Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
Cô Tô thành ngoại Hàn San tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền
1. Trương Kế sống thời Trung Ðường, thời cực thịnh của thi văn Trung Quốc, tự Ý Tôn, người Nhương Châu (nay thuộc tỉnh Hồ Bắc), đỗ Tiến sĩ năm Thiên Bảo thứ 12 (753 DL) thời vua Huyền Tông (Ðường Minh Hoàng: 712-755), làm quan đến chức Từ Bộ viên ngoại lang. Sách Toàn Ðường thi chép thơ ông một quyển. Thơ ông nhiều bài hoài cổ như bài “Ðộc Phong sơn bi” hay bài “Hoa Thanh cung” (1).
Ông từng coi việc tài phú tại Hồng Châu (nay là Nam Xương, tỉnh Quảng Tây) và mất tại đây (756) (2).
Vì yêu thích bài thơ, người đời sau tạo ra giai thoại để tô điểm cho xuất xứ bài thơ thêm ly kỳ hấp dẫn: Một đêm trăng nọ, vị sư trụ trì chùa Hàn san dạo cảnh và xuất khẩu thành 2 câu thơ:
Sơ tam, sơ tứ, nguyệt mông lung
Bán tự ngân câu, bán tự cung…
(Mồng ba, mồng bốn, trăng mông lung,
Nửa giống móc câu bạc, nửa giống cây cung…)
Đến đây sư cụ bí không biết nối tiếp vần thơ sao cho chỉnh, cứ tản bộ quanh chùa ngâm đi ngâm lại để tìm ý thơ. Chú tiểu theo sau sư cụ cũng nhẫn nại cùng sư cụ tản bộ vòng quanh qua nhiều cảnh trí của chùa.
Khi đi ngang hòn non bộ, trên có núi giả dưới có hồ nước, gặp đúng lúc mặt trăng ló ra khỏi mây mù, nên chú tiểu mới chợt thấy dưới đáy nước có bóng trăng lung linh quá đẹp; “hồn thơ” của chú tiểu cũng nổi dậy, chú liền ngâm tiếp hai câu:
Nhất phiến ngọc hồ phân lưỡng đoạn,
Bán trầm thủy để bán phù không.
(Một phiến nước ngọc cắt mặt trăng thành hai mảnh,
Nửa chìm dưới nước hồ, nửa trôi nổi trên không).
Sư cụ cho là tuyệt nên hứng khởi thưởng một hồi chuông cúng dường chư Phật đã khiến hai thầy trò hoàn tất một bài thơ hay.
Tiếng chuông vang vào không gian, vọng đến chiếc thuyền của một du khách đang thả neo ngắm cảnh. Du khách đó là Trương Kế cũng đang bí vận sau khi ngâm được hai câu thơ:
Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên.
(Trăng lặn, quạ kêu, sương phủ đầy trời
Hàng cây phong bên bờ sông, ánh lửa trên thuyền chài, đối với mối sầu đang kéo dài dằng dặc).
Nhờ tiếng chuông bất ngờ đến viếng trong đêm khuya tỉnh mịch, thi sĩ mới hoàn thành được tuyệt tác Phong Kiều Dạ Bạc:
Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn Tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.
(Tiếng chuông chùa Hàn San ở ngoài thành Cô Tô
nửa đêm đã đến viếng khách trên thuyền).
2. Bài thơ cũng gợi hứng cho không biết bao nhiêu thi sĩ đời sau cả Trung Hoa lẫn Việt Nam. Bài thơ có địa vị cao và hiện nằm trong chương trình giảng dạy Văn học của Trung Quốc và Nhật Bản. Bài thơ cũng khiến Trung Quốc thu hút biết bao là du khách đến thăm viếng chùa Hàn San – Tô Châu để được xem tận mắt bài thơ Phong Kiều Dạ Bạc nỗi tiếng khắc trên bia đá, cũng như để ngắm tận mắt phong cảnh đã từng tạo hứng cho thi nhân Trương Kế sáng tác bài thơ bất hủ! Ðã có nhiều người dịch bài thơ “Phong Kiều Dạ Bạc”, nhưng bản dịch của cụ Tản Ðà được cho là hay nhất nên phổ biến hơn cả.
