Bài kệ “Cư trần lạc Đạo” của Phật hoàng Trần Nhân Tông chỉ có 4 câu, 28 chữ, lời thơ giản dị nhưng chứa đựng đạo lý sâu xa, hầu như bao hàm cốt lõi, yếu chỉ của dòng thiền Trúc Lâm.
Bài thơ dường như diễn dịch chính cuộc đời Ngài, dung nạp đại Đạo mà Ngài tham ngộ được, cũng là giáo lý cho đệ tử, bá quan văn võ, bách tính lê dân và người đời sau học tập, tu luyện.
Nguyên văn:
Cư trần lạc đạo thả tuỳ duyên,
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên.
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch,
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.
Dịch nghĩa
Sống ở cõi trần, vui với Đạo và tùy theo duyên
Đói thì ăn, mệt thì ngủ
Trong nhà sẵn của báu, đừng tìm đâu khác
Đối với mọi cảnh vật mà vẫn giữ được cái tâm vô vi, bất động thì không cần phải hỏi về thiền.
Dịch thơ:
Cõi trần vui Đạo cứ tùy duyên,
Đói bụng thì ăn mệt ngủ liền.
Báu vật trong nhà thôi tìm kiếm,
Đối cảnh vô tâm khỏi hỏi thiền.
Cõi trần vui Đạo cứ tùy duyên
Sơ Tổ thiền phái Trúc Lâm Phật hoàng Trần Nhân Tông (1258–1308) tên thật là Trần Khâm, là con trai đầu lòng của vua Trần Thánh Tông và Nguyên Thánh Thiên Cảm hoàng hậu Trần Thị Thiều.
Ngay từ khi sinh ra, Ngài đã tinh anh thánh nhân, thuần túy đạo mạo, sắc thái như vàng, thể chất hoàn hảo, thần khí tươi sáng, nên vua cha và ông nội, cũng tức là Thái thượng hoàng Trần Thái Tông, đã gọi Ngài là Kim Tiên đồng tử.
Sử sách chép rằng bên vai phải của Trần Khâm có nốt ruồi đen lớn như hạt đậu; người xem tướng đoán rằng hoàng tử về sau sẽ làm được việc lớn.
Năm mười sáu tuổi được lập làm Hoàng thái tử, Ngài cố từ chối để nhường lại cho em mà vua cha không chịu. Vua cưới trưởng nữ của Nguyên Từ quốc mẫu cho Ngài, tức là Khâm Từ thái hậu sau này.
Sống trong cảnh vui hòa hạnh phúc ấy mà tâm Ngài vẫn thích đi tu. Một hôm vào lúc giữa đêm, Ngài trèo thành trốn đi, định vào núi Yên Tử. Đến chùa Tháp ở núi Đông Cứu thì trời vừa sáng, trong người mệt nhọc quá, Ngài bèn vào nằm nghỉ trong tháp.
Vị sư trụ trì ở đây thấy Ngài tướng mạo khác thường, liền làm cơm thết đãi. Vua cha hay tin, sai các quan đi tìm, Ngài bất đắc dĩ phải trở về.
Ngài thường ăn chay nên thân thể gầy ốm. Thánh Tông thấy thế lấy làm lạ, nên hỏi nguyên do, Ngài trình thật với cha. Thánh Tông khóc bảo: “Nay ta đã già, chỉ trông cậy một mình con, con lại làm như thế, làm sao gánh vác được sự nghiệp của tổ tiên?”.
Ngài nghe dạy cũng rơi nước mắt. Thế là Ngài theo cái duyên phận của kẻ làm con, tận chữ hiếu, dốc sức theo học đạo kinh bang tế thế, an lòng vua cha, kế nghiệp tổ tiên. Quả đúng là:
Lòng vui với Đạo muốn xa đời
Làm con chữ hiếu chẳng buông lơi.
Xã tắc lâm nguy vai gánh vác,
Trùng Hưng kỳ tích rạng muôn đời.
Khi giặc Nguyên sang xâm chiếm, Ngài với duyên phận và trách nhiệm của xã tắc đã đoàn kết quân dân, đích thân xông pha nơi mũi tên hòn đạn, cổ vũ khích lệ tướng sỹ, trên dưới một lòng nên đã hai lần đại phá quân Nguyên, giữ gìn trọn vẹn đất nước.
