Tản Đà ký ức thiên truyện – Vầng sao Khuê trên bầu trời văn chương đất Việt

Trong văn đàn Việt Nam những năm đầu thế kỉ XX đã xuất hiện một vầng sao Khuê. Dù rằng cuộc đời của ông vừa tới tuổi “tri thiên mệnh” đã ra đi; dù rằng thời gian để ông say sưa với rượu, thù tạc với bạn bè, giang hồ phiêu lãng trong Nam ngoài Bắc nhiều hơn bên bàn viết; thế nhưng, cùng với cá tính vô cùng đặc biệt, ông đã kịp để lại một sự nghiệp khá phong phú, đa dạng cả về số lượng lẫn chất lượng tác phẩm. Thi sĩ tài năng ấy là Tản Đà.

Ngôi sao Khuê ấy đã vạch một đường bay, để rồi lốm đóm, và rồi cả một giải Ngân Hà sao cháy rực lấp lánh. Nhà thi sĩ, nhà văn hóa tiền đạo ấy thực sự là người có công đầu tiên khai mở một thời đại cho thơ ca Việt Nam, một thời đại văn học Việt Nam chuyển hướng mạnh mẽ.

Trăm năm thơ túi, rượu vò
Nghìn năm thi sĩ, tửu đồ là ai?

Con người ấy đã bao lần tự giới thiệu mình, khi thì tách mình ra, mình gọi mình và bắt người ta gọi mình là “bác”.

Trời sinh ra bác Tản Đà
Quê hương thời có, cửa nhà thời không
Nửa đời nam, bắc, tây, đông
Bạn bè sum họp vợ chồng biệt ly
Túi thơ đeo khắp ba kỳ
Lạ chi sông biển, thiếu gì gió trăng

Trời sinh ra bác Tản Đà. Quê hương thời có, cửa nhà thời không. (Ảnh: Pinterest.com)

Vị Khuê tinh bị đày xuống hạ giới?

Trong “Giấc mộng con II” của Tản Đà, Đông Phương Sóc – một vị tiên bị đày xuống hạ giới và là nhân vật trong truyện – đã giới thiệu Tản Đà là “vị Khuê tinh” vì “dám làm thơ liệng sang cung Quảng hàn bị Cuội bắt đem trình Thượng Đế. Ngài giận mới đày ông xuống hạ giới”. Vậy mà vẫn thơ phú có tình ý với Hằng Nga nên Thượng Đế “tặng thêm cái hạn đày ông hai năm nữa”.

Nhưng, Trời đã giải thích trong niềm tin yêu độ lượng cha con:

Trời rằng: “Không phải là Trời đày
Trời định sai con một việc này
Là việc “Thiên lương” của nhân loại
Cho con xuống thuật cùng đời hay”

Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu sinh ngày 20 tháng 4 năm Kỷ Sửu (tức 25 – 5 – 1889) quê ở làng Khuê Thượng, huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây (nay là Sơn Đà, Ba Vì, Hà Tây). Quê hương núi Tản Viên, sông Đà Giang này đã để lại trong thơ Tản Đà nhiều vần hay:

Mạch nước sông Đà tim róc rách
Ngàn năm non Tản mắt lơ mơ
(Ngày xuân thơ với rượu)

Nước rợn sông Đà con cá nhảy
Mây trùm non Tản cái diều bay.
(Còn chơi)

Dải sông Đà bọt nước lênh bênh
Bao nhiêu cảnh bấy nhiêu tình

Dòng dõi thế phiệt trâm anh

Gia đình Tản Đà là dòng dõi thế phiệt trâm anh. Ông tổ sáu đời làm quan to; Phương Đình Nguyễn Văn Siêu là người cùng họ; nhà thơ trào phúng Nguyễn Thiện Kế là anh rể và là người mở đường cho Tản Đà vào nghiệp văn chương:

Phụ thân Tản Đà là Nguyễn Danh Kế, đậu cử nhân, làm quan triều Huế. Tản Đà là con bà vợ ba và con trai út trong 11 người con trai của gia đình.

Phụ mẫu nhà thơ là Nhữ Thị Nhiêm, vốn là cô đào hát nổi tiếng ở Nam Định có hồn thơ rất mực tài hoa.

Phụ mẫu ông vốn là cô đào hát tài hoa có tiếng. (Ảnh minh họa: Wikipedia.org)

Tản Đà ba tuổi để tang cha; lên bốn mẹ bất hòa với gia đình bỏ nhà trở lại nghề đào hát. Tản Đà ở với người anh khác mẹ là Nguyễn Tài Tích – đã đậu phó bảng, từng làm tri huyện Vụ Bản (Nam Định), làm đốc học Hà Nội.

Thuở nhỏ Tản Đà học chữ Nho, theo văn chương cử nghiệp. Năm 1907 Tản Đà học trường Quy Thức, nơi dạy quốc ngữ, Pháp văn và những tri thức văn hóa u Tây.

Những ngày tiếp xúc với “tân thư”

Từ năm 1911, Tản Đà tiếp xúc được với “tân thư” và làm quen với các nhà tư tưởng lớn phương Tây qua sách dịch của Trung Quốc. Từ 1916 đến 1920 Tản Đà lần lượt xuất bản:

– Khối tình con I (1916)
– Khối tình con II (1918)
– Khối tình con bản chính, Khối tình con bản phụ (1918)
– Đài gương, Đàn bà Tàu, Thần tiền, Lên sáu (1919)
– Lên tám (1920)
– Tuồng “Tây Thi”, “Lưu Nguyễn nhập Thiên Thai”

Năm 1920, nhà thơ đi chơi Huế, Đà Nẵng. Lúc về ông viết “Thề non nước”. Năm 1912, Tản Đà làm chủ bút tạp chí Hữu Thanh. Báo ra được 12 số thì Tản Đà từ chức về Sơn Tây. Năm 1922, ông thành lập Tản Đà thư điểm sau hợp với Nghiêm Hàm thành Tản Đà tu thư cục. Từ năm 1921 đến năm 1925, Tản Đà xuất bản:

– Còn chơi (1921)
– Tản Đà tùng văn (1922)
– Chuyện thế gian I và II (1923)
– Trần ai tri kỉ, Quốc sử huấn mông (1924)
– Nhuân sắc tuồng “Truyện tì bà” của Đoàn Tư Thuật và dịch sách Đại học (1922), Kinh thi (1924).

Năm 1925 có phong trào ân xá Phan Bội Châu; 1926 có phong trào để tang Phan Châu Trinh, Tản Đà đã “đầu đơn chính phủ Tạp chí An Nam”, để viết báo mong lập sự nghiệp “có bóng mây hơi nước đến dân xã”. Từ ngày ra đời (1-7-1926) cho đến năm 1933, An Nam tạp chí èo uột, dở khóc dở cười, đứt thôi lại nối đến bốn lần và chết hẳn. Tờ báo ấy cũng phong vận như chủ báo. Sau khi thất bại ở Hà Nội, Nam Định, Vinh, Tản Đà có ý đưa An Nam tạp chí vào Sài Gòn nhưng không xin được phép nên ở lại cùng Ngô Tất Tố viết phụ trương cho Đông Pháp thời báo của Diệp Văn Kỳ.

Từ năm 1926 đến năm 1933 Tản Đà xuất bản:
Giấc mộng con II (1932)
Giấc mộng lớn (1932)
Khối tình con III (1932)

Năm 1934, “Tản Đà xuân sắc” đã không còn là một tin xuân cho độc giả đang hướng sự chú ý sang Thơ mới và Tự lực văn đoàn. Vì miếng cơm, Tản Đà phải quảng cáo chữa văn, quảng cáo cái nghề xem bói:

Còn như tiền đặt quẻ
Nhiều: năm, ít: có ba
Ít nhiều tùy ở khách
Hậu bạc kể chi mà!

Dịch thơ Đường

Nhà nguyên súy trên thi đàn một thời giờ đây dịch thơ Đường cho báo “Ngày nay”, dịch Liêu trai chí dị, chú giải Truyền Kiều….để mưu sinh thường nhật. Vì nợ tiền nhà, bị chủ đuổi, Tản Đà cùng “đoàn thê tử yếu và đuối”, về sống ở phố Cầu Mới (Ngã Tư Sở – Hà Nội).

Sau mấy ngày “ăn nhờ ở đậu” nhà bạn ở Phủ Quốc, Tản Đà ngất ngưởng trên chiếc xe kéo về Hà Nội. Giữa trưa hè bức sốt, tửu đồ đã nhảy xuống đầm lội bơi thích thú. Về nhà, Tản Đà ngã bệnh, không có tiền mời “đốc tờ”, ngày thứ năm ông trút linh hồn “môi mím khít lại … có nét mặt răn rúm của người chết khó khăn… Ở đầu giường bệnh vẫn cái chồng sách cũ nát trên cái ghế mọt thay làm án thư bên cái chồng sách bừa bãi đây đó mấy trang bản thảo… Và lẻ loi ở góc bàn vẫn cái hũ rượu cáp giới ngày nọ”.

Tản Đà ngồi xe kéo để trở về Hà Nội. (Ảnh: Loicaviet.com)

Trong bài “Bây giờ đây, khi cái nắp quan tài đã đậy lại” Lưu Trọng Lư kể: “… một buổi sáng (năm 1932) tôi xin vào “yết kiến” nhà thi sĩ mà bấy giờ tôi coi như một vị sứ giời sai xuống, hay bị đày xuống cõi trần gian để làm một anh nhà Nho ngông, một thi sĩ nghèo, một ông chủ bút phiêu bạt (…).

Tôi đến lần thứ nhất vào khoảng tám giờ sáng. Tên “tiểu đồng” cho tôi biết rằng: ông chủ nhiệm đương ngủ. Mười giờ tôi đã trở lại (…): thi sĩ vẫn chưa dậy. Mười một giờ, tôi lại đến: nhà Nho vẫn còn giấc. Tôi đành tự hẹn mình đến chiều. Hai giờ rưỡi tôi đến: Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu đã dậy và mới bắt đầu ngồi vào chiếu rượu. Một giờ sau, tôi trở lại nghĩ rằng bữa cơm của một kẻ “trần gian” lâu lắm cũng đến một giờ là cùng.

Bốn giờ tôi bước vào thì hình như tiên sinh vừa hạ … đũa. Tôi có cảm giác rằng tôi bây giờ là kẻ sứ giả của nhà Hán, đã vượt qua sáu châu ba đảo mới tìm thấy người tình của nhà vua. Chốc nữa, Dương Quý Phi sẽ phất tay áo bước ra nơi mái tây để tiếp tôi.

(…) Hình như thi nhân vẫn còn giữ cái vẻ cách biệt của một Tiên ông đối với kẻ phàm trần… (….) Tiên sinh là hạng người làm cho đời trở nên cầu kỳ, trở nên phiền toái trong những cái sự phát triển hằng ngày của nó (…).

Họ Lưu đã nhận xét: (…) Con người Nguyễn Khắc Hiếu chính là cái tác phẩm tuyệt xảo, một bài thơ hay nhất trong sự nghiệp của Tản Đà. Một người (…) có quyền trao cái tên mình lại cho hậu thế”.

Đọc những kỉ niệm về Tản Đà của các nhà văn và những người đương thời, ta có thể hình dung về một con người có cá tính rất lạ lùng, vì thế mà nền văn học Việt Nam có một nhà văn phong cách không giống ai. Trong cái xã hội hiện đại mà tốc độ, nhịp điệu cuộc sống đang quay nhanh đến chóng mặt thì Tản Đà vẫn sống thích thảng như những ẩn cư ngao du sơn thủy: muốn ăn, ngủ; muốn đi chơi hay làm việc đều tùy hứng, tùy thích.

Ăn uống thì rất cầu kỳ. Tản Đà thường tự làm lấy để cùng bạn bè nhâm nhi. Ông cho rằng để có một bữa ăn nó còn khó hơn công việc bếp núc văn chương. Đọc “Tôi và Tản Đà” của Nguyễn Văn Phúc, ta như nghe tiếng ngâm sang sảng:

Nghề ăn cũng lắm công phu
Làng ăn ta phải biết cho đủ mùi.

Và Tản Đà giảng giải: “Ăn uống tinh vi và khó khăn… ngoài những nhà tửu đồ có cốt cách, đã mấy ai là người biết thưởng thức cách ăn uống cho có nghệ thuật. Tôi cho nghệ thuật ăn uống cũng khó như nghệ thuật viết văn. Mà lại có khi còn hơn nữa” (…) “Tôi cần phải làm một quyển sách nhỏ nói rõ về sự ăn và đặt tên sách là: “Nghề ăn”. (…) Muốn ăn ngon đồ ăn phải ngon, giờ ăn phải ngon, chỗ ngồi phải ngon, người cùng ăn phải ngon…”

Đinh Hùng kể lại câu chuyện về lũ môn sinh chữ Hán làm cá cho thầy Tản Đà nhắm rượu mà thiếu mất bộ lòng. Suốt đêm thầy trò đã đốt đuốc đề tìm cho kì được bộ lòng cá trên bãi cỏ bờ sông vắng cho món “dấm cá có hồn”, để bữa cá không “thất niêm, thất luật”.

Còn về rượu thì Tản Đà là một tửu đồ. Ông cho rằng “Cái lệ của tạo nhân mặc khách, đã ăn tất phải uống, mà uống tất nhiên phải uống rượu, không có rượu thì thực là… “cầm thú chi tình”. Cái hồi in “An Nam tạp chí” ở Vinh, mới lên tàu ở Hàng Cỏ, Tản Đà đã say. Có lúc, tàu đưa ông vào tận Quảng Nam ông mới biết cần quay trở lại. Con ma men Tản Đà đã làm cho những người soát vé xe lửa phải biết tiếng. Họ không đánh thức và cũng chẳng kiểm vé ông bởi biết đó là Nguyễn Khắc Hiếu.

Khái Hưng rất khâm phục tài nói chuyện của Tản Đà. Ông phát hiện ra cái bình để trước mặt nhà thơ khi diễn thuyết “đựng đầy rượu ngang” và cho rằng: “Tản Đà chỉ có duyên trong khi say; không hơi men, Tản Đà buồn rầu, lạnh lẽo và chua chát”.

Có lần Tản Đà làm khách một nhà giàu ở Hòn Gai. Nhân mọi người đi vắng, ông hì hục đào nền gỡ gạch bông ra. Về nhà thấy vậy, chủ nhà hốt hoảng thì ông hồn nhiên: “Hôm nay trời mát, cuốc tí đất rồi nhắn người đưa húng Láng đến trồng”.

Phần 2

Tản Đà tự nhận mình là người vướng nợ giai nhân từ lúc lên năm!

Có lẽ cũng bởi ông chính là vị Khuê tinh đã tạo tội nghiệp “dám làm thơ liệng sang cung Quảng hàn bị chú Cuội bắt đem trình Thượng Đế. Ngài giận mới đày ông xuống hạ giới”.

Ông có ít nhất 4 mối tình. Tuyệt vọng với cô gái họ Đỗ, Tản Đà lên núi Tiêu Sơn (Hương Tích) làm thơ tế Chiêu Quân, tịch cốc chỉ ăn hoa quả rồi mấy tháng ăn thịt. Vừa về Nam Định với anh, chàng trai 24 tuổi đã say đắm một cô gái 13 tuổi. Sau đó về Vĩnh Yên, chàng lại yêu cô con gái tri phủ Vĩnh Tường. Tham gia dàn dựng vở “Tây Thi”, Tản Đà phải lòng cô đào Liên theo kiểu tính yêu nghệ sĩ dưới ánh đèn sân khấu….

Thực ra, những mối tình của Tản Đà cho cảm giác những đường nét nhẹ nhàng của một áng mây một làn gió thu khẽ lay động mặt hồ. Một kiểu tài tử giai nhân, một kiểu thoáng thơm của bông lài bông lý. Nó trong khiết như một khúc Thư Cưu trong Kinh Thi đã được Khổng Tử san định!

