Vương Hy Chi là một đại danh nhân thời Đông Tấn lịch sử Trung Quốc. Ông nổi tiếng về thư pháp tuyệt kĩ, nên còn có danh tụng là Thư Thánh. Một trong những kiệt tác để đời của Vương Hy Chi chính là Lan đình tập tự.
Vương Hy Chi sinh ra trong một gia đình danh gia vọng tộc, cha ông là Vương Khoáng, bác ông là Vương Đạo, Vương Bân đều làm quan cao trong triều đình và giỏi thư pháp.
Chính vì thừa hưởng những tài năng và sự truyền xuất của gia đình, mà sau này trong nét bút thư pháp của ông là sự kết hợp tinh tế và điêu luyện những tinh hoa của những môn phái khác nhau mà thành một thể hệ thư pháp độc lập, mang đầy đủ và vẹn toàn tới hoàn hảo cho thư pháp Trung Hoa cổ xưa.
Tài năng trong ông có được từ đam mê và khổ luyện
Từ nhỏ, Vương Hy Chi không giỏi biện thuyết, không tỏ ra có biệt tài gì, chỉ say mê thư pháp. Năm lên 7 tuổi ông đã theo Vệ phu nhân học chữ. Gia đình Vệ phu nhân vốn có truyền thống thư pháp: cha là đại thần Vệ Quán nhà Tây Tấn cùng anh trai bà là Vệ Hằng đều là những nhà thư pháp có tiếng đương thời.
Năm 11 tuổi, ông bắt đầu tìm tòi về nghệ thuật thư pháp, vô tình có lần ông thấy dưới gối cha có cuốn sách nói về nghệ thuật thư pháp của đời trước, Hy Chi bắt đầu chú ý. Nhân lúc cha ra khỏi phòng, HiyChi thường vào lấy sách đọc trộm.
Thấy con ham học hỏi và bộc lộ đam mê, cha mẹ ông quyết định dạy con, trong một thời gian ngắn ông đã tiến bộ vượt bậc. Sau đó ông được cho theo học người chú là Vương Tốc cũng là một nhà thư pháp giỏi.
Để có sự tinh xảo trong thư pháp, Vương Hy Chi đã không ngừng khổ luyện. Với riêng một chữ “Vĩnh” (永), ông dùng tới 15 năm để luyện. Ông mải luyện tập tới mức quên ăn, quên ngủ.
Người đời sau gọi kỳ tích này của ông bằng câu “dụng tâm thập ngũ niên, thủy công nhất vĩnh tự” với ý nghĩa “dụng tâm ròng rã 15 năm khởi đầu bằng một chữ vĩnh”.
Để luyện được Thư pháp, mỗi lần tới một vùng đất, ông đều ra sức tìm tòi bia khắc các đời, tích lũy rất nhiều tư liệu Thư pháp. Trong nhà, trong sân, ngoài cửa, ông đều cho đặt bàn, bày bút, giấy, mực, nghiên, để mỗi khi nghĩ tới một kết cấu đẹp của chữ sẽ lập tức viết ngay lên giấy.
Có rất nhiều câu chuyện về sau kể về quá trình khổ luyện của Hy Chi. Nhưng có điều không thể phủ nhận rằng, nếu như tài năng là thiên bẩm, thì khổ luyện chính là quá trình giũa ngọc thêm sáng. Và việc khổ luyện ấy đã để lại cho đời những kiệt tác làm nên tên tuổi mà lịch sử còn mãi ghi danh.
Những nét bút kỳ diệu của Vương Hy Chi
Chung Dao, người mà ông đã theo học, cũng là một người được coi là ông tổ của cách viết chữ Khải. Tiếp thu những nét tinh túy của Chung Dao, Vương Hy Chi lược bớt những tồn tại của chữ Lệ, “thêm bớt xương thịt”, nhấn mạnh vào nhuận sắc và “uyển thái nghiên hoa”. Đây là cách viết đặc biệt sáng tạo, mang nét riêng của Hy Chi
Tiếp thu từ Trương Chi, ông khắc phục sự rời rạc, đứt đoạn giữa các chữ, khiến cho chúng trong nét đậm có nét mờ, nét gập; hoà tình cảm vào nét bút, nâng nghệ thuật viết thư pháp lên một tầm cao mới và được lưu truyền rộng rãi thời Đông Tấn.
Ông lấy những điều tinh túy nhất từ 2 phong cách chữ của Chung Dao và Trương Chi, khắc phục những sự đơn điệu của trường phái bảo thủ, hay tạo thêm nét kín đáo trầm ổn của phong cách viết phóng túng.
