Mênh Mông Giữa Muôn Cõi

Thầy Tuệ Sỹ – Tranh Đỗ Trung Quân

Thầy là bậc danh tăng với sở học uyên bác, trí tuệ cao thâm mà hầu hết ai cũng biết, nhất là tín đồ Phật giáo trong nước và hải ngoại. Đã có nhiều bài viết về thơ của thầy, có nói thêm, viết thêm cũng có lẽ dư thừa.   Những áng thơ  như có ma lực hút hồn người.  Những bài thơ như sợi tơ óng mượt, ngắm nghía hoài mà vẫn không thấy chán.

Ngày xưa khi mới đọc thơ Thầy, tôi chuếnh choáng. Trải qua bao năm tháng, những bài thơ đó càng trở nên da diết hơn theo sự tăng trưởng trong nếm trải mùi vị đời và đạo.  Cõi thơ của Thầy,  nơi tưởng như không người đến: thâm u, miên viễn, nơi mà chỉ có thể đứng bên ngoài chiêm ngưỡng, trầm trồ. Không phải chỉ một cõi mà muôn cõi tịch mịch đan xen.

Hai câu thơ mở đầu trong bài” Khung Trời Cũ” đã khiến người đọc ngã gục:

Đôi mắt ướt tuổi vàng khung trời hội cũ

Câu thơ dấy lên bao hoài niệm. Đôi mắt ướt là đôi mắt gì?  Là đôi mắt hoài niệm hay đôi mắt mơ màng? Chữ “ướt” với mênh mông nghĩa.  “Khung trời hội cũ” như một bức tranh hiện ra trước mắt với chập chùng ký ức. Man mác buồn. Rưng rức nhớ.

Áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang

“Áo màu xanh” có thể được ví như là tuổi thanh xuân của một đời người qua đi không bao giờ trở lại.  Câu này chuyển tải ý vô thường trong đạo Phật. Vạn vật đều có sinh có diệt. Không gì vĩnh cữu.  “Đôi mắt ướt”, “tuổi vàng”, “khung trời hội cũ” toàn là những ẩn dụ làm người đọc tò mò muốn khám phá tiếp.

Phút vội vã bỗng thấy mình du thủ

Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn

(Khung Trời Cũ)

Mượt mà, bóng bẩy.  Như nốt nhạc trầm bỗng, du dương, vừa tượng thanh tượng hình gợi biết bao hồi hồi.

Tự hôm nào suối tóc ngọt lời ca

Tay em rung trên những phím lụa ngà

Thôi huyễn tượng xô người theo cát bụi

Vùng đất đỏ bàn chân ai bối rối

Đạp cung đàn sương ứa đọng vành môi

(Nhớ Dương Cầm)

“Phím lụa ngà” hẳn ở đây là phím dương cầm nhưng được ví von bằng ẩn dụ như một “phím lụa”. Ôi đẹp làm sao! Hồn lâng lâng như vừa nghe một tuyệt phẩm Sonata của Beethoven. Đọc mấy câu  trên rồi cảm giác như muốn đi ôm đàn, quên cõi chợ, mặc cho trời cho đất trơ vơ.

Chưa hết, “trời” biết “hận” và “trúc già” đứng “lặng cúi đầu”. Cả “trời” và “trúc” được nhân cách hoá một cách đầy sáng tạo trong đoạn dưới đây:

Trúc già ngọn phơi phới

Trời hận tuôn mưa rào

Nặng trĩu tình tơ nước

Trúc già lặng cúi đầu

(Trúc và Nhện)

Phải chăng trúc già là hình ảnh thiền sư trầm tư, khắc khoải trước bao bối cảnh nghiệt ngã của quê hương và đạo pháp?! Câu chữ được sắp xếp với nhiều ẩn dụ,  nhân cách hoá một cách kỹ xảo thể hiện nét tinh hoa của ngôn ngữ văn chương.

Cho hết mùa thu biệt lữ hành

Rừng thu mưa máu dạt lều tranh

Ta so phấn nhụy trên màu úa

Trên phím dương cầm, hay máu xanh

(Tống Biệt Hành)

Ai cũng biết máu là màu đỏ, nhưng ở đây thì “máu xanh”. Dĩ nhiên màu xanh ở đây không dùng để diễn tả cái màu sắc của máu mà có thể là nỗi đau miên man, nỗi buồn bất tận, nỗi sầu không vơi của một kẻ sĩ trước nghiệt ngã của thời cuộc.  Nhưng “máu xanh” cũng có thể diễn tả bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ với những hoài bão làm những việc đội đá vá trời nhưng bất thành.  Thơ là tiếng lòng, mà đã là tiếng lòng thì chỉ có tác giả mới hiểu, mới biết ý tưởng thật sự sau những con chữ kia.

Thơ Thầy, một cõi bí ẩn:

Ta tìm em trong giấc chiêm bao
Nỗi buồn thu nhỏ hàng cây cao
Cháy đỏ mùa đông ta vẫn lạnh
Bóng tối vương đầy đôi mắt sâu

(Tìm Em Trong Giấc Chiêm Bao)

Ai chưa bao giờ đọc thơ Thầy mà đọc đoạn trên hẳn sẽ toát mồ hôi và có thể sẻ thắc mắc ” em” là ai?. Nhưng đọc tiếp đoạn sau mới có thể đoán nghĩa sâu xa của bài thơ:

Yêu em dâng cả ráng chiều thu
Em đốt tình yêu bằng hận thù
Cháy đỏ mùa đông ta vẫn lạnh
Giấc mơ không kín dãy song tù

(Tìm Em Trong Giấc Chiêm Bao)

Nhóm chữ “hận thù”, “giấc mơ”, “song tù” có thể là sự biểu đạt nỗi lòng thiết tha với quê hương, đạo pháp nhưng lại phải nhận lãnh bản án tử hình. Ôi, sao “em” lại tàn ác, cay nghiệt đến như vậy! Thêm nữa, người mới đọc khi chưa biết tác giả là ai sẽ có thể lầm tưởng đó là những vần thơ lãng mạn của tình yêu đôi lứa đầy trần tục, nhưng khi biết tác giả là một nhà sư và đọc thêm nhiều bài thơ khác sẽ hiểu ý thanh thoát phía sau những hình ảnh đó.

Thơ thầy vượt ngoài vòng hữu hạn mà người đọc phải nín thở, căng óc để tưởng tượng. Đôi khi có cảm tưởng như đang trôi vào một cõi bồng bềnh, xa xăm nào.  Dòng xúc cảm chất ngất với “khúc nhạc đưa hồn lên máu đỏ”, với “luân hồi chen chúc cọng lau xanh”:

Đây khúc nhạc đưa hồn lên máu đỏ
Bước luân hồi chen chúc cọng lau xanh
Xô đẩy mãi sóng vàng không bến đỗ
Trôi lênh đênh ma quỷ rắc tro tàn

(Tiếng Nhạc Vọng)

Như  nốt nhạc lúc trầm thật trầm, lúc cao thật cao, cao vút đến mấy chục tầng không mà cảm tưởng như là cánh chim chao lượn trong khoảng không vô định. Lúc khí phách giương cao, khi lảo đảo.  Trên đỉnh trầm tư ngút ngàn, ngồi đọc những dòng thơ với một nỗi rưng rưng.  Tưởng chừng như nghe tiếng vọng hoang vu thăm thẳm,  thấy nét phiêu dật bùng lên giữa xôn xao khóc cười của cuộc dâu bể lẫn trong tiếng kêu trầm thống của một kiếp nhân sinh, bao tan tác của nhân tình thế thái xoáy sâu tận đáy hồn.

Đời nương bóng đạo quyện chặt, dặt dìu  trong từng câu thơ  đến thổn thức lòng.  Tiếng khóc của đá khi nghe tiếng nước lũ xoáy mòn dần là nỗi khắc khoải, tiếc thương cuộc nhân sinh ngắn ngủi:

Đá mòn phơi nẻo tà dương

Nằm nghe nước lũ khóc chừng cuộc chơi

Ngàn năm vang một nỗi đời

Gió đưa cuộc lữ lên lời viễn phương

Đan sa rã mộng phi thường

Đào tiên trụi lá bên đường tử sinh

(Mộng Trường Sinh)

Như huyễn tượng, như chiêm bao, hồn run run chấp chới trên từng cánh thơ. Cuộc lữ mãi muôn trùng với những đêm dài trầm mặc.

Anh ôm chồng sách cũ

Trầm mặc những đêm dài

Xót xa đời lữ khách

Mệnh yểu thế mà hay

(Trầm Mặc)

Đời lữ khách như bóng tà dương gợi sầu với bao nỗi xót xa.

Hình ảnh bình thường như bóng trăng gầy, đá mòn, chùm sao, cánh chim trời, v.v. nhưng lại mang ý nghĩa khác hơn, đẹp hơn qua tình tự câu chữ, chuyên chở ý tưởng thâm sâu lấp ló trong nét mông lung, huyền ảo:

Đến đi vó ngựa mơ hồ

Dấu rêu còn đọng trên bờ mi xanh

(Tĩnh Thất)

Hoặc:

Hoang vu

Cồn cát

Trăng mù

Cỏ cây mộng mị

Cơ đồ nước non

(Tĩnh Thất)

 Xem tranh bằng đôi mắt. Đọc thơ bằng tâm hồn, nhưng đôi khi đọc thơ cũng như xem một bức tranh trong đó người đọc chỉ cảm nhận, chiêm ngưỡng mà không phân tích, lý luận vì phân tích, lý luận thì khó cảm nhận được cái hồn thơ . Thơ là thứ ngôn ngữ tuyệt vời diễn đạt cảm xúc sâu lắng xuyên thấu nội tâm.  Một trong những cái đẹp, cái bao la của thơ là nói ít hiểu nhiều và hiểu sao thì hiểu, mà hiểu thế nào tùy theo tâm thức, kiến thức ngôn ngữ của mỗi người. Nghĩa mênh mông, ý mênh mang, nghĩa ý chập chùng diệu vợi.  Thơ ca, một cõi ngàn trùng không bờ bến, bất tận ý. Thơ thầy Tuệ Sỹ,  muôn cõi tịch mịch đan xen – mênh mông- như những hạt kim cương lấp lánh trong kho tàng văn chương Việt nam.

05.23.2017

Lê Diễm Chi Huệ

———————

Chú thích:

Tất cả thơ thầy Tuệ Sỹ có thể đọc trong trang http://www.thivien.net

 

 

 

 

 


 


 
 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *