Vẽ Phật Từ Nơi Tử Ngục

GN – Đó là câu chuyện cảm động và đầy ý nghĩa mà tác giả Lilly Greenblatt đã chia sẻ trong bài viết của mình, có tựa đề On Death Row, Creating Art from Pain (Nơi tử ngục, nghệ thuật được tạo tác từ nỗi đau) được đăng trên tờ Lion’s Roar. 

Người tử tù vẽ Phật 

Họa sĩ Phật tử người Mỹ, Moyo biểu đạt hình ảnh Đức Phật bằng nhiều phương tiện khác nhau như: bút vẽ màu nước được nhà tù cung cấp, mực màu đá quý, bút chì màu, sáp màu. Moyo kết hợp tất cả cùng nhau để thể hiện nhãn quan của mình về Đức Phật – hầu hết được mô tả bằng nét cười thanh nhã, thoát tục. 

Moyo vẽ những bức họa này trong ngục biệt giam – có diện tích nhỏ hơn một chỗ đậu xe trung bình, là nơi anh ngồi trong suốt 16 năm qua. 

venoicuanguc (2).jpg
Đức Phật trong trí tưởng tượng của tử tù Moyo


Năm 18 tuổi, Moyo phạm tội sát nhân và nhận án tử hình. Anh đang dành khoảng thời gian bất định còn lại trong cuộc đời mình để sự hiện diện của mình “có giá trị” -đó chính là sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật từ nỗi đau, nỗ lực tạo ra một “con sóng tích cực” cho thế giới. 

Sứ mệnh này chính nó đã được biểu đạt trong triển lãm nói trên với sự chung sức đầy yêu thương của người bạn tâm thư Maria Jain quý kính của mình. 

“Đức Phật trong nơi ngục chết” là “chuỗi các bức chân dung Đức Phật với những phản ánh khổ đau và hạnh phúc, xung đột và hòa bình, vô thường và hằng hữu, vô minh và tỉnh giác”. Triển lãm này đã mở cửa đón khách tham quan từ tháng 8 năm ngoái ở Helsinki (Phần Lan), cách nhà tù giam giữ Moyo 5.000 dặm (ở Hoa Kỳ). 

Từ duyên lành với người bạn đạo 

Tình bạn giữa Jain và Moyo là một duyên lành. Mùa xuân năm 2014, lúc Jain đang truy cập vào chương trình kết nối bạn tâm thư với những người tù bị giam giữ – chương trình giúp nuôi dưỡng những mối quan hệ tích cực cho các tù nhân có sự cộng hưởng với mình. Cô tình cờ thấy đượcthông tin cá nhân của Moyo và ngạc nhiên bởi những điều tương đồng cũng như khác biệt giữa mình và người tử tù này. Họ cùng tuổi với nhau -dù lúc Moyo bị kết án và ngồi tù thì Jain học thành tài, du lịch vòng quanh thế giới, tìm thấy bạn đời và theo đuổi đam mê của mình. Đặc biệt là cả hai đều yêu thích thực hành theo Phật giáo, thích yoga và du lịch. 

Jain đã viết thư cho Moyo và từ lá thư đầu tiên ấy, tình bạn nảy nở và kết quả là triển lãm các bức họa Đức Phật ra đời. 

venoicuanguc (4).jpg
Một bức tranh vẽ Đức Phật của Moyo


Moyo đã tự mình tìm học trong ngục; đọc sách về lịch sử, nghệ thuật, tâm lý và tâm linh. Anh đã tình cờ biết đến thiền tập trong sân giải trí của nhà tù khi một người bạn tù (đã bị tử hình) dạy cho anh sự tỉnh thức trong hơi thở và các tư thế yoga. Nhiều năm sau đó, Moyo tiếp tục tìm hiểu Phật pháp, thiền và thường xuyên thực hành. 

Những lá thư tay bay qua lục địa rồi hải hành một cách thường xuyên vượt khoảng cách địa lý hơn 5.000 dặm giữa Jain và Moyo, chuyên chở những câu chuyện đời của nhau và cả hai người nhanh chóng trở thành bằng hữu của nhau.

“Tôi gọi Moyo là ‘người anh em’ trong đạo pháp của mình”, Jain chia sẻ. 

Sự thực hành Phật giáo làm thăng hoa tâm hồn người tử tù

Trong một đoạn thư Moyo viết gửi Jain: “Thật thú vị là điều được dựng nên để giết chết bạn lại chính là điều bạn sử dụng để chữa lành cho chính mình. Trong nhà tù này, tôi đã học được nghệ thuật của sự kiên nhẫn, của sự im lặng và quả của chúng thật ngọt ngào. Tôi đã học được nghệ thuật của sự quán chiếu nội tâm và lợi ích của sự thực hành này trong cải thiện ý thức về cái ngã. Tôi đã học để biết cách chờ đợi trong sự kiên nhẫn mà ngục tù này áp chế lên tôi”

Trong một cánh thư, Moyo đã chia sẻ với Jain rằng trong lúc “tự tổ chức một khóa hành thiền” cho mình trong nhà tù, anh muốn biểu đạt hình ảnh của Đức Phật qua các bức chân dung. 

“Bức họa đầu tiên tôi vẽ trong ngày cuối cùng của khóa tu là phần đầu của Đức Phật và tôi không biết tại sao mình lại vẽ như thế. Tôi thích sự cảm nhận của mình khi vẽ, bức vẽ cho tôi cảm giác tuyệt vời nơi bàn tay mình. Mọi thứ hé mở với tôi và tôi có thể tiếp tục tìm hiểu hình ảnh này cũng như ý nghĩa đằng sau đó; có thể điều đó giúp tôi đến gần hơn với sự tinh túy trong đó. Và có lẽ, điều đó làm cho tôi được tốt đẹp hơn và cho cả những người khác nữa” – Moyo viết.

