Lại thấy cảnh ngày thu, trời cao mây cuốn, nhạn bay từng bầy về phía nam, rừng cây hiển hiện, cảnh vật lộ vẻ tươi sáng. Giá trị hiển hiện của cảnh vật mùa thu cuốn hút các thi nhân và họa gia rối rít lên đường, hướng ra phía ngoài mà quan sát cảnh vật, khơi nguồn cảm hứng sáng tác. Văn nhân họa gia tìm kiếm điều gì? Có thể là chính bản thân, cũng có thể là cảm giác ẩn náu bên trong. Hỉ nộ ái ố cùng kết duyên với thu, ví như một bài thơ thu cảm động, hay một bức tranh tuyệt mỹ cũng chính từ đây mà sinh ra.
Thơ họa cùng nhau ca ngợi cảnh sắc mùa thu
Những bức tranh bất tử, những bài thơ bất tử, trên mặt đất, trên không trung, ở mọi góc độ, được truyền tụng, thừa kế, truyền cảm hứng và đưa tới những sáng tác mới. Chúng ta hãy “đắm mình trong mùa thu” với những bài thơ và bức họa của những nghệ sĩ tài ba thời cổ.
Lý Bạch trong bài thơ “Cổ phong“, có câu
Tích ngã du tề đô, đăng Hoa Bất Chú phong
Tư sơn hà tuấn tú, lục thúy như phù dung
(Xưa du ngoạn Tề đô; Lên ngọn Hoa Bất Chú; Núi biếc vút trời mây; Như một búp sen xanh. Nhà thơ du ngoạn Tể Nam, leo ngọn Hoa Bất Chú gặp Tiên nhân Xích Tùng Tử. Xích Tùng Tử cho nhà thơ mượn một con hươu trắng. Nhà thơ “Vọt mây hình ở lại, vui thích nguyện đi theo”, cùng Xích Tùng Tử ngao du Tiên cảnh)
Hoa nhất định sẽ mọc trên núi, núi nhất định sẽ có nước, chung quanh mênh mông một vùng, núi tuy không cao, nhưng giữa biển lại mọc lên một đỉnh núi, giống như một đóa phù dung mọc trên mặt nước. Tất cả những hình ảnh này đã được Lý Bạch gói gọn trong những lời thơ kia, sau đó lại được Triệu Mạnh Phủ vẽ lên trong bức “Thước Hoa thu sắc đồ“. Vùng sơn thủy hữu tình này đã được hai vị danh nhân thiên cổ để ý đến, tỏa lấp lánh ánh rực rỡ, muốn không nổi danh thiên hạ e là thật khó.
Cơ duyên tạo nên bức họa “Thước Hoa thu sắc đồ”
Trong những năm đầu tiên của vua Nguyên Trinh (1295), Triệu Mạnh Phủ lúc đó đã 42 tuổi, ông cáo bệnh từ quan, từ Tế Nam trở về quê hương Chiết Giang, Hồ Châu của mình. Sau khi Triệu Mạnh Phủ trở về, kết giao không ít bè bạn, một trong những người bạn bấy giờ ông quen là văn sĩ Châu Mật – nguyên quán ở Tế Nam, Sơn Đông. Châu Mật là một trong những cây bút nổi tiếng thời Nam Tống, với danh tác “Võ lâm cựu sự” được lưu truyền cho đến tận ngày nay.
Châu Mật có cố hương ở Sơn Đông, nhưng vì loạn thế ngăn trở, ông chưa bao giờ trở về được cố hương. Sau khi Nam Tống diệt vong, ông bỏ chức quan về Hàng Châu quy ẩn, đối với Sơn Đông luôn một lòng nhung nhớ. “Đường Tây thu vãn” của ông viết ra chứa đậm nỗi nhớ quê lâu ngày: “Điều lão phiêu ngô tuyết, chanh hương trụy sở kim. Hạo nhiên hồ hải tư, trọng phú cố sơn ngâm.” (Hoa lăng tiêu già cỗi tung bay theo tuyết, cây cam nặng trĩu một màu vàng, cuồn cuộn sông nước trong lòng, ngâm bài thơ nhỏ về cố sơn). Có thể thấy nỗi nhớ quê hương từ vùng đất lạ thấm đẫm trên những trang giấy.
Vì muốn để nỗi tiếc nuối một đời của người bằng hữu trở nên vơi nhẹ, Triệu Mạnh Tử – vừa rời Sơn Đông không lâu, nơi cũng có những kỉ niệm gắn bó với ông trong 3 năm làm quan tại đây, đã vẽ ra bức “Thước Hoa thu sắc đồ“. Hai chữ “Thước Hoa”, thể hiện hai ngọn núi đại diện tại Tế Nam là Thước sơn và Hoa Bất Chú sơn.
Thước Hoa lưỡng sơn diêu diêu tương vọng (Hai ngọn núi Thước Hoa đững đó ngóng trông nhau)
Khi mở ra bức họa “Thước Hoa thu sắc đồ”, ta nhìn thấy hai ngọn núi Thước Sơn và Hoa Bất Chú Sơn xa xa nhìn nhau, một tròn một nhọn, cương nhu tương hỗ, đúng như sự miêu tả về hình dáng thật của hai ngọn núi: Thước Sơn tròn đầy, như con voi nằm sấp; Hoa Sơn đỉnh nhọn, như kiếm chỉ lên trời. Hai hình thế khác nhau nhưng lại cùng một màu sắc, vừa giống như liên thủ lại tựa như đối thủ, dẫn người xem đến một thủy vực ôn hòa thoáng đãng, theo thời gian chậm rãi hiện lên, hướng chúng ta đến một cảnh sắc mùa thu của hàng trăm năm về trước.
Hai ngọn núi đều được Triệu Mạnh Phủ tô đậm bằng màu xanh của đá, đề cao sự cao lộng trong màu sáng xanh diễm lệ, thêm chút mực tạo ra màu xanh đậm, hai màu đan xen lấy nhau, chỗ đậm chỗ nhạt, như một màu xanh của ngọc bích. Trên núi Hoa Bất Chú có thêm những vết nứt của đá, như là sợi gân của lá sen, bên phía Thước sơn cũng được vẽ những đường đất chảy xuống, tạo nên một cảm thụ cho thị giác, để hai màu xanh lam vĩnh viễn in sâu trong tâm thức người xem.
“Thước Hoa thu sắc đồ” là tác phẩm hội họa được công nhận là kiểu vẽ “thanh lục sơn thủy” trong lịch sự hội họa. Các chi tiết trên bức họa có một vùng đầm nước với hai ngọn núi khác biệt. Mùa thu nơi rừng núi, các cành cây được bao phủ bởi sắc đỏ của lá thu, che chắn những ngôi nhà có mái ngói đỏ, phản ánh một cuộc sống sung túc bình an của nhà nông truyền thống cổ xưa. Bức tranh mô tả những cư dân siêng năng, với lưới đánh cá và một chiếc thuyền trên mặt nước. Ở phía bên là đàn trâu đang thong thả hưởng thụ thanh nhàn, không phải chịu sự hò la bực bội của con người nhờ những ngày thu mát mẻ.
Trong lúc đó, một phu nhân dựa cửa nhìn quanh; cách đó không xa, có một người xách trượng điềm nhiên băng qua vùng hồng diệp (những chiếc lá đỏ) hướng về phía căn phòng có người thân đang chờ đợi. Qua bao nhiêu thế kỉ tới nay, cuộc sống của con người chính là có quy luật như vậy – đi rồi lại trở về, nào đã từng thay đổi?
