Mưa Lê Thê
(Ame Shôshô, 1921)
雨瀟瀟
Nguyên tác: Nagai Kafuu
Dịch: Nguyễn Nam Trân
Dẫn Nhập:
Dịch giả người Pháp, Pierre Faure (1934-1977), khi đánh giá Ame Shôshô đã phát biểu như sau:“Điều không ai có thể chối cãi là Ame Shôshô xứng đáng được coi như tác phẩm tiêu biểu chẳng những của Kafuu mà còn của văn học Nhật Bản thời kỳ giữa hai cuộc Thế Chiến. Nó đã đánh dấu một đỉnh cao trong tư duy của tác giả vào lúc bấy giờ nghĩa là khẳng định thái độ bàng quan của ông trước những chuyển biến thời cuộc. Tác phẩm này vừa mang những nét đặc thù của thể loại tiểu thuyết hay tùy bút nhưng lại giống như thiên hồi ký. Qua đó, ta thấy rõ kiến thức sâu rộng mà tác giả đã hấp thụ từ 3 nền văn hoá Pháp, Hán, Nhật cũng như tài viết văn xuôi đậm chất trữ tình của ông. Tuy có màu sắc luân lý nhưng, cùng lúc, nó nói lên được sự vô nghĩa của đời cầm bút cũng như trình bày cách chọn lập trường duy cá nhân của ông trong một thời kỳ mà sự dấn thân chính trị của một nhà văn không còn tùy thuộc ở bản thân”.
Nhân vật Yô-san trong tác phẩm có thể là một bức tranh tác giả tự vẽ về mình, gợi cho chúng ta hai nhân cách trái ngược. Một là con người hư đốn, chỉ biết hưởng lạc, ích kỷ, mặc kệ xã hội bên ngoài ra sao thì ra, hai là con người tinh tế, nhạy cảm, đã bằng mọi giá, tha thiết phục hồi di sản văn hóa của quê hương mình vốn đang đi dần đến chỗ tàn lụi.
Tùy bút viết về mùa thu không phải là ít nhưng phải nói Ame Shôshô của Nagai Kafuu có chỗ đứng riêng. Nó mang đến cho ta cái hương vị đặc biệt của mùa thu Đông Phương giữa một buổi giao thời. Không khí dễ thở của giai đoạn dân chủ ngắn ngủi thời Taishô (1912-1926) hãy còn cho phép Kafuu và những người chung quanh ông sống và viết một cách thoải mái về điều mình tâm đắc trước khi những năm tháng đầy biến động kéo đến, đưa cả nước Nhật vào cơn bão thời đại với kết quả mà ai nấy đều biết.
Tôi còn nhớ năm đó, cái đêm thứ 210[1] tính từ tết Nguyên đán, là một đêm có trăng, khí trời mát mẻ. Thế rồi đến đêm 220, tuy theo lịch cũng là một ngày trời xấu nữa nhưng hầu như không ai giữ lại ấn tượng gì đặc biệt về nó. Hôm ấy màn đêm đã buông xuống sau một buổi chiều có cái nóng cuối mùa lẫn vào trong tiếng ve ran. Thế nhưng làm như để chứng minh người viết lịch là có lý, đến đầu hôm, mưa bất chợt đổ xuống rào rào. Tuy nhiên mưa cũng không quá mạnh để đánh rách những tàu lá chuối và làm nghiêng ngả những bụi thúy cúc và đầu gà. Tôi không cần phải mở nhật ký viết hồi năm đó để kiểm chứng vì hãy còn nhớ rõ mồn một là kể từ đêm mưa đó, khí hậu đã thay đổi hẳn, một mảnh yukata không còn ngăn được cái lạnh len vào da thịt. Nhiều hôm tôi đã phải lận một lần lót bên trong và chẳng những thế, khi trời về khuya, choàng thêm cái haori dày bên ngoài. Dù thể chất ốm yếu, tôi chưa bao giờ phải mặc haori hay một thứ gì như thế trước ngày thu phân[2] cả. Vì vậy, việc nhớ lại tiết trời trở lạnh một cách đột ngột vào năm ấy là dịp để những chuyện xảy ra hồi đó ùa về như thác lũ trong ký ức của tôi.
Nói đến “những chuyện xảy hồi đó” không phải để cho thấy cuộc đời vốn buồn tẻ nhàm chán của tôi đã được thay đổi nhờ một vài biến cố đặc biệt. Chẳng qua là tới lúc ấy, bao năm trời tôi đã không ngại ngùng sống trong cảnh cô đơn; thế nhưng, bây giờ, không vì một lý do rõ ràng nào, tôi bắt đầu e sợ rằng cô đơn là số kiếp, nó đeo đẳng mình đến lúc mãn phần. Rồi từ đây sẽ không có niềm vui và không có nỗi buồn nào khác. Tôi cảm thấy cuộc đời cứ thế sẽ diễn ra kế tiếp những ngày thu đầy mây u ám, không gió không mưa. Trước kia, tôi đã hai lần lấy vợ, lại có lắm nhân tình, từng mướn người giúp việc, nuôi gia súc trong nhà, trồng hoa ngơài vườn, bên song treo lồng chim, trước hiên đặt bồn cá vàng, một cuộc sống xa hoa phù phiếm. Giờ thì có lẽ không thể nào trở lại cảnh như xưa nữa. Tôi cảm thấy thời đại đã thay đổi. Giữa lúc mà đám thanh niên thiếu nữ con nhà lành đang bận rộn vận động cho việc cấm rượu và thuốc lá thì làm sao mình có thể ngu si mà nghĩ đến cái gạt tàn sạch và ống điếu để hút yên tĩnh vào buổi sáng, chén trà thật đậm khéo pha, hay bình sake hâm nóng vừa đủ. Một số sự kiện xảy ra trong đời khiến có lần bất chợt nghĩ rằng mình đã đến lúc phải học tập các thiền tăng tự tay khâu vá áo hay các ẩn sĩ nhóm lá vàng đốt lên hâm rượu[3] lấy.
Số là mười năm trước, vì cái ngốc nghếch của cô vợ mới cưới về, tôi đã phải ly hôn. Bảy năm trước đây, tôi lại chia tay với cô vợ lẽ vì nàng ta ghen tuông quá mức[4]. Từ đó cho đến nay, tôi sống đời độc thân. Khi nổi hứng lên thì gọi xe kéo đi ngay vào những ngõ hẻm đầy tiếng xấu; trong nhà chẳng có ai ngoài khóm lan, con chim oanh và đống sách. Kể từ hôm bao tử và đường ruột của tôi bị một chứng bệnh lạ tấn công không sao chữa lành, tôi đôi khi ngạc nhiên – ví dụ vào những đêm lạnh, thức dậy cời than lên nấu nước uống thuốc – thấy mình thèm có sự hiện diện của một người đàn bà tận tình chăm sóc. Thế nhưng, hồi đó, tôi vẫn chưa biết xem sự cô đơn như một thứ thử thách như hiện nay. Thực vậy, tiếng than thở cho niềm cô độc và nỗi buồn đến với ta trong cảnh bi ai tịch mịch ngược lại là suối nguồn bất tận của thi ca. Chẳng thế, tôi còn có khuynh hướng đi tìm sự cô đơn và buồn bã nữa là. “Những năm tháng không thể nào quên” của tôi … ngẫu nhiên trùng hợp với khoảng thời gian quanh ngày thứ 220 trong năm! Nửa đêm giật mình, thức dậy vì tiếng mưa đổ như thác trên mái nhà, tôi có cảm tưởng nơi nào đó trong nhà mưa đang nhỏ giọt. Không thể dổ giấc ngủ, tôi trở dậy và thắp ngọn nến đi tìm chỗ dột. Chỉ có một bà vú già đang ngủ ở mút phía bên kia, đằng sau gian bếp. Thư phòng cũng như ngôi nhà, tất cả đều vắng vẻ chẳng khác ngôi chùa cổ. Mùi ẩm mốc từ những phông cửa kéo, những bức tường và những manh chiếu bốc lên mũi hăng hắc. Khi gió lùa qua khe hở làm ngọn nến chập chờn, tôi thấy cái bóng loạng quạng của mình như con quái vật in trên mặt sàn lắm rết bò đến tận bức tường đầy thằn lằn.Vừa lấy ống tay áo ngủ che gió cho ngọn nến, tôi đi khắp ngôi nhà, coi lại từng hành lang từng căn phòng một, không bỏ qua một nơi nào, ngay cả những ngăn tủ ở hông tường. Thế mà tôi chẳng tìm ra một chỗ nào bị dột. Tiếng động tôi nghe bên gối có lẽ phát xuất từ ống cống rịn ra vì ứ nước. Cuối cùng, tôi mới mở được cánh cửa gỗ tùng để bước vào thư phòng của người cha quá cố nằm biệt lập ở một chái nhà để xem xét. Trên bàn viết làm bằng gỗ tử đàn bên Tàu có kê cái chặn giấy bằng pha lê, chiếc bình hoa đồng đen và cái giá sách bằng gỗ mun. Căn phòng rộng trên 15 chiếu này là nơi hồi sinh tiền, ông cụ tôi vẫn làm bạn với thi thư, đâu vẫn còn nguyên đấy. Thếp giấy hoa tiên để chép Hán thi trên mặt bàn vẫn để mở, cặp kính lão bằng đồi mồi bên trên đang chổng hai cái gọng dày lên như chờ đợi người chủ đã vĩnh viễn ra đi. Mùi long não chống mọt trên giá sách xông lên làm mắt cay xè như thể trách móc tại sao tôi đã xao nhãng việc ghé thăm chốn này.Tôi ngồi xuống chiếc ghế đẩu làm bằng loại trúc có vân, chum chum bàn tay làm cái chụp che ngọn nến, lặng ngắm những bức liễn và trướng đề thơ treo trên bốn bức vách.
Bích thụ như yên phục vãn ba,
Thanh thu vô tận khách trùng qua.
Cố viên kim tức như yên thụ,
Hồng nhạn bất lai phong vũ đa[5].
(Bóng khói cây xanh phủ sóng chiều,
Trời thu vô tận khách đi nhiều.
Quê nhà giờ chắc cây lồng khói,
Bằn bặt tin nhàn, mưa gió xiêu).
Tôi chỉ viết ra đây nội dung một bức trướng vẫn còn ghi lại được trong trí nhớ. Đến lúc ngọn nến trên tay đã lụn bấc và ngày bắt đầu rạng thì mưa gió cũng vừa ngớt. Tôi vẫn ngồi trầm ngâm một mình, đầu óc chìm trong giấc mơ khoan khoái.
Ngày 2 tháng giêng là húy nhật của cha tôi[6]. Có năm vào đêm trừ tịch, sau khi chặt một cành lạp mai[7]để đem đến cúng trước mồ ông vào sáng mồng một, tôi thường đứng một mình trong sân giữa đêm khuya lạnh lẽo dưới vầng trăng tỏ ngời. Thời gian đó, tôi đã có nghị lực để hạ bút viết ngay tâm tình của mình về chuyện này lên trên mặt giấy[8].
Người vú già làm việc cho tôi nhiều năm[9] dạo ấy mắc một chứng cảm mạo mà người ta gọi là dịch cúm Tây Ban Nha thì phải, rồi bà qua đời. Từ đó trở đi vì không kiếm ra người nào ưng ý thay vào chỗ của bà, tôi phải tự mình cắt bánh mì, đun cà phê và mở nút mấy chai vang.Tuy nhiên, sự bất tiện của cuộc sống gần như phải nấu ăn lấy đối với tôi chẳng có gì là phiền phức miễn là tôi vẫn còn có nguồn cảm hứng để làm thơ. Khi có dịp đi mãi tận khu Ginza, tôi thường ghé lại tiệm Seiyôken[10] để mua ít bánh mì và các thứ đồ hộp trước khi quành về. Bữa đó, trời trở lạnh như sắp có tuyết, tôi kẹp trên tay hai cân bánh mới ra lò suốt đoạn đường. Bánh mì mới nướng tỏa hơi ấm dịu dàng từ chỗ hỗng dưới nách lan đến cả đầu mấy ngón tay. Chung quanh Seiyô-ken, phố xá rất đông đúc, mỗi khi chiều xuống, các cô geisha tấp nập qua lại. Riêng tôi thì hãy còn nhớ mấy vần tuyệt cú như sau trong Shuntô shishô[11] thuở trước mình vẫn thích ngâm nga:
Lục phiến hồng song yểm bất khai,
Diệu kỹ hoài trung thủ noãn lai.
(Kỹ viện màn hồng che kín song,
Tay luồn áo gái, ấm từ trong).
Sự so sánh cái ấm áp khi người khách ôm nàng kỹ nữ vào lòng với hơi ấm cảm thấy khi mình vừa đi vừa kẹp ổ bánh bất giác làm tôi có lần phải phì cười.
Khi hứng thơ còn dậy lên trong lòng, cái kiếp sống đơn độc của tôi chưa đến nỗi cô liêu. Trong cảnh nghèo khổ bệnh hoạn thì ngâm câu thơ của Lang Sĩ Nguyên[12]:
Xa mã ly hiềm tích,
Oanh hoa bất khí bần
(Dẫu cho xe ngựa chê đường hẹp,
Oanh với hoa không bỏ kẻ nghèo).
hay Bạch Cư Dị:
Bần kiên chí sĩ tiết,
Bệnh trưởng cao nhân tình
(Nghèo vững tiết kẻ sĩ, ,
Bệnh dưỡng tình cao nhân).
thì chắc cũng có thể tự an ủi. Thế nhưng hứng thơ là cái gì thần bí, khó hiểu khôn lường. Không phải cứ mời là nó đến, gọi là nó đáp. Khi muốn quên đi nỗi buồn cô độc, ta mới tìm đến cái hứng khô cạn ấy nhưng nó vẫn từ chối giúp ta, khiến nỗi buồn trong ta càng đi đến chỗ cùng cực. Bình sinh nhà thơ tự bào là người biết nếm mùi vị của cái thú cô đơn, thế nhưng trong khi chìm đắm trong mộng tưởng đầy hoài niệm ấy, nếu thiếu vắng nguồn thi hứng thì người đó sẽ đâm ra hối tiếc và rơi vào trạng thái thở than ủy mị .
Khi đi bộ ngang qua phố, tôi có lần ngó lãng qua chỗ khác khi bất chợt bắt gặp màu sắc sặc sỡ của những tấm áo bằng nhiễu Yuuzen treo ở các hiệu may áo ta. Lý do là tôi không muốn nhớ lại niềm vui của một thời trẻ đã qua đi không bao giờ trở lại. Có lúc nhà bên cạnh nấu ăn để tỏa hương thơm của món đậu đang ninh khiến cho tôi bực tức, phải ra đóng cửa sổ giấy bồi lại.Tất cả cũng chỉ vì tôi không chịu nỗi ý nghĩ phải chạnh lòng khi nhớ lại những cảnh đoàn viên ấm cúng mình từng biết đến. Khi xuống dưới vườn để trồng hoa hay đứng đầu phố đợi xe, ngay cả lúc cuốn rèm bên cửa sổ để ngọn gió phất phơ ống tay áo, lòng tôi bỗng dậy một niềm cảm khái như kẻ chinh nhân chợt nhớ về quê cũ. Đặc biệt, hơn cả gió, hơn cả trăng lẫn côn trùng, không có gì gây cay đắng cho tôi bằng những cơn mưa. Trong nhật ký, tôi có lần viết:
“Mưa mãi mưa hoài, cái lạnh nhè nhẹ làm cho bụng tôi dậy cơn đau. Đầu hôm, gió thổi khiến ngọn đèn chập chờn nhưng không đủ đưa mình vào giấc mộng. Tôi nhớ mài mại mấy câu:
Đêm trời đổ cơn mưa,
Buồn rơi từng giọt nhẹ,
Lặng lẽ thấm vào lòng.
Của người nằm gối lẻ.
“Đây là ca từ một bài hát dân dã thời Edo. Còn những câu dưới đây là thơ Tiểu Đỗ mà ai cũng nằm lòng:
Nhất dạ bất miên cô khách nhĩ,
Chủ nhân song ngoại hữu ba tiêu.
(Đêm khuya quán khách không sao ngủ,
Tiếng đâu tàu chuối động ngoài hiên)
“Tôi lại nhớ một câu thơ khác của Đỗ Tuân Hạc[13]:
Bán dạ đăng tiền thập niên sự,
Nhất thì hòa vũ đáo tâm đầu.
(Nửa đêm dĩ vãng mười năm cũ,
Rủ về dào dạt với mưa sa)
“Như thế, khi mưa đập vào khung cửa sổ, chảy theo hàng hiên, nhỏ giọt trên những cành cây và rửa sạch những hàng dậu trúc, âm hưởng của nó còn xao xuyến lòng người hơn cả những cơn gió mạnh gào thét trong hàng cây cao và đổ như réo xuống bờ vực. Tiếng gió chẳng khác nào tiếng thét gào giận dữ và tiếng nước chảy nghe như rên rỉ sụt sùi. Mưa không giận dữ cũng không thở than, nó chỉ kể lể giải bày. Lòng người ta từ nghìn năm xưa cho đến bây giờ vẫn vậy, nên đêm hôm một mình gối chiếc, tiếng mưa kia đã giục giã họ biết mấy u sầu. Huống chi tôi là kẻ đau ốm. Mưa kéo được ba hôm là nhất định chứng đau bụng sẽ tái phát. Phải nói mưa đúng là một nỗi đoạn trường[14]. Bài luật thi của Vương Thứ Hồi[15] trong Nghi Vũ Tập (Mưa chăng?) sau đây có thể nói lên điều đó:
Bệnh cốt chân thành nghiệm vũ phương,
Thân ngâm đăng bối họa đề tương.
Ngưng trần lạc diệp vô thê viện,
Loạn trật tàn hương độc khách sàng.
Phụ chuế bất hiềm như cự hoạch,
Đồ ba an nhẫn lũy khô trường.
Duy ưng tam phục Nam Hoa ngữ,
Giám tỉnh bình tiên[16] thị dược vương.
(Thân bệnh rõ là duyên với mưa,
Dưới đèn, rên rỉ tựa ve trưa.
Vợ xa, lá rụng, nhà vương bụi,
Sách vãi, hương tàn, chõng để trơ.
Bầu lớn dồn thêm chi cũng kệ,
Ruột gan riêng khổ nỗi buồn khô.
Đọc thêm mấy bận Nam Hoa nữa,
Soi giếng nhìn sâu, bệnh sẽ thư).[17]
Rõ ràng là bài thơ này nói lên được tâm tình của tôi lúc đang sống cảnh lẻ loi, bệnh tật. Vì lý do đó, xin được chép ra đây.
Năm ấy, những cơn mưa bắt đầu rơi từ buổi chiều ngày thứ 220 trong năm đã cuốn sạch đi những đóa hoa tử đinh hương (hagi) và đè bẹp cành hoa xuống sát mặt đất thế nhưng những bụi thúy cúc thân đã vươn cao và những khóm đầu gà hoa nặng thì vẫn chưa chịu ngả xuống. Thay vào đó, sau khi mưa suốt hai ngày hai đêm, đến hôm thứ ba đáng lẽ phải tạnh ra thì trời vẫn còn u ám, khiến cho những đoá hoa bìm ban chiều và hoa lau chỉ dám rón rén nở e ấp từ buổi trưa. Hơi ẩm thấm vào đồ vật lúc này còn nhiều hơn cả lúc mưa đang rơi. Đặc biệt trên mặt bàn viết của tôi, độ ẩm hình như đã đến mức bảo hòa. Khi tỳ tay để viết, tôi cảm thấy như ướt sương, quản bút lông và thân ống điếu bằng trúc của tôi đều nhèm nhẹp dưới mấy ngón tay. Gió mạnh tưởng chừng sắp làm rách những mảnh giấy bồi dán trên khung cửa kéo. Ốm yếu đến độ trước ngày thu phân mà đã phải đem áo haori kép ra mặc như tôi thì nếu ngày mai ngày mốt thời tiết cứ tiếp tục lạnh ẩm kiểu này, chắc phải cho gọi bác sĩ mất. Bệnh tình của tôi đúng là được báo trước bằng những cơn mưa. Tuy vậy, khi mắt tôi bất chợt nhìn thấy cây đàn shamisen mà tôi đã bỏ quên ở hốc tokonoma[18] trong phòng, mới nhận ra một điều kỳ lạ là lớp da căng mặt đàn không hề bị rách và đồng thời lúc đó, tôi sung sướng làm sao khi cảm thấy mấy cơn đau bụng kinh niên như đang tạm tha cho cái thân xác bệnh hoạn của mình. Sau ba ngày bị mưa giam trong nhà, tôi bèn đi ra ngoài phố Ginza cho khuây khỏa và nhân tiện mua ít món đồ.
Cô hầu non của một ông bạn bút hiệu Saisendô (Thái Tiên Đường) của tôi tên là O-Han, mới vừa trở lại nghề geisha như cũ. Đó là tin tức tôi vừa nghe được khi tôi ghé qua cửa hiệu Kyukyôdô (Cưu Cư Đường) để mua khoảng 50 ngọn bút lông hiệu Phương Thốn Thiên Ngôn vẫn quen dùng và hai thếp nhang thơm, thế rồi, kè kè dưới nách hai chai vang trắng mua ở hiệu Kameya, tôi đi bộ về hướng tuyến xe điện đường ngoài bờ hào thành.
Vào những buổi chiều mùa thu u ám, trời tối thật nhanh.Vừa khi tôi về đến nhà và mở cửa thì phía ngoài hàng hiên, đèn đã bật sáng. Tôi mở nút chai vang vừa mua về và ăn liền bữa tối. Không dành cho mình đủ thời giờ để phì phà điếu thuốc, tôi mở ngay tập giấy viết thư và đặt bút:
Kính ông,
Kể từ lần gặp gỡ cuối cùng, lâu ngày tôi đã bặt tin, một chuyện khó lòng được ông tha thứ. Nhưng nói cho cùng, vì tôi đã xao nhãng việc viết thư thăm hỏi nhiều người nên không còn dám đưa mặt ra gặp ai cả. Vậy cúi xin ông thể tình đừng chấp chi sự dại dột và thiếu lịch sự đáng lý một văn nhân như tôi không được phép có. Thực ra, từ mùa đông năm ngoái, sau một trận cảm mạo, tôi già đi hẳn. Tôi không làm được gì, dẫu chỉ là đặt bút viết một hàng cho ca từ của điệu Sonohachi[19] mà ông nhờ tôi hôm khánh thành Saisendô (Thái Tiên Đường). Tôi đã không làm tròn phận sự mà ông có lòng quí hóa mà ký thác. Lỗi này, tôi không biết nói làm sao để được ông tha thứ. Dĩ nhiên, mấy lúc gần đây, việc viết tiểu thuyết vốn là kế sinh nhai của tôi cũng bị đình trệ. Vì không còn biết viện cớ nào để xin nhà xuất bản hượm cho, tôi đã đưa ra một đề nghị kỳ cục là bắt họ trả một Yen cho mỗi chữ . Thực tình, đôi khi lo lắng cho những ngày về già, tôi tự hỏi mình sẽ còn sống kiểu thế này được bao lâu nữa nên lại phải nhăn trán, khổ sở đến ngồi trước bàn viết. Ấy thế mà vừa mới viết được một vài trang thì ngòi bút đã tắc tị và trong người bứt rứt. Trong khi chờ đợi hứng khởi trở lại, tôi bèn lấy quyết định là vì lý do sức khoẻ, sẽ ngừng viết lách và khi có dịp, chỉ dùng ngày giờ để đọc lại bất luận những quyển sách nào mà mình yêu thích khi còn trẻ. Như thế may ra mới cảm thấy khuây khỏa. Hết ngủ đến thức, thức dậy rồi ăn, cuộc sống cứ tuần tự diễn biến, mà ngay cuộc sống qua ngày như vậy, tinh thần tôi cũng không kham nổi. Ngoài ra, một việc nhỏ như thay cái giây shamisen đã đứt cũng trở thành một cực hình, do đó tôi đã không đụng tới cây đàn nữa. Còn như chim oanh thì tôi đã đem đi trả cho tiệm bán chim. Không những thế, đã lâu tôi đã không còn lui tới rạp Yuraku-za[20] hay những buổi hòa nhạc, ngay cả các nhà hát kabuki và không có dịp tham dự những cuộc gặp gỡ của anh em trong nghề. Thế nhưng điều tôi tiếc nhất khi bỏ qua những cơ hội như thế là không có tin tức gì về ông. Tôi vẫn đoán chừng những cố gắng của ông để phục hưng làn điệu Sonohachi vẫn trôi chảy nhưng hôm nay, sau khi tình cờ gặp O-Han trên đại lộ Ginza và được cô ấy cho biết đã phải dọn đi khỏi Saisendô, tôi hết sức ngạc nhiên trước cái tin bất ngờ như vậy. Vì đại lộ ấy người qua kẻ lại tấp nập, còn mưa thì có thể đổ xuống bất cứ lúc nào, khiến tôi chỉ kịp hiểu rằng chỉ nội trong vài hôm, cô ấy sẽ được cấp giấy phép hành nghề geisha[21] trở lại nhưng ngoài tin đó, tôi không hề biết lý do tại sao sự việc có thể xảy ra. Nếu ông thấy rằng việc mượn cớ xin lỗi lâu ngày vắng tin để đường đột đặt câu hỏi cho ông về cái việc làm cho tôi kinh ngạc, thì xin ông hãy niệm tình tha thứ cái anh nhà văn tính hay ôm đồm chuyện thiên hạ là tôi. Cũng xin ông vui lòng cho biết về sức khỏe của ông và đừng chấp chi sự im lặng của tôi dạo sau này. Nếu nội dung lá thư lời lẽ có bất nhất, xin ông cảm phiền.
Ngày ….tháng 9
Kính gửi huynh ông chủ nhân Saisendô
Kimpu sanjin[22] cẩn bút.
Tôi đang dán tem lên phong bì thì vừa vặn lúc đó, chị giúp việc mở tấm cửa kéo, vào phòng để dẹp mâm cơm. Cái giá lạnh của phòng văn bây giờ xem chừng dễ chịu hơn là vào giữa ban ngày, một phần vì tôi đã ăn cơm xong, một phần vì tôi đã thắp đèn lên hoặc giả các cánh cửa đều được đóng kín mít. Dù sao, trời dường như lại chuyển mưa. Tôi không nghe giọt nước mưa rơi tí tách nhưng những tiếng động mạnh khi chị giúp việc lếch đôi guốc gỗ mở cổng nhà hay giăng cây dù nặng nề trở về sau khi ra bưu điện bỏ thơ vào thùng cho tôi, nghe vọng lên buồn và cô đơn giữa tiếng côn trùng rả rích. Đó là một trận mưa im lặng, một trận mưa mù gọi là nuka-ame (mưa nhỏ như bột cám). Nhân vì cái ẩm thấp của trận mưa đêm mùa thu còn thấm sâu hơn cả lúc ta đang ở giữa mùa mưa dầm tháng năm (tsuyu), tôi thường phải cào lửa gạt tàn, hong khói thuốc lá đề phòng sâu mọt tấn công tranh ảnh và sách vở. Xong tôi lại lấy từ ngăn tủ ra cái hộp dài bằng gỗ ngô đồng và cất cây đàn shamisen vào đó. Sau đó, tôi lục lọi từ mớ thư từ bạn bè lưu giữ lại trong cái hòm rương đan bằng nhánh liễu, chọn những bức thư của chủ nhân Saisendô đem ra xem. Một đêm mưa phải ngồi bó gối, không làm thế thì cũng chẳng biết làm gì.
“Chủ nhân Saisendô” là cách gọi cho vui ông anh họ Mỗ, nhà quản trị một công ty cổ phần nổi tiếng. Tôi hơi ngần ngại nếu phải đưa ra danh tánh thực sự, chỉ xin sử dụng cái tên Yô-san ngắn gọn mà các cô geisha có thể dùng để gọi ông. Tôi gặp ông ấy lần đầu tiên ở một đại học bên Mỹ, tính ra cũng trên 20 năm rồi. Ngày còn là sinh viên ở Nhật, Yô-san đã được bạn bè biết như người thích làm thơ Haiku. Ngay đến bây giờ, đôi khi ông cũng tỏ ra thành công trong việc gieo vần, nên nếu tôi nhỡ tay đưa bút hiệu của ông ra, người ta có thể nhận diện được. Tôi e rằng mình là người duy nhất biết cái biệt danh “Chủ nhân Saisendô” của ông. Ngôi nhà Saisendô (Thái Tiên Đường) ngày nay vẫn còn đó nhưng không có ai ở và Yô-san cũng sẽ không còn cơ hội dùng cái tên ấy nữa. Nguồn gốc cái tên nói trên có lần được giải thích trong một lá thư như thế này:
Thưa ông,
Tôi đã được ghé mắt xem quyển sách mới của ông khi ngồi trên xe đến hãng làm việc. Tuy chỉ đọc vội được nửa phần đầu, tôi không khỏi tấm tắc trước những câu văn như hoa thêu gấm dệt, nó làm tôi quên khuấy là mình đang làm người hành khách trên một chiếc xe hơi. Tôi ngờ rằng chính cuộc đời bận bịu đa mang càng làm tôi trân trọng văn chương hơn nữa. Giữa mùa lá mới, cuối mùa chim oanh này, tôi đâm ra thèm thuồng khung cảnh tươi sáng và yên tĩnh ông đang được hưởng. Cái thảo am bên ngôi đền thờ thần chồn Toyokawa Inari ở Asakasa[23] mà tôi từng quấy rầy ông nhiều lần để xin góp ý, được dựng xong từ lâu, sơn trên các vách cũng vừa khô và O-Han xóm Shimbashi [24]đã dọn về từ hôm qua. Vì thế tôi trộm nghĩ không biết mình có được cái vinh dự mời ông đến đó chơi hay không. Ngày mốt này vào buổi chiều, tôi xin sắp đặt một bữa tiệc tân gia nho nhỏ mời ông và một số bạn bè quen biết. Các ông Miyazono Sensai, Uji Shisen, Miyako Gochuu [25] đều có mặt và ông sẽ thấy ngay là buổi gặp gỡ chỉ giữa người nhà. Nếu ông có thể gọi cho tôi vào ngày mai ở số Shiba xxxx thì tốt quá vì lúc ấy người ta đã nối xong đường giây điện thoại.
Trình trước án thư Kinpu tiên sinh,
Chủ nhân Saisendô
Tái bút: Như dự định, tôi đã dán xong các khung cửa kéo của căn phòng 6 chiếu – cái phòng nằm dưới mái hiên – với loại giấy mà tôi mua được của một ông thầy thơ haikai thuộc Edoza[26]. Chắc ông còn nhớ chứ, đó là những mẩu hoa tiên mà các cô gái ở Yoshiwara dùng để ghi chép, tôi cho rằng là vào khoảng niên hiệu Bunka[27]. Những mảnh giấy ấy rất là thích hợp để trang trí ngôi nhà của một nàng hầu được chu cấp, vì vậy tôi xin phép đặt cho chỗ ấy một cái tên hơi kêu là Saisendô (Thái Tiên Đường hay Căn nhà dán giấy hoa tiên đẹp đẽ, NNT). Cái tên có hơi ngô nghê vì do một anh chàng chẳng sành văn chương như tôi đặt ra. Mong lần sau khi mình gặp nhau, ông gợi ý khác cho.
Yô-san là một ông nhà giàu nhưng không phải là trọc phú mới phất. Ông vừa có phẩm cách vừa có học vấn. Ông lại sành sỏi lắm ngón ăn chơi.Trong những bức thư ông gửi đến chỗ tôi thì tùy từng việc, ông lại ký bằng những bút danh khác nhau. Nhìn bao nhiêu đó thôi cũng đủ biết phạm vi học vấn và du hí của ông quả là rộng rãi. Một hôm, tôi đặt câu hỏi với ông về mấy bức thư pháp của một nhà thư đạo sống ở Edo vào niên hiệu Tenmyô là Tôkô Genrin (Đông Giang Nguyên Lân)[28], cuối bức thư Yôsan trả lời, có đề mấy chữ “Ringoan (Lâm Ly Am) cúi lạy”[29]. Có lẽ bút hiệu ông chọn còn xuất phát từ trò chơi chữ đối với một nhã hiệu khác của Sawada Tôkô là Raikindô (Lai Cầm Đường)[30]. Cái hồi ông bị tai nạn xe hơi và tôi đến thăm, khi trả lời để cảm ơn, ông tự xưng là Tonda Sainan (Phú Điền Tái Nam)[31]. Còn như trong bức thư mà tôi chép lại dưới đây, ông lại ký tên Hanbei như nhân vật trong Kuzetsu Hakkei (Khẩu thiệt bát cảnh)[32] bởi vì ông đang tập dượt vở tuồng đó, ngoài ra ôngcũng có chủ ý nhắc khéo đến cô geisha O-Han nữa.
Tối hôm qua, thêm một lần nữa, tôi đã làm phiền bằng cách cầm cọng ông ở lại. Cúi xin ông lượng thứ. Một người đàn ông sắp đến cái tuổi 50[33] không thể nào không muốn có bên cạnh mình một cô gái trẻ chỉ đáng tuổi con gái. Hành vi trơ trẻn mà tôi đã phô bày trước mắt ông, dù có thể được ông dung thứ nhưng sau khi tỉnh cơn say, tôi đã cảm thấy hổ thẹn đến đỏ mặt. Tuy nhiên, nghĩ rằng những lời mà con người phóng đãng như tôi tâm sự cho một tiểu thuyết gia có thể giúp ông thêm chất liệu sáng tác cho nên đêm qua, tôi đã không ngần ngại trả lời các câu hỏi của ông bằng cách thú thực cả những điều không tốt đẹp của mình. Ngày mốt, tôi bận một đại hội bất thường ở hãng nên sẽ không dự được lớp học ở Hanrintei (Bán Luân Đình)[34]. Dù sao tôi đã quyết tâm dứt điểm việc luyện điệu đàn cho vở Kuzetsu hakkei (Khẩu thiệt bát cảnh)[35] nội trong tháng nay. Tôi tin rằng phần ông, ông cũng đang chuyên chú tập dượt và mong rằng chúng mình sẽ có dịp trình bày điệu O-Hana và Hanshichi [36]với nhau.
Kính gửi Kinpu tiên sinh.
Hanbei
Dù sao đi nữa, cho đến lúc đó, lúc đó tôi vẫn cảm thấy đầu óc hãy còn minh mẫn. Nếu qua cái tuổi 40 mà cứ mỗi lần cầm bút lên để viết nhật ký hay tùy bút mà không khỏi than thở cho cái tuổi già đang sồng sộc đến, chẳng phải chứng cứ là tôi chưa đến đổi già là gì? Khi ta còn đủ sức lực để mà bực dọc và rên siết như thế thì chưa có thể nói là tuyệt vọng. Nếu tôi còn có thể ăn nói kiểu: “Mấy cô geisha đời nay, không ai biết đánh đàn shamisen hay làm gì cho ra hồn!” trước mặt cử tọa mà không chút e dè thì điều đó đã chứng tỏ rằng tôi đang còn biết đam mê và muốn thưởng thức của đời. Khi còn muốn chơi tất nhiên là còn muốn học hỏi và cái hứng viết lách hãy còn sôi sùng sục trong người. Có lần vào lúc đêm hôm, sau khi nghe ai đó dạo một điệu Sonohachi, tôi đã quyết tâm lao vào món âm nhạc cổ điển này và bắt đầu lui tới nhà một ông thầy xóm Yagenbori[37]. Chính lúc đó, tình cờ qua chuyện vãn, tôi mới nghe được là Yô-san, người bạn lâu năm của mình, sau khi theo đuổi những thú vui như mấy điệu hát Nagauta, Utazawa và Kiyomoto[38] rốt cuộc đã tìm đến với Sonohachi. Còn được biết thêm là từ hai ba năm nay, ông đã mời vị thầy này đến Hanrindô, một ngôi nhà hẹn hò ở khu Kobiki-chô[39], để dạy cho mình một cách đều đặn mỗi khi từ hãng trở về. Hai chúng tôi rất mừng vì sự trùng hợp ngẫu nhiên này. Sau đó, theo lời khuyên của Yô-san, tôi ngưng không đến tập vào buổi sáng nữa và cứ chiều tối là bắt đầu cất bước đến Hanrindô ở Kobiki-chô.
Nói về ngày giờ tập đàn của Yô-san thì hôm nào có lớp, cứ đến 4 giờ rưỡi chiều ông đã cho tài xế đánh xe từ hãng đến nơi tập, thế rồi sau khi học xong, ông bèn lôi kéo tôi ở lại, gọi các cô geisha yêu thích nhất đến và chiêu đãi tôi bữa ăn chiều. Mỗi bận, đến khoảng 10 giờ rưỡi tối, ông mới sửa soạn về nhà. Lắm hôm, khi trời mưa, ông còn cho xe đưa tôi về và tiễn tới tận cửa.Trong đám những nàng geisha quen thuộc được gọi tới zashiki[40] của Yô-san, xưa kia có những cô giỏi về các điệu Nagauta và Kiyomoto và những loại trình tấu khác; thế nhưng vào thời điểm tôi gặp gỡ ông, Yô-san chỉ cho gọi những cô sành âm điệu các trường phái Katô, Itchuu và Sonohachi[41] mà thôi. Trẻ nhất bọn cũng không ai dưới cái tuổi 25, 26. Trong đám ấy, người ta còn nhận ra có những cô đào lớn tuổi, họ giống như những thầy dạy nhạc hơn là geisha. Thế mà lúc đó lại xuất hiện Ko-Han (O-Han)[42], một cô gái mới 19. Lần đầu tiên khi cô đến, ai nấy đều có cảm tưởng cô nổi nhất trong bọn. “Vạn lục tùng trung điểm nhất hồng!”[43] Cô xinh xắn đến mức ta phải ái ngại hộ. Và không cần phải nói, mọi người suy đoán ngay cô đang được Yô-san ra tay bảo bọc.
Nếu nói về Ko-Han thì trước tiên, cô là một người khí huyết tươi nhuận, thân thể to khoẻ. Đôi mắt sáng, lông mày rậm, vầng trán rộng, làm cho những đường nét trên khuôn mặt rất rõ ràng. Chỉ một tội, cái miệng cô có rộng một chút và cái cằm lại hơi đưa ra. Đó là một khuôn mặt mà sức sống ngây thơ thu hút người ta nhưng nó khó lòng diễn tả được sự buồn thương. Tuy vậy, nếu ta quan niệm rằng mẫu người đàn bà nhục cảm mới thực thích hợp cho tất cả mọi thời đại thì vóc dáng cô gái mới tên Ko-Han này đúng là rập khuôn với loại hình đó. Mới đầu tôi không khỏi ngạc nhiên khi biết cô là người đang được Yô-san bảo bọc. Ấn tượng này đã tan biến đi sau khi tôi khám phá ra rằng – dù với vóc dáng và tuổi tác một cô gái mới – Ko-Han cũng có thể chơi điệu Sonohachi bằng đàn Shamisen và tài nghệ không đến nổi nào.
Tranh Kitagawa Utamaro trong bộ Edo no hana, khoảng năm 1800
Một buổi tối, sau khi học đàn xong, như thường lệ, tôi đi theo Yô-san đến một zashiki khác, uống với ông đôi chén sake. Chúng tôi đợi Ko-Han và những cô geisha quen thuộc ở đó, thế nhưng các cô đang có một buổi diễn tập ở Kabuki-za [44]với các geisha trong xóm nên mãi đến 9 giờ mà chưa thấy bóng một ai cả. Cũng nhằm buổi tối hôm đó, ông thầy chúng tôi[45], viện cớ đang có triệu chứng cảm mạo, sau khi dạy xong đã gọi một chiếc xe tay ra về. Chỉ còn có hai người, Yô-san và tôi cùng một người tớ gái hầu rượu. Chúng tôi cảm thấy có cơ hội nói chuyện thoải mái với nhau hơn và đã lợi dụng cơ hội này để bình phẩm về những zokkyoku (tục khúc), ca khúc của những xóm bình dân thời Edo, đánh giá vai trò của chúng trong một xã hội hiện đại và những thăng trầm đang chờ đợi chúng ở tương lai.
Có cần phải nhắc lại rằng shamisen là một thứ nghệ thuật tinh tế, bi ai đã ra đời từ những xóm lầu xanh cách đây đã trên 2 thế kỷ và đã đạt đến sự hoàn hảo hay chăng? Nếu xã hội hiện đại còn duy trì nguyên vẹn cái gọi là làng son phấn – giới mà thế hệ trước mệnh danh là bọn gái buôn hương – thì tiếng đàn Shamisen sẽ mãi mãi còn có uy lực. Cũng như đối với tranh Ukiyoe và tuồng Kabuki, ta không thể đem một nghệ thuật như shamisen ra mà xét nét với quan niệm xã hội và đạo đức hiện tại. Bởi vì nó không phải là âm thanh sống động của thời hiện đại mà là tiếng thì thầm vọng lên từ quá khứ. Nhưng chính vì thế mà những con người sầu muộn, mỗi khi nghe nó, sẽ thấy dậy lên trong lòng một niềm cảm khái không bờ bến. Cũng như cái thú khi nghe mấy câu thơ:
Thương nữ bất tri vong quốc hận,
Cách giang do xướng Hậu Đình Hoa.[46]
(Gái buôn nào biết hờn vong quốc,
Trên bến còn ca khúc Hậu Đình).
Có lẽ đấy mới chính là giá trị của những tục khúc thời Edo ở giữa lòng xã hội hôm nay. Đó là điều xưa rày tôi vẫn chủ trương. Đối với Yô-san, để tiêu khiển sau một ngày làm việc mệt nhọc, ông không tìm cách thưởng lãm thư họa, mà giản dị hơn bội phần, chỉ muốn lắng nghe âm nhạc. Quan Tể tướng Toyotomi[47] yêu thích trà đạo nhưng trà đạo nào có thể sánh với Jôruri. Mà hơn thế, trong Jôruri, giữa bao nhiêu cách diễn tả, hỏi có làn điệu nào bi thương trầm lắng hơn Sonohachi? Nghe một điệu Sonohachi cổ kính, đầy nhục cảm nhưng u nhã ấy, ta có cái thú như có một người đẹp trong tranh Ukiyoe hiện ra trong giấc mộng và thủ thỉ bên tai. Câu chuyện giữa Yô-san và tôi dù là gì đi nữa cũng đều qui tụ về một điểm là việc thưởng thức những điệu nhạc thời Edo như người ta trân quí đồ cổ ngoạn.
Khi người tớ gái ráng giấu cái ngáp, bước ra khỏi phòng để đem bình cũ đổi lấy rượu mới, Yô-san hướng về phía tôi và nói bằng một giọng nghiêm trang:
– Thú thực, từ hôm trước, tôi đã muốn có dịp bàn riêng với ông. Chuyện Ko-Han ấy mà? Ông thấy cô ta như thế nào? Có thể thành một tay đàn giỏi không, hở ông? Tôi đã căn dặn cô ấy phải tập điệu Sonohachi cho thuần thục, để về lâu về dài sẽ có nghệ danh và nối được cơ nghiệp một trường phái. Liệu có thành công không, ông nhỉ?
Đánh đàn lối Sonohachi vốn khác với cách chơi của những trường phái khác của Jôruri, nó chỉ được luyện tập giữa một nhóm đệ tử hạn chế đến độ người ta e rằng nếu bây giờ không làm gì để cứu vãn thì có nguy cơ nó sẽ mai một không biết lúc nào. Yô-san muốn đem niềm đam mê và tài sản của mình để gìn giữ cho truyền thống cổ nhạc thời Edo khỏi phải biến mất. Một kế hoạch như thế thì ai đi phản đối cho đành. Hơn nữa, tôi là người đặc biệt nhìn nhận rằng tài nghệ của Ko-Han – so với số tuổi của cô – hãy còn nhiều triển vọng. Khi thấy tôi ngõ ý tán đồng, Yô-san bèn nâng chén lên, từ từ uống cạn và trình bày với tôi thêm một số chi tiết:
– Ông cứ xem, ở cái tuổi như tôi bây giờ, đâu có vì chuyện trai gái này nọ mà đi nuôi geisha. Tôi chỉ còn cái thú là truyền lại cho họ một cái gì, chẳng hạn một nghệ thuật, ông à! Riêng với ông, tôi mới dám thổ lộ. Trông tôi như thế này đấy nhưng vẫn là con người biết gìn giữ đạo đức. Tôi rất ghét bọn quí phái và phú hào đời nay. Ghét kẻ giàu sang nhưng cũng chẳng tha thiết gì đến mấy anh xã hội chủ nghĩa. Chúng ta đang sống ở một thời đại mà người ta thích ăn nói trịnh trọng, tôi thì muốn sống theo cung cách của tôi, và mỗi tối – như ông thấy đấy – tìm niềm vui cho riêng mình. Ối chào, tóm lại, không có gì quan trọng cả… Nếu tôi lập chương trình với mục đích gầy dựng vốn liếng nghệ thuật cho một geisha, cho dù tôi không đủ tài cán để thực hiện, hẳn có một hai lý do. Nếu việc bỏ cả gia sản ức vạn vào trong một chén trà, một bức hoành phi hay tranh vẽ (shikishi), là một thứ bê tha thì dạy nghệ thuật cho một cô geisha có thể xem là cách sống bê tha của tôi vậy.
Cho đến ngày nay, tôi đã nâng đỡ nhiều người.Tôi giúp họ một cách tận tình nhưng nói về kết quả thì nó chỉ giúp tôi hiểu ra là cuộc đời bây giờ nó không phải như mình tưởng. Hiện nay trong nhà tôi có nuôi ba cậu sinh viên. Thằng cả nhà tôi sang năm cũng sẽ vào đại học. Tôi giúp đỡ mọi người không phải với mục đích ti tiện là muốn được họ thán phục và cảm ơn đâu. Tôi cũng không chú ý đến sự thất bại hay thành công của họ. Tôi chỉ muốn họ trở thành những con người mình có thể trao đổi, tâm sự. Những kẻ tôi giúp đều đã thành danh cả đấy nhưng kiểu thành đạt của họ không làm tôi mãn nguyện chút nào.
Tôi không đưa tên người ấy ra đây nhưng có một chuyện xảy ra hồi 7, 8 năm về trước. Người ấy có nhờ tôi và riêng tôi cũng thấy anh ta là một nhân vật nhiều triển vọng trong ngành hội họa nên đã giúp đỡ tài chánh. Tôi đã lầm to khi nghĩ rằng con người đó tương lai sẽ là một họa gia thanh bạch cỡ Buson hay Kazan[48]. Thành công được sau 1, 2 lần triển lãm, nghĩ rằng mình có thể dương danh nên anh ta hiu hiu tự đắc như thể một danh sư, rồi cứ thế chiêu mộ học trò và dựng lên một họa phái, lợi dụng báo chí để tự thổi phồng cá nhân. Chẳng khác chi người đi vận động tuyển cử. Thế mà lại có hiệu quả khủng khiếp. Chưa đến 10 năm mà một anh thư sinh tay trắng đã có được cơ ngơi chẳng thua gì ngôi biệt thự Shazanrô (Tả Sơn Lâu) của Tani Bunchô[49].
Còn có chuyện thành công của một cậu sinh viên khác đã làm tôi chết đứng. Cậu này làm nghề đi dạy. Lúc còn là học trò, có hôm đến nhờ tôi chỉ dẫn về Haiku. Nguyên lai món này cũng nằm trong sở thích của mình nên tôi không ngại ngùng gì đem sách vở tàng trữ cho cậu ấy mượn đọc. Đôi khi đốc thúc, hỏi xem độ này có làm được câu nào vừa ý không và có khi còn giúp sửa chữa nội dung cho nữa. Sau này ngẫm nghĩ lại mới biết anh chàng nào có thích thú gì với haiku đâu, chẳng qua thấy tôi lâu lâu cũng có làm thơ nên mới làm bộ hỏi han như thế để mua lòng.Vì cậu này thuộc hạng biết tính toán kỹ lưỡng nên sau khi ra trường và được bổ đến dạy ở một trường nữ học địa phương, đã tìm cách vào ở rễ ở một gia đình giàu có nọ. Nay thì cậu ta kinh doanh một ngôi trường mẫu giáo và tiểu học tư thục, được người đời đánh giá cao. Việc cậu ấy thành công được như thế không phải là điều xấu đáng để tôi phê bình, chẳng qua là cách xử sự của cậu ấy. Cậu ta hình như xem nghề dạy học giống như việc mở một cửa hàng hay kinh doanh xí nghiệp. Không năm nào mà cậu ta không lên Tôkyô thăm viếng những người tai to mặt lớn. Đến năm thứ ba, cậu bèn sang Mỹ với danh nghĩa quan sát nếp sống bên đó. Sống ở Mỹ độ nửa năm, cậu mới về đã đi diễn thuyết một vòng khắp nơi Thôi, cho là được đi! Tôi chỉ bực mình mỗi câu chuyện vừa xảy ra năm ngoái. Mới đến tuổi 40 hay chưa hẳn thế, mà cậu đã có một bức tượng đồng trong công viên tỉnh nhà đánh dấu những thành quả của mình. Chúng ta không nói gì được nếu thấy con cháu của Itôhei[50] – ông vua tơ sợi – dựng bia đá kỷ niệm ông ta, dù bia ấy to cách mấy. Tôi nghĩ dù ai muốn dựng tượng đồng của mình trong vườn nhà thì cũng chả sao nếu họ thích thế.Tuy nhiên đằng này, bản thân cậu giáo nhà ta đã ngấm ngầm quyên tiền phụ huynh học trò của mình và vận động báo chí để khơi dậy dư luận cho việc đó nhưng lại làm bộ như mình hoàn toàn chẳng dính líu gì tới. Rõ khổ!
Nói chung, tôi không chịu được cái kiểu lập nghiệp và dương danh với đời của con người thời đại này. Chính ra, ai mà làm ăn thất bại phải đến vay mượn, tôi vẫn vui lòng giúp nếu họ có tâm địa tốt. Ngược lại, nếu là kẻ tính nết không ngay thẳng thì dù giàu có đến đâu, tôi cũng không coi ra gì. Chính vì kinh nghiệm đau thương này khiến tôi cảm thấy mình có khùng mới bỏ công sức đi giúp thiên hạ. Dĩ nhiên những điều vừa kể không hẳn là nguyên nhân trực tiếp đã dẫn tôi đến thái độ sau đây nhưng khi muốn giúp Ko-Han luyện tập điệu Sonohachi, tôi có ý đào tạo cô thành một nghệ sĩ theo mẫu mực do mình ấn định. Nhân vì những chương trình tôi hết lòng thực hiện để giúp người đời thành công đến nay toàn chuốc lấy thất bại, tôi mới tự nhủ: “Thôi thì lần này ta hãy thử đào tạo một nghệ sĩ xem sao!”. Bởi vì trong thời buổi này, như ông đã biết, những người làm nghệ thuật, nam cũng như nữ, đều bị coi khinh như chẳng có giá trị gì. Từ rày về sau, thật khó lòng tìm ra được một nghệ sĩ ưu tú. Đặc biệt đối với điệu Sonohachi đáng thương kia – khác với Kiyomoto hay Nagauta – cứ như kiểu này thì ngay sau khi vị đại sư hiện tại (ý nói Miyazono Sensai, thầy của hai người, NNT) qua đời rồi, sẽ không có tay đàn chân chính nào nối tiếp. Nếu như Ko-Han chịu khó trau giồi đúng theo con đường tôi đã vạch cho cô ấy thì cái thú bê tha của tôi cũng sẽ trở thành một câu chuyện đứng đắn. Và lúc ấy tôi có thể trịnh trọng tuyên bố với ông rằng, như thế, một truyền thống âm nhạc của thời Edo đã được duy trì.
Thế rồi ba tháng sau, khi việc Yô-san giúp Ko-Han đã được dàn xếp xong, ông bắt đầu xây cho cô ngôi nhà để ở. Nhân lúc đó, ông có gửi cho tôi một phong thư:
Nghe ông ngộ cảm, tôi rất lo lắng. Mùa này dễ đau ốm mà thể chất ông lại không cứng cáp cho lắm nên tôi xin ông hãy lưu tâm giữ gìn sức khoẻ.
Tôi có đôi điều muốn nhờ ông chỉ dạy. Tôi cứ ngỡ hôm qua sẽ được gặp ông ở chỗ mình học đàn mọi bữa nhưng rất buồn khi biết ông đang ốm không đến được. Thành thử tôi mới cầm bút lên viết thăm ông dù nét chữ còn loạng quạng vì đang giữa cơn say. Ông còn nhớ tôi muốn xin ý kiến của ông về việc xây một ngôi nhà cho hợp với cuộc sống của Ko-Han. Nghe người trung gian địa ốc cho biết có hai ngôi nhà với giá phải chăng và nằm ở địa điểm khá thuận tiện, tôi đã đến xem trên đường đi làm về. Một ngôi nằm mé bờ sông ở cầu Yanagibashi; còn ngôi kia thì ở Akasaka, sau lưng ngôi đền thần đạo Toyokawa Inari. Mới đầu tôi nghĩ vùng Tsukiji mới thật tiện lợi và đã đặt mua ở đó nhưng vì không có ngôi nhà nào phù hợp nên tôi đã không đi đến quyết định. Thói thường cái gì để chần chờ quá lâu thì mất hứng nên kỳ này, tôi muốn xin ý kiến của ông để chọn một trong hai, Yanagibashi hoặc Akasaka. Theo ý kiến riêng của Ko-Han thì địa thế bên sông coi bộ tiện lợi hơn nhưng cô lại ngại ở đó người ta hay lời ra tiếng vào phiền toái nên có lẽ Akasaka đành rằng lắm điều bất tiện nhưng mới là nơi thích hợp. Chỗ Akasaka thì có một khu vườn cổ và cây cối đẹp đẽ, mặc dù ngôi nhà chỉ đáng đem dỡ xuống dẹp đi. Còn chỗ gần bờ sông ở Yanagibashi thì chỉ có thể ở được nếu sửa lại hết cửa sổ nhưng khu vực này nó vốn như thế, nhà cửa đông đúc, chen chúc bên nhau, ít có mặt trời, con sông thì có đứng trên gác hai mà nhìn cũng bị nhà chắn không thấy được. Riêng về giá cả thì dù miếng đất chỉ được thuê thôi[51]mà người bán nhà đòi một vạn Yen cho ngôi nhà diện tích khoảng 30 tsubo[52] và không chịu bớt thì quả là nói thách. Đã chọn sống theo kiểu Edo, không có mảnh vườn may ra còn chịu được, chứ không cả cơ hội nhìn ra mặt sông nữa thì thật quá khổ tâm.
Nói qua chuyện ngôi nhà Akasaka thì theo nội dung bức thư của người môi giới địa ốc cho biết, khu vực này là nơi mấy anh nhà giàu mới nổi thường chọn để giấu mấy bà vợ bé thành thử nếu mua thì khả năng nay mai bán lại rất là cao nếu mình không thích ở nữa. Miếng đất đó – rộng khoảng 70 tsubo – người ta đòi 1 vạn rưỡi Yen cả nhà lẫn đất. Nhân vì mặt đất ở đó dốc thoai thoải nên có cái nên thơ của một cảnh trí thiên nhiên. Ngay sát bên kia bờ giậu là bắt đầu địa giới khu rừng của ngôi đền Toyokawa Inari, theo ý tôi thì nó có vẻ phù hợp với một người ở ẩn hơn là cho một cô hầu thiếp. Hôm qua, khi ghé ngang đó xem, tôi đã nghe vọng từ bên kia mấy bụi cây xanh tiếng người ta chập tay lại để khấn nguyện[53] và lũ chim non hót líu lo. Cảnh tượng như thế khiến tôi vô cùng thích thú. Về phương hướng thì phía đông bắc đã có được bóng râm của khu rừng đền Thần đạo và nhân vì mặt tiền những ngôi nhà cũ thường ngoảnh về phía tây nam cho nên khi tu bổ xong sẽ tránh được ánh nắng chiều và có thể thoáng mát chứ không phải than thở khổ sở như anh chàng Denpuku[54]:
Ngôi nhà ta đang ở /Thợ mộc cất vụng về / Nóng chao ôi là nóng/
(Wa ga yado wa / Heta no tatetaru / Atsui kana)
Nơi đây thuộc khu phố sang Yamanote[55], và như ông đã biết, dù ngay giữa trung tâm thành phố, Tôrin[56] vẫn có thể làm ra những câu:
Gió lạnh núi Phú Sĩ / Thổi về rụng lá cây / Ngay giữa lòng phố thị /
(Shichuu ya / Ki no ha mo otosu / Fuji oroshi)
Nơi đây cũng vậy, cái làm người ta ngán ngẩm nhất là mặt trời chiều thu và cơn gió tây của ngày đông. Vì hôm đến đó không mang theo la bàn, tôi không định được phương hướng xem có đúng y như đã nói ở trên hay không. Tuy nhiên tôi định đến quan sát tại chỗ một lần nữa và hy vọng rằng sau khi hoàn toàn bình phục, ông có thể quá bộ dạo chơi và cho tôi biết cao kiến. Tôi rất bối rối vì phải làm phiền đến ông nhưng đúng như người ta vẫn nói từ xưa: “Trẻ mê gái, trung niên mê nghệ thuật, còn già thì thích tu bổ nhà cửa vườn cảnh. Nếu hạn chế được những cái thú đó là có thể làm giàu rồi”. Vâng, đúng thế! Điều tức cười nhất là quá trình sa đọa của kẻ hèn này hoàn toàn ăn khớp với những điều cổ nhân cảnh cáo. Thôi thì, trót phải trét, tôi muốn xây một ngôi nhà cho cô hầu thiếp như một hành động mua vui cuối cùng và nếu có chút thời giờ, xin ông cảm phiền cố vấn cho tôi việc thiết kế. Nhân vì phong cách kiến trúc kiểu Edo vốn đa dạng, tôi nghĩ nơi thích hợp nhất để diễn Sonohachi và Itchuu thì không phải làm theo kiểu nhà thấy trong Cuốn Lịch Hoa Mơ[57] mà phải xưa hơn, nghĩa là cách trang trí như trong tranh Harunobu. Kiểu của ông ấy là theo phong cách niên hiệu Tenmei[58], có thể xem như đạt nhất thời Edo.
Mùa đông đã đến nơi / Nhưng đâu còn cái thời / Quấn khăn theo ý muốn /[59]
(Fuyu kuru ya / Kimama zukin mo / Aru yo nara)
Tôi mong ngóng từng ngày tin vui ông hồi phục hoàn toàn,.
Tháng 11 ngày …
Trình Kinpu tiên sinh,
Hanbei
Vào thời buổi đó, nhờ bên Âu châu có chiến tranh mà kinh tế Nhật Bản hưng vượng. Mỗi ngày phải có đến 3, 4 công ty cổ phần mọc ra. Dĩ nhiên việc làm ăn của Yô-san, dựa trên một cái vốn vững chắc, nhất định phải có huê lợi đáng kể. Những xa xỉ phẩm bán càng chạy khi được rao với giá càng cao. Kinh tế thịnh vuợng đến nổi người nông dân, nhờ giá gạo lên cao, đã có đủ tiền để ngấp nghé chơi trò chứng khoán. Đó là thời điểm lý tưởng để xây nhà cho người thiếp yêu. Giới quí tộc hồi đó đua nhau bán đấu giá đất cát để kiếm tiền làm cho chương trình của Yô-san càng được thuận lợi. Ngay cả trước khi người ta củng cố mặt nền[60] để xây nhà mới, hể có một nơi nào rao bán đồ vật dùng vào việc bày biện, Yô-san lập tức mời tôi đến xem cùng. Vì cung cách thưởng ngoạn đặc biệt của một nhà thơ haikai như ông, khỏi phải nói cũng hiểu là Yô-san không thèm để mắt đến những tấm bình phong đồ sộ hay những tủ bàn đẳng cấp gia đình lãnh chúa; mà chỉ lưu ý tới những ngọn đèn lồng bằng sắt, mấy bộ đĩa bát, những cái hộp đựng tro than, chum chậu và gạch ngói, vải vóc hay mấy tấm lụa kẻ sọc cũ kỹ nhập cảng từ bên Quảng Đông, nói chung là đồ vật lỉnh kỉnh dùng để trang hoàng ngôi nhà của người hầu thiếp. Thứ đó thì Yô-san thu mua không biết chán và chẳng hề ngại giá cao. Giữa lúc đó, ngôi nhà mới đã làm xong và trong buổi tiếp tân khánh thành, không thể từ chối những lời mời mọc và thôi thúc của chủ nhân cũng như đám khách khứa nghệ sĩ được mời tới, tôi phải có mấy giòng đề tặng Saisendô. Vì họ xem như thế là vẫn chưa đủ, tôi buộc lòng viết thêm lời ca mới cho một làn điệu Sonohachi nữa.
