Tì Bà Hành – Bạch Cư Dị, văng vẳng đâu đây tiếng khóc nỉ non vương lệ của người kỹ nữ

Tiếng đàn tì bà văng vẳng trên sông như tiếng khóc nỉ non vương lệ của người kỹ nữ. Từng cung bậc cảm xúc được lảnh lót khi như tiếng vó ngựa xung trận, như tiếng đao khua trên chiến địa khi như tiếng xé lụa bên tai. Những cung bậc ấy tựa như dòng đời của người chơi đàn. Khi sóng đời vỗ triền miên mang đau khổ, khi tang thương nuốt lệ ngậm ngùi.

Bạch Cư Dị biểu tự Lạc Thiên, hiệu Hương Sơn cư sĩ, Túy ngâm tiên sinh hay Quảng Đại giáo hóa chủ, là nhà thơ Trung Quốc nổi tiếng thời nhà Đường. Ông là một trong những nhà thơ hàng đầu của lịch sử thi ca Trung Quốc. Đối với một số người yêu thơ văn thì người ta chỉ xếp ông sau Lý Bạch và Đỗ Phủ.

Năm Nguyên Hoà thứ 10, ông về giữ chức Tư Mã ở quận Cửu Giang. Qua mùa thu năm sau, đêm ra tiễn khách bên bến sông Bồn, chợt nghe thuyền ai có tiếng đàn tỳ bà vọng lại. Nghe trong tiến đàn thánh thót, âm vang điệu nhạc ở kinh đô. Tiếng đàn là lời tâm tình của người chơi đàn và cũng là lời giãi bày tự sự của khách nghe đàn. Hai con người tưởng chừng như xa lạ bỗng chốc gần nhau hơn chỉ bởi tiếng đàn. Nhờ thế mà bài thơ Tì Bà Hành được ra đời.

(Ảnh: Pinterest.com)

Bữa tiệc chia li chủ khách bâng khuâng nơi bến nước, trà tửu đủ đầy mong nghe tiếng sáo, đàn

Đêm trên bến Tầm Dương, canh khuya tiễn khách. Tiếng gió thu se lạnh đìu hiu thổi, âm thanh xào xạc từ bờ lau khiến cảnh tiễn đưa như mang vẻ buồn bã, bồi hồi mà bịn rịn. Không gian của tiết trời thu cùng hoa lá cỏ cây, những con gió thu thổi làm lạnh lẽo cả cõi lòng, chút hơi thở của thu làm dấy lên nỗi buồn man mác:

Bến Tầm Dương, canh khuya đưa khách.
Quạnh hơi thu, lau lách đìu hiu.
Người xuống ngựa, khách dừng chèo,
Chén quỳnh mong cạn, nhớ chiều trúc ty.

Trước đây, Tản Đà thích thú và khen câu thơ này là “tuyệt cú Tiếng đàn tì bà mới huyền diệu làm sao, đã làm cho “chủ khuây khỏa lại, khách dừng dằng”. Như níu giữ và mênh mang mênh mang… Cuộc tiễn đưa giữa đôi bạn tri âm lại là sự mở đầu cho cuộc gặp gỡ vô cùng cảm động giữa một giai nhân và một tài tử.

Bài thơ viết theo thể thất ngôn và thơ song thất lục bát thấm đẫm chất thơ thời Đường. Làm cho buổi tiễn đưa tuy buồn vời vợi nhưng đâu đó là âm thanh của sự sống. Tiếng lòng cất lên réo rắt cùng tiếng đêm trên mặt sông như du dương trầm bổng.

Bỗng đâu đây là tiếng tì bà, âm thanh cất lên văng vẳng bến đò khuya. Tiệc rượu ngon tiễn bạn hiền, nơi không gian hữu tình mà tĩnh lặng, ước chi được nghe tiếng đàn, tiếng sáo, phải chăng đó là chút thỏa lòng.

Say những luống ngại khi hầu rẽ,
Nước mênh mông đượm vẻ gương trong.
Tiếng tỳ chợt vẳng trên sông,
Chủ khuây khoả lại, khách dùng dằng xuôi.

Lần tiếng sẽ hỏi ai đàn tá?
Lửng tiếng đàn, nấn ná làm thinh.
Dời thuyền theo hỏi thăm tình,
Chong đèn, thêm rượu, còn dành tiệc vui.

