(Cầu pháp tăng)
Nguyên tác: Chin Shun-Shin
Biên dịch: Nguyễn Nam Trân
Pháp Hiển viếng thăm cung điện Ashoka ở Ấn Độ (tranh tưởng tượng)
Pháp Hiển viếng thăm cung điện Ashoka ở Ấn Độ (tranh tưởng tượng)
Có thể nói Phật giáo đã được đưa vào Trung Quốc bằng hai con đường: đường bộ qua Tây Vực và đường thủy ven biển Nam.Về niên đại của việc di chuyển văn hóa này thì có nhiều thuyết nhưng đa số cho rằng nó đã xảy ra vào thời Minh Đế (trị vì năm 57-75) nhà Hậu Hán.
Vào thế kỷ thứ 6, tác phẩm nhan đề Lạc Dương Già Lam Ký của Dương Huyền Chi đã nhắc tới. Ông cho biết đằng trước ngôi chùa tên Bạch Mã Tự có trồng thạch lựu và bồ đào (hai loại quả đến từ Tây Vực). Trong đoạn đó còn có những dòng đại ý như sau:
Chùa Bạch Mã do Hán Minh Đế dựng lên là nơi phát tích Phật giáo Trung Quốc.Chùa nằm ở phía Nam trên con đường lớn khoảng 3 dặm ngoài cổng Tây Dương Môn. Nhà vua nằm mộng thấy một vị thần bằng vàng, cao một trượng sáu, trên cổ sau lưng có hào quang như mặt trăng mặt trời. Đó là Phật, tên một vị thần của người Hồ. Bèn gửi sứ giả sang Tây Vực để tìm kiếm. Có nghĩa là đi lấy kinh và tượng. Có lúc chở kinh trên lưng ngựa trắng (bạch mã) mà mang về nhân đó mà chùa mới có tên như vậy.
Truyền thuyết vừa kể là một câu chuyện nổi tiếng. Minh Đế nằm mộng thấy một vị thần mình vàng nên gửi sứ giả sang Tây Vực, đem kinh văn và tượng Phật chở bằng ngựa trắng mang về. Do đó ngôi chùa mới có tên Bạch Mã.
Theo phần Thích Lão Chí (Ghi chép về Đạo Phật và Đạo Lão) trong Ngụy Thư, sứ giả là bọn Lang Trung (quan cố vấn) tên là Sái Am và Bác Sĩ Đệ Tử Tần Cảnh. Sau đó, các sứ giả đã trở về kinh đô Lạc Dương cùng với hai sa môn Nhiếp Ma Thắng và Trúc Pháp Lan.
Nếu như truyền thuyết này đúng sự thực thì Phật pháp đã được du nhập vào Trung Quốc bằng con đường bộ băng qua Tây Vực.
Đó là con đường truyền đạo được công bố chứ thực ra trước thời đó, thương nhân gốc Tây Vực đã đến Lạc Dương buôn bán rất nhiều. Đương thời, người dân Tây Vực hầu hết đều là Phật giáo đồ. Khi đi đến Lạc Dương thì mỗi người đều mang theo niềm tin Phật giáo trong lòng mình nên bằng cách đó, họ đã trực tiếp đưa nó vào. Chắc chắn ở thành Lạc Dương, họ đã xây dựng một nơi chốn dành cho tín ngưỡng ấy và tôi tự hỏi không biết có phải là Bạch Mã Tự này hay không?
Người Tây Vực đã cử hành tín ngưỡng của họ trước mắt cư dân thành Lạc Dương. Người Lạc Dương chắc đã nhìn họ bằng con mắt hiếu kỳ mà thôi chứ chưa bị lôi cuốn vào trong.Tiếng nói đã không thạo, ý nghĩa tôn giáo lại không thông mà cho dầu có hiểu được đi nữa, nội tâm họ vẫn chưa có nhu cầu. Phải chăng chỉ đến đời Tam Quốc, một thời loạn lạc, lần đầu tiên con người mới đặt vấn đề về sự khổ não của kiếp người và bắt đầu để ý đến cái tôn giáo này của người Tây Vực.
Nếu thực sự có việc Minh Đế gửi sứ giả sang Tây Vực thì động cơ của ông có thể gồm cả việc ông yêu thích những gì xa lạ hay muốn thu lấy lợi lộc từ việc cai quản được người Tây Vực. Còn việc muốn có tượng kim thân lóng lánh để thờ thì có lẽ tại ông thấy nó là cao sang.
Nghe nói, vào thời Hậu Hán, trong cung điện có đặt tượng Phật để lễ bái. Người trong cung làm như vậy chắc để tỏ ra là mình cao cấp hơn, làm được những chuyện người thường không có khả năng. Chúng ta đã nói đến việc độc quyền trồng thạch lựu và bồ dào trong cung rồi. Chuyện trưng bày tượng Phật cũng giống như thế. Đối với người thường dân, những pho tượng ấy giống như đóa hoa trên đỉnh núi cao, nghĩa là ngoài tầm tay của họ.
Cung đình chính ra không xa Bạch Mã Tự bao nhiêu. Chùa ấy chỉ nằm ở ngoại ô thành Lạc Dương, nơi thường dân có thể lui tới. Câu nói “có những nơi thấy gần mà hóa ra xa” (chắc trích dẫn nữ sĩ Sei Shônagon, NNT) dành cho Phật giáo là ở trong nghĩa đó.
Người Trung Quốc, trước khi bị Phật giáo thu hút, đã phải có một số tri thức cơ sở về nó. Dù chỉ là bề mặt nhưng cũng đáng kể.
Ở chùa Bạch Mã, hẳn có tăng lữ gốc Tây Vực nhưng có lẽ họ chỉ có đủ thời giờ để chỉ đạo đời sống tâm linh của những người Tây Vực lưu ngụ chứ không có ý định truyền bá Phật giáo rộng rãi đến cả người Trung Quốc. Đến đời Tam Quốc chiến loạn, người Trung Quốc bị cuốn vào cơn binh lửa, mới thấy rằng những khổ não của mình là khổ não chung của kiếp người. Và khi thấy rằng người Tây Vực cũng là những con người như mình thì cánh cửa của Phật giáo đã bắt đầu mở ra cho họ chứ trong một thời gian dài, Phật giáo không là gì cả ngoài màu sắc hương xa (exotic) của nó.
Về đợt sa môn Thiên Trúc đã đến Trung Quốc vào thời Hậu Hán của Minh Đế, như đã nói, chúng ta có vài thông tin đến từ phần Thích Lão Chí của sách Ngụy Thư
Ngụy Thư 魏書hoàn thành vào năm 554, soạn giả là người triều Bắc Tề, tên gọi Ngụy Thu魏収. Cũng cần mở một dấu ngoặc ở đây để tránh lầm lẫn. Sách Tam Quốc Chí cũng có 3 phần gọi là Ngụy Thư, Thục Thư và Ngô Thư. Vì hai sách có tên giống nhau cho nên người đời mới gọi Ngụy Thư trong Tam Quốc Chí là Ngụy Chí cho khỏi lộn. Khi đọc sử Nhật, Ngụy Chí Nụy Nhân Truyện thường được các sử gia nhắc đến là Ngụy Thư trong Tam Quốc Chí vậy. Chính ra Tam Quốc Chí ra đời trước Ngụy Thư nhưng quyển sách trước phải đổi danh xưng vì quyển sách đến sau. .
Trên toàn quốc, lại có hai triều đình cùng mang tên là Ngụy nên càng gây thêm khó khăn. Nước Ngụy do Tào Phi, con trai Tào Tháo lập ra nối tiếp nhà Hậu Hán đã chính thức bắt đầu vào năm 220. Lại có Bắc Ngụy của Vũ Đạo Đế qui định năm 386 là Đăng Quốc nguyên niên, năm kiến quốc của triều đại. Ngày nay, tôi và các bạn gọi nó là Bắc Ngụy cho tiện chứ đương thời, người nước ấy chỉ gọi suông là Ngụy.
Thích Lão Chí nằm ở quyển cuối cùng trong Ngụy Thư của nước gọi là Bắc Ngụy nói trên. Nó bàn về Phật giáo (Thích) và Đạo giáo (Lão). Đối với thời điểm của Bắc Ngụy này thì Hậu Hán của Minh Đế là một quá khứ xa xôi 500 năm về trước nên việc nó có tường thuật mọi chuyện chính xác hay không hãy còn là nghi vấn.
Chúng ta trông đợi cũng hoài công vì quyển sách quan trọng là Hậu Hán Thư, phần Minh Đế bản kỷ thì không thấy chép gì về việc sa môn Thiên Trúc vào triều, cả việc hoàng đế gửi sứ giả sang Tây vực.
Do đó, trong lịch sử, buổi đầu của Phật giáo tại Trung Quốc chỉ được nhắc đến một cách bâng quơ, thiếu chính xác như thế.
Sau một thời gian dài xem Phật giáo như một thế giới biệt lập, người Trung Quốc mới thấy nó có thể là một phương tiện cứu vớt linh hồn. Những người khai tâm về kiến thức cơ sở của Phật giáo cho họ, có lẽ không ai khác hơn là các nhà sư Tây Vực.
Trong Tam Quốc Chí, có Nụy nhân truyện (nói về người Nhật) nhưng không có Tây Vực truyện. Có lẽ vì thời đó, Con Đường Lụa bị chiến tranh phong tỏa nên tin tức không thông. Những người Tây vực sống trên đất Đường bị cắt đứt với quê hương, đã có những trường hợp họ bị Hán hóa. Việc Hán hóa của người Tây vực, ngược lại, đã trở thành động cơ khiến cho Phật giáo thấm sâu hơn vào xã hội Trung Quốc.
Vào thời quần hùng cát cứ Trung Quốc, Phật giáo có cơ hội phổ biến trên toàn quốc.Lý do là có nhiều tướng lãnh xem Phật giáo như một dụng cụ cầu đão bùa chú, có thể đem lại thắng lợi trong chiến tranh nên thường đem các nhà sư theo mình khi hành quân.
Đến khi Phật giáo đã lan tỏa đến độ đó, tín đồ không còn thỏa mãn với những kiến thức cơ bản từ các nhà sư Tây vực nữa. Bao nhiêu câu hỏi nảy ra trong đầu họ nhưng không một ai giải đáp được cho. Từ đó, họ có nhu cầu sang Ấn Độ là nơi phát tích của Phật giáo để tìm ra ý nghĩa uyên áo của tôn giáo này.
Con đường từ Trung Quốc đến Ấn Độ hết sức xa xôi, lại đầy gian khổ. Thế nhưng vẫn có một số người quyết tâm vượt qua những khó khăn này để cầu đạo.
Đó là những nhà sư thỉnh kinh (cầu pháp tăng).
Đời Đường có tăng Nghĩa Tĩnh 義浄 (Yijing, 635-713, sống sau Pháp Hiển 法顕và Huyền Trang玄奘, NNT) đã thu thập được tên của 56 vị sư thỉnh kinh trong hai quyển Đại Đường Tây Vực Cầu Pháp Cao Tăng Truyện. Dĩ nhiên tên của 56 vị được kể ra chỉ là một nhóm nhỏ so với con số trên thực tế.
Hành trình thỉnh kinh bằng đường biển của Nghĩa Tĩnh
Khi nhắc đến những nhà sư đi thỉnh kinh, thường thì chúng ta nghĩ ngay đến Pháp sư Huyền Trang (Xuanzang) Tam Tạng. Có lẽ vì bộ Tây Du Ký in bản bỏ túi đã trở thành cuốn truyện người bình dân yêu chuộng. Hơn nữa, trứ tác của Huyền Trang hãy còn được lưu truyền, nó giúp chúng ta hiểu được trong một chừng mực nào đó về chuyến đi.
Nhiều nhà sư thỉnh kinh đã viết hồi ký về cuộc lữ hành của họ nhưng số còn giữ lại được rất hiếm hoi. Tên tuổi chúng tuy được các sách vở khác nhắc lại nhưng hiện vật hầu như đã mất hết. Phải nói là những tác giả mà tác phẩm còn giữ lại được là loại người cực kỳ may mắn và Huyền Trang cũng là một nhà sư thỉnh kinh may mắn.
Người ta thường so sánh Pháp Hiển (Faxian, Fa Hsien) với Huyền Trang. Hai người đều phải trải qua bao nhiêu gian nan tân khổ mới đến được Thiên Trúc, được sống ở đó một thời gian dài rồi lại được về đến cố hương. Tuy nhiên họ vẫn có chỗ không giống nhau. Pháp Hiển rời Trung Quốc vào năm 399 và Huyền Trang, năm 629, nghĩa là vừa đúng 230 năm sau. Về tuổi tác ngày lên đường thì Pháp Hiển 64 tuổi, còn Huyền Trang 27 (Vẫn biết năm sinh năm mất của hai vị thì không ai rõ nhưng sai số cũng khoảng độ 2, 3 năm là cùng). Theo tôi thì sự cách biệt về tuổi tác lúc ra đi là rõ rệt hơn cả.
Huyền Trang lên đường vào năm Trinh Quán thứ 3 đời Thái Tông là thời nhà Đường mới bắt đầu và đang ở trên con đường đi đến thịnh vượng. Thời đó, nhà Tùy đã thống nhất Nam Bắc được 40 năm, thiên hạ hầu như thái bình. Huyền Trang đang ở cái tuổi 27 trẻ trung, giống như một đóa hoa vừa chớm nụ, đã được khí thế của thời đại mới nâng cao khi ông bỏ Trường An lại sau lưng. Còn Pháp Hiển thì ông đã ra đi vào giữa một thời đại chia cắt với Ngũ Hồ Thập Lục Quốc. Chủ nhân của Trường An đổi từ Tiền Tần qua Tây Yên đến Hậu Tần, thời cuộc quay nhanh như chong chóng và chính quyền đều nằm trong tay những dân tộc phi Hán tộc như Đê, Tiên Ti và Khương. Đó là một thời đại tối tăm kinh hoàng chứ không hề chứa chan ánh sáng. Pháp Hiển dường như cũng bị thời đại ấy đẩy trôi dạt ra ngoài, phải mang tấm thân già 64 tuổi lìa bỏ Trường An.
Mười sáu năm sau, Huyền Trang mới trở lại kinh đô, còn Pháp Hiển thì về nước đúng 13 năm sau ngày ra đi. Dù là 16 năm nhưng khi về, Huyền Trang vẫn ở trong thời kỳ hoạt động với lứa tuổi ngoài 40. So với ông thì lúc đó, Pháp Hiển sắp trở thành một cụ già 80 rồi.
Việc Pháp Hiển sang Thiên Trúc là một hành động cổ vũ tinh thần chúng ta. Một người đã 64 tuổi mà còn dám băng qua sa mạc bao la của Tây Vực, vượt những ngọn núi tuyết cao lạnh khắc nghiệt để đến được Thiên Trúc. Phải nói đây là một hành động quả cảm khiến cho những kẻ ươn hèn cũng phải vùng dậy. Đối với những người cao tuổi hay thân cận của ông thì sự nghiệp của Pháp Hiển quả là một tấm gương sáng ngời.
Đôn Hoàng vốn là cửa ngõ vào Tây Vực. Thế nhưng Pháp Hiển không tới được ngay Đôn Hoàng mà còn phải đánh một vòng xa. Vì lúc đó là thời chiến loạn, ông phải tránh những vùng đang có tranh chấp. Hơn thế nữa, lộ phí của chuyến đi còn tùy thuộc lòng hỷ xả của mọi người nên tự nhiên, cuộc hành trình phải theo hình chữ chi 之để đi ngang qua những nơi mà tín hữu có lòng hảo tâm.
