Về Nhánh Sông Xưa

Buổi sáng như thường lệ, bàn thờ nghi ngút khói hương.  Căn phòng bừng sáng tràn ngập ánh nắng ban mai. Hương trầm thoảng nhẹ xông lên mũi quyện vào hương vị ly cà phê sữa . Cô không thích uống sữa cho lắm nhưng vì sữa có vitamin D, phần vì cô ăn chay nên những thức ăn thức uống nào không phải thịt cá mà có chất đạm là cô cố gắng dung nạp cho cơ thể có đầy đủ chất.

Hàng cỏ dại  quơ qua quơ lại bởi làn gió nhẹ ban mai như bản nhạc thiền êm dịu thật sảng khoái. Phút trầm tư chợt đưa cô về với khung cảnh thiền môn, làm cô nhớ lại những khoảnh khắc xa xưa. Cô không có duyên lâu dài với một vị xuất gia nào.  Cái thủa lên năm lên bảy lân la trước sân chùa, lẽo đẽo theo bước chân sư cô chợt gọi lên trong tâm trí.  Cô còn nhớ như in khuôn mặt khắt khổ của sư cô ở thiền viện Thường Chiếu, người mà cô yêu thương dù cô thật sự không hiểu hạnh nguyện cao cả của các vị xuất gia lúc đó, có lẽ tại cô còn quá nhỏ.  Mê tiếng chuông chùa huyền hoặc, yêu khung cảnh vắng lặng, và cô yêu luôn cả  sư cô nên khi sư cô nhờ gì cô đều vâng lời.  Cứ vài ba ngày sư cô ì ạch đèo một thùng nhang to đùng đem đi bán và ghé nhà cô nhờ cô chép kinh, truyện . Thời đó chưa có máy vi tính. Ai muốn lưu trừ tài liệu gì đều ghi chép bằng tay bằng cuốn sổ học trò . Cô được sư cô khen viết chữ đẹp nên lấy làm thích thú và suốt ngày ngồi nắn nót ghi chép hết cuốn này đến cuốn kia không biết mệt. Cứ vài ngày sư cô thâu cuốn đã ghi chép xong, rồi giao cho tài liệu mới. Ngày nghỉ học cô lại đạp xe ra thiền viên, rảo quanh khuôn viên chùa, ngồi ngắm những hàng cây thông cao vút với tàng lá rì rào lắc lư uốn mình theo cơn gió ban trưa, lòng chợt rộn rã. Quấn quýt vài năm thì cô biệt xứ, bỏ lại sau lưng tuổi thơ êm đềm.

Qua Mỹ, cô gặp một vị Hòa thượng. Hòa thượng cũng người miền Trung, yêu thơ. Những chiều đi làm về, cô ghé qua chùa thăm hòa thượng và vị sư cô. Thầy trò ngâm nga bên tách trà. Hòa thượng lúc nào cũng cười giòn tan, nụ cười an nhiên tự tại khiến ai đối diện cũng có thể xả đi ít bụi trần . Thầy trò gắn bó vài năm rồi cô lại chuyển nhà đi nơi khác. Lần này cô gặp Sư bà. Sư bà cũng người miền Trung, cũng trọ trẹ như cô nên cảm tưởng một sự gần gũi tự nhiên nảy sinh. Cô hay tỉ tê với Sư bà. Một hôm cô nói nữa đùa nữa thật:

“Sư bà chuẩn bị cho con một cái ổ, mai mốt con qua ở với Sư bà!”

“Thiệt không đó!”

“Thiệt mà!”

“Con mà ở chi?”

“Con ở được mà!”

“Con là con ngựa bất kham. Mai mốt Sư bà lấy cái bàn ủi ủi cho cái trán hết dồ luôn”

Cô cười nắc nẻ. Sư bà cũng cười theo.

Nghĩ lại cô buồn lòng vì cô đã “bất kham” khiến cho nhân duyên với Sư bà cũng đứt đoạn. Dù sao trong lòng cô vẫn thương quý Sư bà. Bẵng đi bao năm thỉnh thoảng cô muốn gọi thăm nhưng không dám.

Ý tưởng xuất gia từ thủa ấu thơ vẫn lầm lì đeo theo cô như một căn bệnh trầm kha.

“Anh, mai mốt anh dẫn em đi tu đi!”

Nếu cô không “bất kham” như Sư bà nói thì đời cô bây giờ chắc vẫn còn buột chặt với oan nghiệt. Có lẽ mọi chuyện xảy ra theo thiên ý như trong nhà Phật thường gọi “tùy duyên”.

Lâu lâu bệnh lại tái phát.

“Anh, em muốn đi tu!”

“Em mà tu gì”

“Muốn mà!”

Người thương của cô phán một câu xanh dờn:

“Em mà tu ?? Cực một chút là la làng mà tu gì!”

Ôi, nhánh sông xưa, nhánh sông cô đã từng tắm trong đó cứ mời gọi. Người cô vẫn còn lắm bụi, những hạt bụi trần bám chặt người. Cái chủng tử nào từ bao kiếp đã gieo vào hồn cô nổi khát khao lúc ẩn lúc hiện kia làm cô luôn muốn trở về với nhánh sông năm nao.

12/28/2021

Lê Diễm Chi Huệ

You may also like...