Tiếng đàn cất lên rồi bỏ lửng, khiến người khách cứ muốn được nghe thêm. Có lẽ người phụ nữ ấy như mọi đêm ôm đàn mà tự tình, tỉ tê thì hôm nay gặp được người biết thưởng đàn. Khách nghe đàn mà hiểu được tình của người chơi. Nên đã cố nấn ná dò hỏi mà gặng người đàn hãy chơi thêm khúc nữa.

Mời mọc mãi thấy người bỡ ngỡ,
Tay ôm đàn che nửa mặt hoa.
Vặn đàn vài tiếng dạo qua,
Tuy chưa trọn khúc, tình đà thoảng hay.

(Ảnh: Thivien.net)

Bạch Cư Dị miêu tả sự xuất hiện của mĩ nhân qua câu thơ đầy ý vị: ‘‘Tay ôm đàn che nửa mặt hoa’’. Giữa cảnh đêm thu tịch liêu, bến sông nước cùng đôi bạn tri kỉ. Không gian với con người như hòa quện khi bóng mĩ nhân ôm cây đàn tì bà cất lên tiếng đàn xa thẳm phá vỡ sự tĩnh lặng đìu hiu vắng vẻ. Sự hòa quện giữa con người và cảnh vật đang tạo lên bức tranh trọn vẹn sắc màu.

Nhà thơ và sự đồng cảm của mình qua tiếng đàn tì bà

Nghe tiếng đàn của người cất lên mà não ruột, như một tiếng khóc than cho thân phận một kiếp người. Nhưng trong đó chẳng hề có chút gì oán hận. Chỉ xót thương cho kiếp bọt bèo, phù du.

Khúc nhạc đầu là nỗi niềm bày tỏ, như một lời giới thiệu cho buổi gặp gỡ thi nhân tài tử. Qua vẻn vẹn mấy câu thơ, người đọc cũng có thể hiểu được con mắt tinh tường của tác giả. Qua dáng điệu và cử chỉ bỡ ngỡ, ngượng ngùng, mày chau, tiếng tơ lòng của khúc dạo đàn, ta có thể đoán được một tâm trạng, một cuộc đời, một số phận chẳng mấy êm đềm mà đâu đó là thăng trầm bể dâu của người kỹ nữ.

Tiếng dạo đàn là nỗi buồn sâu thẳm đầy u uất. Giọt lệ sầu cứ mãi lăn dài. Thần thái của tiếng đàn kỹ nữ được cảm nhận một cách tinh tế. Bạn tri âm không hẹn mà gặp. Nhà thơ phải là một tài tử sành điệu cầm, kì, thi, họa mới có cái tai Chung Tử Kì có thể hiểu được khúc giao tình qua tiếng đàn ấy:

Nghe não nuột mấy dây bứt rứt,
Dường than niềm tấm tức bấy lâu.
Chau mày, tay gảy khúc sầu,
Giãi bày mọi nỗi trước sau muôn vàn.

Cảm xúc như nén chặt trong đáy sâu tâm hồn của một con người tài sắc bạc mệnh được “giãi bày” qua âm sắc, giai điệu tì bà với bao “buồn bực”, “tấm tức”, “nghe não nuột” như khóc như than. Câu thơ “Mày chau tay gảy khúc sầu” là một nét tâm trạng đầy bi kịch.

Ngón buông, bắt, khoan khoan dìu dặt,
Trước “Nghê thường”, sau thoắt “Lục yêu”.
Dây to nhường đổ mưa rào,
Nỉ non dây nhỏ như trò chuyện riêng.

Qua những câu thơ trên ta có thể thấy được sự cảm thụ tài tình của nhà thơ từ tiếng đàn tì bà và phong thái chơi đàn của người kỹ nữ nói lên được rằng đây là một nghệ sĩ tài năng thứ thiệt. Một tay đàn hiếm thấy.

Có thể thấy rằng, qua tiếng đàn này giữa tài tử và giai nhân như có điểm tương đồng trong nhịp điệu tâm hồn. Trong bữa tiệc hoa trên bến Tầm Dương, thính giả của kỹ nữ là một tài tử văn nhân rất sành nhạc, đặc biệt hơn, còn có một cuộc đời, một nỗi niềm cay đắng, trải qua nhiều thăng trầm, trôi nổi giống như kỹ nữ.

(Ảnh: Pinterest.com)

Tiếng đàn mang theo cung bậc giai điệu và cảm xúc, những nỗi niềm của hai tâm hồn đa tài, đa cảm.

Qua 14 câu thơ tiếp theo, người đọc có thể thấy sự tài tình trong nghệ thuật miêu tả tiếng đàn của Bạch Cư Dị. Ông sử dụng nghệ thuật ẩn dụ, so sánh để ca ngợi âm sắc giai điệu tiếng đàn Tì bà của kỹ nữ. Ngón đàn điêu luyện của nghệ sĩ đàn cùng âm thanh trầm bổng như sầu thương, như giận dữ, làm mê say, đắm đuối lòng người.

Bốn ẩn dụ cuối, là biến thái của giai điệu tì bà như nước tuôn trào ra khỏi bình bạc vỡ, rầm rập như đoàn quân thiết kị xung trận, như tiếng đao khua trên chiến địa, như tiếng xé lụa vang lên… Hình ảnh nào cũng thần tình, câu thơ nào cũng đẹp, cũng “thanh tao”. Ngôn ngữ thơ tràn ngập âm thanh:

Tiếng cao thấp lần chen liền gảy,
Mâm ngọc đâu bỗng nảy hạt châu.
Trong hoa, oanh ríu rít nhau,
Suối tuông róc rách chảy mau xuống ghềnh.

Tiếng suối lạnh, dây mành ngừng tắt,
Ngừng tắt nên phút bặt tiếng tơ.
Ôm sầu, đau giận ngẩn ngơ,
Tiếng tơ lặng lẽ bấy giờ càng hay.

Bình bạc vỡ tuôn đầy mạch nước,
Ngựa sắt giong, thét ngược tiếng đao.
Cung đàn trọn khúc thanh tao,
Tiếng buông xé lụa, lựa vào bốn dây.

Thuyền mấy lá đông tây lặng ngắt,
Một vầng trăng trong vắt lòng sông.

Ngậm ngùi đàn bát xếp xong,
Áo xiêm khép nép hầu mong giải lời.
Rằng xưa vốn là người kẻ chợ,
Cồn Hà Mô trú ở lân la.

Học đàn từ thuở mười ba,
Giáo phường đệ nhất sổ đà chép tên.
Gã thiện tài sợ phen dừng khúc,

Tiếng đàn là lời tự tình về thăng trầm cuộc đời trôi nổi trong bể dâu

Tiếng đàn phá vỡ đi rào cản ngăn cách và đem hai tâm hồn giai nhân tài tử như gần gũi nhau hơn. Sự đồng điệu mà trở thành tri ân. Ngôn ngữ thơ từ miêu tả chuyển thành tự sự. Hai câu tả dáng điệu khép nép, đau buồn của nàng là một nét vẽ phác qua có thần:

“Ngậm ngùi đàn bát xếp xong,
Áo xiêm khép nép hầu mong giãi lời”.

Lời giãi bày về cuộc đời người kỹ nữ đã có thời oanh liệt, vàng son khi thời son trẻ. Tài sắc của nàng đã từng làm bao nhiêu người say đắm một thời. Rồi như kẻ say đắm chìm trong mật ngọt, tuổi xuân thì trôi đi trong phung phí:

“Năm… năm lần nữa vui cười,
Mải trăng hoa chẳng đoái hoài xuân thu”.

(Ảnh: Pinterest.com)

Nhan sắc kia như đóa hoa sớm nở tối tàn, đời kỹ nữ phôi pha theo năm tháng rồi bị bi kịch gia đình cuốn trôi: dì chết, đứa em trai ra lính. Mải mê phung phí tuổi xuân để rồi chịu cảnh tình duyên hẩm hiu buồn tẻ: “thân già mới kết duyên cùng khách thương”. Để rồi kết cục cuộc đời nàng vẫn sống trong cô đơn nổi trôi như con thuyền giữa dòng nước. Khi chẳng tìm thấy đâu là chốn bình yên thì tâm hồn như héo úa tàn tạ.

“Thuyền không đậu bến mặc ai,
Quanh thuyền trăng dãi, nước trôi lạnh lùng”.