Hành trình thỉnh kinh khứ hồi thủy lục của Pháp Hiển
Từ Trường An, Pháp Hiển đã đi qua Uyển Châu, Trướng Dịch, Đôn Hoàng, Thiện Thiện (Lâu Lan), Qui Tư, Vu Điến, Tử Hội, Sơ Lặc, các phần đất nay thuộc Nepal, Afghanistan và Pakistan rồi vào Madura trên nước Ấn, thăm những thắng tích có in bước chân Phật và đến tận thành Vương Xá. Trên Đường về, ông ghé Sư Tử Quốc (Sri Lanka), Già Bà Đề Quốc (Java), qua eo biển Malacca, nhiều lần bị bão đánh trôi dạt, cuối cùng may mắn cập bến Lao Sơn ở Sơn Đông.
Lúc ấy, khắp Đông Tây Nam Bắc, đâu đâu cũng có chiến tranh. Ngoài ra, bối cảnh chuyến đi của Pháp Hiển cũng khác xa với chuyến đi của Huyền Trang cách đó 230 năm sau.
Pháp Hiển có 4 người đồng chí hướng: Huệ Cảnh, Đạo Chỉnh, Huệ Ứng, Huệ Ngôi. Họ đã đồng hành với ông từ ngày rời Trường An để xuất phát. Đến Trướng Dịch, đoàn có thêm 5 người nữa là Trí Nghiêm, Trí Giản, Tăng Thiệu, Bảo Vân và Tăng Cảnh. Đến Vu Điến thêm được Huệ Đạt nhập đám. Từ đấy, tính cả Pháp Hiển, đoàn có tất cả 11 người. Thế nhưng giữa cuộc hành trình, người bệnh tử, người lưu lại dọc đường, kẻ quay về, rốt cuộc kiên trì đến nơi đến chốn chỉ có mỗi mình ông. Chỉ có thể nói Pháp Hiển là một người có ý chí bất di bất dịch mà thôi.
Suốt quãng đường dài, không nơi nào họ gặp nhà dân. Nhất là lúc qua sa mạc, gian nan không thể tả. Pháp Hiển không phải siêu nhân. Ông mang thân xác của một người phàm, lại thêm già yếu. Đến Tiểu Tuyết Sơn thì Huệ Cảnh vì lạnh cóng mà chết. Pháp Hiển chỉ biết vỗ thây than khóc.
Trong số bạn đồng hành thì Trí Nghiêm, sau khi đến Kashmir đã bỏ đoàn để quay về Trường An. Ông này sau theo đường biển nhắm Thiên Trúc thêm một lần nữa. Nghe nói ông chết già ở Kashmir. Bảo Vân đi đến được miền Bắc Ấn Độ rồi quay về, chuyển sang dịch kinh. Còn Đạo Chỉnh thì ở lại Thiên Trúc chứ không về quê hương.
Pháp Hiển không phải người đầu tiên trong số các nhà sư thỉnh kinh (Cầu pháp tăng) đâu. Trước ông 140 năm) đã có người thời Ngụy là Chu Sĩ Hành. Ngoài ra, cũng vào thời của ông (Đông Tấn), hai đệ tử của Huệ Viễn (Hui-yuan, 334-416) ở Lư Sơn là Pháp Tĩnh và Pháp Lĩnh cũng đã lên đường sang Tây Vực cầu pháp.
Chu Sĩ Hành, sang Thiên Trúc trước Pháp Hiển những 140 năm, có thể được xem như là người đầu tiên đi thỉnh kinh nếu không nói là kẻ đầu tiên đã xuất gia ở Trung Quốc.
Người sống trong cung đình thời Hậu Hán tuy có bày biện tượng Phật màu vàng nhưng họ làm như vậy chỉ là để có không khí hương xa (exotic mood) chứ không thể nói hành động đó xuất phát từ lòng tin tôn giáo.Trong bọn họ, không thấy có một người xuất gia.
Nếu bảo là thực sự thụ giới xuất gia thì theo các sách vở ghi chép lại chỉ có Chu Sĩ Hành, người sống vào thời Ngụy (một trong Tam Quốc, thế kỷ thứ 3). Ông ta người Dĩnh Châu (tỉnh Hà Nam). Sau khi đã xuất gia, ông đi đến Lạc Dương để giảng “Đạo Hành Bát Nhã Kinh” nhưng vì cảm thấy sách vở thiếu sót, ý nghĩa không thông nên mới nghĩ đến việc đi tìm nguyên tác. Do đó, năm Cam Lộ thứ 5 (260), ông mới từ giã Trường An để lên đường. Ông đến được Vu Điến và tìm ra nguyên bản của kinh văn như lòng hằng mong ước nhưng chỉ nhờ đệ tử mang về, còn mình thì ở lại rồi sau qua đời ở đất ấy.
Người xuất gia đầu tiên cũng là người đi thỉnh kinh đầu tiên, thật là định mệnh lạ lùng của Phật giáo Trung Quốc!
Còn nói về Pháp Tĩnh và Pháp Lĩnh, hai học trò của Huệ Viễn ở Lư Sơn và là người đồng thời với Pháp Hiển thì họ cũng đã đến được Vu Điến và tìm ra kinh Phật nhưng rồi ở lại đó chứ không đi xa thêm nữa. Vu Điến ngày nay là vùng Hòa Điền (Khôtan) thuộc khu tự trị của người Ouguir ở Tân Cương. Từ đó mà muốn đi đến Ấn Độ thì đường hãy còn xa.
Có thể là sách vở đời sau không nhắc đến những người đi thỉnh kinh vì lý do này hay lý do khác đã không đến được Thiên Trúc và buộc lòng quay về. Người đầu tiên đến được Thiên Trúc mà chúng ta biết tới là Pháp Hiển. Để đặt chân lên vùng Bắc Thiên Trúc, ông đã mất 3 năm dầu dãi trên con đường xuyên Tây Vực. Lúc đến nơi, ông đã 67 tuổi.
Hồi ký chuyến đi của Pháp Hiển thường được gọi là “Pháp Hiển Truyện” nhưng nó còn có những biệt danh khác như “Phật Du Thiên Trúc Ký”, Lịch Du Thiên Trúc Ký Truyện”, Phật Quốc Ký” vv…Theo những gì chép trong hồi ký đó thì sau khi ra khỏi Đôn Hoàng được 17 ngày, ông đã đến một nơi gọi là Thiện Thiện Quốc. Nước Thiện Thiện nằm bên bờ hồ Lobnor. Đất này ngày xưa có tên là Lâu Lan nhưng nay tất cả đã bị vùi sâu dưới cát.
Pháp Hiển có ghi lại là đất này hiểm trở và cằn cỗi. Từ đó đi về phía Tây Bắc 15 ngày nữa, ông đã đặt chân lên Ô Di Quốc (Ui). Nước này chính là A Thị Ni Quốc (Agini) được kể ra trong Đại Đường Tây Vực Ký của Huyền Trang. Hiện nay nó là huyện Yên Thị (Engi) trong khu tự trị của tộc Hồi. Theo những gì kể lại thì đương thời, người ở Yên Thị đã cư xử không đúng lễ nghĩa và tỏ ra lạnh nhạt với đoàn của Pháp Hiển.