Ðêm Khuya Thuyền Ðậu Bến Phong Kiều:
Trăng tà, tiếng qụa kêu sương
Lửa chài, cây bến, sầu vương giấc hồ
Thuyền ai đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San
(Tản Ðà dịch)
Quạ kêu, trăng lặn, sương rơi,
Lửa chài, cây bãi, đối người nằm co.
Con thuyền đậu bến Cô Tô,
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn Sơn.
(Trần Trọng Kim dịch) (3)
Quạ kêu, trăng lặn khắp trời sương
Cây bến, đèn chài, giấc ngủ suông
Bên núi Cô Tô thuyền khách đậu
Chùa Hàn đêm vắng một hồi chuông
(Ðỗ Bằng Ðoàn và Bùi Khánh Ðản dịch)
Trăng tà, tiếng qụa lẫn sương rơi,
Sầu đượm hàn phong, giấc lửa chài.
Ngoài ải Cô Tô, chùa vắng vẻ,
Nửa đêm chuông vẳng đến thuyền ai.
(Trần Trọng San dịch)
3. Vì yêu thích bài thơ nên nhiều thế hệ thi nhân diễn giải câu chữ theo nhận định riêng của mình nên gây ra nhiều tranh luận:
Câu 1: Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Có tác giả cho rằng câu 1 phải hiểu là: Trăng lặn ở núi Ô Ðề, trời đầy sương!
Ô Ðề không phải là tiếng qụa kêu mà là núi Ô Ðề hoặc thôn Ô Ðề. Ngay chính sư Tính Không trụ trì chùa Hàn San (1994) cũng cho rằng Tô Châu có Ô Ðề thôn và Trương Kế vịnh cảnh “trăng lặn ở thôn Ô Ðề” (4).
Cách giải thích này có lẻ vì người ta cho rằng không làm gì có tiếng qụa kêu ban đêm!
Nhưng thực ra ngay ở Việt Nam ta cũng có thể bất thường nghe tiếng qụa kêu về ban đêm như thi sĩ Quách Tấn có bài: Ðêm thu nghe qụa kêu, Lý Bạch đời Ðường có bài: Ô dạ đề, Tần Thục đời Tống có câu: Ô đề nguyệt lạc kiều biên tự. Cụ Tản Ðà dịch: Trăng tà, tiếng quạ kêu sương. Nguyệt lạc: trăng lặn (nghĩa là đã lặn rồi), còn tà là sắp lặn, (tà dương: mặt trời lúc sắp lặn). Như vậy dịch trăng tà khiến thời gian Trương Kế làm bài thơ đã bị thay đổi, tuy nhiên dịch tiếng qụa kêu sương lại hay vì diển tả linh động hình ảnh con qụa cô đơn cất tiếng kêu lạc lỏng bi thương khi thấy bầu trời đang mịt mù sương che ảm đạm! Có khác chi hoàn cảnh tác giả cũng đang quạnh quẽ, não nề, vô định!
Câu 2: Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
Có người cho rằng Giang Phong chính là Giang kiều và Phong kiều, tên hai cây cầu cách nhau khoảng 100m, bắc qua con sông nhỏ có tên là Ðại Vận Hà, nước chảy ra Trường Giang (5). Thế nhưng nhà thơ Vương Ngư Dương đời Thanh, mùa xuân năm Tân Sửu niên hiệu Thuận Trị, từng đáp thuyền đi Tô Châu, dừng ở bến Phong Kiều, lên bờ vòng đến trước cửa chùa, đề hai bài thơ tứ tuyệt:
Bài đầu có hai câu chót:
“Sơ chung dạ hỏa Hàn San tự
Ký quá Ngô phong đệ kỷ kiêu”
(Tiếng chuông thưa, ánh lửa đêm chùa Hàn San, Nhớ đã qua cầu bên cây phong huyện Ngô)
và bài sau có câu đầu:
“Phong diệp tiêu tiêu thủy dịch không”
(Lá phong hiu hắt bến nước vắng không).
Khang Hữu Vi đời Thanh cũng có câu: “Lãnh tận Hàn San cổ tự phong” (Lạnh đến cả cây phong bên cổ tự Hàn San) (4). Thế là đã rõ, chùa Hàn San ở bên cầu có cây phong (*) nên gọi là Phong Kiều.
