La Vinh – Ức Trai tiên ông’ và túi thơ chứa hết cả giang sơn, nơi ấy có mưa xuân nước vỗ trời…

Tôi từng mơ ước một ngày nào đến bên kia sông. Nơi ấy gọi là Gia Trại (những trang trại của những gia tộc). Đó là những khu vườn, những chuồng chăn dê, chăn gà.. được dựng trên những ngọn đồi của họ Lê, họ Trần, họ Thái… Bây giờ thì tôi tự hẹn sẽ có ngày nào đó, đợi mưa xuân rắc bụi trắng bên sông, tôi sẽ lên một con đò. Tôi sẽ tự cầm mái chèo quẫy nước sang ngang và nghe lại Trại Đầu Xuân Độ của Nguyễn Trãi. 

Nhớ thời lên chín lên mười. Tuổi thơ thung thăng theo những con đường nhỏ trong xóm rợp bóng tre mà đi. Những mái nhà tranh nho nhỏ nấp bóng dưới um tùm lá. Ai cũng có mảnh vườn ao cá. Làng quê xanh um mướt mắt trong hồn khi nhớ những ngày đuổi theo bươm bướm; bươn bả mướt mồ hôi qua bao bờ dậu. Rồi bất ngờ ra bến nước sông nhà chói lóa lòa ánh sáng.

Ở đó có con đò nhỏ. Có ông lái già nua với chiếc áo tơi đã rụng đến những chiếc lá cọ của mồng tơi… (Ảnh: pinterest.com)

Ở đó có con đò nhỏ. Có ông lái già nua với chiếc áo tơi đã rụng đến những chiếc lá cọ của mồng tơi… Thảng hoặc mới có tiếng ai gọi đò từ phía bên kia. Mái chèo nhịp nhàng quẫy sóng sang ngang. Người lên bờ mang nhiều sản vật của chốn núi rừng: những bó mây, những gốc sắn củ còn dính đất sánh vàng như mỡ. Đặc biệt là những bó chè tươi chưa nấu thành nước mà đã bốc khói thơm lừng trong ấm đất nhà dưới…

Đôi mắt trẻ thơ dõi nhìn phía bên kia sông. Nơi ấy là những quả đồi lụp xụp. Xa hơn là những ngọn núi chạy về phía xa. Và xa hơn nữa là dải Trường Sơn mà người làng gọi dãy “Giăng Màn” xanh mờ cuồn cuộn khói mây. Sau này học Truyện Kiều, tôi cứ tin như đinh đóng cột rằng, Nguyễn Du đã từng đứng ngay vị trí này mới làm được những câu trác tuyệt:

“Long lanh đáy nước in trời
Thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng”

Nơi ấy gọi là Gia Trại (những trang trại của những gia tộc). (Ảnh: QuanLoi.Org)

Tôi nhớ có lần mẹ ra câu đố: “Cháy rú (núi) hai trự (đồng) là gì”. Hỏa ra, mùa gió Lào có những Gia Trại không cẩn thận, chỉ cần một đốm lửa là “Cháy núi hư trại” ngay!

Bên cạnh nhà ngoại tôi có gia đình họ Trần. Cậu Vịnh vốn là giáo viên cấp Một, bị cụt tay ở chiến trường Điện Biên. Cậu chủ yếu sống ở bên Trần Gia Trại. Lâu lâu theo chuyến đò ngang, cậu đưa những sản phẩm thu hoạch từ trại về. Thằng Lân con cậu phải sang đó cho gà cho dê ăn. Mỗi lúc về lại nhà, nó kể về thế giới cổ tích ở bên trại cho mấy đứa mình nghe.