Qua hình ảnh con thuyền, vầng trăng, dòng nước trong câu thơ mang ý nghĩa tượng trưng cho thân phận một kiếp phù hoa cô đơn của các kỹ nữ trong cuộc đời. Cuộc đời con người khi kiếm sống bằng sắc thì thời gian chính là kẻ thù của họ. Bởi thời gian kia chẳng loại trừ ai, năm tháng trôi sắc phai tài kém thì còn đâu những oanh liệt thời son trẻ. Giờ chỉ là những nuối tiếc khôn nguôi.

“Đêm khuya sực nhớ vòng tuổi trẻ,
Chợt mơ màng dòng lệ đỏ hoen ”…

Bạch Cư Dị đã dùng 20 câu thơ nói lên tâm sự của mình. Nghe đàn, rồi nghe kỹ nữ giãi bày tâm sự, thi nhân lòng nặng trĩu buồn thương, tận sâu trong ông là nỗi niềm cảm thông, rồi lại xen lẫn sự xót xa cho thân phận má đào:

“Nghe đàn ta đã chạnh buồn,
Lại rầu nghe nỗi nỉ non mấy lời ”

Ngẫm tới cuộc đời mình cũng phiêu bạt trôi dạt “Tầm Dương đất trích gối sầu hôm mai ”, sự xót xa, cay đắng khi cuộc sống trở nên buồn tẻ nhạt nhẽo, sự cô đơn xa lạ nơi hoang vu quạnh vắng. Đây cũng là tam trạng và nỗi đau buồn của một vị quan bị thất thế, một thi nhân đa tài đa cảm mang nặng nỗi đau đời:

“Sông Bồn gần chốn cát lầm
Lau vàng trúc võ âm thầm quanh hiên ”

Sống giữa nơi “cuốc kêu sầu, vượn hót véo von ” mượn chén rượu nhạt giải sầu. Nay nghe tiếng đàn tì bà mà ngỡ như lời tự sự của tự thân mình, giọt nước mắt của giai nhân như giọt lệ của người tài tử. Tiếng đàn như xoa dịu nỗi đau trong tâm hồn nhà thơ, khiến ông như quên đi mọi nỗi buồn mà tận hưởng tiếng đàn ngỡ như “tiên nhạc”:

“Tỳ bà nghe dạo canh khuya,
Dường như tiên nhạc gần kề bên tai”.

Những giọt lệ của giai nhân và tài tử như cùng chung một nỗi niềm. Khóc cho số phận, khóc cho tài năng, khóc cho một đời tài hoa mà nhiều cay đắng lận đận.

Tiếng đàn tì bà như ai oán rung lên cuối tiệc rượu. Như tiếng khóc thê lương sầu thảm. Cảm tạ lòng tri âm mà kỹ nữ “lại lựa phím đàn kíp dây”. Tiếng đàn càng trở nên thê lương hơn, sầu não hơn với cả tấm lòng đồng điệu. Tiếng đàn hay quá nghe mãi cũng không chán, nghe đến tàn canh vẫn còn muốn nghe. Hơn thế nữa, cuộc hội ngộ đêm nay đối với thi nhân, mãi mãi là một kỉ niệm, mối duyên nợ tài tử – giai nhân.

(Ảnh: Pinterest.com)

Trong bài thơ Tì Bà Hành thì tiếng đàn kỹ nữ, chén rượu tiệc hoa, giọt lệ trên màu xanh lam – chiếc áo của quan Tư mã trong đêm thu Tầm Dương mang ý nghĩa sâu sắc, tượng trưng cho số phận bi kịch nhiều đắng cay và chìm nổi của khách tài tử, giai nhân trong cuộc đời. Thăng trầm trong cuộc đời và sự nhào nặn ấy với những đau khổ và cay đắng khôn nguôi cho một kiếp người.

Tì Bà Hành bộc lộ tài năng tuyệt đỉnh trong nghệ thuật miêu tả tiếng đàn tì bà của Bạch Cư Dị. Đồng thời mượn nỗi lòng của giai nhân qua tiếng tì bà mà nói lên tâm trạng của mình, gửi gắm theo đó là những đắng cay, thăng trầm đầy đau khổ mà cuộc đời của một con người phải trải qua. Để từ đó mà thấy được một chân lí nhân sinh: Làm người là phải chịu khổ và không có gì là trường tồn vĩnh cửu. Danh-lợi-sắc-tài cũng chỉ là phút chốc thoảng qua.

(Bài viết sử dụng bản dịch thơ của Phan Huy Thực)

Tịnh Tâm


Nguồn: ĐKN

You may also like...