Khổ đau khuấy động miền tâm thức, chuyển hoá nội tâm, bùng cháy khát khao tâm linh, và hướng đến đời sống nặng tinh thần, nhẹ vật chất. Trong Mộng Thiên, ta không thấy chút bi oán mà chỉ thấy vẻ bồng bềnh của thượng giới với “lầu mây”, “tiên nữ đeo ngọc”, “ngựa phi”. Ta có thể cảm nhận tinh thần hướng thượng, và tầng số rung động tâm linh cao:

Thỏ già, cóc lạnh, lệ rơi, 
Lầu mây hé mở, tường hơi trắng ngà. 
Bánh xe ngọc ướt móc sa, 
Đeo loan, lối quế, tiên nga xuống trần. 
Dưới ba núi, nước trong ngần, 
Nghìn năm thay đổi nhanh gần ngựa phi. 
Châu, Tề, chín chấm nhỏ ti, 
Nước nơi Hoàng Hải khác gì trong ly…

(Bản dịch Anh Nguyên)

Đau khổ. Buồn bã. Mẫn cảm.Thương cảm. Thăng hoa. Chuyển hoá …Tất cả tạo nên dòng cảm xúc mãnh liệt với ngun ngút bi thương, dạt dào thương cảm  trong thơ Lý Hạ. Nét thâm trầm trong nhân sinh quan khiến ta suy gẫm về “tài” và “mệnh”, “thành” và “đạt” giữa cuộc phù sinh với muôn trùng thử thách mà cuộc trăm năm vốn là một giấc mộng.

Chợt cảm niệm người thi nhân tài hoa vắn số. Thu về đọc thơ Lý Hạ, nhớ đến Đặng Thế Phong, Rentarō Taki, Hàn Mặc Tử …những kẻ tài hoa yểu mệnh như ngôi sao vụt sáng rồi tắt lịm giữ bầu trời, để lại bao luyến lưu trong lòng hậu thế.  Nổi u uẩn trong tâm hồn mẩn cảm bùng cháy để thi nhân thốt lên những áng thơ rờn rợn, uất hận trong nét lung linh huyền ảo điểm xuyết giữa cõi hữu hình và vô hình.

Thơ là hồn, là hố thẳm tư tưởng, là tấm gương phản chiếu nội tâm được lột tả bằng ngôn ngữ văn chương bóng bẩy và trau chuốt với nhiều tư duy sáng tạo.  Điều thú vị là người đọc không chỉ thưởng thức cái đẹp của ngôn ngữ mà còn xăm soi nội tâm, chiều sâu tâm hồn thi nhân, một cõi thăm thẳm trong vô thức. Thơ là nguồn suối tưới mát tâm hồn, đưa ta tạm xa những lập trình hay bế tắc cuộc sống và giúp tâm hồn thăng hoa. Lý Hạ, một tâm hồn mẫn cảm điên đảo giữa cõi phù sinh, xuất hồn với chấp chới hình ảnh siêu thực. Chạnh lòng nhớ đến hai câu thơ của đại thi hào Nguyễn Du:

“Trăm năm trong cõi người ta

Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau”

11/05/2017

Lê Diễm Chi Huệ

_________________________

Chú thích

[1] Lý Hạ [https://vi.wikipedia.org/wiki/L%C3%BD_H%E1%BA%A1]

[2], [3] Thơ Tuệ Sỹ [Thivien.net]

[4] Xem các bản dịch thơ Lý Hạ [ thivien.net]

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

You may also like...