(Ảnh: Pinterest.com)

Nghiệp văn chương

Còn tại sao Tản Đà vướng vào nghiệp văn chương? Cứ như là một sự ngẫu nhiên bất chợt. Cứ như một phút giây gặp gỡ mà thành trăm năm của câu chuyện vợ chồng?
Nếu đúng như những gì Tản Đà kể thì đây không đơn giản là ngẫu nhiên. Trên đời này không có gì ngẫu nhiên. Ông Cao Xanh đã an bài cho nhân vật này một sứ mệnh.

Không hiểu tự lúc nào, người Việt chúng ta có một suy nghĩ mặc định: Những vĩ nhân, những anh hùng cái thế như Lý Thường Kiệt ,Trần Hưng Đạo ,Quang Trung… mới xứng được đời sau tôn trọng. Những người tin vào số mệnh thì nghĩ rằng, đó là những người được lịch sử an bài. Và những nhân vật góp mặt vào diện mạo văn hóa của dân tộc hoặc nhân loại cũng đều là có an bài.

Hãy nghe Tản Đà kể việc ông sáng tác văn chương và vướng vào cái nghiệp này:

“Nguyên đã ba hôm không ăn, trong bụng hư không, lại một phen say rượu mê ly, thành ra từ đấy về sau, khác hẳn từ đấy về trước”. Và cũng từ đấy “sinh ra làm nhiều thơ văn quốc văn”.

Vâng, Tản Đà như một cái đập chứa ở cuối nguồn của thi văn và văn hóa dân tộc. Hình như ông được an bài để tích lũy những giá trị truyền thống đã một thời vang bóng. Những giá trị ấy như một hồ nước trong tinh khiết. Rồi nó ẩn trong rừng sâu đại ngàn xa lánh sinh hoạt của con người phồn hoa đô thị mang văn hóa mới của phương Tây.

Để đến một lúc nào đó, khi cái hồ nước mới nhiều uế tạp, bao nhiêu người cần “Ta về ta tắm ao ta”. Lúc ấy ta về với Tản Đà, về với truyền thông ông cha..

Trên cơ bản, thơ văn Tản Đà vẫn là thơ văn truyền thống của dân gian, của những Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến… và ông cũng gần hơn với Nguyễn Công Trứ…

Tản Đà có phải là “ngông”?

Nói đến Tản Đà là người ta nghĩ ngay tới chữ “Ngông” – Cái phong cách này còn ảnh hưởng tới một nhà văn vốn tâm giao với Tản Đà là Nguyễn Tuân sau này.

Thực ra, cái “ngông” của Tản Đà hiểu trong chiều sâu xa là thái độ không chịu nhập cuộc, là sự dị ứng với xã hội kim tiền để tự hào với cái nghèo vật chất và giàu có về tinh thần. “Những nỗi chật vật của đời sống hằng ngày, những cảnh đời éo le thường phô bày ra trước mắt không từng làm bợn được linh hồn cao khiết của tiên sinh”.

(Ảnh: Pinterest.com)

Khi gặp đám dân đói rách trên tàu thủy, Tản Đà bỏ tiền chu cấp về Hải Phòng còn mời họ chụp ảnh lưu niệm; khi thăm Cửa Sót (Hà Tĩnh) ông bỏ tiền nhờ người dựng lều cho đám trẻ bơ vơ có chỗ che nắng mưa.

Ông khảng khái trả lời sứ giả viên quan họ Vi nếu muốn đòi tên dân đen Nguyễn Khắc Hiếu lên tỉnh có trát sẽ đi ngay, còn nếu muốn mời nhà thơ Tản Đà do có bụng liên tài thì phải đến túp lều cỏ của thi sĩ. Ngô Tất Tố đã kể lại buổi tiệc rượu ở Nam Kỳ, trong cơn say, Tản Đà đuổi bắt bạn như đứa trẻ thơ khiến Trần Qùy phải cau mày: “Làm cái gì thế? Người ta coi như cinema kia kìa”.

