Trần Thu Miên – Ơn Huệ Của Nắng Mùa Hè Texas

“Hôm nay thời tiết ra sao?” Một ông bạn từ miền Đông Bắc Hoa Kỳ điện thoại hỏi thăm tôi.

“Lúc này mới có 103 °F thôi. Khoảng 3:00 giờ chiều sẽ lên đến 112 °F. Tôi vừa cười vừa trả lời.

“Thật không đấy?” Ông bạn hơi hồ nghi về câu trả lời của tôi.

“Google tìm thông tin thời tiết là biết ngay.” Tôi khẳng định.

Ngày hôm sau ông bạn bên Bắc Cali gọi tôi cũng hỏi thăm về thời tiết Texas. Dù ông theo dõi tin tức hàng ngày, nhưng muốn nghe chính tôi xác nhận về cái nóng khủng khiếp ở đây.

“Thời tiết bên ấy ra sao?” Ông hỏi.

“Hôm nay hơi mát rồi, nhiệt độ chỉ lên đến 100 °F thôi, mát hơn hôm qua cả 12 °F.” Tôi trả lời, và nghe tiếng ông bạn cười to trên điện thoại.

Nơi tôi đang sinh sống, miền Bắc của Texas, mùa hè năm nay nóng quá. Phải nói là cực kỳ nóng, siêu nóng. Nắng cháy cỏ cây, nắng rát da người, nắng hoa cả mắt, nắng cạn mồ hôi, cạn sông, cạn luôn cả hồ. Nắng đến nỗi không còn tính từ nào để diễn tả. Trong những lúc nóng nực, ta chỉ mong trời không còn nắng nữa, nhưng thật ra ta cần nắng để sống. Thử hỏi nếu mặt trời không còn lên mỗi bình minh nữa thì sự sống trên địa cầu này có tồn tại được nữa không? Người xưa đã hỏi tại sao có nắng? Ai làm ra nắng? Mỗi dân tộc đều tự tìm ra câu trả lời bằng cách thêu dệt lên những chuyện thần thoại hoang đường. Câu hỏi về nguồn gốc và lợi ích của nắng là câu hỏi rất khoa học và cần thiết cho người, muông thú và cỏ cây trên mặt đất này.

Thần Thoại Và Khoa Học Về Nắng

Theo thần thoại Hy lạp và La Mã, vị thần mang ánh sáng đến địa cầu chính là thần Apollo, vị thần của mặt trời và ánh sáng. Thêm vào, Apollo còn là vị thần của chân lý, thi ca, âm nhạc, khiêu vũ. Ngài Apollo mang bệnh tật đến địa cầu và ngài cũng chữa lành được các bệnh tật. Mỗi ngày thần Apollo ngồi trên cỗ xe lửa bay vòng quanh bầu trời để mang ánh sáng và sự sống đến cho mặt đất.

Các nhà khoa học ngày nay đã biết được nắng đến từ đâu và đã công nhận rằng ánh sáng mặt trời cần thiết cho sức khoẻ của con người, muông thú, và cỏ cây, nhưng tia bức xạ cực tím (Ultraviolet radiation-UVR) từ ánh sáng mặt trời cũng có hại cho sức khỏe con người. Lợi ích quan trọng nhất của ánh sáng mặt trời là khả năng cung cấp vitamin D cho cơ thể; hầu hết các trường hợp thiếu vitamin D là do thiếu tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

Cơ quan sức khoẻ thế giới, the World Health Organization (WHO) khuyên ta nên ra nắng từ 5 đến 15 phút hai ba lần mỗi tuần. Nhưng nắng cũng gây ra các chứng bệnh nguy hại cho nhãn quan, và cả ung thư nữa. Một trong những nguy hại nắng gây ra là ung thư da, đó chính là sự phát triển bất thường của các tế bào da vì tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Ta có thể giảm nguy cơ ung thư da bằng cách hạn chế hoặc tránh tiếp xúc trực tiếp với tia bức xạ cực tím (UVR) phát ra từ mặt trời.

