Không còn nhớ ai là người đầu tiên dịch “Gone with the wind” thành “Cuốn theo chiều gió” nhưng vị nào dịch câu này hẳn nhiên là bậc thượng thừa về ngôn ngữ nói chung và rất giỏi tiếng Việt nói riêng. Ông Huỳnh Phan Anh cũng khắc tên mình vào bảng mạ vàng khi dịch “For whom the bell tolls” thành “Chuông nguyện hồn ai” (phải là “nguyện”, chứ không phải “gọi” – như các bản dịch sau 1975, nghe mới “đã” và mới đúng với ý như câu chuyện của tác phẩm Hemingway). Cụ Bùi Giáng cũng thuộc vào nhóm người “giáng thế” khi dịch “Terre des Hommes” (Vùng đất của người) thành “Cõi người ta”.
Cụ Phạm Duy là một bậc tài hoa xuất chúng nữa với các tác phẩm chuyển ngữ lời Việt. Ca khúc “The house of the rising sun” đã được cụ chuyển thành “Chiều vàng dưới mái nhà tranh”. So sánh từng câu từng từ trong các ca khúc chuyển ngữ của thiên tài Phạm Duy, không thể nói gì hơn ngoài sự kính phục tột bậc. Trong Love Story, ca khúc rất phổ biến Sài Gòn thập niên 1970 mà cụ Phạm chuyển ngữ, có những từ được diễn đạt mà chỉ những bậc thượng thừa tiếng Việt mới thể hiện nổi, chẳng hạn “this empty world” thành “cuộc đời vắng ngắt”; hoặc “wild imaginings” thành “mộng huyền mênh mang”…
Có một điểm chung giữa những bậc kỳ tài Phạm Duy, Bùi Giáng hoặc vô số văn sĩ, nhạc sĩ cùng thời với họ, là: “Tôi yêu tiếng nước tôi!”. Chỉ những người thật sự yêu quý tiếng nói của dân tộc mình mới biết cách làm đẹp ngôn ngữ. Họ nhảy múa với ngôn ngữ. Họ thăng hoa với ngôn ngữ. Họ bay bổng với ngôn ngữ. Sự cuồng nhiệt trong tình yêu ngôn ngữ của họ đã tạo ra một nền văn hóa trong đó tiếng Việt vượt qua cả khái niệm ngôn ngữ như là ký hiệu giao tiếp thuần túy mà vươn lên đến chóp đỉnh của một thứ trừu tượng hơn: linh hồn dân tộc. “Tôi yêu tiếng nước tôi”. Tình yêu của họ với tiếng Việt đã làm đẹp tiếng mẹ đẻ, làm sang trọng tiếng mẹ đẻ, và cuối cùng làm nên một nền văn hóa đẹp đẽ.
Chỉ những giai đoạn tiếng Việt bay bổng thì nền văn hóa mới thăng hoa, hay là ngược lại, thật khó có thể nói chính xác. Nhưng, có thể đoan chắc rằng một nền văn hóa xuống cấp luôn đi đôi với việc ngôn ngữ và cách dùng ngôn ngữ xuống cấp. Nó bị dùng sai là một chuyện. Nó bị xem thường mới là điều đáng nói. Khi tiếng Việt không còn được tôn trọng, văn hóa và xã hội sẽ không còn được tôn trọng. Con người cũng không còn được tôn trọng. “Tiếng Việt còn, nước ta còn”. Nhưng tiếng Việt bầy hầy, như đang thấy trên báo chí hàng ngày, trong các ca khúc được hàng triệu người nghe, thì “nước ta” còn gì?
Đừng trông chờ ở những khẩu hiệu “giữ gìn tiếng Việt” hay “làm trong sáng tiếng Việt” hô hào chiếu lệ trong nền giáo dục hiện tại. Tiếng Việt đang bị hỏng không chỉ bởi các MC tung hứng bừa bãi với những câu chữ làm màu “cho sang”, như “điểm trang” thay vì phải nói cho đúng là “trang điểm”; không chỉ bởi các phát thanh viên truyền hình học nhau cách nói rập khuôn, hay các nhà báo viết bài không bao giờ xem lại lỗi chính tả; không chỉ bởi những cách dùng sai như “cặp đôi” hay “fan hâm mộ”; không chỉ bởi các từ ghép Hán-Việt vô nguyên tắc như “phượt thủ”… Nguồn gốc khiến tiếng Việt hư chính là từ giáo dục. Không ngôn ngữ nào có thể bay bổng trong một mô hình giáo dục giáo điều. Chẳng ai có thể sửa lại tiếng Việt với đà tuột dốc của nền giáo dục hiện nay. Muốn “làm trong sáng tiếng Việt”, hệ thống giáo dục phải tự làm trong sáng mình. Điều này sẽ chẳng bao giờ có, không bao giờ thành hiện thực, khi mà giáo dục đang nằm dưới bàn chân của những “chủ trương” và “đường lối”. Đừng mong chờ những thay đổi trong giáo dục. Sẽ chẳng có thay đổi tích cực gì cả. Tiếng Việt sẽ tiếp tục bị hành hạ và văn hóa sẽ tiếp tục bị tra tấn.
Dường như không ai có thể cứu tiếng Việt nhưng tiếng Việt có thể được cứu nếu mỗi người trong chúng ta cùng quay lại với con đường “tôi yêu tiếng nước tôi”. Tìm kiếm và đọc lại những quyển sách của một thời làm nên sự kỳ vĩ một nền văn hóa, như một cách thức tự giải độc khỏi những luồng khí đen đang bủa quanh, có thể được xem là một cách thức. Nhiều giá trị hiện bị mất đi đang nằm trong những quyển sách đó. Văn hóa sẽ đi lạc vĩnh viễn nếu chẳng có ai tìm. Con đường đi tìm văn hóa đã mất có thể sẽ giúp tìm lại ánh hào quang của tiếng Việt, và cuối cùng, dẫn đến việc nhìn lại sự cần thiết phải tôn trọng tiếng Việt.
Không người dân nào có thể thay đổi được hệ thống giáo dục hiện tại. Họ không có quyền hạn để làm điều đó. Tuy nhiên không ai có thể ngăn chặn sự chọn lựa để dung nạp một nền văn hóa khác với “hệ văn hóa” nhồi sọ và tuyên truyền. Cũng không ai có thể ngăn chặn sự chọn lựa đọc gì bên ngoài phạm vi những bài văn mẫu hay nên đọc gì trên những trang mạng xã hội. Đó là sự chọn lựa cần thiết, và cấp bách, để “tôi yêu tiếng nước tôi” có thể còn tồn tại và còn có cơ may truyền lại cho hậu sinh.
–Manh Kim