Yến Tử – Phật Giáo Trong Thơ Bùi Giáng

Không kể đến những thiền sư thi sĩ, Bùi Giáng là người duy nhất trên văn đàn Việt Nam có nguồn thơ thâm mậttrác tuyệt lấy từ cõi Phật giáo uyên nguyên. Ngôn ngữ Phật giáo trong thơ Bùi Giáng vừa là “thuật ngữ chuyên môn” của Kinh, vừa là thứ rất riêng của Bùi Giáng.

Với thứ ngôn ngữ đó, Bùi Giáng đã đưa kinh Phật về với cõi ba đào tuý luý tình mộng đổ xiêu của mình, cõi thơ Bùi Giáng trở nên lãng đãng bóng dángngôn ngữ tinh mật thuyết thoại cùng bể dâu tuế nguyệt. Thơ Bùi Giáng vì vậy thấy gần gũi mà xa lạ; giản dị mà khó hiểu vô cùng.

Bùi Giáng suốt kiếp rong chơi – rong chơi cả trong tư tưởng, mặc dù ông đã phiêu du qua lắm ngõ ngách của cõi Đông – Tây nhưng chưa một lần ông chọn cho mình một ốc đảo cụ thể nào để quay về nương tựa. Trong ông là cả một đống tư tưởng hỗn-độn-hoà-hiệp của “đìu hiu con nhạn Hocderlin, con ngỗng trời bất tuyệt Nguyễn Du, con hạc vàng huyền ảo Nervel, con sư tử hống thời phương thảo lục Nietzsche”, của đức Lão, đức Khâu, đức Phật…

Công bằng mà nói, Phật giáo là nguồn “tài trợ” hào phóng cho cả thơ và đời Bùi Giáng. Xét về lối sống, Bùi Giáng đã phụng hiến cả đời mình. Ông học thói tiêu dao đã lệch xiêu của Đạo giáo, học kiểu sống tuỳ duyênsắc sắc không không của Phật giáo theo cố chấp riêng của mình… Nhưng đậm đặc hơn cả vẫn là tư tưởng của Phật giáo. Ở điểm này, chưa thấy tu sĩ Phật giáo nào “học cùng bài” với ông lại làm như ông cả. Bởi ông là môt dạng thức của việc áp dụng thái quá và tổng hợp những tư tưởng mà ông học hỏi được. Vì vậy mà Bùi Giáng sống một đời phá chấp phá tướng gần như huỷ hoại, cố vùng vẫy thoát ra mắc lưới “chấp có lại dính chặt vào chấp không”: phá tướng phong nhã, hào hoa, nhà cao, cửa rộng lại trở về ưu ái chiếc áo trùng điệp màu sắc bẩn thỉu, quần lớp ba lớp bảy ngắn ngoài dài trong, ngủ phố, ngủ hè…

Phật dạy con người trở về với bản lai diện mục, Bùi Giáng hô hào đi tìm “nguyên mộng”, “nguyên xuân” và “trở về cố quận”. Thế giới thơ Bùi Giáng là thế giới biểu tượng thơ mộng và dịch giải ra, ấy là lời Phật. Bùi Giáng có lúc cao hứng còn cho rằng: có ngày “mưa nguồn”* sẽ chuyển dịch thành “kinh điển thơ ca… lúc đó Tăng Ni… sẽ ngâm thơ thay cho tụng kinh đọc chú”. Bùi Giáng nói như vậy, tất nhiên, trừ ông ra mãi mãi sẽ không có ai nói lời tương tự. Cho nên, nội lực thâm hậu của Bùi Giáng chỉ có thể là “tiếp dẫn đạo sư” cho nguồn thơ Việt, là ngọn gió tọc mạch khiến cho mây bình nguyên vần vũ đảo điên chứ không thể không ít nhiều làm đổ rụng, xiêu lệch tư tưởng Phật giáo uyên nguyên. Nhưng trừ những cố chấp đó ra, Bùi Giáng vẫn tỏ ra xứng đáng với danh hiệu “thi sĩ Bồ tát” mà giới bạn đọc đã dành tặng cho ông.

Xưa nay người ta nói nhiều về chữ “Tâm”: Nguyễn Du “lẩm cẩm” nói đi nói lại trong “Kiều”; Nguyễn Trãi bằng cách này cách nọ cũng mang chữ “Tâm” đi thuyết thoại lòng người; Trịnh Công Sơn diết da gào kêu đằm thắm: “Sống trên đời sống cần có một tấm lòng”… và đến Bùi Giáng thì “tướng tuỳ tâm hiện”. Nhưng “tâm” Bùi Giáng thì hiện rặt những tồn hoạt đổ xiêu, trăng thuở trước, sóng ngàn sau… Qua đổ rụng thấy hoa lá rung rinh, qua thể thân chuyển dịch thấy thể thân được tao phùng với bao điều mới mẻ, tinh khôi trong mỗi phút, mỗi giờ:

“Đường đi ngõ quạnh lang thang,
Niềm vui tao ngộ muôn vàn lạ thay.
Trái tim mỗi mỗi mỗi ngày,
Mỗi giờ phút đọng mây trời rung rinh”.

Ấy là sự chuyển dịch, đổi thay của không gianthời gianbản chất và hiện tượngThời gian đi là nước đi. Hay đời người cũng đi? Bùi Giáng buộc mình ý thức trong từng sát-na sự ra đi của xác thân, của tình yêu, của vạn vậttrong cõi ban sơ:

– Thân xương máu đã đành là uỷ mị.

– Em ở lại với đời ta em nhé.

– Em về mấy thế kỷ sau.
Nhìn trăng có thấy nguyên màu ấy không.

“Mỗi sáng tôi nhìn mặt trời mọc trong mây,
Mỗi chiều tôi nhìn mặt trời lặn trong mây,
Suốt ngày tôi lắng tai nghe tiếng chim hót trong lá cây reo,
Và nhìn thấy rất nhiều mùa xuân mênh mông đang đi tới”.
(Nhìn thấy – “Đêm ngắm trăng” tr.27)

Có ý thức từng hơi thở vào ra mới thấy sự quý trọng và cần thiết của hơi thở. Bình lặng thở vàomỉm cười thở ra, dẫu “mặt trời lặn”, “mặt trời mọc” thì hơi thở cũng trong lành và tĩnh tại.

Nhìn vạn vật đổi thay, em hãy là tấm gương sáng trong để tất cả qua đi soi mình vào đó. Sống là phụng hiến, là vươn lên. Nếu em buông thả cho tất cả qua đi trong vô ý thứccuộc đời sẽ xám đen một màu ảm đạm. Đừng tỏ rabất cần và chẳng hề tỉnh táo để nhận diện sự mầu nhiệm xung quanh. Nhưng nếu em “đưa tay nắm bắt để cầm; (em sẽ) nghe trong chút nắng sương chầm chậm bay”. Nắng giữ chẳng được, buông thả không xong, tất cả qua đi trong ý thức. Cứ nghe chim hót, lá reo. Cứ nhìn mặt trời mọc, mặt trời lặn mỗi sớm, mỗi chiều để thấy một bình minh, một mặt trăng đang nhón gót đến gần. Đừng cố níu giữ làm gì, rồi mặt trời sẽ mọc, mặt trời sẽ lặn, mỗi ngày mỗi mới, em sẽ tìm ra đúng nghĩa một đời vui.

Tha thiết cầu cứu cho chuồn chuồn, châu chấu, nguyên mộng, nguyên xuân… thơ Bùi Giáng vì vậy văng vẳng lời kêu “phản quan tự kỷ”. Chỉ với thiên nhiên huyền nhiệm, ta đã giàu có mà ta lại làm “cùng tử lang thang” đi tìm cầu mọi thứ để khi sức mòn lực kiệt mới thảng thốt gào kêu: Cố hương ơi, đường trở về sao quá xa xôi! Ôi quê hương, cố quận! Ôi, nguyên mộng, nguyên xuân! Cuối cùng rồi ta cũng gặp ngươi, gặp lại tình ta. Hoát nhiên ta “đại ngộ” vì sao Bùi Giáng nói:

Hỏi rằng người ở quê đâu
Thưa rằng tôi ở rất lâu quê nhà”.

hay :

“Từ đâu ngươi đến? – Từ đây ta về”.

Hành trình lữ thứ để quy hồi cố quận, có ai ngờ, càng đi càng xa. Hãy đi để trở về, “hãy đến đi để thấy”, “hãy như thực tri chứng”. Cũng như:

“Người nằm ngủ thấy gì,
Thấy rất nhiều nắng lạ,
Những chùm bông rất xanh,
Có lẽ bông là lá.
Người nằm ngủ thấy gì,
Chẳng thấy gì hết cả.
Ngài thử nằm ngủ đi,
Đừng hỏi gì hết cả”.
(Có lẽ – “Mưa nguồn…” tr. 359)

Nắng, lá, bông ngươi thấy không như thấy. Cái ngươi thấy sẽ khác cái ta thấy. Hãy ngủ đi để thấy, hỏi có ích gì. Hãy bỏ chân xuống tháng ngày, đừng bắt chước bọn thi sĩ lếu láo “quanh năm ru rú trong tháp ngà mà liên miênthuyết thoại về dâu biển tinh sương chan hoà tuế nguyệt”? Lời suông có ích gì, chỉ méo mó xiêu lệch mà thôi. Không ai lấy cắp được đoá hoa trong tâm hồn người khác, mặt trăng rỗng tuếch tư niệm soi xuống nhân gian như ngàn vạn đoá hoa dâng tặng hồn người. Bùi Giáng cảm nhận được và cố chỉ cho người khác nhưng lại khuyến cáo “ngón tay không phải là mặt trăng”. Không đến sẽ không thấy, kẻ “như thực tri chứng” trong trường hợp này chỉ biết ngước mắt nhìn trăng thơ mộng mà cảm thương: ước gì ta có thể cho ngươi vầng trăng đẹp này!

Đọc thơ Bùi Giáng không bằng hiểu Bùi Giáng. Hiểu Bùi Giáng không bằng cùng Bùi Giáng bỏ chân xuống tháng ngày. Bảo rằng nhìn thơ Bùi Giáng qua nhãn quan Phật giáo là nhạt nhẽo, méo mó… Hãy đến đi, để thấy… Dẫu sao, Bùi Giáng cũng từng nhắn nhủ: “Chúng ta quên một cách quá dễ dàng, vắng một nhà tư tưởng tác động một cách thiết cốt nhất, chính là những điểm ông bị kích bác hơn là những điểm ông được tán đồng”. Biết vậy, Bùi Giáng mặc ai khen, ai chê, đã “tự tại với tâm” thì “tự tại với pháp”.

Yến Tử
 

Ý thức rằng màu sương đang mòn ruỗng, chiếc lá chuyển màu, dòng nước miệt mài trôi và những yêu thương rồi cũng mất… là những ý thức tạo nên nghị lực sống thù thắng phi thường, một can đảm để chấp thuận ngang ngửa bể dâu, dù lắm lúc cũng dở khóc cười và chất ngất điêu linh. Nhưng … hãy mỉm cười đi, trong huỷ diệt đã sẵn mầm sự sống, trong buốt giá mùa đông “thấy rất nhiều mùa xuân mênh mông đang đi tới”:

You may also like...