(Bài giảng của HT Tuyên Hoá ngày 26 tháng 5 năm 1999 tại Tịnh Tông Học Hội Singapore, file thứ 8, số lưu trữ: 19-012-0008)
Thưa quý vị đồng học, cùng tất cả mọi người.
Xin mời quý vị xem hai câu tiếp theo trong Cảm ứng thiên:
Thiện ác chi báo,
Như ảnh tùy hình.
(Việc báo ứng thiện, ác,
Như bóng luôn theo hình.)
Bốn câu mở đầu là cương lĩnh tổng quát của toàn bản văn. Phần còn lại của bản văn đều nhằm giảng rõ bốn câu này.
Hai câu đầu tiên nói tổng quát: “Họa phúc vô môn, duy nhân tự chiêu.” (Họa, phước không cửa vào, đều do người tự chuốc.) Đó là nói về nguyên lý cảm ứng. Tiếp theo là hai câu: “Thiện ác chi báo, như ảnh tùy hình.” (Việc báo ứng thiện ác, như bóng luôn theo hình.) Đó là nói rõ lẽ chân thật của sự báo ứng.
Trong bốn câu này có đủ cả lý lẽ và sự tướng. Y báo và chánh báo đều trang nghiêm tốt đẹp trong khắp pháp giới hư không, đó là quả báo cảm ứng lớn lao. Hiện trạng của mỗi một thế giới, mỗi một xã hội, đó là hình thức nhân quả báo ứng nhỏ hơn. Cho đến trường hợp của mỗi một cá nhân, mỗi một gia đình, thì đó là nghiệp nhân quả báo ở phạm vi nhỏ nhất. Cho nên, đức Phật thuyết dạy hết thảy Kinh điển đều không ra ngoài nguyên lý đó. Như kinh Hoa Nghiêm giảng về “ngũ chu nhân quả”, kinh Pháp Hoa giảng về “nhất thừa nhân quả”… Do đó mà biết rằng, dù là pháp thế gian hay xuất thế gian, hết thảy đều giảng rõ về nhân duyên quả báo. Cho nên, nhà Phật thường nói: “Vạn pháp giai không, nhân quả bất không.” (Muôn pháp đều là không, nhưng nhân quả thật có.)
Ngày hôm qua chúng ta đã đọc qua chuyện Vệ Trọng Đạt đời Tống. Trong thực tế, đưa ra câu chuyện này chỉ như một ví dụ mà thôi, vì mỗi một cá nhân, mỗi một chúng sinh, có ai không giống như vậy? Chúng ta một đời tạo tác vô số nghiệp tội, nhất là làm người trong thời hiện đại này. Người thời xưa cũng tạo nghiệp, nhưng thử lấy chuyện Vệ Trọng Đạt ra mà xét, tuy ông ta tạo nghiệp ác rất nhiều, nhưng so với chúng ta thời nay thì nghiệp ác của ông như vậy là ít. Những nghiệp ác người thời nay tạo ra, nếu so với nghiệp ác của Trọng Đạt, chí ít nhất cũng phải nhiều gấp trăm lần, ngàn lần hoặc hơn thế nữa. Nguyên nhân là vì sao?
Người xưa từ thuở nhỏ đã được tiếp nhận nền giáo dục của thánh hiền. Cho nên hết thảy những nghiệp ác mà Vệ Trọng Đạt đã tạo đều chỉ là những ý niệm, những suy nghĩ xấu ác, chưa hề biến thành hành động. Đã có ý niệm xấu ác nhưng không dám thực hiện hành động xấu. Do đâu mà không dám? Là do có sự răn dạy của thánh hiền. Người thời nay không chỉ có ý niệm xấu ác, mà họ dám làm tất cả. Nghiệp ác lớn nhất là bất hiếu với cha mẹ, khinh chê Tam bảo [họ cũng làm]. Chúng ta thử nghĩ xem, tự mình có dám làm những tội như vậy hay không? Chúng ta cả đời khởi tâm động niệm, nói năng hành động, luôn tự mình suy xét có hổ thẹn với cha mẹ hay không, có hổ thẹn với Tam bảo hay không? Những tội như vậy còn không dám làm, huống chi là các tội [động trời] kia!
