BS. Trần Xuân Ninh: Tin Giả (Fake News)

Đối với đa số dân Mỹ bất kể là ghét hay thích Donald Trump thì hai chữ tin giả trước nhất là do Donald Trump nói ra. Sau khi trúng cử tổng thống, trong buổi thuyết trình đầu tiên của FBI cho ông Trump có đề cập đến một tài liệu do một cựu nhân viên tình báo Anh soạn nói đến chuyện ông Trump có những hành động tình dục khi ở khách sạn Ritz Carlton Mạc tư khoa trong cuộc tổ chức thi hoa hậu Hoàn vũ năm 2013 mà Nga có thể khai thác. Tài liệu này chưa được kiểm chứng. Bây giờ thì người ta biết rằng một phần tiền là do Ủy ban tranh cử cho Hillary Clinton trả, để tính lấy đó đem ra khai thác tấn công Donald Trump. Nói khác đi thì tính khách quan trung thực của tài liệu không thể biết. Nhưng ngay sau buổi thuyết trình của FBI cho ông Trump thì tài liệu này đã bị tiết lộ lên CNN và Washington Post. Ông Trump đã gọi đó là tin giả (fake news) và nói thẳng rằng “truyền thông giòng chính thất bại tin giả” gồm CNN, New York Times và Washington Post là kẻ thù của dân Mỹ. Còn phụ tá thân cận của ông lúc đó là Steven Bannon đã kết án truyền thông giòng chính hành động như một đảng đối lập. Tuy truyền thông giòng chính đã vạch ra rằng ông Trump không phải là người chế ra hai chữ tin giả như ông đã khoe, nhưng ít ra phải nhận rằng vì ông Trump mà hai chữ tin giả đã được rộng rãi xử dụng khắp thế giới, bởi các chinh trị gia, các nhà bình luận, cũng như quần chúng. Báo The Guardian, một cơ quan truyền thông giòng chính Anh quốc, mới đây nhận định rằng hai tiếng “tin giả” đã giúp cho các lãnh đạo độc tài ở các nước Cộng sản cũ và các đồng minh khai thác để chỉ những tiếng nói chống đối họ. Nói cách khác là bài báo phê bình hai chữ tin giả và gián tiếp biện minh rằng không có vấn đề tin giả, và tìm cách vớt vát lại cho truyền thông cái huyền thoại về vai trò của đệ tứ quyền, tiếng nói trung thực của dân chúng, chống lại áp bức. Trong lịch sử hiện đại và cận đại, với sự ngự trị của chế độ độc tài Cộng sản bóp nghẹt mọi tiếng nói đối kháng, huyền thoại này của truyền thông Tây phương đã trở thành gần như nguyên lý. Nghĩa là trở thành tiêu chuẩn định sai đúng.

Trong cuộc  tranh cử tổng thống Hoa kỳ năm 2016, truyền thông giòng chính đã coi ông Trump, một tài phiệt ăn nói bặm trợn, như một yếu tố đóng góp cho nhu cầu giải trí của quần chúng, bằng cách khai thác những chuyên lá cải liên quan đến Trump, đồng thời hạ thể một ứng viên từ ngoài cơ chế quyền lực cổ điển Hoa kỳ mà lại có thể cứ lừng lững tiến lên để trở thành đại diện cho đảng Cộng hòa kỳ cựu đánh bại những đại xì thầu tên tuổi mà đảng chọn. Chiến thuật tình tiền rất hiệu quả này để loại một chính trị gia Mỹ đã không có kết quả trong trường hợp Trump. Donald Trump đã trúng cử tổng thống. Cái đau thất bại này của giới truyền thông và chính trị cơ chế nặng đến nỗi nó đã khiến cho cuộc đấu đá chống Trump không dứt, như thông lệ chính trị Mỹ sau khi có kết quả bầu cử. Và  tổng thống Donald Trump đã phản ứng lại bằng mấy chữ truyền thông tin giả, nói khác đi, là mở ra cuộc chiến chống trả kéo dài tới nay. Nhưng tương quan lực lượng có thay đổi, với sự thắng thế dần dần của Trump, nhờ cái sức mạnh thi ân bố đức cũng như truy bức của tư thế người đứng đầu hành pháp.

