Ra đời ở Ấn Độ, trải qua nhiều thế kỷ tồn tại và phát triển cùng với dân tộc, Phật giáo đã dần trở thành một trong những tôn giáo lớn trên thế giới và có sức ảnh hưởng mạnh mẽ tới đời sống tư tưởng, tinh thần của con người. Phật giáo đã du nhập vào nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Nhật Bản. Ở Nhật Bản, Phật giáo là tôn giáo có truyền thống gắn bó với dân tộc, có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tinh thần, ăn sâu vào đạo đức, lối sống của người Nhật.
Phật giáo du nhập vào Nhật Bản vào thế kỷ VI sau công nguyên (năm 538). Đến năm 587, đạo Phật chính thức được công nhận ở Nhật Bản. Thái tử Shotoku ban bố Hiến pháp 17 điều, trong điều thứ hai có ghi: “Dốc lòng tín ngưỡng nơi Tam bảo, qui y theo Phật, Pháp, Tăng. Dứt bỏ tà tâm, tuyệt đối tuân theo giáo lý nhà Phật”[1]. Phật giáo giúp con người hiểu mối tương quan giữa tâm linh với vũ trụ, với kiếp sau, khuyến dạy con người con đường thoát khỏi khổ não luân hồi bằng trí huệ giải thoát. Cho đến nay, Phật giáo Nhật Bản đã có lịch sử gần hai nghìn năm trải qua biết bao thăng trầm, biến cố qua các thời đại, Phật giáo vẫn hòa nhập nhuần nhuyễn vào đất nước và con người Nhật Bản, góp phần quan trọng vào việc xây dựng nền văn hóa Nhật Bản hiện đại. Trong quá trình du nhập và phát triển, Phật giáo ở Nhật Bản đã có những biến đổi, hình thành nên những nét đặc trưng riêng biệt mang đậm màu sắc Phật giáo Nhật Bản.
Những đặc trưng Phật giáo ở Nhật Bản
Thứ nhất là tính dân tộc trên cơ sở tổng hợp các yếu tố tôn giáo ngoại lai và bản địa. Nét đặc trưng tính dân tộc của Phật giáo Nhật Bản là tích hợp các yếu tố ngoại lai với các yếu tố bản địa trên tinh thần khẳng định tôn giáo của dân tộc Nhật Bản. Về giáo lý, Phật giáo Nhật Bản dựa vào thuyết Thần – Phật hỗn hợp và Khổng giáo. Về niềm tin, Phật giáo Nhật Bản là sự hòa hợp giữa niềm tin các vị thần bản địa của Thần đạo Nhật Bản và niềm tin vào hiện thân của Phật và Bồ Tát. Phật giáo Nhật Bản coi các vị Bồ Tát không phải là các đức Phật được du nhập về mà đó chính là các vị Thần của dân tộc mình. Phật giáo ở Nhật có sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố Nhật Bản với các yếu tố ngoại lai như: Phật giáo Triều Tiên, Trung Quốc, nhưng lại mang tính đề cao dân tộc Nhật Bản. Đó là quá trình bản địa hóa một cách sáng tạo nhằm tôn vinh nét đẹp tinh thần và vật chất của người Nhật. Điểm đặc biệt là Phật giáo ở Nhật Bản coi nghi lễ thờ cúng Thái tử (Taishi) ngang với nghi lễ thờ cúng Thích Ca Mâu Ni (Thái tử Tất Đạt Đa) và Di Lặc (Thái tử Ajita). Bên cạnh đó, các phật tử Nhật Bản rất tôn kính Thái tử Shotuku như hiện thân đức Phật tổ ở Nhật Bản mặc dù ngài chỉ là một cư sĩ[2].
Thứ hai, Phật giáo Nhật Bản có tính thế tục sâu sắc
“Thế tục” là tập tục ở đời, là đời sống trần tục, đối lập với đời sống tu hành theo quan điểm của tôn giáo. Ở đây, thế tục được hiểu theo nghĩa đời sống trần tục. Như vậy, thế tục hóa chính là việc đưa tôn giáo vào đời sống thường ngày, thật sự thể hiện tinh thần gắn bó với cuộc sống con người, biến những giáo lý khô cứng thành những bài học sống động để có thể áp dụng vào việc xây dựng một xã hội hiền thiện.
Thế tục hóa xuất hiện trong Phật giáo Ấn Độ với triết lý Phật tại tâm – là triết lý có ý nghĩa rất cao đẹp và sâu xa. Phật chính ở cái tâm, ở lòng lương thiện của mỗi người, từ ngay trong gia đình của mình đến các mối quan hệ xã hội, thể hiện chủ yếu thông qua chân lí về con đường chấm dứt khổ Bát chính đạo bao gồm: chính ngữ, chính kiến, chính tư duy, chính nghiệp, chính mệnh, chính định, chính tinh tấn, chính niệm. Đây là con đường trung đạo vì tránh hai thái cực chạy theo khoái lạc tầm thường và khổ hạnh ép xác [3]. Bát chính đạo là con đường đúng đắn dẫn đến thực chứng chân lí tối hậu, dẫn đến tự do hoàn toàn, hạnh phúc và bình an nhờ sự hoàn thiện về đạo đức, tâm linh và trí tuệ .
Tính thế tục của Phật giáo Nhật Bản thể hiện trước hết là nhiều giáo lý, nghi lễ Phật giáo đã trở thành phong tục, tập quán, thành nếp sống của quảng đại nhân dân. Các nghi lễ Phật giáo Nhật Bản ngày nay chủ yếu được thể hiện bằng các thói quen xã hội như phong tục, tập quán, lễ hội…Các Phật tử ở Nhật Bản không chú ý quá nhiều đến các giáo lý của Phật giáo mà quan tâm đến sự phổ độ của đức Phật nhiều hơn. Điều này cho thấy ngay trong động cơ, cách thức du nhập Phật giáo đã được thế tục hóa [4]. Thế tục hóa Phật giáo ở Nhật Bản còn thể hiện qua hành Thiền. Thiền cũng là Đạo, là Phật, là Tâm…Thiền cũng có thể được nhìn dưới một góc độ gần gũi hơn là trạng thái của tâm khi biết tất cả sự vật hiện tượng xảy ra xung quanh mà không có ý niệm phân biệt so sánh, không bị dính mắc đối với mọi thăng trầm vinh nhục của cuộc đời, không động tâm đối với tất cả các pháp thế gian. Thiền trở thành cách thức ứng xử trong đời sống xã hội, tư tưởng, đạo đức, lối sống, hoạt động chính trị, kinh doanh… Ở Nhật Bản Phật giáo đã trở thành công cụ đạo đức để ứng xử trong xã hội, thể hiện sâu sắc tính thế tục hóa ở trong tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng.
Thứ ba, Phật giáo Nhật Bản đa dạng tông phái
Phật giáo Nhật Bản có rất nhiều tông phái khác nhau, các Phật tử các tông phái thường tu theo sơn môn. Năm 2001, Cục Văn hóa Nhật Bản thống kê trong Phật giáo Nhật Bản có 157 tông phái [5]. Các tông phái Phật giáo ở Nhật Bản hiện nay bao gồm:
Hòa tông và Thánh Đức Tông, được hình thành từ thời Nara, Thánh Đức Thái tử Shotoku Taishi là người đầu tiên tiếp thu tư tưởng Phật giáo và vận dụng nó vào cai trị Nhật Bản thời Cổ đại.
Lục tông (tức là 6 tông phái) bao gồm:Tam Luận tông, Thành Thục tông, Cụ Xá tông, Pháp Tướng tông, Hoa Nghiêm tông, Luật tông.
Thiên Thai tông là trường phái chính thống trong đạo Phật Nhật Bản, các tín đồ sùng kính Tối Trừng đại sư. Thiên Thai tông có hệ thống giáo lý với hình thức đơn giản, dễ hiểu và dễ thực hiện, điều này đã có sức lôi cuốn mạnh mẽ đối với người dân, ngay cả đối với người dân nghèo. Thiên Thai tông có hai chi phái lớn là: Thiên Thai Tự Môn tông và Thiên Thai Chân Thịnh tông.
