Từ khi Trăng là Nguyệt

Trăng và Nguyệt tuy hai mà một. Nguyệt cũng là Trăng, Trăng cũng là Nguyệt. Cả hai đều diễn tả mặt trăng, một thiên thể mà hầu hết ai cũng hiểu. Tuy vậy, chữ Nguyệt khi đọc lên nghe có vẻ bóng bẩy và mang mùi vị văn chương. Nhiều nhà thơ thích dùng cổ ngữ bởi đôi khi nó làm câu thơ thêm mượt mà, ví dụ “Bóng nguyệt lòng sông” nghe êm tai hơn “Bóng trăng lòng sông”.
Tuy nhiên, cũng có nhiều nhà thơ không cần cổ ngữ, hán ngữ để “hàn lâm hoá” văn phong của mình mà vẫn lưu lại cho đời những áng thơ bất hủ, chẳng hạn như Hàn Mặc Tử . Trong thơ Hàn Mặc Tử, hình ảnh trăng rải rác khắp nơi, bởi trăng quá gần gũi, quá đau đớn, quá diệu vợi đối với thi sĩ họ Hàn .
“Trăng nằm sóng soải trên nhành liễu
Đợi gió đông về để lả lơi”

Ai nghe qua hai câu thơ trên mà hồn không rung động được, bởi Trăng thật duyên dáng, ẻo lả, và lãng mạn khi được thi sĩ họ Hàn nhân cách hoá một cách độc đáo.

TCS thì véo von gọi Trăng là Nguyệt và chắc nhạc sĩ cảm thấy phiêu hơn nên chọn làm ca từ của mình. Trăng hay Nguyệt cũng mang bản chất như nhau, nhưng dù sao ảo tưởng luôn làm cho con người sa đà hơn, ngây ngất hơn.

Ôi ảo tưởng, cái thứ mà luôn làm chúng sanh điên đảo. Dạo này cô đi đứng chậm rãi hơn. Mọi động tác đều khoan thai hơn trước.  Có cảm tưởng cô gội rửa bớt ảo tưởng trong sự khoan thai đó.   Nếu ngày trước mỗi khi soi gương, một vài sợi tóc rụng, cô suýt soa luyến tiếc, sợ suối tóc mình không được dày, mượt mà thì bây giờ cô chẳng suýt soa và cũng chẳng luyến tiếc.  Cô muốn hòa mình trong dung dị, bớt mơn trớn bản thân và cảm thấy thoải mái hơn.  Hành trình tỉnh thức bắt đầu với khả năng nhìn rõ bản chất vô thường.  Không nhìn rõ bản chất vô thường là còn bám víu ảo tưởng.  Đôi khi cũng vì ảo tưởng mà chúng ta đánh mất chính mình bởi chúng ta quá bận rộn để chứng minh, chứng tỏ với người khác. Trong quá trình đó, chúng ta mất đi cơ hội hiểu rõ mình.

Thiết nghĩ chúng ta là những kiến trúc sư tự xây nên những ảo tưởng rồi nhốt mình trong căn nhà đầy rẫy ảo tưởng, rồi tự mình điên đảo, say sưa, khổ lụy.  Chúng ta luôn truy tìm ảo tưởng để làm chất liệu cho đời sống mình cho đến một ngày chới với, tỉnh cơn mộng.

Trăng hãy cứ là Trăng. Trăng không cần phải là Nguyệt bởi trăng luôn lung linh, diệu với dù cho thế gian có mang ảo tưởng gọi trăng với bất cứ ngôn từ nào .

12.22.2020

Lê Diễm Chi Huệ


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *