Tôi người Huế nhưng không có diễm phúc lớn lên dưới mái chùa Thiên Mụ hay lắng nghe tiếng chuông Diệu Đế bởi những biến thiên dâu bể. Hình ảnh dòng sông Nhật Lê, phố An Cựu nhạt nhoà theo lời mẹ kể về cuộc di cư vào Nam khi tôi mới vài tháng tuổi. Tuổi ấu thơ của tôi gắn liền với khung cảnh núi rừng thâm u. Tôi không nhớ đã yêu trăng tự lúc nào, chỉ nhớ là rất mê ngắm trăng, một cái thú mà lắm lúc làm cho mẹ tôi phải phàn nàn. Mẹ năm lần bảy lượt gọi tôi vô ăn cơm tối, nhưng tôi cứ lưỡng lự vì mải say sưa vân du cùng bóng nguyệt. Giữa núi rừng hoang vu tĩnh mịch, tôi bầu bạn cùng trăng và ánh trăng là niềm an ủi vô tận. Ánh sáng mờ đục rọi xuống sân nhà đã cùng tôi dệt bao mộng mơ.
Chìm sâu trong màn đêm, cú kêu não nề như tiếng rên rỉ những oan hồn yểu tử dưới lòng đại dương ở góc trời xa. Nơi tôi ở không chùa không miểu, tứ bề hoang vu. Góc nhà tranh vách đất, ánh đèn dầu liu riu và tấm hình Phật nhỏ xíu được chưng trên bàn. Không biết ai dạy mà chị tôi biết lỏm bỏm đọc kinh. Tôi là đứa em út nhút nhát. Chị lớn hơn tôi vài tuổi, lanh lợi. Chị kêu chấp tay tôi chấp tay, biểu quỳ tôi quỳ và bắt tôi niệm Phật theo. Mỗi cử chỉ của chị đầy thành tâm và nghiêm trang khiến tôi nể sợ, mặc dầu chị không giải thích ý nghĩa của việc chị làm, chắc thấy tôi nhỏ nên chị không màng giải thích mà chỉ bắt làm theo. Đêm đêm, chị em tôi chúi đầu quỳ lạy trước tấm hình Phật trong khói hương nghi ngút. Đó là lần đầu tiên tôi “thấy” và “cảm” Phật với nét mặt hiền hoà, nụ cười từ bi đã lay động trái tim bé nhỏ của tôi.
Lúc tôi lên bảy tuổi, gia đình quảy về thành thị, nói là thành thị nhưng nơi tôi ở vẫn mang cảnh thôn quê. Trong một dịp Vu Lan, mẹ và chị dẫn tôi lên thiền viện cho quy y. Thiền viện Thường Chiếu mới, đẹp với nhiều kiến trúc mỹ thuật. Cảnh chùa khang trang, thanh tịnh với hàng dương liễu đong đưa.
Lần đầu tiên nghe tiếng chuông, tôi ngẩn ngơ. Âm thanh trầm mặc gợi chút u buồn vốn ẩn dật đâu trong tiềm thức và kể từ đó tôi rung động bởi tiếng chuông chùa. Thiền viện trở thành chốn thân quen. Những ngày nghỉ học, tôi lân la thiền viện phụ giúp mấy sư cô làm việc vặt: xe nhang, sao chép kinh thư. Hình ảnh sư cô ì ạch đèo thùng nhang lên con dốc dưới cái nắng oi ả giữa trưa hè khiến tôi cảm động. Tôi thương những giọt mồ hôi đẫm ướt chảy dài trên khuôn mặt hiền từ. Tôi thường tìm đến sân chùa ngồi hóng gió mát, ngắm cảnh và để được nghe tiếng chuông chùa trầm bỗng ngân vang. Âm thanh thanh thoát xoáy vào thâm tâm buồn bã gợi bao ảo giác lạ lùng: huyền thoại như cổ tích, chập chờn như mộng mị. Đêm xuống, ánh trăng bàng bạc bao phủ ngôi thiền viện. Mùi trầm nhang quyện vào không gian bao la khiến khung cảnh thêm huyền ảo. Hình ảnh đó in sâu vào tim óc mà khiến tôi bao năm qua vẫn thổn thức.
Sau đó tôi qua Mỹ định cư tại một tiểu bang lạnh giá, hiu hắt người Việt. Nơi tôi ở không một bóng chùa, chỉ một đạo tràng nhỏ được nhiều bác qua trước hùn lo. Đạo tràng cách nhà tôi hơn một giờ lái xe, không khí ấm cúng đượm tình đồng hương. Thỉnh thoảng tôi đi ké xe những bác gần nhà. Đó là mái chùa đầu tiên tôi đến trên xứ Mỹ, nơi sưởi ấm những ngày đông tuyết. Cuộc sống trở nên bận rộn khiến tôi ít có dịp ghé đạo tràng hay thưởng thức trăng. Trăng lặng lẽ theo tôi vào đời. Căn phòng ngủ của tôi có cửa sổ hướng ra phía sau vườn, nơi có bóng cây và ánh trăng hắt về phía phòng ngủ. Nhìn ánh trăng huyền mặc, tôi chạnh lòng nhớ lại tháng năm xưa. Ký ức xanh thỉnh thoảng trỗi dậy, nhưng cảm xúc không còn nguyên trinh như thủa lên năm lên bảy. Hình như trăng cũng lớn dần. Trăng không còn e thẹn ngập ngừng, trắng lung linh nhưng có vẻ vàng đục hơn. Trăng cạn cùng tôi chén sầu viễn xứ. Bao năm rong ruỗi mộng phù trầm, bao ảo ảnh vờn cợt khiến hồn sướt mướt:
“Kìa xem bóng nguyệt lòng sông
Ai hay không có, có không là gì ?” (1)
Có rồi không, không rồi có, tất cả rồi cũng như ảo mộng như chiêm bao, như “bóng nguyệt lòng sông”. Tôi tìm lại ánh trăng và tiếng chuông như tìm sự bình an. Tiếng chuông không còn là âm thanh huyền thoại như cổ tích, như mộng mị ngày xưa. Bây giờ, chuông vọng tỉnh thức, chuông gợi từ tâm. Trăng vẫn bồng bềnh, huyền hoặc. Dường như trăng đã lên non tự thủa nào mà tôi vẫn bôn ba xuôi ngược với trăm gánh đường đời:
Ôi! Con trăng sầu vạn cổ
Đành quảy mộng lên non
Con trăng bỏ chợ lên non
Con đời lẩn quẩn mắc còn duyên sinh! (2)
Lẩn quẩn với ra đi trở về, với quá khứ hiện tại, với gặp gỡ ly tan, hương sầu tịch mịch phủ trùm kiếp nhân sinh. Bốn mươi năm vèo trôi như thoáng mộng, tôi gặt hái, chiêm nghiệm ít nhiều nghiệt ngã, khổ đau. Ánh trăng và tiếng chuông năm nào đã đưa tôi vào đời, ru tôi với những ngày tháng tha hương, trôi nổi theo bước chân lưu lạc. Qua bao hụp lặn, hai hình ảnh đó ẩn hiện mãi trong tâm tưởng và ngày càng trở nên da diết. Trăng và tiếng chuông bây giờ là hai hình ảnh tương phản quấn chặt miền tâm thức. Trăng mang tôi đến cõi bồng bềnh, lãng đãng sương khói. Tiếng chuông quất vào tôi những làn roi tỉnh thức, thôi thúc sự giải thoát khỏi bao mê lầm. Khi khổ đau chín mùi và tỉnh thức dâng cao, cả hai hoà tan trong dòng cảm xúc mãnh liệt và tất cả tan biến dần, nhường chỗ cho sự tịch lặng tuyệt đối. Mọi lao xao, gò bó, khuôn khổ, định kiến, hơn thua…không còn ý nghĩa, chỉ còn tiếng chuông như một thông điệp từ bi, trí tuệ nhắn nhủ quay về với tự tánh:
Ta muốn nhặt bóng mình
trong đám bèo rong trôi nổi
khởi giác niệm
bên tách trà
dong ruỗi ngắm trăng sao
ừ thôi thế cuộc xoay vần
người đi kẻ ở bao lần đổi thay
ừ thôi về ngắm mây bay
ừ thôi giã biệt tháng ngày trở trăn (3)
Chúng ta rời quê hương mang theo biết bao hình bóng cũ: cây đa, bến nước, ngôi chùa cổ, mái trường làng, vv…Hình ảnh, dư âm xưa có nhạt nhòa theo năm tháng nhưng luôn ở trong tiềm thức và một hôm nao chợt bừng dậy một vùng ký ức khiến lòng xao xuyến, nao nao:
Từ thuở ra đi vắng bóng chùa
Đường đời đã nhọc chuyện hơn thua
Trong tôi bừng dậy niềm chua xót
Xao xuyến mơ về lại cảnh xưa (4)
04.02.2017
Lê Diễm Chi Huệ
—————————–
Xem trích dẫn:
(1)Hữu Không. Thiền sư Đạo Hạnh, Bản dịch Huyền Quang Tam Tổ ( Xem bản điện tử trong trang nhà Thivien.net)
(2)Con Trăng Bỏ Chợ Lên Non. Thơ Lê Diễm Chi Huệ ( Xem bản điện tử trong trang nhà Lediemchihue.com)
(3) Ừ Thôi Núi Mãi Chênh Vênh. Thơ Lê Diễm Chi Huệ ( Xem bản điện tử trong trang nhà Lediemchihue.com)
(4)Nhớ Chùa. Thơ Hòa thượng Mãn Giác (Xem bản điện tử trong trang nhà Thivien.net)