Sẽ chẳng có loài hoa nào gợi cho ta một cảm giác thánh khiết, trong ngần như hoa sen. Hoa vươn lên từ nơi bùn lầy mà vẫn ngát hương, đẹp tinh khôi mà vẫn bình dị, khiêm nhường. Và đó chính là Sen – loài hoa tượng trưng cho cốt cách thanh tao của người tu Phật.
Trong ngàn vạn thứ hoa, chỉ có hoa sen là thanh tịnh và thuần khiết nhất. Hoa mọc từ rễ củ nằm sâu trong bùn lầy, khi thời khắc đến sẽ nẩy mầm rồi từ từ vươn lên khỏi mặt nước. Tự bản thân hoa đã có tính vô nhiễm, thế nên dẫu mọc từ bùn nhưng không mang mùi hôi tanh của bùn, dẫu vươn lên từ đầm lầy nhưng lại không hề nhuốm bụi bẩn. Cũng lại nói, hoa không chỉ làm sạch tự mình, mà còn khiến vạn vật xung quanh đều trở nên thuần tịnh. Nơi nào có hoa sen mọc, thì nơi ấy nước được làm trong, cũng giống như nơi nào có Phật Pháp, thì nơi ấy có được miền tịnh thổ.
Hoa sen có nhiều màu sắc, mà mỗi thứ màu lại mang một ý nghĩa thanh cao, thoát tục: Sen bạch tượng trưng cho tâm hồn trắng trong, thuần khiết; sen xanh tượng trưng cho trí huệ viên thành; sen tím tượng trưng cho những điều huyền diệu; sen vàng tượng trưng cho sự giác ngộ; và sen hồng tượng trưng cho lòng từ bi vô hạn.
Hoa sen vừa có sắc lại vừa có hương. Hương hoa thoang thoảng, sắc hoa dịu dàng, cho nên hoa đứng kiêu hãnh giữa đầm mà vẫn không tạo cảm giác kiêu kỳ, ngược lại, còn khiến người thưởng lãm được đắm mình trong bầu không khí an lành, tĩnh tại. Thân sen ngay thẳng, có gai mà không sắc nhọn, trong ruột lại trống rỗng giống như tánh ‘không’ của người tu luyện, cho nên hoa mới nhẹ nhàng, thản đãng, thanh tịnh, vô vi. Đó được gọi là:
“Diệu tánh hư vô bất khả phân
Hư vô tâm ngộ đắc hà nan
Ngọc phần sơn thượng sắc thường nhuận
Liên phát lô trung thấp vị càn.”
(Thiền sư Ngộ Ấn)
Tạm dịch:
“Diệu tánh rỗng không chẳng thể bâu (bám)
Rỗng không tâm ngộ khó gì đâu
Trên non ngọc đốt màu thường đẹp
Sen nở trong lò ước chửa khô”
“Liên hoa mộng ứng thiên sinh thánh” (giấc mộng hoa sen ứng với điềm Trời sinh bậc Thánh). Tương truyền, trước khi Đức Phật giáng sinh, mẫu thân của Ngài là hoàng hậu Ma Da từng nằm mơ thấy một con voi trắng mang theo đóa sen cũng màu trắng. Khi Đức Phật đản sinh ở vườn Lâm Tỳ Ni, dưới tán hoa Vô Ưu, Ngài liền bước đi bảy bước, và dưới mỗi bước chân đều có đóa sen vàng nâng gót ngọc. Ngài đứng trên đài hoa sen, một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất, và nói: “Thiên thượng thiên hạ, duy nhã độc tôn, yếu độ chúng sinh, sinh lão bệnh tử” (Trên trời, dưới đất, hiện nay duy có ta, muốn độ chúng sinh, thoát khỏi sinh lão bệnh tử).
Truyền thuyết kể rằng, hoa sen không phải là thứ hoa nơi trần thế mà bắt nguồn từ thiên thượng, là biểu tượng thanh tịnh của cõi Phật. Từ tranh, tượng, bất cứ nơi nào có hình tượng Phật, chúng ta đều thấy vị Phật ngồi xếp bằng trên đài hoa sen. Theo kinh điển Phật giáo, “Phật tọa tòa sen” mang một ý nghĩa thanh cao: Phật Pháp thì trang nghiêm thần diệu, mà hoa sen lại mềm mại, thanh tịnh và ngan ngát hương thơm. Cho nên, đài sen nghiêm trang, hương thơm thuần tịnh, là nơi Phật có thể tĩnh tọa.
Lại có một truyền thuyết kể rằng, một ngày, trước mặt đông đảo đại chúng, Đức Phật không thuyết Pháp mà chỉ lặng lẽ đưa lên một đóa sen. Khi đại chúng còn đang ngơ ngác chẳng hiểu, thì chỉ có đại đệ tử Ma-ha Ca-diếp mỉm cười. Đức Phật liền tuyên bố với các tì kheo: “Ta có chính pháp vô thượng trao cho Ma-ha Ca-diếp. Ca-diếp là chỗ nương tựa lớn cho các thầy tì kheo, cũng như Như Lai là chỗ nương tựa cho tất cả chúng sinh”. Có thể thấy, hoa sen không chỉ là một loài hoa đơn thuần, mà còn biểu tượng cho Phật tính và giác ngộ.
Hoa sen ngụ ý rằng sinh mệnh sinh ra trong sinh tử phiền não, nhờ tu luyện mà thoát khỏi sinh tử phiền não. Hoa sen mọc dưới bùn nhơ, cũng giống như con người qua bao kiếp bao đời đã trầm luân trong bể sầu nhân thế. Rồi hoa vươn lên thẳng tắp, cũng chính là quá trình tu luyện, rũ khỏi bùn nhơ, gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. Khi đóa hoa nhô lên khỏi mặt nước, cũng là lúc những cánh sen bừng nở, tỏa hương ngan ngát dưới ánh mặt trời, đó là lúc Phật tính nhờ tu luyện mà giác ngộ, hoa đại mãn khai.
Hoa vốn là hoa nơi thiên thượng, là hoa của Phật quốc thanh cao, nay lại hạ thế làm một thứ hoa ở nhân gian – phải chăng là để gửi gắm thông điệp rằng: Phật tính của con người cũng giống như hoa sen vô nhiễm, mọc trong bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.
Con người nơi nhân thế, dẫu cát bụi hồng trần có vô tình che đi bản tính thuần phác lúc tiên thiên, và dẫu đạo đức suy đồi có lạnh lùng nhấn chìm người ta trong cạm bẫy danh lợi, thì cái phần bản chất nhất cốt lõi nhất – cũng chính là sự thuần thiện, thuần chân, thuần khiết – vẫn luôn ở đó không bao giờ thay đổi. Chỉ cần lau sạch đi lớp bụi hồng trần, thì bản tính ấy sẽ hoàn toàn hiển lộ. Con người trong quá trình tu luyện, cũng chính là từng bước từng bước phủi đi lớp bụi trần. Người tu luyện ngay trong cõi hồng trần ô trọc mà tu chính mình, thân tâm thanh tịnh không còn dính bụi trần, giống như hoa sen mọc trong bùn mà tự rũ sạch khỏi bùn, cuối cùng đạt đến bờ giác ngộ và hoàn toàn giải thoát, cũng là lúc đóa sen kia mãn khai, tỏa hương ngan ngát.
Trong sách “Tánh mạng khuê” có bài thơ rằng:
“Hồng hồng bạch bạch thủy trung liên,
Xuất ố nê trung sắc chuyền liên;
Hành trực ngẫu không bổng hựu thục ,
Tu hành diệu lý kháp như nhiên”.
Tạm dịch:
Sen nở trong đầm đỏ trắng phơi,
Bùn nhơ không nhiễm sắc thêm tươi.
Thân ngay, ngó rỗng, gương đầy hột.
Cái lý tu hành cũng thế thôi.
Sen tỏa ngát hương thơm giữa bùn lầy nhơ nhớp. Trong cõi đời trầm luân, người tu có thể thoát khỏi mọi dục vọng, buông bỏ mọi phiền não thì sẽ đến bến bờ an lạc. Hoa sen bừng nở, trí huệ viên mãn, hương thơm lan tỏa khắp không gian. Đời người cũng giống như hoa ấy, từ phiền não mà đến thanh tịnh, mọc từ bùn lầy rồi nở hoa trên mặt nước, từ bùn đất mọc ra mà không nhiễm mùi bùn.
Nam Phương – Hồng Liên
Nguồn: ĐKN