Đương Đầu Với Thời Tiết Phát Hoả

Tôi có thói quen đi bộ với Uyên-Sa mỗi sáng sớm không ngại mưa gió hay tuyết băng, trừ những ngày cô ấy hay tôi đi công tác xa nhà. Lúc còn ở Boston, nhà chúng tôi rất gần rặng đồi mang tên Blue Hills, đường lên đỉnh đồi dài khoảng một dặm. Sáng nào chúng tôi cũng dậy sớm đi bộ lên đỉnh đồi, đứng chờ mặt trời lên những ngày nắng ráo, nhìn mưa bay ngang thành phố dưới chân đồi, hay tuyết rơi ngang trời. Bây giờ di cư về miền Bắc Texas, chúng tôi ở gần một cái hồ khá rộng, và ngày nào cũng đi bộ quanh công viên bên hồ. Phải nói rằng đi bộ dưới trời mưa hay băng giá dễ chịu hơn đi bộ lúc trời nóng bức. Mưa ta mang áo mưa, đi giầy chống nước, lạnh ta mang nhiều quần áo, quàng khăn, đội mũ, đi giầy cao cổ, và mang gang tay là thân thể đủ ấm thoải mái, nhưng nóng thì có cởi trần truồng vẫn nóng và càng nóng thêm. Mùa hè năm nay, sáng sớm mà nhiệt độ ngoài trời đã trên 80 hay 90 °F là thường tình. Ra đường khoảng dăm mười phút là nhiệt độ tăng lên cả chục độ F. Thêm vào, sự ẩm thấp trong không khí còn làm độ nóng tăng lên năm ba độ là rất thường tình.

Thời sinh viên, tôi đã ở vùng Bắc Texas trên dưới 7 năm, nhưng chưa mùa hè nào nắng khủng khiếp như mùa hè năm nay. Sau gần 40 năm di cư từ miền Nam lên miền Bắc, từ miền Đông sang miền Tây, tôi đã quên cái nóng mùa hè Texas. Những ngày xa xưa ấy chỉ còn sót lại trong hồi ức của mình những kỷ niệm tươi đẹp như những bóng mát cuộc đời dù thưở ấy mình đã phải lái xe không máy lạnh.

Bây giờ đương đầu với nắng Texas khiến mình dễ bực bội, dễ nổi quạu. Xứ sở gì mà nóng quá thế này. Mở cửa ra là cả một lò lửa thổi ùa vào mặt mình. Ra sân vài ba bước thì hoa cả mắt. Chả lẽ cứ ngồi trong nhà uống bia càm ràm than phiền hay sao? Ngày nào cũng ngồi nhìn nắng uống bia thì cái bụng lại chương lên như cái trống lúc nào không hay. Bực mình khó chịu cũng chỉ làm áp huyết tăng cao, không chừng bị tai biến thì nguy to. Thật ra thì dẫu có than vãn chửi đổng hàng ngày thì cũng chẳng làm cho cái nắng thần sầu quỷ khóc giảm đi chút nào. May quá, tôi đã tỉnh ngộ sau nhiều ngày ngồi ngao ngán nhìn nắng ngoài sân nhà. Một sáng mai thức dậy, giật mình tự hỏi: “Tại sao mình không đón nắng một cách tích cực hơn để cảm nhận được các ân huệ mà nắng cho mình mỗi ngày? Tại sao mình chưa tìm ra cách để dùng nắng phục vụ cho mình?” Tôi nhủ thầm và thấy lòng mình vui lên vì đã nhận ra chân lý mà ai cũng biết, “Trời cho ta nắng rồi Trời cho ta mưa để làm đời ta phong phú hơn, để nuôi dưỡng ta, và phục vụ ta trên mặt đất này.”