Dưới sự trị vì của Trần Nhân Tông, hai cuộc hội nghị nổi tiếng được ghi vào sử sách là: hội nghị các tướng lãnh ở Bình Than, hội nghị những bô lão trong cả nước ở Diên Hồng để bàn mưu kế, tỏ quyết tâm chống giặc. Sách Việt Sử Tiêu Án chép rằng:
“Mỗi lần có tin báo quân Nguyên sang cướp, thì tất là Vua thân hành ra ngoài trông coi quân, khi đi đông, đi tây, không đi nhất định đường nào; khi ở trên bộ, khi ở thủy, không đóng nhất định ở đâu. Đó không phải là rát, là vì Vua ở bên ngoài, thì dễ hiệu triệu thiên hạ. Cổ lệ lòng hăng hái của quân sĩ, chư tướng thì tiện việc tâu xin mệnh lệnh, tam quân thì vui lòng xông pha, lính tráng đều là quân của nước, của nhà giàu là của nước, có cơ hội nào thì cổ động quân sĩ xông vào trước, gặp tình thế không may thì tùy tiện mà chống giữ; khi tiến quân thì nhanh như chớp nhoáng, khi lui về thì như rồng rắn ẩn thân, giặc không biết đâu mà lường đạc được; nếu chỉ nấp giữ ở trong thành, thì địch coi đó là sào huyệt, chúng sẽ chặn đường không cho vận lương đến, và giữ viện binh không vào được, đến nỗi lương hết, lực cùng, chả nguy lắm sao. Có tin giặc đến mà Vua lập tức đi ra ngoài, đó là kỳ kế, liệu sức giặc và tính cách đánh của nhà Trần”.
Chiến công thần kỳ hai lần đại phá quân Nguyên Mông của quân dân Đại Việt đã chấn động bốn cõi, được Nguyễn Sưởng tóm tắt bằng câu thơ:
Thùy tri vạn cổ Trùng Hưng nghiệp,
Bán tại quan hà bán tại nhân.
Dịch thơ:
Đại nghiệp Trùng Hưng ngời vạn cổ,
Nửa bởi non sông nửa do người.
Làm tròn chữ hiếu của kẻ làm con, làm trọn đạo nhân nghĩa của bậc quân vương, lấy sinh mệnh đền ơn tiên tổ, trọn trách nhiệm của bậc trượng phu với sơn hà xã tắc, trọn nghĩa vụ của bậc thiên tử chăm lo cuộc sống bách tính lê dân, an cư lạc nghiệp sau những năm chiến tranh tàn phá, trọn trách nhiệm của bậc làm cha, dạy dỗ chỉ bảo cho hoàng tử khôn lớn, đủ tài đức gánh vác non sông.
Năm 1299, Ngài rời khỏi danh lợi chốn hồng trần, lên Yên Tử nơi địa linh phúc địa, tẩy sạch tâm trần, theo cái duyên hằng mong mỏi, xuất gia tu luyện, trở về với tâm nguyện xa xưa, vững bước trên con đường phản bổn quy chân, về miền tịnh thổ.
Sau khi khổ tu, khai ngộ, đắc Đạo, Ngài lại thuận theo cái duyên của bậc Giác Ngộ, giáo hóa văn minh cho bách tính lê dân, hoằng dương Phật Pháp khắp xa gần, trong và ngoài bờ cõi.
Ngài chuyên cần tu tập theo hạnh đầu-đà (khổ hạnh) lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu-đà. Sau đó Ngài lập chùa, cất tịnh xá, khai giảng để tiếp độ chúng Tăng. Học chúng đua nhau đến rất đông. Sau, Ngài đến chùa Phổ Minh ở phủ Thiên Trường lập giảng đường, giảng dạy mấy năm.
Thiền phái Trúc Lâm vừa tiếp thu nền tảng Phật giáo Nam Á và thiền Đông Độ, vừa sử dụng các giá trị văn hóa Việt Nam và khuyến khích Phật tử cống hiến cho xã hội trên nền tảng Từ bi – Trí tuệ của Phật pháp. Ngài cũng xây dựng nhiều tự viện và đi giáo hóa trong cả nước, kể cả ở thôn quê lẫn thành thị.
