Tứ tuyệt
Thâm dạ phong phiêu nghiệp ảnh tùy
Hiện tiền vi liễu lạc hoa phi
Tang bồng tâm sự tân toan lệ
Trí Hải đa tàm trúc loạn ly
(Tuệ Sỹ – Bùi Giáng)Ðêm thẳm gió đùa trêu bóng nghiệp
Nương về làm liễu lạc hoa bay
Chí lớn trạnh lòng đau đáu lệ
Trúc loạn chưa lìa biển giác ai
(Hoàng Quốc Bảo dịch)
Tuệ Sỹ ngồi đó, chiếc bóng sậy gầy. Sững như một ngọn gió. Ðôi mắt tròn to, long lanh. Mãi long lanh với miệng cười. Như Niêm Hoa Vi Tiếu. Bỗng ông bật dậy đi rót cốc nước lọc cho tôi, cho ông. Tôi im lặng dõi theo dáng người nhỏ bé di động, lắng nghe tiếng vạt áo lam phất phất trong căn phòng nhỏ một buổi chiều. Rồi chắp tay cung kỉnh, thưa Thầy khoẻ không?
Miệng cười nở rộ hơn, ánh mắt tinh nghịch hơn, Tuệ Sỹ đáp như reo, anh thấy tôi khỏe không hè? Tôi cười nheo mắt, Thầy khoẻ con mừng.
Trông ông khỏe hơn mấy năm trước thật, lúc mới ra tù được đúng một tháng. Ngày ấy đầu ông như đóng trốc, da bọc sát sọ, mường tượng như Thế thân Thiền sư Vũ Khắc Minh, không ngồi kiết già nhập đại định ở chùa Ðậu nữa, mà đi lại, mà nói cười, nhập vào cơn huyễn mộng.
Nay da đầu đã nhuận thắm, những vết chốc ghẻ biến mất, nhưng cái ót sọ ông vẫn nhô ra quá khổ với thân mình. Quá khổ đối với thế tục. Chắc nó phải cứng, khiến bạo quyền lui lại.
Tuệ Sỹ luôn cười, bằng “đôi mắt ướt tuổi vàng cung trời hội cũ”. Con mắt to tròn rực sáng. Cái miệng rộng và hàm răng trắn đều, thẳng tắp. Như gửi gấm cả chân tình vào đó. Ngay đến lúc ông chuyễn vãn, nhẹ nghiên đầu, ngón tay trỏ gầy guộc đưa lên, điểm xuyết cho từng nhận định, ôn tồn, nhu hậu.
Ðược ngồi mãi với Thầy cho đến tối. Khoảng 9 giờ, khi hồi chuông thong thả báo hiệu buổi công phu, cũng là giờ chùa Già Lam đóng cửa chúng tôi mới cáo biệt. Thầy lại hẹn hò. Nụ cười lại Niêm Hoa. Tiếng chuông lênh đênh giữa bóng cây sẫm màu trong vườn. Mấy vần thơ cũ lại hiện ra, như gió thoảng chậm rãi đi ngang qua sân chùa Già Lam.
Thâm dạ phong phiêu nghiệp ảnh tùy
Hiện tiền vi liễu lạc hoa phi…
Nghiệp lực của Bồ Tát, nhòa lẫn vào cộng nghiệp của chúng sanh. Như gió thoảng như mây trôi. Như nghiêm mật như cợt đùa. Giữa đêm sâu và sự tùy thuận. Ðêm càng sâu lòng càng lắng. Gió càng thoảng bóng hình càng phiêu diêu. Trật tự thiên nhiên lên tiếng, trùng trùng duyên khởi gọi mời.
Sự hiện hữu trong giây phút này, trước mặt cuộc đời, là hiển lộ, là mầu nhiệm nhất, nằm trong đường rơi của lá, nét bay của hoa. Không trước cũng chẳng sau. Cái hiện tiền ấy gói trọn cả tam thiên đại thiên thế giới, cả đêm cả ngày, cả hằng sa nghiệp dĩ. Cái tức thời ấy, có khác chi “đình tiền tạc dạ nhất chi mai” của Mãn Giác hôm nào. Vượt ra ngoài thời gian, vượt ra ngoài không gian, mà tóm gọn cả bốn chiều ấy vào làm một. Bất sinh bất diệt. Ấy luôn là lúc:
Ðêm thẳm gió đùa trêu bóng nghiệp
Nên…
Nương về làm liễu lạc hoa bay…
Không trước cũng không sau, lại chẳng không trước cũng chẳng không sau. Nghe ra như hình bóng phất phới của một tiết điệu Bát Nhã. Sắc bất dị Không, Không bất dị Sắc, Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc. Thọ, Tưởng, Hành, Thức, diệc phục như thị. Sắc chẳng khác gì Không, Không chẳng khác gì Sắc, Sắc chính thực là Không, Không chính thực là Sắc, bốn uẩn còn lại kia, Cảm thọ, Tư duy, Tâm hành, nhận Thức ấy cũng đều như vậy cả. Cho nên Nghiệp lực kia, trong sát na nhận thức trong suốt của tánh Không, đã dứt lìa mắt xích. Không còn chỗ bám víu, trầm mịch. Không còn chỗ đắc. Trí Huệ đã biến thành Từ Bi, Nghiệp Lực đã hóa ra Hạnh Nguyện của Bồ tát.
Bồ tát không mong dứt nghiệp mình, mà còn muốn đưa vai gánh vác lấy cộng nghiệp của chúng sinh. Cho nên Bùi Giáng làm Bồ Tát đọa, chịu đày xuống trần gian, lấy vui buồn, tỉnh mê của chốn gió bụi mà thị hiện:
Tang bồng tâm sự tân toan lệ,
Trí Hải đa tàm trúc loạn ly
Bùi Giáng đã thế, mà Tuệ Sỹ cũng vậy. Xin nghiêm nghị đứng nép vào chỗ của Tuệ Sỹ mà tạm dịch:
Chí lớn trạnh lòng đau đáu lệ
Trúc loạn chưa lìa biển Giác ai,
Lấy đau khổ của chúng sinh làm của mình.
Chí lớn trong thiên hạ ấy, sao nguôi được, lúc bao sinh linh còn chìm đắm trong tang tóc, đọa đầy?
Sao nguôi được mà chả đau đáu lệ, chạy ngược vào hồn u uẩn của quê hương?
Nhưng đằng sau dâu trúc khô héo, nghiêng ngả loạn ly kia, vẫn mang mang một biển Giác. Tướng trạng có oan khiên nhưng Tánh Giác vẫn làu sáng, vẫn thanh tịnh. Một người đã bảo một người, cứ phiêu hốt đi qua cuộc đời, lúc nào cũng mỉm cười tựa Niêm Hoa Vi tiếu, cho dù có lúc là đằm đằm ngang qua một đám tang, giữa những kêu gào thảm thiết của nhân thế; có lúc là im lìm lạnh lẽo, giữa bốn bức tường vôi ủ rũ ngục tù. Mà thế nhân có thấy như vậy được đâu.
Có kẻ nói với tôi rằng, không thích cái cung cách bỡn cợt thiếu tôn kính của Thi sĩ họ Bùi nọ đối với một danh Tăng. Quả đấy là cố tật mê thích thần thánh hóa của một số tín đồ muốn đóng khung niềm tin bao trùm lên trên bến giác. Sự sau mê tin tưởng ấy không ít ở một số người, chia bè kết phái, như hai ông Tăng nọ mải mê cãi nhau về cái động. Ông cho rằng phướng động, ông cho rằng gió động. Lục Tổ tạng ngang cười bảo tâm hai ngài động đấy thôi.
Cho nên Thi sĩ họ Bùi có ngạo nghễ bỡn cợt, thì cái bỡn cợt ấy không phải tầm thường, không phải chỗ để cho người trần mắt thịt chúng ta chen chân tìm miếng thị phi. Kẻ nhân nghĩa thấy nơi đâu cũng đầy nhân nghĩa, ngay giữa gươmg giáo loạn cuồng, và ngược lại Nhất là làm Thi nhân, với đôi mắt ở đây mà thấy những đâu đâu, như Bùi Giác đã hồn nhiên thơ dại, như đại sư Tuệ Sỹ vẫn thơ dại hồn nhiên, vượt ra ngoài cái cảm thọ ngắn ngủi, vô thường:
Khổ thọ và lạc thọ
Như mây trời theo gió
Hơi thở là giây leo
Thuyền về nơi bến cũ…
(Nhất Hạnh)
Ta hãy đọc lại bài thơ Tứ tuyệt nọ, hai câu đầu của Tuệ Sỹ, hai câu sau của Bùi Giáng, để thành độc nhất vô nhị một bài thơ, một bài Tứ tuyệt:
Thâm dạ phong phiêu nghiệp ảnh tùy
Hiện tiền vi liễu lạc hoa phi
Tang bồng tâm sự tân toan lệ
Trí Hải đa tàm trúc loạn ly
Có hỏi Tuệ Sỹ thì vẫn nụ cười cố hữu, vẫn là câu trả lời rất mực thành thật, hồn nhiên: Hồi đó chỉ làm chơi chơi vậy mà…
Thì cả cuộc tồn sinh này có lấy gì làm thật? Chẳng là giả tưởng cả đấy sao? Lọ là phải vấn đáp. Hóa ra chỉ là cái cớ, cho những Thi sĩ làm xiếc, đu bay.
Cái cớ để đề, cái cớ để thuyết.
Cái cớ để du, cái cớ để dịch:
Ðêm thẳm gió đuà trêu bóng nghiệp
Nương về làm liễu lạc hoa bay
Chí lớn trạng lòng đau đáu lệ
Trúc loạn chưa lìa biển Giác ai.
Hóa cho nên cái Bi của bậc đại Từ rộng lớn trùm khắp thiên hạ, tùy thuận vào cái đau chung của thiên hạ, vẫn đau đáu, mà vẫn vô chấp, vô trước. Trí huệ sâu rộng như biển, nên dưới lớp sóng gió loạn cuồng kia, nước vẫn thanh tịnh thể tính. Vẫn vô quái ngại, viễn ly điên đảo mộng tưởng. Thật như thế nên nhiều học Tăng để sống còn, tránh né được sự dần sàng của chế độ, đã chẳng thốt nên thành lời ví cái ông thầy tu gầy ốm yếu nọ không biết sợ quỷ thần, là Kim cang bất hoại rồi… đấy sao.
Một bài tứ tuyệt thì có bốn câu. Có bốn câu nhưng Tứ không tuyệt. Như Bùi Giáng mượn làm “tiền đề” cho câu chuyện Tuệ Sỹ qua mắt Bùi Giáng trogn Ði Vào Cõi Thơ. Cõi thơ ấy, hôm nay chúng ta nghe bằng chính Tuệ Sỹ, cái giọng Nha Trang êm ả, ngoạt ngào. Bài thơ đã làm Bùi Giáng phải khiếp vía, hốt hoảng đến quên ăn, mất ngủ, đến tê cóng cả cõi dạ.
Đó là một buổi chiều khác, vẫn đôi mắt tròn to lấp lánh từ cõi mộng vào cuộc đời thực, đen láy ướt mượt như nhung, cái nụ cười hiền hiền cố hữu trên chiếc cổ cò chênh nghiêng, mảnh dẻ như nụ hoa trắng muốt điểm trên cành mai khẳng khiu, tỏa lan cái ấm áp vào hơi lạnh của cuộc đời tuyết giá, Tuệ Sỹ đọc:
Ðôi mắt ướt tuổi vàng khung trời hội cũ
Áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang
Phút vội vã bỗng thấy mình du thử
Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tànTừ núi lạnh đến biển im muôn thuở
Ðỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan
Cười với nắng một ngày sao chóng thế
Nay mùa đông mai mùa hạ buồng chăngÐếm tóc bạc tuổi đời chưa đủ
Bụi đường dài gót mỏi đi quanh
Giờ ngó lại bốn vách tường ủ rũ
Suối rừng xa ngược nước xuôi ngàn
Trăng
Nay chúng ta cũng thêm chút tương chao, làm bữa cỗ “tiếp đề” cho cuộc du phương, vào cõi nhạc. Nhạc mà thơ, Chất chứa trong nhau cái tình tự lai láng.
Thêm một buổi chiều khác, trong quán ăn nhỏ mang tên gọi, khiến nhớ về cố quận. Nữ chủ nhân cũng có chỗ quen biết, trọng vọng danh tăng, thừa khéo léo, kín đáo tiếp chúng tôi cùng tăng nhân trên một căn gác riêng tây, để mọi người được phước báu ngồi quây lấy Thầy, được rưng rưng trong im lặng, được sảng khoái nói, được hồn nhiên cười.
Cái hứng đến bất chợt, khiến tôi nhớ bài thơ “Trăng” mới phổ nhạc gần đây, liền hát cho Tuệ Sỹ nghe, nhờ Thầy nhắc lời chỗ tôi không nhớ:
Nhà Ðạo nguyên không khách
Quanh năm bạn ánh đèn
Thẹn tình trăng liếc trộm
Bẽn lẽn nấp sau rèm.Yêu nhau từ vạn kiếp
Nhìn nhau một thoáng qua
Nhà Ðạo nguyên không nói
Trăng buồn trăng đi xa…
(Tuệ Sỹ)
Tuệ Sỹ lại cười, ông không nói và chớp mắt. Vẫn “đôi mắt ướt tuổi vàng cung trời hội cũ,” thoáng qua trong bài thơ ngũ ngôn, bát cú. Chỉ thế thôi, ngắn ngủi mà lai láng. Thoáng nhìn… lai láng. Tình thơ… lai láng.
Ai bảo Thiền sư là tuyệt tình?
Nhưng cái Tình quả có khác.
Bài thơ quẩn quanh giữa hai người, mối tình quấn quít lấy hai người, hai nhân cách, một thực một mộng: Thiền chủ và Nguyệt nương.
Ta thử ngắm nhìn thật sâu sắc từng nhân vật này xem sao.
Nheo mắt lại, mường tượng ra Ðạo gia, đọ lấy câu đầu:
Nhà Ðạo nguyên không khách.
Một cự tuyệt đấy chăng?
Hay chỉ là một khẳng định, Khách thì có mà lòng đã Không rồi? Khách cứ đến, đi, cứ ra, vào. Thiền chủ vẫn sống, vẫn ăn, vẫn thở, vẫn vào, ra.
“Không khách” nghe ra chẳng cự tuyệt chút nào, mà chỉ là mở nhẹ cánh cửa vào ý thức giải thoát, không còn vướng bận chủ khách nữa, đã ung dung sống trong cảnh giới vô phân biệt, thoát khỏi đối đãi và chấp trước rồi. Dù trăng soi long lanh, hay Nguyệt dãi mơ màng, huyễn ảo cuộc đời đã không còn sôi nổi được nhau thêm nữa.
Cho nên Trăng Nguyệt ơi, đọc thêm câu sau:
Quanh năm bạn ánh đèn
thì xin cũng hiểu cho.
An bần lạc đạo đã thành nếp, vậy đừng khuấy động cảnh sống giản đơn, thanh bạch này mà chi. Tại sao vậy? Ấy bởi ngọn đèn kia đã thắp, đã lan tỏa ấm áp suốt cuộc đời, đã nguyện làm bó đuốc soi tỏ u minh, chuyển hóa thành Tâm đăng rực rỡ. Ngọn đèn ấy không tắt. Phật tánh trong mỗi chúng ta cũng vằng vặc đến nghìn thu.
Nhìn nhau một thoáng qua, như giấc mộng giữa cuộc đời. Nhưng vẫn bằng “đôi mắt ướt tuổi vàng cung trời hội cũ…” Nếu quả như thế thì chẳng “thoáng qua” một chút nào, mà dường như đã trông nhau tự vạn kiếp:
Yêu nhau từ vạn kiếp…
Cái vạn kiếp ấy là gì? mà chẳng rời, mà chẳng lưu luyến đến thế? Con chim kia vụt ngang trời không, trường giang có lưu ảnh? Mà sao in sũng trong đôi mắt buồn đến thế?
Ta đi hỏi vầng trăng vậy.
Bấy nhiêu đã đủ, mối tình xin đuợc ngọt ngào vào nhiên lặng. Nhà đạo nguyên… không nói, vì… hôm nay bạo dạn nói ra mất nửa rồi.
Mà quả có nói thêm nữa cũng không cùng. Vậy bặt ngôn ngữ, một nửa kia học thoái Hồ Tăng, bất khả thuyết.
Ta đi hỏi vầng Trăng, là tùng Tướng. Về cái chỗ không nói của nhà Ðạo nguyên, là nhập Tánh vậy.
Thẹn tình trăng liếc trộm
Bẽn lẽn nấp sau rèm
Từ khi trăng là nguyệt, từ khi em là Tướng sở tri bên ngoài, nên em không thật, nên em bẽn lẽn, nên em thẹn thuồng. Em nấp sau rèm mà liếc trộm bóng anh. Nên bóng anh mờ mờ nhân ảnh, nên Tình ấy nhòa nhạt giữa vô minh.
Yêu nhau từ vạn kiếp…
Vạn kiếp thì đằng đẵng, quẩn quanh trong vô minh kia. Ngay cả lúc tuởng tìm thấy nhau, em vẫn còn bẽn lẽn xa lạ, núp sau rèm, sau một màn vô minh ngăn cách nữa, nên chỉ nhìn được nhau thoáng qua, có thấy, như một lần chớp lóe.
Yêu nhau, ta yêu nhau từ vạn kiếp. Theo nhau, ta theo nhau từ vạn kiếp. Lầm lũi trong vô minh. Anh có lần nhắc với em về Nghiệp dĩ, lấy sanh tử làm chốn đi về. Cái mắt xích khít khao từ Vô minh đến Nghiệp. Nhưng có bao giờ em dám cắt lìa, đối diện với thực tướng ấy. Làm Trăng để em chịu đầy vơi. Làm Nguyệt để em vẫn đi về vạn kiếp.
Yêu nhau từ vạn kiếp
Nhìn nhau một thoáng qua
Nhà Ðạo nguyên không nói
Trăng buồn trăng đi xa
Ðến đi, đầy vơi ấy, trong im lặng một lúc nào, em nghe ra tiết điệu vô thường…
Án trăng thu trong e rực rỡ rồi tàn tạ, duy có đốm lửa trong tim anh là thiết tha, còn sáng mãi.
Tuệ Sỹ im lặng. Tuệ Sỹ cười bằng mắt. Xuyến xao cả cung trời hội cũ, từ đôi mắt chú điệu mở to đen nhánh quanh đuôi tóc xanh muớt vắt bên vành tai khi nghe bản Piano Sonata 14 giữa mùa trăng ấy, đến nay…
Ðếm tóc bạc tuổi đời chưa đủ
Bụi đường dài gót mỏi đi quanh
Giờ ngó lại bốn vách tường ủ rũ
Suối rừng xa ngược nước xuôi ngàn
Từ lúc hỏi vừng trăng lạnh, vân du đến mấy phương trời viễn mộng rồi, cũng theo Tướng mà đi. Khi trở về, yên lặng làm bạn với ánh đèn, vô phân biệt chủ khách, nhập cùng thể Tánh. Ta nên tôn trọng cái giây phút tĩnh mặc ấy, mà thôi khuấy động.
Mà Tướng với Tánh nào phải là hai
Mà trăng với đèn nào khác.
Giữa hồi chuông thu không dìu dặt, giữa nhịp Bát Nhã nhặt khoan lúc đêm về trong sân chùa Già Lam, hãy để cho Tuệ Sỹ nằm im trên võng ngắm vừng Nguyệt bạch.
… Sắc tức thị Không
Không tức thị Sắc…
Vào cho đến khi Trăng xa làm một với ánh Ðèn gần thì…
Trăng ơi, hãy cứ hát ca…(**)
Tháng 5, 2002.
Ghi chú:
(**)Trăng, thơ Tuệ Sỹ, nhạc Hoàng Quốc Bảo.
Feature image: internet
Nguồn: uyennguyen.net