Kinh Vô Lượng Thọ nói: “Tiên nhân bất thiện.” (Do người trước không khéo dạy.) Nói cách khác, [khi một người phạm tội,] không thể hoàn toàn trách cứ người ấy, [vì còn phải xét đến yếu tố giáo dục của những người đi trước]. Đó là tấm lòng của người quân tử nhân hậu, có thể khoan thứ cho hết thảy những kẻ phạm tội. Nhưng quỷ thần không khoan thứ như thế. Chư Phật, Bồ Tát có thể khoan dung tha thứ, nhưng quỷ thần không khoan dung tha thứ. Mọi việc thiện ác rốt cùng đều có quả báo, chỉ là đến sớm hoặc muộn mà thôi.
Đối với việc nhận lãnh quả báo, lý lẽ rất sâu xa, sự tướng vô cùng phức tạp. Chúng ta không thể chỉ nhìn vào những việc trước mắt. Đối với việc trước mắt, cần phải có trí tuệ chân thật mới thấy ra được [nhân quả trong đó]. Phàm phu làm sao có khả năng thấy được [nhân quả] trước mắt? Khi có người cố tình tạo nghiệp, quý vị phải thấy cho đến kết quả cuối cùng của họ thì mới thực sự hiểu rõ được ý nghĩa quả báo “như bóng luôn theo hình”.
Đạo Phật dạy rằng có ba loại quả báo. Thứ nhất là hiện báo. Tất cả quả báo đều có nhân, có duyên, hợp thành nhân duyên quả báo. Nhân là những điều đã làm trong quá khứ, duyên là những điều kiện, cơ hội đang gặp hiện nay, khiến cho những chủng tử nghiệp từ trong tạng thức (a-lại-da thức) được lôi kéo hiện ra, biến hóa thành quả báo hiện tiền. Quả báo thiện, nhất định là do có chủng tử thiện. Chủng tử ấy là nhân, đã gặp được duyên lành. Duyên có hai loại, đều gọi là tăng thượng duyên. Một là tăng thượng duyên có hoàn cảnh thuận lợi, hai là tăng thượng duyên có hoàn cảnh trái nghịch. Cả hai loại tăng thượng duyên thuận và nghịch đều có quả báo tốt đẹp, đó là vì sao? Vì có nhân tốt, trong tạng thức có chủng tử thiện, ấy là nhân thiện.
Nếu như trong tạng thức chứa chủng tử xấu ác, ấy là nhân xấu ác, dù gặp duyên lành cũng biến hiện thành sự việc xấu ác, liền có quả báo xấu ác hiện ra.
Sự thật [nhân quả báo ứng là] như thế, chúng ta chỉ cần lặng lẽ quan sát sơ qua là đã có thể thấy được ngay, rất rõ ràng, minh bạch.
Những gì trong đời tôi đã gặp, các vị đồng tu theo tôi nhiều năm đều biết rõ. Trong những việc ấy, có đủ cả duyên lành và nghịch duyên không tốt. Duyên lành là tôi gặp được nhiều bậc minh sư, như Tiên sinh Phương Đông Mỹ tiếp nhận, dẫn dắt tôi vào cửa Phật, Đại sư Chương Gia giúp tôi có được nền tảng, căn cơ vững chắc, Lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam giúp tôi thành tựu [sự nghiệp học Phật]. Đó đều là những nhân lành, duyên lành.