Tản Đà trả lời: “Ông phải biết cái thằng trong cinema nó không biết người ngoài là ai”. Chính họ Ngô đã kết thúc bài viết của mình: “Nhất sinh tư tưởng của ông Tản Đà có thể thu vào câu chuyện đó. Chính ông tự coi ông là một người bóng trong phim. Quốc dân, xã hội, mà đến cả thế giới nữa, đều là những người ngoài. Như thế, đối với ông, sự yêu ghét chê khen chỉ là sự thừa”.

Tản Đà, nhà văn của hai thế kỷ, gạch nối giữa nhà Nho tài tử và nhà thơ lãng mạn

Tản Đà là con người, là nhà văn của hai thế kỉ. Đó là gạch nối giữa nhà Nho tài tử và nhà thơ lãng mạn. Nhà Nho ấy vẫn ăn vận áo the đen, quần cháo lòng, uống rượu quê, vẫn giữ lối sống ung dung nhàn hạ, vẫn thường lui về ngôi nhà quê hương núi Tản sông Đà. Thế nhưng phần lớn cuộc đời ông thuê nhà ở thành thị, hì hục viết văn, viết báo để sinh nhai, tất bật chạy vào Nam ra Bắc để lo chuyện viết lách.

Tản Đà muốn mình là “Á đông Khổng phu tử chi đồ đệ” nhưng cũng rất kính trọng và muốn học Mạnh Đức Thư Cưu, Lư Thoa (Montesquieu; Rouseau) để xây dựng một sự nghiệp triết học An Nam có ích cho đời.

Tản Đà có gia đình, có cá tính rất riêng. Nhưng cơ bản để có một Tản Đà cho dòng văn học Việt Nam thì ông chính là con đẻ của buổi giao thời.

Thơ văn Tản Đà ra đời “giữa sự mong đợi của cả một thế hệ. Những bản đàn du dương như “khối tình” được đặc biệt hoan nghênh. Người ta mong đợi một người có thế tả được những nỗi chán nản, những điều ước vọng của mình, có thể ru mình trong giấc mộng triền miên – Thi sĩ Nguyễn Khắc Hiếu ra đời”. (Lê Thanh – Thi sĩ Tản Đà, 1939).

Sung mãn văn chương và vị trí quan trọng trên thi đàn

Đặt trong tình hình nền văn học nói chung và thơ văn quốc ngữ Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX nói riêng, ta thấy Tản Đà là một hiện tượng độc đáo. Giữa cái lác đác, thưa thớt của những tác phẩm và tác giả mờ nhạt, Tản Đà thật lực lưỡng và vạm vỡ. Ông cho ra đời trên dưới 30 tác phẩm với tư cách một nhà văn hóa phong phú và đa dạng. Ông quan tâm tới triết học, sử học, đạo đức, báo chí, ông viết văn xuôi (với tùy bút, tiểu thuyết, kịch, chú giải, bình chú…) ông dạo những cung đàn réo rắt báo hiệu trào lưu lãng mạn bằng những vần thơ bất hủ.

Tản đà. (Ảnh: Blogspot.com)

Vâng! Nói đến Tản Đà là người ta nghĩ ngay tới chân giá trị của một thi sĩ lớn. Ông làm tổ được trong lòng người đọc đương thời và cho đến hôm nay là nhờ ở những áng thơ trác tuyệt. “Dù viết văn gì, bao giờ Tản Đà cũng là một thi sĩ. Chỉ riêng thơ của ông là có thể làm cho ông có một địa vị quan trọng trên thi đàn”. (Vũ Ngọc Phan – Nhà văn hiện đại – Quyển II) “Giá trị chính xác của Tản Đà (…) phải tìm trong thơ của ông vì ông có cốt cách của thi sĩ, ưa cảm xúc, ưa mơ mộng hơn là lí luận”. Tuy “Văn tài của Tản Đà phát tiết nhiều nhất trong thơ ông; nhưng bản lĩnh Tản Đà thì văn xuôi của ông mới nói được hết”. Xuân Diệu đã lưu ý chúng ta như vậy.

Nói đến Tản Đà là nói tới sứ mạng tiên phong của người giải quyết nhu cầu canh tân văn học đầu thế kỉ. Tản Đà đã đưa cái “tôi” thành thực, không xấu hổ đặt giữa trang văn để nói lên tiên hầu trời hay chu du vào các xứ sở xa lạ trong quả địa cầu hay trên thiên đình. Tản Đà công khai tự thú về mình với những lo toan mưu sinh, với những tình yêu mây gió… Thơ Tản Đà tạo nên cuộc đối thoại đầy thân tình giữa nhà thơ và độc giả, mọi người thuộc thơ ông có lẽ là vì học đến được với tri kỉ, tri âm, đến được với chính mình. Cái tôi của Tản Đà nó ngông mà đáng yêu là bởi vì nó được quyền thành thực và mở cho người đọc nhiều đam mê khát vọng. Công chúng số đông thời Tản Đà đang có nhu cầu bức bách đòi giải phóng cá nhân như là một nhu cầu phát triển, họ đang chờ đợi nhà thơ của lòng mình và Tản Đà đã xuất hiện, gánh vác sứ mệnh ấy:

Còn trời còn đất còn non nước
Còn có văn chương bán phố phường

“Tản Đà là người thi sĩ đầu tiên mở đầu cho thơ văn Việt Nam hiện đại. Tản Đà là người thứ nhất đã có can đảm làm thi sĩ, đã làm thi sĩ một cách đường hoàng bạo dạn, dám giữ một bản ngã, dám giữ một cái “tôi”.”

Bao nhiêu lần tác giả đã công khai xưng danh mình:

Sông Đà núi Tản đúc nên ai
Trần thế xưa nay được mấy người
Trung hiếu vẹn tròn hai khối ngọc
Thanh cao phô trắng một nhành mai

Có khi ông lên thiên đình ngâm thơ cho Trời nghe và xưng cái ngã, cái Tôi của mình. Tuy có bẩm, có thưa nhưng đối thoại thật thân tình:

Dạ bẩm lạy Trời; con xin thưa:
Con tên Khắc Hiếu, họ là Nguyễn
Quê ở Á Châu, về Địa Cầu
Sông Đà, núi Tản, nước Nam Việt

(Ảnh: Pinterest.com)

Và đây là lời Tản Đà gửi bác Mai Lâm vì làm thơ khóc ông, tưởng ông đã chết. Có thể tìm được dấu đẳng thức giữa Tản Đà – cái Tôi và người tri âm kia:

Đà chưa cạn, Tản chưa mòn
Còn ai thi sĩ, lại còn tri âm
Nực cười cho bác Mai Lâm
Thương nhau chi sớm. Mà lầm khóc nhau

Nếu tính 17 năm cây đại thụ Tản Đà cho ra nhiều hoa quả ngọt ngào nhất (1916-1932) thì tác phẩm gây tiếng vang đầu tiên là “Giấc mộng I” (1917), để rồi sau bao nhiêu mộng nữa ông xuất bản “Giấc mộng lớn” (1932). Tản Đà đã coi mộng là cái mộng con, đời người mới là cái mộng lớn – “Xử thế nhược đại mộng”. Mộng chỉ khác nhau dài ngắn mà thôi.

Hai tập du kí “Giấc mộng con” của Tản Đà say sưa kể chuyện đi khắp thế gian, gặp hết người này xứ nọ; Để rồi sau đó ông lên thiên đình tri âm với những danh nhân, mỹ nữ từng vang bóng một thời trên trần gian, trong quá khứ như Nguyễn Trãi, Quý Phi, Tây Thi…

Những giấc mộng của Tản Đà đều là phản ứng của ông với cuộc đời, với văn chương; là để cho tâm hồn lãng mạn đưa ông thoát li khỏi thế giới ô trọc, cũng là những cuộc gặp gỡ có thật ở một không gian khác.

Những gì Tản Đà viết vẫn là những giá trị vĩnh hằng bất biến của văn hóa xưa. Ngày ấy người ta cho nó là lạc hậu, mê tín, không phát triển.