Thu tình vẽ ý đều ở trong bút mực – Thưởng thức kỹ xảo
“Thước Hoa thu sắc đồ” là lấy “bình viễn pháp” làm kết cấu cơ chuẩn cho tác phẩm, đất bồi lớn nhỏ xa gần chạy dài, lau sậy khắp nơi, thuyền nhỏ đong đưa, phòng xá bằng phẳng; họa gia dùng bút pháp viết ý giản hóa, viết lên ý tứ mùa xuân bên trong bức tranh. Vẽ bãi bồi nước dùng một cây bút khô, theo những đợt sóng ngang tầng tầng trùng điệp mà họa. Nói đến vẽ cây cối, thân cây chỉ đơn giản là đưa hai nét mực hai bên. Nhánh cây vẽ theo kiểu sừng hươu, đúng theo phương pháp đa dụng thời cổ xưa nhất. Lá cây thì dùng các loại mực điểm như lá cây tùng, cây hồ tiêu, cây giới chữ… Dãy núi dùng những nét rời, vết nứt trên núi như những gân của lá sen. Ở nơi đây, những chiếc lá đỏ rải rác đầu mùa thu, tương phản với màu xanh lục của cây cối, sử dụng sự vật tương phản đặt liền kề nhau.
Bãi bồi thủy ngạn mơ màng cùng với những đợt sóng gợn lăn tăn giản dị, những cây tùng trên khu rừng xen lẫn toát lên một hình ảnh bình yên ổn cố. Ngư dân được đắm mình trong tiết thu, giăng lưới bắt cá, mải mê kiếm sống. “Thước Hoa thu sắc đồ” có thể lưu truyền thiên cổ là vì bút pháp của nó theo thiên hướng tự nhiên, giản dị thực tế, không khoa trương, không vẽ tranh để bán, không cố tình tạo ra hiệu ứng đặc biệt, chỉ phản ánh một cách mộc mạc nhất cuộc sống cư dân của vùng Sơn Đông. Chắc chắn rằng, đây là một tầng ý nghĩa khác của chủ nghĩa hiện thực.
Hơn nữa, người họa sĩ vẽ lại cảnh vật dựa trên trí nhớ, vì thế mà việc ông để ý đầu tiên chính là lấy họa mà gửi ý, đem cảnh vật ấn tượng từ hai ngọn núi nổi tiếng đặt sát cạnh nhau. Bút pháp giản lược này cũng tạo một khoảng cho người xem liên tưởng về việc cảm thụ “thu ý”. Triệu Mạnh Phủ khởi xướng “cổ ý”, thay đổi phong cách vẽ xưa của Nam Tống, dung hợp văn nhân họa, hình thành phương pháp vẽ tranh “thanh lục sơn thủy“, tạo thành một phong cách vẽ mới trong triều đại nhà Nguyên, làm cho bức tranh trở nên nổi bật, từ độ mịn sáng đến bản chất đơn giản, hồn nhiên, tinh khiết; từ đó thúc đẩy sự hoàn hảo và trưởng thành của trường phái tranh hiện thực.
Đôi nét về tác giả Triệu Mạnh Phủ
Triệu Mạnh Phủ (1254 – 1322), tự là Tử Ngang, hiệu là Tùng Tuyết Đạo Nhân, tên gốc là Tùng Tuyết, là cháu đời thứ 11 của Tống Thái Tổ.
Vào đầu thời Nguyên, Hốt Tất Liệt sai người đi điều tra về những người tài trong tiền triều, Triệu Mạnh Phủ được chọn trúng, ông được phụng chiếu làm quan, trải qua từng đời Thế Tổ, Thành Tông, Nhị Tông Tam Đại, giữ chức hàn lâm học sĩ, được phong tước làm Ngụy Quốc Công, Thụy Văn Mẫn.
Triệu Mạnh Phủ bác học đa tài, giỏi thơ, thư pháp, tinh thông nghệ thuật, hơn nữa còn có khả năng về âm nhạc và giám định nghệ thuật. Ông có rất nhiều tác phẩm nghệ thuật thư pháp cùng hội họa được thế nhân biết tới. Thư pháp của ông có phong cách rất mạnh mẽ, kết cấu nghiêm chỉnh, bút pháp viên thục, người đời gọi thư pháp của ông là “Triệu thể”. Về phương diện hội họa có những kỹ xảo độc đáo, vận bút tài ba, khai sáng phong cách vẽ mới cho triều đại nhà Nguyên.
Theo epochtimes.com
Uyển Vân biên dịch