Lâu Lan cổ thành
“Hoàng sa bách chiến xuyên kim giáp,
Bất phá Lâu Lan chung bất hoàn”
(Tòng quân hành, thơ Vương Xương Linh)
Đi thêm 35 ngày nữa, cuối cùng đoàn của Pháp Hiển đã đến được Vu Điến. Đây là một nước giàu có, dân chúng ân cần. Khác với khi đi qua Thiện Thiện đất cát cằn cỗi và Ô Di dân chúng không lễ nghĩa, đến được Vu Điến, Pháp Hiển như thở phào. Ở Vu Điến, số tăng sĩ có đến hàng vạn, thức ăn thức uống đều do quốc vương cúng dường. Đó gọi là “chúng thực”. Ngoài ra trước cửa nhà thường dân còn có dựng những cái tháp nhỏ. Gọi là “nhỏ” nhưng cái nhỏ nhất cũng phải cao đến hai trượng. Thời đó, trượng không lớn như bây giờ, tính ra mỗi trượng chỉ độ 2,5 m. Như vậy, tháp dựng lên trước nhà dân phải cao trên 5m. Bốn phương còn có đặt những tăng phòng để cho các nhà sư đang trên đường lữ hành có thể lưu trú.
Nơi đây có thể nói là chốn cực lạc của các nhà sư. Bắt đầu là Chu Sĩ Hành rồi sau là đến lượt các nhà sư thỉnh kinh tiên phong khác, như một qui định, họ đều ghé qua đây. Nếu họ có dừng chân chứ không đi tiếp nữa, tôi nghĩ cũng là chuyện dễ hiểu. Bởi vì tới được chốn này, họ đã phải kinh qua nhiều gian khổ. Và con đường trước mặt, gian khổ nào có kém chi. Sau khi đã qua khỏi những mảnh đất cằn cỗi, những sắc dân thiếu lễ nghĩa và lãnh đạm với mình để đến một nơi sung sướng như thế này rồi, các thày bụng bảo dạ tội gì phải đi xa hơn nữa.
Riêng Pháp Hiển không nghĩ như thế và ông cứ dấn bước. Ông ở lại Vu Điến có 3 tháng nhưng chỉ là để xem một lễ hội gọi là “Hành tượng” chứ không phải coi vương quốc này như đích nhắm cuối cùng.
“Hành tượng”行像 (Procession of images) được biết là cuộc diễu hành qua các nơi trong phố xá với cỗ xe trang trí đẹp đẽ có đặt tượng Phật bên trong. Nghe định nghĩa như thế, chúng ta có thể liên tưởng đến những đám rước trong các lễ hội Thần đạo ở Nhật. Xe dùng trong “Hành tượng” ở Vu Điến cao độ 3 trượng, trang sức thất bảo (bảy loại đá quí) và có màn che trướng phủ chẳng khác nào các xe hoa trong lễ Gion (Kỳ Viên) ở Kyôto.
Các xe được đóng ở ngoại thành rồi rước tượng Phật của các chùa đặt vào bên trong. Ngoài ra, chung quanh tượng Phật (có lẽ là Đức Thích Ca) còn có bồ tát và thiên vương hộ giá. Vì Pháp Hiển dùng 4 chữ “kim ngân điêu oánh” để diễn tả, ta có thể hiểu chúng là những vật trần thiết tạm làm ra cho dịp đó ngoài tượng chính (gọi là honzon = bản tôn) mà các chùa đã có sẵn.
Khi xe đến trước cổng thành thì nhà vua sẽ cởi mão miện, thay áo nhẹ, ra đón các tượng, rải hoa và xông hương. Hoàng hậu cũng như các cung nhân từ trên lầu thành cũng rắc hoa xuống. Những đóa hoa muôn sắc rưới lên trên cỗ xe lộng lẫy này là một cảnh tượng hết sức hoa lệ.
Một nơi có đến vài vạn tăng nhân như Vu Điến, con số tự viện ắt cũng nhiều.Trong số đó là 14 ngôi chùa lớn, mỗi ngày một chùa thay nhau hành lễ cho nên phải mất tất cả là 14 ngày. Ngôi chùa nơi Pháp Hiển trú chân là Cù Ma Đế Tự (Gomati), chùa lớn nhất trong 14 đại tự viện ấy. Ngày đầu tiên của Hành tượng phải được cử hành tại đây.
Theo “Pháp Hiển Truyện” thì Hành tượng được tổ chức hàng năm từ ngày 16 cho đến ngày 29 tháng tư âm lịch. Nguyên lai cuộc lễ này bắt đầu từ mùng 8 tháng tư là sinh đản của Đức Phật Thích Ca nhưng Vu Điến vì một lý do nào đó đã dời lại đến mấy ngày sau. Phải chăng vì ngày kỷ niệm đức Phật đản sinh có những nghi thức như lễ Tắm Phật (Quán Phật Hội), nếu ghép cả hai lễ làm làm một thì dân chúng quá đổi bận rộn. Do đó, để khỏi trùng phức, họ phải tách hai lễ ấy ra. Ngoài vùng Tây Vực ra, cũng có những nước khác cử hành Hành tượng vào ngày Thu phân. Ở các nước Đông Nam Á, họ tổ chức vào ngày rằm của tháng Vesak.
Người Nhật gọi ngày Phật đản sanh là Hana-matsuri 花祭 (Ngày lễ hoa). Tuy có làm lễ tắm Phật nhưng hầu như không có đám rước (kiểu Hành tượng). Nhân vì Đức Phật sinh ra dưới vòm cây hoa sa-la cho nên người Nhật mới có tập quán dựng một nơi tên là Hana Midô 花御堂 (Hoa Ngự Đường) và làm lễ tắm Phật bằng nước amacha 甘茶 (cam trà). Vì có truyền thuyết là khi Đức Thích Ca ra đời thì có voi đến phun nước thơm cho ngài nên bên Trung Quốc và Ấn Độ mới cử hành lễ tắm Phật bằng nước thơm (hương thang) như vậy. Ở Nhật thì vào thời Edo, người ta đã thay hương thang bằng nước amacha (cam trà, tức nước pha bằng một loại hoa ajisai để khô). Không biết mùi hương ấy như thế nào, chỉ biết nó có vẻ thích lợp hơn đối với người Nhật.
Tại sao người Nhật lại không rước tượng Phật (Hành tượng) như người bên đó vậy?
Chính ra việc tuần hành thường dính liền với tôn giáo. Ki-tô giáo cũng có đám rước kiệu gọi là Procession. Đạo Hồi phái Shi-a thì nổi tiếng với các Tâjia. Tâjia là vở kịch diễn lại cảnh tử đạo của Hussein, một vị thánh của họ nhưng còn kèm theo cuộc tuần hành của các kỵ sĩ ngoài đường phố. Nhiều khi vì diễn xuất quá cuồng nhiệt nên những cuộc tuần hành này đã đưa đến rối loạn trật tự khiến chính phủ phải ngăn cấm như trường hợp ở Iran.
Ở Nagasaki có cử hành đám rước tên gọi Bosatsu azukari (Gửi tượng Phật). Các tàu buôn Trung Quốc (vốn đem theo tượng Thần Phật để thờ trong thuyền gọi là Funa-bosatsu) khi vào cảng Nagasaki phải đem ký thác các tượng thờ cho các chùa Tàu ở đó trông coi hộ cho đến ngày về. Đám rước để đi gửi đó có tên là Bosatsu-nose. Lý do là đời Edo có qui chế cấm đạo Ki-tô rất khắt khe cho nên thương nhân Trung Quốc muốn chứng tỏ trước mọi người họ không phải là những người theo đạo ấy. Đám rước này có màu sắc hội hè đặc biệt tuy phải nói đấy là một hành động không mấy cần thiết. Thần Phật mà người Trung Quốc mang theo để mong cho cuộc hành trình trên biển được an toàn chủ yếu là nữ thần Mã Tổ (Thiên Hậu) và Quan Đế (Quan Công) nhưng cả hai đều không phải là Phật. Có lẽ ở Nhật đã có các đám rước của thần xã rồi nên các chùa giữ ý không cạnh tranh làm gì. Hoặc giả là Thần đạo đã hấp thu Hành tượng – một tập quán lâu đời của Phật giáo – và đem ứng dụng cho mình. Điều này xem ra có vẻ hợp lý vì ở Nhật, xưa nay vẫn có một sự dung hợp giữa Thần đạo và Phật giáo. Chẳng hạn giữa chùa Enryaku và đền Hiyoshi, (ở vùng Kyoto, NNT), cũng có một sự phân chia công việc liên quan đến lễ lạc, hội hè khá gọn ghẽ. Dù sao đi nữa, vì thiếu những đám rước như vậy, mà tượng Phật trong các chùa Nhật không được đem ra sáng nên cũ kỹ và mốc thếch.
