Lý Thanh Chiếu hiệu Dị An cư sĩ , là nữ tác gia chuyên sáng tác từ nổi tiếng thời nhà Tống, với lối dùng hoa mĩ, bà đứng đầu trường phái Uyển ước từ, được xưng tụng là Thiên cổ đệ nhất tài nữ.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống thơ ca, cha bà – Lý Cách Phi là một học giả, tác giả tản văn có tiếng tăm, mẹ bà cũng là người thông thạo văn chương. Lý Thanh Chiếu từ nhỏ đã hấp thụ tinh hoa từ cảm hứng văn chương từ phụ mẫu và được thừa hưởng một nền giáo dục hoàn toàn tốt đẹp.
Bà thành công trong nhiều lĩnh vực văn học: văn xuôi, từ, thơ ca. Lúc còn là thiếu nữ, Thanh Chiếu đã làm thơ, thơ của bà phần lớn viết về nét bình dị, lý thú của cuộc sống, với điệu vần trong sáng, tình cảm tự nhiên trong phong cảnh xinh tươi, hữu tình.
Từ thời niên thiếu, Lý Thanh Chiếu đã bộc lộ khí chất hơn người, tinh thông văn học lạ thường, nên cha nàng nhiều lần lo lắng, bởi ở thời đó phụ nữ quá tài giỏi thì khó tìm được một bậc nam nhi am hiểu thông tường để mà xuất giá. Thế nhưng ông trời chẳng phụ người tài, năm 18 tuổi bà được gả cho thái học sinh Triệu Minh Thành, con trai Tể tướng Triệu Đĩnh, là một nhà khảo chứng kim thạch học nổi tiếng, làm nên mối nhân duyên tốt đẹp nhất thời Bắc Tống.
Chuỗi tháng ngày phu thê hạnh phúc sớm tàn, để lại bà trong gian nan bể dâu của cuộc đời
Những tháng ngày xuất giá bên chồng, như hai tri nhân tìm được một nửa của phần còn lại đời mình, họ say mê và đều là những người hiểu biết về khoa học văn chương, nên đây được ví như trời sinh một cặp.
Vợ chồng bà tâm đầu ý hợp cùng nhau chuyên tâm vào nghiên cứu, sưu tập, chỉnh lí các tác phẩm trên đá, trên đồng.
Tuy nhiên, sự gắn bó chẳng được lâu, một thời gian sau, Triệu Minh Thành phải đi làm quan ở nơi xa. Lý Thanh Chiếu không thể đi theo, bà cảm thấy vô cùng cô đơn, buồn tẻ. Điều này đã ảnh hưởng đến những sáng tác của Thanh Chiếu giai đoạn này, đầy nặng nỗi cô đơn, ly biệt, nặng trĩu nỗi buồn trong tình yêu.
Sum vầy đoàn tụ chẳng được bao lâu thì binh đao chiến mạc tàn phá, năm Tĩnh Khang (1127) thời Bắc Tống, quân Kim thế mạnh, đánh chiếm Khai Phong, bắt giữ cả hai vua nhà Tống là Tống Huy Tông và Tống Khâm Tông. Cứ thế, Nam bắc Hoàng Hà lần lượt rơi vào tay quân Kim, nhiều quan lại trong triều đình nhà Tống phải chạy xuống phía nam, trong đó bao gồm vợ chồng Lý Thanh Chiếu.
Trong lúc loạn lạc, Triệu Minh Thành nhận được lệnh làm thái thú Hồ Nam, nhưng trên đường đi nhậm chức thì bị cảm và mất ở Kiến Khang. Chồng ốm mất mà quân Kim cứ tràn xuống tấn công, khiến bà và nhà Tống nay đây mai đó. Nước mất, nhà tan, từ ấy, cuộc sống của Lý Thanh Chiếu bắt đầu khốn khổ, thân gái đơn côi dặm trường, phiêu bạt càng khiến tâm hồn nàng trở nên khô héo, nên đã sáng tác rất nhiều tác phẩm bày tỏ sầu bi trong bối cảnh ảm đạm này.
Hàng Châu, Việt Châu, Đài Châu, Kim Hoa…là những vùng miền bà đã lần lượt trải qua, Lý Thanh Chiếu sống một mình trong cảnh cô tịch, khốn đốn cho đến khi già yếu rồi qua đời.
Lý Thanh Chiếu nổi tiếng là một đại biểu xuất sắc của phái từ Uyển Ước.
Trong di sản văn học cổ Trung Quốc, người ta thường nhắc đến: tản văn thời tiên Tần, phú thời Hán, thơ thời Đường, từ đời Tống, kịch đời Nguyên, tiểu thuyết thời Minh- Thanh. Từ đời Tống, kịch Nguyên để tạo thành một tác phẩm hoàn chỉnh, ngoài văn bản văn học còn nhiều yếu tố liên quan như âm nhạc, vũ điệu, sân khấu…
Từ là một thể loại nửa thơ nửa văn xuôi hình thành vào đời Đường, và phát triển mạnh vào đời Tống.
Ở thời kỳ đầu, từ là một loại thơ (nhưng khác với thơ ở chỗ có quan hệ với âm nhạc), phải đến thời Vãn Đường, từ mới thành một thể độc lập mang đầy đủ những đặc điểm riêng, và phát triển mạnh ở đời Tống.
Đời Tống, từ phát triển thành hai con đường: từ uyển ước và từ hào phóng. Từ uyển ước là lối làm từ theo đúng truyền thống, ngôn ngữ tinh luyện, ý tưởng, hình tượng sâu sắc, uyển chuyển, phong cách tế nhị. Đặc biệt là âm luật phải đẹp đẽ và phù hợp với âm nhạc.
Từ hào phóng đi ngược lại: không phân ranh giới giữa từ-thi, diễn đạt tự do, đưa cả thơ, văn xuôi vào từ, âm luật chỉnh hay không không phải là vấn đề trọng yếu, ngôn từ thanh nhã không thành vấn đề, những lời nói khẳng khái oai hùng, lời than thở bi thương, thầm thì, hài hước đều được đưa cả vào trong từ ngang hàng với thơ ca “không có điều gì không nói được”, nó có khuyết điểm là làm từ mất đi đặc điểm tinh tế vốn có, nhất là đối với những kẻ kém tài: từ trở nên vụng về, vô vị, thô mộc.
Thời Tống, từ đi theo hai con đường này cùng phát triển. Phái uyển ước làm cho từ tinh tường, tế nhị. Phái hào phóng làm cho từ tự do, phóng khoáng.
Trong thi ca của Lý Thanh Chiếu, mỗi từ được sử dụng chuẩn xác, khéo léo và nhẹ nhàng tinh tế. Điều này thể hiện rất rõ nét trong bài thơ Điểm Giáng Thần :
Súc bãi thu thiên,
Khởi lai dung chỉnh tiêm tiêm thủ.
Lộ nùng hoa sấu,
Bạc hãn khinh y thấu.
Kiến hữu nhân lai,
Miệt sạn kim thoa lưu.
Hoà tu tẩu,
Ỷ môn hồi thủ,
Khước bả thanh mai khứu .
Dịch thơ:
Thôi đạp bàn đu
Đứng đờ lười vuốt tay thon nhỏ
Sương đầm hoa võ
Áo thấm mồ hôi rỏ
Thấy có người vào
Thoa tuột giầy để hở
Chừng mắc cỡ
Chạy về quay cổ
Lại ngửi thanh mai ngó
(Bản dịch Nguyễn Chí Viễn)
Phụ nữ xưa thường rất kín bàn chân, nhưng qua bài thơ của Lý Thanh Chiếu, người ta thấy được sự dịu dàng e ấp của thiếu nữ với tâm hồn trong sáng, điểm thêm sự e ngại lại càng làm toát lên vẻ đẹp dịu dàng, quyến rũ đầy bí ẩn.
Từ trong thơ của Lý Thanh Chiếu đạt tới sự chau chuốt tuyệt đỉnh, bởi vậy mà được tán tụng là đại diện xuất sắc của phái từ uyển ước.
Bà là một tác giả nữ thể hiện tài năng hiếm hoi trên từ đàn thời Tống.
Sự xuất hiện của Lý Thanh Chiếu trên từ đàn đời Tống là một bất ngờ độc đáo. Nếu xét trên bình diện lịch sử văn học Trung Quốc, tác gia văn học nữ không phải là nhiều (Thái Viêm đời Hán, Thái Diễm đời Ngụy…). Cởi mở như đời Đường với hơn 2200 tác giả mà cũng chỉ có Tiết Đào, Đỗ Thu Nương, lại cũng không phải là hàng tác gia xuất sắc. Quả là nhà thơ nữ Trung Quốc quá hiếm hoi so với những thời đại văn chương như vậy.
Huống hồ đối với tình hình xã hội tư tưởng đời Tống, sự xuất hiện của bà rõ ràng là một ngoại lệ. Lý Thanh Chiếu còn là từ nhân hiên ngang đại diện cho một phái, một bên là Tô Thức phái từ hào phóng, tác gia văn học xuất sắc nhất thời Tống.
