Không biết còn bài viết nào hay hơn không về bến Tầm Dương?. Tôi đã đọc bài viết này của thầy Lê Tử Hiển chằng nhớ bao nhiêu lần, mỗi lần đều để lại trong lòng tôi một cảm xúc khó tả. Đúng là “…Hàng hàng gấm thiêu” (Nguyễn Du)
Tôi quyết định lấy câu thơ của Lâm Ngữ Đường trong bài viết này làm câu Slogan cho trang web của mình. Chi bằng giới thiệu để bạn đọc tự cảm nhận.
1.Ngọn nguồn khơi bến Tầm Dương
Không thể kể hết những địa danh Đường thi đi về trong thi ca. Có khi chỉ một tên riêng mà gọi hồn nghìn xưa trỗi dậy. ”Có phải A Phòng hay Cô Tô” (Xuân Diệu). Những Chương Đài, Hoàng Hạc, Xích Bích…Song có sức vang vọng kỳ diệu hơn cả là Tầm Dương. Tầm Dương đã thoát thai khỏi một địa danh cụ thể mà hòa thành muôn vạn Tầm Dương của lòng người.
Những địa danh trên vốn là những thắng cảnh. Nhưng sự bất hủ chủ yếu gắn với một bài thơ, một người thơ. Xích Bích trở nên mênh mang cảm hoài qua những dòng phú bay bổng của Tô Đông Pha. Bến Phong Kiều, thành Cô Tô, chùa Hàn San mãi mãi mơ màng sương khói dưới ngòi bút Trương Kế. Lầu Hoàng Hạc chỉ trở thành lầu Hoàng Hạc khi Thôi Hiệu đề thơ để rồi sống mãi cùng mây trắng ngàn năm…Những cuộc gặp gỡ tưởng chỉ tình cờ, khoảng khắc vậy thôi mà hóa thành miên viễn.
Tầm Dương vốn là một khúc sông Trường Giang chảy qua địa phận huyện Tầm Dương, phía bắc thành phố Cữu Giang (nay thuộc tĩnh Giang Tây-Trung Quốc). Hữu duyên…thiên lý ngộ, bên bến sông kia, ”ai tri âm đó mặn mà với ai“. Đạm đạm trường thanh thuỷ-Du du viễn khách tình (Vi Thừa Khánh). Một bên là chàng Tư mã Giang Châu-nhà thơ tài hoa bị biếm trích-và một bên là nàng ca nữ tài sắc bị xã hội rẻ rúng…mà làm nên danh tác Tỳ bà hành lưu danh thiên cổ. Tiếng đàn vang bến Tầm Dương giao thoa nỗi lòng hồng nhan bạc mệnh-tài tử đa truân vang khúc dạo đầu “Tầm Dương giang đầu hạ tống khách” (bến Tầm Dương canh khuya đưa khách)…và Tầm Dương với sắc đỏ lá phong,sắc vàng hoa lau, hơi thu xào xạc đã trở thành nơi gợi nhớ những gì thật đẹp, thật huyền diệu mà cũng thật buồn!. Cái đẹp của mùa thu, đàn-trăng-nước hội tụ. Cái buồn của tài-tình lận đận gặp nhau ”một lứa bên trời“. Tất cả phổ vào một khúc Tỳ bà để rồi âm vang mãi.
