“Đường xa vạn dặm một mình tôi đi…”

Mãi đến hôm nay cô mới lấy lại sinh khí để thả trôi vài con chữ giữa cõi vô thường. Nghĩ gì ? Viết gì ? Tất cả như những dòng hỗn độn trong tư tưởng cô. Thật ra, cô đã chuẩn bị tinh thần trước sự ra đi của ba bởi ba cô đã “tranh đấu” với căn bệnh nan y hơn hai năm rồi. Ba đã lớn tuổi, dù có buồn cô càng buồn hơn khi phải nhìn thấy ba cô chịu nhiều đớn đau thể xác. Ra đi là đã trả hết thân nghiệp để ba chuẩn bị và đón nhận một kiếp sống mới. Tuy vậy, cô chưa nghĩ mình lại là người lo vấn đề tang lễ bởi xưa nay cô là đứa em út vô tư nhất nhà.

Khổ một điều là cô ngã bịnh ngay trong lúc lo đám tang cho ba, nhưng cô phải gồng mình để lo cho xong. Bịnh mà không nghĩ mình bịnh nặng, và có lẽ không có sự chọn lựa nào khác nên cô phải ráng bởi vì mọi người ai cũng đã đuối sức. Vừa chôn cất xong, cô nằm rệp giường. Lại nữa, cô không nghĩ mình bịnh nặng, và lại cứ ráng cho đến khi xong việc và ráng hết nổi. Cô không bao giờ nghĩ mình bị Covid, chỉ nghĩ mình bị cảm lạnh và đuối sức. Ý nghĩ Covid không bao giờ có đầu cô bởi vì cô rất cẩn thận. Lên máy bay cô đeo hai ba mặt nạ chồng lên nhau, thêm cả face shield. Ngồi trên phi trường, cô tránh xa những người đến ngồi gần. Từ khi dịch Vũ Hán bùng phát, cô e ngại chuyện đi máy bay, nhưng chẳng đặng đường cô phải nhắm mắt đi bữa để về lo hậu sự cho ba.

Hai ba ngày đầu tiên, cô luôn cảm thấy ớn lạnh và bắt đầu nóng sốt. Người không muốn ăn uống gì và bắt đầu mất đi vị giác. Ớn lạnh và người bần thần như bị cúm, nhưng sức vẫn còn. Ngày thứ tư cho đến ngày thứ sáu là triệu chứng nóng sốt, và ảo giác. Sức mỗi ngày yếu dần đi. Người vẫn không muốn ăn uống gì và vị giác vẫn còn bị mất đi. Không ăn uống gì gẫn một tuần thì sức yếu là chắc chắn, chưa nói đến virus hoành hành các bộ phận trong thân thể. Cô nằm lã người vì sốt và ảo giác và ghi nhận mọi biến chuyển trong thân thể mình. Mỗi bộ phận trong thân thể khi Virus đi qua đều để lại dấu ấn mà cô cố quan sát. Khi virus Covid tấn công não bộ thì gây ra triệu chứng nhức đầu, chóng mặt, sốt. Không phải chỉ chóng mặt chút rồi thôi mà sự chóng mặt kéo dài cho đến hai ba tuần, cảm giác lênh bênh mất thăng bằng cực mạnh. Khi Covid lướt qua tim thì khiến tin mình đập mạnh, mạnh hơn nhịp tim bình thường. Qua phổi thì gây ra triệu chứng ho, khó thở. May thay, cô không bị ho nhiều nên không bị khó thở. Có lẽ đây là điều đáng sợ nhất bởi nó là biến chứng nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong . Cô nằm lim dim để nghe “ruột gan gầm gừ”. Không ăn không uống gì nhưng bụng vẫn “ầm ì inh ỏi”. Toàn thân đau nhức “lắc lư” theo những con virus đang hoành hoành mọi ngõ ngách trên thân thể.

Tuần đầu tiên là cao điểm, tuần thứ hai đở hơn nhưng virus vẫn còn “tung hoành ngang dọc”. Đây là tuần lễ dẫn đến những biến chứng khác nhau. Người có sức đề kháng tốt thì mỗi ngày một đở hơn. Người có sức đề kháng yếu thì sức khỏe xấu đi vì nhiều biến chứng phụ khác. Virus Covid tiếp tục tấn công vào tuần thứ hai nên vẫn chưa lấy lại sức, không nói là yếu thêm. Tuy nhiên, triệu chứng nóng sốt giảm dẫn nhưng nhức đầu và chóng mặt còn nhiều. Sau hai tuần là 14 ngày thì virus mới thật sự “giã từ vũ khí”. Tuy nhiên sức khỏe vẫn chưa hồi phục. Qua tuần thứ ba, sau khi virus ra đi, cô mới có cảm giác ăn uống lại và hồi phục khoảng bảy mươi phần trăm. Ba mươi phần trăm kia vẫn là sự chóng mặt, nhức đầu nếu tập trung lâu. Có lẽ phải mất thêm một thời gian nữa cô mới hoàn toàn bình phục bởi lẽ bây giờ cô vẫn không chịu nổi những điều trước đây là bình thường nhưng bây giờ lại gây tác động mạnh khiến cô nhức đầu.

Cô đâu có ngờ mình trải nghiệm với “căn bệnh thế kỷ”. Điều khó khăn nhất đối với cô là ngày đêm cầu nguyện cho mẹ cô được qua cơn hoạn nạn bởi mẹ cô và tất cả người thân đều bị Covid. Cô chưa đủ tâm lý vừa lo cho ba nằm xuống, vừa chống chọi với bệnh, và không biết mẹ cô có bị Covid quật ngã không. Mỗi đêm cô niệm Phật, niệm Mẹ Quan Thế Âm cứu mẹ cô qua cơn bạo bệnh.

Tất cả chúng ta như những lữ khách cô đơn lầm lũi đi giữa sa mạc sinh tử. Trong giờ phút tối tăm đó, mọi thứ đều trở nên vô nghĩa: tiền tài, danh vọng, sắc đẹp. Hai điều duy nhất có thể cứu rỗi chúng ta giữa thời khắc lung lạc đó là niềm tin (nguyện cầu) và sự yêu thương. Những lời chúc tụng, ngợi ca chót lưỡi đầu môi không còn ý nghĩa, mà chỉ có sự chân thành. Cõi Ta Bà chỉ là một quán trọ, tất cả chúng ta rồi cũng sẽ ra đi mỗi người mỗi ngả, hãy lưu lại cho nhau sự chân thành. Cô hứa với lòng mình không chúc tụng ai mà chỉ cho đi sự chân thành bằng hành động.

Bạn đồng nghiệp cho biết hôm nay là ngày sinh nhật của mình. Tuần sau, cô sẽ nấu món PadThai để đãi bạn như một hành động thiết thực thay vì một câu chúc tụng chót lưỡi đầu môi.

11.29.20220

Lê Diễm Chi Huệ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *