Duy Ma Cật tuy là cư sĩ tại gia, nhưng ngài kính giữ luật hạnh thanh tịnh của bậc sa môn, tuy ở tại nhà, mà chẳng vướng vào trần tục. Ngài thị hiện có vợ con nhưng tu hạnh thanh tịnh; phục sức sang trọng, dùng đồ quý báu nhưng dụng các tướng thánh nhân là để trang nghiêm thân mình, lấy niềm vui hành thiền làm món ăn tinh thần. Vẫn thọ học các đạo khác, mà chẳng bỏ chánh tín. Thông thái sách vở thế gian và hâm mộ pháp Phật. Tham gia kinh doanh làm ăn lợi lộc thành công giàu có mà chẳng bận tâm, lấy đó làm quan trọng. Dự vào việc chính trị mà vẫn cứu hộ tất cả chúng sanh. Thậm chí vào chốn lầu xanh, để chỉ rõ chỗ tội lỗi của sắc dục, đến nơi cờ bạc để hóa độ người, vào quán rượu, nơi ma túy để hướng thiện cho những người nghiện ngập…
Tu tại gia khó khăn hơn tu tại chùa chỉ lầm lẫn một chút là đi lệch chánh pháp lúc nào không hay. Con người dễ bị trói buộc vào các thứ ái ố trần tục đó mà khi đã sa ngã rồi thì khó có thể thoát bỏ được. Từ 2600 năm trước cho đến bây giờ, không có mấy người cả tục lẫn tăng, ngay cả tất cả các đại đệ tử của Phật Thích Ca thời đó dám so bì được với tuệ giác thâm diệu lẫn thần thông của cư sĩ tại gia Duy Ma Cật.
Geshe Michael Roach, tương tự như Huệ Năng dấu mình sống với đám thợ săn hay Duy Ma Cật, dấu mình là nhà sư dưới hình dạng của một thương gia thành công. Ông ta đã viết cuốn sách Năng Đoạn Kim Cương (Diamond Cutter) để chia sẻ cùng độc giã. Sau khi trải qua những thử thách trong đời, ông đã thành công trong thương trường với tài sản kiếm được trên 100 triệu Mỹ Kim mỗi năm và với hơn năm trăm nhân viên tại các văn phòng ở khắp thế giới, nhờ vì ông biết cách ứng dụng trí tuệ Phật Giáo vào nghiệp vụ thương mãi, quản trị kinh doanh và nhất là đời sống của chính mình và tha nhân.
Geshe Michael Roach viết: Suốt thời gian tôi làm doanh nghiệp kim cương (hột xoàn,) tôi đã sống một cuộc sống đôi. Bảy năm, trước khi vào ngành kinh doanh này, tôi đã tốt nghiệp đại học Princeton với hạng danh dự và trước đó tôi đã vinh hạnh nhận được ‘huy chương học tập của Tổng Thống’ do Tổng Thống Hoa Kỳ tặng và phần thưởng học bổng Mc Connell của Học Viện Quốc Tế Vụ Woodrow Wilson của Princeton. Một tài trợ của học viện này đã cho phép tôi sang Châu Á để học với các Lạt Ma Tây Tạng tại trú sở của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Việc học hành của tôi về trí tuệ cổ xưa của Tây Tạng đã khởi đầu như thế và kết thúc vào năm 1995, khi tôi trở thành người Mỹ đầu tiên hoàn tất hai mươi năm học tập kiên trì và hoàn tất các kỳ sát hạch cần thiết để nhận được văn bằng Geshe hay Thạc sỹ Phật học. Tôi đã sống trong nhiều tu viện Phật Giáo cả ở Hoa Kỳ lẫn Châu Á từ khi tôi tốt nghiệp Princeton và vào năm 1983, đã phát nguyện của người tu sĩ Phật Giáo. Khi tôi đã đạt được một căn bản vững chắc trong việc đào tạo Tăng Sĩ, vị thầy chính của tôi – Khen Rinpoche, hay “Quý Hoà thượng” – khuyến khích tôi vào lĩnh vực kinh doanh. Ngài bảo tôi rằng dù tu viện là một nơi lý tưởng để học những tư tưởng lớn của Trí Tuệ Phật Giáo, một văn phòng nhộn nhịp của Mỹ cũng có thể cung cấp một “phòng thí nghiệm” toàn hảo để thực sự trắc nghiệm những lý tưởng này trong đời sống thực tế.
Lúc đầu, tôi không chấp thuận lời khuyên ấy vì ngại phải rời bỏ sự yên tĩnh của tu viện nhỏ của chúng tôi, và bối rối về hình ảnh các nhà doanh nghiệp Mỹ vẫn ám ảnh tâm trí tôi: tham lam, tàn nhẫn, phóng dật. Nhưng một hôm, sau khi nghe được một buổi nói chuyện đầy cảm hứng của thầy tôi trước một số sinh viên đại học, tôi nói với ngài rằng tôi thuận theo lời ngài dạy sẽ tìm kiếm một công việc trong kinh doanh. Vài năm trước, trong lúc thiền định hàng ngày tại tu viện, tôi đã có một cái gì đó về sự thấy và từ lúc ấy tôi biết tôi sẽ chọn doanh nghiệp nào để theo đuổi: chắc chắn tôi sẽ vào ngành kim cương. Tôi chẳng có kiến thức nào về các thứ đá quý này và quả tình chẳng có dính dự gì đến ngành kim hoàn; chẳng có ai trong gia đình tôi từng được vào ngành kinh doanh hột xoàn này. Cho nên, giống như anh chàng Candide ngây ngô, tôi bắt đầu viếng thăm một cửa hàng kim hoàn khác sau khi đã xin việc tại một cửa hàng trước đó, hỏi xem có ai chịu nhận tôi làm người tập sự không. Hầu hết các xí nghiệp chỉ thuê con, cháu hay anh em tín cẩn trong gia đình họ chứ không bao giờ thuê một anh chàng Ireland cù bơ cù bất ưa chơi với kim cương. Tôi nhớ rằng tôi đã viếng chừng mười lăm cửa hàng để xin một chỗ quèn, rồi đều bị đuổi ra tức khắc.
Cố gắng vào việc kinh doanh kim cương theo cách này cũng gần như toan tính gia nhập tổ chức Mafia: việc mua bán kim cương thô thuộc một hội nhóm rất kín đáo và riêng biệt, thường chỉ giới hạn trong thành viên gia đình. Vào thời ấy, những người Bỉ kiểm soát các kim cương cỡ lớn – những viên một cara hay hơn nữa; những người Israel cắt hầu hết những viên đá nhỏ; và những người Do Thái Hassid ở Quận Diamond của New York, đường 47th nắm giữ phần lớn việc mua bán sỉ trong nội địa Mỹ.
Một quy định mà vị thầy Lạt Ma Tây Tạng của tôi nêu ra cho tôi về việc đi làm trong một cơ sở doanh nghiệp bình thường là tôi phải giữ kín rằng tôi là một tu sĩ Phật Giáo. Tôi phải để tóc dài như bình thường (thay vì phải cạo nhẵn) và mặc y phục bình thường như thế tục. Bất cứ nguyên tắc Phật Giáo nào mà tôi sử dụng trong công việc cũng phải được áp dụng một cách thầm lặng, không rêu rao kèn trống. Bên trong, tôi phải là một bậc hiền nhân Phật Giáo và bên ngoài tôi phải là một doanh nhân Mỹ bình thường.
Với số tiền lương tối thiểu lại thường được trả chậm vì ông chủ Do Thái tên Ofer phải vay mượn thêm từ các bạn bè của ông ta ở London để trả công cho tôi nhưng rồi ít lâu sau tôi cũng dành dụm được chút tiền đủ để tự sắm cho mình một bộ y phục của các nhà doanh nghiệp mà tôi vẫn mặc hàng ngày trong suốt nhiều tháng. Chúng tôi thường làm việc đến quá nửa đêm, và tôi phải đi bộ suốt một quãng dài về căn phòng nhỏ của tôi tại một tu viện nhỏ trong cộng đồng Phật Giáo Châu Á ở Howell, New Jersey. Thời gian về tu viện của tôi mất gần hai giờ, và vì vậy tôi phải về nhà khoảng 1 giờ sáng, và đến 6 giờ sáng phải thức dậy để lên xe vào lại thành phố. Ngủ được vài giờ cho lại sức, tôi lại phải thức dậy và vội vã đáp chuyến xe buýt đi Manhattan, New York để làm việc. (Năng Đoạn Kim Cương, ebook: Nguyễn Kim Vỹ, Trần Tuấn Mẫn dịch thuật)
Cuốn sách sống ung dung giữa đạo và đời: Năng Đoạn Kim Cương (Diamond Cutter, Geshe Michael Roach) là những kinh nghiệm thành công ở thương trường của Tỳ Kheo Michael Roach vì ông ta biết ứng dụng Phật Pháp và hành thâm Bát Nhã Ba La Mật Đa Kinh. Đó là cuốn sách có niên đại xưa nhất thế giới, được in ấn chứ không phải được viết ra bằng tay. Viện bảo tàng London hiện giữ một bản đề năm 868 sớm hơn bản in cuốn Kinh thánh Gutenberg 600 năm. Còn được gọi là Kinh Kim Cang (Cương) là bản ghi chép một giáo lý do Đức Phật dạy cách đây hơn 2500 năm. Khơi đầu, nó được truyềngiảng bằng miệng, và rồi khi ra đời chữ viết – nó được ghi trên những ngọn lá bối dài. Trên thân lá bối bền dai, người ta dùng kim để vạch chữ vào, rồi dùng bụi than chà lên các chỗ kim vạch ấy. Các sách được làm theo cách này vẫn còn được tìm thấy ở Nam á và vẫn rất dễ đọc.
Những ngọn lá bối rời được giữ lại với nhau bằng một trong hai cách. Đôi khi người ta dùi một lỗ xuyên chính giữa một chồng lá, rồi cho một sợi dây xuyên qua để giữ các trang lại với nhau. Cách hai dùng vải bọc lại. Kinh Kim Cương nguyên gốc do Đức Phậtgiảng dạy thì bằng Phạn ngữ (Sanskit), là ngôn ngữ cổ của Ấn Độ ra đời cách đây chừng bốn ngàn năm. Khi quyển kinh này đến Tây Tạng (cách đây khoảng một ngàn năm), nó được dịch ra Tạng ngữ. Qua nhiều thế kỷ, kinh này được khắc vào những phiến gỗ (mộc bản), và được in lên băng giấy dài làm bằng tay bằng cách phủ mực lên phiến gỗ rồi ấn giấy vào đó bằng một con lăn. Những băng giấy dài này được cất giữ trong vải bóng màu vàng nghệ hay màu nâu sậm, trong giống như hồi kinh được lưu giữ bằng lá bối. Kinh Kim Cang cũng được phổ biến rộng rãi tới các nước lớn của châu Á gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên và Mông Cổ. Suốt hai mươi lăm thế kỷ qua, nó đã được in lại không biết bao nhiêu lần bằng các ngôn ngữ của nước này và trí tuệ của nó được truyền thừa theo một dòng mạch vững bền từ miệng của các vị thầy đến các học trò của thế hệ kế tiếp ở Mông Cổ, quyển kinh quan trọng đến nỗi mỗi gia đình đều giữ một bản, cẩn thận đặt trên bàn thờ trong nhà. Một hay hai lần mỗi năm, người ta mời các nhà sư ở địa phương đến nhà và đọc lớn bản kinh cho cả gia đình nghe để được ban phát trí tuệ của kinh. (Năng Đoạn Kim Cương, ebook:Nguyễn Kim Vỹ, Trần Tuấn Mẫn dịch thuật)
Trường hợp của Tỳ kheo Michael Roach rất đáng cho chúng ta suy nghiệm. Vì duyên lý nào mà vị thầy chính của ông ta đó là Khen Rinpoche khuyến khích ông ta đi vào lãnh vực kinh doanh? Theo ông kể lại thì Thầy ông giải thích với ông rằng dù tu viện là một nơi lý tưởng để học những tư tưởng lớn của Trí Tuệ Phật Giáo, một thương trường cũng có thể cung cấp một “phòng thí nghiệm” toàn hảo để thực sự trắc nghiệm những lý tưởng của Phật Giáo trong đời sống thực tế. Rồi chính tự ông trong lúc thiền định hàng ngày tại tu viện, ông đã có một cái gì đó (huệ) về sự thấy (giác) được cái duyên nợ, định mệnh của chính mình và từ lúc ấy ông biết ông sẽ chọn doanh nghiệp nào để theo đuổi đó là ngành kim cương. Geshe Michael Roach vừa là Tỳ Kheo vừa là một nhà thương gia thành công như Duy Ma Cật ngày xưa. Vậy thì Geshe Michael Roach được số mệnh đưa đẫy hay là trong kiếp này, ông ta còn mang nghiệp kinh doanh lẫn quả tu sĩ cùng một lúc? Cái nhân quả và lý nhân duyên nào đã đưa ông đi từ nhân phàm nhân, nhà khoa học trí thức đến vị tu hành rồi quả thành công, giàu có trong ngành thương mại kim cương? Vì số mệnh, may mắn hay vì nhân duyên, nghiệp quả? Tại sao sư phụ của ông đã thấy được tương lai, duyên nghiệp để khuyên ông làm bổ tát ẩn mình trong chốn thương trường và phải thành công giàu có?