Với nghĩa thường hiểu là “gió sông” hay “hàng cây phong bên bờ sông” khiến khung cảnh nên thơ hơn và nhất là “Giang phong, ngư hỏa” đối ngẫu với “Nguyệt lạc, ô đề” ở câu trên chỉnh hơn.
Mao Tiên Thư đời Thanh cho rằng Sầu Miên là tên ngọn núi đối diện chùa Hàn San. Bác học Trần Kinh Hòa và Giáo sư Nguyễn Trần Huân đều giải thích Sầu Miên là tên ngọn núi (6).
Trương Duy Minh, tác giả quyển Hàn San tự cho rằng bài thơ chỉ bốn câu, ba câu đã tả cảnh rồi thì câu 2 này phải tả tình mới đúng. Trong Ðường thi tam bách thủ chú giải và Thiên gia thi chú giải đều giảng sầu miên là “ưu sầu bất đắc thành niên” (7).
Bài Phong Kiều Dạ Bạc nằm trong chương trình cấp Tiểu học Trung Quốc hiện nay cũng không chú giải “sầu miên, ô đề” là địa danh! Họa sĩ Trung Quốc minh họa bài Phong Kiều Dạ Bạc cũng vẽ cầu Phong Kiều và chùa Hàn San ở bên ngọn núi!
Ngay bức tranh màu “Phong Kiều Dạ Bạc” khắc họa trên đá cẩm thạch trắng, trưng bày nơi Chiêu Anh Các, Paris, cũng vẽ cảnh có núi! (6) Có lẻ vì tên chùa Hàn San có chữ san là núi nên mới hiễu là chùa Hàn trên núi! Thực ra nhiều du khách đã đến tận chùa Hàn San, đứng ở bến Phong Kiều bên Ðại Vận Hà, nhìn quanh bốn phía đều không thấy có ngọn núi nào ở gần!
Câu 3: Cô Tô thành ngoại Hàn San tự
Cụ Tản Ðà dịch: Thuyền ai đậu bến Cô Tô, thực ra là bến Phong Kiều (Phong Kiều Dạ Bạc) mới đúng!
– Cô Tô thành: Chỗ ngày trước vua Ngô Phù Sai xây đài Cô Tô cho nàng Tây Thi ra nghỉ mát. Thành này thuộc Ngô huyện, tỉnh Giang Tô gần Thượng Hải, có một con sông chảy từ đó ra Trường Giang. Trên bờ sông có cái chùa gọi là Hàn San tự cách Tô Châu độ sáu bảy cây số. Chùa thấp nhỏ, chẳng có gì đặc biệt. Ở vườn sau chùa có gác chuông và cái chuông. Cảnh vật biến thiên, nay người du lịch đến đấy không thấy cây phong đâu cả! (3).
– Hàn San tự: Ban sơ tên gọi là Diệu Lợi Phổ Minh Tháp Viện, kiến trúc thời Phật giáo phục hưng là đời Lương Võ Ðế thuộc Nam Bắc Triều, niên hiệu Thiên Giám (502-519DL). Ðến đời Ðường (678 – 907) vì có hai cao tăng là Hàn San (vừa là thi nhân) và Thập Ðắc đến trù trì nên đổi tên là Hàn San tự. Từ trên 1400 năm nay, chùa thường bị hỏa hoạn, trải qua nhiều nỗi tang thương. Chùa được trùng tu lại vào đời Thanh mạt (1906) (8). Kiến trúc chẳng nguy nga, đồ sộ so với các chùa khác ở Trung Quốc, nhưng nhờ có hai cao tăng Hàn San và Thập Ðắc cùng bài thơ Phong Kiều Dạ Bạc của Trương Kế nên chùa nỗi tiếng!
– Bia đá (bảo tồn nơi phía sau Ðại Ðiện):
1) Ông Văn Trưng Minh, nhà thư họa trứ danh đời Minh (1368-1643), đã viết lại bài thơ Phong Kiều Dạ Bạc.
2) Ông Du Việt đỗ tiến sĩ vào đời nhà Thanh, danh tiếng lẫy lừng về thơ và kinh sử, đã viết khắc vào bia đá bài thơ Phong Kiều Dạ Bạc lúc 86 tuổi; nét chữ tuyệt đẹp, nhiều người đã cho in ra để làm quà lưu niệm (8).
3) Khang Hữu Vi, danh sĩ Trung Quốc đời Thanh mạt, cũng viết lại bài thơ rồi khắc vào bia chữ to ba bốn tấc (3).
Câu 4: Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền
Chuông chùa Hàn San đúc từ đời Ðường đã mất từ lâu. Chuông đúc vào đời Minh lại lọt vào tay người Nhật Bản. Một vị sư người Nhật tên Sơn Ðiền đã đi khắp nước Nhật để tìm lại chuông xưa nhưng không thấy, nên đến năm 1905 mới cho đúc một cặp chuông theo kiểu đời Ðường: một chiếc để ở Hàn San tự nước Nhật (ngoại ô Ðông Kinh), một chiếc gởi đến Hàn San tự của Trung Quốc. Chiếc chuông này hiện được treo tại Ðại Ðiện Hàn San tự (8).
Năm 1906, một chiếc chuông lớn khác chu vi ba người ôm được đúc, hiện đặt tại gác chuông có mái hiên bát giác của Hàn San tư. Mỗi năm vào đêm trừ tịch, chuông khánh trên Ðại Ðiện ngân vang, tất cả Hòa Thượng đến Ðại Ðiện tụng kinh lễ Phật; sau đó một vị lên gác chuông gióng Ðại Ðồng Chung, đánh đến tiếng chuông 108 là vừa đúng nửa đêm! (Con người có 108 sự phiền não, khi nghe 108 tiếng chuông thì giác tỉnh mê mộng 108 sự phiền não đó: Nghe tiếng chuông, dứt phiền não, tăng trí tuệ, sanh bồ đề).
Câu 4 này cũng gây thắc mắc vì cho rằng không làm gì có tiếng chuông chùa vào lúc nửa đêm! GS Nguyễn Quảng Tuân viện dẫn thơ Lục Du, Tôn Ðịch đời Tống; Cố Trọng Anh đời Nguyên; Cao Khải, Văn Trưng Minh đời Minh để chứng minh rằng những cảnh: qụa kêu, trăng lặn và tiếng chuông nửa đêm là những sự việc rất bình thường:
Lục Du đời Tống trong bài “Túc Phong Kiều” đã viết:
Thất niên bất đáo Phong Kiều tự
Khách chẩm y nhiên bán dạ chung
(Bảy năm không tới thăm lại chùa Phong Kiều, Nằm gối đầu ngủ lại ở đất khách, nghe tiếng chuông chùa đánh lúc nửa đêm thấy vẫn y như cũ) (7).
Có tác giả bàn cụ Tản Ðà dịch “Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San” chưa diễn đạt được vai trò chủ thể của tiếng chuông chùa Hàn San trong chữ “đáo”:
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.
Cụ chỉ dịch là “nghe” có vẻ thụ động. Thực sự tiếng chuông (là chủ thể) đã tự đến “thăm” thuyền khách, chứ không phải chỉ vang đến tai khách. Ðây là thủ pháp “nhân cách hóa” tiếng chuông rất mới lạ và thi vị vào thời đó.
Lý Bạch (701-762) sinh trước Trương Kế mười bảy năm cũng đã dùng thủ pháp này để tả người đẹp nổi tiếng Dương Qúi Phi trong câu đầu tiên của bài Thanh Bình Ðiệu:
Vân tưởng y thường hoa tưởng dung.
(Mây tưởng như xiêm áo, hoa tưởng như diện mạo)
Chủ thể đã đổi một cách tuyệt vời. Bình thường người ta hay nói xiêm áo đẹp như mây, diện mạo đẹp như hoa (mây và hoa là chuẩn để so sánh). Câu thơ của Lý Bạch diễn tả ngược lại: mây đẹp như xiêm áo, hoa đẹp như diện mạo, có nghĩa rằng xiêm áo, diện mạo của Dương Qúi Phi là nét đẹp để làm chuẩn cho mây và hoa so sánh!
