- Vài vấn đề về tư tưởng phật giáo, quan niệm về bản thể trong tư tưởng Phật giáo Thiền Tông
1.1. Vài vấn đề tư tưởng Phật giáo
* Quan điểm của triết học phật giáo về thế giới quan
Quan điểm triết học Phật giáo về 3 phạm trù: vô ngã, vô thường và duyên khởi.
Phạm trù vô ngã:
Vô ngã là không thừa nhận các tôi chân thật cho rằng thế giới xung quanh ta và cả con người là không phải do vị thần nào sáng tạo ra mà do sự cấu thành kết hợp giữa hai yếu tố sắc và danh (sắc là vật chất, danh là tinh thần).
Sắc gồm: đất, nước, lửa, không khí…
Danh gồm thụ, tưởng, hành, thức. Trong đó, thụ là cảm giác tưởng là ấn tượng; hành là ý muốn thúc đẩy hành động; thức là nhận thức. Chính cái danh và cái sắc đó kết hợp lại với nhau hình thành ngũ uẩn. Ngũ uẩn tác động qua lại tạo nên vạn vật và con người. Nhưng sự tồn tại của sự vật là tạm thời nhưng không có sự vật riêng biệt nào tồn tại mãi mãi, do đó cũng không có cái tôi chân thật.
Phạm trù vô thường:
Là sự biến hóa không ngừng với mọi sự vật hiện tượng nằm trong quá trình biến đổi theo chu trình: sinh, trụ, dị, diệt… Do đó, không có cái gì trường tồn bất định chỉ có sự vận động biến đổi không ngừng.
Đức Phật dạy: “tất cả những gì trong thế gian là biến đổi, hư hoại, điều là vô thường”. Vì vậy, vô thường có nghĩa là không ở yên trong một trạng thái nhất định, luôn thay đổi hình dạng đi từ trạng thái hình thành đến biến dị rồi tan rã.
Vô thường của đạo Phật là một phương pháp chỉ rõ mặt trái của đời, bày trừ mê lầm, ngăn chặn những người chạy theo vật dục nó chưa phải là thuyết tuyệt đối.
Vô thường là một định luật chi phối tất cả sự vật từ thâm tâm đến hoàn cảnh. Hiểu lý vô thường người ta dễ giữ được bình tĩnh thản nhiên trước thay đổi bất ngờ.
Phạm trù duyên khởi:
Phật giáo cho rằng mọi sự vật hiện tượng trong vũ trụ đều chịu sự chi phối của luật nhân – duyên. Trong đó, duyên là đều kiện giúp nhân thành kết quả. Quả ấy lại có duyên mới thành nhân khác. Nhân khác lại nhờ duyên thành quả mới, cứ như vậy tạo nên một sự biến đổi không ngừng của các sự vật.
Quan điểm của triết học phật giáo về nhân quả:
Nhân là nguyên nhân, quả là kết quả. Nếu có nguyên nhân tác động, tất nhiên có kết quả hình thành. Do đó, người ta thường nói trồng cây gì, được cây đó.
Theo quan niệm Phật giáo, nhân gieo thì quả trổ, nhân lành thì quả tốt, nhân ác quả xấu, đó là định luật tự nhiên; luật nhân quả tác động một cách máy móc: khi nghiệp quá nặng con người đã có, muốn cũng không sửa đổi kết quả được. Nghiệp lành chỉ làm diệu bớt phần nào của quả dữ. Định luật nhân quả thật là phức tạp.
Theo tư tưởng triết học:
Nhân nào quả ấy: người làm lành gặp lành, làm ác gặp ác là lẽ tất nhiên.
Trong nhân có quả trong quả có nhân: nhân quả là một chuỗi dài, quả hôm nay là do nhân đã gieo từ trước và quả hôm nay cũng vừa là nhân của quả vị lai.
Sự phát triển nhanh hay chậm từ nhân đến quả:
Nhân quả đồng thời: nhân phát khởi quả liền theo (đánh chuông nghe tiếng).
Nhân quả trong hiện tại: chúng ta tạo nhân trong đời này thì kết quả cũng trong đời này: như ở hiền thì gặp việc lành, ở ác thì gặp việc dữ.
Nhân quả nhiều đời: nhân ở đời trước, đời này đủ thuận duyên có kết quả, nhân trong đời này chưa đủ thuận duyên chưa có kết quả, sẽ có kết quả ở kiếp sau.
Nhìn chung qua các phạm trù: vô ngã, vô thường, duyên khởi… triết học Phật giáo đã bác bỏ quan điểm duy tâm cho rằng thần thánh sáng tạo ra con người, thế giới. Phật giáo cho rằng thế giới, con người được kết thành từ những yếu tố vật chất, nằm trong quá trình liên hệ vận động biến đổi theo qui luật khách quan. Đó là cách giải thích đúng nhất đáng trân trọng, chống lại cách giải thích duy tâm về thế giới.
* Quan điểm của triết học Phật giáo về nhân sinh quan
Quan điểm của triết học Phật giáo về tứ diệu đế:
Nội dung triết lý nhân sinh quan của Phật giáo thể hiện tập trung trong thuyết tứ diệu đế mà đòi hỏi mọi người cần phải nhận thức được.
Tứ diệu đế: chữ Hán dịch từ chữ Phạn Catvary aryasatyani. Arya là diệu: cao quý, mầu nhiệm; là sự thật chân lý. Tứ diệu đế còn được gọi là tứ chân đế, tứ thánh đế, bốn chân lý mầu nhiệm.
– Khổ đế (dukkha): là thực trạng đau khổ của con người.
– Tập đế (sammudaya): nguồn gốc, nguyên nhân dẫn đến thực trạng đau khổ.
– Diệt đế (nirodha): sự kết thúc hay chấm dứt khổ đau.
– Đạo đế (magga): con đường, phương pháp thực hành để chấm dứt khổ đau.
Một là, khổ đế (dukkha): khổ đế là một chân lý cho rằng cuộc đời con người là bể khổ. Đức Phật nói: “nước mắt của chúng sinh nhiều hơn nước đại dương”.
– Về phương diện sinh lý: là một cảm giác khó chịu, đau đớn của thể xác. Lão tử nói: “ngô hữu đại hoạn do ngô hữu than” (có thân nên có khổ).
– Về phương diện tâm lý: những mất mát, thua thiệt trong cuộc đời ; muốn tiền tài danh vọng địa vị những ước mơ không toại ý…
– Khổ là chấp thủ ngũ uẩn (upadana – skandhas): cái khổ thứ ba này bao hàm hai cái khổ trên; như trong kinh đã dạy “chấp thủ năm uẩn là khổ”.
Đức Phật dạy: “này các tùy theo, sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, thương yêu mà biệt ly là khổ, mong cầu mà không được là khổ. Tóm lại, chấp thủ năm uẩn là khổ”. Phật giáo cho rằng đời là bể khổ. Trong đó, ít nhất có 8 cái khổ (bát khổ). Đó là: sinh, lão, bệnh, tử, thụ biệt (yêu thương nhau phải xa nhau), oán tăng hội (ghét nhau mà phải gần nhau ), sở cầu bất đắc mong muốn mà không được), ngũ thụ uẩn (do năm yếu tố tạo nên con người). Vì vậy, con người ở đâu, làm gì cũng khổ.
Hai là, tập đế (samudaya): triết lý về nguyên nhân của sự khổ. Phật giáo đưa ra 12 nguyên nhân tạo ra cái khổ vòng luẩn quẩn nỗi khổ đau nhân loại, gọi là thuyết “thập nhị nhân duyên”:
– Vô minh: là không sáng suốt, là nguồn gốc gây nên mọi tội lỗi.
– Hành: là hành động, là ý muốn thúc đẩy hành động.
– Tức: tâm từ trong sáng trở nên u tối.
– Danh sắc: sự hồi tụ các yếu tố vật chất, tinh thần sinh ra các cơ quan cảm giác
– Lục nhập: quá trình xâm nhập của thế giới xung quanh vào các giác quan
– Xúc: là sự tiếp xúc với thế giới xung quanh sinh ra cảm giác
– Thụ: là cảm thụ, sự nhận thức trước sự tác động của thế giới bên ngoài.
– Ái: Là sự yêu thích từ ham muốn dục vọng do cảm thụ thế giới bên ngoài.
– Thủ: do yêu thích rồi muốn chiếm lấy, giữ lấy.
– Hữu: là sự tồn tại để tận hưởng cái đã chiếm đoạt được.
– Sanh : sanh mạng. Là sự ra đời sinh thành do sự tồn tại.
– Lão tử: là già và chết do có sự sinh thành.
Tóm lại, chúng ta có thể nhận thấy một cách rõ ràng, khổ hay không là do lòng mình; nếu không bị chấp ngã và dục vọng vị kỷ hay phiền não khuấy động, chi phối, ngự trị trong tâm thì cuộc đời này đầy an lạc, hạnh phúc.
Ba là, diệt đế (nirodha): diệt đế là sự chấm dứt hay dập tắt phiền não, nguyên nhân đưa đến đau khổ và sự chấm dứt khổ đau cũng có nghĩa là hạnh phúc, an lạc. Diệt đế: đồng nghĩa với Niết bàn.
Bốn là, đạo đế (magga): đạo là con đường, phương pháp thực hiện để đạt được an lạc, hạnh phúc. Đạo đế gồm có 37 pháp, thường gọi là 37 phẩm trợ đạo. Trong 37 pháp thì tam thánh đạo được coi là tiêu biểu và căn bản nhất của đạo đế tam thánh đạo còn được gọi là bát chánh đạo – con đường chân chính – có 8 chi phần:
– Chánh kiến (samma ditthi): thấy hiểu đúng về đạo đức, thiện ác. Nhận thức rõ bản chất, nguyên nhân khổ, sự diệt khổ, con đường dẫn đến khổ.
– Chánh tư duy (samma sankappa): suy nghĩ đúng đắn, dẫn tư duy của mình hướng về tâm cao thượng như sự giải thoát, thương yêu nhẫn nhục trầm tĩnh.
– Chánh ngữ (samma vaca): ngôn ngữ đúng đắn xây dựng niềm tin đoàn kết thương yêu, lợi ích. Không nói những lời đưa đến đau khổ, chia rẽ căm thù.
– Chánh nghiệp (samma kammanta): hành vi đúng đắn, không có hành vi giết hại trộm cướp… yêu thương cứu giúp không ham muốn thú vui bất thiện.
– Chánh mạng (samma ajiva): đời sống đúng đắn, nghĩa là phương tiện mưu sinh, nghề nghiệp chân chính, không sống bằng nghề phi pháp, độc ác gian xảo.
– Chánh tinh tấn (samma vayama) : nỗ lực đúng đắn, nghĩa là nỗ lực đoạn trừ đều ác, nỗ lực thực hành đều thiện.
– Chánh niệm (samma sati): nhớ nghĩ đúng đắn, đừng để các đối tượng bất chính dẫn mình đi lang thang. An trú tâm ý vào thiện pháp, không quên thiện pháp.
– Chánh định (sama samathi): tập trung tư tưởng đúng đắn, đừng để tâm bị rối loạn an tịnh tâm thức một cách đúng đắn, có hiệu quả phát triển trí tuệ.
Mối quan hệ giữa các chi phần bát chánh đạo là không thể phân ly. Xác định bát chánh đạo là con đường đưa đến giải thoát gồm ba bước: giới, định, tuệ.
– Giới: là chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng.
– Định: là chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.
– Tuệ: là chánh kiến, chánh tư duy.
Con đường tu tập của đạo đế là con đường nỗ lực tự thân của mỗi hành gia Phật tử. Con đường ấy vừa thực tiễn vừa có hiệu quả ngay tại đời sống này. Con đường có thể diệt trừ được vô minh, đạt đến sự giải thoát nhập vào Niết bàn.
Quan điểm triết học Phật giáo về ngũ giới:
Ngũ giới là năm điều đức Phật đã sáng tạo ra để ngăn cản những tưởng niệm ác, nói năng chẳng lành, hành động bất chính. Năm đều răn ấy là:
Bất sát: không sát sanh
Bất đạo: không trộm cướp
Bất dâm: không tà dâm
Bất vọng ngữ: không nói dối, thô tục bậy bạ. Có bốn thứ vọng:
– Vọng ngôn: là không nói thật, trước mắt khen ngợi sau lưng chê bai.
– Ỷ ngữ: nói lời đường mật làm dao động, nhục chí người khác, bàn luận những lời dâm dục, biên soạn tiểu thuyết tình tứ đồi trụy khiến người loạn tâm.
– Lưỡng thiệt : là ở giữa hai người dung lời nói xúc xiểm để chia rẽ, hoặc bàn tán đúng sai, tạo ra sự xung đột cho người, khiến tình bạn tốt trở thành oán thù.
– Ác khẩu: dùng lời thô lỗ ác độc, khiến người nghe đau khổ sợ hãi.
Bất ẩm tửu: không uống rượu.
Tư tưởng triết học về ngũ giới: năm giới không chỉ là phép tắc giữ gìn căn bản của Phật tử mà cũng là đạo lý căn bản của bất kì ai. Thành người được thì thành Phật được. Chúng ta muốn thành Phật thì tất nhiên phải bắt đầu từ năm giới cơ bản.
Tóm lại, Phật giáo là một trào lưu triết học lớn của Ấn Độ cổ, trung đại. Ở giai đoạn đầu học thuyết triết học ấy chứa đựng những yếu tố duy vật, tư tưởng biện chứng của thế giới. Phật giáo đã nói lên được tiếng nói phản kháng chế độ đẳng cấp khắc nghiệt, phê phán sự bất công đòi tự do bình đẳng xã hội đồng thời nó nêu lên khát vọng giải thoát con người khỏi những bi kịch của cuộc đời, khuyên con người sống lương thiện đạo đức cá nhân. Tuy nhiên, trong triết học nhân sinh của Phật giáo vẫn mang nặng tính chất bi quan không tưởng và duy tâm về mặt xã hội.
1.2. Bản thể:
“ Bản thể” là “ căn bản tự thể của các pháp” mà “ Pháp là từ chỉ chung hết thảy mọi sự vật, hiện tượng , dù là to nhỏ, hữu hình, vô hình, chân thực, hư vọng. Sự vật cũng là vật, đạo lý cũng là vật, tất thảy đều là pháp cả”. Nhà nghiên cứu Phật học O.O.Rozenberg trong công trình “Phật giáo- Những vấn đề triết học” đã khẳng định “ Pháp hay Dharma như là cơ sở của giáo lý Phật giáo”. Giữa bản thể và vạn pháp ( hiện tượng) có mối quan hệ biện chứng. Khi bàn về tư tưởng Thiền học của Tăng Triệu ( Trung Quốc), để lí giải và nhấn mạnh quan niệm về bản thể, Cao Xuân Huy viết “ Bản thể là bản thể của vũ trụ, vạn pháp là các hiện tượng trong thế giới khách quan”. Theo kinh Hoa Nghiêm, một bộ kinh được dùng làm yếu chỉ của tông phái Hoa Nghiêm thì “ Thế giới bản thể gọi là lý pháp giới; thế giới hiện tượng gọi là sự pháp giới”. Đây chính là tinh thần “ Nhất đa tương dung, lý sự vô ngại, tương nhập tương tức” ( Một và nhiều dung hợp nhau, nguyên lý và vạn vật cũng như vạn sự, vạn vật không có gì làm trở ngại nhau, cái này thể nhập vào cái kia , cái kia cũng tức là cái này”. Theo tinh thần ấy, bản thể được ví với nước và hiện tượng được ví với sóng. Tuy nước và sóng tồn tại hai dạng thức khác nhau, được biểu hiện bằng hai khái niệm khác nhau nhưng thực chất vẫn là một vì sóng là hiện tượng của nước và nước là thực tướng của sóng. Quan niệmđồng nhất trong sai biệt này của kinh Hoa Nghiêm đã được Thiền học Trung Quốc, Việt Nam kế thừa và tiếp thu.
Như vậy, cái chính bản thân sự vật vốn có là cái bản chất tối sơ, nguyên thủy, khởi nguồn của các pháp, mà pháp thì bao gồm toàn bộ thế giới sự vật, hiện tượng và con người; toàn bộ thế giới thực tướng và giả tướng, hữu hình và vô hình. Bản thể ấy là bản thể chân như và các dạng thức tồn tại biểu hiện ra muôn màu vẻ của các pháp.