Sống Tích Cực Dù Nóng Như Thiêu

Thái độ sống tích cực với cuộc đời luôn mang lại cho mình hạnh phúc ngay cả những lúc phải đương đầu với những hoàn cảnh không thuận lợi. Trong một bữa cơm tối gia đình, cả nhà nhắc đến bún măng vịt. Năm ngoái chị D vợ anh THL cho gói măng khô rất quý từ Kontum, nhà mình đã ăn hết lâu rồi. Nghĩ đến măng khô làm từ Tàu, Thái Lan hay Việt Nam là mình hơi ngại. Có lần về thăm quê nhà, đêm không ngủ được, mở truyền hình lên xem gặp đúng màn phóng sự về kỹ nghệ làm măng khô để sản xuất mà mình rùng mình. Người ta ngâm măng trong các hoá chất nặc danh để làm cho màu măng khô vàng lên đẹp mắt. Mình đã mua các loại măng khô từ các chợ bán thực phẩm Á Châu, nhưng bất kỳ măng khô được nhập cảng từ đâu cũng đều có mùi hôi khó mà rửa hết được. Gần đây tôi thường xem YouTube về những câu chuyện của người Việt thiểu số trên miền cao nguyên Bắc Bộ và học được cách bà con làm măng khô. Nắng ở miền cao nguyên Bắc Bộ chắc chắn không nóng bằng nắng ở nơi tôi đang sinh sống. Chỉ khác là nơi tôi đang ở không có sẵn măng tươi để làm măng khô. Ý nghĩ làm măng khô bằng nắng Texas cứ âm ỉ thôi thúc mình. Cuối cùng tôi quyết định ra chợ thực phẩm Á Châu mua măng tươi về làm măng khô nấu cho nhà ăn.

Bây giờ tôi có thời gian để làm những việc đại sự trong đời. Việc đại sự của tôi làm là việc nhà hàng ngày giúp vợ con. Những việc này là việc lớn đối với tôi vì không dễ làm. Từ thời thanh niên đến giờ mình chỉ lo học hành rồi đi làm vì cơm áo gạo tiền, toàn là những việc ai cũng phải làm, chẳng khác gì lũ kiến bầy ong chăm chỉ lầm lũi tìm kiếm thực phẩm sinh nhai mỗi ngày.

Một năm vừa qua, tôi không còn quanh quẩn ở các giảng đường đại học, không còn soạn bài giảng, không còn ra bài thi, không còn chấm bài thi, và không còn phải lo viết sách, viết bài nghiên cứu, hay đương đầu với nhà xuất bản, với các chủ bút, và đồng nghiệp nặc danh đọc và phê bình bản thảo của mình. Tôi cũng không còn phải tham dự vào những buổi họp giáo sư định kỳ, hay những buổi họp của uỷ ban này – hội đồng kia nên đã dành toàn thời giờ lo việc nhà như đi chợ, nấu cơm, rửa chén, quét nhà, giặt quần áo cho vợ, vân vân. Mình làm những việc này với thái độ tích cực, thong thả, hồn nhiên nên chẳng phải bị áp lực của thời giờ, chẳng phải lo làm đúng giờ hay bận tâm như việc dạy học, nghiên cứu hay họp hành. Hạnh phúc quanh ta là làm được những việc nhỏ bé nhưng vĩ đại cho người mình yêu quý và cho những người xung quanh. Những việc nhỏ bé này mới đúng là những đại sự trong đời.

Sinh Viên Đầu Thai

Từ ngày nghỉ dạy học, nhiều bạn bè và cả sinh viên cũ vẫn hỏi tôi: “Bây giờ làm gì?” Câu này hỏi quá tầm thường không nên hỏi bất cứ ai. Ta nên hỏi nhau: “Đang làm gì mới đấy?” Đời sống có quá nhiều điều mới lạ để mình khám phá và nhất là để học hỏi. Người duy nhất hay hỏi tôi, “Có gì mới không?” là ông nhạc sĩ Nhất Chi Vũ. Câu hỏi này nghe được nhưng hơi thụ động. Mình không phải ngồi chờ điều mới lạ xảy ra nhưng mình phải làm ra những điều mới lạ mỗi ngày, dù rất nhỏ nhoi. Tôi đã đầu thai thành một học sinh đi học mỗi ngày được một năm rồi. Ở nhà tôi học nấu bếp, đến trường tôi học điện ảnh, và học cả đàn ca.

Tôi có nhiều thầy dạy nấu ăn trên YouTube. Tôi đã học được cách phơi khô rau củ quả ngâm mặn, hay là dưa món là nhờ các vị thầy dạy nấu ăn YouTube. Một người thầy tôi yêu mến nhất chính là Cô Vành Khuyên, cô dạy làm đủ thứ từ cách pha nước mắm đến ngay cả việc luộc gà. Cách cô dạy rất hệ thống và cái giọng miền nam hiền lành-dịu dàng của cô nghe ngọt như ly nước đá chanh giữa trưa hè Texas giúp người theo dõi các lớp dạy nấu ăn của cô không bị nhàm tai. Việc phơi rau củ qủa để dành làm các món dưa muối của tôi phát xuất từ tình yêu vợ, yêu con, và yêu bạn bè.

