Trí Ngọc – So Sánh Thơ Thiền Lý Trần Với Thơ Thiền Trung Quốc

Phật giáo Trung Quốc và Phật giáo Việt Nam có mối quan hệ với nhau trong quá trình truyền thừa và phát triển. Giáo lý thậm thâm của Phật giáo thể hiện sâu sắc nhất qua Thiền tông. Thiền tông có thể nói là tinh hoa của Phật giáo. Các thiền sư trong quá trình tu thiền luôn có những cảm tác thơ văn mang đậm dấu ấn thiền học. Đó là những rung cảm của con người trước cảnh vật – nhân sinh, là cái bắt gặp đối tượng ngay trong hiện tại. Thơ thiền Trung Quốc và thơ thiền Lý Trần được hình thành trên nền tảng tư tưởng thiền học. Đó là tinh thần phá chấp theo nguyên tắc không cầu văn tự, chỉ thẳng vào tâm mà thành Phật. Tuy nhiên, giữa thơ thiền Trung Quốc và thơ Thiền Việt Nam còn có những sự khác nhau cơ bản về nội dung và hình thức. Sự khác nhau này do đặc điểm quốc gia, văn hóa và con người giữa hai nước hình thành nên. Để có thể thấy rõ ràng sự giống nhau cũng như khác nhau trong quá trình so sánh thơ thiền Trung Quốc với thơ thiền Lý Trần cần có sự tích hợp kiến thức Thiền học và cái nhìn tổng quát giữa hai nền văn học. Vì vậy dưới đây người viết xin tìm hiểu sơ lược về hai nền văn học này.

1. Khái quát về Thiền tông

1.1 Nguồn gốc

Thiền Tông bắt nguồn từ Phật Thích Ca, qua giai thoại “niêm hoa vi tiếu” giữa Phật và ngài Ca Diếp. Một hôm, trong đại hội Linh Sơn, Đức Thế Tôn giơ lên một cành sen, cả đại chúng không ai hiểu, duy chỉ có ngài Ca Diếp mỉm cười. Nhân đây, Phật truyền tâm ấn cho ngài Ca Diếp sẽ trở thành người kế thừa tôn chỉ của đức Thế Tôn, làm Nhị Tổ. Và cứ thế truyền đến đời thứ 28 là Bồ- đề- đạt- ma (470- 543). Sau đó Ngài sang Trung Hoa truyền bá Thiền học. Như vậy, Bồ- đề- đạt- ma là vị tổ cuối cùng của Thiền Tông Ấn Độ và là Sơ tổ của Thiền tông Trung Hoa.

1.2 Đặc điểm

Tông chỉ của thiền Tông là:“Bất lập văn tự – Giáo ngoại biệt truyền- Trực chỉ nhân tâm- Kiến tánh thành Phật”. (Không lập văn tự, truyền giáo không qua giáo lý, chỉ thẳng vào tâm, thấy tánh thành Phật). Đây là hình thức truyền tâm ấn giữa người thầy và người đệ tử, tức thầy sẽ nói lên một câu mang dụng ý sâu xa hay một hành động trực quan nào đó như “niêm hoa vi tiếu” chẳng hạn, buộc người đệ tử phải suy nghĩ. Nếu người đệ tử hiểu hết thâm ý ấy thì coi như đã giác ngộ và sẽ là người nối tiếp dòng pháp, được truyền y bát cho. Nhưng hình thức truyền tâm ấn đến Lục tổ Huệ Năng thì chấm dứt, vì lúc này Phật giáo đã phát triển và lan rộng khắp nơi. Vì thế sự nghiệp hoằng dương chánh pháp cần rất nhiều bàn tay xây dựng nên.

1.3 Khái quát về thơ Thiền

Thơ thiền dùng để khẳng định giáo lý, kinh nghiệm, truyền tâm pháp cho đệ tử. Thơ thiền Trung Hoa phát triển rất mạnh từ thời nhà Đường. Đặc điểm của thơ thiền là:

  • Lời thơ mộc mạc hòa vào thiên nhiên
  • Tỉnh thức trước quy luật vô thường
  • Tâm trở về với thực tại, tức không còn vọng tưởng.
  • Miêu tả chân lý thâm sâu (như cáccông án)
  • Bừng mở tâm ra khỏi thói quen thụ cảm sự vật theo cách thông thường.