Văn học Phật giáo Lý Trần đã phản ánh khá đầy đủ giáo lý Phật giáo như vừa nêu. Cụ thể là các thiền sư Lý Trần đã khởi điểm sắc – không, trên quan niệm trung đạo luận để nhận thức thực tướng và giả tướng rồi đi đến triết lývạn vật nhất thể , đạt đến chân như, niết bàn. Trước hết, họ xem thế giới hiện thực khách quan mà con người đang sống là giả tướng. Cái mà con người thấy đó là thực, hiện hữu chẳng qua là do vọng kiến sinh ra. Chúng hiện hữu đó nhưng không có thực như bản thể tự tại. Vạn sự, vạn vật kể cả con người đều là vô thường. Tất cả từ không, do thập nhị nhân duyên hợp lại mà thành.
- Sự thể hiện tư tưởng Phật giáo trong thơ Haicư
2.1 Cảm thức về bản chất thế giới
Cảm thức là ý thức trong sự cảm nhận. Nói cách khác, cảm thức là sự cảm nhận một cách có ý thức. Sự cảm nhận này không đơn thuần bằng cảm giác mà còn có sự soi rọi của lí trí.
Cảm thức còn là sự cảm nhận tinh tế nhạy bén, sắc sảo, đầy phát hiện trước một cảnh sắc, trước một vẻ đẹp nào đó trong vũ trụ hay trong cuộc sống của con người. Thơ Haiku thể hiện cái nhìn bản thể về vạn vật tronmg thiên nhiên.
– Cảm thức về thời gian: thời gian bốn mùa trên đất nước Nhật Bản đã trở thành đề tài chủ yếu trong thơ Haiku cổ điển. Bốn mùa xuân- hạ -thu- đông trong sự vận hành chu chuyển của đất trời.
Cảm thức về thời gian nằm trong sự phát hiện vẻ đẹp từng mùa.. Thơ Haiku dùng từ mùa để thể hiện thiên nhiên và đời sống. Các mùa xuân-hạ- thu- đông vừa vô tận lại vừ phiếm chỉ. Đặc điểm của mùa là thời gian, là quy luật muôn đời của tạo hóa:
“Ta bà một nỗi đau
cho dù mùa xuân đó
đang nở những hoa đào”.
(Issa)
Bài thơ là bài ca não lòng, dù mùa xuân đầy hoa đào nhưng lòng người vẫn buồn vô tận, buồn vì nỗi đau con người, nỗi đau trần thế.
Mùa xuân đi qua, mùa hạ lại về, trong thơ Haiku tiếng ve cũng báo hiệu cho mùa hạ:
“Ôi tiếng ve kêu
thấu xuyên vào đá
trong cõi quạnh hiu.”
(Basho)
Nhà thơ lấy cái động để nói lên cái tĩnh lặng của không gian. Tiếng ve kêu như xuyên vào đá, cô độc và vắng lặng.
Thơ Haiku nắm bắt sự tồn tại trong một khoảnh khắc thời gian:
“Trên cành khô
Con quạ đậu
Chiều thu”
(Basho)
Xuân qua, hạ đến, thu sang là quy luật của tạo hóa, đời người thì hữu hạn, do vậy cái tồn tại thực thể của con người là ở giây phút thực tại, khoảnh khắc thực tại, khoảnh khắc của một buổi chiều thu.
Ta cũng bắt gặp sự tĩnh lặng đến độ nghe được âm thanh của những chiếc lá mùa đông
“Những chiếc lá rơi
Dường như trăm tuổi
Giữa ngôi vườn chùa”.
(Basho)
Bài thơ lắng đọng một cái nhìn, một suy tư về sự sinh sinh- diệt diệt trong quá trình tuần hoàn của tự nhiên cũng như trong kiếp luân hồi của đời người.
Thơ Haiku trống chứ không đầy, im lặng hơn là nói. Thơ Haiku chỉ ra sự vật của thiên nhiên rồi dừng lại chứ không giải thích không miêu tả cặn kẽ, để ngỏ cho người đọc tìm hiểu và suy ngẫm:
“A! hoa asagaô
Dây gàu vương hoa bên giếng
Đành xin nước nhà bên”
(Chiyô)
Chỉ nói như thế nhưng gợi người đọc suy nghĩ, khám phá mối giao cảm của con người và thiên nhiên trong trạng thái cô tịch.
Nhà thơ muốn nâng niu gìn giữ đóa hoa asagaô vì nó mang tên “ gương mặt buổi sớm” hay nhà thơ không muốn khuấy động những giây phút huyền diệu của buổi sớm mai
– Cảm thức về không gian
Theo quan niệm Thiền tông Nhật Bản, thế giới không chỉ bao gồm những vật đơn lẻ mà còn là tất cả các sự vật trong thiên nhiên, vũ trụ, chúng luôn chuyển động, chuyển hóa và bổ sung cho nhau để đi đến sự hòa hợp, tương thích.
Triết lí ấy sâu sắc nhưng được thể hiện bằng những hình tượng giản dị nhẹ nhàng. Đó là cảm thức về không gian trong thơ Basho.
“Tịch mịch
thẫm sâu
tiếng ve”
Giữa cái tĩnh lặng, tịch mịch ấy lòng người đã hòa vào cảnh sắc thiên nhiên để lắng nghe tiếng vang của loài vật. Nhà thơ mượn âm thanh của tiếng ve để thể hiện niềm cô tịch, vô ngã của thiên nhiên. Đá trở nên vô ngại dung chứa tiếng ve cho thấy vạn vật giao hòa. Bút pháp lấy động tả tĩnh là nét đặc trưng trong thơ Haiku:
“Từ bốn phương trời
hoa anh đào rụng xuống
gợn sóng hồ Bi-oa”
(Basho)
Một cảnh tượng đẹp, giản dị nhưng đầy màu sắc thể hiện sự giao hòa của vạn vật trong thiên nhiên, vũ trụ.
Cảm thức về con người
Con người trong thơ Haiku là những con người nhỏ bé, những chúng sinh đau khổ. Nhà thơ có cái nhìn từ bi đối với những thân phận thấp cổ bé miệng trong xã hội:
“Tiếng vượn hú não nề
hay tiếng trẻ bị bỏ rơi than khóc
gió mùa thu tái tê”
( Basho)
Nhà thơ đã làm cho bức tranh mùa thu vốn dĩ đã buồn nay còn thê lương hơn, khi giữa cái buổi chiều mênh mông lặng lẽ lại cất lên âm thanh của tiếng vượn hay tiếng khóc của trẻ con kiệt sức vì bị bỏ rơi.
Nhà thơ đã ý thức sâu sắc về thân phận con người, chia ngọn bút tình thương đến mọi kiếp người. Đó là những em bé:
“Xem kìa bé ơi
hãy chạy nhanh đến
mưa đá đang rơi”
(Basho)
Những người nông dân bình thường đầu bạc tiễn đầu xanh:
“Chống gậy đưa chân
những gia đình bạc tóc
đi viếng mộ người thân”
(Basho)
Hay cảnh đáng thương của cô gái giang hồ:
“Chung một mái trọ
những du nữ ngủ
trăng và hoa thu”
(Basho)
Con người trong thơ Haiku luôn được nhìn với đôi mắt nhân từ với tấm lòng từ bi vô hạn.
2.2 Cảm thức về vô thường
Cảm thức vô thường xuất hiện từ quan niệm Phật giáo sinh- trụ -dị -diệt, đó là quy luật tuần hoàn của tạo hóa, vạn vật luôn có sự thay đổi, vận động. Phật giáo quan niệm không gì tồn tại mãi mãi. Điều này rất gần với câu nói của Hêralit “ Không ai tắm hai lần trên một dòng sông”. Trong thơ Haiku cũng có cảm thức về sự vô thường:
“Trăng rụng rồi
bốn góc bàn quen thuộc
còn lại mà thôi”
(Basho)
Ở đây, sự mất mát đối với thi nhân quá lớn nhưng tác giả không nói đến từ“chết” mà dùng những sự vật quen thuộc hằng ngày diễn tả sự ra đi của bạn. Trăng rụng là nói đến cái chết ấy. Nhưng bốn góc bàn, nơi người ấy thường ngồi vẫn còn lại như tất cả những cái khác vẫn tồn tại trên cõi đời này. Đây không phải nói đến cái bi kịch của con người mà là sự cảm nhận của thi sĩ về sự sống và cái chết cũng đơn giản, bình dị như bốn góc bàn ấy. Trong Thiền tông, con người luôn xem cái chết nhẹ tợ lông hồng. Bởi chết chưa phải là kết thúc mà là bắt đầu một duyên mới. Giống như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn quan niệm trần gian chỉ là quán trọ của con người.
