Nhân dịp cư sĩ Nguyên Giác và tôi ra mắt cuốn sách “Thiền Tông Qua Bờ Kia” và “Đạo Phật: Đất Nước, Cuộc Sống và Tâm Linh” tại Chùa Bát Nhã, Nam California ngày 18/11/2017 mà tôi mới có dịp quen biết Hòa Thượng Thích Nguyên Siêu. Nhân dịp này hòa thượng tặng tôi cuốn “Góp Nhặt Thời Gian” và tập thơ “Tâm Nguyên Vô Đề”.
Cuộc sống ngày hôm dường như quá vội vã. Con người chạy đua với tốc độ và chỉ thích nghe, thích nhìn (Audio &Visual) và thích nói (talk Show) hơn là thích đọc vì quá “mất thời giờ”. Thật khó cho bất cứ nhà phê bình văn học nào có can đảm đọc và giới thiệu một cuốn sách về đạo, dày tới 543 trang. Thế nhưng do tình cảm tri ngộ, tôi cảm thấy mình hình như có duyên và niềm vui khi giới thiệu một công trình sáng tác như thế này.
Ở hải ngoại, sách do quý ni/sư in ra thường được các Phật tử nhiệt tình chiếu cố nhưng chưa chắc họ đã đọc và tìm hiểu xem tác phẩm nói gì. Mua sách về mà không đọc thì thật tội tình cho tác giả. Do đó, vì lòng quý mến Hòa Thượng, tôi đã dành ra khoảng thời gian gần một tuần lễ, có khi thức dậy lúc 5 giờ sáng, làm việc liên tục để đọc phẩm này.
“Góp Nhặt Thời Gian” là cuốn sách ghi lại những gì mà thầy đã sống, đã trải, đã chứng kiến trong suốt thời gian trải dài hơn 50 năm, từ một chú điệu quét rác ở Chùa Long Sơn, Nha Trang cho tới ngày hôm nay, mái tóc đã điểm sương, trụ trì Chùa Phổ Đà ở Thành Phố San Diego, California- một thành phố ấm áp, đầy nét văn hóa mà không xô bồ quá như Orange County.
Sách xuất bản năm 2014, khởi đầu bằng những dòng thơ và điếu văn đầy cảm động khóc ân sư – Hòa Thượng Thích Tâm Nhẫn, viên tịch năm 2013. Qua những dòng thơ thật đau đớn, nhưng nhẹ nhàng và thanh thoát, thầy Thích Nguyên Siêu mô tả Hòa Thượng Thích Tâm Nhẫn đúng là một vị Bồ Tát tại thế, một người cha lành dẫn dắt đàn con ăn và tu học trong cảnh vô cùng nghèo khó:
“Cam tươi sữa ngọt,
Cưỡi chiếc xe đạp đem ngay cho người.
Chẳng giữ trong tay những gì thầy có.
Thầy học hạnh buông xả.
Bềnh bồng như mây.
Thầy đi tìm hang kiến.
Cho đồ ăn thật đầy.
Cơm nguội, bánh mì, đường cát.
Ấy là việc làm xưa nay.
Thầy thương loài vật.
Thầy giúp người ngay.
Thầy làm Bồ Tát hạnh.
Trong cuộc đời này.”
Trong chương thứ hai, tác giả tưởng niệm cố Hòa Thượng Thích Minh Tâm với những đoạn văn, “Suốt đời hoằng pháp từ Việt Nam tới Nhật Bổn rồi cả một trời Tây, các châu lục Úc Đại Lợi, Tân Tây Lan, Hoa Kỳ, Gia Nã Đại…Hòa Thượng luôn giảng dạy trách nhiệm của người Phật tử, gìn giữ Đạo Phật Việt Nam, nhớ ơn lịch đại Tổ Sư hơn 2000 năm qua. Một dòng lịch sử mang tính thời gian có đủ để khẳng định đối với dân tộc Việt Nam.” Và một đoạn thơ:
“Paris buồn! Nơi đâu buồn hơn nữa?
Khánh Anh chờ! Buông thõng cánh tay mong.
Hóa thân một kiếp phù trần.
Ngàn năm dâu bể, trăng trong giữa trời.”
Tôi rất thích lối thơ của Vũ Hoàng Chương, khởi đầu bằng những câu thơ tự do (không phải song-thất, lục-bát), nhưng khéo kết thúc bằng hai câu lục-bát rất êm và gợi cảm như bốn câu thơ ở trên.
Trong chương thứ ba, tác giả nhớ về Bồ Tát Thích Quảng Đức nhân lễ hiệp kỵ lịch đại Tổ Sư tại Chùa Cổ Lâm, Thành Phố Seattle, Tiểu Bang Washington năm 2013.
Trong chương thứ tư, tác giả nhớ về cố Thượng Tọa Thích Thiện Minh, một nhân vật quan trọng trong Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo đấu tranh cho quyền bình đẳng tôn giáo năm 1963.
Trong chương thứ năm, tác giả nói về cố Hòa Thượng Thích Trí Chơn “ Đã đóng góp cho ngôi nhà văn hóa Phật Giáo hải ngoại, đã có 22 dịch phẩm với các chủ đề Tổng Quan Phật Giáo, Truyện Tích, Nhận Vật Phật Giáo, Phật Giáo và Thời Đại, Phật Giáo và Xã Hội, Phật Giáo Thế Giới.”
Chương thứ sáu nói về triết gia Phạm Công Thiện mà tác giả gọi là “Thầy Phạm Công Thiện- một nhà giáo dục, một nhà văn hóa, một thi sĩ Phật tử thuần thành, quy y Tam Bảo với Ôn Già Lam, pháp danh Nguyên Tánh tại Phật Học Viện Hải Đức Nha Trang năm 1960.” Trong chương này, tác giả còn trình bày tấm hình chụp chung với Giáo Sư Doãn Quốc Sĩ, Triết Gia Phạm Công Thiện tại Texas năm 2007.
Trong chương thứ bảy, tác giả nói về bóng dáng từ bi của Ôn Già Lam trên Đồi Trại Thủy. “Ôn Già Lam. Chỉ cần ba tiếng ấy thôi cũng đủ làm ấm lòng bao lớp tăng sinh của Phật Học Viện Báo Quốc (Huế), Phổ Đà (Đà Nẵng), Hải Đức (Nha Trang), Già Lam (Sài Gòn).“ Ngoài việc trích dẫn công nghiệp, một số lời dạy, thơ của Ôn Già Lam, tác giả đã làm bài thơ “Dáng Từ Đồi Trại Thủy” để nhớ về Ôn, mà tôi rất thích:
Tiếng chuông vang vách đá.
Làm tươi thắm lá hoa.
Viên sỏi nằm triền núi.
Đếm thời gian trôi qua.
Ngày ra đi nắng hạ.
Phượng vĩ đỏ mái chùa.
Từng bước chân thầm lặng.
Như đêm trong cơn mưa.
Nhớ người Đồi Trại Thủy.
Nhớ bước chân canh khuya.
Hô thiền giờ chỉ tịnh.
Nhất niệm phút chẳng lìa.
Buổi sáng đường Bình Minh.
Ôn trong áo nhật bình.
Chống gậy trên triền núi.
Độ nhật kiếp nhân sinh.
Lời thơ siêu thoát, trữ tình không thua kém gì lời thơ của Phạm Thiên Thư trong “Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng”.
Trong “Ngôi Chùa Cổ Trên Đồi Trại Thủy” của chương thứ tám, tác giả đã đi vào lòng người bằng bút pháp thật văn chương, hiếm thấy trong các tác phẩm của các tu sĩ Phật Giáo, văn thường nghiêm túc, đôi khi ước lệ và khô cứng. ”Rải rác trên những lối mòn, dưới các bóng cây rậm của những đêm trăng còn in đậm dáng dấp của vị sư già tay lần chuỗi hạt ung dung thả bộ, một tâm hồn thư thái, an nhiên. Tâm hồn này là sức sống của ngôi chùa cổ mà trải qua bao thời gian ẩn tu như chưa hề xao lãng, dầu cuộc sống của thế nhân trải qua bao phế hưng. Đêm nay trời mưa lớn, gió từ biển khơi thổi mạnh, đập vào sườn núi làm tan tác lá hoa trên đồi, làm gãy đổ những giàn thanh long đã hết trái. Cảnh đời chuyển động. Biển đời chuyển động, dậy sóng muôn trùng lá bay. Điêu linh của đêm mưa bão. Động! Từng sát-na động! Từng phút giây động! Bản chất của thế gian, như từ vô lượng kiếp.”
Trong chương thứ chín, tác giả nói về tình cảm của những học tăng từ Sài Gòn phải thuyên chuyển ra các tỉnh nhỏ như Phan Rang, Bình Định với bao lo âu. Rồi hình ảnh của các vị tiếp nhận như Hòa Thượng Đồng Thiện, Hòa Thượng Đồng Quán, rồi Hòa Thượng Giám Viện Thích Huyền Quang từ Sài Gòn ra thăm.
Trong chương mười, qua bài viết “Một Con Người, Một Quê Hương” có lẽ tác giả nói về Hòa Thượng Thích Mãn Giác của Phật Học Viện Quốc Tế qua câu nói, “Sau khi tôi xả bỏ báo thân về nơi cõi Phật, quý thầy hỏa thiêu tôi, lấy tro bón từng gốc cây, cọng cỏ trong vườn Phật Học Viện để có chút phần tươi tốt cho loài thảo mộc.”
Trong chương mười một, tác giả nói về một cây đại thụ của Phật Giáo Việt Nam đó là Hòa Thượng Thích Mật Thể qua đoạn văn, “Huế được ca ngợi như là đất thần kinh văn vật, với cái đẹp thiên nhiên của đất trời ưu việt dành cho. Từ cảnh núi sông cẩm tú ấy đã sinh ra biết bao bậc tôn túc Thiền gia, trong đó có Ôn Đại Lão Hòa Thượng Thích Mật Thể.” Sư Bà Diệu Không vì cảm phục hạnh nguyện và quy ngưỡng tánh đức nhiếp dẫn chúng tăng, làu thông kinh điển của Ôn, đã đề thơ ca tụng:
Hòa thượng kim triêu ngoại thất tuần.
Hoa niên xuất trục thậm gian truân.
Trực tâm nhất niệm kinh thường diễn.
Phật tánh viên dung luận quán quân.
Trong chương thứ mười hai, ngoài những ngôi chùa danh tiếng của đất Thần Kinh như Chùa Thánh Duyên, Chùa Diệu Đế, Chùa Quốc Ân, Chùa Thuyền Tôn, Chùa Từ Hiếu, Chùa Trúc Lâm…tác giả nói nhiều về Chùa Từ Đàm được xây dựng từ cuối Thế Kỷ 17 sau được Chúa Nguyễn Phúc Chu ban tặng năm chữ “Sắc Tứ Ân Tôn Tự” mà nhạc sĩ Văn Giảng đã sáng tác bản nhạc “Từ Đàm Quê Hương Tôi” đã đi vào lòng người hơn nửa thế kỷ qua. Thế rồi do vận mệnh nổi trôi của đất nước, một số tăng ni đã ra hải ngoại và Hòa Thượng Thích Tín Nghĩa đã thành lập Tổ Đình Từ Đàm Hải Ngoại tại Dallas, Texas năm 1983.
Tại chương mười ba, tác giả nói về triết lý sống của người dân Việt qua bài “Năm Nghệ Thuật Sống Của Người Phật Tử” đó là:
-Uyển chuyển như cây tre, dù dông bão thế nào cũng không gãy đổ.
-Sống như một dòng sông, “Nước được đổ từ đầu nguồn xuống hạ nguồn và ra biển. Nếu dòng sông đó nằm trên cao nguyên thì dòng nước chảy nhanh. Nhưng khi xuống dưới trung nguyên hoặc bình nguyên thì dòng nước chảy một cách nhẹ nhàng, từ từ, nên thơ. Để rồi dòng sông đó sẽ hòa nhập vào trong biển mà không giữ lấy tính chất cố định của nó.”
-Sống như là cây Mai, “Cây mai dù trải qua rất nhiều thời gian mưa nắng, khó khăn đã phủ lên trên cành mai, gốc già của thân mai, cho đến ngày Xuân thì hoa mai lại nở.” Ý nói cuộc đời này dù gặp bao nhiêu cảnh ngộ thì chỉ làm cho chúng ta “già dặn” thêm, như gốc Mai và hoa lòng vẫn nở.
Nơi chương mười bốn tác giả nói về Kinh Lăng Nghiêm. Kinh này có được nhân dịp Ngài A Nam đi khất thực, ỷ y, tí nữa rơi vào vòng sắc dục của người con gái đã dùng chú Tỳ La Phạm Thiên để mê hoặc khiến Đức Phật phải dùng thần thông để giải cứu. “Kinh Lăng Nghiêm thuộc về biệt giáo. Người học và hiểu ý thú nghĩa kinh là tự mỉnh đả thông tất cả chướng ngại do chấp ngã, chấp kiến, thấu suốt sự chân thật của tâm, chân thật của cảnh.”
Trong chương mười lăm nhan đề “Ngày xuân đọc Luật”, tác giả nhớ lại, “Giới luật là mạng mạch của Tăng Già, là tuổi thọ của Phật pháp. Ngày nào giới luật còn được giữ gìn nghiêm minh, ngày đó Phật pháp còn hiện hữu với đời một cách vững mạnh, chánh pháp trường tồn. Tác giả nhớ lại lời dạy của Ôn Trí Nghiêm tại Phật Học Viện Nha Trang, “Tui chỉ cần quý thầy thanh tịnh cứ mỗi nửa tháng tới thôi.” và lời dạy của Ôn Đổng Minh, “Các thầy học Luật là để thấy mình có tăng tiến trên con đường tu tập hay không, chứ không phải học Luật để có mặc cảm tội lỗi.”
Trong chương mười sáu, tác giả tri ân và nhớ về các bậc cao tăng tiền bối đã dày công dưỡng dục đệ tử. Có những vị phải trồng dưa cà, rau muống đem ra chợ bán để nuôi đàn hậu học…mỗi vị một bài thơ, bài nào cũng cảm động, cũng hay, trong đó có: Ôn Từ Đàm, Ôn Già Lam, Ôn Đổng Minh, Ôn Trừng San, Ôn Từ Quang, Ôn Minh Châu, Ôn Đồng Thiện, Ôn Trí Nghiêm, Ôn Trí Tín, Ôn Trí Chơn, Ôn Thuyền Ấn. Riêng đối với Ôn Minh Châu tức Thượng Tọa Thích Minh Châu-Viện Trưởng Viện Đại Học Vạn Hảnh, tôi có một kỷ niệm. Khoảng năm 1968, tôi và một số bạn họa sĩ là sinh viên Dược Khoa, Văn Khoa, Y Khoa tổ chức một cuộc triển lãm tranh sơn dầu tại Phòng Thông Tin nằm ở góc Nguyễn Huệ và Tự Do, có mời Ôn cắt băng khánh thành. Khi mời các tùy viên tòa đại sứ, trên thư mời chúng tôi chỉ ghi Mr….thì Ôn sửa lại là The Honorable…chứng tỏ Ôn rất rành về thủ tục và ngôn ngữ ngoại giao. Ôn Minh Châu ngươi Huế, lúc nào cũng mỉm cười và phúc hậu như Phật Di Lặc vậy.
Trong chương mười bảy, tác giả ghi lại ngày hiệp kỵ lịch đại tổ sư tại Lyon, Pháp Quốc năm 2011.
Trong chương mười tám, tác giả nói về HT. Thích Đồng Minh- ân sư của nhiều thế hệ. Tác giả đã khóc khi nhớ lại lời của thày, “Ra nước ngoài hãy nhớ làm Phật sự. Đừng phản bội, quay lưng lại lý tưởng của mình.”
Trong chương mười chín, tác giả nói về Tổ Liễu Quán đã thiết lập Thiền Phái Liễu Quán vào hậu bán Thế Kỷ 18 trước khi viên tịch vào năm 1742, ngài tự tay viết bài kệ như sau:
Thất thập niên dư thế giới trung.
Không không, sắc sắc diệc dung thông.
Kim triêu nguyện mãn hoàn gia lý.
Hà tất bôn nan vấn tổ tông.
Rõ ràng, đối với các vị tu hành chứng đắc của Phật Giáo thì không có cái chết mà chỉ là sự xả bỏ báo thân một cách nhẹ nhàng.
Trong chương hai mươi, tác giả bàn luận về đề tài “Văn Học Phật Giáo Là Con Đường Tri Thức Vượt Thoát” xây dựng trên các cột trụ như Thiền, công án, Bát Nhã, Hoa Nghiêm, Pháp Hoa và Pháp Cú.
Trong chương mười ba, nói về “Đạo Phật Qua Cái Nhìn Của Thế Giới Âu Tây” tác giả viết, “Thế giới Âu Tây ngày hôm nay, con người tiếp xúc với Đạo Phật, đã nghiên cứu và tu chứng. Họ chấp nhận Đạo Phật như tôn giáo của chính họ.”
Trong chương mười bốn, tác giả bàn về Lý Duyên Sinh và Tinh Thần Vô Ngã.
Trong chương mười lăm, tác giả nói về Vu Lan: Mùa Cứu Độ Các Oan Hồn Phiêu Bạt.
Trong chương mười sáu, tác giả dẫn chứng lời Phật dạy để nói về:
-Tuổi thọ của Tăng Già.
-Sự hưng thịnh của chúng tăng.
-Tầm nhìn đích thực của Tăng Già Việt Nam qua lời kêu gọi của Hòa Thượng Thích Đôn Hậu (1991), Hòa Thượng Thích Trí Thủ (2002) và Hòa Thượng Thích Trí Quang.
Trong các chương mười bảy, mười tám, tác giả tiếp tục nói về ngày tưởng niệm chư vị thiền sư, tổ đức theo phong tục tập quán của người dân Việt Nam “Uống nước nhớ nguồn” trong đó có Ngài Ngô Chân Lưu đời Vua Đinh Tiên Hoang, Pháp Thuận Thiền Sư đời Vua Lê Đại Hành, Vạn Hạnh Thiền Sư đời Lý và Phật Hoàng Trần Nhân Tông đời Trần.
Trong chương mười chín, tác giả nói về “Kỷ Niệm 20 Năm Khóa Tu Học Phật Pháp Âu Châu”
Trong chương hai mươi, tác giả nói về chủ đề “Sức Mạnh Của Tăng Già hay Những Nguyên Tắc Nhiếp Chúng” bằng cách trích dẫn lời Phật dạy qua các lãnh vực:
-Bảy pháp không bị suy giảm của một chúng tỳ kheo.
-Bảy pháp xử trị người phạm giới.
-Sáu pháp hòa kính (Lục Hòa).
-Tứ nhiếp pháp, trong đó tác giả nhắc nhở, “Đức Phật dạy vai trò của người tại gia bằng bốn pháp nhiếp sự mà nếu không áp dụng bốn pháp nhiếp sự vào đời sống hàng ngày thì ngay nơi bản thân con người đã đánh mất trách nhiệm của chính mình đối với đời sống gia đình và những người chung quanh, mà cũng chẳng có lợi ích và tiến bộ trong Phật pháp.” Theo ý của đoạn văn này thì “tu tại gia” trước, tức lo chuyện gia đình cho chu toàn trước rồi mới “tu chợ” rồi sau đó “tu chùa”. Chuyện nhà hỏng, thì chuyện chùa cũng hỏng. Trong chương này tác giả còn nói thêm về Hạnh Bố Thí và Ái Ngữ.
Nơi chương hai mươi mốt, nhân Đại Lễ Phật Đản 2551 tại Houston, Texas, tác giả nói về “Đức Phật và Văn Hóa Giác Ngộ” cho chúng Tỳ Kheo, cho nam-nữ Phật tử, cho nhà vua, hội đồng nội các của một quốc gia trong đó có những đức tính như:
-Độ lượng, từ bi, bố thí.
-Có đạo đức cao, không sát sinh, trộm cắp, tà hạnh, nói dối, uống rượu.
-Hy sinh tất cả vì lợi ích của toàn dân.
-Thẳng thắn, thành thật và liêm khiết.
-Lòng từ ái, hiền hòa.
-Khổ hạnh trong nếp sống.
-Không sân hận thù hiềm.
-Không giết người, tạo lập hòa bình và tinh thần bất bạo động.
-Nhẫn nhục, bị chỉ trích vẫn bình tĩnh.
-Không chống lại ý muốn của dân, chiều theo ý dân.
Trong chương hai mươi hai, tác giả luận bàn về “Huyền Thoại Duy Ma Cật”. Trong pháp hội tại Vườn Am La, Đức Phật giảng dạy thế nào là Pháp Môn Bất Nhị (Không Hai), thế nào là Bồ Tát Hạnh, thế nào là thần lực và tâm định của Duy Ma Cật…tất cả đều không thể nghĩ bàn.
Nơi chương hai mươi ba, tác giả nói về “Những Hạt Kim Cương Từ Lời Thuyết Pháp Của Đức Phật” trong đó có:
-Công việc thường nhật nhưng luôn ở trong đại định.
-Trụ tâm và hàng phục tâm.
-Độ chúng sinh nhập Vô Dư Niết Bàn.
-Hành các pháp thiện.
Trong chương hai mươi bốn tác giả nói về “Bồ Tát và Trụ Xứ Độ Sinh” theo đó, Bồ Tát hay nơi Bồ Tát cư ngụ không phải là một Cung Trời mà ngay nơi thế gian này:
-Nơi nào có tâm Bồ Đề được phát khởi, nơi đó là quốc độ của Bồ Tát.
-Nơi nào có Thân-Tâm, nơi đó là quốc độ của Bồ Tát.
-Nơi nào có chứng nhập các Trụ Địa, nơi đó là quốc độ của Bồ Tát.
-Nơi nào có phát đại nguyện, nơi đó là quốc độ của Bồ Tát.
-Nơi nào có Đại-Từ-Bi, nơi đó là quốc độ của Bồ Tát.
-Nơi nào có Chánh Kiến, nơi đó là quốc độ của Bồ Tát.
-Nơi nào Đại Thừa quảng bá, nơi đó là quốc độ của Bồ Tát.
-Nơi nào có giáo hóa chúng sinh, nơi đó là quốc độ của Bồ Tát.
-Nơi nào có Phương Tiện Trí, nơi đó là quốc độ của Bồ Tát.
-Nơi nào có tu tập hết thảy các Phật pháp, nơi đó là quốc độ của Bồ Tát.
Trong chương hai mươi lăm, tác giả nói về “Trí Tuệ và Lòng Từ Bi”. Trong bài này tác giả dẫn chứng một giai thoại về Trí Tuệ và Từ Bi siêu việt của Đức Phật:
“Một hôm trên con đường du hóa trở về, Đức Phật gặp một người gánh phân, áo quần lấm lem, thân thể gầy ốm đi ngược chiều với Đức Phật và hàng thánh chúng, đang tiến gần về phía ngài. Ngay khi ấy người gánh phân lo sợ và vội vàng gánh phân tránh xuống vệ đường, cúi mặt xuống đất, không dám đối diện với Đức Phật. Nhưng với lòng từ bi, ngài dừng lại hỏi:
– Này vị cư sĩ kia, tại sao lại tránh Như Lai?
-Bạch Thế Tôn, con không dám đối diện với ngài vì con thuộc dòng nô lệ.
-Này thí chủ, trong thánh pháp của Như Lai không có giai cấp. Hơn nữa nơi đây Như Lai không hỏi giai cấp vì đối với Như Lai mọi người đều bình đẳng, trong dòng máu cùng đỏ và nước mắt cùng mặn. Bất cứ ai nỗ lực tu tập bằng tâm thuần tịnh cũng đều chứng đắc quả Thánh, không kể nô lệ hay không nô lệ. Người nô lệ mà được trang sức bằng hương giới thanh tịnh thì cũng thành cao quý.
-Bạch Đức Thế Tôn, vì thân thể con hôi dơ, phân đất dính đầy người.
-Như Lai không chú trọng danh, tướng bên ngoài. Phân bụi bặm có thể dùng nước mà rửa sạch. Còn xú uế của tâm có thể tẩy trừ được hay không?
-Xin Đức Thế Tôn cho phép con đảnh lễ Phật cùng hàng Thánh chúng và xin quy y Tam Bảo.
Kể từ đó người gánh phân tên Nan Đề tinh tấn thực tập Thiền Định và đắc quả A La Hán.
Ngoài ra, Đức Phật luôn luôn khiêm nhường và chỉ nhận mình là Đạo Sư tức người thầy chỉ đường mà thôi và không buộc ai phải tùy thuộc nơi người. Trước khi Phật nhập Niết Bàn ba tháng, một hôm ngài A Nan- thị giả của Đức Phật – thưa với Đức Thế Tôn:
-Bạch Đức Thế Tôn, nếu Đức Thế Tôn nhập diệt rồi thì hàng chúng tăng lấy ai để nương tựa, lấy ai để làm thày chỉ dạy?
-Này A Nan, các con đừng nghĩ rằng Như Lai phải cai quản hàng chúng tăng và chúng tăng phải tùy thuộc vào Như Lai. Không phải vậy, Như Lai là bậc đạo sư chỉ bày phương tiện để các con nương vào phương tiện thiện xảo ấy mà đạt Thánh quả. Các con phải lấy giới luật làm Thầy. Vì giáo pháp là kim chỉ nam, là con đường dẫn dắt các con đến mục đích tối hậu,cứu cánh tịch diệt. Dù cho Như Lai có sống mãi ở đời mà các con không tinh tấn thực hành Thiền Định, nỗ lực tu tập thì cũng chẳng ích gì.”
Đúng là lời khuyên của một bậc Thầy vĩ đại!
Trong chương hai mươi sáu, tác giả nói về “Ba Mươi Bảy Phẩm Trợ Đạo” trong đó có Tứ Niệm Xứ, Tứ Chánh Cần, Tứ Như Ý Túc, Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Giác Chi và Bát Chánh Đạo.
Với bài viết “Biển Cả” trong chương hai mươi bảy, tác giả đã phô diễn khả năng văn chương truyền cảm của một người viết văn hơn là của một tu sĩ xuất thân từ Thiền Môn khi còn là chú điệu 10 tuổi. Tôi xin trích dẫn một vài đoạn:
“Mỗi khi mặt trời lặn, ánh nắng còn sót lại một vài tia chiếu rọi, trên bãi cát vàng, làm lóng lánh mặt nước xanh, muôn ngàn, vô trùng con sóng nhấp nhô nhè nhẹ. Bóng hình tôi đổ dài trên lưng những con còng, con hến, cái rêu, con ốc, miên man như thời gian vô tận. Gió cứ thổi về phương trời vô định. Mây cứ trôi bềnh bồng trên không. Biển cứ dạt dào như thì thầm tâm sự lòng sâu như đại dương vô để.
Bây giờ là mùa hạ, nên gió mát, nước trong, cát mịn, nhiều loài cua chân cao, chân thấp, cá thóc, con tầm đục hang loang lỗ trên tấm cát mịn màn của đất trời non nước. Một con ra khỏi hang. Hai con đang húc đầu đấu đá. Ba con đang bò nhanh đến đống cát cao bên cạnh để kiếm mồi, và những đàn con khác đang lim dim phì bọt tí tách, tí tách, dương tròn đôi mắt trong mơ màng âm hưởng thiên thu thù tạc. Cái lẽ vô thường của tự thân hay khách thể. Tưởng tượng mà đi. Những hạt cát lăn tròn. Những bọt sóng vỡ tan. Những hột nước xoi mòn bờ gềnh, sỏi đá…Gió không thổi. Biển không gầm. Biển im. Biển không sóng. Tĩnh lặng và sâu thẳm. Biển xanh và trong suốt như lòng người thanh thản, vạn vật đều tươi vui. Hiện rõ sum la vạn tượng mà từ thời Phật Oai Âm Vương đến bây giờ không thêm không bớt. Lòng biển vẫn bao la, dung nạp, nuôi sống vô lượng loài thủy tộc. Biển Phật pháp mênh mông vô lượng phương tiện cứu vớt vô lượng loài chúng sanh…. Có người hỏi tại sao biển xanh? Tại sao biển sâu? Tại sao biển vổ vào bờ? Và lắm lúc tại sao biển phong ba bão tố xô ngã mọi thành trì ngăn ngại? Vì biển lớn. Biển bao la. Nước biển mềm. Vô tướng. Vô hình. Vô dạng. Không nhất thiết giữ nguyên một dạng thể. Ở sâu thì biển xanh. Ở cạn thì biển trong, thấy từng hạt cát, từng loài rong rêu nhỏ nhiệm. Biển bão tố là do phong cảnh tác động mà dậy sóng ba đào. Lòng chẳng nhất tâm là do khách trần phiền não dấy khởi.“
Trong chương hai mươi tám, tác giả nói về “Lục Độ Vạn Hạnh” và chương hai mươi chín trong “Niệm Phật” tác giả nhận thấy, “Người niệm Phật thấy mình có đủ ba đức tánh Vô Lượng Thọ, Vô Lượng Quang và Vô Lượng Công Đức.”
Trong chương ba mươi, tác giả trích dẫn lời thưa hỏi của Thiên Tử Kakudha để cho thấy “vui và buồn” đều đem tới phiền não. Chỉ có tâm bình an, thâm-thường-định là cứu cánh của hạnh phúc mà thôi. Giống như Hương Hải Thiền Sư đã trả lời Vua Lê Dụ Tông, “Bình thường tâm thị đạo”.
“ Rồi Thiên tử Kakudha, sau khi đêm đã gần tàn, với nhan sắc thù thắng chiếu sáng toàn khu rừng Anjana, rồi đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ, rồi đứng một bên, bạch Phật:
– Thưa Đức Thế Tôn, Ngài có hoan hỷ (vui) không?
– Này hiền giả, Như Lai có được cái gì mà Như Lai hoan hỷ?
– Nếu vậy, thưa Thế Tôn, có phải Thế Tôn sầu muộn (buồn) không ?
– Này Hiền giả, cái gì bị già yếu? Như Lai đâu mất cái gì mà Như Lai sầu muộn?
– Vậy thì, thưa Thế Tôn, Ngài không hoan hỷ và không sầu muộn?
– Thật vậy, này Hiền giả, Như Lai không hoan hỷ cũng không sầu muộn. Như Lai giữ tâm định tĩnh.
Hoan hỷ chỉ đến với người tâm sầu muộn.
Sầu muộn chỉ có đến với người tâm hoan hỷ
Do vậy người tu tập,
Không hoan hỷ hay sầu muộn,
Vậy nên, này hiền giả, người phải biết như vậy. “
Cái Tâm không vui, không buồn là Tâm Thường Định, Tâm Đại Định chỉ có A La Hán, Bồ Tát , Phật mới đạt tới cái Tâm này mà thôi. Còn chúng sinh như chúng ta thì bập bềnh, trôi nổi trong bể vui buồn. Hết vui rồi lại buồn, hết buồn rồi lại vui, hết khóc rồi lại cười, hết yêu rồi lại ghét.
Trong chương ba mươi mốt nói về “Sơ Tâm” tác giả nhớ lại lúc mới 10 tuổi, “Buổi chiều, sau bữa cơm tối. Mẹ tôi gọi lại, hôm nay, cho con đi tu với Thầy đó nghe. Mang xách theo Thầy mà lòng cũng không quyến luyến. Chẳng tự hỏi mình có tu được không. Tự dưng bỏ cha mẹ, anh em, bỏ bạn bè vào chùa tu! Cúi đầu bước theo sau Thầy, sang bên kia bờ sông. Ngôi chùa nơi đó. Một dòng sông ngăn cách, bên kia bờ là tình thương của mẹ. Bên này bờ là lòng đại bi của Đấng Thế Tôn. Do vậy, cứ mỗi lần chèo đò đưa Thầy đi Phật sự, một mình quay về, gác mái chèo, nhìn qua bên kia bờ sông mà nhớ một cái gì đó đã tiềm tàng trong lòng tự bao giờ. Tự nhiên. Nhẹ nhàng. Đôi chút bâng quơ. Hương thừa của tuổi trẻ, thì chính những giây phút này sơ tâm giao động. Lòng từ bi của Phật, ý niệm yêu thương của mẹ cha …” Câu chuyện giống như một cuốn tiểu thuyết cảm động còn hơn “Hồn Bướm Mơ Tiên” hay “Lan và Điệp” nữa.
Trong chương ba mươi hai, qua đề tài “Vài Nét Biểu Trưng của Người Cư Sĩ Phật Tử nơi Hải Ngoại” tác giả thấy người cư sỹ Phật tử cần có cái nhìn tổng quan Phật Giáo Hải Ngoại và đặt mình đúng vị trí trong vai trò hộ pháp, bao gồm:
-Khẳng Định Tín Tâm Đối Với Tam Bảo
-Thích Nghi Với Môi Trường Hiện Sống Mà Tùy Duyên Hộ Pháp
-Phát Huy Tinh Thần Tu Học Phật Pháp Qua Các Phương Tiện:
-Tham Gia Các Khóa Tu Học Được Tổ Chức Tại Các Tự Viện
-Nghe Băng Thuyết Pháp
-Hệ Thống Internet – Paltalk
-Hệ Thống Các Tự Viện Tại Địa Phương Là Ngôi Nhà (Tâm Linh) Phật Pháp Của Chính Mình:
-Gây Ý Thức Và Tạo Dựng Niềm Tin Phật Cho Con Em – Thế Hệ Kế Thừa
-Quan Hệ Mật Thiết Giữa Người Tu Sỹ Xuất Gia Và Người Cư Sỹ Tại Gia
Trong chương ba mươi ba, với đề tài “Thi Kệ Thiền hay Phong Thái của Người Đạt Đạo” tác giả trích dẫn lời chư Tổ nói rằng Thiền là giáo ngoại biệt truyền, “Bản lai diện mục của các pháp là như vậy, cho nên người tham cứu Thiền học hay thực nghiệm Thiền cần giữ tâm thanh thản, an bình – mà chúng ta thường nghe: “Tâm an tức thị Thiền”. Hay: “Đương bình tâm địa, tắc thế giới địa, nhất thiết giai bình.” – Tâm của mình được an bình thì cảnh giới bên ngoài tất cả đều được an bình, có nghĩa là tâm bình thì thế giới bình. Vì tâm hồn thanh thảnh, tấm lòng bình yên sống bằng những giây phút hiện tại, tĩnh giác để nhìn sự vật diễn tiến một cách khách quan, mà không khen, chẳng chê, không bình phẩm, không khởi tâm thẩm định, mà phải tự cảm nhận giá trị nhiệm mầu và vĩnh cửu của cái bây giờ và ở đây. “ Đây cũng là “Đối cảnh vô tâm” của Tuệ Trung Thượng Sĩ hay “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” trong Kinh Kim Cang.
Tác giả còn nói thêm, ”Giá trị tối thắng của người thực tập Thiền định là tạo điều kiện để trí tuệ phát khởi, từ đó chơn tâm được hiển lộ, mà qua tinh thần giáo pháp Tam Vô Lậu Học: Tức là Giới, Định, Huệ.” Do đó tập Thiền mà không giữ Giới thì đúng là hí luận, tập thở ra hít vào giống như tập Yoga mà thôi.
Trong chương ba mươi bốn, tác giả làm dịu lòng người khoảng 18 bài thơ, như bài thơ “Sự Sống An Lành”, trong đó có những đoạn:
Bước chân người qua nhanh.
In dòng thời gian lạnh.
Trang kinh Hải Triều Âm.
Vô tâm Phật viên thành.
Chuông ngân lòng tỉnh thức.
Đến tận cõi hà sa.
Vô thường hay vô ngã.
Chúng sinh người và ta.
Mây trắng vờn đỉnh núi.
Sương hôm quyện cà sa.
Dáng người bên khung cửa.
Khơi dậy ánh trăng tà.
Trong chương ba mươi lăm, tác giả gợi lại hình ảnh Thầy Thích Tuệ Sĩ nấu bánh chưng cho dân làng với “Cuộc du hành phong tuyết nguyệt, có người thuật lại lời thầy: Đi vậy mình thấy được Phật giáo dân dã thế nào, chứ trước giờ mình chỉ thấy Phật giáo tự viện đó là Phật giáo của nhà giàu, Phật tử giàu đến chùa giàu… Ở Già Lam mười mấy năm chưa từng có người nghèo nàn, bần cùng đến thăm. Bây giờ rất thú vị khi trên đường có cụ già chạy theo cho ổ bánh mì không, có thẳng nhỏ kêu cho lon gạo, có thanh niên chở củi cho quá giang đoạn đường đèo.”
Và, “Giữa chốn rừng xanh, Am Thị Ngạn được cất lên, dưới những tàng cây quanh năm che bóng mát. Khoảng giữa của thất là nơi thờ Phật. Từng trên của chiếc bàn nhỏ là tôn tượng đức Bổn Sư. Phía dưới là chiếc bàn hình chữ nhật, cặp đèn bạch lạp, chính giữa là lư hương, và dưới sàn nhà là cặp chuông mõ nho nhỏ. Hai bên treo hai câu liễn, do Thầy viết chữ thảo. Phía bên tay trái từ ngoài nhìn vào là chiếc bàn thờ Tổ tiên cũng nho nhỏ, đơn sơ chỉ có cặp đèn cầy tí xíu. Một lư hương cũng tí xíu, chẳng có bông hoa, trà quả. Ngoài hiên thất, trước là vách bình phong, chạm chữ Phật trong vòng tròn, và chiếc võng đu đưa bên vài chậu cúc vàng đại đóa. Chừng ấy hình ảnh của Thị Ngạn Am đủ cho thấy đời sống của Thầy đơn sơ, tri túc cỡ nào.”
Chương tiếp theo được dành để nói về “Thơ và Tư Tưởng Triết Học của Tuệ Sĩ” với tập Ước Mơ Trường Sơn sáng tác sau năm 1975 trong đó có những bài:
Đá mòn phơi nẻo tà dương.
Nằm nghe nước lũ khóc chừng cuộc chơi.
Ngàn năm vang một nỗi đời
Gió đưa cuộc lữ lên lời viễn phương.
Rồi:
Ai biết mình tóc trắng
Vì yêu ngọn lửa tàn
Rừng khuya bên bếp lửa
Ngồi đợi gió sang canh”
Và:
Một đêm thôi mắt trầm sâu đáy biển
Hai bàn tay khói phủ tóc tơ xa
Miền đất đó trăng đã gầy vĩnh viễn
Từ vu vơ bên giấc ngủ mơ hồ
Một lần định như sao ngàn đã định
Lại một lần nông nổi vết sa cơ
Trời vẫn vậy vẫn mây chiều gió tỉnh
Vẫn một đời nghe kể chuyện không như
Vẫn sống chết với điêu tàn vờ vĩnh
Để mắt mù nhìn lại cõi không hư
Một lần ngại trước thông già cung kính
Chẳng một lần lầm lỡ không ư?
Ngày mai nhé ta chờ mi một chuyến
Hai bàn tay khói phủ tóc tơ xa.”
Hai bàn tay khói phủ tóc tơ xa
Miền đất đó trăng đã gầy vĩnh viễn
Từ vu vơ bên giấc ngủ mơ hồ
Một lần định như sao ngàn đã định
Lại một lần nông nổi vết sa cơ
Trời vẫn vậy vẫn mây chiều gió tỉnh
Vẫn một đời nghe kể chuyện không như
Vẫn sống chết với điêu tàn vờ vĩnh
Để mắt mù nhìn lại cõi không hư
Một lần ngại trước thông già cung kính
Chẳng một lần lầm lỡ không ư?
Ngày mai nhé ta chờ mi một chuyến
Hai bàn tay khói phủ tóc tơ xa.”
(Hoài Niệm –Tuệ Sỹ)
Theo tôi, những vần thơ như thế này thì không thể bình giải được mà chỉ còn đọc rồi im lặng mà nghe lòng thổn thức.
Trong chương tiếp theo, tác giả tiếp tục nói về “Tuệ Sĩ: Thái Độ Của Nhà Sư Nhập Thế” rồi “Tuệ Sĩ: Cõi Thơ và Con Đường Trung Đạo”.
Cuối cùng tác giả ca ngợi Thích Tuệ Sĩ và Thích Trí Siêu (đã hoàn tục) là những thiên tài lỗi lạc của Phật Giáo.
Lời Kết:
Đọc tới trang cuối cùng của cuốn sách tôi thở phào nhẹ nhõm vì cuộc hành hình khá dài với tác giả vừa hoàn mãn. Đây là một tác phẩm có lúc mang hình thức như một cuốn tiểu sử (biography), có lúc như một Phật Giáo sử, xen kẽ là những bài thơ và tiểu luận văn chương…không ngoài mục đích dàn trải tâm tình của một nhà tu hành từ thuở ấu thơ, xiển dương giáo lý của Đức Phật và các phương tiện tu chứng. Quý vị nào muốn có sách xin liên lạc:
Chùa Phật Đà
4333 3oth Street
San Diego, CA 92104
ĐT: (619) 283-7655
Đào Văn Bình
(California ngày 25/11/2017)