Huyền Trang lúc đi đã theo con đường phía Bắc (Thiên Sơn Bắc Đạo, NNT) nên không ghé ngang Vu Điến. Dù vậy, ông có ghé nơi đó trên đường về. Ông ở đây một ít lâu, dùng thời gian để viết biểu văn dâng cho hoàng đế và gửi thương đội đem về dùm. Thực ra, khi sang Thiên Trúc, Huyền Trang đã đi lén không giấy tờ. Bao lần ông xin giấy phép chính thức nhưng đều bị từ chối. Cho dù lúc ấy Trung Nguyên đã hòa bình, thống nhất nhưng nhà Đường vẫn còn lo lắng về trị an ở vùng biên cảnh.Với nhiều nước láng giềng họ hãy còn chưa có thỏa ước ngoại giao nên mới phòng xa mà ra lệnh cấm người trong nước xuất cảnh.
Huyền Trang
Vì nóng nảy lên đường cầu đạo nên chàng tuổi trẻ Huyền Trang không đợi đến khi có giấy phép chính thức, đã nhắm hướng Tây trực chỉ Thiên Trúc. Cho dù với mục đích thỉnh kinh hay là gì đi nữa, xuất cảnh mà không có giấy thông hành, Huyền Trang đã phạm vào phép nước.
Về ngày Huyền Trang ra khỏi Trường An, có hai thuyết. Một cho là năm 627, thuyết khác cho là 629. Khi ông về tới Vu Điến là năm 644 nghĩa là mười mấy năm sau ngày lên đường thì tình thế lúc đó đã thay đổi, chẳng hạn Cao Xương không còn là ngoại quốc vì đất đai bị sáp nhập vào bản đồ nhà Đường. Hơn nữa, may mắn cho Huyền Trang là trong những năm ở Ấn Độ, ông đã đạt nhiều thành quả học tập và thu thập được nhiều bộ kinh quí. Giới Phật giáo nhà Đường đang trông ngóng ngày ông hồi hương mà có lẽ chính hoàng đế cũng rất vui nếu biết tin ông. Cái tội bí mật xuất cảnh mười mấy năm về trước chắc nay không còn là vấn đề nữa. Dù vậy, Huyền Trang vẫn ý thức mình là kẻ có tội nên phải có mấy hàng trần tình và xin nhà vua rộng lượng khoan dung. Bởi vì ngoài việc truyền bá Phật giáo về phương Đông và thỉnh những Phật điển quan trọng, động cơ ra đi của Huyền Trang còn là muốn đạp chân lên mảnh đất nơi phát nguyên ra tôn giáo ấy:
… Xảy đến tháng 4 năm Trinh Quán thứ 3, thần đã phạm vào hiến chương (phép nước) mà lên đường sang Thiên Trúc. Dẫm chân trên sa mạc bao la, vượt những rặng núi tuyết cao vòi vọi, bất chấp đường đi khó khăn hiểm trở, sóng lớn biển sôi, bắt đầu từ thần ấp Trường An, chấm dứt ở tân thành Vương Xá. Giữa hai nơi, thần đã phải vượt qua hơn 5 vạn dặm…
Khi đọc xong, Đường Thái Tông đã trả lời với một nội dung hoan nghênh như sau:
…Trẫm nghe nhà thày đã đi qua những vùng đất lạ, nay vô sự về đến quê nhà nên lòng rất hoan hỉ. Hãy mau mau đến đây cho trẫm được tương kiến.
Không chỉ có mỗi hoàng đế mà cả dân chúng thành Trường An cũng nồng nhiệt nghênh đón. Huyền Trang đi thuyền theo kênh đào vào thành rồi định lên cạn nhưng vì dân chúng tụ tập đông quá nên ông không thực hiện được, đành phải qua đêm trong thuyền.
Ngày hôm sau tức mồng 7 tháng giêng năm Trinh Quán 19 (645), Huyền Trang rốt cuộc mới lên bờ, bày kinh văn và tượng Phật mình mang được về ở phía Nam cửa Chu Tước thành Trường An.
Hành trình thỉnh kinh bằng đường bộ của Huyền Trang
Thái Tông lúc đó đã đi Lạc Dương đốc chiến đạo quân đi viễn chinh Cao Lệ (trên bán đảo Triều Tiên), tạm giao quốc chính cho Tể Tưởng Phòng Huyền Linh. Do đó Huyền Trang mới lên đường đi Lạc Dương và vào chầu Thái Tông ở điện Nghi Loan. Câu đầu tiên, nhà vua đã hỏi:
– Cớ sao nhà thầy khi ra đi không tâu báo?
Ý nói mười mấy năm về trước, Huyền Trang đã không xin phép xuất cảnh. Thế nhưng làm gì có chuyện một nhà sư trẻ phải đạo đạt nguyện vọng lên tận hoàng đế như vậy. Huyền Trang cho biết đã dâng biểu nhiều lần nhưng không nhận được giấy phép:
– Cái tội tự chuyên, dám mong được tha thứ.
Thái Tông mới hiểu dụ rằng nhà nguôi là kẻ xuất gia, đâu phải tục nhân, nên không hỏi tội. Hơn nữa, hành động bất chấp gian nan, không tiếc mạng sống mà đi cầu đạo, mang lại lợi ích cho dân lành như thế là việc đáng khen ngợi.
Thế rồi Thái Tông nhân đánh giá cao tinh thần bất khuất , nhân cách và kiến thức của Huyền Trang qua chuyến lữ hành đầy gian khổ, muốn ông hoàn tục, để phò tá nhà vua trong chính vụ. Dĩ nhiên nhà sư đã cố từ chối vinh dự ấy.
Vậy là Huyền Trang đã về nước trong vinh quang.
Nói về Vu Điến thì đây là một trạm nghỉ chân hằng mong ước của người thỉnh kinh, dù trong chuyến đi hay chuyến về. Ốc đảo trù mật này là nơi xoa dịu nỗi nhọc mệt cho họ trên bước lữ hành. Đối với Huyền Trang, chắc ông đã nhủ lòng rằng đã đến được đây thời chỉ còn một thôi đường nữa là tới đích, trong khi Pháp Hiển có thể băn khoăn vì con đường trước mặt mới gian nan hơn nhiều.
Có lẽ Pháp Hiển với tấm thân già yếu đã tìm thấy ở chùa Cù Ma Đế những bộ kinh mà ông không tài nào kiếm ra ở Trường An. Như thế ông có thể bằng lòng với chúng để lập tức quay trở về chứ nào bị bắt buộc đi chi thêm nữa sau khi đạt được chừng ấy thành quả khả quan. Có thể Pháp Hiển đã nghe những tiếng nói dụ dỗ như vậy vọng lên trong lòng. Trong trí ông làm gì chẳng hiện ra hình ảnh của tiền bối Chu Sĩ Hành, người đã chọn ở lại nơi đây, hoặc những kẻ bỏ cuộc quay về như các nhà thỉnh kinh cùng thời là Pháp Tĩnh và Pháp Lĩnh
Thế nhưng trong đầu ông hẳn có một tiếng kêu gọi khác: “Xưa nay chưa có ai đi thỉnh kinh mà đến được Thiên Trúc. Thế thì ta phải đi mà thôi!”. Như thế, Pháp Hiển đã bỏ Vu Điến lại đằng sau mà tiến về phía trước. Đi bộ 25 ngày, ông đến được Tử Hợp Quốc (Shigô) Nước này ngày nay là huyện Diệp Thành (Kargarik). Tôi đã dùng xe Jeep để đi ngược từ đây về Hòa Điền (Khôtan, tức Vu Điến) thì thấy mất 8 tiếng đồng hồ. Phải nói là đoạn đường này rất khó khăn nhưng so với cảnh nhà sư già Pháp Hiển phải mất 25 ngày lội bộ thì hoàn cảnh của tôi còn sung sướng hơn nhiều.