“Tôi nay ở trọ trần gian
Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời”
Hay “ cát bụi lại trở về với các bụi”. Vạn vật luôn có sự vận hành thay đổi và hãy biết chấp nhận nó một cách nhẹ nhàng.
“ Kêu chi nhạn ơi
đi đâu cũng thế
cõi phù thế thôi”
( Issa)
Một tiếng kêu thảng thốt của con chim nhạn đang đi tìm chỗ trú giữa mùa đông thâm u gợi lên cảm thức phù du của trần thế và một niềm thương cảm ở người thi sĩ.
“Nửa đêm thăm thẳm
dòng sông Ngân hà
rời đổi chỗ nằm”
(Ranretsu)
Nửa đêm thức dậy nhìn trời, thi sĩ thấy dòng sông Ngân hà không còn ở chỗ cũ mà dời đổi sang chỗ khác. Đó là sự vận động các vì tinh tú trong vũ trụ. Trong đêm thanh vắng con người và sự vật đều chìm vào khoảng không gian bao la vô định của vũ trụ.
“Nằm bệnh giữa cuộc lãng du
mộng hồn còn phiêu bạt
những cánh đồng hoang vu”
Đây là bài thơ của Bashô viết trước khi mất, ông đã lâm trọng bệnh trên đường đi thăm phương Nam, và sau đó ông qua đời đúng như dự đoán của ông ngày trước “ tôi sẽ chết trên đường, đó là định mệnh của tôi”. Bài thơ tạ thế nhưng không mang cảm giác bi quan bởi chính Bashô ông cũng là một Thiền sư, phải chăng hơn ai hết ông hiểu được sự vô thường của tạo hóa. Chính vì thế bài thơ không mang màu sắc tang thương
2.3 Cảm thức về vẻ đẹp thiên nhiên
Thiên nhiên trong thơ Haiku thường là những cảnh vật bình dị, những vật nhỏ bé, tầm thường, dễ bị lãng quên : một cánh quạ, một con ếch, một tiếng chim quyên, một con khỉ nhỏ bé, một tiếng ve, một bông hoa dại,…và Haiku cố gắng đi tìm cái đẹp trong cái bình thường ấy. Thơ Haiku thấm đẫm tinh thần thiền tông và tinh thần văn hóa phương Ðông nói chung. Trong cách nhìn thế giới, Haiku thường thể hiện con người và vạn vật nằm trong mối quan hệ chặt chẽ, đó là cái nhìn nhất thể hóa. Những hiện tượng của tự nhiên như âm thanh, màu sắc, mùi hương,…đều có sự tương giao và chuyển hóa lẫn nhau, trong một quy luật lớn lao và bí ẩn của tự nhiên. Âm thanh có thể thâm nhập được vào vật thể: Ví dụ trong một không gian vắng lặng, tiếng ve kêu như thấm sâu vào đá:
“ Vắng lặng u trầm
Thấm sâu vào đá
Tiếng ve ngân”
Một cánh hoa đào mỏng manh tưởng như chẳng có liên quan tác động gì đến hồ nước, thế mà BaSho tìm thấy sự tương quan của nó: cánh hoa có thể làm hồ nổi sóng:
“Từ bốn phương trời xa
Cánh hoa đào lả tả
Gợn sóng hồ Biwa”.
Basho thể hiện chất thiền trong hầu hết các sáng tác và khám phá vẻ đẹp u hoài, dịu vợi của thiên nhiên theo chiều thức cảm xúc mang đậm màu thiền:
“Năm dặm mỗi ngày
ta đi tìm em đây
hoa đào yêu dấu ơi”
Hay:
“Rừng trúc mênh mông
tiếng chim cu hót
trong ánh trăng nghiêng”
Bài thơ là bức tranh vắng lặng với không gian mênh mông, cảnh sắc ấy không hề có bóng dáng con người mà chỉ có tiếng chim vọng lại.
Thiên nhiên trong thơ Haikư lồng chứa vạn vật trong cái lồng chứa hữu hình ấy lại luôn là sự vận động, chuyển biến nhịp nhàng về thời gian của bốn mùa. Thiên nhiên và con người hòa quyện vào nhau:
“Mùa thu ở Kiô
người tiễn đưa ta
ta tiễn đưa người”
Hay:
“Cây chuối trong gió thu
Tiếng mưa rơi tí tách vào chậu
Ta nghe tiếng đêm”
( Basho)
Xây dựng hình ảnh cây chuối, tác giả không đi vào khám phá chất hùng theo cách hiểu “có cứng mới đứng đầu gió” mà ông đã khai thác chất bi của hình ảnh cây chuối để bài tỏ sự cảm thông của tấm lòng bác ái khi thấy cây chuối mềm yếu phải run rẩy trước luồng gió thu lạnh buốt. Hình ảnh cây chuối vì thế thể hiện tình cảm nhân đạo của nhà thơ trước vạn vật.
Ðể khám phá vẻ đẹp của thiên nhiên, Haiku thường đề cao cái vắng lặng (sabi), đơn sơ (wabi), u huyền (ỳugen), mềm mại (shiori), nhẹ nhàng (karumi). Ðó là những cảm thức thẩm mỹ rất riêng, rất cao và rất tinh tế của thơ Haiku.
- Sự thể hiện tư tưởng Phật giáo trong thơ thiền Lý Trần.
3.1 Phân biệt thơ thiền ý và thơ thiền lý.
Xét về mặt chức năng, thơ thiền Lý Trần bao gồm hai loại: loại là thơ đích thực và loại vốn là những bài kệ trình bày triết lý uyên áo của Phật giáo những tính chất giảng truyền đặc biệt của thiền cũng như tính khoáng đạt của giáo lý thiền tông và của nhà thơ thiền, đã trở thành những bài thơ về thiên nhiên và cuọc sống đầy hình ảnh màu sắc âm thanh.
Loại thứ nhất được gọi là thơ thiền lý: trực tiếp thuyết giảng về yếu chỉ thiền tông. Một số bài thơ thiền lý tiêu biểu : Thị đệ tử ( Vạn Hạnh), Tâm pháp ( Cứu Chỉ), Thị tịch ( Ngộ Ấn), Cáo tật thị chúng ( Mãn Giác thiền sư),…
Loại thứ hai được gọi là thơ thiền ý: đây là loại thơ gián tiếp thuyết giảng về yếu chỉ thiền tông, mỗi bài thơ lấy một ý trong thơ thiền lý, được nghệ thuật hóa bằng hình tượng gắn bó với cuộc sống. Một số bài thơ thiền ý tiêu biểu: Tham đồ hiển quyết ( Viên Chiếu), Ngữ lục vấn đáp môn hạ ( Trần Thái Tông), …
3.2. Tư tưởng phật giáo trong thơ thiền Lý – Trần
3.2.1. Cảm thức về bản thể
“ Bản lai diện mục”, “diện mục”, “bản lai thân’ đều là các loại ẩn dụ (từ vựng) có nghĩa là: mặt mũi nguyên xưa chỉ cái tính nguyên thủy của vạn vật, cái tâm bản thể chứa đựng trong mỗi sự vật, tức là “ bản thể”. (trong thơ thiền , các ẩn dụ nói nhiều về cái bản thể là nhà quê hương , tiếng vượn kêu nơi sâu thẳm mặt người mẹ …) . Triết lý thiền tông quan niệm vạn vật, con người vốn cùng một bản thể , tức “ chân như” . Từ cái “một” này biến hóa ra thành muôn vàn hiện tượng. Cần nhìn thấu hiện tượng để thấy bản thể , đừng lầm lạc chấp vào cái hiện hữu cụ thể.