Jain bắt đầu nhận được các bức vẽ từ Moyo với tên lóng bằng ngôn ngữ Swahili, có nghĩa là con tim hay tâm linh. Cả hai bắt đầu cùng nhau hành thiền hàng tuần, ngồi thiền với mốc thời gian tương ứng theo một lịch trình thống nhất. Ý tưởng triển lãm các bức họa của Moyo xuất hiện từ một thời thực hành của họ. Dù chưa từng thực hiện triển lãm nhưng Jain đã liên lạc lại với một người bạn 15 năm chưa gặp, hiện là giám đốc của một trong những phòng triển lãm danh giá nhất ở Helsinki để nhờ giúp đỡ. 

Sau đó, triển lãm được khai mạc. Ban đầu, Jain đã phân vân liệu những tác phẩm Moyo có được người thưởng tranh chấp nhận hay không khi Moyo mang tội tử nhưng Jain đã vui mừng cho biết, “Mọi người đến với triển lãm bằng con tim thật sự cởi mở. Khách tham quan có nhiều xúc cảm khi thưởng ngoạn những tác phẩm của Moyo” – từ những gì được ghi lại từ quyển bút ký tại triển lãm. 

Tất cả yêu thương và niềm tin trong tôi đến từ những con người đáng yêu này, những người mang yêu thương một cách tự nhiên và thuần khiết. Và tôi tự hỏi, “Tôi thật sự là ai?” – Tôi là tôi ở ngay những khoảnh khắc gần gũi của con tim hay tôi thật sự là dòng chảy tự do của yêu thương bất tận? 

Tôi nhìn mình trong gương sau khi nghe thấy suy nghĩ của những con người đáng yêu này, cố gắng thấy điều họ trông thấy. Và tôi trông thấy. Tôi sẽ cố gắng hết sức mình để chuyển trao món quà của sự tỉnh thức này đến những người khác, một cách rộng khắp không giới hạn. 

Jain dường như có một cuộc sống bên ngoài “Đức Phật trong nơi ngục chết”. Sau triển lãm, cô đến Hoa Kỳ và gặp Moyo lần đầu tiên, “mặt đối mặt” qua tấm ngăn bằng kính plexi. Họ không nói lời nào. Họ bắt đầu cuộc gặp gỡ trong sự im lặng, trong sự thiền tập cùng nhau.

“Những ngày viếng thăm ấy vô cùng ý nghĩa, những cuộc đối thoại sâu sắc, tiếng cười và cả nước mắt…”, Jain bùi ngùi. 

Tâm nguyện cho những ngày sau cùng… 

Cả Jain và Moyo, không ai biết Moyo sẽ còn lại bao nhiêu thời gian nhưng họ quyết tâm tận dụng quãng thời gian còn lại này. “Tôi đã làm điều sai ác trong đời và tôi sẽ không bao giờ có thể xóa bỏ nó. Nhưng ít nhất tôi có thể làm gì đó để cải đổi bản thân mình”, Moyo viết trong thư.

venoicuanguc (3).jpg
Du khách xem tranh của Moyo tại triển lãm

Trong ngậm ngùi và bình lặng, tâm nguyện của Moyo được khẳng định một cách mạnh mẽ: “Tôi không hy vọng thoát khỏi nhà biệt giam và tiếp tục sống. Tôi hiện là người khỏe mạnh nhưng khi bị hành hình tôi sẽ không thể hiến tặng cơ quan nào của mình, vì lúc đó chúng sẽ bị hủy hoại bởi chất độc. Lời kháng nghị của tôi chính là các cơ quan tôi muốn hiến tặng. Lời bộc bạch của tôi là những cơ quan tôi muốn hiến tặng. Nghệ thuật của tôi là những cơ quan tôi muốn hiến tặng”

Jain cũng hy vọng rằng triển lãm này có thể mang lại sự lưu tâm đối với các điều kiện mà người tử tù phải đối diện trong nhà giam và trọng tâm chính là sự bất hợp lý của án tử. 

Và vào lúc 6 giờ tối một hôm nào đó, sự sống của Moyo sẽ không còn nữa. Đó là bi kịch của một chàng trai vô minh, giờ đã và đang có nhận thức tốt đẹp hơn, đang chuộc lỗi bằng thân mạng của mình, đang yêu lắm cuộc sống và đang không ngừng mơ về những điều có thể làm và sẽ làm hơn bất kỳ điều nào khác – đó chính là cải sửa vì những sai lầm đau thương của mình. 

Đó là lý do vì sao tôi  đang tiếp tục trọn tâm trọn sức biến chuyển bản thân, sáng tạo nên các bức vẽ, tham gia các khóa học phục hồi nhân cách, nỗ lực để có những thay đổi tích cực ngay trong và cả bên ngoài nhà tù. Đây chính là cách làm điều gì đó ý nghĩa khi còn có thể cho đến khi điều gì đó không ý nghĩa ngăn chúng ta lại – Moyo bộc bạch. 

Trong một thẻ đánh dấu trang Moyo gửi cho Jain sau khai mạc triển lãm, viết “Nếu cô không thành Phật, ai sẽ thành Phật?”.

“Câu hỏi này, với tôi, là một trong những bài học lớn lao nhất mà tôi học được từ Moyo”, Jain chia sẻ.

Trần Trọng Hiếu dịch
———-
Bài sưu tầm trên net

You may also like...