Kẻ tiêu dao ngoài đời bất tất phải giới tửu, nhưng nên giới tục; khách quần hồng bất tất phải hiểu văn chương nhưng cần phải cư xử dịu dàng. 方 外 不 必 戒 酒, 但 須 戒 俗; 紅 裙 不 必 通 文, 但 須 得 趣。
Phương ngoại bất tất giới tửu, đãn tu giới tục; hồng quần bất tất thông văn, đãn tu đắc thú. (Trương Trào – U Mộng Ảnh)
Đọc câu này, hẳn sẽ có không ít những vị chân tu – những người đã vui với mùi thiền duyệt trong cảnh tiêu dao thế ngoại, đã quyết tâm đem thân bỏ chốn am mây để cầu giải thoát – phải chau mày! Đem bậc phương ngoại tương phối với khách hồng nhan, chỉ có những tay tài tử như Trương Trào mới nghĩ ra ngẫu đề thú vị này.
Giới tục có nghĩa là đừng để trở nên thô tục, theo kiểu tục cốt phàm tâm. Tô Đông Pha có bài thơ nói về chữ tục.
Ninh khả thực vô nhục, Bất khả cư vô trúc. Vô nhục linh nhân sấu, Vô trúc linh nhân tục, Nhân sấu thượng khả phì, Sĩ tục bất khảy. 寧 可 食 無 肉, 不 可 居 無 竹 。 無 肉 令 人 瘦, 無 竹 令 人 俗 。 人 瘦 尚 可 肥, 士 俗 不 可 醫 。 Thà ăn cơm không thịt, Ở không thể thiếu trúc. Không thịt khiến người gầy, Không trúc khiến người tục Gầy có thể mập ra, Sĩ tục đành hết thuốc.
Mới là kẻ sĩ mà đã tục thì hết thuộc chữa, huống chi là những kẻ rong chơi trời phương ngoại? Đó là những kẻ đã ly gia xuất thế, phiêu nhiên như hạc nội mây ngàn, đoạn tuyệt những lụy phiền của thế tục để sống một đời du tăng trong cảnh giới tự tại an nhiên. Đã sống một đời phiêu nhiên như mây nước, lòng không còn vướng trong vòng tục lụy thì hiển nhiên cốt cách phải thanh cao, phong thái phải xuất trần. Nếu không phải là người có trí tuệ xuất chúng và có tâm vô chấp quyết không làm được. Đó là một Đỗ Bá Thăng trong thơ của Tô Đông Pha:
Dục thức đương niên Đỗ Bá Thăng, Phiêu nhiên vân thủy nhất cô tăng.
欲 識 當 年 杜 伯 升 , 飄 然 雲 水 一 孤 僧 。
Đỗ Bá Thăng là bạn Tô Đông Pha, người Thành Đô, đậu tiến sĩ, nhưng ý chí xuất trần, nên không muốn làm quan, mà xuất gia lấy pháp danh là Pháp Thông, qua lại ở miền Ngô Trung. Làm một du tăng sống đời “phiêu nhiên vân thủy”, như con nước chảy, như đám mây bay. Thân sống trong đời, nhưng tâm thuộc cõi trời phương ngoại. Đó là hình ảnh của tu sĩ độc cư “cô đơn như một con tê giác” sống hạnh xả ly trong kinh Khaggavisāṇa Sutta.
Giới tửu là điều cấm quan trọng của Phật giáo, đã có ngay từ trong tam quy ngũ giới của đệ tử tục gia, chứ chưa cần nói đến những giới cấm cao hơn. Nhưng uống rượu, giống như uống trà, cũng có nhiều cách uống. Đâu thể đem cách uống trà đá ừng ực như “ngưu ẩm” để sánh ngang với cách thưởng ngoạn trà theo phong cách trà đạo của người xưa? Đối với rượu cũng vậy. Người ta thường chia ra làm ba cách uống rượu: tục tửu, thường tửu và tiên tửu. Tục tửu là uống đến chỗ phóng đãng bừa bãi, không làm chủ được mình. Đây là cách uống của tục tử phàm phu. Thường tửu là uống cho sảng khoái, uống chỉ vì thích uống mà thôi. Đây là cách uống của hạng thường nhân. Còn tiên tửu là uống rượu như một thứ trợ hứng để nâng cao cảnh giới tinh thần mà phát huy sáng tạo. Đối với kẻ phương ngoại thoát trần thì rượu uống hiển nhiên phải là tiên tửu. Cho nên đã thực sự là người thông tuệ, tự tại ngao du trong “cõi ngoài” như Đỗ Bá Thăng, nếu có một chút rượu để giúp tâm hồn thêm mênh mông tiêu sái thì hà cớ gì phải giới tửu? Hiền thánh như Khổng Tử mà còn không ngần ngại diện kiến người đẹp Nam Tử thì hà cớ gì kẻ tiêu dao phương ngoại phải giới tửu một cách khắt khe? Nhưng nếu những kẻ không tài hoa, nương nhờ cửa Phật chỉ vì cùng đường mạt lộ, hay vì kiếm kế mưu sinh mà cũng bắt chước thực hiện điều này thì e sẽ làm rối loạn cửa Thiền!
Trần Định Cửu 陳 定 九, khi đọc câu nói của Trương Trào, đã có lời bình rất lý thú:
Ta uống rượu không nhiều, nhưng kẻ tiêu dao thế ngoại mà không biết uống rượu thì thề không nói chuyện; khách hồng quần mà không biết cư xử dịu dàng thì cũng chẳng thích cận kề. (Ngã bất thiện ẩm, nhi phương ngoại bất ẩm tửu giả thệ bất dữ chi ngữ; hồng quần nhược bất thức thú, diệc bất lạc dữ cận. 我 不 善 飲 , 而 方 外 不 飲 酒 者 誓 不 與 之 語 ; 紅 裙 若 不 識 趣 , 亦 不 樂 與 近 。)
Đã thế phát quy y, đem thân gởi chốn Không môn thì có nghĩa là rượu thành thuốc độc. Nhưng tuy rong chơi trời phương ngoại mà không biết uống rượu há chẳng phải là mất đi một người bạn giỏi như Trần Định Cửu? Chẳng đáng tiếc lắm ru? Một cao tăng tiêu dao thế ngoại như Phật Ấn nếu không có giao tình với một kẻ tài hoa chốn quan trường như Đông Pha thì bản sự không khỏi khiếm khuyết mấy phần. Liệu người đời sau còn có nhớ đến Liễu Nguyên nếu như không có Tử Chiêm?
Hồng quần ở đây chỉ kỹ nữ thanh lâu. Kỹ nữ xinh đẹp mà lại thông thạo văn chương dù hãn hữu nhưng không phải là không có, được gặp gỡ dĩ nhiên là điều tuyệt thú. Nhưng ở chốn phong trần đó mà mong mỏi tìm được kỹ nữ xinh đẹp lại thông thạo văn chương thì điều đó e bộ quá cao, không khỏi có chỗ “bất cận nhân tình”! Đến nơi đó, hà tất phải đàm luận văn chương?
Trong lịch sử Trung Quốc, có nhiều giai đoạn kinh tế phát triển nhưng phong hóa suy đồi. Đó là những là giai đoạn mà người ta gọi là “anh hùng hạ đài nhi vô lại đương đạo. 英 雄 下 台 , 而 無 賴 當 道 。” (anh hùng xuống đài mà bọn vô lại lên ngôi.) Những kẻ bất tài, vô đức nhưng lắm tiền của, lại có quyền lực trong tay thay nhau thao túng xã hội, khiến tay danh sĩ đâm ra chán ngán thời cuộc, tìm lãng quên thế sự trong những kỹ viện, thanh lâu – nơi có những phụ nữ tài hoa nhưng do thời cuộc mà phải lưu lạc chốn phong trần. Trong số các kỹ nữ đó, có nhiều người tài mạo song toàn, ngoài nhan sắc diễm lệ, còn có thêm tài thi họa, hát xướng, đem lại những lạc thú tao nhã, từ đó đã tạo nên nhiều giai thoại để đời giữa danh sĩ và kỹ nữ. Thử hỏi chốn thanh lâu mà tìm được một Thúy Kiều, há chẳng phải là điều hạnh ngộ?
Đem kẻ tiêu dao ngoài đời tương phối với kỹ nữ thanh lâu, đúng là ý lạ, nên Chu Kỳ Cung 朱 其 恭 bỡn cợt vô cùng ý vị:
Để kẻ phương ngoại không giới tửu gặp gỡ khách hồng quần chẳng thông văn ắt có nhiều chuyện đáng xem. (Dĩ bất giới tửu chi phương ngoại, ngộ bất thông văn chi hồng quần, tất hữu khả quan. 以 不 戒 酒 之 方 外 , 遇 不 通 文 之 紅 裙 , 必 有 可 觀 。)
Câu nói của Chu Kỳ Cung khiến ta nhớ lại câu thơ tuyệt diệu của Đinh Hùng: Phù dung bên phù thế, cõi nào thực cõi tiêu tao? Hồng phấn lẫn hồng trần, đâu đã vì đâu ô trọc?
Kẻ tiêu dao phương ngoại xem cõi đời là phù thế để rong chơi làng “vô hà hữu” của Trang Châu, nhưng khói phù dung cũng đưa được tinh thần người thơ đến cõi tiêu tao. Vậy thì “cõi nào thực cõi tiêu tao?”. Kỹ nữ thanh lâu làm hoen ố cuộc đời hay chính cuộc đời làm hoen ố các kỹ nữ thanh lâu? Vậy thì ai dám khẳng định “đâu đã vì đâu ô trọc?”.
Đọc xong câu văn của Trương Trào và câu thơ của Đinh Hùng, ta không khỏi phát sinh vô vàn cảm khái. Đọc kinh Phật, nếu bớt quan tâm đến những lời chú giải hàn lâm, mà tập lắng nghe những câu kinh qua hơi thở bình thường của đời sống, đôi khi ta có cơ duyên phát hiện ra những điều vi diệu. Cho nên thử tưởng tượng nếu như những khách hồng quần tài hoa đang lăn lóc phong trần trong thiên hạ cùng nâng một ly rượu để mời tất cả những kẻ đang tiêu dao “phiêu nhiên vân thủy” ở cõi trời phương ngoại thì đùng một cái, phải chăng ta như nghe ra câu “bất cấu, bất tịnh” của Bát-nhã Tâm kinh?