Vd: “ Thủy trúc hoàng hoa phi ngoại cảnh
Bạch vân minh nguyệt lộ toàn chân”
(Trúc biếc hoa vàng không phải là cảnh bên ngoài
Mây trắng , trăng vàng lộ rõ cái “ chân” toàn vẹn)
(Nhật nguyệt II – Thiền Lão)
Vd: “Hà san cảnh thi bồ đề đạo”
( Khắp những thế giới nhiều như cát sông Hằng , chỗ nào cũng là Phật).
(Đáp từ đạo hạnh chân tâm chi vấn – Kiều Tứ Huyền)
Vd: “ Chân thân thành vạn tượng
Vạn tượng tức chân thân
Nguyệt điện minh đan quế
Đan quế tại nhất luân”
( Chân thân biến hóa thành muôn vàn hiện tượng
Muôn vàn hiên tượng cũng là chân thân
Như cung trăng làm cho cây quế đỏ tươi tốt
Nhưng cây quế vẫn ở giữa cung trăng)
( Hóa vận – Nguyễn Y Sơn)
Vd: “ Xuân lai, xuân khứ, nghi xuân tận
Hoa lạc, hoa khai, chỉ thị xuân”
( xuân lại xuân đi nghĩ rằng xuân đã hết
Hoa rụng hoa nở vẫn chỉ là mùa xuân ấy)
( Đáp đệ tử diệu đạo chi vấn – Chân Không)
Vd: “ Nước trôi ắt về biển, trăng lặn chẳng lìa trời”
(Đáp đệ tử diệu đạo chi vấn – Chân Không)
Vd: “ Lửa bùng thêu đến mây tơ
Ngàn năm mây trắng bây giờ còn bay’
( Niệm tụng kệ – Trần Thái Tông)
3.2.2.Cảm thức về vô thường:
Thế giới hiện tượng là hư ảo, vô thường, luôn vận động biến đổi và tuân theo quy luật:
– Vạn vật trong thế giới hiện tượng không ngừng thay đổi.
vd: “ Y cẩu phù vân biến thái đa
Du du đô phó mộng Nam Kha”
( Đời như đám mây nổi, luôn luôn thay nhiều vẻ
Mơ màng đành phó cho giấc mộng Nam Kha)
(Thế thái hư huyễn – Tuệ Trung)
– Sự thay đổi đó diễn ra rất nhanh chóng và theo chu kỳ. Các tác giả thường dùng hai mùa: xuân, thu là hai mốc thời gian chính có ý nghĩa tiêu biểu:
Vd: “ Vạn mộc xuân vinh , thu hựu khô”
( Vạn cây cỏ mùa xuân tươi tốt, mùa thu khô héo)
( Thị đệ tử- Vạn Hạnh)
Vd: “ Xuân chức hoa như cẩm
Thu lai diệp tự hoàng”
(Xuân dệt hoa như gấm
Thu gieo lá đốm vàng)
( Tham đồ hiển quyết)
→ Các nhà thơ muốn nhắn nhủ con người cần hiểu biết quy luật và sống thuận theo quy luật, đừng nên phí thời gian tìm hiểu thắc mắc và cũng không ai có thể giải đáp về lẽ tự nhiên huyền vi này:
“ Tự khai, tự tạ tùy thời tiết
Vẫn trước đông quân tổng bất tri”
(Hoa tự nở, tư tàn theo thời tiết
Nếu có hỏi , chúa xuân cũng không biết)
(Sư đệ vấn đáp – Trần Nhân Tông)
3.2.3 Thái độ tự tại của người giác ngộ:
Con người tự do với tinh thần phá chấp triệt để. Mục tiêu ở đây cái tâm trống không “vô ưu sở tại”như gương sáng vốn không đài , chẳng để vật gì có thể bám được vào, chỉ tâm không” mới đạt được cái trong sáng của “ chân như” và sự tự do tự tại. Tinh thần “ phá chấp” triệt để đòi hỏi con người cảnh giác cả những giáo lý ,kinh điển của Phật, của Tổ , không chấp vào sắc tướng , vào “ có” đã đành mà cũng chớ mắc vào cái ‘ không” ,“ chớ bảo tâm không là đạo” vì “tâm không còn cách đạo cửa quan”
“Tâm khí vô tâm, đạo hướng thùy?
Mộng hồi á tử nhãn ma di
Lão tăng mạn đạo năng an cảnh ,
Tiểu sát băng quan bất tự tri.”
( Tâm đã vô tâm nói với ai?
Thằng câm tỉnh mộng mắt tròn ngây
Tăng già nói láo an rồi đó,
Cười ngất bàng quan chẳng tự hay)
(Niệm tụng kệ – Trần Thái Tông)
Con người không vướng mắc, lệ thuộc vào cái gì, con người sẽ không còn lo sợ chuyện sống chết, thịnh suy, lo sợ thời gian qua nhanh, lo sợ không đạt đạo, tiếc cuộc ngắn ngủi… tinh thần “vô úy” làm con người thực sự là chính mình, tự do, như ông chài trong thơ Không Lộ ( ? – 1119) đã đánh giấc ngon lành giữa bao la trời đất, không quan tâm đến thời gian…
“Sông xanh muôn dặm, trời muôn dặm
Một xóm dâu gai, một xóm khói mây
Ông chài ngủ say tít không ai gọi
Quá trưa tỉnh dậy tuyết xuống đầy thuyền”
( Ngư nhàn- Dương Không Lộ)
Đồng thời đó cũng là con người vô ngã. Tức là không có cái tự ngã của mình sống hòa làm một cùng vũ trụ vô biên , không còn phân biệt đó là mình hay là khách thể, nghĩa là thoát khỏi ranh giới của sự hữu hạn để đạt tới cảnh giới tuyệt đối – niết bàn nơi trần thế. Con người chấp ngã vượt lên trên sự tranh chấp phải – trái, xấu – tốt, khôn – ngu, đạt đến cái tâm bình đẳng và cái nhìn độ lượng đối với vạn vật.
Hiện lên trong thơ thiền Lý – Trần còn là con người – vô uý. Có thể thấy bóng dáng con người ấy trong những hình ảnh thiên nhiên giản dị mà rất đặc trưng.
“Lưu thủy hạ sơn phi hữu ý
Bạch vân xuất tụ bản vô tâm”
(Nước chảy xuống đồi không có ý
Mây ra khỏi núi vốn vô tâm)
( Ngữ lục vấn đáp môn hạ- Trần Thái Tông)
Chính nhờ tinh thần vô ngã mới có được cái vô tâm, vô uý này.
“Ổi dư cốt đột tuyệt phần hương,
Khẩu đáp sơn đồng vấn đoản chương
Thủ bả suy thương hòa thái thác
Đồ giao nhân tiếu lão tăng mang”
( Củi đã tàn, cũng chẳng thắp hương
Miệng trả lời chú bé con trong núi hỏi về những chương sách ngắn
Tay cầm ống thổi , tay nhặt mo nang,
Luống để người ta cười ông sư già ngày bận bịu)
( Địa lô tức sự)
Hình ảnh ông già bình dị cởi mở vừa làm những công việc lao động chân tay lặt vặt của đời sống – nhóm bếp, thổi lửa – vừa trò chuyện với trẻ con , chứ không phải là một thiền sư suốt ngày chăm lo việc ngồi thiền hay tụng kinh niệm phật. Trong thế giới thiền còn xuất hiện con người vô ngôn – lặng yên không nói. Bởi vì ngôn ngữ hữu hạn không thể diễn đạt được chân lí vô cùng. “Dĩ tâm truyền tâm” là phương châm được đề cao tuyệt đối. Có rất nhiều phút giây yên lặng không nói được bắt gặp trong thơ thiền Lý – Trần .
“Tâm khôi oa giác mộng
Bộ lí đáo thiền đường
Xuân vãn hao dung bạc
Lâm u thiền vận trường.
Vũ thu thiên nhất bích
Trì tịnh nguyệt phân lương..
( Lòng nguội lạnh với giấc mơ đua chen danh lợi,
Dạo bước đến cửa thiền.
Xuân muộn, dáng hao mỏng mảnh,
Rừng sâu, tiếng ve ngân dài .