Trên cương vị là Thượng hoàng-Thiền sư, Ngài đã dạy dân bài trừ các hủ tục và tu dưỡng đức hạnh theo giáo pháp Thập thiện (mười điều thiện).
Ngài lại vân du đến trại Bố Chánh lập am Tri Kiến rồi ở đó. Bài dẫn của Trần Quang Chỉ trong tranh “Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ” đã mô tả về chuyến đi này rằng:
“Có lúc ngài viễn du hóa độ cho các nước lân bang, phía nam đến tận Chiêm Thành, đã từng khất thực ở trong thành. Vua nước Chiêm Thành biết được điều đó, hết sức kính trọng thỉnh mời, dâng cúng trai lễ, sắp sẵn thuyền bè nghi trượng, thân hành tiễn ngài về nước…”.
Cũng chính trong lần đi hoằng Pháp này, Ngài đã hứa gả con là công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm là Chế Mân. Để đáp lễ, Chế Mân xin nhượng hai châu Ô, Lý cho Đại Việt.
Đến ngày mùng 1 tháng 11, đêm trời trong sao sáng, Ngài hỏi thị giả Bảo Sát:
“Hiện giờ là giờ gì?”. Bảo Sát bạch: “Giờ Tý”. Ngài lấy tay vén màn cửa sổ nhìn xem, nói: “Đến giờ ta đi”. Bảo Sát hỏi: “Tôn đức đi đến chỗ nào?”. Ngài nói kệ đáp:
Nguyên văn:
Nhất thiết pháp bất sinh
Nhất thiết pháp bất diệt
Nhược năng như thị giải
Chư Phật thường hiện tiền.
Hà khứ lai chi liễu dã.
Dịch thơ:
Tất cả pháp chẳng sinh
Tất cả pháp chẳng diệt
Nếu hay hiểu như thế
Chư Phật thường hiện tiền.
Nào có đến đi vậy.
Xong xuôi, Ngài bèn nằm như sư tử lặng lẽ mà tịch, đó là vào niên hiệu Hưng Long thứ 16 (1308), Ngài thọ năm mươi mốt tuổi.
Pháp Loa theo lời di chúc của Ngài làm lễ hỏa táng, lượm ngọc cốt có năm màu để vào bình. Vua Anh Tông cùng đình thần đem long giá rước ngọc cốt về tôn thờ nơi Đức Lăng và xây tháp ở chùa Vân Yên trên núi Yên Tử, để hiệu là Huệ Quang Kim Tháp và dâng tôn hiệu là Đại Thánh Trần Triều Trúc Lâm Đầu-đà Tĩnh Tuệ Giác Hoàng Điều Ngự Tổ Phật.
Trí huệ thiền Trúc Lâm
Ban đầu Ngài xả bỏ hết danh-lợi-tình nhân thế, vào núi tu hành khổ hạnh, nhưng cuối cùng Ngài phát hiện ra, khổ hạnh lại là theo thái cực khác. Vậy nên Ngài đã theo con đường trung đạo, bỏ danh lợi tình, nhưng không ép xác tu khổ hạnh: “Đói bụng thì ăn mệt ngủ liền”.
Và khi khai ngộ, đắc Đạo, Ngài thấy xuất gia tu hành cũng chỉ là hình thức, thực chất tu luyện là tu cái tâm: “Trực chỉ nhân tâm, kiến tính thành Phật”. Do đó Ngài khuyên hậu thế chớ theo gương Ngài tìm chốn núi sâu rừng già, tầm sư học Đạo, vân du chân trời góc biển làm gì. Thay vào đó, hãy tu chính cái tâm của mình, tìm lại Phật tính, tìm lại bản tính Thiện nguyên sơ của mình mà thôi.
Ấy chính là:
Bỏ tâm danh lợi chẳng khổ hạnh,
Theo đường Trung đạo thuận theo duyên.
Tìm Phật đâu cần đi góc biển,
Tu tâm đoạn dục ấy là thiền.
Nam Phương
Nguồn: ĐKN