Chính vì thế mà trong nét chữ của ông, vừa khoáng đạt, lại thâm trầm sâu sắc, không phô trương, khoe khoang. Ông tạo lên sự đa dạng trong thư pháp mà rất nhiều người cảm thấy rằng, đây chính là cách viết tuyệt đỉnh mà họ đã tìm kiếm lâu nay. Vì vậy mà ông được người đương thời mệnh danh là Thư thánh.
Do sự sáng tạo có tính kế thừa trong thư pháp, ông đã biến phong cách thư pháp cổ xưa của thời Ngụy Hán thành nét bút phòng khoáng, nhưng kết cấu chặt chẽ, phong cách nhã nhặn tự nhiên, thế bút khỏe khoắn, tuyệt đẹp.
Người ta miêu tả chữ của ông “bay bổng như trên đỉnh phù vân, khỏe khoắn như rồng bay phượng múa’’.
Cốt cách tạo lên cái hồn của từng nét chữ trong thư pháp của Vương Hy Chi
Ông là một người vốn chẳng coi trọng danh lợi, mặc dù năm 326, Vương Hy Chi bắt đầu làm quan, trải qua các chức vụ: Mật thư lang, Tham quân, Trưởng sử, Thứ sử Giang Châu, Ninh Viễn tướng quân, Hộ quân tướng quân, Hữu quân tướng quân, Nội sử Cối Kê. Do không nhiều chí tiến thủ để thăng tiến, ông từng được tiến cử làm chức Thị trung – một chức vụ gần Hoàng đế – nhưng Vương Hy Chi đã từ chối. Vì không thích ganh đua trên quan trường, sau khi làm Thứ sử Giang châu 1 năm, ông xin từ chức để chuyên tâm nghiên cứu thư pháp.
Có một điển cố kể về Vương Hy Chi, minh chứng cho người có nhân cách cao thượng, xem nhẹ danh lợi, cá tính tự do phóng khoáng.
Tương truyền Thái úy Hi Giám muốn kén rể trong họ Vương cho con gái mình nên phái môn sinh đi trước quan sát dung mạo cử chỉ của công tử nhà họ Vương. Con cháu họ Vương nghe nói Thái úy muốn kén rể, lũ lượt khăn áo chỉnh tề, cố tạo phong thái tốt. Chỉ có Vương Hy Chi dường như không nghe thấy gì, phanh áo nằm ở giường trúc phía Đông, tự nhiên ăn bánh nướng. Môn sinh quay về miêu tả dáng vẻ của Vương Hy Chi với Hi Giám, Hi Giám vui mừng nói: “Người này chính là rể tốt của ta!”.
Chính tâm thái cốt cách của con người ông, mà trong bút pháp ông không hề có sự ràng buộc mà rất tự tại thanh tao. Ông coi viết thư pháp như bày binh bố trận. Phải nhu phải cương, phải mềm phải cứng, phải đậm phải nhạt. Người cầm bút như người cầm kiếm, phải có “xảo”, “nhẫn”, dứt khoát, quyết đoán.
Ông thường ví rằng, nếu như người cấm kiếm thì đường đi của kiếm thể hiện sự tài tính của kiếm pháp, thì người cầm bút phải coi trọng ý bút: khi muốn viết phải mài mực trước; mài mực xong để tinh thần thư thái rồi nghĩ đến thế chữ, phải dự tính chữ lớn hay chữ nhỏ, nét đậm nét nhạt ra sao, liên kết với nhau như thế nào, sau đó mới đặt bút viết.
Tức ông coi trọng niêm luật về ý tứ và cấu tạo của chữ. Viết không phải chỉ là viết đẹp, mà viết đẹp là phải phô ra được cái ý tứ của từng nét bút.
Chính vì thế mà thần thái trong thư pháp của Vương Hy Chi được đánh giá là thiên biến vạn hoá, lồng ý tưởng vào chữ. Ông cho rằng: bút lực phải sắc như dao, nhanh nhẹn biến hoá, hoặc trầm ổn tĩnh lặng. Điều này hoàn toàn dựa vào tâm tính của người cầm bút.
Ông từng nói: Hai chữ hợp làm một, không được đứt đoạn, những nét trùng thì không quá dài, đơn mà không quá nhỏ, mảnh mai mà không đứt gãy, lặp mà không quá to; chữ lớn nên trong vòng giới hạn, chữ nhỏ nên phóng túng, rộng rãi. Kĩ thuật viết này đòi hỏi rất cao nội lực của người cầm bút, không chỉ là cách vận dụng lực, mà còn là cách vận khí, độ mềm dẻo của cổ tay người viết. Đây đòi hỏi quá trình khổ luyện bền bỉ mà có được.
Ông cho rằng, chữ viết nhất định phải có bố cục cụ thể: Bất kỳ chữ gì hình dáng, biến hoá thế nào đều phải có sự tập trung câu mạch thông suốt, khí huyết lưu thông mới tạo ra được cái hồn cho tác phẩm. Đây chính là sự gói gọn của câu nói: tâm bình tĩnh khí, là yêu cầu của người khai bút. Nét bút chính là phản ảnh của trạng thái tâm tính và khí huyết.
Chữ Lệ, chữ Khải, chữ Hành, chữ Thảo của Vương Hy Chi đều viết đẹp vô cùng. Ông đã truyền thừa những tinh túy trong nghệ thuật thư pháp cho thế hệ sau đó, mấy người con trai của ông đều lần lượt kế tục hàm vị, tư thái, nét bút, ngoại hình và yếu lĩnh trong thư pháp của ông, đều trở thành nhà thư pháp nổi tiếng, trong đó Vương Hiến có thành tựu lớn nhất. Càng về sau, thì trong giới thư pháp gia, phong cách của Hy Chi càng ảnh hưởng sâu đậm.
Trong những tác phẩm tiêu biểu của ông, không thể không nhắc tới Lan Đình Tập Tự, được coi là một khuôn mẫu cho các nhà thư pháp đời sau học theo, được nhà vua Đường Thái Tông vinh danh là thập toàn thập mĩ.
Đình Lan Tập Tự, tác phẩm nổi tiếng nhất của Vương Hy Chi
Bài văn được viết vào năm Vĩnh Hòa thứ 9 đời Tấn Mục Đế (tức năm 353 Tây lịch). Ngày mùng 3 tháng 3 nông lịch của Trung Quốc là ngày tết Thượng Tị thời cổ đại, còn gọi là tết Hàn Thực. Theo phong tục dân gian vào ngày này mọi nhà đều phải rửa tay rửa mặt bên dòng nước, mượn điều này để tiêu trừ bệnh tật và vận hạn.
Bấy giờ ở Lan Đình thuộc vùng Sơn Âm huyện Cối Kê có lễ hội Tu Hễ theo phong tục địa phương ( lễ hội du chơi để xua tà cầu may), Vương Hy Chi cùng 40 vị văn nhân nho nhã tới Lan Đình tại núi Hội Kê thuộc huyện Sơn Âm ăn tết Hàn Thực.
Họ ngồi quanh hai bờ sông, dùng ly đựng rượu, đặt tại thượng lưu sông Khúc Thủy để nó tự cuốn trôi xuống dưới hạ lưu, dừng tại nơi nào thì người đó lấy ly rượu đó uống và làm một bài thơ. Hôm đó, dòng nước cuốn trôi những ly rượu, mọi người uống rất vui vẻ, tổng cộng đã làm được 37 bài thơ hay. Có người đề xuất tập hợp lại những bài thơ ngẫu hứng này thành một tập thơ, gọi là “Lan Đình Tập”. Mọi người lại nhờ Vương Hy Chi viết lời mở đầu, Vương Hy Chi nhân lúc rượu nồng cao hứng, tình cảm dạt dào đã dùng bút lông chuột viết lên giấy tơ tằm, viết liền một mạch. Đây chính là bài “Lan Đình Tập Tự”, gọi tắt là “Lan Đình Tự”
Bài Tự được cả hội tán thưởng không chỉ vì giá trị văn chương mà còn vì được chính tay tác giả chép ra với một bút pháp được xem là “tuyệt diệu vô song”. Nội dung bài được dịch nghĩa như sau:
“Năm Vĩnh Hòa thứ 9, tuế niên Quý Sửu, vừa vào lúc cuối xuân, bạn bè tụ hội cùng nhau nơi Lan Đình, vùng Sơn Âm huyện Cối Kê để dự lễ hội Tu Hễ. Các hiền hữu trẻ già đều đến. Nơi đây có non cao núi đẹp, cây rừng xanh tốt, trúc biếc vươn cao, lại thêm suối trong chảy xiết, lấp loáng in bóng đôi bờ. Theo dòng nước uốn lượn, có thể chơi trò thả rượu làm thơ, mọi người đều chia thứ bậc cùng ngồi.
Tuy không có tiếng đàn tiếng sáo, song một chén rượu, một lời ngâm, lòng cũng đủ vui mà giãi bày những tình cảm sâu xa chân thật. Ngày hôm đó, khí nhẹ trời trong, gió êm mát mẻ, ngẩng lên nhìn vũ trụ bao la, cúi xuống ngắm muôn loài tươi tốt, buông lòng cảm thụ, phóng thả tầm nhìn, cũng đủ tận hưởng sướng mắt sướng tai. Thật quả là vui.
Phàm người ta khi gặp gỡ nhau, thời gian thường là ngắn ngủi. Có người thu lượm điều chí thú, cất giữ trong lòng, rồi cùng bạn bè trong phòng đàm đạo. Có người lại ký thác ra ngoài rồi buông thả theo tháng ngày phóng lãng. Tuy nắm giữ hay xả bỏ mỗi người một khác, thư tĩnh hay nóng vội cũng chẳng giống nhau, song đều lấy làm vui. Nhận vào cho mình rồi tự mình thỏa nguyện, chẳng biết rằng tuổi già kia đang sắp tiến tới nơi.
Rồi đến lúc chán chường mệt mỏi, tâm tình theo sự vật đổi thay, dẫn đến chỗ lòng đầy cảm khái, những gì trước đây yêu thích, phút chốc bỗng thành thứ cũ xưa, rồi không thể không xúc động tâm tình. Huống chi tuổi thọ con người ngắn dài cũng đổi thay cùng với tự nhiên, rút cuộc rồi cũng đến hồi kết thúc. Người xưa từng nói: “Sống chết là chuyện lớn”, lẽ nào điều đó chẳng khiến đau lòng hay sao!
Mỗi khi xét đến nguyên do cảm hứng của người xưa, thấy dường như cùng mình tương hợp, thì thường hay vì văn chương mà bi thương cảm thán, trong lòng chẳng rõ vì sao. Vốn biết rằng xem chuyện tử sinh không khác gì nhau là điều hư ảo, đánh đồng Bành Tổ trường thọ với Thương sinh yểu mệnh là cách nghĩ xằng. Nhưng người đời sau nhìn về người đời nay cũng giống như người đời nay nhìn về người đời xưa, thật đáng buồn lắm thay!
Vậy nên, xin ghi rõ lại từng vị (cùng dự hội) và sao chép những lời thơ của họ, tuy khác thời, khác việc, song duyên cớ giãi lòng, thảy đều cùng giống như nhau. Người đời sau xem tới chắc cũng sẽ xúc cảm với những văn chương này chăng!”
Bài văn chữ Hán chỉ gồm 28 dòng, 324 chữ, chữ nào cũng tinh diệu, thanh thoát thông thuận như nét bút của Thần. Ngữ âm xướng tấu hài hòa lưu loát du dương, người xưa nói rằng đọc lên thật “khoái trá nhân khẩu”.
Bài văn khắc họa vẻ đẹp của thiên nhiên sông núi Lan Đình, niềm vui tụ họp của những bậc tâm đạo đồng hành, niềm vui bỏ qua những xa hoa trụy lạc, là thú vui tao nhã cùng hòa mình với sự biến đổi của thiên nhiên vạn vật, nhưng cũng mang lại vẻ suy tư cho sự thay đổi thời cuộc, thế nhân đổi dời chẳng làm lòng người nao núng, vẫn là tâm thái ung dung tự tại, điềm tĩnh mà thong dong.
Giọng văn ưu nhã, lời lẽ mượt mà thể hiện rõ thêm những điểm đó. Và điều đặc biệt hơn nữa là tập văn được chính tác giả khởi bút, nét bút điêu luyện đạt tới sự hoàn hảo của nghệ thuật thư pháp.
Lan Đình tập tự được người đời ví như ánh quang của mặt trời, dịu mát của mặt trăng. Kiệt tác được mệnh danh là “Thiên hạ đệ nhất hành thư”, đến ngàn năm sau hậu thế vẫn thán phục.
Có thể nói rằng, Vương Hy Chi cùng tác phẩm để đời của ông là biểu tượng của nghệ thuật thư pháp Trung Quốc qua bao thế hệ truyền thừa. Tài năng và quá trình rèn luyện thư pháp của ông ảnh hưởng lớn tới hậu nhân. Có nhiều giai thoại lý thú về “Thư thánh” Vương Hy Chi và con trai ông – Vương Hiếu Chi, cũng là một nhà thư pháp nổi tiếng.
Tịnh Tâm
Nguồn: ĐKN