Mưa tạnh, trời một màu xanh biếc
Ao trong lặng, trăng tỏa hơi mát dịu…)
( Đề gia lâm tự – Trần Quang Triều)
Cả bài thơ mang nhiều yếu tố khơi gợi trực cảm màu biếc, sắc trong, tiếng ve kêu…tất cả hòa điệu thành một thứ ngôn ngữ siêu ngữ của cả con người và đất trời vạn vật. Cảm xúc bài thơ gợi lên trong người đọc đa âm và vô giới hạn.
“Phong đả tùng quan, nguyệt chiếu đình
Tâm kì phong cảnh cộng thê thanh.
Cá trung tự vị vô nhân thức
Phó dữ sơn tăng lạc đáo minh”
( Gió đập cửa thông, trăng chiếu trên sân
Lòng hẹn với phong cảnh cùng lạnh lẽo trong trẻo
Mặc tình cho nhà sư trong núi vui đến sáng).
(Kí thanh phong am tăng Đức Sơn – Trần Thái Tông)
Những giây phút thực tại hòa điệu giữa con người và vũ trụ đem lại niềm an lạc thú vị không thể giải bày bằng lời mà chỉ người trong cuộc mới cảm nhận được.
Tinh thần vô ngôn và trạng thái lặng yên hòa nhịp với vũ trụ rất được đề cao ở thơ thiền đời Trần và ảnh hưởng đến nửa đầu thế kỉ XV ( Nguyễn Trãi).
- Ðiểm tương đồng và dị biệt trong thơ Haicu và thơ thiền Lý- Trần qua việc thể hiện tư tưởng Phật giáo.
4.1. Tương đồng
4.1.1.Cái nhìn bản thể luận
Xét đến cùng thì quan niệm về bản thể của thơ thiền Lý – Trần và thơ Haiku của Nhật Bản đề có những điểm tương đồng nhất định. Hoàn toàn không khó để lí giải về sự tương đồng này, cả thơ thiền Lý – Trần và thơ Haiku đều chịu ảnh hưởng hưởng bởi tư tưởng phật giáo Trung Hoa. Khi nó du nhập vào mỗi nước nó có sự cải biến cho phù hợp với truyền thống của từng dân tộc. Nhưng cái nhìn bản thể luận hay nói cách khác đó là quan niệm về thế giới không có nhiều sự thay đổi. Cả thơ thiền Lý – Trần và thơ Haiku Nhật Bản đều xem toàn bộ thế giới là do chính cái bản thân sự vật vốn có, tức là cái bản chất tối sơ, nguyên thủy. Thơ thiền Lý – Trần xem bản thể là cái bản thể chân như và các dạng tồn tại muôn màu muôn vẻ của các pháp. Nó được biểu hiện cụ thể thành quan niệm khởi điểm là Sắc – Không. Ðể rồi từ đó đi đến nhận thức thực tướng – giả tướng, rồi khái quát thành triết lý “vạn vật nhất thể”:
“Sắc tức thị không
Không tức thị sắc”
Hay:
“Thân như tường bích dĩ đồi thì
Cử thể thông thông thục bất bi ?”
Cả thơ thiền Lý – Trần và thơ Haiku đều xem thế giới là hư ảo, vô thường, luôn vận động, biến đổi không ngừng. Mọi hiện tượng mà ta cảm nhận được: trăng, mây, mai, chim, quạ, bướm,… tất cả đều là hư ảo, nó chỉ tồn tại ở một khoảnh khắc nhất định rồi biến đổi vô thường. Ðó chính là cái nhìn: Nhất đa tương dung, lý sự vô ngại, tương nhập tương tức” (Một và nhiều dung hợp nhau, nguyên lý và vạn vật cũng như vạn sự, vạn vật không có gì làm trở ngại nhau, cái này thể nhập vào cái kia, cái kia cũng tức là cái này”). Cả hai nhìn thế giới hiện thực khách quan mà con người đang sống là giả tướng, cái mà con người ta thấy đó là thực, là hiện hữu chẳng qua đều là ảo ảnh do vọng kiến mà sinh ra. Tuy trong thơ Haiku không nói cụ thể nhưng ta vẫn có thể nhận ra điều này. Sự vật hiện tượng mà nhà thơ miêu tả: hoa anh đào, chim quạ, bướm, con ếch, thậm chí là con người như du nữ, kĩ nữ,… tất cả đều có mối tương giao cùng vũ trụ. Những đối tượng đó là hiện tượng của vụ trụ, vũ trụ là cái bản thể còn mọi vật là hiện tượng chỉ có bản thể là tồn tại vĩnh viễn còn hiện tượng luôn chuyển hóa, biến đổi vô thường.
“Hoa rụng cành
Nơi trở lại – khi tôi nhận ra
Thì ra đàn bướm”
Ở đây nhà thơ đã thấu hiểu sâu sắc cái vô thường và bản ngã con người của triết lý nhà Phật. Vì thế, câu cuối bài thơ “thì ra đàn bướm” tạo ra một sự bất ngờ làm nên một tầng nghĩa mới. Về điều này chúng ta Có thể liên tưởng đến hai câu thơ của Mãn Giác Thiền sư :
“Chớ thấy xuân tàn hoa rụng hết
Ðêm qua sân trước một cành mai”.
Cái vô thường của thế giới còn nằm ở cánh hoa anh đào:
“Nhiều chuyện
làm nhớ lại
Hoa anh đào”
Hoa anh đào đối với người Nhật có ý nghĩa đặc biệt, nhìn hoa anh đào khiến người ta chợt nhớ bao mùa hoa anh đào trong quá khứ. Còn nói theo ngôn ngữ nhà Phật, hoa anh đào là biểu tượng của sự vô thường trong cuộc đời.
Hình ảnh của một loài hoa mong manh, mang kiếp sống phù du, giữa màn đêm sương khói huyền ảo, âm thầm lặng lẽ hé nở những cánh mỏng lụa là, như đem sức sống cuộn trào vào từng hơi thở của người thưởng ngoạn, phải chăng đó là một niềm hy vọng bí ẩn, khó hiểu của một loài hoa kiều diễm mang tên Nữ Hoàng Đêm
“Nữ Hoàng Đêm mảnh khảnh
Trong âm thầm hé nụ phô hoa
Niềm tin yêu huyền bí”
Hình ảnh nụ hoa e ấp, tinh khôi, lộng lẫy đang chờ đợi khoe sắc…. đâu biết rằng kiếp sống ấy là tạm bợ, ngắn ngủi sẽ đến hồi chấm dứt khi bình minh chợt sáng, chẳng khác gì bóng câu qua cửa sổ, giọt sương hư ảo trên cành, … Những hình ảnh trữ tình, những biểu tượng thâm thúy, những tín hiệu đặc biệt đã thu hút và dẫn dắt tâm tư người đọc vào một thế giới cao siêu để tự suy niệm về kiếp nhân sinh của con người quanh quẩn trong cuộc sống phù trầm đầy oan khiên nghiệp chướng.