Người xưa thường nói: Tài không hơn được mệnh! Có nghĩa là số không được may mắn thì làm gì cũng lận đận, gian nan dễ thất bại dù có tài cở nào cũng vậy. Ngược lại sinh ra có được số mệnh may mắn thì không làm gì cũng được người dâng phúc, tài lộc ngay cả thọ lẫn hạnh phúc tới miệng. Đại phú do thiên như trúng số độc đắc chẳng hạn không cần phải có tài mà chỉ nhờ may mắn hay được phúc đức sinh vào một gia đình quyền quý, giàu sang. Nhờ thiền định ông ta biết được cuộc đời của ông để mà đi thuận dòng hay vì nhờ thiền định mà ông ta chụp bắt được chân lý của may mắn và muốn chứng minh là tất cả do tâm tạo? Ông ta sẽ làm gì với những thành công trong thương trường mua bán, cắt hột xoàn với số tiền hàng trăm triệu Mỹ Kim mỗi năm đó cho đạo và cho đời? May mắn trên đời là một công án được rất nhiều người bàn đến nhưng những giải thích vô căn cứ từ trước đến nay không thật sự làm thỏa mãn tâm lý luận của con người. Vạn sự trên đời chỉ cầu mong vào may mắn mà thôi? Vậy thì làm sao để có được may mắn, tự nó đến với mình hay phải đi tìm lấy nó?
Tôi xin mượn ý của Geshe Michael Roach, tóm lược phỏng theo ý của bài Năng Đoạn Kim Cương (Diamond Cutter) của ông ta để chúng ta cùng nhau mong cầu hiểu được chút nào về nguyên tắc và phương pháp làm việc đạt đến thành công của ông ta. Tuy không thấy ông ta đề cập tới yếu tố may mắn nhưng chúng ta thấy rõ ràng cuộc đời của ông là một chuỗi nhân duyên vô sở vô trụ không phải lúc nào cũng tự mình chọn lựa.
Theo Geshe Michael Roach, nguyên tắc thứ nhất là phải đạt được mục đích bằng cách kế hoạch, sắp xếp đường lối, thực hiện với một tài năng, kiên quyết và hiểu biết để gặt hái kết quả mong muốn. Vấn đề chính là làm sao để nó tiếp tục đến và chúng ta vẫn giữ được một thái độ lương thiện về nó hay không.
Nguyên tắc thứ hai là những mong muốn đó không khiến chúng ta hao mòn cả về thể xác lẫn tinh thần đến nỗi khi thành công đến, chúng ta không thể giữ được để hưởng thụ và chia sẻ với đồng sự. Người kém trí tuệ, không tự mình giữ gìn thể xác lành mạnh lẫn tâm hồn minh mẫn trong khi trường đời, sẽ làm tiêu tan mục đích chính của sự thành công mà mình mong muốn.
Nguyên tắc thứ ba là khi nhìn lại những gì mình đã mong muốn, đã thực hiện, thành công cũng như tất bại, chúng ta cần phải biết mình phải sống thế nào để có ý nghĩa lâu dài cho mình và cho chúng sinh.
Theo Phật Giáo, những người có được trí tuệ của Bát Nhã là những người có sức mạnh nội tại của tâm linh, có tha lực để nắm bắt và thực hiện bất cứ điều gì trên thế gian. Kim cương (cang) bất hoại biểu hiện một năng lực tiềm tàng trong tất cả các sự vật. Năng lực này thường trỏ đến sự “trống rỗng” (tính không, emptiness.) Một doanh nhân, một chính trị gia, một bật thiện tri thức nếu hiểu biết trọn vẹn năng lực này sẽ nhờ đó mà hiểu được nhân sinh quan lẫn vũ trụ quan. Đó là cái chìa khóa chính yếu để mở cữa vô môn quan, đạt tới thành công về tâm linh, danh vọng, tiền tài, sức khỏe và hạnh phúc trong an lạc. Để được như vậy, chúng ta phải biết những nguyên tắc đằng sau việc sử dụng tiềm năng này để vận dụng cho thích ứng. Tất cả các sự việc phát xuất từ chính chúng ta, vạn vật do tâm tạo. Do đó, chúng ta có thể sử dụng cái tha lực tiềm ẩn này để có lợi ích cho chúng ta.
Tóm lại, mọi nỗ lực trong cuộc sống, trong kinh doanh, quản trị, chính trị, tu hành để được tâm thức trí tuệ của con người chỉ có một mục đích duy nhất là đạt được thành công, thịnh vượng, hạnh phúc, vui mạnh với mình với người. Muốn thành công lớn, muốn có được tất cả những gì mình từng mong muốn và cũng muốn những người khác có được tất cả những gì mà họ từng mong muốn, hãy gieo những tâm ấn bố thí này trong tiềm thức của mình lẫn tha nhân bằng cách nuôi dưỡng tấm lòng từ bi hỷ xả và hạnh bố thí cho chính mình lẫn chúng sinh.
Lê Huy Trứ