Với những đặc điểm trên của thơ thiền, ta thấy thơ thiền là kết tinh của quá trình tu tập Thiền định. Đó là quá trình quán chiếu thân tâm để thấy nó vận hành như thế nào ngay trong hiện tại, hay những công án thiền mang tính giác ngộ cao. Tôn chỉ của Thiền tông là “bất lập văn tự”, nhưng nếu không có văn tự thì lấy gì để truyền lại cho đời sau. Vì thế văn tự chỉ là phương tiện lưu truyền mà thôi. Nhờ vào lớp ngôn ngữ này mà chúng ta có thể hiểu được ý nghĩa thâm sâu của thiền học để có thể hành trì. Như vậy, thông qua thơ thiền, chúng ta có thể cảm nhận được những triết lí uyên thâm của Phật giáo, cũng như có thể cảm nhận được những rung cảm trước vũ trụ, nhân sinh của các thiền sư.

 

  1. Thơ thiền Trung Quốc

2.1 Nguồn gốc

Thiền tông Trung Hoa khởi nguồn từ Sơ tổ Bồ-đề-đạt-ma, chủ trương“lấy tâm truyền tâm, bất lập văn tự”. Truyền thống này có từ thời Phật Thích Ca còn tại thế, qua điển tích “niêm hoa vi tiếu”. Bồ-đề-đạt-ma là tổ thứ 28 – cuối cùng của Thiền tông Ấn Độ và là sơ tổ của Thiền tông Trung Hoa. Ngài sang Trung Quốc vào triều Vũ Đế Nhà Lương (502- 549) khai sáng Thiền tông tại nơi đây, danh tiếng Ngài vang khắp nơi. Ngài ngồi thiền trong động, xoay mặt vào vách đến chín năm mới xả. Sau đó, Ngài truyền cho Huệ Khả (489- 593) làm Nhị tổà Tam tổ Tăng Sán (mất khoảng 606)àTứ tổ Đạo Tín (580-636) àNgũ tổ Hoằng Nhẫn. Đến ngũ tổ thì Thiền tông Trung Hoa được chia làm hai nhánh: Nhánh thứ nhất là Bắc tông do Thần Tú (600- 706) làm Lục tổ, nhánh thứ hai là Nam tông lấy Huệ Năng (638- 713) làm Lục Tổ. Đến Lục tổ thì việc truyền y bát kết thúc; vì thiền tông lúc này phát triển và lan rộng khắp nơi; nên chỉ chú trọng đến việc hành trì pháp mà thôi. Như thế, Thiền tông Trung Hoa có sự nối tiếp liên tục từ Thiền tông Ấn Độ. Tính chất thiền tông Trung Hoa cũng khác với Thiền tông Việt Nam. Đó là thiền “đốn ngộ thành Phật” mà không qua các bước tu tập khác.

2.2 Nội dung một số bài thơ Thiền Trung Quốc

a)Tư tưởng Thiền Đốn ngộ

Thơ thiền Trung Quốc thuộc tư tưởng Thiền “đốn ngộ” qua giai thoại Nhị tổ Huệ Khả xin Sơ tổ Bồ-đề-đạt-ma an tâm cho mình. khi Sơ tổ nói: Ta đã an tâm cho con rồi đó, Huệ Khả bỗng nhiên đại ngộ. Vì trong kinh Hoa Nghiêm có câu “Nhất thiết duy tâm tạo”(tất cả đều do tâm mà sinh ra) khi nghe câu này Ngài Huệ Khả biết tâm mình vì còn nhiều vọng tưởng xao động nên chưa an, chỉ cần dừng tâm lại, tức là không để cho “tâm viên ý mã” phát khởi thì trạng thái tâm hiện tại an lạc vô cùng. Đến Ngủ tổ Hoằng Nhẫn, Ngài luôn trăn trở không biết nên truyền pháp cho ai giữa hai người đệ tử ưu tú của mình là Thần Tú và Huệ Năng. Một hôm, để trình bày sở ngộ của mình lên tổ, Thần Tú đã viết bài thơ này lên vách lúc đêm khuya.

“Thân như Bồ đề thụ

Tâm như minh kính đài

Thời thời cần phất thức

Vật sở nhạ trần ai”.