Ngay ngày hôm sau, để thu thập không chậm trễ tư liệu dùng cho việc soạn ca từ này, tôi bắt đầu lục lọi và – điều không tránh khỏi – mó tay vào mấy tùy bút hoặc ký sự về đời trước vốn nằm trong mấy quyển Enseki Jisshu[61] đã được Hội Tái Bản Quốc Văn khắc và in lại. Thế rồi mỗi khi tôi tìm ra bài nào thích hợp cho việc sáng tác, bèn chụp ngay ngọn bút lông. Hằng đêm, tôi vẫn áp sát ngọn đèn bên gối để đọc đi đọc lại các tác phẩm như Matsu no Ha[62] rồi đến Irotake Rankyokushuu, Miyakohabutae và Masumi Yoshuu[63] (có liên quan đến phong tục thời Edo, NNT). Đối với tôi thì vào thời buổi này mà hành động như vậy, nghĩa là làm giống như các nhà văn gesaku ngày xưa (để viết loại văn chương giải khuây thiên hạ, NNT) thì không những là một chuyện lý thú mà còn quan trọng nữa, bèn dẹp qua một bên không chút tiếc thương việc mình đang làm: cuốn tiểu thuyết trường thiên mà tôi chỉ mới bắt đầu chấp bút. Bởi lẽ từ khi Futabatei Shimei [64] xuất hiện, tu từ pháp “văn viết y như văn nói” (ngôn văn nhất trí) hầu như trở thành một qui luật áp dụng cho tiểu thuyết hiện đại. Tôi xem điều đó có lẽ sẽ phương hại đến công việc của mình khi muốn viết văn theo cung cách thời Edo với hình thức “ năm chữ, bảy chữ” (thất ngũ điệu). Ngay bây giờ, chẳng hạn như khi đọc lại tác phẩm của cổ nhân, tôi không ngăn nổi tình cảm chán ghét trước cái cách viết “rằng thì là mà”[65] nhạt nhẽo đời nay.[66] Khi tìm cách thoát ra khỏi khuôn khổ của cách diễn đạt phàm tục và tạp nhạp của lối viết “rằng thì là mà”, tôi vẫn bị vướng vào thói quen lâu ngày khó sửa và tự hận mình không có thiên tài văn chương của một Ichiyô hay một Kôyô[67]. Lúc đó, tôi nhắm làm sao để khi viết ca từ cho vở tuồng mới này, tôi có thể làm toát ra được vẻ diễm lệ như thấy trong Tamagiku Tsuizen Mizuchôshi dưới ngòi bút của soạn giả Chikufujin[68]:
Hỡi chòm mây tan tác / Khi ta ngước mắt nhìn…
(Chigire chigire no kumo mireba)
hay là trong vở Ranshuu Tsuizen Ukabuse cũng của ông:
Mưa không lớn để mang dù / Ba bốn giọt đủ làm ướt áo[69].
(Kasa motsu wa nakeredomo Mitsuyotsu nururu)
Thực ra năm trước khi bác sĩ đã cho tôi biết là bệnh tình mình đã đến giai đoạn vô phương chữa trị, tôi định bụng từ đây đến khi chết cũng ráng viết được một hai cuốn tiểu thuyết mà văn từ phải hay như Saikaku[70], đẹp như Yayuu[71]. Văn chương của Yayuu thu thập trong Uzuragoromo[72], từ lâu đã được Shoku Sanjin[73] không ngớt lời khen ngợi, rồi sau đó thiên hạ đua theo tán thưởng là chuyện khỏi cần phải nói. Lần này đọc nó, tôi đã cất cao giọng ngâm đi ngâm lại, đập tay xuống án thư mà thầm nhủ rằng cho đến chừng nào văn minh Nhật Bản chưa diệt vong, cho đến chừng nào người Nhật còn dùng chữ Hán, thì có lẽ cả một nghìn năm sau nữa, một câu văn như thế này sẽ còn đáng làm mực thước cho lối hành văn Nhật Bản. Nếu hỏi lý do thì phải nói là văn chương và tư tưởng trong Uzuragoromo cho ta thấy cả một sự phức tạp, hàm súc và sâu sắc hiếm có. Xưa nay không có văn chương nào có thể đem so sánh với cái lưu loát và trong sáng của nó. Tấm “áo chim cút” ấy đã được dệt bằng mọi hình thức văn từ của cổ điển Hòa Hán, thế rồi văn học bình dân của thời Genroku[74] đã nối kết với nó để tỏa ra muôn màu muôn vẻ nhờ thiên tài văn chương của gia đình Yayuu, đặc biệt hơn cả là ở nơi ông. Có lẽ đây là lần đầu tiên ta có một tác phẩm xứng đáng được mệnh danh là “kết hợp hoàn hảo”. Sở dĩ tôi đã theo lời khuyên của Yôsan để viết một bài tự về Saisendô cũng là vì đã thường xuyên học hỏi những câu văn hay trong Uzuragoromo mà mình hâm mộ. Sau khi được viết ra, bài tự của tôi đã được chủ nhân đóng khung treo đứng lên tường, nhưng về ca từ mới thì tôi vẫn chưa hoàn tất và những mẫu bản thảo hãy còn nằm rải rác đó đây trong ngăn kéo thư phòng.
Chủ đề đã gây cảm hứng cho ca từ của tôi là câu chuyện về “Ngôi mộ của nàng Uneme ở Asakusa Hashiba” có chép trong cuốn Edo Meisho Zue (Tập tranh thắng cảnh vùng Edo). Nàng Uneme là một kỹ nữ đã tự kết liễu đời mình[75]. Tôi định bụng một khi Yô-san chấp thuận thì sẽ bắt đầu cầm bút, thế nhưng, vào dịp lễ Vu Lan khoảng giữa tháng 7, vì thời tiết oi bức nên, cũng như mọi năm, những buổi học đàn phải tạm ngưng cho đến giữa tháng 9. Yô-san nhân dịp đưa gia đình đi nghỉ mát ở biệt thự vùng Ôiso, còn tôi vì trúng nắng nên nằm lăn ra suốt mươi hôm. Cứ nghĩ hãy đợi tiết thu mát mẻ, lúc những buổi tập dượt ở Saisendô bắt đầu trở lại, mình sẽ ngồi trước án thư. Thế nhưng lần này thì đến lượt ông thầy dạy đàn lại ngả bệnh. Tới tháng 10, khi thầy trở lại lớp học, chẳng may Yô-san có việc của hãng phải đi qua bên Mãn Châu và Triều Tiên. Khi chủ nhân Saisendô trở lại Tôkyô không được bao lâu thì đã cuối năm. Từ thời điểm này bước qua năm mới, theo truyền thống, các nghệ sĩ thường ngưng mọi hoạt động.
Chính vì những bất ngờ như thế nên tôi mất cả hứng thú cầm bút lên viết về câu chuyện nàng Uneme quyên sinh. Đến tháng 2 có thư từ Saisendô thông báo là các buổi học đàn đã khai giảng trở lại nhưng hằng năm vì ngại cái lạnh gắt bắt đầu sau năm mới nên từ tháng giêng cho đến tháng ba, mãi tới tiết lập xuân, hầu như tôi không bao giờ ra khỏi nhà ngoại trừ tản bộ khi trời tạnh gió và ấm lên đôi chút. Mượn cớ bận bịu chuyện viết lách, tôi chờ đến lúc thời tiết cho phép mình chỉ cần mặc mỗi manh áo mát hẳn hay. Cuộc sống cô độc nhiều khi khiến ta khoẻ thân hơn người thường gấp bội nhưng đến khi lâm bệnh thì cũng làm mất tự do không kém. Nếu đã bệnh phải cho ra bệnh, lúc đó không còn than vãn được gì vì mình đã liệt giường liệt chiếu. Chứ như bệnh dở dở ương ương, vẫn chưa cần gọi khán hộ đến trông nom, thì người sống độc thân phải chú ý nhiều việc như chuẩn bị phong bao tiền xe kéo khi bác sĩ đến chẩn bệnh hay xem chừng cô giúp việc có sửa soạn khăn và chậu nước để ông ấy rửa tay chưa. Thực vậy, khi có bệnh, người ta còn bận bịu hơn cả lúc đang khoẻ mạnh. Trốn cái lạnh bên ngoài để khỏi cảm mạo, rốt cuộc tôi đã hành động như một kẻ dị ứng với thời tiết và biến mình thành loại cây cảnh nuôi trong nhà kính.
Đúng như sách vở, năm đó quả là một năm xui rủi. Những cố gắng ngăn ngừa không giúp tôi tránh được vấn đề. Giữa mùa chim hót và hoa anh đào bắt đầu rụng, tôi bị nhiễm cảm cúm, cơn bệnh kéo dài có lẽ vì trời mưa nhiều. Rồi đến khi những chồi măng lớn lên và mấy quả quất chín đến nơi, không có hôm nào mà tôi không phải dùng bọc nước nóng để chườm bụng, trước và sau mỗi bữa cơm. Tính như thế là sáu lần một ngày. Xen vào đó, có những liều thuốc nước và thuốc tán phải uống nên còn phiền hơn nữa. Nằm dài để đọc sách chăng? Tay cầm sách một chốc đã mỏi. Còn như ngồi xuống nắm lấy quản bút thì không tìm ra chút hứng thú nào để viết. Cùng lắm chỉ có thể chìu được mấy ông nhà sách tới hỏi thăm bản cập nhật của những tác phẩm cũ. Họ làm tôi phải thu thập mớ bản thảo chỉ đáng vứt vào thùng rác để đem ra chữa lại. Dù sao, không ngờ những ngày làm việc như thế đã giúp tôi sống lại ký vãng của một thời hạnh phúc. Lắm lúc tôi bỏ mặc cả quản bút và son tàu chữa bài và chìm đắm trong những vần luật thi của Nghi Vũ Tập (Mưa chăng?) cho vợi mối sầu:
Thu thập tàn thư thặng kỷ biên,
Khinh cuồng tung tích chấp niên tiền.
Tiếu khuynh tê thủ[76] hoa gian chản,
Túy phụ nga mi nguyệt hạ thuyền.
Hoàng Tổ[77] nộ thì thiên tự hỷ,
Hống Nhi[78] si xứ tuyệt kham liên.
Như kim hứng vị tỏa ma tận,
Thặng ái đồng lô nhất chú yên.
(Sách xưa nhặt nhạnh được vài thiên,
Dấu ta thời trẻ sống không kiêng.
Giữa hoa rót chén cười nghiêng ngả,
Say dựa giai nhân nguyệt mạn thuyền.
Hoàng Tổ giận lên, vui bất kể,
Hồng Nhi[79] làm dáng, khó lòng quên.
Nay thân mòn mỏi còn bao hứng,
Yêu mỗi lò hương ngọn khói lên).
Mang trong người tâm tình như vậy, dĩ nhiên tôi có bụng dạ nào mà ôm đàn shamisen để hát mấy điệu jôruri lúc đó. Tôi để mùa hè trôi qua mà không có lấy một giòng hồi âm chủ nhân Saisendô như thể mình đã quên bẵng. Thế rồi, mùa thu lại về, và khi nó vừa trôi qua được nửa chừng, tôi nhận được một cái tin thảng thốt vào buổi chiều hôm đó trên đường phố Ginza: Ko-Han đã bỏ Saisendô ra đi. Nó nhắc tôi là mình đã làm một việc thiếu lịch sự nghĩa là im bặt khá lâu để đến nổi bây giờ phải viết thư hỏi thăm cớ sự.
Tiếng tí tách của nước giọt từ ống máng rơi vào trong cái vại đặt phía ngoài nhà vọng vào. Không phải là mưa phùn lấm tấm nữa. Tôi nghe cả tiếng nước đổ rào rạt xuống khi gió đuổi theo cơn mưa trên những tàu lá ngoài sân. Tôi cũng cảm thấy mùi thuốc lá và mùi thuốc trừ muỗi, gián mà tôi vừa mới đốt ướm hết cả căn phòng nên mới vói tay ra để mở khung cửa nhỏ cho thoáng. Cũng vừa lúc đó, người đàn bà giúp việc mà tôi nhờ đi bỏ thư cho chủ nhân Saisendô trở về và trao cho tôi mớ thư bưu điện mới phát mà cô ta lấy từ hộp thư ngoài cổng nhà. Mấy lá thư đều ướt nước mưa. Trong đó có 3 tấm bưu thiếp nhưng 2 trong 3 là thư quảng cáo của một nhà môi giới chứng khoán, còn bức thứ ba là để thăm dò dư luận với câu hỏi: “Geisha nào và trà đình nào được ông yêu chuộng nhất? Yêu cầu ông cho biết ý kiến! ” . Bưu thiếp ấy có kèm theo phiếu trả lời. Đúng là lối hành văn bộc tuệch và vô lễ quen thuộc của mấy tay biên tập viên các tạp chí gửi cho hàng vạn độc giả. Ngoài ra còn có 2 phong thơ mà một thì mới nhìn hình dạng bên ngoài tôi đã biết nó đến từ chủ nhân ông của Saisendô. Tôi thầm nghĩ bức thư này hẳn liên quan đến O-Han cho nên không đợi đến khi nó khô, tôi mở ra đọc ngay:
Đã lâu tôi không có tin tức của ông. Độ rày ông có khoẻ không ạ? Năm nay, sau cái oi bức của ngày hè còn rơi rớt lại, trời lạnh bất thường và đã bắt đầu thấy những trận mưa thu, thành thử tôi đâm lo cho sức khoẻ của ông. Cứ kiểu này, nếu trong hai ba ngày nữa trời không chịu tạnh, tôi nghi rằng nước sông sẽ tràn bờ, xe điện ngưng chạy và giá gạo tăng vọt. Thực ra, tôi muốn đi thẳng vào vấn đề với ông, dĩ nhiên là thông báo chuyện O-Han. Nhiều sự cố đã xảy ra liên tiếp trong những ngày gần đây làm tôi bắt buộc mời cô ấy rời khỏi Saisendô để trở về chốn cũ. Thi nhân đời xưa từng viết:
Nhàn hoa chỉ hợp nhàn trung khán,
Nhất chiết qui lai tiện bất tiên[80].
(Hoa đồng đẹp lúc nhìn thơ thẩn,
Một bẻ về chưng hết tốt tươi)
Nếu tôi lại kể thêm thì chỉ cho thấy sự dại dột của mình và khi câu chuyện vở lở, tôi sẽ phải hổ thẹn. Ông anh là người học rộng chắc đã đoán biết những gì xảy ra. Phàm các cô geisha đi đâu thì cũng thu hút theo mấy tay kép hát và chuyện gì phải xảy ra sẽ xảy ra thôi. Tôi cũng đủ phóng khoáng để ngoảnh mặt làm ngơ trước những cuộc phiêu lưu tình cảm bình thường kiểu này. Huống hồ, chính tôi đã thuyết phục cô ấy yêu thích việc học điệu Sonohachi, một làn điệu đặc biệt so với các hình thức nghệ thuật khác bởi vì nó chỉ khai thác chủ đề “Quyên sinh vì tình”. Hơn nữa tôi vẫn thường đòi hỏi cô ấy hát những bài hát tập trung vào sự thể hiện sự tình yêu đam mê với ca từ như:
Horeneba naranu tonoburi ni
Yoru no kuzetsu wo ashita made mochikoshi
Kami no tsuyanukete nado môsu tokoro wa
Toeiwake nasake wo matasete
(Làm sao em cưỡng được,
Chàng ấy dáng phong lưu.
Chuyện hờn ghen bên gối,
Từ tối đến ban mai.
Chỉ phai màu óng ả,
Mái tóc của đôi mình)[81]
Vì lý do đó, không thể nào tôi có thể sinh ra hờn trách người con gái giống như nhân vật trong vở tuồng Khẩu thiệt bát cảnh (Kuzetsu Hakkei). Anh chàng Hanbei ghen tuông đã bị chê cười:
Irosato no showake shiranu
Musuina konasan to wa
(Cái anh chàng quê mùa,
Không rành rẽ luật chơi,
Dành cho làng hương phấn)[82].
Tuy nhiên từ khi biết người đàn ông đi lại với nàng chỉ là một anh chàng làm nghề thuyết minh phim thì tôi thấy mình không còn đóng cái vai trò ấy được nữa nên đã mời cô ta ra khỏi nhà. Nếu phải bực mình thì chẳng thà tôi chịu bực với một anh kép kịch mới (tân kịch, từ 1888, NNT) hoặc một anh kép hài trong nhóm Sôga (kịch hài hước vùng Ôsaka, NNT)[83]. Chứ người bắt cặp lại là một anh tài xế hay thuyết minh phim thì tôi khó lòng có thể đồng hóa chuyện dan díu của cô nàng với một phiên bản truyện tình kiểu Edo trong các tuồng Jôruri, với cung cách:
Taki kokoro wa arite mo tôtei iro to wo tatenuite
Hachichôjima no kakushi ura nazo
(Lòng bỏng cháy nhưng vẻ ngoài điềm đạm,
Lụa đường vân chỉ lót áo bên trong)[84]
Tâm tình của tôi đối với sự việc này phù hợp với quan điểm thẩm mỹ tôi vẫn có thường ngày và theo ngu ý, điều đó sẽ làm cho ông thông cảm với tôi hơn.
Không biết O-Han có còn muốn bước đi, một tay nắm lấy ống tay áo bên kia?[85] Cũng không hiểu cô sẽ dọn ra ở với anh chàng thuyết minh phim hay chăng? Tôi hoàn toàn không rõ về những ý định của cô ấy. Dù sao, Saisendô ngày nay, vì mất đối tượng, đã trở thành vô chủ. Những cụm thu hải đường của quí phủ mà ông đã chiết tặng cho, nhờ đắp bờ dốc nên nước dễ thông, năm nay đã nở rộ và khoe những cánh hoa màu ruột dưa hấu. Thật tình mà thưa với ông là giữa lúc này – tôi có hơi tiếc vì đã chi phí hết 300 tiền …hay nói đúng hơn là khoảng 1 quan 300 tiền cho việc đó. Thôi thì xin ông xem những điều tôi viết ra đây như chỉ để ông cười giải khuây.
Ngày … tháng ….
Trình trước án Kimpu tiên sinh,
Cựu chủ nhân Saisendô
Cuối cùng, mưa cũng đến lúc phải tạnh. Một khi trời đã tạnh ráo thì tới tiết thu phân tức là quãng thời gian khó quên nhất trong năm. Cái nóng cuối mùa rơi rớt cũng đã ra đi hẳn, dưới tấm áo kimono đơn người ta cảm thấy mát mẻ và ống tay áo khoác haori dệt bằng tơ không còn nằng nặng trên tay. Gió thổi vào rèm cửa nghe sao mà bi tráng, bầu trời trong xanh đến dị thường, tình cảm người ta tràn trề và không cần phải là một nhà ẩn sĩ, ai nấy đều thấy mình đầy cảm hứng khi nhìn những giải mây lang bạt. Khi nào trời phủ mây và lặng gió, màu sắc của những cánh đàn bướm đang bay chập chờn trông càng sống động hơn trong khi những bức tường thành im lìm in mình trong lòng hào, nước mưa ngập đầy hồ ao và ngòi rãnh… để tất cả biến thành những tấm kính soi cho vạn vật. Chính lúc đó thời:
Tạc lai phong vũ tỏa thư lâu,
Đắc thử tân tình liêm khả câu.
Ly cúc vị khai, sơn quế lạc,
Nhạn lai, hồng điểm nhất viên thu.
(Mưa gió đêm qua khóa mái lầu,
Trời vừa hửng nắng cuốn rèm mau.
Cúc giậu ấp e, hoa quế rụng,
Nhạn về, sắc đỏ cả vườn thu).
Tôi vừa bước ra ngoài, miệng lẩm nhẩm mấy vần tuyệt cú của nghiêm phụ[86] mà mình chợt nhớ ra. Bàn chân như vô tình hướng dẫn tôi đến trước cánh cổng biệt thự Saisendô. Thanh ngang bằng gỗ bách thô có gắn tấm bản con đề tên ngôi nhà, Villa …. như xưa, còn cánh cửa tò vò xế bên hông, làm bằng những thanh gỗ buộc bằng lạt trúc có đốm thì đóng kín mít một cách khéo léo như cách thức những ngôi nhà dành cho các cô hầu thiếp, để người ở ngoài không thể nhìn được bên trong. Vì lâu ngày không ghé qua đây, tự dưng tôi muốn vào nhìn lại một lần xem sao. Là người thích việc trùng tu nhà cửa, tôi nhủ thầm chắc bây giờ gỗ lát hành lang đã lên nước bóng láng, đất đắp trong vườn chắc nịch rồi và trên những phiến đá, nhờ mưa nhiều, rêu xanh bắt đầu phủ. Trong lá thư tôi nhận được, chủ nhân cho biết những gốc thu hải đường mà tôi chiết tặng đã nở rộ những đóa hoa có màu ruột dưa hấu. Khi nhớ lại điều ấy, tôi không cầm lòng được nên đưa tay thử mở cánh cửa hông, ai dè nó đang để ngỏ không đóng. Một khi đã vào được trong vườn – tôi lại ngạc nhiên thêm một lần nữa – khi nghe có tiếng đàn shamisen trầm trầm [87]vọng ra từ bên kia hàng dậu hoa tử đinh hương. Đàn được chỉnh theo cung bậc thứ hai[88] nên tiếng trong trẻo và vừa vặn. Nhưng cách chơi không phải là cách chơi của phụ nữ. Nếu thế thì ai vào đây nữa nếu người đang dạo đàn không phải là sư phó Sensai! Bất giác tôi đưa tai lắng nghe tiếng đàn dây vừa được chỉnh theo bậc hai này như thế nào. Trong lúc đó, bỗng bên trong ngôi nhà vọng ra một giọng hát:
Omohikirashare / Mô nakashiyan na
(Thôi đừng thương tiếc nữa / Khóc lóc để làm chi)
Đúng là cái giọng thổ (baritone) của chủ nhân Saisendô. Khúc hát liên quan đến tình cảnh nàng Ukihashi và chàng Nuinosuke:
Kao to kao to wo miawasete / Ichidô ni watte …
(Hôm nay mặt đối mặt / Nhìn nhau cùng vỡ òa …)
Hai người ấy đã bắt đầu thổn thức để rồi nhịp đàn dồn dập hơn vào lúc kết thúc vở tuồng Toribeyama (Hòn núi Toribe)[89].Tôi tự nhủ mình sẽ tỏ ra thiếu tế nhị nếu tự tiện mở cửa bước vào nhà, bắt buộc gia chủ phải ngưng tập giữa chừng thì vừa ngay lúc đó, tôi bắt gặp trước lối vào nhà một con nhện mùa thu đang ra sức giăng tơ. Cảnh tượng đó làm tôi đứng khựng chân để theo dõi, một đỗi lâu mới đi vào trong.
– Vâng, ông xem! Quả là một câu chuyện vớ vẩn. Đi ghen tuông với một anh chàng thuyết minh phim. Chuyện đó chẳng đáng để kể đến nhưng lúc đó, tôi thật có mắt như mù. Giả dụ anh chàng thuyết minh phim kia không hiện hữu đi nữa, tôi nghĩ người con gái đó cũng chẳng đáng cho mình đặt hết niềm tin. Cái thời cô ấy còn là một geisha, sở dĩ tôi tin rằng cô ta có một phẩm cách để tương lai trở thành nhà nghệ sĩ là vì có ấy từng chứng tỏ là người có tự ái cao, khi tranh đua trong nghề thời không chịu thua ai. Cô đã dồn hết tâm lực vào việc học đàn. Thế nhưng sau khi đã bỏ nghề geisha thì tinh thần tranh đấu của cô cũng biến đi đâu mất. Một hai tháng sau, cô ta chỉ tập đàn một cách bắt buộc như để chìu ý tôi thôi. Lúc đầu, tôi thường đưa ra nhận xét, bảo rằng đã là người sẳn chút tiềm năng, ngay từ bây giờ cô cần phải rèn luyện chăm chỉ để phát triển nó. Thế nhưng đương sự hầu như không tự tin về tài nghệ của mình và kết quả là không còn thích thú gì với nghệ thuật. Những khi chán nãn và thất vọng, ngay cả việc nắm lấy cây đàn shamisen một cách máy móc để ôn lại những điệu nhạc đã học, cô ta cũng chẳng hề nghĩ tới. Chắc ông sẽ hỏi cô ta thiết tha với cái gì? Sự thực là cô chẳng thích cái gì đặc biệt. Cô dĩ nhiên ngại chuyện khâu vá nhưng cũng chẳng thích đọc sách hay viết lách. Không là không. Họa hoằn những cái thú như đến các rạp hát để được lê la trong hành lang với chúng bạn, vào các quán ăn của các cửa hiệu buôn hạng sang như Mitsukoshi hay Shiroki ăn uống, hay đánh vòng ở các rạp chớp bóng chung quanh Asakusa. Cô ấy xem chừng chỉ thích chừng ấy chuyện. Rồi vì tôi nói mãi nên cô ấy bắt đầu cãi lại và cuối cùng bày tỏ một thái độ như muốn hỏi tôi tại sao phải bắt cô chịu bao khổ cực để rốt cuộc chỉ trở thành một cô giáo dạy shamisen. Trong hoàn cảnh như thế, tôi không thể chờ đợi lâu hơn nữa và coi như đã hết nước, nên mời cô ấy ra đi. Nhưng ông xem, câu chuyện vừa kể không chỉ liên quan mỗi người con gái ấy. Tất cả con gái đời nay, dù là lương gia tử đệ hay geisha, họ đều có chung một lối suy nghĩ. Lấy ví dụ mấy cô người làm trong hãng của tôi thì họ cũng vậy thôi. Khi nói đến công việc, họ đề ra bao nhiêu là chương trình nọ kia nhưng không chịu khắc phục khó khăn trong việc làm để đạt đến mục tiêu. Việc thử lái một cô geisha trẻ bây giờ vào con đường nghệ thuật như học Sonohachi, nghĩ đi đi lại, chẳng qua là sự lầm lẫn của tôi. Tôi có một đứa con gái mà tôi đã gửi vào trường trung học. Thế nhưng chỉ nhìn nó thì tôi cũng đã hiểu. Cháu nó ngoài chữ in thì không biết đọc loại chữ gì khác như thư đạo hoặc những bài bản viết lối cổ. Cháu có thể rành mẫu tự La Tinh trong sách báo nhưng không đọc được chữ kana biến thể của các tiểu thuyết quốc âm kana-zôshi. Chữ trong các bản nhạc Sonohachi là thứ chữ in trên mộc bản khắc vào thời Bunkyuu[90] mà O-Han lại ra đời sau năm Meiji 30[91]. Nếu cô ta không đọc được, chính ra cũng không phải lỗi của cô. Một người con gái thời nay lớn lên trong thành phố không thể nào hình dung cái giếng ra sao. Thế thì làm sao cô ta có thể thưởng thức được vẽ đẹp của một vầng trăng tàn dính trên cái cần buộc giây gàu. Những người con gái đó thì dù có hát:
Kasaneidzutsu no ue koshita ikina iken
(Những lời khuyên thanh cao / Vượt cao hơn nắp giếng)[92]
đi nữa, cô ta cũng chẳng thấy thú vị. Còn có nghe hát:
Mori ga nikui Mukaekago
(Đang giữa cuộc vui / Ghét làm sao cái kiệu đón mình về)[93]
thì cũng chả hiểu ất giáp gì cả. Ông xem có ai đi yêu thích những gì mà họ không sao hiểu được! Những người làm thơ haikai thuộc trường phái cổ điển như chúng mình sẵn sàng bỏ tiền không tiếc để mua một ấn bản cũ khắc gỗ của Gogenshuu (Ngũ nguyên tập)[94] chỉ vì nó được in thẳng từ bản thảo của Kikaku. Chứ nay thì những người thời mới họ chỉ đọc được khổ chữ số 6 thì họ mua bản khắc gỗ để dùng vào việc gì! Các cô geisha vẫn còn chơi đàn shamisen đấy phỏng? Thế nhưng đó chỉ là để nối tiếp một truyền thống, không hơn không kém. Cũng như những anh chàng làm thơ haikai phong cách đời nay, họ vẫn gọi thơ làm theo kiểu họ là haiku đấy chứ! Nhưng theo tôi, bây giờ không còn phải là lúc bênh ai bỏ ai nữa rồi. Tốt hơn chúng ta nên đặt lại câu hỏi – trong muôn ngàn câu hỏi – là rốt cục, chúng ta còn có thể giữ được cho đến bao giờ cách thưởng thức tao nhã và cổ kính của thế hệ chúng ta.
Chiều hôm qua, trong hãng của tôi, công đoàn cũng bắt đầu bãi công. Vào giờ này, những tờ báo buổi chiều đã phải đưa tin, nhưng với những sự lộn xộn như thế, hãng tạm ngưng hoạt động, coi như là nghỉ hè. Lợi dụng việc đó, tôi mới mời thầy của chúng ta đến đây để tập dượt hai ba đoạn. Chỉ có thế mà thôi.
Yôsan gọi điên thoại đến quán Mikawa ở khu Tameike [95]và giữ tôi lại dùng bữa cơm chiều. Trên chiếc xe điện đường đưa về nhà, tôi nhớ lại cuốn tiểu thuyết nhan đề Marceline ou La punition fantastique (Cô Marceline hay Một sự trừng phạt kinh dị) của Henri de Régnier[96] mà tôi vừa đọc hai ba hôm trước. Tự dưng tôi kết hợp câu chuyện trong áng văn với nội dung cuộc đối thoại giữa tôi với Yôsan. Trong truyện, Régnier kể lại kinh nghiệm của một người đàn ông không làm sao hiểu được sở thích của cô vợ mới cưới. Thường ngày, ông ta là người yêu thích nước Ý và thành phố cổ Venetia cho nên ông đã thử đưa vợ đi hưởng tuần trăng mật ở nơi đây. Ở đó, ông chồng đã tìm ra được một số con nộm dùng cho sân khấu bóng ảnh rất tinh xảo ở một tiệm buôn đồ cổ. Ông không tiếc một món tiền khổng lồ để mua bằng được và đem về ngôi biệt thự bên Pháp của mình. Thế rồi giữa hai vợ chồng bắt đầu có sự lục đục. Có một người bạn của bà vợ là bác sĩ khoa tâm thần, tính tình hạ cấp, bần tiện nhưng được bà vợ của chủ nhân thích một cách lạ lùng. Ông ta phán rằng người chồng là kẻ có bệnh tâm thần và từ đó, bà vợ tin theo, xem chồng mình như kẻ rối loạn thần kinh. Một hôm, người chồng ở ngoài về nhà thì đã thấy ngôi biệt thự cổ kính mà ông thừa hưởng từ đời cha ông, mặt ngoài đã bị biến dạng thành một kiến trúc tân thời. Chẳng những bên ngoài ngôi nhà không còn giữ được vẻ cổ xưa nữa mà ngay cả những đồ vật trang hoàng bên trong như bàn ghế tủ giường, tất cả đều đã được thay thế bằng thứ đồ đạc làm theo kiểu hiện đại mà người ta bày bán khắp các tiệm buôn trên đường phố Paris. Người chồng nổi giận và ra tay đập phá, lật đổ nghiêng ngả tất cả những vật dụng mới đó….
Sau khi từ giã Yô-san ra về, tôi liền chui vào trong màn chắn muỗi, cầm lấy quyển tiểu thuyết đang đọc dở để xem nốt phần sau. Trong chương đó, tác giả cho biết những con nộm quí giá mà chủ nhân ông đã cất công mua từ tiệm bán đồ cổ ở Venetia đã bị bà vợ lợi dụng lúc ông vắng nhà đem quẳng cả vào trong kho chứa đồ. Thế nhưng vào những đêm trăng sáng, chúng đã chui ra, cử động và nói chuyện với ông dưới ánh trăng. Ông chủ nhà rơi vào một trạng thái vừa cảm động vừa phấn khích, không còn phân biệt được đâu là mộng, đâu là thực nữa. Rốt cuộc thì ông trở thành một kẻ điên thực sự, đúng y như điều hằng ngày người chung quanh bàn tán về mình. Đó là đoạn kết của câu chuyện được kể lại.
Khi tôi vói tay ra ngoài màn chắn muỗi để tắt ngọn đèn thì từ phía xa đã nghe tiếng chuông vẳng tới. Tính theo tiếng chuông vang thì có lẽ đã hai giờ sáng. Đêm thu mỗi lúc một sâu hơn, kể từ nửa đêm trở đi, mưa không rơi nữa, suốt một khu vườn chỉ rền rĩ tiếng dế kêu than. Tôi nằm mà không chợp mắt được, rồi cứ suy nghĩ lan man. Muốn ngủ ngay đấy nhưng đầu óc cứ chuyển hết chuyện này sang chuyện khác. Lòng tự nhủ kiểu này thì sáng hôm sau khi thức dậy, chắc mình sẽ không còn nhớ đêm qua đầu óc đã nghĩ về những chuyện gì.
Kể từ hôm đó, tôi chỉ bận tâm lo sao cho thân thể có thể chống chọi lại cái nóng và cái lạnh hằng năm, không có dịp mó tay vào cây đàn Shamisen và cũng không hứng thú chuyện viết lách nữa. Ngay cả tình cảm buồn thương bi phẩn cho cái cảnh thiếu một lẽ sống cho mình cũng dần dần tiêu tán với tháng năm. Thỉnh thoảng có nhớ lại mấy vần thơ của Fernand Gregh[97]:
J’ai trop pleuré jadis pour mes (peines) légères!
Mes douleurs aujourd’hui me sont (des) étrangères…
Elles ont beau parler à mots mystérieux
Et m’appeler dans l’ombre (avec) leurs voix légères;
Pour elles je n’ai plus de larmes dans les yeux.
Mes douleurs d’aujourd’hui me sont des inconnues;
Passantes du chemin qu’on eut peut-être aimées,
Mais qu’on attendait plus quand elles sont venues,
Et qui s’en vont là-bas comme des inconnues,
Parce qu’il est trop tard, les âmes sont fermées…[98]
Thoát dịch:
(Xưa tôi khóc mỗi khi buồn thoáng nhẹ,
Nên bây giờ không còn biết khổ đau.
Kẻ gieo khổ nói thầm lời bí ẩn,
Giọng nhẹ nhàng mời gọi suốt đêm thâu.
Nhưng em ơi, ta đã cạn mạch sầu.
Những niềm đau bây giờ thành xa lạ,
Bao khách qua đường mình có thể yêu,
Nhưng các nàng, tôi không hề đợi đến,
Họ ra đi, cũng chẳng tiếc chi nhiều.
Bởi quá muộn, cõi lòng đà khép kín).
Fernand Gregh (1873-1960)
Đúng như thế! Khi tình đã tan thì con tim khô héo. Sau cuộc thế chiến bên Châu Âu, những tiếng chuông cảnh cáo từ những nhà tư tưởng bên đó chỉ vọng đến tai chúng ta như tiếng còi của ông lão hàng rong đang bán kẹo ngoài đường phố. Trong thời gian ấy, suốt hai ba năm trời, tôi chỉ làm cái việc ăn với ngủ, chỉ cần mùa hè không nóng và mùa đông không lạnh là đã mừng quýnh. Đêm nào tiêu hoá tốt, không phải nằm mơ và có một giấc ngủ êm ái là đã đủ cảm thấy hạnh phúc. Còn hơn cả cái hạnh phúc được gối đầu lên đùi người đẹp. Ấy thế mà không biết tại sao, tôi đã quyết định thu vén tất cả mọi công chuyện lúc mình hãy còn sống và bắt đầu bằng việc thanh toán ngôi nhà và mớ sách.[99] Làm như vậy để nhỡ có chết đi mình cũng sẽ được thanh thản. Trong những ngày tháng êm ả, việc đó là điều bận rộn duy nhất của tôi.
Vào thời điểm phải từ bỏ ngôi nhà mình đã sống lâu năm, dĩ nhiên tôi không khỏi buồn thương. Trong Tuyển Tập Thơ Đời Minh (Minh Thi Tổng) [100]có một bài tuyệt cú của họ Mao[101] như sau:
Bích hữu thương đài tắng[102] hữu trần,
Gia viên nhất đán thuộc tây lân.
Thương tâm úy kiến môn tiền liễu,
Minh nhật tương khan thị lộ nhân.
(Tường phủ rêu xanh, bụi bám nồi
Nhà ta, hàng xóm đã mua rồi.
Buồn trông dáng liễu ngoài sân trước,
Mai mốt nhìn nhau, mặt lạ thôi)
Một ngày nào đó, nếu có dịp cầm bút trở lại, tôi sẽ nhắc đến nó trong một bài viết nhan đề Mãi Trạch Ký (Hồi ức về một chuyện bán nhà) [103].
Viết xong vào năm thứ 10 đời Taishô (1921 Tây Lịch)
Nagai Kafuu
Dịch xong tại Tôkyô ngày 18/09/2015, cập nhật 24/09/2015 (NNT)
Tư Liệu Tham Khảo:
1) Chikuma Shobô, 1961, Chikuma Gendai bungaku taikei, quyển 16, tuyển tập Nagai Kafuu, Chikuma Shobô, Tokyo xuất bản, ấn bản đầu tiên 12/15/1961. Hanabi (trang 150-154), Kunshô (358-364), Ame shôshô (156-172).
2) Nagai Kafuu, 1951, Bokutô Kitan, bản bỏ túi, ấn bản in lần thứ 84, 2014, Nxb Shinchô, Tokyo.
3) Edward G. Seidensticker dịch Bokutô Kitan, 2000, A Strange Tale from East of the River and Other Stories, Tuttle Publishing, Tokyo, trích từ Kafuu the Scribbler, The Life and Writings of Nagai Kafuu (1879-1959) của cùng dịch giả, Stanford University Press, USA, 1965. Cùng tập còn có Quiet Rain (Ame shôshô, tr. 81-105)
4) Pierre Faure dịch Sumidagawa, 1975, La Sumida, Tuyển dịch trong chương trình Tìm hiểu về Đông Phương (Connaissance de l’Orient), bảo trợ bởi Unesco,Nxb Gallimard, Paris.
5) Pierre Faure dịch Ame shôshô và các truyện khác, 1994, Interminablement la pluie, Collection Picquier Poche, Nxb Philippe Picquier, Paris.
Tư Liệu Tham Khảo:
6) Chikuma Shobô, 1961, Chikuma Gendai bungaku taikei, quyển 16, tuyển tập Nagai Kafuu, Chikuma Shobô, Tokyo xuất bản, ấn bản đầu tiên 12/15/1961. Hanabi (trang 150-154), Kunshô (358-364), Ame shôshô (156-172).
7) Nagai Kafuu, 1951, Bokutô Kitan, bản bỏ túi, ấn bản in lần thứ 84, 2014, Nxb Shinchô, Tokyo.
8) Edward G. Seidensticker dịch Bokutô Kitan, 2000, A Strange Tale from East of the River and Other Stories, Tuttle Publishing, Tokyo, trích từ Kafuu the Scribbler, The Life and Writings of Nagai Kafuu (1879-1959) của cùng dịch giả, Stanford University Press, USA, 1965. Cùng tập còn có Quiet Rain (Ame shôshô, tr. 81-105)
9) Pierre Faure dịch Sumidagawa, 1975, La Sumida, Tuyển dịch trong chương trình Tìm hiểu về Đông Phương (Connaissance de l’Orient), bảo trợ bởi Unesco,Nxb Gallimard, Paris.
10) Pierre Faure dịch Ame shôshô và các truyện khác, 1994, Interminablement la pluie, Collection Picquier Poche, Nxb Philippe Picquier, Paris.
[1] Theo lịch Nhật, hai ngày thứ 210 và 220 trong năm âm lịch thường kéo bão về.
[2] Thu phân là thời gian kéo dài từ ngày thứ 8 đến ngày thứ 23 tháng 8 âm lịch.
[3] Cổ thi: Bạch Cư Dị có câu “Lâm gian, noãn tửu thiêu hồng diệp.Thạch thượng đề thi tảo lục đài” (Đốt lá giữa rừng hâm nậm rượu, Quét rêu trên đá thảo vần thơ). Câu thơ này rất phổ biến ở Nhật vì có chép lại trong Hòa Hán Lãng Vịnh Tập, từ điển về tu từ học thời Trung cổ.
[4] Ám chỉ bà Yone, người vợ cha mẹ cưới cho năm ông 33 tuổi (1912). Ông bỏ bà 2 năm sau, khi cha chết.Người thiếp là bà Yaeji, một geisha ông từng đi lại lâu ngày. Thế nhưng trong trường hợp này, có lẽ bà Yaeji đã bỏ ông thì đúng hơn.
[5] Thơ một thi nhân đời Minh. Pierre Faure – dịch giả sang tiếng Pháp – chú là Kiang Feng-guan (âm Nhật: Kyô Hô Gen). Không rõ là ai!
[6] Cha tác giả mất ngày 2 tháng 1 năm 1913.
[7] Một loại mai vàng gốc Trung Quốc, còn được gọi là Đường mai hay Nam Kinh mai. Trong văn chương, tượng trưng cho mùa đông.
[8] Có lẽ tác giả cho biết ông đã bắt đầu viết nhật ký từ hồi đầu thập niên 1910.
[9] Bà vú tên là… O-Shin, mất vào năm 1918.
[10] Seiyôken (Tinh Dưỡng Hiên), một hiệu bán thực phẩm tây phương ở Ginza, khu phố sầm uất của Tôkyô. Seiyô còn có thể đọc Tây Dương (phương Tây).
[11] Xuân Đào thi sao, tên tập thơ của Mori Shuntô森春涛(1819-89), một thi nhân cuối Mạc phủ đầu Meiji, được biết như người sành Hán thi, người từng theo học ông ngoại của Kafuu nhưng lại là thầy dạy thơ cho thân phụ ông.
[12] Lang Sĩ Nguyên (727-780) và Bạch Cư Dị (772-846) đều là nhà thơ có tiếng đời Đường.
[13] Tiểu Đỗ là Đỗ Mục (803-852) cũng như Đỗ Tuân Hạc (846-904) đều là hai nhà thơ nổi tiếng đời Đường.
[14] Dĩ nhiên tác giả chơi chữ “đoạn trường” theo 2 nghĩa.
[15] Kafuu đặc biệt thích tập thơ này và tác giả này. Vương Thứ Hồi ( ? – 1642) là một thi nhân thời Minh mạt.
[16] Bình tiên là rắn rết, sâu bọ.
[17] Bầu lớn (cự hoạch), Nam Hoa, soi giếng (giám tỉnh) …là những từ ngữ liên quan đến nội dung trước tác của Trang Tử (thiên Tiêu Dao Du sách Nam Hoa Kinh).
[18] Một không gian nhỏ ăn sau vào góc phòng trong một căn buồng kiểu Nhật để chưng bình hoa hay treo liễn đối và các bức họa.
[19] Trên trường phái múa rối búp bê Jôruri do nghệ nhân Miyakôji Sonohachi khai sáng vào khoảng năm 1750-1770. Điệu Sonohachi chậm và buồn, nhẹ nhàng và kín đáo, hợp với người lớn tuổi.
[20] Tên rạp hát có hơn 1000 chỗ ngồi, nơi trình diễn kịch mới kiểu Tây phương, được khai trương vào năm 1908.
[21] Từ năm 1877, phải có giấy phép của sở cảnh sát mới được hành nghề geisha.
[22] Kinpu Sanjin = Kim Phụ tản nhân, một bút hiệu cổ kính của Kafuu. Kin đọc theo âm Nhật (kun.yomi) là Kane hay Kana, vốn có ý nói về Kanetomi, khu phố sinh quán của nhà văn ở Tôkyô.
[23] Chi nhánh của một ngôi đền ở vùng Toyokawa tỉnh Aichi. Tín ngưỡng thờ thần chồn rất phổ biến trong giới lao động bình dân và các xóm lầu xanh.
[24] Xóm ăn chơi có tiếng đương thời ở ngay giữa Tôkyô.
[25] Họ toàn là những người sành âm nhạc cổ điển. Riêng Miyazono Sensai, theo E.S., là một bậc sư phó ở Yagenbori… PF. lại cho rằng đây có thể là một cái tên tưởng tượng cũng như những nhân vật được nhắc đến bên cạnh. Thầy dạy Jôruri của Kafuu tên thật là Senshun千春. Các bậc thầy này tên đều bắt đầu bằng chữ Sen 千như vị thầy đầu tiên là Miyazono Senshi宮薗千之, sống khoảng niên hiệu Tenpô (Thiên Bảo, 1830-43).
[26] Edôza 江戸座chỉ một trường phái thơ Haikai, do Takarai Kikaku宝井其角, học trò của Bashô cầm đầu.
[27] Niên hiệu Bunka (1804-18)
[28] Tức Sawada Tôkô Genrin 澤田東江源鱗 (1732-96), thư pháp gia viết theo phong cách cổ điển đời Đường.
[29] Chữ Rin 鱗(lân), bộ phận của nghệ danh Tôkô Genrin có nghĩa là “vảy cá” đồng âm với rin 林(lâm) trong lâm ly (quả táo) trong bút danh của Yô-san.
[30] Chơi chữ giữa Am (cái am) và Đường (ngôi nhà). Ngoài ra, bộ phận bên mặt của chữ “go” trong ringo (quả táo) có thể đọc là “kin” tức “cầm” với nghĩa “loài chim”.
[31] Cái tên từa tựa bút danh một nhà văn thời Edo (Tomita Sainan) nhưng chỉ có một nghĩa hoàn toàn diễu cợt là “tai nạn (sainan) ở đâu bay tới (tonda)”.
[32] Có nghĩa là “Tám cảnh hờn ghen trách móc”, trong đó anh nhà buôn Hanbei vùng Ômi trách móc cô geisha tên là Koina vì ghen tuông với người khách của cô ta. Cũng ngụ ý nói đến “Tám phong cảnh đẹp (bát cảnh) của vùng Ômi..
[33] Nhân sinh ngũ thập. Theo quan niệm của người xưa, cái tuổi 50 đã là gần đất xa trời.
[34] Tên văn vẻ của nơi gặp gỡ, có lẽ một thanh lâu (sẽ được nhắc tới trong những trang sau).
[35] Điệu Sonohachi kể sự tích nhà buôn Hanbei, một thương nhân Ôsaka vì ăn tiêu lãng phí, phải dọn về sống ở vùng quê Ômi.
[36] Tên hai nhân vật trong một điệu Sonohachi khác có chủ đề chết chung vì tình. Nội dung của nó tương tự vở kịch Nagamachi Onna Harakiri (Chuyện tự vẫn của người đàn bà ở Nagamachi) của Chikamatsu.
[37] Tên cũ một khu vực ở Tôkyô, ngày nay nằm gần cầu Ryôgoku.
[38] Nagauta và Kiyomoto là điệu hát trong tuồng búp bê Jôruri, có thể trình diễn trên sân khấu công cộng hay một thính phòng trong khi Utazawa – một tục khúc ngắn, tinh tế và xuân tình hơn – chỉ để hát trong vòng thân mật ở các trà thất hay du thuyền , thường do các geisha hay kỹ nữ đảm nhận.
[39] Xóm Kobiki này nay là một phần của Ginza, khu trung tâm Tôkyô.
[40] Ở đây ý nói một căn phòng dùng để tiếp khách trong một ngôi nhà hẹn hò.
[41] Những trường phái trình diễn Jôruri cổ kính, nhẹ nhàng và thanh lịch nhất.
[42] Ko-Han là tên nghệ sĩ của O-Han.
[43] 萬緑叢中点一. Chú thích của P.F. cho biết là thơ một nhà thơ và quan lại Trung Quốc vào thế kỷ 11 tên là Wang Ngan-cheu. Người dịch chưa rõ đích xác là ai?
[44] Một rạp hát Kabuki nổi tiếng hiện vẫn còn trong khu Ginza. Mỗi năm đều có một cuộc trình diễn đặc biệt của các geisha.
[45] Sư phó Miyazono Sensai.
[46] Thơ Đỗ Mục 杜牧(trong Bạc Tần Hoài). Thương nữ 商女có 2 nghĩa: gái thương hồ và kỹ nữ. Hàm ý “kẻ hời hợt, vô tâm”. E.S. dịch là “gái đất Thương” (The Shang woman) e không hợp ngữ cảnh.
[47] Toyotomi Hideyoshi 豊臣秀吉(1537-1598), Tể tướng nổi tiếng yêu trà đạo, cũng là một trong 3 người có công thống nhất Nhật Bản.
[48] Yosha Buson 与謝蕪村(1716-1783), nhà thơ haiku và họa gia ở Edo. Watanabe Kazan 渡辺崋山(1793-1841), chí sĩ duy tân và văn nhân đa tài, chuyển từ Nho học sang cái học Tây phương, đã đưa phương pháp hội họa Âu châu vào Nhật Bản.
[49] Tani Bunchô谷文晁 (1763-1840), người cuối đời Mạc phủ, tham bác kỹ thuật hội họa truyền thống và hội họa tân tiến, đã dựng lên được một họa phái. Ngôi nhà ông ở được gọi là Shazanrô写山楼, có nghĩa là ngôi lầu, từ đó có thể ngồi ngắm núi Fuji để vẽ.
[50] Itohei 糸平(Ông Heihachi dệt tơ), ám chỉ Tanaka Heihachi 田中平八, chủ nhân xí nghiệp dệt nổi tiếng đầu đời Meiji. Còn có hỗn danh là Tenka no Itohei 天下の糸平(Heihachi, nhà dệt tơ sợi vĩ đại).
[51] Tập quán hiện vẫn tồn tại ở Nhật: người chủ nhà có khi không phải là chủ nhân miếng đất trên đó ngôi nhà được xây.
[52] 30 x 3m2 vị chi khoảng 90m2.
[53] Tục lệ ở các đến Thần Đạo khi khách hành hương muốn báo cho chư thần mình đang đến viếng.
[54] Kawada Dempuku 川田田福 (1721-93), nhà thơ haikai sống ở Kyôto vào thời Edo.
[55] Khu dinh cơ của samurai thời Edo, đối lập với xóm bình dân Shitamachi.
[56] Amano Tôrin天野桃隣 (1639-1719), nhà thơ haikai sống ở Edo, môn đệ Bashô.
[57] Umegoyomi梅暦 (Cuốn lịch hoa mơ, 1852), tiểu thuyết tình cảm của nhà văn Tamenaga Shunsui為永春水 (1790-1843), có kèm theo tranh của Keisai Eisen với nhưng đường nét mềm mại và đồi phế, tương phản với nét bút tinh tế nhưng chửng chạc trong tranh mộc bản của Suzuki Harunobu 鈴木春信 ( 1725-1789).
[58] Phong cách niên hiệu Tenmei天明 (1781-89) chính ra đã bắt đầu trước đó khoảnh 15 năm. Thời này được đánh dấu bằng sự bén nhạy trong lối thưởng thức nghệ thuật nơi người Nhật.
[59] Câu thơ nói trên ám chỉ một đạo luật ra đời năm 1743 cấm lối quấn khăn lụa che đầu nhưng bịt kín cả mặt chỉ chừa đôi mắt. Qua sự tiếc nuối cái khăn lụa đó, tác giả muốn tỏ ra thương tiếc một thời đại tự do bôn phóng không còn nữa.
[60] Để phòng chống động đất, ở Nhật khi xây nhà thường phải làm công việc cần thiết này.
[61] Yên thạch thập chủng 燕石十種do hai ông Iwamoto Sashichi và Iwamoto Kawazumaro biên soạn. Gồm 3 quyển, ra đời năm 1863, thu lượm 10 loại truyện vặt vãnh nhưng lý thú xảy ra dưới thời Edo trong khoảng năm 1836-1863. Yên thạch có nghĩa là “hòn đá tầm thường mà muốn lấp lánh như ngọc quí”.
[62] Tùng diệp 松の葉(Lá tùng), tác phẩm 5 quyển do người mang biệt hiệu Shuushôken秀松軒 (Tú tùng hiên) biên tập, in ra vào năm 1703, gồm nhiều ca khúc cổ điển Nhật Bản mọi hình thức kể cả Jôruri, viết cho đàn shamisen.
[63] Tên 3 tập ca từ khác vào thế kỷ thứ 18, theo thứ tự có nghĩa là : “Tình yêu, trúc và hoa lan” (vốn là một tuyển tập Jôruri phái Tosa vào đầu thế kỷ 18), “Lá quạt lụa của Miyako” (1740, tuyển tập ca từ trường phái Itchuu), “Tập ca khúc của Masumi” (1764-1771, tuyển tập ca từ trường phái Katô).
[64] Futabatei Shimei二葉亭四迷(1864-1909), nhà văn Nhật tiên phong của phong trào viết văn như văn nói, chuyên dịch văn chương Nga. Cuốn Ukigumo 浮雲(Mây trôi giạt, 1899) của ông là một tác phẩm hoàn toàn viết theo văn nói.
[65] Người dịch muốn ám chỉ cách viết mới sử dụng “da, de aru” tương đương với “this is, that is” trong Anh ngữ mà Kafuu xem là bộc tuệch và nhạt nhẽo.
[66] Thể 5,7 của văn viết như trong tiểu thuyết gesaku, waka hay haiku, có tính biền ngẫu, giàu chất thơ và nhạc điệu chứ không khô khan như văn nói.
[67] Kafuu muốn nhắc tới Higuchi Ichiyô 樋口一葉(1872-1896) và Ozaki Kôyô 尾崎紅葉(1867-1903), hai nhà văn cổ phong thời Meiji với lối hành văn hoa lệ , thanh nhã.
[68] Chikufujin 竹婦人(1680-1759) vừa là chủ một thanh lâu xóm Yoshiwara vừa là một nhà thơ haikai thời Edo và soạn giả tuồng Jôruri trường phái Katô. Vở tuồng Tamagiku Tsuizen Mizuchôshi 玉菊追善水調子(Khúc hát truy điệu nàng Tamagiku, 1728) của ông được viết ra để tưởng nhớ một kỹ nữ tài hoa đã chết trước đó 3 năm. Trong Nhật ngữ, Chikufujin ám chỉ cái lồng làm bằng trúc dùng như gối ôm. Còn vở Ranshuu Tsuizen Ukabuse 蘭州追善 浮かぶ瀬 (Họp mặt truy điệu Ranshuu) cũng là một vở tuồng truy điệu khác mà đối tượng là một người bạn của tác giả, Ranshuu 蘭州, đứng đầu trường phái Katô, mất vào năm 1731.
[69] Làm liên tưởng tới thơ Đỗ Phủ: Tế vũ thấp y khan bất kiến. Nhàn hoa lạc địa thính vô thanh ( Lâm thâm mưa ướt nào hay biết. Hoa lặng rơi không một tiếng vang).
[70] Ihara Saikaku井原西鶴 (1642-1693), tiểu thuyết gia thời Edo chuyên về tiểu thuyết phong tục. Cũng là một nhà thơ haikai.
[71] Yokoi Yayuu横井也有(1702-1783), người viết haibun俳文 nổi tiếng, quê ở Nagoya. Ông đã lui về ở ẩn khi mới có 42 tuổi dể chú tâm vào văn chương. Haibun là một hình thức văn nghệ đứng giữa văn xuôi và văn vần, đòi hỏi người viết kiến thức uyên bác và tài nghệ dùng chữ chọn câu.
[72] Uzura no koromo 鶉衣(Áo chim cút = Áo vá đụp), tập haibun 5 quyển của Yokoi Yayuu.
[73] Shoku Sanjin蜀山人 (1749-1823), người quê Edo, quan lại Mạc phủ, tên thật là Ôta Nampô太田南畝, một trong những bộ óc hài hước và châm biếm nhất của thời ấy. Tác giả nhiều bài kyôka狂歌 (cuồng ca) trêu chọc người đời.
[74] Genroku元禄 (niên hiệu Nguyên Lộc thời Edo trung kỳ, 1688-1704), một đỉnh cao của văn hoá Nhật Bảnkhi văn hóa miền Đông (Edo) bắt đầu chiếm ưu thế so với văn hoá miền Tây (Ôsaka).
[75] Uneme 采女là tên người kỹ nữ ở xóm lầu xanh Yoshiwara đã tự trầm lúc mới 17 tuổi vì tình yêu trắc trở của cô với một nhà sư. Edo Meisho Zue 江戸名所図会là tập sách hướng dẫn du lịch ra đời khoảng năm Tempô天保( 1830-44).
[76] Tê thủ: tên một chức quan ở Trung Quốc thời xưa. P.F. cho là để ám chỉ chuyện liên quan đến Kong-souen Heng (mà vì phiên âm theo lối Âu nên người dịch không rõ là ai).
[77] Hoàng Tổ là hào tộc địa phương đời Tam Quốc, đã sát hại cuồng sĩ Nễ Hành vì họ Nễ dám coi khinh ông ta.
[78] Có lẽ Đỗ Hồng Nương, một danh kỹ đời Đường hay những người “con gái lầu hồng” nói chung.
[80] Hán thi không rõ tác giả.
[81] Trích một đoạn ca từ viết theo truyền thống Sonohachi vào niên hiệu Meiwa (1764-1772) trong vở tuồng Hanasato no irohito (Sợi tơ màu trong làng hoa), tác phẩm của người khai sáng trường phái.T ác phẩm nói đến chuyện “quyên sinh vì tình” của anh chàng hào hiệp Bunzô và kỹ nữ O-Shizu ở Gion (Kyôto).
[82] Một đoạn trích từ ca từ của Kuzetsu Hakkei (Tám cảnh hờn ghen trách móc). Xem thêm chú thích bên trên.
[83] Kafuu là người say mê Kabuki nên không có cảm tình với hai loại hình sân khấu này.
[84] Áo của nam giới bên ngoài phải trang nhã. Chỉ có các cô geisha mới rực rỡ hoa hòe bên ngoài.
[85] Cách bước đi của một geisha. Ý Yô-san tự hỏi O-Han có trở về nghề cũ hay không.
[86] Nagai Kagen 永井禾原 (1852-1913), biệt hiệu người cha của Kafuu, một công chức hành chánh cao cấp chuyển sang ngành ngân hàng, cũng là một nhà thơ chữ Hán có tiếng sinh giữa buổi giao thời Mạc Phủ và Duy Tân.
[87] Tùy theo hình thái cần cổ của cây đàn mỏng hay dày, tiếng đàn shamisen có thể trầm bổng khác nhau. Giọng trầm ở đây là vì chiếc đàn có cần dày (futazao).
[88] Đàn shamisen có thể chỉnh theo 3 cung bậc và giữa bản nhạc, theo nội dung, người chơi đàn có thể so lại giây để lên xuống một cung.
[89] Vở tuồng Toribeyama鳥辺山 này đã được soạn ra bởi Miyakoji Sonohachi II 宮古路薗八二世vào niên hiệu Meiwa ( khoảng 1766-1767) cũng với chủ đề quyên sinh vì tình. Nó được xem như một tác phẩm hàng đầu của trường phái Sonohachi. Núi Toribe gần Kyôto xưa là nơi đốt xác người chết, nằm phía Tây Nam chùa Kiyomizu.
[90] Bunkyuu (niên hiệu tính từ năm 1861-1865).
[91] Meiji 30 là năm 1897.
[92] Đây là một câu trích từ ca từ vở tuồng Toribeyama (xem chú thích ở trên). Kasane-izusu 重井筒là cái giếng có nắp có thanh đan tréo đậy trên nhưng cũng ám chỉ tên vở tuồng Jôruri của soạn giả tài danh Chikamatsu Monzaemon近松門左衛門 (1653-1724). Văn ý của câu trên là : Đó là những lời khuyên bảo có giá trị hơn cả những gì đã được nghe trong vở tuồng Kasane-izutsu. Ở đây, Kafuu muốn nói “nếu chưa từng thấy cái giếng cổ giống ra sao thì làm sao hiểu được ý nghĩa của ca từ liên quan đến giếng”.
[93] Câu hát ở xóm làng chơi Yoshiwara. Người khách bực tức vì còn muốn ở lại chơi tiếp nhưng vì quá say, sáng ra phải lên chiếc kiệu đón mình về nhà.
[94] Gogenshuu hay Ngũ nguyên tập 五元集 (1747) là một tập thơ qui tụ một số các tác phẩm của Takarai Kikaku宝井其角, cao đệ của Bashô viết trong khoảng thời gian từ 1673 đến 1707 trải qua 5 niên hiệu (Empô, Tenwa, Teikyô, Genroku, Hôei).
[95] Ở vùng Asakasa.
[96] Henri de Régnier (1864-1936), tiểu thuyết gia người Pháp khuynh hướng tượng trưng sau chuyển qua phái tân cổ điển. Ông là người ảnh hưởng nhiều đến văn nghiệp Kafuu.
[97] Fernand Gregh (1873-1960), nhà thơ và phê bình văn học, được bầu vào vào Hàn Lâm Viện Pháp năm 1953
[98] Bài thơ này nhan đề J’ai trop pleuré (Tôi đã khóc quá nhiều) mà Kafuu đã chép bằng tiếng Pháp trong nguyên tác, vốn trích từ thi tập La maison de l’enfance (Ngôi nhà tuổi thơ) của Fernand Gregh. Kafuu đã dịch sang tiếng Nhật trong Sangôshuu (San hô tập珊瑚集), cuốn thơ dịch của ông. Bài thơ chép ra ở đây có vài lỗi vì Kafuu bỏ quên một số chữ (có thể thấy trong ngoặc kép) mà nhà xuất bản dịch phẩm của Pierre Faure đã chỉnh lại cho đúng.
[99] Năm 1918 tức lúc Thế chiến thứ nhất kết liễu, Kafuu cho bán khu dinh cơ thừa hưởng từ bố mẹ ở khu Ôkubô, chỉ giữ lại sách vở và dọn về xóm Tsukiji, bình dân hơn. Chính ra ông chỉ ở địa điểm thứ hai này có một năm rưỡi trước khi đi chỗ khác.
[100] Minh Thi Tổng, thi tuyển đồ sộ về thơ từ niên hiệu Hồng Vũ đến Sùng Trinh, gồm 100 quyển có đến 3.400 bài do người đời Thanh thu thập được, in ra vào khoảng năm Khang Hy 44 (1705).
[101] Mao có thể là Mao Khôn毛坤, đọc Mao K’ouen theo phiên âm sang tiếng Pháp (P.F.) và Mao K’un theo ti ếng Anh (E.S.), một nhà thơ sinh và mất năm 1512-1601.
[102] Tắng甑: cái nồi hấp bằng đất. Hậu Hán Thư, truyện về Phạm Nhiễm, có câu: Tắng trung sinh trần, phủ trung sinh ngư (Bụi đóng trong nồi, cá lội trong chõ) ý nói cảnh nghèo không có củi lửa, cái ăn.
[103] Nhan đề (Mãi Trạch Ký) có nghĩa là “Ghi chép về việc bán nhà” giống như đề tài bài thơ (Mãi Trạch).