Vượt qua rặng Thông Lĩnh (Pamir), cuối cùng người thỉnh kinh đã đặt chân lên đến miền Bắc Ấn. Tân Đầu Hà (sông Indus) nằm thăm thẳm ở dưới vực sâu nghìn tầm, khách lữ hành phải tựa vào những bậc thang (gọi là bàng thê) dọc theo các vách đá dựng thẳng đứng. Đây là thang kết bằng những khúc cây bắc qua khoảng trống nằm giữa ghềnh đá, làm chỗ cho khách bộ hành bám chân. Qua những nhịp cầu treo (điếu kiều) còn phải hết sức cẩn thận. Nhìn xuống dưới là hoa cả mắt. Sức vóc một ông già ở tuổi 67 như Pháp Hiển lúc đó thử hỏi được bao nhiêu!
Động cơ khiến Pháp Hiển tiến về phía trước là lòng thiết tha cầu đạo của ông nhưng cũng có lẽ là ý muốn làm được một việc xưa nay chưa ai thực hiện nổi.Trong hồi ký lữ hành, ông có viết:
… Đây là nơi mà vào đời Hán, Trương Khiên và Cam Anh đều chưa đặt chân tới!
Pháp Hiển ở lại Ấn Độ 6 năm và dành phần lớn thời gian để học hỏi giới luật. Đương thời, sách vở nói về giới luật là lãnh vực Trung Quốc còn rất thiếu thốn. Trong tình trạng đất nước chia năm xẻ bảy, con số tăng lữ địa phương đã tăng lên một cách dị thường. Những kẻ vì trốn quân dịch, phu dịch hay thuế má, lạm dụng cửa thiền làm chốn dung thân, đông không thể nói. Khi giáo đoàn đột ngột phình to như thế, nếu không có giới luật làm căn cứ để kiểm soát, tổ chức tất sinh ra cảnh hổn loạn. Nó chẳng khác nào tình trạng của Phật giáo Nhật Bản 350 năm về sau. Chính vì cớ đó mà người Nhật đã phải mời lão hòa Thượng Giám Chân (Ganjin, 688-763) – lúc đó đã mù lòa – từ bên nhà Đường sang để giảng về giới luật. Còn bên Trung Quốc thì trước đó, lão hòa thượng Pháp Hiển đã tự mình sang Thiên Trúc tìm hiểu.
Pháp Hiển đã theo đường biển từ Sư Tử Quốc (Sri Lanka) để về nước. Thuyền ghé Gia Bà Đề Quốc, Pháp Hiển lưu lại nơi đây 5 tháng. Nơi đây ngày nay có lẽ là đảo Java. Sở dĩ lão tăng phải lưu lại đất này những 5 tháng, có thể là vì phải chờ có chuyến để đi tiếp, hoặc là đã cạn lộ phí, phải đợi các thí chủ bố thí. Đường bộ sang Tây Vực đã gian nan mà đường biển cũng không mấy bình an. Từ Sri Lanka qua Java mất đến 90 ngày. Lý do là họ đã chống trả với bão tố suốt 13 ngày đêm và phải ghé một hòn đảo trên đường để tu sửa chiếc thuyền bị hư hại.
Sau đó từ Java, đoàn đã lấy thuyền đi Quảng Châu. Một lần nưa họ lại bị bão đánh dạt đến quận Trường Quảng thuộc Thanh Châu. Địa điểm này ngày nay nằm ở phía nam Giao Châu Loan tỉnh Sơn Đông.
Huyền Trang Tam Tạng đã về đến quê nhà như một ông tướng ca khúc khải hoàn. Thế nhưng việc nhận được quá nhiều vinh dự như thế chắc ông cũng làm ông đâm ra bối rối. Dù sao, chuyến về của Pháp Hiển mới thật là thảm hại. Mười một nhà sư cùng nhau lên đường thỉnh kinh, chỉ có mỗi mình ông là thấy lại cố hương.
Nhiều khi có lẽ Pháp Hiển cũng cảm thấy lẻ loi khi đối bóng ngọn đèn nhưng ít nhất ông cũng đã đem được tượng Phật cũng như kinh văn – nhất là các tạng kinh về giới luật – về nước bình yên vô sự. Khi gặp sóng to gió lớn, những tưởng đã phải đem vứt cả xuống biển nhưng ông đã niệm Phật Quan Âm và cầu xin chúng tăng ở quê nhà bảo vệ cho mình.
Ra đi khi mới ngoài 60, tăng Pháp Hiển đã làm một cuộc lữ hành lịch sử từ Tây Vực đến Thiên Trúc để cầu đạo và lên đường về nước bằng đường biển vào năm 77 tuổi tức ở tuổi gọi là “hỷ thọ”.
Theo sách “Lương Cao Tăng Truyện” thì ông mất ở tuổi 86 trong một ngôi chùa tên là Tân Tự ở Kinh Châu (nay thuộc tỉnh Hồ Bắc). Khi về nước, ông đã dành 10 năm trời để lo dịch kinh sách và như thế, không hề trở lại Trường An nữa.
Từ Trường An để vào Tây Vực, chính ra phải đi ngang qua Hà Tây tứ quận tức Vũ Uy, Trướng Dịch, Tửu Tuyền và Đôn Hoàng nhưng vì thời cuộc bất an, ông đã tránh không qua Vũ Uy. Thực ra việc không đi qua đây có thể là ngả rẽ của định mệnh.
Người chiếm giữ Trường An là Phù Kiên (hay Bồ Kiên) của triều Tiền Tần đã bị quân Đông Tấn đánh bại trong trận Phì Thủy cho nên khi Pháp Hiển ra đi thì Trường An đã sang tay người chủ mới là Diêu Hưng của triều Hậu Tần. Lúc sắp đụng trận với quân Đông Tấn, với chủ ý cũng cố mạn sườn phía Tây, Phù Kiên đã gửi tướng của mình là Lữ Quang sang Tây Vực. Quân Lữ Quang bèn tấn công Qui Tư (Kucha tức Khố Xa, nay thuộc Khu tự trị của người Ouguir ở Tân Cương) và chiến thắng. Sau khi nghe tin chủ quân của mình thất trận ở bến Phì Thủy, ông bèn nghĩ rằng mình không còn cách nào khác hơn là tự lập làm vua. Huống chi Qui Tư là một ốc đảo trù phú.Vì Tần Phù Kiên đã đại bại nên bộ hạ không ai phản đối việc Lữ Quang lên ngôi.
Ở lại đây là hung, đi về miền Đông là kiết.
Đó là câu nói của một danh tăng hàng đầu đương thời, Cưu Ma La Thập (Kumârajiiva, Kumaratra, 344?, 350? – 413). Người cha Cưu Ma La Thập 鳩摩羅什là một nhà quí tộc Ấn Độ, còn mẹ ông là em gái của quốc vương Qui Tư. Từ thuở nhỏ, ông đã nổi danh thần đồng, kiến thức kiêm bị vì từng theo học về Đại Thừa lẫn Tiểu Thừa ở Kashmir và Kashgar. Khi Phù Kiên gửi Lữ Quang sang đánh Qui Tư, đã ra lệnh đặc biệt là bằng mọi cách phải bắt cho được Cưu Ma La Thập mang về. Lý do là trong giới Phật giáo ngày ấy, ai nấy đều biết con người ấy là một thiên tài.
