Hỏi: Sự khác nhau giữa trực thức (awareness) và nội quan (introspec– tion) là gì? Ai có trực thức trong sự trực thức?
KRISHNAMURTI: Chúng ta hãy khảo sát trước tiên về ý nghĩa của sự nội quan. Nói về nội quan, chúng ta muốn nói về việc nhìn lại nội tâm mình, khảo sát nội tâm mình. Tại sao mình lại khảo sát bản thân? Để mà cải thiện thăng tiến, để mà thay đổi, biến đổi. Ngài khảo sát nội tâm để trở nên một cái gì đó, nếu không thế thì ngài sẽ không mải miết bận bịu với việc nội quan ấy. Ngài sẽ không khảo sát bản thân nếu ngài không có khát vọng biến đổi, chuyển hóa, trở nên một cái gì đó khác hẳn hiện thể của ngài. Đó là lý do dễ thấy cho việc cắt nghĩa tại sao có việc nội quan. Tôi nổi giận và tôi khảo sát nội tâm, khảo sát bản thân, để mà phá tan giải trừ cơn giận hoặc để biến đổi hoặc chuyển biến cơn giận dữ. Khi nào mình còn khát vọng biến đổi hoặc chuyển biến những đáp ứng, những phản ứng của bản ngã, nghĩa là khi nào mình còn muốn nội quan thì khi đó mìnhluôn luôn còn có cứu cánh trước mặt, rồi lúc nào cứu cánh ấy không đạt được thì lúc ấy mình cảm thấy buồn bực chán mứa phiền muộn. Do đó, sự nội quan thường hay đi đôi với nỗi buồn bực chán chường. Tôi không biết rằng ngài có để ý mỗi khi ngài khảo sát nội tâm, khi ngài nhìn vào tâm khảm mình để thay đổi chuyển hóa bản thân thì ngay lúc ấy một cơn buồn chán đã dâng tràn lấn áp tâm tư mình. Mình phải cầm cự chiến đấu với đợt sóng buồn chán lấn tràn nội tâm; ngài phải luôn luôn tự khám xét nội tâm để vượt qua tâm thái sầu muộn của mình v.v… Sự nội quan là một tiến trình liên tục không ngừng, vì đó là một tiến trình chuyển hóa hiện thể thành ra một sự thể khác hẳn với hiện tại. Hiển nhiên đây đúng là những gì xảy ra mỗi khi chúng ta khảo sát nội tâm, mỗi khi chúng ta cắm cúi chìm ngập trong hành động ấy. Tiến trình tích lũy luôn luôn hiện hữu trong hành động ấy, bản ngã khảo sát một sự thể nào đó để biến chuyển sự thể ấy, do đó sự xung đột lưỡng nguyên luôn luôn xuất hiện và tạo ra tiến trình vô vọng phẫn chí. Không bao giờ có được một lối thoát nào cả, và khi ý thức được sự phẫn chí vô vọng ấy, mình lại bị phiền muộn chán chường lấn áp tâm tư.
Trực thức (ý thức trực tiếp) thì hoàn toàn khác hẳn. Trực thức là quan sát mà không kết án qui trách. Trực thức đem đến sự giao cảm, bởi vì lúc ấy không còn sự kết án phán xét, không còn tinh thần đồng hóa mà chỉ có sự quan sát trong tĩnh lặng. Nếu tôi muốn hiểu bất cứ sự việc gì thì tôi phải quan sát, tôi không nên chỉ trích phê phán, tôi không nên kết án, tôi không nên đeo đuổi nó vì nó đem đến sự khoái lạc sung sướng hoặc tôi không nên tránh nó vì nó đem lại sự phiền muộn. Lúc ấy mình chỉ nên quan sát sự kiện một cách im lặng. Không nên đặt cứu cánh nào trước mặt mà chỉ trực thức về mọi sự đúng như làlúc sự thể phát khởi xuất hiện. Sự quan sát ấy và sự thông hiểu trong việc quan sát ấy sẽ chấm dứt mỗi khi mình phê phán kết án, đồng hóa hoặc biện minh. Nội quan là sự tự cải thiện, do đó nội quan chỉ mang tính duy ngã, vị kỷ. Trực thức không phải là tự cải thiện. Trái lại, đó là sự chấm dứt của bản ngã, cái “tôi”, chấm dứt luôn tất cả những dị tính đặc thù của bản ngã, những kỷ niệm hồi tưởng, những yêu sách đòi hỏi và những khát vọng đeo đuổi. Trong nội quan lại có cả tinh thần đồng hóa và sự phê phán kết án. Trong trực thức không hề có tinh thần đồng hóa và phê phán kết án, do đó, không hề có sự tự cải thiện. Có sự khác nhau rõ rệt giữa nội quan và trực thức.