Phật Gia, Đạo Gia từ ngàn năm nay chẳng nói tới thế giới sắc không? Vì thế Tam Giới này con người sống trong Mê lầm cứ dùng Danh, Lợi, Tình để mang ách vào cổ mình. Gánh càng nặng, con đường thiên lý dằng dặc của sinh mệnh càng mệt mỏi, cuộc luân hồi hay giải thoát càng khó đi.

Phật Gia, Đạo Gia từ ngàn năm nay chẳng nói tới thế giới sắc không? (Ảnh: Pinterest.com)

Tản Đà chính là sống 2 thế giới, thế giới trần gian và thế giới của Phật Đạo Thần

Trên cơ bản Tản Đà đang sống với Lão Trang, với Phật Gia.

Vì thế, Tản Đà cho rằng “đời là một chỗ bắt người ta phải ở”. Đến những thế giới khác, những con người tầm cỡ, để sống để đối thoại là sự thực ở một không gian khác kia, là nửa kia cuộc sống của ông.

Người ta nói, thế giới thơ văn của ông là lãng mạn, là hoàn toàn tưởng tượng, song, thực ra đó là một thế giới mà ông có được những trải nghiệm qua nhiều con đường, nên ông tin rất thật.

Vì thế, ông mới tìm được “cái tự do trong sạch, cái độc lập thanh nhàn”, mới thấy “cảnh bao la bát ngát” của núi tuyết, sông Ngân… ông mới có tài văn chương để ngao du “một giải nước trong không đáy, hai thuyền con nhè nhẹ cùng bơi”.

Chỉ trong thế giới mộng (nhưng thực ra lại là thế giới thực ở một chiều không gian khác), Tản Đà mới thấy người ta tôn trọng cái thiên tài của mình: Thiên tài của những vần thơ “quỷ khốc thần kinh”, thiên tài của nhà văn kiêm triết học, luôn lo toan gánh vác quả địa cầu, luôn mong thực hiện cái sứ mạng gieo rắc đạo Thiên Lương mà trời trao cho.
Ở báo “Nam Phong” (1918), Phạm Quỳnh đã mỉa mai “… như chim bằng trong sách Trang Tử. Vùn vụt lại vùn vụt, mà chẳng biết đầu đuôi xuôi ngược cớ ra làm sao. Nhưng lạ thay! Đã đi thế sao không quá bước lên cung mây hỏi thăm chú Cuội!”.

Thực ra, cái điều Phạm Quỳnh bực tức lại chính là cái đóng góp của Tản Đà. Ông đã dám thành thực, dám trình bày khát vọng và cảm xúc thực của mình không che giấu; chia sẻ những điều mà người ta cho là chỉ cõi mộng mơ.

Họ Phạm sẽ rất ngạc nhiên nếu như đọc “Giấc mộng con II” Tản Đà đã giữ lời hứa. Lần này ông lên thiên đình thật! Ông gặp chú Cuội, ông cùng Đông Phương Sóc đi thăm cung Quảng Hàn.

Và có một lần, lúc canh ba, dậy đun nước uống, đi tung tăng ra sân gặp tiên mời về trời để đọc thơ cho Trời nghe:

Đọc hết văn vần sang văn xuôi
Hết văn thuyết lí lại văn chơi
Đương cơn đắc ý đọc đã thích
Chè tươi nhấp giọng càng tốt hơi.
“Văn đã giàu thay lại lắm lối”

khiến cho:

Chư tiên ao ước tranh nhau dặn:
Anh gánh lên đây bán chợ Trời

(Ảnh: Pinterest.com)

Và chính Trời cũng phê:

Nhời văn chuốt đẹp như sao băng
Khí văn hùng mạnh như mây chuyển
Êm như gió thoảng, tinh như sương
Đầm như mưa sa, lạnh như tuyết”

Chỉ có trong mộng nhà thơ Hầu Trời trích tiên ấy mới có được vần thơ tiên cách. Sự lưu đày nhà thơ tiên cách ấy dưới cõi thế là cốt đem cho đời cái đạo Thiên Lương. Với mộng, Tản Đà “đi qua cái hỗn độn của xã hội Việt Nam đầu thế kỉ XX với tấm lòng bình thản”.

Hết phần 2. 

La Vinh


Nguồn: ĐKN

You may also like...