Tác phẩm tình yêu. (Ảnh tác giả gửi)

Cuộc Cách Mạng YouTube

Từ giữa thập niên thứ nhất của thế kỷ 21 đến nay, cuộc cách mạng thông tin truyền hình của YouTube đã thay đổi sinh hoạt truyền thông của nhân loại nhanh đến khó tưởng nổi. Sinh nhật của YouTube là ngày lễ Tình Nhân (Valentine’s Day) năm 2005. Ba cựu nhân viên của công ty Paypal, Chad Hurley, Steve Chen và Jawed Karim đã cộng tác sáng tạo một phương tiện truyền thông mới để người tham gia có nơi chia sẻ hay trình bày các tác phẩm bằng hình ảnh sống động qua dạng Video. Theo bài viết của Christopher McFadden (2023), cho tới nay, YouTube là một trong những phương tiện truyền thông phân phối video trực tuyến lớn nhất và phổ biến nhất. Cứ mỗi phút đã có 500 giờ video với những nội dung đủ loại từ khắp nơi trên mặt đất này được đăng tải lên YouTube. Mỗi tháng có hơn 4 tỷ giờ video được theo dõi. Cuộc cách mạng “Xem và nghe” ngay trong khoảnh khắc của YouTube đã thay đổi các mô hình và phương tiện truyền đạt văn hoá từ giáo dục đến giải trí, từ sáng tác đến phổ biến các tác phẩm âm nhạc, hội hoạ, thi ca và văn chương. Thời đại này mình muốn học gì cũng tìm thấy trên YouTube, từ học yêu đương ân ái chăn gối đến đọc kinh cầu nguyện.

Làm Măng Khô Nấu Bún Măng Vịt

Măng tre gắn liền với tuổi thơ tôi, với đàn bò vàng, và lũ trẻ chăn bò trong làng. Có nhiều đứa trẻ chăn bò rất thành thạo việc tìm các bụi tre trong rừng để bẻ măng mang về cho nhà chúng nó. Tôi cũng đi theo tìm các bụi tre ở ven suối hay khe đồi xem chúng nó bẻ măng, nhưng không hiểu tại sao tôi lại chẳng háo hức tìm măng như những trẻ khác trong làng. Bẻ măng không phải là việc dễ làm vì những đứa bạn của tôi phải chui đầu len lỏi vào các bụi tre thân cây chằng chịt nhau để tìm măng, rồi dùng tay trần để bẻ, nhiều khi bị rách da bàn tay. Có lẽ vì măng không phải là món ăn hàng ngày của gia đình. Tôi chẳng còn nhớ được bữa ăn nào nhà mình đã ăn măng.

Lúc còn ở Boston, chúng tôi có chơi thân với vợ chồng người miền Bắc du học Hoa Kỳ rồi ở lại làm việc sau khi tốt nghiệp. Trong một bữa ăn nhân dịp Tết Nguyên Đán ở nhà họ, chúng tôi được ăn món măng khô hầm sườn heo. Cô bạn giải thích món măng khô hầm sườn heo là một trong những món ăn Tết của người miền Bắc. Bố mẹ tôi là dân di cư từ Bắc vào Nam năm 1954, nhưng lại không nấu món này ăn Tết. Có lẽ gia đình tôi thuộc hạng bần cố nông nên không biết món ăn này. Bây giờ thỉnh thoảng nhà ăn măng, tôi lại nhớ về quãng thời gian thơ dại ngày xưa ấy.

Gần đây chúng tôi được anh chị NXC, đồng hương Boston, rủ đến nhà dùng cơm chiều. Trong bữa ăn, tôi khoe là đã làm măng khô nấu bún măng. Mọi người trên bàn ăn, kể cả tôi, không ai biết về giá trị của măng. Chúng tôi ai cũng nghĩ ăn măng không tốt. Nhưng tôi vốn dĩ là người hay đặt câu hỏi từ chuyện ruồi bu đến chuyện trên trời nên sau bữa ăn họp mặt ở nhà anh chị NXC, tôi đã tìm thông tin về măng. Cũng may là tôi được sử dụng hệ thống thư viện của đại học cũ ở Boston nên việc tra khảo tài liệu rất dễ dàng.