4. Hãy lùi về dĩ vãng nước Trung hoa xa xưa, thuở ấy triều đại lẫy lừng của vua Ðường Minh Hoàng đã đến hồi tan tác vì loạn An Lộc Sơn. Kinh thành Trường An đang chìm trong khói lửa, nhà vua phải lánh thân nơi đất Thục hiểm trở thì Trương Kế chẳng theo kịp đoàn quân hộ giá, đành lưu lạc xuống tận miền Giang Nam trên chiếc thuyền phiêu bạt(**). Ðêm kia ghé bến Phong Kiều, lúc ấy trăng đã lặn, trời về đêm phủ đầy sương lẫn tiếng qụa kêu thê lương, lạc lỏng. Thuyền chài ẩn hiện theo ánh lửa leo lét, điểm tiếng chuông chùa thâm trầm ngân vang trong đêm khuya tỉnh mịch. Lòng thi nhân vốn đã chất chứa u hoài, lại thấy ngoại cảnh thê lương nên mới xúc cảm sáng tác bài thơ bất hủ lưu truyền thiên cổ!
Bài thơ đã hay ở âm điệu, nội dung bài thơ còn chứa đựng muôn vàn uẩn sự, phản ánh những trạng huống tang thương: Trăng lặn gợi lên hình ảnh một xã hội xuống dốc, tiếng qụa kêu thống thiết như tiếng con người rên siết lầm than trong thời tao loạn, màn sương che phủ trời đất tối tăm, trăng chiếu nhạt mờ cùng ngọn lửa chài leo lét tựa bóng ma trơi vất vưởng lang thang. Những cây phong ven sông cũng đang rì rào một điệp khúc ai oán. Thành Cô Tô như gợi lại cảnh phế hưng, mối tang thương, nỗi hận mất nước của Ngô Vương Phù Sai, cũng đã từng huy hoàng một thuở. Bỗng nhiên, tiếng chuông chùa Hàn San lảnh lót như từng giọt nước cam lồ thấm đậm, xoa dịu nỗi trầm tư muộn phiền của kẻ thất thời bôn tẩu, đang nằm co ro khắc khoải giữa khoang thuyền lạnh giá đìu hiu (9).
T. V. Phê
12/2006
Tài Liệu Tham Khảo:
(1) Từ điển Văn Học Cổ Ðiển Trung Quốc (Nguyễn Tôn Nhan), NXB Văn Nghệ TP/HCM 1999 trang 195.
(2) Từ Ðiển Nhân Danh, Ðịa Danh & Tác Phẩm Văn Học Nghệ Thuật Trung Quốc (Bác sĩ Hoàng Xuân Chỉnh), Hương Tuấn 2000 trang 562.
(3) Ðường thi (Trần Trọng Kim), NXB Văn Hóa Thông Tin 1995 trang 440.
(4) Hiểu bài thơ “Phong Kiều Dạ Bạc” như thế nào của Hoài Anh trích trong Thơ Ðường ở Việt Nam (Ngô Văn Phú) NXB Hội Nhà Văn 1996 trang 207
(5) Khởi Hành số 45/7-2000 trang 32 và 47/9-2000 trang 34.
(6) Việt Nam Anh Hoa (Thái Văn Kiểm) NXB làng Văn 2000 trang 150 và 315.
(7) Ðến Hàn San tự để tìm hiểu bài thơ Phong Kiều Dạ Bạc Nguyễn Quảng Tuân) trích trong tạp chí Văn Học số 191/3-2002 trang 33.
(8) Hàn San Tự Và Phong Kiều Dạ Bạc (Tiểu Quỳnh), Tập San Y Sĩ Số 120 tháng 7/1993 trang 126.
(9) Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa (Trương Vĩnh Hằng) Báo Giác Ngộ năm 1992 trich trong Thơ Ðường ở Việt Nam (Ngô Văn Phú) NXB Hội Nhà Văn 1996 trang 170.
(*) Phong là cây vông tàu, lá lớn bằng bàn tay, có ba khía hoặc năm khía, đến mùa thu thì thấm sương trở nên đỏ rất đẹp. Cây phong trong thơ cổ tựa như cây bàng.
(**) Có thuyết cho rằng lúc ấy ông thi hỏng Tiến sĩ.
Nguồn: hocxa.com