Tôi nuốt nước miếng ừng ực khi nó nói về những trái mít, những buồng chuối chín; những con nhông hoa bẫy được nướng rơm vàng ươm ăn ngọt tận xương.. Nhưng sướng nhất là được ra với đồi sim bắt ve, thăm tổ chim, câu cá ở những suối khe trong văn vắt và lạnh đến rợn người…

Mỗi lúc cậu Vịnh về là nhà ngoại tôi được biếu một ôm chè; một nồi khoai lang. Và tôi thành kẻ đưa tin, đi khắp làng la thật lớn mời hàng xóm đến uống chè xanh. Tôi cứ thầm ước một ngày nào đó thằng Lân sẽ cho tôi sang một chuyến đò để sang Gia Trại… Vậy mà nay đã đến tuổi tri thiên mệnh rồi…

Hôm nay đọc được thơ Nguyễn Trãi, kỷ niệm xưa lại ùa về. Một cuộc hẹn vẫn còn đau đáu phía chân trời tuổi thơ…

Bến đò mùa xuân ở đầu trại

Bây giờ thì tôi tự hẹn sẽ có ngày nào đó đợi mưa xuân rắc bụi trắng bên sông, tôi sẽ lên một con đò. Tôi sẽ tự cầm mái chèo quẫy nước sang ngang.

Vâng, nơi ấy là quê hương. Nơi ấy là bến sông. Một bến sông rất riêng ở đầu trại.

TRẠI ĐẦU XUÂN ĐỘ

寨頭春渡 •

(Bến đò mùa xuân ở đầu trại)

渡頭春草綠如煙,

Ðộ đầu xuân thảo lục như yên,
(Cỏ xuân ở đầu bến đò, xanh biếc như khói)

春雨添來水拍天。

Xuân vũ thiêm lai thuỷ phách thiên.
(Lại thêm mưa xuân nước tiếp ngang trời)

野徑荒涼行客少,

Dã kính hoang lương hành khách thiểu,
(Ðường đồng nội vắng tanh, ít người qua lại, )

孤舟鎮日擱沙眠。

Cô chu trấn nhật các sa miên.

(Ngày thường chiếc đò cô độc ghếch mái chèo lên bãi cát mà nằm yên.)

DỊCH THƠ:

* Cỏ xuân đầu bến biếc như mây,
Thêm lại mưa xuân trời nước đầy.
Đường nội vắng teo hành khách ít,
Thuyền côi gác bãi ngủ thâu ngày

(Nhóm Đào Duy Anh)

Đường nội vắng teo hành khách ít. Thuyền côi gác bãi ngủ thâu ngày. (Ảnh: pinterest.com)

* Cỏ xanh như khói bến xuân tươi,
Lại có mưa xuân nước vỗ trời.
Quạnh quẽ đường đồng thưa vắng khách,
Con đò gối bãi suốt ngày ngơi.

(Khương Hữu Dụng)

* Cỏ xuân đầu bến xanh như khói,
Thêm đợt mưa xuân nước vỗ trời.
Đồng nội vắng teo hành khách ít,
Thuyền đơn gác bãi suốt ngày ngơi

(Ngô Linh Ngọc )

* Cỏ xuân đầu bến rối như mây.
Lại mưa, sông nhỏ nước dâng đầy.
Con đường bên cạnh dài heo hút.
Gối bãi, thuyền côi ngủ suốt ngày.

(Thái Bá Tân)

Nếu tuổi thơ của tôi đứng trên con đê làng “Dân cư giang khúc như hình con long” để nhìn sang phía bên sông  Gia Trại thì hình như ở bài thơ này cụ Ức Trai có điểm nhìn ngược hướng.

Cụ đang ở không gian phía núi rừng, phía đồi trại, phía thiên nhiên sông nước lâm tuyền để nhìn về phía bên này là cánh đồng mênh mông; rồi đến làng quê, với nhà tranh, với  dân cư, với cuộc sống cấy cày … Và có lẽ xuyên qua màn mưa rất bụi, rất mỏng, rất trắng, nhà thơ đang tiệm cận phía núi xanh… Vì thế mới có sự so sánh khá kỳ lạ: “cỏ xanh như khói”.