Chân Ngôn tông là một trong những tông phái lớn ở Nhật Bản do tăng sĩ người Nhật là Nguyên Không du nhập vào năm 804 từ Trung Quốc. Giáo lí Chân Ngôn tông thế giới là do Phật Như Lai sáng tạo ra, đức Phật có ở mọi nơi, mọi lúc, các vị bồ tát đều là hiện thân của ngài. Với giáo lý này đã thể hiện sự gần gũi với tín ngưỡng bản địa Thần đạo ở Nhật Bản, quyền lực siêu nhiên của đức Phật cũng giống với quyền lực của các vị thần. Chân Ngôn tông thể hiện niềm tin chỉ cần cầu khẩn các Phật và các Thần đạo trên trời con người có thể khỏe mạnh, giàu có, mưa thuận gió hòa.
Tịnh Thổ tông là tông phái được hình thành từ thời Kamakura. Theo phái Tịnh Thổ tông, chỉ cần chú tâm tụng niệm tên đức Phật A Di Đà có thể được về Tịnh thổ cực lạc sau khi chết. Việc tụng niệm như vậy có hiệu nghiệm với tất cả mọi người, ngay cả với những người có tội. Phái Tịnh Thổ tông thu hút được rất đông các tín đồ, ở mọi tầng lớp.
Tịnh Thổ Chân tông do Sinran lập ra. Nét độc đáo trong lịch sử Phật giáo Nhật Bản nói chung và Tịnh Thổ Chân tông nói riêng là cho phép các nhà sư có thể lấy vợ mà không sợ ảnh hưởng đến giáo lý nhà Phật. Chùa Honganji là cơ sở trung tâm của Tịnh Thổ Chân tông.
Thiền tông được thành lập vào thời Kamakura, thể hiện sự tọa thiền trong thinh lặng để khai mở trí tuệ, nhằm đạt tới sự đồng nhất con người với vũ trụ. Thiền tông có hai tông phái chủ yếu là Lâm Tế tông và Tào Động tông. Lâm Tế tông hướng đến sự giác ngộ đột ngột chủ yếu nhờ trầm tư về những câu đố nghịch lí mà câu trả lời sẽ đưa đến giác ngộ và trò chơi chữ. Còn Tào Động tông nhấn mạnh sự tọa thiền nhiều giờ một ngày.
Nhật Liên tông giáo tổ là Nichiren. Năm 1253 cho ra đời Pháp Hoa Kinh và truyền bá rộng rãi. Các tín đồ Nhật Liên tông cho rằng Phật không chỉ là một nhân vật lịch sử mà là đấng vĩnh cửu, khi đức Phật tổ giác ngộ có nghĩa là toàn vũ trụ được giác ngộ. Ngoài ra, những chi phái thế tục của Nhật Liên tông bao gồm: phái Reiyuka, Rissho, Koseikai, Sáng Giá Học Hội.
Hai phái Thiên Thai tông và Nhật Liên tông chiếm tỉ lệ cao nhất, 60% phật tử Nhật Bản là theo hai phái này [6]. Ngoài những tông phái Phật giáo ở trên, ở Nhật Bản còn có các tông phái Phật giáo khác. Nhật Bản là quốc gia đa tôn giáo, cùng với sự đa dạng về các tông phái của đạo Phật cũng như các tôn giáo khác đã tạo nên một bức tranh tôn giáo đa sắc màu, mang đặc trưng riêng của xứ sở hoa anh đào.
Thứ tư, tính nhân đạo hiện thực
Với triết lý từ bi, hỷ xả, khuyến khích con người hướng thiện, Phật giáo đã đi vào lòng người, có tác dụng hoàn thiện nhân cách đạo đức con người và hướng tới một xã hội bác ái. Đạo Phật đã tạo dựng cho các tín đồ, Phật tử một niềm tin vào luật nhân quả, vào vô thường, vô ngã…Niềm tin ấy sẽ chi phối ý thức đạo đức của con người, không chỉ ảnh hưởng đối với Phật tử mà còn lan toả và tác động đến mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội. Nó tạo ra cho con người một sức mạnh tinh thần để vượt lên mọi cám dỗ vật chất, những trắc trở trong cuộc sống, hướng họ vào một lý tưởng sống tốt đẹp, vị tha. Tình thương và lòng nhân ái giúp hạn chế bớt tính ích kỷ, từ bỏ tham, sân, si cốt lõi của những thói xấu, những mâu thuẫn, xung đột và bạo hành trong xã hội.
Với triết lý đó, Phật giáo Nhật Bản đã tiếp thu và phát huy tinh thần hướng thiện của con người nhưng theo cách riêng của dân tộc mình. Các Phật tử thiên về thế giới thực tại trực tiếp và cụ thể của con người như được may mắn, giàu có, hạnh phúc… Ở Nhật Bản thường kết hợp các khái niệm thuộc di sản Thần đạo truyền thống với các trải nghiệm bản thân về Phật giáo để hình thành nên Phật giáo bản địa Nhật Bản, thể hiện tình thương, lòng từ bi, đặc biệt là đối với những tầng lớp xã hội bị chà đạp, bị áp bức [7].
Tính nhân đạo hiện thực của Phật giáo Nhật Bản còn được thể hiện ở khuynh hướng thẩm mỹ, tình yêu và sự hòa đồng với thiên nhiên cụ thể như trong nghệ thuật trà đạo, nghệ thuật này thấm nhuần tinh thần của Thiền tông với vai trò của các vị Thiền sư và mang một triết lý Thiền hay chính là triết lý nhân sinh cao đẹp. Nghi thức trà đạo cùng với sự sùng kính thiêng liêng ở Nhật Bản đã mang lại cảm giác như đang được hành hương trở về nơi đất Phật. Trà đạo đã khơi nguồn cho các tín đồ nguồn cảm hứng về sự thanh khiết, sự nhịp nhàng, sự huyền bí của lòng từ ái tương thân, sự cảm thông chủ nghĩa lãng mạn của trật tự xã hội. Hay như ngay trong nghệ thuật Bonsai, người Nhật đã kết hợp việc trồng cây và thiền của phật giáo để tạo nên những cây có tạo hình đẹp, thể hiện sự hòa hợp giữa thiên nhiên và nghệ thuật…Nghệ thuật Bonsai mang đến những bài học kinh nghiệm, triết lý nhân sinh và nhân văn sâu sắc, giúp thanh lọc tâm hồn, tâm hướng đến giá trị đạo đức sống. Môn nghệ thuật này còn giúp đưa con người gần gũi với thiên nhiên, yêu thiên nhiên hơn.
Tham gia vào việc hình thành tinh thần Nhật Bản, với ưu thế là một tôn giáo có bề dầy lịch sử, có số lượng tín đồ đông đảo, lại thêm tính chất thế tục ngày càng tăng, Phật giáo Nhật Bản đảm nhận vai trò thế giới quan, nhân sinh quan trong quá trình hình thành và phát triển xã hội Nhật Bản. Góp phần hình thành và điều chỉnh ý thức về quan hệ giao tiếp trong cuộc sống. Ở Nhật Bản, Phật giáo có rất nhiều đặc trưng mang sắc thái dân tộc độc đáo: tính dân tộc, tính thế tục, đa dạng tông phái và tính nhân đạo. Điều này đã góp phần tạo nên nét khác biệt của Phật giáo Nhật Bản so với Phật giáo ở các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Trần Thị Mỹ Hoa, Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á
[1] Phạm Hồng Thái (Chủ biên) (2005), Đời sống tôn giáo Nhật Bản hiện nay, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.43.
[2] Phạm Thúy Anh (2011), Ảnh hưởng của Phật giáo đối với đời sống tinh thần ở xã hội Nhật Bản, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật Hà Nội tr 72,73,74.
[3] Nguyễn Thị Toan (2010), Giải thoát luận Phật giáo, Nxb Chính trị quốc gia.
[4] Nguyễn Thanh Tuấn (2009), Phật giáo với văn hóa Việt Nam và Nhật Bản qua một cách tham chiếu, Viện Văn hóa và Nxb Từ Điển Bách Khoa Hà Nội tr 204.
[5] Phạm Hồng Thái (Chủ biên) (2005), Đời sống tôn giáo Nhật Bản hiện nay, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.47.
[6] Phạm Thúy Anh (2011), Ảnh hưởng của Phật giáo đối với đời sống tinh thần ở xã hội Nhật Bản, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật Hà Nội tr 79.
[7] Nguyễn Thanh Tuấn (2009), Phật giáo với văn hóa Việt Nam và Nhật Bản qua một cách tham chiếu, Viện Văn hóa và Nxb Từ Điển Bách Khoa Hà Nội tr 210.