Trăng: Người Tình Muôn Thủa

Trăng rằm cỗ kính.

Tôi không nhớ là đã yêu trăng tự bao giờ. Tôi chỉ nhớ là thủa nhỏ, tôi rất mê ngắm trăng. Một cái thú mà lắm lúc làm cho Mẹ tôi phải phàn nàn. Mẹ năm lần bảy lượt gọi tôi vô ăn cơm tối, nhưng tôi cứ lưỡng lự vì say sưa vân du cùng bóng nguyệt. Vùng kinh tế mới Dak Lak, nơi gia đình tôi bị cưỡng bức đi sau khi miền Nam bị thất thủ. Nơi đây, tôi đã chứng kiến và sống qua những chuỗi ngày tăm tối trong nỗi cơ hàn, uất ức. Giữa khung cảnh núi rừng hoang vu và tĩnh mịch, những đêm trăng sáng là niềm an ủi vô tận. Trong đêm đen hun hút, quạnh quẻ, thâm u cách biệt với thế giới bên ngoài, tôi bầu bạn cùng ánh trăng dù lúc đó tôi chỉ mới lên bảy. Và cũng từ đó, trăng trở nên người bạn hiền, gắn bó khắng khít với tâm hồn tôi không thể xa rời.

Hoài niệm vẫn hằn in trong ký ức. Ánh sáng bàng bạc, mờ đục rọi xuống sân nhà đã cùng tôi thêu dệt bao mộng mơ của tuổi thơ. Những áng mây lãng đãng dần trôi tụ tan, tạo ra những hình ảnh lạ. Dùng hết trí tưởng tượng của một đứa trẻ lên bảy, tôi liên tưởng đến các hình ảnh đẹp trong cuộc sống, ví dụ con ngựa, đồi núi, v.v. Sức tưởng tượng của trẻ con quả thật phong phú! Chìm sâu trong màn đêm, tiếng cú kêu não nề tạo nên âm thanh rùng rợn, huyền bí. Tiếng chó nhà ai tru tréo cuối xóm, hút sâu vào màn đêm mịt mùng, như tiếng rên rỉ của những oan hồn bị chết yểu dưới lòng đại dương ở một góc trời xa. Trong khi nhân loại đang gào thét, tôi vẫn tìm thấy cái đẹp của trăng trong bộ óc non nớt của một đứa bé lên năm, lên bảỵ Những hình ảnh đó in sâu vào tim óc, mà đã bao năm trôi qua, lòng tôi vẫn còn thổn thức mỗi khi nhớ lại.

Rồi một ngày kia, tôi xa rời ánh trăng thanh ở miền sơn cước đó. Tháng ngày mơ mộng của tôi cũng giã biệt ra đi. Qua Mỹ, tôi ít có dịp ngắm trăng. Không chỉ ngắm là nhìn trăng một cách đơn thuần, mà còn dùng óc tưởng tượng, sức liên tưởng để thưởng thức nét đep lung linh, huyền ảo kia. Cuộc sống ở xứ người vội vã làm cho bộ óc con người cũng vội vã, bớt tinh tế. Bao năm cặm cụi đèn sách, tôi quên bẵng đi cái thú ngày xưa-ngắm trăng.

Bây giờ, cuộc sống ổn định. Tôi dành thời gian rảnh rỗi nâng niu hạnh phúc nhỏ nhoi, len lỏi giữa bao cảm xúc bất chợt. Tôi nhận ra rằng điều thật đơn giản có thể là mạch sống ngầm, mang bao hương vị và làm tăng thêm giá trị của cuộc sống. Tôi buông thả mọi bận bịu trong phút chốc, lặng người thưởng thức hạnh phúc tự tại, dù nhỏ bé, vì cuộc đời như một vùng xoáy mãi vần xoaỵ.

Căn phòng ngủ của tôi có cửa sổ hướng ra phía sau vườn, nơi có bóng cây. Sau hàng rào cách phòng tôi hai mét là cột trụ điện. Mỗi đêm, ánh điện đường xuyên qua lùm cây tạo vệt sáng mờ mờ cùng ánh trăng hắt về phía phòng ngủ. Nhìn ánh trăng chênh chếch, tôi chạnh lòng nhớ lại tháng năm xưa. Bao ký ức xanh trỗi dậy trong tôi. Nhiều đêm tôi sống với thế giới đầy sức tưởng tượng năm nào. Nhưng cảm xúc không còn như năm xưa. Hình như trăng của tôi năm nào đã lớn dần theo dòng đời. Vẻ hồn nhiên, thơ mộng cũng mất đi. Trăng không còn xa lạ, ngập ngừng để tôi chỉ biết ngắm như thủa lên năm lên bảy. Nó đã trở thành một tri kỷ thủy chung. Trăng: không giận, không hờn, lơ lững lắng nghe tôi chia sẻ bao nỗi niềm tâm sự.

Những lúc buồn bã, tôi vén màn cửa sổ đủ để nhìn thấy ánh trăng khuya hắt vào phòng. Lặng lẽ. Tôi trao hết nỗi niềm. Lúc tôi vui, ánh trăng có vẻ lung linh sáng hơn. Thỉnh thoảng mắt tôi rướm ướt. Màu trắng của Trăng đổi thành màu vàng đục. Hình như trăng cũng ứa lệ theo. Những giọt nước mắt vắn dài thương Cha nhớ Mẹ nhạt nhoà bên gối. Có khi nhớ qúa, tôi khóc thút thít một mình như đứa trẻ thơ, như những ngày được quấn quýt bên Người. Buồn, tủi, thương, nhớ: tôi trải lòng ra. Trăng ôm tất cả những chia sẻ đó vào lòng, và xoa dịu bao thổn thức. Trăng thẹn thùng, e lệ lấp sau bóng cây lúc tôi say sưa giấc nồng. Chúng tôi nói với nhau bằng một thứ ngôn ngữ mà có lẽ ngàn đời không một nhà khoa học, hay nghiên cưú có thể tìm ra. Ðó là ngôn ngữ của tâm hồn. Trong nét lung linh, huyền ảo, tôi tìm thấy sự bình an, thanh thản…

Trăng đẹp quá, huyền diệu quá, nên không biết bao nhiêu bậc tiền bối đã say mê. Họ lấy trăng làm nguồn thi hứng, và còn nhận cả vật sở hữu của riêng mình, như thi sĩ tài ba họ Hàn:

“Ai mua trăng, tôi bán trăng cho

Không bán đoàn viên, ước hẹn hò”

(Hàn Mặc Tử)

Trăng của tôi không chỉ biết lắng nghe, chia sẻ, mà còn biết an ủi. Trăng cạn cùng tôi những chén sầu bi lụy. Chúng tôi say sưa, thủ thỉ cho nhau nghe nỗi niềm riêng:

Lảo đảo mơ say cùng bóng nguyệt

Miên man thổn thức dạ u-hoài

Bao năm nhung nhớ ân tình cũ

Xuân sang hiu hắt mộng tàn phai

(Lê Diễm Chi Huệ)

Trăng của tôi còn biết làm duyên, e thẹn như một thiếu nữ đang vào tuổi xuân thì, hẹn hò với tình quân:

“Trăng nằm sóng soải trên cành liễu

Ðợi gió đông về để lả lơi”

(Hàn Mặc Tử)

Ai bảo trăng của tôi vô tri vô giác?

Rồi, cuộc tình hôm nào tan theo gió, chỉ còn lại dư hương xưa. Trăng vẫn còn đó, nghe tôi lã chã tiếng lòng hoà theo tiếng đàn guitar trầm bổng vang lên trong đêm thanh vắng. Mới hôm nào, người rót vào tai tôi những lời yêu thương diệu vợi, và “người hẹn cùng ta đến bên bờ suối”, nhưng bây giờ đã biền biệt chân mây. Chỉ còn tôi, tàng cây, và ánh trăng chơ vơ.

Sinh, tử, biệt, ly. Tất cả rồi cũng đi qua, không có điều gì hữu hạn, chỉ có trăng của tôi vô hạn, hiện hữu mãi trên cõi đời này. Dù ngụp lặn với bao thăng trầm của bể dâu, người tri kỷ thủy chung kia vẫn ở đó, đem đến lòng tôi nguồn an ủi bất tận. Tôi thầm cảm ơn đấng tạo hoá, cảm ơn đời, và cảm ơn Ba Mẹ đã cho tôi một tâm hồn biết rung cảm. Nếu có kiếp sau, tôi cũng xin được tình tự cùng Trăng.

Hỡi trăng đẹp, trăng mơ, trăng thủy chung muôn đời của lòng tôi!

Lê Diễm Chi Huệ

2006

 

You may also like...