Riêng Cưu Ma La Thập thì trong lòng cũng có ý nguyện truyền bá Phật giáo ở phương Đông. Lúc ấy, Trung Quốc đang ở giữa thời loạn lạc nên người người đều muốn tìm ở nơi Phật giáo một giải pháp cứu tế. Thế nhưng hình ảnh trung thực của Phật giáo vẫn chưa được rao truyền. Phải chăng ngoài mình không có ai để làm việc đó! Chắc Cưu Ma La Thập đã cảm thấy mình mang một sứ mạng như vậy.
Việc Lữ Quang chiếm đóng Qui Tư như mở ra một khả năng truyền giáo về phương Đông cho Cưu Ma La Thập. Nếu Lữ Quang đưa ông về miền Đông thì con đường ấy mới có thể mở ra. Nhưng đây, Lữ Quang vẫn ngồi lì ở Qui Tư cho nên Cưu Ma La Thập mới đem chuyện bói toán kiết hung để khuyên Lữ Quang trở về Đông.
Lữ Quang bèn về Đông, đưa cả Cưu Ma La Thập cùng theo và lên ngôi ở vùng Vũ Uy. Ông đã lập lên ở đây một triều đại mới, đó là nhà Hậu Lương, một trong Ngũ Hồ Thập Lục Quốc. Khi Pháp Hiển đi về phía Hà Tây tứ quận để sang Tây Vực thì quốc gia này đã thành lập được 15 năm rồi. Tránh cảnh nội chiến, Pháp Hiển đã không đi ngang qua Vũ Uy. Nếu ông dừng chân ở Vũ Uy thì chắc ông không cần phải sang Thiên Trúc nữa, bởi vì những nghi vấn về Phật pháp của ông có thể đã được học giả thiên tài Cưu Ma La Thập giải đáp tại chỗ. Trong những kinh văn mà họ Cưu đã mang đi từ Qui Tư, cũng đã có đủ sách vở về giới luật. Thực vậy, Cưu Ma La Thập là người dịch các kinh văn nói về giới luật như Phạm Võng Kinh và Phật Tạng Kinh.
Chuyện Cưu Ma La Thập được chủ nhân mới của thành Trường An là Diêu Hưng tiếp đón sẽ xảy ra hai năm sau. Nói cách khác, nếu Pháp Hiển trì hoãn ngày lên đường độ hai năm thì ông có sác xuất hủy bỏ kế hoạch đi Thiên Trúc rồi cũng không chừng.
Bích nhãn Hồ tăng bên cạnh đồng đạo phương Đông
(Bích họa ở Thiên Phật Động)
Thế nhưng khi đánh giá Pháp Hiển, người ta không chỉ nói về những gì ông mang về được mà còn về lòng quả cảm của ông vì đó là một điều rất có ý nghĩa. Mọi người đều xúc động trước hình ảnh một vị lão tăng bình thường, chân thực nhưng đã làm nên một sự nghiệp phi thường mà trước ông, không ai làm nổi.
Dù sao cũng còn một nghi vấn. Có phải thực là khi lên đường sang Tây Vực, Pháp Hiển đã không biết về sự tồn tại của danh tăng Cưu Ma La Thập ở Vũ Uy. Lúc ấy Cưu Ma La Thập hẳn trẻ nhưng tiếng tăm đã phải vang dậy trong giới nghiên cứu kinh Phật rồi chứ!. Hoặc giả mạng lưới thông tin hồi đó chưa được tốt hay chăng?
Đây chỉ là sự phỏng đoán cá nhân của tôi thôi nhưng tôi nghĩ có thể Lữ Quang nhà Hậu Lương và con trai của ông về sau đều có ý giữ Cưu Ma La Thập như bảo vật, không cho phép ai được gặp. Tấn Thư cho biết Cưu Ma La Thập biết bói việc kiết hung. Một người như vậy đối với nhà nước thật là một nhân vật quí giá, có thể tham dự chính sự, phải luôn luôn giữ bên cạnh triều đình.
Trước đây, Phù Kiên của Tiền Tần đã động viên 10 vạn quân, hạ căn cứ địa của Đông Tấn là thành Tương Dương, thu được danh tăng Đạo An và nho sĩ Tập Tạc Xĩ. Phù Kiên đã nói với tể tướng: “Ta huy động những 10 vạn binh để hạ thành Tương Dương mà chỉ thu về được có một người rưỡi. Một người ám chỉ Đạo An và phân nửa người là Tập Tạc Xĩ. Phù Kiên không nói như vậy để than mình thua lỗ nhưng chỉ muốn cho rằng một danh tăng còn có giá trị gấp đôi nhà nho nổi tiếng.
Người từng khuyên Phù Kiên nếu chiếm Qui Tư thì phải đem bằng được Cưu Ma La Thập về chính là Đạo An. Ta thấy Đạo An đã thừa nhận Cưu Ma La Thập còn có giá trị cao hơn mình. Do đó Phù Kiên mới dặn dò tướng Lữ Quang khi vào Tây Vực phải bắt cho được Cưu Ma La Thập. Thật dễ hiểu, hai cha con Lữ Quang cũng thế, họ đời nào để vuột ra ngoài một của quí như họ Cưu.
Còn bản thân Cưu Ma La Thập thì suốt trong 17 năm tròi từ đó cho đến khi được mời về Trường An, bề ngoài không thấy ông có một hoạt động tôn giáo nào cả.
Chắc Cưu Ma La Thập nghĩ rằng muốn truyền bá chính xác Phật pháp cho người phương Đông, điều thiết yếu là phải dịch thật đúng đắn các bộ kinh quan trọng. Do đó ông đã bỏ nhiều thời giờ trong 17 năm trời ấy để học và nắm rõ văn phạm chũ Hán cũng như đọc đủ loại tác phẩm cổ điển của họ.
Tây Vực không phải chỉ là Turkestan (vùng đất chịu ảnh hưởng văn hóa Thổ hay Đột Khuyết) nhưng một thời đã là Iranistan (vùng đất chịu ảnh hưởng văn hóa Ba Tư). Ngôn ngữ Qui Tư cũng thuộc hệ Ấn Âu. Do đó tiếng mẹ đẻ của Cưu Ma La Thập hoàn toàn là một ngôn ngữ khác với tiếng nói của người Hán. Khi Lữ Quang chiếm được Qui Tư thì Cưu Ma La Thập đã 35 tuổi (có thuyết cho là 41). Có thể với ý định truyền giáo sang miền Đông, ông có học một ít tiếng Hán rồi cũng nên. Thế nhưng nếu là học tập một cách qui củ thì chỉ có thể là từ lúc ông đến Vũ Uy. Phải chăng trong thời gian ở ẩn chờ thời này, người đời hầu như đã quên mất sự có mặt của ông. Mười mấy năm trời im tiếng đã khiến cho ông trở thành một nhân vật huyền thoại. Khác với Cưu Ma La Thập, nhiệt tâm cầu đạo của Pháp Hiển thì bộc lộ rõ ràng hơn nên nơi Pháp Hiển, ta không thấy có tính huyền thoại đó.
Tuy việc đi thỉnh kinh từ đất Hán qua Tây Vực để đến Thiên Trúc, hứng chịu bao nhiêu nỗi gian nan, là một hành vi có mục đích tôn giáo nhưng trường hợp của Cưu Ma La Thập – kể cả những người như ông đã đi từ Tây sang Đông để rao truyền Phật pháp, cứu độ chúng sinh – thì cũng có thể coi như hành vi tương tự việc thỉnh kinh, nghĩa là có mục đích truy cầu bản chất của đạo Phật.
Từ ngày Cưu Ma La Thập được mời đến Trường An cho đến khi ông mất chỉ vỏn vẹn có 8 năm trời. Thế mà ông đã dịch được 35 bộ 294 quyển kinh. Thật là một siêu nhân trong ngành dịch thuật. Chúng ta biết là về sau Huyền Trang cũng dịch kinh. Cách phiên dịch của Huyền Trang bám sát câu chữ (trục ngữ) nên chính xác, xem như có tính học thuật cao. So sánh với Huyền Trang thì cách dịch kinh của Cưu Ma La Thập là dịch theo ý (ý dịch). Hình như ông chỉ muốn trình bày ý chính của kinh điển nhưng chính vì thế mà bản kinh ông dịch dễ đọc hơn và mọi người mới thấm thía dễ dàng bản ý của Phật pháp. Có thể xem như đây là một bản dịch có tính văn chương. Tuy nhiên, việc này chắc đến từ lý do là họ Cưu chỉ bắt đầu học tiếng Hán khi đã ở lứa tuổi trung niên.
Thí dụ Kinh Pháp Hoa (Myôhô Rengekyô) vốn rất quen thuộc với Nhật ngày nay có xuất xứ là bản dịch sang Hán văn của Cưu Ma La Thập, một người đến từ Tây Vực. Đó là một bản dịch nổi tiếng được các Phật tử Nhật Bản yêu chuộng. Ta còn có thể bảo rằng nhờ có bản dịch ấy mà giữa Tây Vực và người Nhật, đã có một sợi giây ràng buộc bí ẩn.
Hai con đường truyền giáo Nam Bắc
Có thể tôi đã dành quá nhiều giấy mực để nói về những nhà sư thỉnh kinh. Thế nhưng, ngày nay khi nhắc đến Con Đường Lụa xuyên qua Tây Vực, người ta toàn đề cập đến lợi ích thương mãi của nó. Do đó tôi cảm thấy cần nhấn mạnh ở đây là con đường ấy không phải được làm ra để phục vụ cho mục đích ấy thôi đâu! Vì vậy, xin độc giả cho phép tôi được nói thêm đôi điều nữa liên quan đến các nhà sư thỉnh kinh (cầu pháp tăng).
Chúng ta không nên quên rằng trước thời Cưu Ma La Thập khoảng 100 năm, có một nhà sư Tây Vực tên là Phật Đồ Trừng仏図澄 (Buddhasimha, 232-348) . Sách Tấn Thư cho biết ông là người Thiên Trúc, vốn họ Bạch. Bạch帛 (là lụa) hay Bạch 白 (là trắng) vốn rất phổ biến ở Qui Tư, cả nhà vua cũng mang họ ấy. Họ đó phổ thông chẳng khác nào họ Bùi ở Sơ Lặc (Kashgar) hay họ Uất Trì ở Vu Điến (Khôtan). Dường như tác giả Tấn Thư xem người Qui Tư chẳng khác gì người Thiên Trúc, bởi vì cũng trong sách ấy, có chép Cưu Ma La Thập là một người Thiên Trúc.
Do đó, tuy xuất thân từ Qui Tư nhưng giữa Phật Đồ Trừng và Cưu Ma La Thập, phong thái không giống nhau. Trong khi Cưu Ma La Thập dịch rất nhiều kinh văn, có bản còn được bảo tồn và tiếp tục làm rung động lòng người hiện đại, thì chẳng thấy Phật Đồ Trừng dịch lấy quyển nào và truyền lại chi cả.
Cả hai vị đều mong mỏi rao truyền Phật pháp về phương Đông. Phật Đồ Trừng tới Lạc Dương vào năm 310, đó là lúc quân Hung Nô đang uy hiếp nhà Tấn một cách cực kỳ mạnh mẽ. Năm sau (311), Lạc Dương rơi vào tay địch, thành phố bị cháy tiêu, cướp bóc, hãm hiếp và giết chóc xảy ra không ngớt. Cảnh tượng bày ra giống như địa ngục, ước chừng có đến 75.000 người chết. Có kẻ bị quẳng từ trên lầu cao, có kẻ bị đem chôn sống, nghĩa là chịu đủ thứ hành vi bạo ngược. Việc trộn thịt người với thịt động vật nấu lên để mở yến tiệc là chuyện thường như cơm bữa.
Đứng trước những cảnh tượng thê thảm như vậy, có thể Phật Đồ Trừng nghĩ rằng có những điều cấp thiết cần phải làm hơn là dịch kinh. Ông đến trước thủ lãnh Hung Nô để thuyết phục:
– Làm những hành vi bạo ngược như thế là chuyện không nên!
– Tại sao ngươi cho là thế?
Xưa nay binh tướng Hung Nô vẫn tin vào lẽ “mạnh được yếu thua”, xem đó như chuyện thường tình. Khác với chúng ta, những con người hiện đại, họ không lý giải được nếu làm chuyện bạo ngược là không nên. Sáng chiều, Phật Đồ Trừng đã cố gắng can thiệp để cứu thêm được một hai người đang bị hiểm họa trước mắt. So với những gì ông làm, công việc dịch thuật của các nhà sư thỉnh kinh coi bộ khỏe hơn nhiều.
Làm thế nào để giải thích việc giết người là quấy? Nhất là đối với bọn tướng lĩnh Hung Nô dã man. Thế nhưng trước tiên là làm sao cho những người đó hiểu được lời mình muốn nói.
Chỉ có cách duy nhất là làm một số phép lạ trước mặt họ. Đó là những người nếu mắt không thấy thì lòng không tin. Để được họ tin, phải tạo ra những kỳ tích. Theo truyện ký nói về ông, Phật Đồ Trừng đã phô bày một số phép lạ trước mặt họ.
Giỏi việc niệm thần chú, có thể sai khiến quỷ thần.
Tương truyền, ông còn cứu một đứa con trai của vua Thạch Hổ nhà Hậu Triệu, chết rồi mà sống lại được. Có thể Phật Đồ Trừng chỉ là người tinh thông về y khoa và khoa học tự nhiên mà thôi. Hình như vào thời đó, các vị sư tên tuổi đều là kẻ có nhiều kiến thức như vậy. Họ đã khoác cho cách trị liệu của mình màu sắc thần thánh để đạt được lòng tin vì đó là một điều kiện tiên quyết.
Nho gia có tín điều là không bàn đến chuyện ma quỷ thần thánh (quái lực loạn thần). Họ không bày trò diễn xuất phép lạ. Phải chăng vì thế mà họ không tạo ra được cơ hội để giáo hóa binh lính Hung Nô?
Tương truyền Phật Đồ Trừng sống đến 117 tuổi. Nếu thế, ông hội đủ yếu tố để được đời xem là một siêu nhân. Các vị vua Hung Nô đã nghe theo lời khuyến cáo của ông mà xây nhiều chùa chiền.
Bản thân Phật Đồ Trừng không dịch lấy một câu kinh và chẳng để lại trước tác nào. Thế nhưng tương truyền ông có đến một vạn đệ tử và danh tăng Đạo An là một cao đồ trong số đó. Như ta đã biết, việc mời Cưu Ma La Thập từ Qui Tư cũng phát xuất từ lời tiến cử của Đạo An với vị vua Tiền Tần là Phù Kiên.
(Trích Tây Vực Dư Văn (1984) trang 47-72)
Dịch xong tại Tokyo ngày 25 tháng 12 băm 2017.
NNT
Thư mục tham khảo:
1) Chin Shun-Shin (Trần Thuấn Thần), Saiiki Yobun (Tây Vực Dư Văn), Asahi Bunko, Asahi Shinbunsha xuất bản, Tokyo, 1984.
2) Hình ảnh Internet.