Về sau, trong quá trình hoằng pháp, đạo trường nơi tôi xuất gia lại không dung chứa, tôi bị trục xuất phải ra đi, đó là nghịch duyên không tốt. Quý vị thử nghĩ xem, rồi sau quả báo tốt hay không tốt? Quả báo rất tốt. Nếu tôi không bị trục xuất phải ra đi lúc đó, cuộc đời này của tôi hẳn đã không thành tựu. Vì sao vậy? Sự thành tựu của tôi phải nhờ trải qua trăm ngàn rèn luyện trên bục giảng. Dù đạo tràng xưa đối với tôi tốt hơn, cũng không cho phép tôi giảng kinh, tôi không có cơ hội lên bục giảng. Cho nên, nghịch duyên không tốt ấy về sau lại thành quả báo tốt đẹp.
Sau đó tôi gặp Hàn Quán trưởng. Suốt một đời bà, trong 30 năm qua luôn giúp đỡ tôi, thành tựu mọi việc cho tôi, tạo cho tôi cơ hội giảng giải kinh điển. Việc quản lý đạo trường bà ấy hoàn toàn nắm hết. Có rất nhiều người, xuất gia cũng như tại gia, đến nói với tôi rằng: “Hàn Quán trưởng đoạt quyền.” Tôi cười nói, có người cai quản mọi việc, chẳng phải như thế càng tốt hay sao? Tôi không lo gì việc ấy. Cho nên, có những người thấy vậy cho là nghịch duyên, [tiếc cho tôi] sao lại gặp phải một người như vậy?
Trong trường hợp của tôi, đối với tôi thì đó là duyên lành, bà ấy giúp thành tựu cho tôi. Bà ấy việc gì cũng muốn, tôi việc gì cũng giao cho bà, bao nhiêu tham sân si của tôi đều dứt sạch. Cho nên, nhân lành dù gặp duyên xấu, quả báo vẫn là tốt đẹp. Tôi có được thành tựu ngày hôm nay, dù người khác nói rằng bà ấy không tốt, tôi vẫn cảm tạ đại ân đại đức của bà. Đó là chỗ mà phàm phu thế gian không thể thấy biết được.
Đối với nghiệp nhân quả báo, chỉ người có trí tuệ chân chánh mới thấy biết rõ ràng, mới thấu suốt được.
Điều quan trọng, thiết yếu nhất là sự tu dưỡng tâm. Tâm là nhân, hoàn cảnh bên ngoài là duyên. Cho nên, gieo cấy được hạt giống tâm tốt đẹp, đó là nhân tốt, dù gặp nghịch duyên xấu ác, về sau kết quả vẫn là tốt đẹp. Gieo nhân lành được quả lành, gieo nhân xấu nhất định gặp quả báo xấu. Ý nghĩa đó trong bản văn này trình bày hết sức rõ ràng, hết sức sáng tỏ. Vì thế, trong các loại quả báo có hiện báo, đó là khi nhân mạnh mẽ, duyên thù thắng, [ngay lập tức tạo thành quả báo].
Loại quả báo thứ hai gọi là sinh báo. Sinh báo là ngay trong đời này chưa thấy quả báo, đợi sang đời sau mới có. Trong thế gian này chúng ta thấy được rất nhiều trường hợp như thế, có những quả báo lành, hoặc quả báo xấu ác, dường như không do nhân tạo ra ngay trong đời này. Có người hiền thiện, tốt bụng, nhưng lại gặp quả báo không tốt, phải sống đời nghèo hèn khốn khó. Lại có người rõ ràng xấu ác, lại được phát tài, cực kỳ giàu sang phú quý. Qua đó chúng ta biết rằng, nhân lành giàu sang phú quý của người ấy là gieo trồng từ đời trước, đến đời này quả ấy thành thục nên được hưởng, còn những nghiệp ác người ấy tạo trong đời này, đến đời sau sẽ nhận quả báo. [Đó gọi là nhân] quả báo [ứng] tương quan trong cả ba đời: [quá khứ, hiện tại và tương lai.]
Loại quả báo thứ ba gọi là hậu báo. [Đối với loại quả báo này,] kể từ đời thứ ba về sau đó, không nhất định thời điểm nào, có khi là cách xa rất nhiều đời, lúc nhân duyên hội đủ, quả báo liền xuất hiện.
Thấu hiểu rõ ràng được những ý nghĩa này, mỗi khi khởi tâm động niệm đều phải tốt đẹp thành thật, tâm địa phải hiền hậu tử tế. Người tâm địa thuần hậu thì nhất định hưởng phước sâu dày. Người tâm địa khắt khe khinh bạc thì nhất định sẽ gặp tai họa hung hiểm. Ý nghĩa như thế, sự thật như thế, tất cả chúng ta đều phải thấu hiểu rõ ràng.
Có một đoạn chú giải nói rằng: “Tạo tác các việc thiện ác, báo ứng như bóng theo hình.” Đó là dùng hình ảnh thí dụ để minh họa. Hình ở đây là thân thể chúng ta, ở nơi có ánh nắng chiếu liền xuất hiện bóng đen bên dưới. Bóng ấy nhất định luôn đi theo thân hình của ta, không thể rời khỏi. Thí dụ này nói rõ lẽ báo ứng cũng tương tự như thế.
Cho nên, ngàn vạn lần cũng không được hiểu sai, thấy kẻ làm việc ác không chịu quả báo rồi do đó mất đi lòng tin. Người xưa giảng rằng, kẻ làm việc ác mà hiện tại không thấy chịu quả báo xấu ác, đó là phước báo từ đời trước của kẻ ấy còn chưa hưởng trọn. Ngày nay được hưởng đó chính là phước báo từ đời trước. Một khi phước báo đời trước đã hết, nghiệp tội xấu ác tràn đầy, quả báo liền xuất hiện.
Cùng một ý nghĩa tương tự như thế, người có tâm thiện, làm nhiều việc thiện, nhưng không thấy được hưởng phước báo ngay trước mắt, thậm chí có khi quan sát bản thân người ấy, gia đình người ấy, còn thấy gặp rất nhiều tai họa hung hiểm. Nhiều người thấy vậy không còn tin tưởng vào luật nhân quả. Những người ấy không hiểu được rằng, ngày nay phải chịu nhiều hung tai hiểm họa, chính là do nghiệp ác đã tạo trong đời quá khứ vẫn còn lưu lại. Đợi khi nhận chịu xong những dư báo xấu ác ấy thì phước báo liền đến. Đó là lúc quả thiện được thành tựu trọn vẹn.
Tâm hiền thiện, hạnh nguyện tốt lành, cho dù ở trong nghịch cảnh nào, gặp phải nghịch duyên nào, cũng quyết không suy giảm, thối thất. Phải giữ lòng tin kiên định, hạnh nguyện tốt đẹp không thối chuyển. Người như vậy đích thật có phước báo.
Ngày trước khi tôi còn cầu học ở Đài Trung, Lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam dạy tôi đọc sách Ngũ chủng di quy của Trần Hoằng Mưu biên soạn. Trong sách có thiên Tâm tướng, thầy đặc biệt chú trọng, bảo tôi nên đọc lại nhiều lần, đọc kỹ nghĩ sâu, nỗ lực làm theo, sửa chữa lỗi lầm.
Người tu hành chân chánh, mỗi ngày đều phải tự kiểm điểm những lỗi lầm của bản thân mình, mỗi ngày đều nhận ra được những sai lầm khiếm khuyết. Như thế nhà Phật gọi là khai ngộ. Người khai ngộ rồi, mỗi ngày đều tự sửa chữa sai lầm khiếm khuyết của bản thân, đó gọi là tu hành chân chánh, là công phu chân thật, phước báo về sau nhiều không thể suy lường.
Việc sửa lỗi nhất định phải bắt đầu từ trong tâm. Tâm là gốc rễ, là cội nguồn sinh ra họa, phước. Một niệm hiền thiện trong tâm thì đó là cội nguồn của phước báo; một niệm xấu ác trong tâm thì đó là cội nguồn của tai họa. Cho nên, họa, phước không cửa vào, đều do người tự chuốc.
Thời xưa, ở nhà có cha mẹ dạy dỗ, đến trường có thầy cô giáo dưỡng. Chúng sinh ngày nay, thực tế mà nói thật vô cùng bất hạnh, chẳng được ai dạy dỗ. Như lớp người cùng tuổi với tôi còn có được chút duyên may, nên lúc nhỏ được cha mẹ dạy dỗ, khi đi học được thầy dạy dỗ, cũng còn một chút duyên may. Khi đến Đài Loan, vẫn còn chút duyên thầy trò, được sự dạy dỗ, quả thật là muôn phần may mắn. Đó là chuyện mà trong Phật pháp thường nói: “Bá thiên vạn kiếp nan tao ngộ.” (Trăm ngàn muôn kiếp khó gặp được.)
Các bậc thầy mà tôi thân cận, cũng có rất nhiều người khác thân cận. Học trò của Tiên sinh Phương Đông Mỹ rất đông, học trò của Đại sư Chương Gia cũng rất đông, học trò của Lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam cũng rất đông, nhưng sự thành tựu vì sao chẳng giống nhau?
Tôi từng nói qua với quý vị nguyên nhân này rồi. Đó là sự ham học hỏi. Quý vị ham học hỏi, gặp được những bậc thiện tri thức như vậy liền có sự thành tựu. Tự thân quý vị không ham học hỏi, dù có gặp cũng bằng như không. Tự mình ham học hỏi là nhân, gặp được bậc đại thiện tri thức là duyên, ấy là duyên lành. Cho nên, điều quan trọng thiết yếu nhất vẫn là nhân đã tạo của chính mình. Tự mình không có nhân sâu dày [trong đời này], thì các nhân ấy chính là trong quá khứ nhiều đời nhiều kiếp đã từng tích lũy, đã từng tu tập mà thành, không phải chỉ trong một đời.
Cho nên, chúng ta nhìn thấy các bậc minh sư có rất nhiều học trò, nhưng số người thực sự thành tựu không nhiều, ý nghĩa là ở chỗ này. Thuận duyên giống nhau nhưng nhân đã tạo không giống nhau, quả báo cũng không giống nhau. Chúng ta hiểu rõ được ý nghĩa này, thấy biết được sự thật này, thì tự biết bản thân mình nên tu học như thế nào.
Ngày nay quý vị đều thấy rõ được thế giới này có nhiều tai nạn. Không cần đến những lời tiên tri dự báo từ xưa của phương Đông hay phương Tây, tự chúng ta cũng có thể thấy được. Từ đâu mà thấy được? Từ nơi lòng người. Cổ thư Trung quốc nói rất nhiều về điều này. Lòng người tốt đẹp, tử tế, chân thật thì xã hội bình an ổn định, người dân được hưởng phước lành. Nếu lòng người đầy ngờ vực, nghi kỵ, đầy tham lam, sân hận, si mê, kiêu mạn, thị phi, nhân ngã… thì xã hội không bình an ổn định, thế giới ấy không được thái bình.
Trong thực tế, nếu muốn cứu vãn kiếp nạn này thì [việc lưu hành] hai quyển sách Liễu Phàm tứ huấn và Cảm ứng thiên rất hiệu quả. Chúng ta mỗi ngày tụng đọc, giữ làm theo đúng lời dạy trong sách, chân thành niệm Phật cầu sinh Tịnh độ, như vậy chắc chắn có thể thành Phật. Cho nên, khi các vị đồng môn yêu cầu tôi giảng hai quyển sách này, tôi hết sức hoan hỷ. Trong thời điểm hiện nay mà giảng hai quyển sách này là cực kỳ thích hợp. Trong nhà Phật có nói đến các yếu tố khế cơ và khế lý, đây thật là hết sức khế hợp thời cơ.
Hôm nay thời gian đã hết. Chúng ta giảng đến đây thôi.