Hiển nhiên, khói ấy cũng màu xanh. Khói ấy là khói xanh. Nó đồng hóa với màu xanh của ruộng đồng chạy tới tít tắp chân mây. Và có lẽ đồng hóa với sắc xanh của núi xa, bầu trời xa…

“Cỏ xuân ở đầu bến đò, xanh biếc như khói,”

Dù hiểu như thế nào thì câu thơ này cũng lung linh hư ảo. Cảnh như thật, như mơ. Cảnh vừa có trên thực địa, vừa có cảm giác mơ hồ do tâm mà cảm, mà “tùy tâm nhi hóa”. Nó là cảnh được nhìn từ trái tim rất nhạy cảm của một người nghệ sĩ!

Bài thơ “Vân Đồn” cũng miêu tả cỏ:

“Vọng trung ngạn thảo thê thê lục,”
(Nhìn ra bờ cỏ xanh mươn mướt,)

Cái màu này ta dễ liên hệ tới “Hoàng Hạc lâu lâu” của Thôi Hiệu:

“Bãi xa Anh Vũ cỏ xanh ngời”

Thế nhưng, “cỏ xanh như khói” thì quả là đặc biệt.

Trong bài ” Vọng Doanh”, cũng có khói:

“Bãi sông bát ngát, đàn chim trắng.
Rặng cây mờ ảo, khói yên lành”

Khói ấy làm cho rặng cây thêm mờ ảo. Và cảnh ở đây rất êm ả thanh bình.

Các bản dịch câu này đều rất có thần:

“Cỏ xuân đầu bến xanh như khói,”
“Cỏ xuân đầu bến xanh như khói,”
“Cỏ xuân đầu bến biếc như mây,”

Thậm chí, có bản dịch thoát:

“Cỏ non đầu bến, khói xanh tươi”…

“Cỏ xuân đầu bến xanh như khói,” (Ảnh: canthotv.vn)

Nhắc đến xuân là nhắc đến cỏ. Hai câu thơ tả cảnh cuối xuân, tháng ba thanh minh của Nguyễn Du cũng rất gợi cảm:

“Cỏ non xanh rợn chân trời.
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”

Cũng như Hàn Mặc Tử trong “Mùa xuân chín” nhìn đồng cỏ thật sinh động, sự sống cứ ngồn ngộn dâng đầy:

“Sóng cỏ non tươi dợn tới trời “…

Câu thơ tả cỏ xuân của Nguyễn Trãi như tranh thủy mạc. Màu xanh trên mặt đất cứ như nâng dần lên phối với sông xuân, nước xuân, núi xuân và mưa bụi mùa xuân mà trở thành một màu xanh khói mờ ảo. Vừa như tĩnh đấy nhưng cũng âm thầm xôn xao một thanh thản vô vi thoát tục…

春雨添來水拍天。

Xuân vũ thiêm lai thuỷ phách thiên.
(Lại thêm mưa xuân nước tiếp ngang trời.)

Ai cũng biết mưa xuân không ào ạt, không nhiều nước như mưa rào mùa hạ.

Mưa xuân rắc bụi nước, giăng giăng như khói như mù. Dù mưa có lúc nặng hạt một chút trong tiết Thanh minh thì nó cũng không tiếp nước cho dòng sông được bao nhiêu.

Ấy vậy mà, trong cái nhìn cái cảm và qua giải thích ngầm, Nguyễn Trãi cho rằng, chính những hạt mưa xuân ấy làm nên hồn vía của sông xuân.

Mưa xuân “lại thêm nước” để cho dòng sông dềnh lên, như nâng cao dòng chảy để cho những lớp sóng của nó có sinh khí nhấp nhô về phía chân trời; vỗ sóng phía chân trời.

Đọc hai câu thơ trong nguyên tác, cảm nhận âm điệu của nó dịu nhẹ. Những nốt nhạc cứ thánh thót với nhiều dấu lặng lâng lâng. Nhưng cố hình dung khung cảnh rộng lớn trước mắt người ngắm cảnh, ta thấy nội lực của xuân thật dồi dào. Và rất động!

Nếu câu đầu sự vật được nhìn từ mặt đất nâng dần lên với cỏ non tơ đầu bến xuân nhập vào màu xanh huyền ảo vừa xa vừa cao dần của bầu trời thì câu sau nhìn từ cao xuống thấp. Mưa xuân giăng giăng làm trắng mênh mông. Nó thêm nước cho sông. Và sông dâng nước xuân nổi sóng chạy về phía xa vỗ sóng với chân trời.

Rất cụ thể mà chứa cả Càn Khôn. Không hề có chữ Giang hay Hà nhưng người đọc vẫn thấy sông hiện diện.

Có lẽ cần dịch thành 4 dòng ngũ ngôn cho đủ ý:

“Bến đò xuân  đầu trại,
Cỏ xuân xanh như khói.
Lại thêm với mưa xuân,
Nước vỗ chân trời ngái”

野徑荒涼行客少,

Dã kính hoang lương hành khách thiểu,
(Ðường đồng nội vắng tanh, ít người qua lại,)

“Dã kính” là con đường nhỏ trên đồng cỏ. Con đường thường ngoằn ngoèo qua những lau lách, những bờ thửa chênh vênh. Những con đường này, chỉ cần một thời gian thiếu người lại qua thì cỏ cây sẽ xóa lối. Kẻ xa về sẽ bối rối lần đường theo ký ức của kỷ niệm “Đi về, này, những lối này, năm xưa “…

Chữ “hoang” là “xa xôi, hẻo lánh, hiu quạnh”; “lương” là “lạnh”. Hai chữ “hoang lương” gợi một cảm giác cô đơn trống trải của tâm hồn.

Từ sơn trại (rất có thể là ở ngôi nhà ẩn cư chốn lâm tuyền Côn Sơn), Nguyễn Trãi đã nhìn ra bến đò đầu trại. Cả một không gian xa với một con đường ngoằn ngoèo hiu quạnh lạnh lẽo. Nơi đây vốn không phải xóm làng nên ít khách lại qua. Nơi đây lại đang gặp một tiết trời mưa bụi giăng mắc và thiên nhiên cỏ cây cỏ, sông nước đang giao hòa với Xuân…

Nơi đây lại đang gặp một tiết trời mưa bụi giăng mắc và thiên nhiên cỏ cây cỏ, sông nước đang giao hòa với Xuân… (Ảnh: WallsDesk.com)

Không có ai cả. Nhưng có một người đang ngắm cảnh với “túi thơ chứa hết cả giang sơn”

Câu thơ cuối là một điểm nhấn đột khởi tạo ra liên tưởng không cùng:

孤舟鎮日擱沙眠。

Cô chu trấn nhật các sa miên.

(Ngày thường chiếc đò cô độc ghếch mái chèo lên bãi cát mà nằm yên.)

Chữ “cô” có nghĩa phổ biến nhất là “lẻ loi ,đơn độc”. “Cô chu” là con thuyền lẻ đơn. Tuy nhiên, “cô” còn có nghĩa là “Độc đặc, đặc xuất”. Con thuyền có nghĩa rất cụ thể. Nó gợi cho ta ở bến sông đầu trại có một chiếc đò nhỏ nằm gối đầu lên bãi cát ven sông. Nhưng cái độc đáo chính là con đò ấy được nhân hóa và mang một ngụ ý phía sau.

Con đò ấy gác mái chèo, gối đầu lên bãi cát mịn đánh một giấc ngủ suốt một ngày mưa xuân bay rắc bụi, cỏ xuân mơn mởn nẩy chồi. Và cả sóng nước cũng náo nức đưa nhau về vỗ ở cuối trời.

Một cách thưởng Xuân thật độc đáo, đặc biệt!

Trong ba câu thơ dịch sau:

“Thuyền côi gác bãi ngủ thâu ngày”
“Con đò gối bãi suốt ngày ngơi.”
“Thuyền đơn gác bãi suốt ngày ngơi”

Thì câu 1 và 3 dịch chính xác hai chữ “cô chu” nhưng chính câu 2 không dịch đúng chữ lại nói được tâm hồn thảnh thơi rất vô vi của nhà thơ.

Đất trời Xuân đang dào dạt thầm thì tương thông với nhau như vậy; viên dung giàu sự sống như vậy thì việc xuất hiện một tâm trạng than thân trách phận ở đây e không phù hợp. Đó là một con đò rất đặc biệt. Nó biết thuận theo tự nhiên mà thưởng thức hạnh phúc của mình trong suốt một ngày xuân!

Ta đã từng gặp con thuyền vừa chở khách để cho thi nhân lên lầu vọng nguyệt:

“Nước biếc non xanh thuyền gối bãi
Đêm thanh nguyệt bạc khách lên lầu”

(Bảo kính cảnh giới 26)

Ta cũng đã gặp một con thuyền đầy hào khí trên dòng sông vang dội chiến công:

“Biển lùa gió bấc thổi băng băng
Nhẹ kéo buồm thơ lướt Bạch Đằng”

(Bạch Đằng hải khẩu)

Nhưng ở đây, có một con đò rất riêng. Bức tranh tả cảnh bầu trời sà xuống thấp với những làn mưa nhẹ; mặt đất bừng xanh lay lay ngọn cỏ xanh; dòng sông đi xa vỗ sóng vào chân trời lụa xanh… chỉ để cho ta nhìn vào một sự vật này thôi.

Chữ “cô” không làm con đò ngổn ngang tâm trạng. Mà khi nó dung hòa vào tất cả cảnh xuân lại cho ta một cảm giác trẻ thơ không vướng bận những trải nghiệm hậu thiên đầy tục lụy. Đó là cái an nhiên tự tại của thơ ông ngoại Ức Trai, cụ Trần Nguyên Đán trong bài Mưa nhỏ:

“Núi xuân lất phất hạt mưa bay,
Hang núi đùn ra lớp lớp mây.
Theo gió sắt tiêu thưa lại nhặt,
Kín trời mù mịt tối như ngày.
Lộ bày cơ đất, cài trâm trúc,
Truyền xuống tin trời, hé ngọc mai.
Tỉnh giấc lò hương tàn mấy độ,
Lão ông vẫn mải gấp tay cày.”

Tất cả cảnh vật trong bài thơ giản dị và thanh sơ đến lạ lùng. Đọc thơ Ức Trai nhớ về da diết cội nguồn. Dường như tất cả mới còn đây đâu có xa xôi gì. Nhưng bây giờ đã là hoài niệm.. Tìm đâu một con đò gối bãi? Một con đường xuyên qua đám hoa dại? Một màn mưa giăng bãi sông, nước phập phồng lên xuống?…

Nguyễn Trãi như một Tiên Ông. Tâm vô vi thanh tịnh đến an nhiên. (Ảnh: imdb.com)

Cảnh giản dị ấy ẩn chứa một tâm hồn nghệ sĩ cởi mở; một trí huệ rất đằm, rất sâu nên phảng phất ta gặp Nguyễn Trãi như “Tiên Ông ở trong lầu ngọc”. Ảnh hưởng từ một người Ông theo phái Đạo Gia quả là cho ta hai thi gia đồng điệu như một sự kết hợp tuyệt vời.

Trong áng thơ này, Nguyễn Trãi như một Tiên Ông. Tâm vô vi thanh tịnh đến an nhiên.

La Vinh


Nguồn: ĐKN

You may also like...