Chuyện thiền sư thi sỹ thật thà nổi danh nước Nhật

Ryokan sinh năm 1758 trong một ngôi làng hẻo lánh ven biển Izumozaki, thuộc tỉnh Echigo phía tây bắc của nước Nhật. Cha của Ryokan – Inan (1738 – 1795) – là người được tập ấm làm trưởng làng và đồng thời cũng là một tu sĩ Thần đạo Nhật Bản, cũng là một nhà thơ mà người ta cho rằng có liên hệ xa với trường phái thơ Haiku của Basho.

Chuyện thiền sư thi sỹ thật thà nổi danh nước Nhật

Cha của ông đứng về phe Hoàng triều chống lại phe quân phiệt đương quyền là Shogun, vì thế lắm khi phải bỏ trốn và sống ẩn dật, sau cùng thì nhảy xuống sông Katsuragawa tự tử vào năm 1795, thọ 57 tuổi. Mẹ ông là bà Hidé, sinh mười lần, nhưng chỉ nuôi được bốn trai và ba gái. Người con cả được đặt tên Eizo chính là nhà sư Ryokan sau này.

Khi còn nhỏ, Eizo là một cậu bé chậm chạp, lặng lẽ và lúc nào cũng như đang “ngái ngủ”. Chính vì vậy, những người dân trong làng hẻo lánh này đều xem Eizo như một thằng ngốc, một đứa trẻ ngu đần và đáng thương. Trên thực tế, Eizo chỉ chân chất và thật thà quá mức và muốn chứng minh sự thật thà của mình chứ không phải là ngu đần. Có điều, cái ngây ngô, thật thà ấy theo Eizo đến hết cuộc đời và trở thành điểm đặc biệt nhất trong tính cách của vị thiền sư lừng danh này.

Người ta thường kể lại một giai thoại vui rằng, một hôm ông Tachibana mắng cậu bé Eizo một trận thậm tệ. Cậu nhìn cha với đôi mắt tức giận, người cha liền bảo với cậu: “Này, con mà nhìn cha như thế, con sẽ hoá thành con cá lưỡi trâu đấy!”.

v
Am Gogo-an nơi Ryokan sống cuối đời

Cậu bé Eizo nghe vậy, vội vụt bỏ chạy ra khỏi nhà và biến mất, cả nhà chờ mãi không thấy trở về đành phải đổ đi tìm. Sau cùng, khi chiều đã xuống, mẹ cậu tìm thấy cậu đang ngồi một mình trên bãi cát nhìn ra biển. Bà bèn hỏi: “Sao con lại ngồi ở đây?”. Cậu vô cùng ngạc nhiên và hỏi lại mẹ: “Ra là thế hả mẹ, con chưa hoá thành con cá lưỡi trâu hay sao?”. Và rồi cậu đã kể với mẹ rằng vì lỡ nhìn cha như thế, cậu sợ rằng mình phải hóa thành con cá lưỡi trâu nên đành phải chạy ra bờ biển để ngồi chờ nước lên.

Năm lên 7, Eizo được gửi vào học trong chùa Koshoji. 12 tuổi, cậu được chuyển đến trường Kyosen, một ngôi trường dành riêng cho người giàu có và địa vị trong vùng. Hiệu trưởng là ông Omori Shiyo, một học giả uyên bác, không ham danh vọng, từ quan về quê dạy học. Ông dạy cho học trò văn chương Trung Hoa, Khổng giáo và cả Lão giáo. Trong thời gian ở trường, Ryokan cũng học về thơ Đường và nhà thơ mà ông say mê hơn hết là đại sư Hàn Sơn, thường được Ryokan nhắc đến và xem như vị thầy của ông.
Năm Eizo 17 tuổi, gia đình cho ông nghỉ học và gửi ông tập sự ở xã để sau này kế thừa cha trong chức xã trưởng. Tại đây, ông được giao công việc bảo đảm trật tự trong thị trấn và việc thu thuế. Nhiều giai thoại khôi hài được truyền tụng về ông trong thời gian này vì sự thật thà quá đỗi của một vị quan phụ mẫu. Ông bảo rằng “Bất lương và nói dối là những thứ tôi đành phải chịu, không làm được” và ông cảm thấy mình không thích hợp làm một nhà chính trị. Chính thất bại ấy khiến chàng trai trẻ quyết bỏ lại phía sau sự nghiệp để đi tu.

Quyết một lòng tu Phật, Eizo đến xin làm sa-di trong một ngôi chùa có tên là Kosho ở Amaze. Kosho là một tu viện thiền học địa phương thuộc phái thiền Tào Động. Vị sư trụ trì Genjo Haryo – thầy của ông – là một thiền sư rất nghiêm túc, giữ đúng cách tu tập của học phái Tào Động, lưu truyền từ khi Thiền sư Đạo Nguyên thiết lập trên đất Nhật vào thế kỷ XIII. Sau bốn năm tu học, Eizo được thầy chính thức thụ phong tỳ kheo với pháp danh là Ryokan, Ryo có nghĩa là từ tâm, kan có nghĩa là rộng lượng, bao dung.

Tới năm 1780, thiền sư Kokusen từ tu viện Entsu tận phương Nam tới viếng thăm chùa Kosho. Phong thái của thiền sư Kokusen khiến Ryokan hết sức khâm phục. Nhất là khi Ryokan biết được vị sư này cũng là một thi sĩ tài ba, một nhà thư pháp nổi danh, một người cũng như ông rất mến phục thi sĩ Hàn Sơn của thời Đường, do đó Ryokan lại càng quý mến ông nhiều hơn nữa. Khi Kokusen rời đi, Ryokan đã xin với sư trụ trì cho mình theo Kokusen về phương Nam. Ryokan chính thức trở thành học trò của Kokusen và theo vị thiền sư này về chùa Entsu ở thị trấn Tamashima, nằm cách quê hương của ông tới 1.200 dặm đường.

Ryokan là một thiền sinh rất nhiệt tâm và chuyên cần, không bao giờ xao lãng hay lười biếng. Ông trải qua nhiều năm trong ngôi chùa Entsu bận rộn và khắc khổ, nhưng luôn luôn say mê ngồi thiền. Ngoài những buổi thiền định tập thể hoặc từng nhóm bốn người, ông cố gắng tìm những lúc ít việc để ngồi thiền thêm.

Có những đêm, ông thiền định một mình rất khuya nơi chính điện, có khi ngồi đến sáng quên cả ngủ. Mỗi đêm, ông thường xin gặp thầy để hỏi han về Phật pháp. Một hôm, ông ngỏ ý xin thầy dạy thêm, vị sư già Kokusen nói với ông rằng: “Con không thấy biển xanh tràn đầy cả nước hay sao?”. Có lẽ ý ông muốn nói Phật pháp tràn đầy khắp nơi, đâu có gì phải học thêm.

Ryokan rất uyên bác về kinh sách, viết các bài luận giải, biết cả tiếng Phạn. Ông nghiên cứu rất tinh tường toàn thể 95 quyển của tác phẩm “Chính Pháp nhãn tạng” của Đạo Nguyên, người thiết lập học phái Tào Động trên đất Nhật. Ryokan rất say mê bộ sách “Chính pháp nhãn tạng”, ông thường đi tra cứu thêm ở các tu viện và chùa chiền khác xem có nơi nào cất giữ những bản thảo khác lạ và đầy đủ hơn hay không. Ông thường dùng thư pháp để viết lại các câu trong “Chính Pháp nhãn tạng”.

Một hôm, Ryokan đi khất thực trong một ngôi làng gần thị trấn Tamashima, nhưng không ngờ hôm ấy trong làng có nhà bị mất trộm. Người ta nghi ông là kẻ bất lương liền bắt ông để hỏi tội. Ông không hé một lời nào để tự bào chữa. Các quan chức trong làng sắp ra lệnh chôn sống ông theo luật pháp thời bấy giờ thì có một người nông dân đứng ra bênh vực cho ông, bảo rằng một người không thốt ra một lời bào chữa nào cả nhất định phải là một người can đảm và khác thường, và có lẽ đây là nhà sư mà nhiều người kính nể thường hay đi khất thực trong vùng.

Lúc đó, dân làng hỏi ông, ông mới nhận chính ông là nhà sư Ryokan của thiền viện Entsu. Ông bảo rằng ông không muốn cải chính và chấp nhận sự oan ức, vì biết đâu chính là cái nghiệp từ kiếp trước mà ông phải trả. Lúc ấy, dân làng mới xin lỗi và thả ông ra.

Tới năm 1789, khi thầy ông là Kokusen bắt đầu già yếu và để chuẩn bị cho sự rút lui của mình, đã phong cho Ryokan chức vụ sư trưởng, quản lý và chăm lo cho 50 vị sư khác. Một năm sau đó, Ryokan lại được Kokusen ban cho ấn chứng, khẳng định ông đã đắc đạo và trở thành một thiền sư. Cùng với ấn chứng, Kokusen còn cho Ryokan một chiếc gậy dùng cho những cuộc hành trình tu học mới và ban cho ông một biệt danh mới là Tai Gu, hay Đại Ngu, nhằm chỉ đức tính chân thực, thật thà và ngây thơ quá mức của Ryokan.

Năm 1791, Kokusen viên tịch. Chẳng bao lâu sau đó, không tâm đầu ý hợp với vị sư trụ trì mới được Trung ương cử xuống, Ryokan quyết định rời bỏ ngôi chùa ông đã gắn bó hơn 10 năm để chu du khắp nơi, sống cuộc sống như một nhà phiêu bạt. Trong những cuộc hành trình bất tận ấy, ông đã tìm đến nhiều vị thầy nổi tiếng đương thời để được nghe và học hỏi.

s
Tượng Ryokan

Người ta kể rằng, khi Ryokan tới cổng chùa Daitoku-ji, sư bị đẩy ra lạnh lùng, nghe nói rằng Shuryu bây giờ đang sống hưu dưỡng và không muốn gặp ai. Không nản, Ryokan lẻn vào trong sân chùa, nhảy qua bức tường khổng lồ, và chờ bên ngoài nơi ẩn tu của sư trụ trì. Rồi Ryokan để một lá thư gửi cho Shuryu, chặn cục đá lên, để bên cái chậu nước rửa tay bằng đá, hy vọng sư trụ trì sẽ thấy nó khi ngài bước ra cho khóa công phu sáng sớm.

Vài vị sư có bắt gặp Ryokan, nhưng khi họ tới đuổi sư ra thì ngài Shuryu xuất hiện, đọc lời cầu xin chân thành của Ryokan, và nói sư cứ tới thăm bất cứ khi nào sư thích. Ryokan sau đó kể lại cho các bạn rằng sư đã hưởng lợi ích rất nhiều từ cách dạy Thiền kiểu Lâm Tế của Shuryu.

Sau cùng vào năm 1796, Ryokan quay về quê mình ở miền Tây Bắc nước Nhật. Ông sống trong một chiếc am cỏ bỏ hoang nhìn ra biển. Sau đó, ông về sống tại am viện Gogo-an, một tự viện được xây kiên cố nhưng cô lập trong một khu rừng dầy đặc các cây tùng và thông già phía sau chùa Kokujo-ji trên núi Kugami. Tên của nơi ẩn tu này có nghĩa “năm chén,” tức là số lượng gạo nhận mỗi ngày bởi vị cựu trụ trì Chân Ngôn Tông của chùa Kokujo-ji, người đã ra lệnh xây am Gogo-an để ngài lui về hưu dưỡng. Ryokan tự sống như người ẩn tu, nhưng không phải kiểu tự ly cách hoàn toàn với con người. Ông cố gắng học theo Đức Phật để có thể sống chan hòa với cuộc sống của con người.

Ryokan được 38 tuổi khi ông dọn về đây và ông đã sống suốt 15 năm trong chiếc am ấy. Đó cũng là thời kỳ mà tài nghệ của ông đã hoàn toàn nảy nở, từ Đạo pháp, thi phú cho đến thư pháp. Ông được người trong vùng xem như một vị thánh nhân, một người “thực sự đã đắc đạo”, một con người tinh khiết không một chút màu mè, giả tạo.

Tuy vậy, bản tính thật thà của ông thì vẫn còn lưu giữ giống như khi ông còn là cậu bé lên 10. Một lần, Ryokan đang chơi trốn tìm với trẻ con, và sư chạy nấp trong một chái nhà gần đó. Trẻ con biết chỗ Ryokan nấp và quyết định đùa ông. Chúng bỏ chạy mất mà không cho Ryokan biết trò chơi xong rồi. Sáng hôm sau, một phụ nữ nông dân tới chái nhà này và kinh hoảng thấy Ryokan ẩn mình trong góc.

Bà hỏi: “Thầy làm gì ở đây vậy, thầy Ryokan?”. Sư mới thì thầm: “Suỵt, xin im lặng giùm. Nếu không thì bọn trẻ sẽ kiếm ra ta”. Sự thật thà, chân chất đã trở thành đặc điểm khác biệt của vị thiền sư lừng danh này, nhưng cũng nhờ vậy, người dân trong vùng càng thêm kính trọng Ryokan hơn.

Ryokan cứ như vậy trải qua cuộc sống êm đềm của một thiền sư đắc đạo, vui thú với thi ca và thư pháp cho tới năm 1830, khi tuổi ông ngày một lớn và bệnh tật bắt đầu tìm tới. Một năm sau đó, ông trút hơi thở cuối cùng trên cánh tay của ni cô Teishin – người đạo hữu cũng là người tri âm, tri kỷ về thi ca của ông trong những năm tháng cuối đời.

Bằng Hư

You may also like...