Sáng tác của Lý Thanh Chiếu có thể chia thành hai giai đoạn rõ rệt: giai đoạn đầu: trước 1127: phản ánh cuộc sống hạnh phúc, viên mãn, giọng điệu hoan hỷ, vui tươi, phần lớn từ nói về phòng khuê, tình yêu, ly biệt, thiên nhiên. Giai đoạn sau: từ 1127 trở đi: cuộc sống tha hương, mất nước, lưu lạc, khốn khó, giọng điệu u buồn, trầm uất, cô đơn, từ đã thoát khỏi phạm vi khuê phòng hướng đến những vấn đề xã hội, trọng tâm ở đây là tâm trạng của kẻ mất gia đình, mất nước, cái buồn riêng hòa lẫn với nỗi đau chung của dân tộc.
Là một phụ nữ quý tộc tài hoa, có học vấn, tình cảm phong phú, có lẽ Lý Thanh Chiếu là từ nhân diễn đạt sâu sắc nhất tâm sự và hoàn cảnh của người phụ nữ sống trong xã hội thời bấy giờ, họ bị ràng buộc bởi những định kiến.
Thời Tống hết sức đề xướng lễ giáo khống chế phụ nữ, cho nên phụ nữ chịu sự khuôn phép tới ngột thở, nên thời này, có những bậc nam nhân đã viết thay cho nỗi buồn và những khát khao trong tư tưởng của người phụ nữ ví như Liễu Vĩnh, Tần Quán…Nhưng đó cũng chỉ là sự cảm thương chứ diễn tả được đầy đủ sắc thái tình cảm, ước mong của người phụ nữ thời đó.
Khi Lý Thanh Chiếu xuất hiện, giống như một làn gió mới độc đáo, là đại biểu cho hơi thở và tâm tư của người phụ nữ, bà viết lên những diễn biến tâm trạng của chính mình, những khát khao thầm kín của bà cũng như tiếng nói của biết bao nhiêu người phụ nữ bị định kiến và khuôn phép kia chói buộc.
Bà chọn những sự vật dễ gợi liên tưởng, lại dùng bút pháp tinh tế của người phụ nữ để biểu đạt những ý tưởng đó, nên nó có một sắc thái khác biệt hơn, sâu sắc hơn và khéo léo hơn.
Lý Thanh Chiếu gửi gắm tâm trạng, nguyện vọng của người phụ nữ dưới thời nhà Tống.
Trong bài thơ Ngư gia ngạo-Kí mộng,
Bà còn khéo miêu tả tâm trạng, nguyện vọng của người phụ nữ muốn thoát khỏi cuộc sống nhỏ hẹp tù túng, buồn tẻ, khát khao một thế giới tinh thần tráng lệ hơn, rộng mở hơn:
Thiên tiếp vân đào liên hiểu vụ,
Tinh hà dục chuyển thiên phàm vũ.
Phảng phật mộng hồn quy đế sở.
Văn thiên ngữ,
Ân cần vấn ngã quy hà xứ ?
Ngã báo lộ trường ta nhật mộ,
Học thi mạn hữu kinh nhân cú.
Cửu vạn lý phong bằng chính cử.
Phong hưu trú,
Bồng chu xuy thủ tam sơn khứ
Dịch thơ:
Mây khói trời mai làn sóng tỏa
Dòng Ngân xẻ nhích ngàn bướm múa
Mộng hồn phảng phất về thiên phủ
Nghe trời nhủ:
Chẳng hay ngươi định về đâu đó
Ta thưa: ngày chiều đường xa lỡ
Thơ có câu hay khiến người sợ
Chín vạn dặm cánh bằng gặp gió
Gió lên nữa
Đi tới non tiên thuyền nhẹ chở
(Nguyễn Xuân Tảo dịch)
Trong bài thơ trên bà mang theo một ý tứ mạnh mẽ táo bạo, lạc quan, tự tin, không có vẻ của một nữ nhân làm ra :”thơ có câu hay khiến người sợ” . Một chút thoáng đạt trong lối tư duy, một chút mạnh mẽ muốn bứt phá, một chút ngạo nghễ khiến người ta tưởng rằng đó là của một nam nhân. Sự phá cách rất đáng khâm phục trong ý thơ của bà.
Nhưng cũng có bài thể hiện một tình yêu chính trực ngay thẳng và chân thực, chia sẻ và hi sinh cho nhau, đưa ra một góc nhìn về sự chuẩn mực cho tình yêu, sự đồng điệu về tâm hồn, sự coi trọng và vị nể tình phu thê.
Thơ của bà cũng mang những vẻ đẹp của thiên nhiên phong cảnh, tức cảnh sinh tình, và thường mượn cảnh để khắc họa vẻ đẹp của tuổi xuân thì, thời gian là cỗ máy chở theo những thanh xuân một thủa, hay tâm tình của một người phụ nữ phải sống trong nỗi khắc khoải đợi mong chẳng khác chi nhìn xuân qua mà úa tàn nhan sắc.
Lý Thanh Chiếu thường hay sử dụng những hình ảnh mang sắc thái nữ tính rất rõ. Trong bài Nhất Tiễn Mai bà viết “khinh giải la thường, độc thượng lan châu” (cởi nhẹ áo lụa, một mình bước lên thuyền lan) , khó ai miêu tả phong thái nhẹ nhàng, cử chỉ thoát tục của người phụ nữ được như vậy. Hay hình ảnh “tố đắc tiểu yêu thân, bất nại thương xuân” (eo vốn nhỏ thon thon, khốn nỗi xuân mòn- Lãng Đào Sa- kỳ nhị) diễn tả nét tươi trẻ kiều mị của người con gái.
Miêu tả nỗi niềm tương tư triền miên một cách khéo léo. Nỗi niềm đó vừa rời khỏi đôi mày (ý nói từng giọt lệ rơi), thì nó đã bám vào trong tim. Câu này lấy ý từ bài Ngự Nhai Hành của Phạm Trọng Yêm “Đo lai thử sự, mi gian tâm thượng, vô kế tương hồi tị” (chuyện tương tư ấy, luôn xuất hiện trên đôi mày và trong cõi lòng, không có cách nào né tránh được) , nhưng bà tách chữ “mi” và chữ “tâm” ra làm hai câu, làm cho tâm trạng sinh động hơn.
Về sau này khi tình nghĩa phu thê chia cắt, âm dương đôi đường, trong loạn lạc mà khổ đau, thì hồn thơ của bà lại chính là nỗi niềm cô đơn sầu lẻ bóng Thì ta chỉ thấy người mượn bóng cho đỡ cô độc, rồi người bỏ bóng chứ bóng chả bỏ người bao giờ, trong bài Như mộng lệnh:
Thuỳ bạn minh song độc toạ,
Ngã dữ ảnh nhi lưỡng cá.
Đăng tận dục miên thì,
Ảnh dã bả nhân phao đoá.
Vô na!
Vô na!
Hảo cá thê lương đích ngã.
Dịch thơ:
Ai bạn bên song ngồi tựa?
Chiếc bóng với ta hai đứa.
Đèn tắt chực đi nằm,
Bóng cũng bỏ ta trơ đó.
Vò võ!
Vò võ!
Khéo cảnh thê lương mắc mớ.
( Nguyễn Chí Viễn dịch)
Còn rất nhiều những áng thơ tài hoa qua cách dùng từ chính xác và tinh tế của Lý Thanh Chiếu mà người đời vẫn còn lưu truyền. Ý thơ của bà chính là lời giãi bày của những người phụ nữ thời đó, bà thường sử dụng những ý từ rất khéo léo để mô tả sự héo hon của tâm hồn, như ví một người người phụ nữ khi không còn quan tâm đến dung nhan là thể hiện một tâm trạng u uất đến cùng cực.
Nếu đánh giá một cách khách quan về tài thi phú của Lý Thanh Chiếu, thì quả thực tài năng của bà vượt xuất khỏi cái khuôn phép gò bó định kiến dưới thời nhà Tống, tạo sự bứt phá trong sự thể hiện tài năng và tư tưởng mới mẻ của người phụ nữ thời đó, dám bày tỏ những khát khao, mong ước và ngay cả những tâm tư thầm kín của mình. Thơ của bà chính là lời nói đại biểu cho những phụ nữ có tài năng nhưng không sao mà bày tỏ bởi chính những rào cản bị gò bó mà khao khát bứt phá ra.
Viết về Lý Thanh Chiếu, quả thực có quá nhiều bài thơ thể hiện tài thi phú với nghệ thuật dùng từ rất tinh tế, thầm kín mà sắc xảo. Bà thực sự là một tài năng xứng với danh hiệu Trung Hoa đệ nhất tài nữ. Và bà cũng được bình chọn là một trong số 26 người đẹp nổi tiếng của Trung Quốc ở mọi thời đại. Một người phụ nữ tài sắc vẹn toàn.
Nguồn: ĐKN