2 Sông thơ trôi chảy,Tầm Dương nao lòng…
Thật vậy, Tỳ bà hành là nơi gặp gỡ của cảnh-tình diệu viễn nghìn năm phương Đông. Bốn mùa đẹp nhất là thu. Khoảnh khắc đời người không gì buồn bằng ly biệt. Vật cảm ở thiên nhiên không gì bằng trăng, ở nhạc không gì bằng đàn. Mênh mang sâu thẳm không gì bằng nước.Trăng-nước phát lộ tính chất lạnh của đàn. Trăng in đáy nước hiện hồn trăng, Đàn loang sóng nước hiện hồn đàn. Trăng-đàn tương giao thành huyền diệu. Chưa có thuyết tương giao của chủ nghĩa tượng trưng, người xưa đã nhận ra mối liên quan giữa ánh trăng và âm thanh, kiểu”Trống Tràng thành lung lay bóng nguyệt“. Sau này Hàn Mặc Tử viết ”Tôi bấm một đường tơ?. Nghĩa là rung rinh một luồng ánh sáng“. Trong Tỳ bà hành, bản nhạc đạt đến chổ màu nhiệm khi
đàn-trăng-nước hợp nhất:
Đông thuyền tây phảng tiễn vô ngôn
Duy kiến giang tâm thu nguyệt bạch
(Thuyền mấy lá đông tây lạnh ngắt
Một vầng trăng trong vắt lòng sông)
Xuân Diệu đã nắm bắt được tinh thần của Tỳ bà hành mà làm nên một khúc Nguyệt cầm – Đây là một kiệt tác của Xuân Diệu–một thứ “siêu thơ” theo cách nói của Thanh Thảo-kết tinh từ mối giao duyên giữa tượng trưng thơ Pháp và tượng trưng Đường thi. Ngay từ câu đầu tiên Xuân Diệu đã cho trăng đàn nhập vào nhau: ”Trăng nhập vào dây cung nguyệt lạnh“. Cung đàn chầm chậm đi vào lòng người, sau khoảng khắc “rung mình” đã đạt đến cao trào (ở khổ thứ ba) – Đàn bộc lộ bản chất nước, đi đến chổ sâu nhất của hồn người.
Đêm lạnh càng thêm nguyệt tỏ ngời
Đàn ghê như nước, lạnh, trời ơi
Long lanh tiếng sỏi vang vang hận
Trăng nhớ Tầm Dương, nhạc nhớ người.
Từ một Nguyệt cầm-thơ, người nhạc sĩ lãng mạn tài hoa Cung Tiến phổ nên một Nguyệt cầm – nhạc du dương. Không chỉ với Cung Tiến. Cả một dòng nhạc tiền chiến “thoát thai từ Đường thi” (Phạm Duy), với những giai điệu đầy thơ mộng mô típ đàn-trăng-nước thấp thoáng bóng dáng một bến Tầm Dương thủa nào. Theo dòng nhạc buông lơi người nghe có khi bồng bềnh trên một dòng sông thu sương khói.
Đêm nay thu sang cùng heo may
Đêm nay sương lam mờ chân mây
Thuyền ai lơ lững trôi xuôi dòng
Như oán thương ai chùng tơ lòng.
(Con thuyền không bến – Đặng Thế Phong)
Có khi lặng lẽ chuồi theo dòng xúc cảm trong một chiều đầy thơ và mộng:
Một chiều xưa mây nước chưa thành thơ
Trầm trầm không gian mới rung thành tơ
Một tiếng chim rơi theo gió mơ hồ
Vang tiếng cầm ca thu tới bao giờ.
(Trương Chi-Văn Cao)
Dù không nhắc đến Tầm Dương,nhưng cái mơ màng kia chẳng phải gọi hồn Tầm Dương thủa trước?. Chưa nói đến khi nghe một cung đàn, chạnh lòng bởi những thanh âm chậm, buồn sâu lắng, thì đàn kia bổng hiện dáng tỳ:
Cung đàn nhỏ lệ Tầm Dương
Ai đó tri âm hững hờ
(Tiếng xưa – Dương Thiệu Tước)Dù là nơi cái đẹp hội tụ – thăng hoa, nhưng Tầm Dương sẽ không làm xao động lòng người đến vậy nếu không có những giọt lệ ngậm ngùi áo xanh Tư mã. Giọt lệ thương mình, thương người – những kiếp tài hoa bạc mệnh. Đấy cũng là tiếng thơ cảm thương cho thân phận kỳ nữ: ”Một đêm đàn lạnh trên sông Huế – Ôi nhớ thương hoài vạt áo xanh“ (Văn Cao). Người kỳ nữ phả vào cung đàn cả cuộc đời bất hạnh. Bạch Cư Dị luân lạc mà cảm nhận được chổ sâu sắc nhất của đàn. Cuộc bình thuỷ (bèo-nước) tương phùng bổng chốc thành tri âm, tri kỷ.
