Đối với người Việt, lục bát là một thể thơ quen thuộc đến bình dị, tự nhiên. Một thứ hơi thở của đời sống tâm hồn, nơi gửi gắm tất cả tâm sự thiết tha về cuộc sống thăng trầm, khắc khổ mà khỏe khoắn đến hồn hậu của người lao động bình dân Việt suốt chiều dài lịch sử. Nếu thơ lục bát được ví như cây đàn muôn điệu biểu trưng sự phong phú, phức điệu của tâm hồn dân gian thì với văn học Phật giáo, đây là phương tiện thiện xảo để chuyển tải nội dung giáo lý qua kinh, luật, luận, cũng như các trạng thái tinh thần tu chứng, để các cốt lõi tinh hoa của Phật giáo dễ dàng đi vào đời sống của quảng đại dân chúng.
Tư tưởng chủ đạo của đạo Phật là dạy con người hướng thiện, có tri thức để xây dựng cuộc sống tốt đẹp yên vui trong hiện tại. Kinh sách của Phật giáo được chia làm 3 tạng (tam tạng kinh điển). Kinh tạng là: những sách ghi chép lời Phật giảng dạy về giáo lý, còn gọi là Khế kinh, có nghĩa như là một chân lý. Luật tạng là: sách ghi chép những giới luật của Phật chế định dành cho 2 chúng xuất gia và 2 chúng tại gia phải tuân theo trong quá trình sinh hoạt, tu học. Luận tạng là: sách giảng giải ý nghĩa về kinh, luật.
Về số lượng, kinh sách của Phật giáo được coi là một kho tàng vĩ đại. Đại tạng kinh có gần 10.000 pho sách. Ngoài ra, còn rất nhiều những trước tác, bình luận, giải thích giáo lý thuộc các lĩnh vực khác như: văn học, triết học, nghệ thuật, luân lý học… được truyền bá khắp thế giới, dịch ra nhiều thứ tiếng. Nguyên bản chép bằng chữ Pali và chữ Phạn. Giáo lý của đạo Phật đều xuất phát từ thực tế cuộc sống, không trừu tượng, siêu hình, giáo điều hay khiên cưỡng, không ép buộc mà hoàn toàn chỉ mang tính định hướng để mọi người tùy điều kiện, hoàn cảnh, nhận thức áp dụng linh hoạt. Dù tu theo cách nào trong 84.000 pháp môn thì cuối cùng cũng đạt đến mục đích sống yên vui, ấm no, hạnh phúc.
Thể thơ lục bát là thể thơ quen thuộc, dễ dàng đi vào đời sống của người Việt. Điều thú vị là khả năng kết hợp tự nhiên, sâu sắc của thể thơ này, từ truyền thống đến hiện đại với tinh thần Phật giáo, một tôn giáo du nhập với đặc trưng triết lý vừa thực tiễn, vừa khái quát. Tầm tư tưởng của nó đã từng và sẽ thống soái tầm phát triển tiến bộ của toàn nhân loại trong quá khứ, tương lai. Khi hòa mình vào sắc điệu văn hóa bản địa của người Việt, kiến tạo đáng kể chiều sâu tư duy cho dân Việt cổ, trở thành quốc giáo từ thời đại Đinh, Lý, Trần, trong những thời kỳ được lịch sử thượng tôn, Phật giáo có những chi phối mạnh mẽ tới các di sản vật chất, tinh thần, trong đó có thi ca nghệ thuật. Truyền bá những tư tưởng Phật giáo thông qua thể thơ lục bát càng dễ dàng đi vào lòng người. Người Việt bình dân, thực chất là các hành giả tu đắc có một lối tuyên thuyết riêng biệt, đậm đà tính dân gian, bình dị, sống động về bản chất khổ đau:
Sinh ra là khách qua đường
Chết rồi làm kẻ trở về cố hương.