Vì thế, trong thời gian qua, truyền thông đã không thể chỉ ở thế tấn công, mà đã có lúc phải lui vào thế thủ, bào chữa cho tin giả là “sai lầm” lương thiện. Những sai lầm gọi là lương thiện này đã xẩy ra nơi những nhân vật truyền thông thế giá nhiều năm, như Brian Ross của đài ABC đã bị mất chức. Phải nói rằng nhờ Trump mà cái bộ mặt thật của truyền thông bị lộ ra. Để quần chúng thấy rằng không thể nhắm mắt và phản ứng sai lầm vì tin vào truyền thông. Riêng đối với người Việt Nam thì không ai không nhớ lại hình ảnh tướng Nguyễn Ngọc Loan bắn chết  tại chỗ trên chiến trường tên VC đã tàn sát một gia đình dân lành trong dịp tết Mậu thân, được khai thác một chiều để bôi xấu VNCH và thổi lên phong trào phản chiến. Sự cố tình dấu một phần sự thật này của truyền thông đã được người phóng viên tác giả xác nhận mấy chục năm về sau, và xin lỗi vào dịp tướng Loan từ trần. Các quân nhân VNCH cũng không mấy người quên tin các đài VOA, BBC loan tin mất thị trấn này, thành phố kia tháng tư năm 1975, trong khi họ là những người tại chỗ, chưa hề thấy bóng bộ đội Hà nội. Mục đích là tạo hốt hoảng mất tinh thần cho quân đội, sửa soạn cho tâm lý tiêu cực buông súng trước lời kêu gọi ngưng bắn của Dương Văn Minh ngày 30 tháng 4. Không cơ quan truyền thông nào đã nói lại sự sai lạc này!

Cái lối khai thác một phần sự việc, hay bóp méo sự việc, và ngay cả chế hóa ra sự việc này của truyền thông, đã nhờ hai tiếng tin giả của Donald Trump, mà được quần chúng để ý.  Nhưng khách quan mà nói thì những tin giả là giả đã đành nhưng những “tin khác” tin giả cũng không nhất  thiết là tin thật. Mà chỉ là biểu hiện của một tình trạng các cụ ta đã nói rằng “Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo”. Một hệ quả khác của cuộc chiến tranh tin giả với tin khác là nó đã khuyến khích hay tạo điều kiện cho những tin chưa từng được đề cập bởi truyền thông trong quá khứ được nêu ra,- vì đã bị loại đi, không đáng coi là tin (newsworthy) bởi truyền thông. Vì thế người ta thấy xuất hiện các tố giác sách nhiễu hay lạm dụng tình dục ở khắp mọi môi trường xã hội chính trị giải trí thể thao giáo dục Anh Mỹ. Nhắc lại tên tuổi và chi tiết các nhân vật can dự ở đây không cần thiết vì mất thì giờ, ai cũng đã nghe qua.

Đức giáo hoàng Francis đã ra một thông điệp kết án “tin giả”, cho rằng “đó là một dấu hiệu của thái độ không bao dung và nhậy cảm chỉ dẫn đến sự lan tràn của ngang ngược và thù hận”. Vatican nói rằng đây là một phần của thông điệp Ngày truyền thông thế giới. Đức giáo hoàng nói “Loan truyền tin giả có thể phục vụ cho việc thúc đẩy các mục đích đặc biệt, ãnh hưởng những quyết định chính trị, và phục vụ cho những quyền lợi kinh tế”. Thông điệp của Giáo hoàng chỉ ra sự khó khăn vạch ra tin giả và loại bỏ tin giả cho những người quen sinh hoạt trong một mội trường tin tức đồng nhất chứ không quen nghe những ý kiến và viễn kiến khác nhau. “Do đó tin bóp méo phát triển trong tình trạng thiếu vắng sự đối đầu lành mạnh với những nguồn tin khàc có thể thách đố thành kiến và tạo đối thoại lành mạnh; Thay vào đó là có thể khiến người ta vô tình trở thành đồng lõa trong việc  tung ý tưởng thiên lệch và vô căn cứ”. Thông điệp giáo hoàng nói “Tôi muốn đóng góp cho quyết tâm chung của chúng ta để chặn sư lan tràn tin giả, và tìm lại phảm giá của báo chí và trách nhiệm cá nhân các phóng viên trong việc loan báo sự thực”. Và “đã có những nô lực đáng ca tụng để tạo ra những chương trình giáo dục nhằm giúp người ta diễn dịch và đánh giá`tin tức mả truyền thông đưa ra, dậy họ góp phần tích cực lật tẩy các giả trá thay vì là vô tình đóng góp cho sự loan truyền tin bóp méo”

Ít ra thì người Việt Nam chúng ta đã biết có tin giả để phục vụ các mục tiêu đặc biệt từ lâu. Dưới chế độ Cộng sản thì biết tin giả một chiều bịa đặt qua hệ thống thông tin tuyên truyền đảng, ra rả tối ngày sáng đêm. Ở miền Nam thì chứng kiến tin giả truyền thông Âu Mỹ qua các vụ đảo chính chế độ tổng thống Ngô đình Diệm, bộ đội VC thi hành nghĩa vụ bành trướng vô sản quốc tế được kiên trì gọi là Mặt Trân giải phóng miền Nam, cho tới năm 1975 và sau nữa; vụ xây dựng con bài Dương Văn Minh để giao nộp êm suôi miền Nam cho VC; vụ thổi mạnh những người Cộng sản trẻ tuổi sẽ đổi mới tiến bộ để bán chủ trương hòa giải hòa hợp với VC cho cộng đồng VN hải ngoại thập niên 90. Vân vân, kể ra không xiết.