Thống kê:
Nghệ thuật | Thơ thiền Lý – trần | Thơ Hai kư |
Quan điểm | Hướng tới một mục đích cảnh tĩnh giác ngộ hay bày tỏ tâm trạng cảm xúc thiền của nhà thơ (đậm yếu tố chủ quan). | Biểu hiện sự thật trong tính chất tự nhiên thoải mái, không phân tích bình luận (yếu tố cảm quan vắng mặt). |
Nguyên tắc khơi gợi trực cảm | Giảng nhiều gợi ít , giá trị chân thiện mỹ được xem trọng, nhiều lúc dùng vô ngôn để biểu đạt ý tưởng. | Chủ yếu là gợi, chân là yếu tố quyết định, vô ngôn được dùng thường xuyên tạo khoảng trống để đọc giả cảm nhận. |
Thi pháp: hình ảnh thiên nhiên cách diễn đạt | Có khi là thiên nhiên đích thực cũng có khi là thiên nhiên biểu tượng, mang vẻ đẹp trong sáng, giàu chất thơ bát ngát rộng lớn, hoành tráng, độc đáo nhờ những hình ảnh kì lạ, cách diễn đạt nghịch ngôn, phi lôgic. | Luôn là thiên nhiên đích thực được cảm nhận qua những sự vật hiện tượng thường ngày được tác giả bắt gặp, mang vẻ đẹp mộc mạc, bình dị hồn nhiên tươi mát, không hề có sự nghịch thường, hoàn toàn (hình ảnh) hiện thực, cách diễn đạt giản dị. |
Trạng thái cảm xúc | Hầu như sự an nhiên bình thản của tâm hồn là trạng thái nổi bật. Tình yêu say cuộc sống được hòa lẫn trong sự an vui của cái tâm hồn đã ngộ đạo | Có một sự phức hợp cảm hứng có phần mâu thuẫn giữa sự bình yên thanh thản của tâm hồn, tình yêu say cuộc sống và sự bi cảm của thế giới vô thường; có bốn trạng thái cảm xúc: sabi, wabi, aware, yugen. |
4.1.2. Lấy thiên nhiên làm đối tượng để thể hiện triết lí và cảm quan thiền
Thơ haicư và thơ thiền Lý Trần đều lấy thiên nhiên làm đối tuợng miêu tả. Thiên nhiên bao trùm lên tất cả, cũng như cái tâm thiền an lạc tràn ngập hồn người. Chỉ miêu tả chứ không diễn giảng, các bài thơ đã “ chừa chỗ” cho người đọc cộng hưởng với khoảnh khắc “ vong ngã”của tác giả trước vẻ đẹp thế giới. Thiên nhiên là đối tượng để con người bày tỏ cảm xúc trước cái đẹp. Đôi khi thiên nhiên vừa là hình ảnh thực, vừa là một ẩn dụ về sự bừng sáng của trí tuệ giữa khoảng không bao la của vũ trụ – tâm hồn. Thiên nhiên đôi khi sinh động , cái sinh động của sự chuyển động nhưng dường như im lìm bao phủ lấy con người. Thiền vị của các bài thơ có thể nói toát ra từ chính sự giao hòa tự nhiên giữa người và cảnh.
Thi liệu | Thơ Hai kư | Thơ thiền Lý -Trần |
Mùa | – Trên cành khô
quạ đậu chiều thu (Matsuo Basho) – Ðất khách mười mùa sương về thăm quê nghoảnh lại Êđô là cố hương (Matsuo Basho) – Mưa xuân lất phất rơi Vừa đi vừa thủ thỉ Ô và áo tơi (Yosa Buson) – Vượn hú não nề Hay trẻ bị bỏ rơi than khóc ? gió mùa thu tái tê (Matsuo Basho) – Mưa đông giăng đầy trời và “Người lữ khách” sẽ là tên tôi (Matsuo Basho) – Mặt trời đỏ cuối hè vô tâm tỏa ánh nắng gió heo may đã về (Matsuo Basho) – Mùa xuân qua đi sao cứ nhớ mãi người cũ ở Ô-mi (Matsuo Basho) – Lều bán cá đông về hàm răng cá hồng muối cũng lạnh tê (Matsuo Basho) – Ðặt chân vào vách hơi mùa thu lành lạnh lan vào giấc ngủ trưa (Matsuo Basho) – Mùa thu đang tới gần gởi lòng mình trở lại phòng rộng vài bước chân (Matsuo Basho) – Mùa thu năm nay sao mình già nhanh thế cánh chim khuất trong mây (Matsuo Basho) – Con đường tôi đi không còn ai điếu nữa chiều tàn mùa thu (Matsuo Basho) |
– Cây cỏ xuân tươi thu đượm hồng
(Thị đệ tử – Vạn Hạnh) – Thu về, móc nhẹ, cúc đơm hoa (Cúc hoa IV) – Đêm vắng sân thu lác đác sương (Nguyệt – Trần Nhân Tông) – Xuân sang hoa nở rộn tơ lòng (Xuân vãn – Trần Nhân Tông) – Xuân sang hoa bướm khéo quen thì (Hoa điệp – Giác Hải) – Năm nay hạ hạn lại thu mưa (Nhâm dần lục nguyệt tác) – Đáng thương vô hạn, thương xuân ý (Tức cảnh ngày xuân – Huyền Quang) – Ngôi chùa cổ lạnh lẽo sau lớp khói mùa thu ( Lạng Châu vãn cảnh) – Nước thu in bóng núi gầy (Nhập tục luyến Thanh Sơn) |
Hoa | – Rì rào rì rào
tiếng hoa dã quỳ rụng hay tiếng thác trên cao (Matsuo Basho) – Hoa mẫu đơn rã rời không rụng ào ạt từng hai ba cánh thôi (Yosa Buson) – Từ đám mây hoa tiếng chuông vọng lại chùa U-ê-nô hay A-sa-ku-sa? (Matsuo Basho) – Ôi! Hoa triêu nhan Tay quấn vào gầu nước Đành sang giếng nhà bên (Kagano Chiyojo) – Ở cố đô Nại Lương hoa cúc và tượng Phật cổ ngạt ngào hương (Matsuo Basho) – Bên vệ đường hoa tầm xuân nở như đường quê hương (Yosa Buson) – Bên vệ đường bìm bìm hoa tím ngựa ăn mất! (Matsuo Basho) – Ðêm đen hoa mơ nở trắng bình minh lên (Yosa Buson) |
– Thấy hoa cúc nở biết trùng dương
(Cúc hoa III – Huyền Quang) – Thu về, móc nhẹ, cúc đơm hoa(Cúc hoa IV- Huyền Quang) – Thông rụng nức mùi hoa ( Đề Gia Lâm tự – Trần Quang Triều) – Trên cành hoa quế, nguyệt lồng giường (Nguyệt – Trần Nhân Tông) – Nệm cỏ ngồi yên, ngó rụng hồng (Xuân vãn – Trần Nhân Tông) – Nắng rợp ngõ hoa hồng ( Đăng bảo đài sơn – Trần Nhân Tông) |
Ánh trăng | – Chung một mái trọ
những du nữ ngủ trăng và hoa thu (Matsuo Basho) – Tuyết tan rồi tròn xoe láng bóng ông trăng trên trời (Kagano Chiyojo) – Trăng mùa hè chiếu lên sóng không bụi dòng Sông Trong (Matsuo Basho) – Dưới ánh trăng kìa đêm vẫn còn bán nước phố Ni-hôn-ba-shi (Kobayashi Issa) |
– Gió mát trăng thanh dịu nỗi lòng
(Cúc hoa IV) – Lưới bủa vầng trăng, mây khóm cành (Tảo thu – Huyền Quang) – Ao trong ánh trăng ngà (Đề Gia Lâm tự – Trần Quang Triều) – Trên cành hoa quế, nguyệt lồng giường ( Nguyệt- Trần Nhân Tông) – Đầy ngực ánh trăng trong ( Đăng bảo đài sơn – Trần Nhân Tông) – Gió cành tùng trăng đầy sông (Tầm hưởng – Thiền sư Minh Trí) – Gió sân trăng gõ cành tùng (Kí thanh phong am tăng Đức Sơn) |
Nước
mây, núi |
– Biển hoang sơ
sông ngân vắt ngang trời tuôn xuống đảo Sa-đô (Matsuo Basho) – Sương mù bao phủ Fuji chìm khuất rồi núi hiện hình trong tôi (Matsuo Basho) – Trên sườn núi bất ngờ mặt trời mọc rực rỡ trong hương hoa mơ (Matsuo Basho) – Lang thang đồng nội để cho mưa gió thấm vào hồn tôi (Matsuo Basho) |
– Cửa mở tận từng mây
( Ở am Yên Tử) – Bóng chìm đáy nước (Hương hải) – In ngược hình chim gương nước lạnh (Diên Hựu tự – Huyền Quang) – Hoa tan, mưa tạnh , non im ắng (Sơn phòng mạn hứng –Trần Nhân Tông) – Thiềm hoa chiều rợp bóng mây bay ( Xuân cảnh -– Trần Nhân Tông) – Gần xa mây núi ngất (Đăng bảo Đài Sơn – Trần Nhân Tông) – Hoa rụng hết mưa đã tạnh , núi non tịch mịch ( Mạn hứng ở Sơn Phòng) – Gió im mây nhởn nhơ, cây lơ thơ lá đỏ ( Lạng Châu vãn cảnh ) – Nước thu in bóng núi gầy (Nhập tục luyến thanh sơn – Pháp Loa) |
Loài vật | – Băng qua cánh đồng chiều
ghìm cương quay đầu ngựa nghe tiếng quyên kêu (Matsuo Basho) – Mùa xuân lên đường mắt cá đẫm lệ chim chóc khóc thương (Matsuo Basho) – Trên chuông chùa Một cánh bướn nhỏ Ngủ im lìm (Yosa Buson) – Chim tử quy kêu cuộc đời phiền muộn tan vào cô liêu (Matsuo Basho) – Ðêm trăng hè tiếng chim đỗ vũ lọt vào răng tre (Matsuo Basho) – Hơi nóng bốc không trung Loài sâu lạ Bay ra trắng đồng (Yosa Buson) -Tránh ra đi, tránh ra Chú sẻ nhỏ Vó ngựa sẽ phóng qua (Kobayashi Issa) – Chú ếch đồng Ngắm nhìn đỉnh núi Dáng điệu thung dung (Kobayashi Issa) – Ðừng đánh, dừng đi thôi! Chú ruồi đang xoay tay rối rít Và xoay chân như người (Kobayashi Issa) – Chim đỗ quyên hót ở Kinh đô mà nhớ Kinh đô (Matsuo Basho) – Tiếng chim oanh từ bụi tre lạnh giá đưa đến hàng liễu xanh (Matsuo Basho) – Biển hoàng hôn vang lên tiếng vịt trắng mờ (Matsuo Basho) |
– Trúc lâm nhiều chim ngủ
Quá nửa bạn với thầy (Ở am Yên Tử) – Nhạn bay trên không ( Hương hải) – Rừng thẫm ve ngân nga ( Đề Gia Lâm tự – Trần Quang Triều) – Vượn nhàn, ngựa mõi, ta già lão ( Sơn phòng mạn hứng –Trần Nhân Tông) – Rè rè tiếng dế gọi kêu ai ( Sơn vũ) – Chim nhẩn nha kê, liễu trổ dày (Xuân cảnh – Trần Nhân Tông) – Bướm liệng hoa cười vẫn đúng kỳ ( Hoa điệp – Giác Hải) – Líu lo anh hót khóm hoa gần (Tức cảnh ngày xuân – Huyền Quang) – Nước trong, núi lặn, chim âu trắng bay qua ( Lạng châu vãn cảnh) – Cò trắng từng đôi là là xuống đồng (Thiên trường vãn vọng) |
4.2 Ðiểm dị biệt :
Thơ
Ðiểm Khác |
Thơ Haiku | Thơ thiền Lý – Trần |
Kết cấu | Thơ Haiku không có kết cấu hay nói khác hơn Haiku là một khoảnh khắc liên quan đến cảm quan thiền. Nó chỉ là cảm quan đơn độc lưu giữ lại một khoảnh khắc tồn tại của sự sống như một tấm ảnh chụp. Có thể đó là khoảnh khắc tồn tại của một con quạ trong một buổi chiều thu ảm đạm:
Trên cành khô Chim quạ đậu Chiều thu. (Basho) Cành khô, chim quạ đậu hai hình ảnh như im lặng, không có sự sống nhưng đó chính là khoảnh khắc tồn tại của con quạ – sự tồn tại của sự sống. Ðó có thể là khoảnh khắc tồn tại của con ếch trong cái vĩnh cửu của không gian và thời gian: Ao cũ con ếch nhảy vào vang tiếng nước xao. (Basho) Nhờ cú nhảy của con ếch mà xao động cả mặt ao đánh thức sự yên tĩnh của sự vật, đánh thức cả không gian vũ trụ. Basho đã nắm bắt được khoảnh khắc sinh động nhất của cái nhất thời (con ếch nhảy) trong cái vĩnh cửu của không gian và thời gian (ao cũ). Ðó có thể là khoảnh khắc rực rỡ nhất của hoa anh đào. Hoa đào như áng mây xa Chuông đền Ueno vang vọng Hay đền Asakusa. (Basho) Hoa đào nở rộ hòa cùng tiếng chuông đền tạo ra không gian mênh mông, huyền ảo làm say đắm lòng người. Ðó là khoảnh khắc đẹp nhất của thiên nhiên. |
Kết cấu là điều rất quan trọng trong thơ thiền Lý – Trần. Một bài thơ ngắn nhất cũng có sự tổ chức ý tưởng, hình tượng để thể hiện một nhận thức, một cảm xúc dựa trên bản thể luận phật giáo. Mỗi bài thơ đều có sự liên quan giữa nhận thức, hình tượng và tình cảm.
Trong cây sẵn có lửa Có lửa, lửa lại sinh Nếu bảo cây không lửa Cọ xát làm gì sinh (Triều đình tham chính.Soạn thảo văn kiện- ngoại giao- Tiền Lê) |
Yếu tốtrữ tình | Thơ Haiku yếu tố trữ tình chiếm ưu thế. Bài thơ chủ yếu dùng để bộc lộ cảm xúc trước những khoảnh khắc của thiên nhiên ở bất kì khía cạnh nào, có phản phất chất thiền. Ở đó con người an trú trong từng khoảnh khắc, con người lắng đọng từ từ để đi đến cái tâm không vọng tưởng. Hay nói khác hơn thơ Haiku thiên về tình cảm.
“Nằm bệnh giữa cuộc lãng du Mộng hồn còn phiêu bạt Những cánh đồng hoang vu.” Bài thơ vừa thể hiện sự an nhiên của con người khi đứng trước cái chết vừa thể hiện khát vọng được tồn tại, được khám phá cuộc sống trần thế. “Sắp chết rồi Không nhìn thấy Tiếng ve ”. (Basho) Ðó là tình cảm nhà thơ dành cho thiên nhiên, cho sự sống. “Bên vệ đường Hoa tầm xuân nở Như đường quê hương ”. (Buson) Ðứng trước vẻ đẹp của những đóa hoa dại bên đường nhà thơ xao xuyến rung động cảm thấy quen thuộc. Lại đây với tôi Ta cùng chơi nhé Chú sẻ mồ côi (Issa) Tác giả đã dành tình cảm cho những sinh vật nhỏ bé nhất. Ðó là tình cảm hết sức bình thường, gần gũi |
Trong thơ thiền Lý- Trần, yếu tố trữ tình có quá trình phát triển từ thấp đến cao, từ ít đến nhiều. Trong thơ thiền lý, yếu tố trữ tình rất mờ nhạt nhưng đến thơ thiền ý yếu tố trữ tình xuất hiện nhiều hơn nhưng vẫn không bằng thơ Haiku (yếu tố trữ tình phát triển cao nhất là ở thơ Haiku). Thường thiền Lý-Trần dùng để bộc lộ những quan niệm đúng của Phật giáo. Hay nói khác hơn thơ Thiền Lý- Trần thiên về khái niệm.
Thân như tường vách đã lung lay Đau đáu người đời luống xót thay Nếu đạt tâm không,khôngtướng sắc Sắc không ẩn hiện mặc vần xoay) ( Viên chiếu. Thời Lý) |
- PHẦN KẾT LUẬN
Thơ thiền Lý Trần là thế giới nghệ thuật mới lạ đầy sức thu hút nhờ xây dựng trên cái nền cơ bản là sự trực cảm tâm linh vượt khỏi tầng không gian của suy luận và nhận thức lý trí.Nó có xu hướng vươn tới một không gian và thời gian không có giới hạn và đạt tới sự hợp nhất không gian thời gian để phá bỏ mọi giới hạn đối với con người.
Thơ thiền Lý – Trần thông qua tâm của người đạt đạo để đi đến cái chân như. Còn thơ Haicư đi thẳng đến tâm của vạn vật vũ trụ, tức chân như không thông qua cầu nối là cái chủ quan của con người. Thơ Haicư chỉ ghi chép về thế giới chung quanh còn thơ thiền Lý – Trần mượn thế giới xung quanh để ngụ ý về đạo. Cùng một vị thiền, một cái tâm tự tại nhưng sự thể hiện giữa đôi bên có những sắc thái và mức độ khác nhau. Điều này do ở tập quán tư duy và tâm lý dân tộc.