Dịch

“Thân này là cây Bồ-đề

Tâm này là đài gương sáng

Luôn luôn chăm lau quét

Không để bụi bám vào.”[1]

Bài thơ này nêu lên bản thể của thân và tâm vốn tinh sạch. Muốn giữ cho nó mãi sáng trong ta phải năng lau quét hằng ngày, không để cho bụi phiền não bám víu. Ngũ tổ Hoằng Nhẫn đánh giá bài thơ này rất hay, nhưng cốt lõi bên trong Thần Tú vẵn chưa đắc pháp. Vì trong kinh Kim Cang có câu “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”. Ta còn chấp tướng nên mới thấy thân này là dơ bẩn, tâm này là vô minh, cần phải lau quét hằng ngày. Nếu thân ta vững như cây Bồ đề, tâm ta sáng như gương thì phiền não không thể đốn ngã, bụi trần không thể bám vào. Bởi bản chất của Tâm là rỗng không, không có hình tướng, cũng không có vọng tưởng phân biệt. Để đối lại bài thơ trên, Lục tổ Huệ Năng làm bài thơ sau:

“Bồ đề bản vô thụ

Minh kính diệc phi đài

Bản lai vô nhất vật

Hà xứ nhạ trần ai”.

Dịch

“Bồ đề vốn không có cây

Gương sáng cũng chẳng phải đài

Bản lai không có một vật gì là hình thể

Thì bụi trần bám vào đâu”?

 

Vạn vật tùy duyên mà sanh ra, cũng tùy duyên mà diệt, không có cái gì tồn tại. Nếu còn chấp ta, chấp người sẽ trôi lăn mãi trong vòng sanh tử. Thân thể con người vốn không thật có, tức phải sống nương vào nhiều yếu tố khác. Nếu bảo thân này là của ta, cớ sao thân này không tồn tại khi hơi thở mất đi. Vì thế, khi vừa nghe câu “ưng vô sở trụ nhi sanh kì tâm” trong kinh Kim Cang thì Huệ Năng đại ngộ. Bài thơ này cũng không ngoài ý nghĩa trên. Bồ đề vốn không phải là cây; gương sáng cũng chẳng phải là đài. Tại sao vậy? Tất cả chỉ là danh từ thế gian, tự nó không có tên. Ở địa phương này chúng gọi là gương, là Bồ đề, nhưng ở nơi khác chúng mang tên khác. Bản chất nó vốn không có hình thể, vì mắt ta thấy hình dáng của nó nên ta đặt tên cho nó là hình vuông, hình tròn, hình trụ… Giả sử một người mù thì họ nhìn thấy gì ở những vật có hình dáng, màu sắc này. Chẳng có hình thù gì cả. Việc làm này chẳng khác nào “Thầy bói mù xem voi” vậy. Thế thì hình thể của vạn vật chỉ là cái thấy biết của thế gian, rồi áp đặt cho chúng. Tự tánh của chúng vốn không. Vì tự tánh vạn pháp vốn không nên bụi trần không có chỗ bám vào đâu được. Huệ Năng đã thấu suốt tự tánh của vạn pháp, nên mới có những kiến giải siêu việt như thế. Cho nên Ngũ tổ Hoằng Nhẫn vô cùng tán thán bài kệ này. Sau đó Ngài truyền tâm ấn cho Lục Tổ Huệ Năng qua bài kệ truyền pháp sau:

“Hữu tình lai hạ chủng

Nhân địa quả hoàn sinh

Vô tình diệc vô chủng

Vô tính diệc vô sinh”.

Dịch

“Đem hạt giống gieo vào chỗ hữu tình

Nhân ở đất ấy mà nẩy ra quả ấy

Không tình thì cũng không có hạt giống

Không có bản tính cũng không có sinh sống”.

Bài kệ trên nói lên thâm ý của Ngủ Tổ nhằm bảo Lục tổ Huệ Năng hãy đem hạt giống trí tuệ bỏ vào đất hữu tình, khiến cho chúng sanh giác ngộ, thấy được tự tánh các pháp, rời chấp có chấp không. Vì hữu tình và vô tình không thật sinh ra cũng không mất đi. Nó là vòng tương tục, tức luân hồi của thuyết Thập Nhị Nhân Duyên. Hữu tình là nguồn gốc sinh ra vạn pháp, nhưng nó cũng trở về với “bản thể chân như” của nó. Đó là vô tình. Vì vô tình nên nó không có hạt giống, không có bản tính cũng không có sự sống. Như thế giáo lí thiền chỉ thẳng vào tâm chúng sanh, giác ngộ tức thì thành Phật. Nối tiếp tư tưởng “sắc không” của kinh Kim Cang về bản thể vũ trụ, có nhiều giai thoại về Thiền học của Ngài Phật Ấn thiền sư (1032- 1098) thuộc tông Vân Môn, đời Tống và Cư sĩ Tô Đông Pha, tức Tô Thức (1037–1101) là nhà vănnhà thơ nổi tiếng Trung Quốc thời Tống. Ông được mệnh danh là một trong Bát đại gia Đường Tống.[2] Một hôm, cư sĩ Tô Đông Pha đến thất của ngài Phật Ấn, ngài Phật Ấn bảo: nơi đây không có ghế ngồi, xin cư sĩ miễn vào. Tức thì Tô Đông Pha đáp: Tạm mượn thân tứ đại của Phật Ấn làm ghế ngồi. Nhưng ngài Phật Ấn bảo: thân này do tứ đại hợp thành, nhưng tứ đại vốn không, năm ấm chẳng có, cư sĩ đến chỗ nào ngồi? Tô Đông Pha không đáp được và làm bài kệ sau.

“Bách thiên đăng tác nhất đăng quang

Tận thị hằng sa diệu pháp vương

Thị cố Đông Pha bất cảm tích

Tá quân tứ đại tác thiền sàng.

Bệnh cốt nan kham ngọc đái vi

Độn căn nhưng lạc tiễn phong ki

Hội đương (dục giao) khất thực ca cơ viện

Đoạt đắc Vân Sơn cựu nạp y.

Dịch

“Đèn trăm ngàn ngọn ánh sáng đồng

Cả thảy hằng sa Diệu pháp vương

Bởi thế Đông Pha đâu dám tiếc

Mượn anh tứ đại làm giường thiền.

Bệnh xương khó chịu ngọc đái ràng

Căn độn nên rơi máy nhọn tên

Hiểu nên khất thực xa ca kỹ

Nhận lãnh Vân Sơn chiếc y xưa”.[3]

Bài thơ này giúp ta hiểu rõ thêm vể bản thể của vạn vật. Tất cả hữu tình, vô tình đều do tứ đại hợp thành. Mà tứ đại ấy (tức đất, nước, gió, lửa) vốn không. Sau khi mất thân người thì thể xác này bị thối rửa, rồi cát bụi cũng sẽ trở về với cát bụi; chỉ có linh hồn là tồn tại, nhưng cái linh hồn ấy cũng cuốn theo vòng xoáy của luân hồi mà tái sanh tương tục. Bởi thế khi Tô Đông Pha đòi mượn thân tứ đại của ngài Phật Ấn làm ghế ngồi, thì ngài Phật Ấn bảo thân này vốn rỗng không, không có chỗ nương tựa, lấy gì mà ngồi đây? Khi ấy, dù biết mình thua nhưng Tô Đông Pha đã ngộ được triết lí cao siêu của Thiền tông. Và hành động “nhận lãnh Vân Sơn chiếc y xưa” cũng là hình thức của việc truyền tâm ấn. Như vậy, thiền Đốn ngộ là tư tưởng cốt lõi của Thiền Tông. Con người vì còn vọng tưởng phân biệt nên chạy theo vật chất, lấy mê làm ngộ, quen lối bỏ hình bắt bóng, nhưng một khi chợt nhận ra “chân như diệu hữu” ngay tại lòng ta thì tâm hành giả chợt bừng sáng lên, giống như ngôi nhà tăm tối ngàn năm, khi có ánh áng chiếu vào thì tất cả mọi ngóc ngách đều được soi sáng mà không có tăng giảm. Ấy chính là “kiến tánh thành Phật” của thiền Đốn ngộ. ( còn tiếp)

[1] Nguyễn Đăng Thục, Lịch sử Triết học phương Đông, quyển 4, NXB Tp.HCH, 1991

[2] http://phunutoday.vn/kham-pha/giai-thoai-ve-vi-tam-giao-thien-tang%E2%80%93-phat-an-dai-su-19156.html

 

[3] http://www.thuongchieu.net


Nguồn: Nigioivietnam.com

You may also like...