Đối với người Mỹ thì tin giả cũng đã có từ lâu, nghĩa là truyền thông “độc quyền sự thực” cho tới khi Trump lên tiếng. Bởi vì trước đây,  không mấy ai để ý đến chính trị, vì đời sống quá dễ dàng sung túc. Tin giả đã làm cho những quân nhân Hoa kỳ phục vụ ở VN để thi hành chính sách ngăn chống Cộng sản khi trở về đã bị khinh miệt phỉ nhổ vì bị người dân coi là bọn hiếp đàn bà giết trẻ con. Tin giả đã tràn lan trong lãnh vực giải trí, trong lãnh vực báo lá cải, nhưng không sao – vì kiếm ra tiền cho giới làm báo giải trí. Tin giả nói Saddam Hussein có võ khí hóa học và hạt nhân và nuôi dưỡng khủng bố AL Qaeda đã làm cho dân Mỹ vốn không thích chiến tranh ùa ra ủng hộ tổng thống Bush con mở ra cuộc chiến Iraq lật đổ chế độ Saddam Hussein năm 2003. Cuôc chiến này kéo dài tới nay chưa dứt, thiệt người hại của cho Mỹ một phần nhưng biến Iraq và Trung đông thành một vùng loạn lạc chết chóc với sự xuất hiên của lực lượng Hồi giáo ISIS.  Tuy nhiên, tất cả là ở ngoài nước Mỹ, thì vẫn không sao, chẳng ai để ý! Bây giờ, khi tin giả chính trị lan tràn trong nước Mỹ với cuộc chiến Trump và truyền thông hiện nay rồi lan ra toàn cầu thì vấn đề không thể bỏ qua. Cho nên đức Giáo hoàng vốn không trực tiếp dính vào chính trị đã phải lên tiếng cảnh báo. Một cách rất đúng. Biện pháp giáo hoàng đưa ra nhìn thoáng chẳng có gì hợp lý hơn. Nhưng liệu có thể thành công không, thì thật khó trả lời. Bởi vì trong thực tế  người ta không làm sai không phải vì rằng người ta biết đúng.

Đứng từ xa mà nhìn không nặng cảm tính đối với tình trạng rối beng lùng tùng xòe hiện nay tại Mỹ do tình trạng tin giả tin thật tin khác gây ra thì nó là biểu hiện của một xã hội tư bản phát triển đa diện  đa nguyên với  vô số cực quyền lợi lớn nhỏ khác nhau, mâu thuẫn nhau ở nhiều mặt. Những mâu thuẫn này là giữa tiểu bang với liên bang, giữa sắc tộc và văn hóa tôn giáo, giữa giầu với nghèo, giữa Mỹ và thế giới. Donald Trump đã khai thác tình hình với nhãn quan của một tài phiệt hướng dẫn bởi nguyên tắc nền tảng “Chúng tôi tin ở vàng” (In gold we trust) và đã thành công, một phần, cho tới nay, một cách vất vả, nhưng tiếp tục bước tới theo tinh thần gọi là “xây tường”.

Nhưng bức tường vĩ đại nhất trong lịch sử thế giới, có thể nhìn thấy từ trên mặt trăng là Vạn Lý trường thành của Tần Thủy Hoàng đã không làm được cái công vệc mà tác giả tính trao cho nó. Nó chỉ còn từng mảnh và ngày nay được trùng tu từng chỗ để làm nơi lôi kéo du khách lấy tiền lẻ. Những bức tường quan trọng khác là xây dựng mới đây bởi Do Thái để ngăn dân Ả Rập nói chung và Palestine nói riêng xâm nhập vào đất Do Thái thực hiện khủng bố. Loại tường này, tương đối hiệu quả vì Do Thái nhỏ và có tiền bạc với phương tiện của Mỹ viện trợ. Tình trạng này kéo dài tới đâu, chưa ai biết, vì tùy theo kết quả của tinh thần xây tường của ông Trump.

Bác sĩ Trần Xuân Ninh

(ngày 26 tháng 1/2018)

 

 

You may also like...