Kẻ nào muốn cải thiện bản thân thì không thể nào có thể trực thức được, bởi vì sự cải thiện ngụ ý là sự phê phán kết án vàđạt tới một kết quả nào đó. Trái lại trong trực thức chỉ có sự quan sát mà không kết án phê phán, không phủ nhận hoặc chấp nhận. Sự trực thức bắt đầu khởi phát với những sự vật ngoại giới, khi giao tiếp với những sự vật, với thiên nhiên. Trước tiên trực thức về những sự vật chung quanh mình, khi nhạy cảm đối với những sự vật, với thiên nhiên, rồi với con người, tức là giao cảm trong tương quan liên hệ, rồi đến trực thức về những ý tưởng. Trực thức là nhạy cảm trước những sự vật, trước thiên nhiên, trước con người, trước những ý tưởng, sự trực thức này không phải gồm những tiến trình ly cách, rời rạc nhau mà là một tiến trình duy nhất. Đó là sự quan sát thường xuyên đối với mọi sự vật, đối với mọi tư tưởng, cảm giác và hành động, mỗi khi những thứ ấy phát khởi trong nội tâm mình. Vì trực thức không có tính kết án phê phán, cho nên không có sự tích lũy tâm thức. Ngài chỉ phê phán khi ngài có một tiêu chuẩn, nghĩa là có sự tích lũy tâm thức, do đó, có cả sự cải thiện bản ngã.
Trực thức là thông hiểu những sinh hoạt của bản ngã, của cái “tôi” trong tương giao với con người, với những ý tưởng và với những sự vật. Trực thức ấy xảy ra từ giây phút này đến giây phút khác, vì thế mình không thể thực hành tập luyện nó được. Khi ngài thực hành tôi luyện một điều gì đó thì điều ấy trở nên một thói quen, và trực thức không phải là thói quen. Trí óc kẻ nào bị vướng trong thói quen thì không thể nào nhạy cảm được, trí óc kẻ ấy chỉ tác động sinh hoạt trong khuôn mòn lối cũ của một hành động đặc thù nào đó, trí óc ấy trở nên nhạt nhẽo, đần độn, không uyển chuyển, trái lại trực thức đòi hỏi mình phải uyển chuyển linh động thường xuyên. Điều này không hẳn khó hiểu. Mình thường xuyên uyển chuyển linh động tỉnh thức mỗi khi mình thực sự lưu tâm say mê một sự việc gì đó, như mỗi khi mình chú tâm ngắm nhìn đứa con của mình, vợ mình, cây cỏ, hoa lá chim chóc. Mình quan sát mà không kết án, không có tinh thần đồng hóa; do đó trong sự quan sát ấy, mình đạt tới sự giao cảm trọn vẹn; người quan sát và vật được quan sát đều hoàn toàn nằm trong sự giao cảm. Sự kiện này thường xảy ra trong thực tế mỗi khi mình để ý chú tâm đến mọt việc gì một cách thâm trầm sâu thẳm.
Vì thế có một sự khác nhau triệt để giữa trực thức và sự bành trướng bản ngã của nội quan. Nội quan chỉ dẫn đến sự phẫn chí tuyệt vọng, đưa đến nhiều xung đột sâu xa rộng lớn hơn nữa; trái lại trực thức là một tiến trình giải phóng khỏi tác động của bản ngã; đó là ý thức trực tiếp về những cử chỉ, hoạt động vận hành của mình trong đời sống thường nhật, về tư tưởng của mình, và ý thức trực tiếp về người khác, quan sát hắn, để ý chú tâm đến hắn. Mình chỉ có thể làm được như vậy khi mình yêu một người nào đó, khi mình để ý chú tâm sâu sắc một việc gì đó; khi mình muốn tự hiểu mình, toàn thể hiện tính của mình, trọn vẹn nội dung của bản thể, chứ khộng phải chỉ đôi tầng lớp ý thức nông cạn, lúc ấy hiển nhiên không còn có sự kết án qui trách nữa. Lúc ấy, tôi phải cởi mở đón nhận tất cả tư tưởng, cởi mở đón nhận tất cả mọi cảm giác xúc động, cởi mở đón nhận tất cả mọi cảm trạng tâm thức, cởi mở đón nhận tất cả mọi sự áp chế bức bách tinh thần, và khi mình có được trực thức phát rộng ra bao la, mình lại càng được tự do rộng rãi hơn nữa để thoát khỏi sự vận hành kín đáo của những tư tưởng, của những động cơ và của những sự truy cầu tìm kiếm. Trực thức là tự do, trực thức đem đến tự do, phát sinh ra tự do, trái lại sự nội quan chỉ tăng trưởng sự xung đột, tiến trình của sự đóng nhốt bản thân, do đó, luôn luôn là sự phẫn chí và sợ hãi luôn hiện hữu trong tiến trình ấy.
Ngoài ra, người đặt câu hỏi cũng muốn biết chủ thể của sự trực thức là ai. Khi ngài trải qua bất cứ kinh nghiệm nào sâu thẳm, thì cái gì xảy ra? Khi ngài trải qua kinh nghiệm như thế, ngài có ý thức rằng ngài đang trải qua kinh nghiệm? Khi ngài đang nổi giận, ngay trong khoảnh khắc nổi giận ấy, hoặc ghen tuông hoặc vui sướng, ngài có ý thức rằng ngài đang vui hoặc ngài đang giận? Chỉ khi nào kinh nghiệm đã chấm dứt thì mới hiện hữu người kinh nghiệm và điều kinh nghiệm. Rồi lúc ấy, người kinh nghiệm quan sát điều kinh nghiệm, tức đối tượng của kinh nghiệm. Ngay vào lúc đang kinh nghiệm không hề có người quan sát và cũng không có điều quan sát : chỉ có sự hiện nghiệm thôi. Phần đông chúng ta, không hề hiện nghiệm. Chúng ta luôn luôn đứng bên ngoài trạng thái hiện nghiệm, do đó chúng ta mới đặt câu hỏi về chủ thể của người quan sát, như câu hỏi:ai có ý trực thức? Hiển nhiên câu hỏi như vậy là một câu hỏi sai, phải thế không? Vào lúc xảy ra hiện nghiệm (đang kinh nghiệm), không có người ý thức, cũng không có đối tượng mà hắn ý thức. Không có người quan sát, cũng không có đối tượng được quan sát mà chỉ có trạng thái hiện nghiệm. Hầu hết chúng ta đều cảm thấy vô cùng khó khăn khi sống trong trạng thái hiện nghiệm, bởi vì việc ấy đòi hỏi mình phải uyển chuyển phi thường, nhanh nhẹn, đạt tới một cấp độ nhạy cảm cao độ; và điều này không thể thực hiện được khi mà chúng ta đang đeo đuổi một kết quả nào đó, khi chúng ta muốn thành công, khi chúng ta có một cứu cánh trước mặt, khi chúng ta đang tính toán – tất cả những thứ này đều đem đến sự phẫn chí tuyệt vọng. Kẻ nào không đòi hỏi bất cứ điều gì cả, kẻ nào không tìm kiếm một cứu cánh, không cầu cạnh một thành quả với tất cả ngụ nghĩa chứa đựng trong thành quả ấy, kẻ ấy mới sống trong trạng thái hiện nghiệm thường xuyên. Lúc ấy, mọi sự vật đều có một chuyển động, mới mang một ý nghĩa; không có gì cũ kỹ cả, không có gì lặp lại nhàm chán cả , bởi vì hiện là thì không bao giờ cũ cả. Sự thách thức của đời sống vẫn luôn luôn mới lạ. Chỉ có sự đáp ứng của mình đối với sự thách thức kia là cũ thôi; sự cũ kỹ kia tạo ra dấu vết còn lại, tức là ký ức, người quan sát, kẻ tự phân cách mình ra ngoài điều quan sát, phân cách mình ra ngoài sự thách thức, ra ngoài kinh nghiệm. Ngài có thể thí nghiệm điều này, tự thể nghiệm lấy một cách rất giản dị và dễ dàng. Lần sau, mỗi khi ngài nổi giận hay ghen tuông hay gian tham hay bạo động hay bất cứ trong tâm trạng nào, ngài hãy ngắm nhìn bản thân, tự ngắm nhìn mình. trong trạng thái ấy, “ngài” không hiện hữu, lúc ấy chỉ có trạng thái hiện thể thôi. Sau đó, một giây phút sau, khi ngài đặt tên, định danh tâm trạng mình, ngài gọi nó là sự ghen tuông, sự giận dữ, lòng gian tham; thế là ngài đã lập tức tạo ra người quan sát và điều được quan sát, người thể nghiệm và điều được thể nghiệm. Khi có người kinh nghiệm và điều được kinh nghiệm thì lúc ấy người kinh nghiệm cố gắng biến chuyển kinh nghiệm, thay đổi nó, nhớ tưởng bao nhiêu việc về kinh nghiệm ấy, vân vân; do đó mình đã duy trì giữ lại sự phân chia giữa bản thân và điều được thể nghiệm. Nếu ngài không gọi tên cảm giác ấy – có nghĩa là ngài không tìm kiếm một kết quả, ngài không kết án phê phán, ngài chỉ im lặng ý thức trực tiếp về cảm giác kia – lúc ấy ngài sẽ thấy rằng không có người quan sát và điều quan sát trong cảm trạng ấy, bởi vì người quan sát và điều quan sát chỉ là một hiện tượng đồng nhất liên hợp, vì thế chỉ có sự hiện nghiệm thôi.
Thế là sự nội quan và sự trực thức đều hoàn toàn khác nhau. Sự nội quan dẫn đến sự phẫn chí tuyệt vọng, dẫn đến thêm nhiều xung đột tranh chấp, vì sự nội quan ngụ đựng ý nghĩa của lòng thèm khát thay đổi và sự thay đổi chỉ là sự liên tục biến dạng. Trực thức là trạng thái không còn sự phê phán, sự biện minh hay đồng hóa, do đó, mới có được sự giao cảm trong trạng thái trực thức tiêu cực linh động, không còn có người thể nghiệm, cũng chẳng có điều được thể nghiệm.
Sự nội quan chính là một hình thức của sự tăng trưởng bản ngã, bành trướng bản ngã và không bao giờ có thể dẫn tới chân lý, bởi vì đó luôn luôn là một tiến trình bưng bít bản thân; trái lại trực thức là một trạng thái mà chân lý có thể hình thành được, chân lý của hiện thể, chân lý đơn giản của cuộc hiện hữu thường nhật. Chỉ khi nào chúng ta hiểu được chân lý đời sống thường nhật thì chúng ta mới có thể đi xa được. Ngài phải bắt đầu ngay những gì gần bên mình thì mới đi xa được, nhưng phần đông chúng ta đều muốn nhảy vọt thật nhanh, muốn đi thật xa mà không hiểu được những gì gần nhất bên mình. Khi chúng ta hiểu được những gì gần gũi nhất bên mình thì chúng ta sẽ thấy rằng không có khoảng cách giữa xa và gần. Không có khoảng cách – sự bắt đầu và sự chấm dứt chỉ là một thôi.
PHẠM CÔNG THIỆN