Theo thống kê của trang mạng Tây Nguyên Xanh, Việt Nam, có ít nhất là 8 loại măng: Măng Giang, Măng Lay, Măng Le, Măng Lồ Ô, Măng Nứa, Măng Sặt, Măng Tre, Măng Vầu. Măng là thực phẩm được nhiều dân tộc ở Á Châu, Ấn Độ, và Nam Mỹ chiếu cố. Ở Tàu và Nhật, măng được coi như một loại dược thảo cả ngàn năm qua. Nghiên cứu khoa học cho biết măng có nhiều dưỡng tố rất tốt cho cơ thể, điển hình là vitamin A, vitamin E, vitamin B6, thiamin, riboflavin, và các khoáng chất quan trọng khác. Măng cũng có công dụng kiểm giảm lượng đường trong máu và phòng ngừa ung thư.

Tuy nhiên không phải cách chế biến măng nào cũng tốt. Các loại măng khô xuất cảng từ Á Châu, nhất là Tàu nguy hiểm cho sức khoẻ vì đã được ngâm trong các hoá chất nặc danh để làm cho măng có màu đẹp. Theo báo cáo của viện kiểm soát sức khoẻ Hoa Kỳ và Thái Lan, măng đóng hộp hay măng chua có thể gây thương thực dễ dàng. Sau hết, bàn về măng thì phải nhắc đến hoa tre, đây là loại cây rất hiếm khi ta có thể nhìn thấy hoa. Chu kỳ trổ hoa của các loại tre xê dịch từ 3 năm đến hơn thế kỷ dài. Nếu bạn lãng mạn đi tìm hoa tre để tặng người yêu thì phải chờ đến kiếp sau thôi. Chớ dại.

Măng tươi (trái) và luộc phơi khô. (Ảnh tác giả gửi)

Tôi đã ra chợ thực phẩm Á Châu mua 4 cái măng tươi bụ bẫm, cân nặng 6 pounds (6 cân Anh lbs) hay 2.721 ký (kg). Mỗi pound giá $4.95, tổng cộng $29.70. Công đoạn làm măng khô bắt đầu từ việc lột những lớp vỏ già, chỉ giữ lại lõi. Tiếp đến, bỏ lõi măng vào nồi luộc với nước muối (cho vừa đủ không quá mặn) khoảng 40 phút. Sau khi luộc măng, mình lấy măng ra ngâm nước lạnh, chẻ đôi lõi măng luộc ra, dùng dao khía măng thành những miếng không quá nhỏ để ráo nước rồi đem ra phơi nắng từ lúc mặt trời lên đến chiều ba ngày liên tiếp. Khi những miếng măng đã được nắng hút hết hơi nước và đổi sang màu vàng tự nhiên sau ba ngày nắng trên 100 °F, tôi gom lại cân còn lại vỏn vẹn gần 5 ounces (lạng Anh) tương đương với khoảng 113 grams. Nếu tính tiền thì một kg măng khô có thể trị giá tên $200, quá đắt đấy. Như vậy là tôi đã sáng tác được mớ măng khô đầu tay, một tác phẩm tình yêu dành cho vợ con. Tôi đã đi chợ chọn con vịt to nhất được bày ở tủ đá của siêu thị Costco Whole Sale. Loại vịt ở đây thịt mềm và thơm không dai như vịt mua ở chợ thực phẩm Á Châu.

Tôi rất hãnh diện và mãn nguyện về tác phẩm măng khô đầu tay của mình. Vợ ăn bún măng vịt tôi nấu chỉ nói bâng quơ, “Măng khô này ăn được đấy!” Có thể em nói cho tôi vui lòng, nhưng với tôi, vợ khen ngon hay chê chẳng có gì đáng quan tâm vì tôi biết tôi đã làm món măng khô bằng trái tim của tôi. Tạ ơn nắng Texas đã thôi thúc mình sáng tác được tuyệt phẩm măng khô chất chứa yêu thương.

Sáng Tác Dưa Món

Rau củ quả phơi nắng. (Ảnh tác giả gửi)

Đầu tháng 9 rồi mà nắng vẫn còn gay gay gắt, ngày nào cũng trên 100 °F. Cỏ hoa cây lá quanh sân và cả cánh rừng nhỏ sau nhà tôi đã vàng khô. Tôi không còn bực mình và than phiền về thời tiết phát hoả của Texas nữa. Tôi lại tranh thủ mua củ cải trắng, đu đủ xanh, carrot, bắp cải, cải xanh làm dưa, và cả rau mù tạc xanh về phơi nắng trước khi mùa thu trở lại. Các thứ rau củ quả này được tôi phơi ba ngày liên tục. Tôi đã học được cách phơi khô rau củ quả ngâm mặn, hay làm dưa món là nhờ các vị thầy dạy nấu ăn, cô Vành Khuyên, trên YouTube. Việc phơi rau củ qủa để dành làm các món dưa muối của tôi cũng phát xuất từ tình yêu vợ, yêu con, và yêu bạn bè. Tôi đã có đủ loại rau củ qủa khô để dành làm dưa chua dưa món đón Tết năm tới. Tôi còn dự tính sẽ biếu vài người bạn thân mỗi người một lọ dưa món làm quà Tết. Các loại rau củ quả phơi khô tôi làm hoàn toàn tự nhiên, không dùng máy xấy hoa quả, không ngâm hoá chất, nhưng chính là nắng hè Texas.

Ân Huệ Của Nắng

Cơn mưa đầu tiên đã về đêm qua trong tiếng sấm sét rung trời. Thông tin thời tiết trên truyền hình đã khuyến cáo cư dân của nhiều nơi quanh vùng Bắc Texas là có gió cao tốc và mưa đá, nguy cơ làm đổ cây hay hư hại xe đậu ven đường và cả mái nhà. Chuyện mưa nắng bão tố là chuyện của trời đất, chuyện của ta là phải biết hưởng ơn huệ của thời tiết, ngay cả những khi khắc nghiệt như mùa hè năm nay (2023) ở Texas. Những ngày nắng khô cỏ cây, nắng cạn hồ, cạn sông, cạn cả mồ hôi đã khai mở cho tôi một nhãn quan mới về cuộc đời, và những ơn huệ tôi nhận được mỗi ngày từ nắng từ mưa. Trời nắng, tôi sẽ phơi rau củ quả để biến chế những món ăn lạ miệng cho vợ con và bạn bè. Trời mưa, tôi sẽ hấng nước mưa để dành tưới cây – tưới hoa những ngày nắng quái hay hạn hán. Từ nay tôi sẽ không còn thái độ tiêu cực khi phải đương đầu với nắng hè Texas.

Bây giờ là những ngày cuối tháng 9, trời đang dịu lại, nắng không còn gay gắt như lửa chỉ chực thiêu đốt cây cỏ, thú vật, và loài người nữa. Cây cỏ đang cựa mình hồi sinh. Hai chậu hoa giấy trong sân nhà tôi vừa nở màu đỏ thắm. Các chậu hoa dâm bụt cũng nở bung ra những bông hoa hường tươi quyến rũ những con chim thì thầm (hummingbird) khua cánh đứng lại trên không, cúi mỏ nhọn vào hút những giọt mật tươi vừa chớm rỉ. Hàng cây hoa “dệt mộng tưởng” (crape myrtle) ven hàng rào nhà tôi cũng vừa nở bung tươi thắm. Tạ ơn nắng hè Texas. Tôi bắt đầu chờ nắng hè năm tới.

Trần Thu Miên
Tuỳ bút mùa hè Texas phát hoả, 2023
tranthumien@yahoo.com

Thư Liệu Đọc Thêm:

– Basumatary, A., Middha, S. K., Usha, T., Basumatary, A. K., Brahma, B. K., & Goyal, A. K. (2017). Bamboo shoots as a nutritive boon for Northeast India: an overview. 3 Biotech, 7, 1-6.

– https://www.cdc.gov/nceh/features/uv-radiation-safety/index.html

– https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/ultraviolet-radiation

– https://interestingengineering.com/culture/youtubes-history-and-its-impact-on-the-internet

– https://www.youtube.com/watch?

– https://www.ecofarmingdaily.com/grow-crops/grow-fruits-vegetables/fruit-and-vegetable-crops/identifying-harvesting-cooking-bamboo/

– https://www.cdc.gov/mmwr/preview/mmwrhtml/mm4821a1.htm

– https://taynguyenxanh.vn/tin-tuc/cac-loai-mang.html

– https://doaj.org/article/

– https://www.proquest.com/docview/

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *