GS. Lê Đình Thông – Cầu Trường Tiền

Quốc Văn Giáo Khoa Thư kể lại câu chuyện như sau :

 ‘‘Một người đi du lịch đã nhiều nơi. Hôm về nhà, kẻ quen người thuộc, làng xóm, láng giềng đến chơi đông lắm. Một người bạn hỏi : Ông đi du sơn du thủy, thế tất đã trông thấy nhiều cảnh đẹp. Vậy ông cho ở đâu là thú hơn cả. Người du lịch đáp lại rằng : Cảnh đẹp mắt tôi trông thấy đã nhiều, nhưng không đâu làm cho tôi cảm động, vui thú bằng lúc trở lại chốn quê hương, trông thấy cái hàng rào, cái tường đất cũ kỷ của nhà cha mẹ tôi. Từ cái bụi tre ở xó vườn, cho đến con đường khúc khuỷu trong làng, cái gì cũng gợi ra cho tôi những mối cảm tình chứa chan, kể không sao xiết được.’’

Khách du lịch đã nói thay tâm trạng người viễn xứ. Sau chiều 17/11/2019 thuyết trình, do Liên Hội Người Việt Canada và Cộng Đồng Người Việt Ottawa tổ chức, tiến sĩ Trương Công Hiếu, họa sĩ Lê Phan hướng dẫn tôi đi thăm thủ đô Ottawa. Phía sau Viện Bảo Tàng Mỹ Thuật phủ lớp tuyết trắng xóa, anh Lê Phan dẫn tôi đến ven sông, chỉ cho xem chiếc cầu sắt phía xa mà anh đặt tên là cầu Trường Tiền.

Thấy dừa thì nhớ Bến Tre

Thấy sen thì nhớ đồng quê Tháp Mười. 

Còn người bạn tri kỷ ở Ottawa, thấy cây cầu sắt bắc ngang sông Ottawa, lại nhớ cầu Trường Tiền xứ Huế :

‘‘Cầu Trường Tiền sáu vài, mười hai nhịp

Em qua không kịp tội lắm anh ơi

Mấy lâu ni mang tiếng chịu lời

Có xa nhau chăng nữa, cũng tại ông trời mà xa’’

Cầu sắt Alexandra nối liền thủ phủ của Canada (Ottawa) và tỉnh lỵ Gatineau, dài 6 nhịp (arches). Cầu Trường Tiền bắc ngang sông Hương có 12 nhịp, từ thời vua Lê Thánh Tôn kết bằng song mây, sau đổi thành gỗ, mãi đến đời vua Thành Thái, kỹ sư Gustave Eiffel mới biến thành thép vững vàng.

Khi viết về mảnh đất quê hương, nhà văn Chateaubriand cho rằng sỏi đá cũng phải ngậm ngùi : ces cailloux, qui prennent la parole, offrent de plus une sorte de personnification presque inconnue. Huống hồ là cây cầu bắc ngang đất Thần Kinh, gợi nhớ Bát nhã Tâm kinh : Gate, gate, paragate, parasamgate, Bodhi, svaha. (Vượt qua, vượt qua, vượt qua bờ bên kia, hoàn toàn vượt qua, hoàn toàn giác ngộ). Khi đặt tên cho cầu sắt bắc ngang sông Ottawa là Trường Tiền (場錢), hẳn là anh Lê Phan nhớ đến Vài nét Huế của nhà thơ Nguyễn Bính :

Cầu cong như chiếc lược ngà

Sông dài mái tóc cung nga buông hờ

Đôi bờ đôi cánh tay vua

Cung nga úp mặt làm thơ thất tình.

Ở đây áo tím riêng màu

Bài thơ nón mỏng che đầu mỹ nhân

Loanh quanh xóm vắng, đường gần

Ấy ai làm dáng phi tần với ai.

Con sông không rộng mà dài

Con đò không chở những người chính chuyên.

Ở đây có nước sông Hương

Có cây núi  Ngự, có đường Nam Giao.

Bồng bềng sáu nhịp cầu cao

Thờ ơ bóng mát nơi nào cũng xanh

Thâm u một dải hoàng thành

Đình suông con én không đành bay đi.

Con sông không rộng mà dài. Từ Bằng Lăng đến cửa Thuận An dài 33 km, so với sông Ottawa dài 1.197 km. Nhịp cầu uốn cong trông giống chiếc lược ngà. Chính vì hình tượng đó, cầu Alexandra mới hóa thân thành cầu Trường Tiền trong tâm tưởng người Việt viễn xứ.

Vì đã hứa với anh Lê Phan sẽ làm một bài thơ mang tên Cầu Trường Tiền, tôi xin có bài thơ đề tặng như sau :

Vắt vẻo cầu cong bắc ngang sông

Mười hai bến nước vẫn ngóng trông

Lạc nơi xứ lạnh toàn là tuyết

Cây cành nặng trĩu những hoài mong.

Trường Tiền xứ Huế dấu bên song

Mây trôi nước cuốn vẫn trinh trong

Qua thôn Vỹ Dạ, cầu Gia Hội

Cuốn theo tâm sự nhịp cầu cong.

Hương giang chảy miết đến phương Đông

Cuốn theo lau lách bám ven sông

Lau còn nhớ mãi làng thôn cũ

Lách vẫn chờ mong, dạ mỏi mòn.

Alexandra nối bến sông

Đôi bờ kết lại tấc lòng son

Lưu thủy hành vân thôn Vỹ Dạ

Sóng vỗ chập chùng nước cuốn tuôn.

 Paris, 20/11/2019

You may also like...