Bấm vào link audio để nghe cuộc phỏng vấn:
Đọc Bài Phỏng vấn VOA (ngày 10/08/2017):
VOA : Đức và Pháp là hai nước lãnh đạo EU, liệu xích mích ngoại giao giữa Đức với Việt Nam có tác động tiêu cực đến quan hệ Việt Nam-EU?
LĐT (Giáo sư Lê Đình Thông) : Hiệp định Maastricht và hiệp định Lisbonne quy định chính sách ngoại giao và an ninh chung, viết tắt là PESC (Politique étrangère et de sécurité commune) của Liên hiệp Châu Âu. Các quy định này có mục đích bảo vệ các giá trị và quyền lợi căn bản. Tôi xin nói thêm là các giá trị này bao gồm độc lập và quyền toàn vẹn lãnh thổ, củng cố chế độ dân chủ, nhà nước pháp quyền, nhân quyền, và ngoài ra còn các nguyên tắc căn bản của công pháp quốc tế nữa. Thì trong vụ Trịnh Xuân Thanh, Hà Nội đã vi phạm trắng trợn tất cả các nguyên tắc mà tôi vừa nhắc đến. Trong trường hợp này, để trả lời câu hỏi mà VOA đã đưa ra thì tôi xin nói rõ cái hiệp ước Maastricht năm 1992 cho phép Liên hiệp Châu Âu có tiếng nói duy nhất trong quan hệ quốc tế.
Nếu chính phủ Đức yêu cầu thì Cao ủy Ngoại giao và An ninh của Liên hiệp Châu Âu có thể thụ lý hồ sơ và đưa ra các biện pháp chế tài thích hợp.
VOA : Xin Giáo sư một nhận định về vụ Trịnh Xuân Thanh từ quan điểm công pháp quốc tế, dựa trên những gì mà Bộ Ngoại giao Đức nói đã xảy ra, tức là Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc trên lãnh thổ Đức?
LĐT : Theo công pháp quốc tế, việc một quốc gia, trong vụ việc là Việt Nam, dùng các biện pháp cưỡng chế, bắt người hoặc thủ tiêu người tại nước ngoài, gây mê để dễ dàng đưa người này lên máy bay cứu thương bay về Hà Nội, tội danh này được quy định trong Công ước quốc tế do Liên Hiệp Quốc thông qua ngày 20/12/2006 và được coi là tội phạm chống nhân loại trong trường hợp thủ tiêu đối thủ chính trị.
Theo điều 1, khoản 2 của Công ước vừa kể, không thể viện dẫn bất cứ một trường hợp ngoại lệ nào để biện minh cho việc bắt cóc hoặc thủ tiêu cấp quốc gia. Trong hiện vụ, bộ Ngoại giao Việt Nam ngụy tạo ông Trịnh Xuân Thanh tự ý ra trình diện. Nếu luật sư của ông Thanh đưa bằng chứng là vào cuối tháng 07/2017, ông Thanh còn ở Berlin và ông không có tên trong các chuyến bay dân sự vào đầu tháng 8, sự việc này chứng tỏ kịch bản ‘tự ý trình diện’ hoàn toàn vô căn cứ.
Ngoài khía cạnh pháp luật, việc bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh trên lãnh thổ nước Đức có thể gây hậu quả nghiêm trọng trong lãnh vực ngoại giao, đưa dến các biện pháp chế tài về phương diện kinh tế và chính trị, như bộ Ngoại giao Đức từng tuyên bố.
VOA : Thưa Giáo sư, tùy viên tình báo của sứ quán Việt Nam trước khi bị trục xuất bị Đức tuyên bố là Persona non Grata, Xin GS giải thích khái niệm ‘persona non grata’ trong ngoại giao?
LĐT : Persona non grata, viết tắt PNG, là thuật ngữ ngoại giao, theo gốc tiếng La tinh có nghĩa là ‘người không được hoan nghênh’. Trong khuôn khổ của luật pháp quốc tế thì quy định như thế nào về việc này? Tôi xin nói rõ là theo điều 9 củ C ông ước Vienne về quan hệ ngoại giao ký ngày 14/04/1961, nhân viên này có thể bị nước sở tại trục xuất. Mà chúng ta đã thấy sự việc nó xảy ra đúng như quy định của luật pháp quốc tế.
Bí thư Nguyễn Đức Thoa đã hoạt động tình báo tại Đức, đi ra ngoài công tác ngoại giao và lãnh sự, mà tình báo có vi phạm tới luật pháp của nước Đức, chính vì vậy đã bị Bộ ngoại giao Đức trục xuất. Sáng ngày 4/8, cảnh sát Đức đã áp tải đương sự lên máy bay. Sự việc này đã mở đầu cho một giai đoạn đen tối trong quan hệ Việt-Đức.
VOA : Giáo sư cho rằng vụ Trịnh Xuân Thanh có thể khiến EU xét lại các quan hệ thương mại với VN?
LĐT : Vâng, từng bước sẽ xét lại, không xét lại tức khắc. Các biện pháp chế tài như thuật ngữ của Bộ Ngoại giao Đức, từng bước sẽ ảnh hưởng tới tình hình tại VN. Từng bước có nghĩa là tùy theo mức độ đáp ứng của Hà nội, Đức và EU sẽ có các biện pháp thích hợp, và như đã phân tích, cuối cùng sẽ đưa đến những hậu quả hết sức bất lợi cho VN. Hậu quả về kinh tế và tài chánh nó sẽ như thế nào, tôi chỉ xin viện dẫn một sự việc : hiện nay hàng năm VN xuất khẩu 9 tỉ đôla sang Đức, đây là một số lượng đáng kể, thì cuộc khủng hoảng này ngoài ra cũng sẽ ngăn cản việc phê chuẩn hiệp định thương mại Việt-Đức nữa, tức là hậu quả ngày càng đi xa hơn, nghĩa là không dừng ở lĩnh vực ngoại giao mà còn đi sang lĩnh vực kinh tế và ảnh hưởng tới việc thi hành hiệp định quốc tế.
VOA : Thưa Giáo sư, báo chí, dư luận ở Pháp nói chung có chú ý tới vụ Trịnh Xuân Thanh không?
LĐT : Báo chí và dư luận Pháp tỏ ra rất quan tâm đến vụ việc này. Tôi xin nêu ví dụ cụ thể, dưới hàng tít: ‘‘Khủng hoảng ngoại giao giữa Berlin và Hà Nội sau vụ bắt cóc một người Việt Nam ở bên Đức » thì nhật báo Le Monde viết như sau: «Nhà cầm quyền Đức quả quyết không còn nghi ngờ gì nữa về việc tình báo Hà Nội bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Berlin. Nạn nhân là cấp ủy đảng cộng sản Việt Nam, hiện nay bị thất sủng ».
Le Monde là tờ báo lớn nhất của Paris và là tờ báo được giới đại học tham chiếu để viết các tài liệu.
Ngoài tờ Le Monde còn có tờ Liberation, là một tờ báo có khuynh hướng khuynh tả, tờ báo này loan tin trong số ra ngày 3/8 :
«Ngày chủ nhật 23/7, trong khi đi dạo trong công viên Tiergarten không xa Phủ Thủ tướng thì Trịnh Xuân Thanh đã bị các phần tử vũ trang đột nhập, hành hung rồi dúi đầu vào xe mang bảng số ngoại giao phóng đi mất hút. Sự việc này đã gây ra khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng giữa Đức và Hà Nội.
Cộng đồng người Đức gốc Việt có số cử tri đáng kể, hoàn toàn hậu thuẫn chính phủ Đức trong việc đánh giá hành động của chính quyền Việt Nam hiển nhiên đã vi phạm luật pháp nước Đức và công pháp quốc tế.
Nhiều người đặt câu hỏi trong nước có rất nhiều Trịnh Xuân Thanh nhũng lạm hàng tỷ đô la. Tại sao lại đi bắt cóc một mình ông Thanh ?
Ông Trịnh Xuân Thanh, người bị cáo buộc làm thất thoát khoảng 125 triệu Mỹ kim trong Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam, đã làm thủ tục xin tị nạn chính trị tại Sở Di trú và Tị nạn Liên bang Đức. Thứ hai 31/07, báo chí Hà Nội loan tin Trịnh Xuân Thanh tự ý ra đầu thú. Các luật sư người Đức của ông Thanh phản bác lập luận này và cho rằng không khi nào Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú. Bộ Ngoại giao Đức đã yêu cầu Hà Nội đưa ông Trịnh xuân Thanh sớm trở lại nước Đức, để giải quyết đơn xin tị nạn của ông cũng như yêu cấu dẫn độ của Việt Nam theo đúng trình tự pháp lý.
Nguồn: VOA