Một nhà sư ở chốn thiền môn nơi đất Huế

Cách đây tròn 80 năm, nhân ở Kinh đô Huế có Tế Nam Giao, học giả Phạm Quỳnh – lúc đó mới 26 tuổi đang làm Chủ Bút tờ Nam phong tạp chí đã đi đường bộ vừa bằng xe hơi và xe lưả từ Hà nội vào Huế, ghé lại trong 10 ngày để làm một thiên phóng sự về những điều kiến văn tại đất Thần kinh.

Trong thời gian ngắn ngủi này, ngòai sự thăm viếng cảnh vật trứ danh như cung điện, lăng tẩm đế vương, ông rất tiếc không có thể tìm viếng thăm những nhân vật mà ông coi là danh sĩ cao nhân ở Huế. Tuy nhiên, ông cũng tỏ ra hân hạnh gặp được hai người là nữ sĩ Đạm Phương và vị sư Viên Thành.

Chính cuộc thăm viếng nhà sư Viên Thành-lúc bấy giờ 40 tuổi trụ trì tại ngôi chùa Ba-la-mật ở làng Nam Phổ đã khiến học giả Phạm Quỳnh có những nhận xét rất sâu sắc xác đáng về tư cách hiếm có và cao thượng của một nhân vật mà ông xưng tụng là phong nhã tài tình.

Sư Viên Thành vốn là người hoàng tộc, tuy tu tại đây từ thuở lên bẩy, nhưng phong độ lại hoàn toàn khác hẳn các vị xuất gia khác. Cái điểm dị biệt khác thiên hạ lớn là cái nét thi nhân tao nhã tài tình của sư. Thông thường tài tình là cái nét sắc sảo thường đem lại khổ lụy cho người ta do đó họ phải chọn con đường giải thoát là xuất thế đi tu vì người tài tình lắm tất nặng nghiệp nhiều, còn kẻ mộc mạc thực thà thì luân hồi nhẹ kiếp. Cứ xem chuyện Thúy Kiều thì đủ rõ. Ấy thế mà nhà sư Viên Thành dẫu rằng xuất thế vẫn đem cái tài tình phong nhã của mình thi thố ở chốn thiền môn.

Ta hãy nghe Phạm Quỳnh tả cái phong cách của tịnh xá của ngôi chùa Ba la mật:

Bước chân vào tịnh xá, tưởng như nơi văn phòng của nhà thi nhân tao khách nào. Không phải là đồ bầy biện đẹp, không phải là cách trang sức khéo, nhưng bởi cái khí vị riêng nó phảng phất ở trong cái phòng ấy, khiến người khách vào chơi biết ngay ông chủ nhân là người phong nhã tài tình thật.

Cái tài tình của Viên Thành thượng nhân thì không phải tìm đâu xa, cứ nghe ngay câu chuyện người nói cũng đủ biết: mỗi lời như ngọc nhả châu phun, mà tưởng cứ tự nhiên thành bài thơ ứng khẩu vậy. Người thơ chữ đã tuyệt bút mà thơ nôm cũng hay…

Tài thơ tao nhã trữ tình của nhà sư Viên thành phải nói là nổi bật độc đáo qua cách dịch hai câu hát ca dao Việt nam ra thơ chữ Nho.

Câu thứ nhất là :

Núi cao chi lắm núi ơi,
Núi che mặt trời không thấy người thương.

Trong bài diễn thuyết À travers le parler populaire ( Xuyên qua tục ngữ ca dao), học giả Phạm Quỳnh đã dịch rất sát ra Pháp văn như sau:

Montagne, ô montagne , pourquoi êtes- vous si haute?
Vous cachez le soleil et vous me cachez
le visage de mon bien aimé!

Còn Nhà sư Viên Thành đã dịch ra thơ chữ Nho như sau:

Kỷ trùng lam thúy vô cùng hận
Nhật ảnh vân già cách cố nhân

Nếu ta thử phân tách tìm hiểu từng chữ Nho, ta bèn thấy nhà sư đã dịch một cách thanh thoát:

Kỷ: bao nhiêu; trùng : lớp lớp; lam thúy: màu xanh xanh biếc; vô cùng hận: giận tức vô hạn. Nhật ảnh: ánh nắng mặt trời; vân già: đám mây che khuất; cách cố nhân: cách biệt người xưa.

Ví dụ ta thử dịch ngược câu chữ Nho của nhà sư Viên thành, thì đại kháí có thể tạm diễn dịch cái ý thơ phong phú đó như sau:

Trùng trùng xanh thẳm vô cùng giận.
Bóng nắng mây che khuất cố nhân

Ta có thể liên tưởng đến một câu thơ trong Chinh phụ ngâm với cái ý thơ man mác buồn buồn điệp điệp này:

Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu
Ngàn dâu xanh ngắt một mầu
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai

Câu ca dao thứ hai mà nhà sư Viên Thành dịch ra thơ chữ Nho là:

Chiều chiều lại nhớ chiều chiều
Nhớ người đãy gấm khăn điều vắt vai.

Câu này đã được Phạm Quỳnh trong bài diễn thuyết bằng Pháp văn La poésie annamite dịch như sau:

Chaque soir qui revient ne ramène le même souvenir,
Le souvenir d’une personne qui porte un sac brodé à la main et un foulard rouge sur l’ épaule.

Nhà sư Viên Thành dịch ra thơ chữ Nho như sau:

Hoàng hôn vô hạn hoàng hôn tứ,
Hồng phách hà bao nhỡn lí nhân

Nhà sư đã cố tình lặp lại hai lần chữ Hoàng hôn để diễn tả cái điệp âm ‘ chiều chiều’ mà ông Phạm Quỳnh xác nhận là có một tác dụng độc đáo: Sự láy đi láy lại những chữ Chiều chiều đối với tai ngườI Việt nghe duyên dáng vô cùng và diễn tả cái buồn của cảnh trờI chiều và cái sầu của kỷ niệm đã qua

(Cette répétition des mots Chiều chiều est pour une oreille annamite un charme infini et exprime toute la tristesse du soir et toute la mélancholie du souvenir.)

Hiểu theo từng chữ thì: Hồng phách là tấm khăn lụa mầu hồng. Hà bao là cái túi bằng gấm hình như cái lá sen mà người xưa thường gọi trại là cái hầu bao. Riêng chữ nhỡn lí nhân phải hiểu làm sao?

Nhỡn là mắt còn Lí là bên trong. Vậy nhỡn lí nhân là hình bóng của con người in sâu trong mắt ai!

Ta có thể tạm dịch ngược câu thơ chữ nho cũa sư Viên Thành như sau:

Hoàng hôn man mác hôn hoàng ý,
Đẫy gấm khăn điều vương mắt ai!

Nhận định về cách dịch thơ của sư Viên Thành, chúng ta lũ hậu sinh sau 80 năm phải kết luận như học giả Phạm Quỳnh là:

Phi tay thi nhân tuyệt diệu không dịch được như vậy. Quả là một nhà sư tài tình phong nhã trong chốn thiền môn ở đất Huế.

LÊ VĂN LÂN

You may also like...