Những kiếp tài tình xưa nay đều đeo sẵn trong mình mệnh bạc, để gặp mình trong một kiếp Tư mã Giang Châu. Cuộc gặp gỡ giữa Nguyễn Du với nàng ca kỷ thành Thăng Long tái diễn lại cảnh ngộ Tầm Dương thủa nào. Cũng người phụ nữ một thủa phong lưu tuyệt đỉnh, bây giờ chỉ còn lại hình dung tiều tuỵ võ vàng. ”Nỗi niềm xưa tưởng mà đau“. Nguyễn Du thấy trong số phận riêng tây cả bao biến thiên đau khổ của đời.
Thành quách suy di nhân sự cải
Kỷ xứ tang điền bến thương hải
Tây Sơn công nghiệp tận tiêu vong
Ca vũ không đi nhất nhân tại
(Cuộc thương hải tang điền thấm thoát – Cõi nhân gian thành quách đổi dời – Tây Sơn cơ nghiệp đâu rồi – Mà làng ca vũ một người còn trơ). Trước cảnh ấy, tình ấy, ông đau lòng việc cũ mà lệ thấm áo. Phải đâu ”khéo dư nước mắt…”tự chuốc lấy nỗi oan phong vận. Long Thành cầm giả ca là bài thơ mang nặng tâm sự và “con mắt nhìn thấu sáu cõi, tấm lòng nghĩ đến ngàn đời” Nguyễn Du.
Một Vũ Hoàng Chương quay quắt trong bi kịch đời mình, đến Đà Giang mà nhớ Tầm Dương ”Đâu đó Tầm Dương sầu lắng đợi -Nghe hồn ly phụ khóc trên tơ” (Đà Giang). Một Phùng Quán lăn lóc với đời cơm áo, trong cơn say bổng thấy mình là chàng Tư mã “Ta Bạch Cư Dị – Khách bến Tầm Dương – Tư mã Nghi Tàm – Lệ đầm áo rách – Câu thơ bị biếm – Mềm môi ngâm tràn” (say)…Xoè bàn tay nhân loại mịt mù những đường chỉ ngang dọc, có bàn tay nào giống bàn tay nào. Ai vay kiếp con tằm rút ruột mình nhả tơ mà nhận lấy nỗi đau đứt ruột?Giọt nước mắt rơi sóng sánh biển nhân sinh. Chỉ làm một gợn sóng giữa bình thản thờ ơ cõi thế. Bản chất của văn chương chỉ vây.
3. Gíó đầu dòng mưa cuối chữ Tầm Dương
Các nhà lý luận thường xem xét vấn đề “trên bình diện ảnh hưởng những gì…và ảnh hưởng như thế nào…” để xem xét,phân loại, đánh giá các bến Tầm Dương trên dòng sông thơ Việt. Thực ra ảnh hưởng đích thực bao giờ chẳng phụ thuộc vào chủ thể tiếp nhận,tấm lòng tiếp nhận và sự sáng tạo muôn màu. Tầm Dương nhiều khi chỉ là cái duyên cớ,sự gặp gỡ trên một số phương diện…mơ hồ như một âm giai thứ vang vọng hồn người trên dòng sông thương cảm riêng lòng…Thật khó lấy lý trí phổ quát mà đánh giá lý lẽ riêng của cảm xúc con tim. Và ngược lai,ta tiếp nhận cung đàn Tầm Dương vang vọng kia,trước hết,ở tiếng nói đồng cảm tri âm “Cùng người một hội một thuyền”. Muốn có hai câu thiên cổ danh cú (câu nổi tiếng ngàn năm) khiến người rơi nước mắt “Cùng một lứa bên trời lận đận – Gặp gỡ nhau lọ sẵn quen nhau” phải có bao lớp trầm tích cảm xúc lắng sâu tự lòng mà thăng hoa trong cảnh ngộ ngoài ý thức chủ quan.
Dễ gì có được một bến Tầm Dương riêng mình nếu lòng không giăng con nước!. Con nước chờ ngày con nước hát. Tiếng hát buồn tự thanh lọc những bi thương. Một Nguyễn Công Trứ vịnh Tỳ bà theo thể ca trù ”Chiếc thuyền luống đi về trong bóng nguyệt“ dù chỉ để hát cô đầu chơi, nhưng cũng là một cách chơi ngông của riêng ông, “Tài tử với giai nhân là nợ sẵn“. Cách chơi của con người đa tài – đa tình lắm nỗi thăng trầm “Nhân sinh bất hành lạc – Thiên tuế diệc vi thương“ (Người mà không hành lạc – Dẫu sống ngàn năm cũng như chết non) hẳn có một bến Tầm Dương thoát kiếp, khẳng định con người cá nhân tự do tự biểu hiện và đã trước bạ thể hát nói vào lịch sử văn học. Một Chu Mạnh Trinh ưu tư,đồng cảm “Cho hay danh sĩ với giai nhân cùng một kiếp hoa duyên nặng nợ” mà đau lòng lặng lẽ “Giống đa tình luống những sầu chung, giọt lệ Tầm Dương chan chứa“. Cảm hứng trữ tình bi thiết lọc từ máu mình ngân nhạc bút tài hoa,chứ nào phải “Cái tình đồng loại nhạt nhẽo giữa danh sĩ và giai nhân”.Trai tài – gái sắc là chuyện muôn đời. Con tạo triêu ngươi cũng là chuyện muôn đời. Nhưng màu sắc thương cảm cung đàn vô thanh là chuyện riêng lòng khoảng khắc hóa mây trôi. Dẫu mựơn Tầm Dương như một “phương tiện thể hiện ước muốn truy hoan”, nhưng tài – tình cũng đọng máu trong lời than của Vũ Hoàng Chương “Niềm giang hồ tan tác lệ Giang Châu“. Ai một chiều qua bến sông trăng,”Thuyền mơ bến nơi đâu“. Thương người hay thương mình mãi “kiếp cầm ca” dang dở,trong nụ cười buồn tan con sóng vỗ hắt hiu của nữ sĩ Ngân Giang “Bến Tầm Dương trăng nước một con thuyền,ngán tình ca nữ“…Đến Xuân Diệu với niềm khao khát giao cảm “Mắt run mờ kỹ nữ thấy sông trôi“thì bến Tầm Dương kia đã ra “biển lớn”.Nói như Phạm Văn Diêu “Tất cả như đều đã sống trong cái ám ảnh thanh cao tế nhị và kỳ diệu trong áng thơ Tỳ bà hành vậy”. Muôn đời, nói như Lâm Ngữ Đường, ”Một chữ Tình để duy trì thế giới, một chữ Tài để tô điểm càn khôn”. Tài – Tình để khiến trời hờn đất ghen. Nên mang mang tựa bến Tầm Dương. Bến Tầm Dương – bến cảm thương, bến hội tụ cái Đẹp mỏng manh “Hoa phi hoa…”bến Biệt ly – níu giữ…Sông cứ trôi, hoa cứ rơi, đậu bến vô thanh, âm thầm không vọng tiếng. Kiếp người dỡ dang, đời người mấy ai trọn vẹn. Đời buồn tênh như lỡ một cung đàn. Đưa người trên sông thu…ngày ấy thuyền lẻ khách, như tự đưa mình. Rượu Tầm Dương uống mãi chẳng say – Khói sóng nào hiu hắt não nề thay (Bạch Cư Dị – Thu giang tống khách). Chẳng có con nước nào trong tiếng đàn nhạt, ánh trăng suông. Ai chẳng khao khát một bến Tầm Dương tao ngộ, tương tri, đồng cảm. Mang sẵn trong tâm hồn chút thanh âm, tình ý Tỳ bà – Dòng sông đời thoáng neo đậu bến Tầm Dương.
Cung đàn Tầm Dương long lanh lệ. Bao nhiêu bến sông đã chìm trong sương khói thời gian?. Cuộc sống hiện đại mang màu sắc phương Tây ồn ào hối hả,bao dòng sông đã cạn trong trái tin người?. Đôi khi, nửa đêm chợt tĩnh,hồn Phương Đông thao thức bóng trăng im. Lại thấy bảng lảng “Sông lau lách- Nhạc đìu hiu lệ cũ- Gíó đầu dòng mưa cuối chữ Tầm Dương” (Lê Đạt).
Lê Từ Hiển