(Lời Phật dạy)
Với Kinh điển Pali nguyên thủy nhật tụng, chư tăng thường thực tập rải tâm từ đời sống, thực tập thiền định: nguyện cho tất cả chúng sinh đừng có oán trái lẫn nhau, hãy được yên vui; đừng có khổ, đừng làm hại nhau, đừng hẹp lượng, hãy cho được sống lâu, đừng bệnh hoạn, hãy giữ mình cho được yên vui. Bởi vậy trong kinh Từ Bicó viết:
Tấm lòng bác ái vị tha
Gội nhuần tư tưởng đậm đà tình thương
Với tâm nguyện người Việt Nam phải thuộc lịch sử Việt Nam và người Phật tử Việt Nam phải thuộc lịch sử Phật giáo Việt Nam, hòa thượng Thích Mật Ứng phát nguyện viết Việt Nam Phật Giáo sử lược diễn ca bằng thơ lục bát. Tác phẩm này hoàn thành và duyệt y vào ngày 2-2-1953. Nội dung cơ bản gồm: con đường du nhập của Phật giáo vào nước ta qua hai con đường Nam truyền và Bắc truyền; các sử liệu về thời đại Phật giáo du nhập vào Việt Nam; các môn phái được du nhập; Phật giáo qua các triều đại từ đời hậu Lý Nam Đế đến thời Đinh – tiền Lê, Lý – Trần, thời hậu Lê, thời đại Nam Bắc phân tranh, Phật giáo thời cận đại (thời Nguyễn) và hiện đại. Trong cuốn sách, hòa thượng Thích Mật Ứng chú trọng ca ngợi, ghi nhắc công đức của Điều ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông trong công cuộc thống nhất các tông phái Phật giáo. Đồng thời dẹp bỏ dâm từ, mê tín trong dân gian, khuyên dạy chúng dân thực hành thập thiện, tu thân, vun bồi khí chất nhà thiền, tạo khí chất vững vàng cho đất nước, nhân sinh:
Ngài tuy mượn thú yên hà
Trụ trì Yên tử thường là vân du
Bồ đề một cỗi cành chia
Thuyền tôn ba phái kia kìa ở ta
Nay còn nở lộc nảy hoa
Phần nhiều nhờ phái Đầu đà Trúc Lâm
Kinh lời vàng do nhà sư, nghệ sĩ Minh Đức Triều Tâm Ảnh soạn, Nxb Phương Đông, 2008 là tác phẩm thi hóa Dhammapada – sutta (bộ Kinh Pháp cú) từ tiếng Pali qua Việt văn bằng thể lục bát. Tác phẩm gồm các phần:Song yếu, Không phóng dật, Tâm, Hoa, Kẻ ngu, Hiền trí, Ala Hán, Ngàn, Ác, Hình phạt, Phẩm già, Tự ngã, Thế gian, Phật đà, An lạc, Hỉ ái, Phẫn nộ, Cấu uế, Pháp trụ, Đạo, Tạp lục, Địa ngục, Voi, Tham ái, Tì kheo, Bà la môn. Ví dụ, trong Ala Hán có viết:
Cởi bao phiền trược buộc ràng
Sống đời siêu thoát lửa tàn vùi tro.
Nhiều câu thơ luận về pháp Phật nhiệm màu, thiết thực với đời sống thực tại, giúp chúng sinh thoát khổ, xa lìa tham ái, an vui, tự tại trong chính nghịch cảnh cuộc đời:
Hiếm thay sinh được làm người
Hiếm thay sống được một đời lành trong.
Trong Nhân quả chư kinh trích yếu diễn âm, bản lưu tại chùa Xiển Pháp, Hà Nội, có lời dạy:
Tu thời tu ở tại tâm
Phật khắp mọi miền, Phật ở quanh ta
Dưới hình thức dung dị, gần gũi với tư duy người bình dân của thể thơ lục bát, tác phẩm chọn ra các phần yếu nghĩa trong luật định về nhân quả nghiệp báo. Những người giữ giới tu mười thiện nghiệp ắt hưởng quả phúc lành như tái sinh làm người có trí tuệ, phát triển được tâm bi mẫn, khi chết được sinh thiên. Người phát tâm hiến cúng xây dựng tam bảo, làm cầu sửa quán cho người, dâng đèn hoa cúng Phật, cho con xuất gia tu học… Với hạnh bố thí Ba la mật đó, sẽ sớm nhận đại quả phúc báo được giàu sang, sung sướng, sinh lên cõi trời cao quý, thoát ba đường khổ:
Phật truyền nhân quả chư kinh,
Chọn ra yếu nghĩa phân minh ghi lời.
Người nào trí tuệ vẹn mười,
Muôn điều lành cả ấy người Phật thân.
Đối với người tu học, thực hành giáo lý sâu mầu, sự gìn giữ giới luật càng phải tinh chuyên, cẩn mật hơn. Bởi vậy, các quả vị tu chứng của họ cũng vượt lên báo khổ nhân gian. Ví như với những bậc tu học theo hạnh bồ tát giới, có thể là cả các cư sĩ tại gia, thụ giữ bát quan trai, giữ nếp chay trai các ngày trọng trong tháng thì có thể chứng các phật quả lớn lao, được giàu sang phú quý:
Tại gia bồ tát giữ thường,
Được chứng phật quả lên đường thang mây.
Thụ bát quan trai một ngày,
Sau rồi thành phật kể rày mới thôi.
Phật khuyên người tu hành cần cẩn mật trong hành trình giới luật, gắng chí vượt lên mọi chướng nghiệp gian nan, trụ vững thân tâm nhập vào thanh tịnh đạo. Những ai có đủ phúc, đức, thọ, thân người sang quý hiển vinh phải biết mình đã tạo muôn nhân thiện. Hình ở ngoài, thực ở trong, như săn mà được, như trồng mà thu:
Người nào chức tước quan sang,
Bởi xưa lễ bái cúng nhường Phật Tăng.
Người nào thọ khảo tài năng,
Bởi xưa giới hạnh lòng hằng giữ chuyên.
Giới luật dành cho người tu hành là bộ sách do Giáo hội Phật giáo Việt Nam, giáo hội tỉnh Bắc Giang, chùa Vân Cốc – Sùng Nghiêm tự ấn hành năm 2008 – Phật lịch 2552, do thượng tọa Thích Thanh Hòa dịch. Bản văn được lưu hành nội bộ dành cho người xuất gia theo hệ Bắc truyền, không được phổ biến đại chúng. Phần dịch thơ được phiên bằng thể lục bát cho giới sa di dễ ghi nhớ:
Từ là tâm chẳng sân si
Bi là thương hết không từ một ai
Hỉ là vui vẻ hài hòa
Xả là bỏ hết đắng cay vui buồn
Vì không được phổ biến tới đại chúng nên phần trích dẫn của giới luật bằng thơ lục bát chỉ được kết lại ở một số đề mục như: Phần 1: Ngũ giới quốc âm; Phần 2: Thập giới quốc âm; Phần 3: Sa di học uy nghi; Phần 4: Tình người đồng nhân loại; Phần 5: Quy Sơn cảnh sách; Phần 6: Quy Sơn cảnh sách quốc văn; Phần 7: Diễn âm bài niệm Phật của Đại Thế Chí Bồ Tát trong phẩm Kinh Lăng Nghiêm, dịch cốt yếu Bát Nhã Tâm Kinh; Văn sám hối của các vị tăng ni… Tất cả đều được diễn âm bằng thể thơ lục bát với những lời khuyên dạy thực tế:
Thứ nhất là giới sát sinh
Thể lòng nhân thứ lấy mình mà suy
Thâu đạo là giới thứ hai
Hễ là phi nghĩa hoạch tài chớ tham…
(Phần 1: Ngũ giới quốc âm)
Sám là loại văn bản quan trọng trong văn học Phật giáo lẫn đời sống tu học, nơi chùa chiền, tăng viện và được dùng trực tiếp hàng ngày. Các bài sám văn có: sám tụng, sám tán, sám nguyện, sám vịnh. Nội dung cụ thể của 55 bài sám được tác giả Thích Đồng Bổn khảo luận, gồm bốn loại sám văn: sám hối, phát nguyện; xưng tán, kỉ niệm; tịnh độ, báo hiếu, cầu an, cầu siêu. Các bài sám thí thực, cảnh tỉnh, khuyến tu với hình thức chủ yếu là thể thơ lục bát. Bài 227 Sám Ngã Niệm dành cho những hành giả đã xuất gia đầu Phật, mà tập nghiệp còn kết quẩn sâu dày, chưa dứt được thói phàm phu, nhãng quên tính chất vô thường, vô ngã, để mất chân bản tính:
Cạo đầu mặc áo làm lành
Cớ sao phá giới lòng đành dạ ưng
Giết loài cầm thú không chừng
Ham ăn cá thịt dưỡng thân nhơ này…
Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam mang đậm dấu ấn với vẻ đẹp của sự giản dị, khiêm cung, hài hòa, cân đối, hồn hậu, cũng là đặc điểm tâm hồn Việt ẩn chứa trong thể thơ chân chất điển hình: thể lục bát. Các đặc điểm này không chỉ được truyền bá đầy đủ, đa dạng mà còn phù hợp với tâm hồn người Việt, lắng đọng trong mỗi bản văn thơ Phật giáo trên cả kinh, luật, luận. Trong tiến trình phát triển, Phật giáo qua sự chuyên chở sinh động, chân thật của thể thơ lục bát từ truyền thống tới hiện đại, ít nhiều làm lay động lòng ta khi nhớ về phong tục, tập quán, những nét đẹp cổ xưa của đời sống làng quê. Những con người dễ dàng phát huy lòng từ bi, thương xót tha nhân, phát triển bồ đề căn, gieo mầm giải thoát bằng bồ tát hạnh. Học giáo lý đạo Phật qua thơ lục bát, chúng ta không chỉ nhận ra các giáo lý để giải thoát sự sống không sinh, không diệt mà còn cảm nhận sâu xa nét đẹp của tâm hồn người Việt khỏe khoắn, nồng hậu, luôn thiết tha hướng về những gì bình dị mà thấm thía nhân tình. Qua trường hợp thơ lục bát về kinh, luật, luận, có thể thấy Phật tính luôn biểu lộ sâu sắc trong tinh thần tâm hồn người Việt. Điều ấy góp phần lý giải bởi đâu mà Phật giáo ở Việt Nam luôn trường tồn, bền bỉ trong cuộc đồng hành dài lâu cùng dân tộc.